Nghiệt duyên - Chương 20

Angsumalin đứng yên, trong cơn giận của mình cô thấy xen lẫn cả cảm giác xấu hổ. Khuôn mặt trắng trẻo đôi chỗ rám lại vì nắng gió đang cúi thấp, bàn tay to khỏe cầm cành hoa một cách dịu dàng, thật không tin nổi anh ta lại có thể làm việc này.

“Ở Nhật, phụ nữ đều phải biết cắm hoa.”

Giọng anh ta đều đều, không thể hiện tâm trạng hay cảm xúc gì, tựa hồ đang giảng giải cách cắm hoa cho một thính giả chăm chú lắng nghe.

“Mẹ tôi cắm hoa đẹp lắm, tiếc là không có con gái để kế tục tài năng của mẹ, chỉ có mỗi một đứa con trai. Tôi thường hay xem mẹ tôi cắm hoa, nên ghi nhớ được chút ít, hôm nay mới có dịp thử xem thế nào.”

“Chưa bao giờ cắm hoa ư?”

Giọng cô nghe dịu xuống vì ý thức được là mình không phải. Kobori cười tươi khoe hàm răng trắng, vội lắc đầu:

“Chưa từng. Vì người Nhật coi cắm hoa, chăm nom nhà cửa, nấu cơm nội trợ là việc phụ nữ phải làm để phục vụ đàn ông.”

Cành hoa giấy bị uốn cong gần chạm mặt bàn, phía đầu cành là một bông hoa màu thắm. Tiếp đó là đóa hoa trà trắng muốt nổi bật trên cành hoa giấy ngắn hơn chỉ lưa thưa một ít lá và hoa, trông lạ mắt. Angsumalin ngắm rồi mỉm cười:

“Đẹp quá.”

Lời khen có tác dụng ngay, khiến anh ta phấn khởi đưa tay chạm vào cành cao nhất, cố gắng giải thích cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Nhật.

“Cành cao nhất là thượng giới, tiếp theo là con người, rồi đến mặt đất.” Cô gái hơi chau mày nhưng không chịu cất lời hỏi.

“Người ta dùng cành hoa để thay cho ba thứ đó. Nếu trông trống quá thì có thể thêm một cành nữa vào dưới bầu trời nhưng cao hơn con người, tượng trưng cho đỉnh núi.”

Cô gái đoán: “Vì núi cao hơn con người và nâng đỡ bầu trời.”

Kobori gật đầu cười ra vẻ cảm ơn, rồi giảng giải tiếp:

“Ngoài ra có thể dùng hoa, lá để hỗ trợ nhưng không nên quá dày.”

“Người Thái không chuộng kiểu cắm hoa này, chúng tôi thường ngắt hoa ra xâu thành chuỗi hoặc kết thành hình.”

Angsumalin nhẹ nhàng nói. Đôi mắt đen dài và mảnh của anh ta liền nhìn cô đầy vẻ hào hứng:

“Làm như thế nào? Cô có thể làm cho tôi xem được không?”

Cô gái hơi sững lại một chút rồi trả lời nước đôi:

“Có thể được nếu... tôi có thời gian.”

Bà Orn bước ra khỏi phòng cùng lúc Kobori chuyển từ tư thế quỳ sang đứng.

Bác sĩ mỉm cười nhìn, rồi quay sang chầm chậm nói với cô gái để cô có thể nghe kịp:

“Kobori biết làm nhiều thứ như phụ nữ vậy, nào là nấu ăn, cắm hoa, chơi đàn, nhưng cũng là một sĩ quan giỏi.”

“Ang, con đưa bác sĩ và cậu Dookmali đi rửa tay đi, để còn ăn cơm.”

Đây là lần đầu tiên cô không khỏi mỉm cười trước biệt danh Dookmali của anh chàng. Nhất là khi thấy gương mặt trắng trẻo mà mũi và trán lại đỏ ửng vì rám nắng, tương phản với vệt râu xanh xanh quanh cằm, nụ cười ngố ngố nở trên môi và vẻ mặt ngờ nghệch như không hiểu gì hết, cô lại càng buồn cười. Vì thế, điệu bộ cứng rắn lạnh nhạt lúc ban đầu cũng dần dịu đi.

Món canh chua cay rưới góc đĩa cơm xâm xấp, tuy không cay lắm nhưng vì lưỡi không quen đồ cay nóng nên người ăn cũng mặt mũi đỏ bừng, nước mũi sụt sịt còn miệng thì xuýt xoa liên tục.

“Có ngon không?”

Bà Orn chỉ vào đĩa cơm, nói chậm từng từ. Kobori mở miệng cười ngượng nghịu, gật gật đầu nhưng không nói được gì.

“Ang, đẩy đĩa trứng lại gần cậu ấy đi con.”

Sau đó, cả hai người khách đều tránh không dám đụng tới món canh màu đỏ sánh sánh trông bắt mắt ấy nữa.

“Đồ ăn Thái cay thật.”

Chàng trai thật thà nói. Angsumalin cười đầy ngụ ý.

“Chính vì lý do này mà người ta bảo đồ ăn phản ánh tính cách con người Thái, bộc trực cương quyết, không dễ quên điều gì.”

“Người Nhật thì không thích ăn cay nên làm gì cũng ưa từ từ, chậm rãi. Nhưng chúng tôi cũng có một câu tục ngữ nói rằng “hận thù là đồ ngọt”, khiến ta dễ bị hấp dẫn nhưng ăn vào chỉ có hại cho mình. Chúng tôi là đất nước coi trọng lời nói, coi trọng sự thật, cảm giác yêu ghét giận hờn chúng tôi không để lâu trong bụng!”

Angsumalin cảm thấy đôi mắt đen sắc sảo ấy nhìn thẳng vào mỗi mình cô.

“Hãy cẩn thận. Có thể anh sẽ gặp một số người Thái cũng sống đúng như câu tục ngữ của Nhật ‘hận thù là đồ ngọt’!” Cô gái nhìn thẳng vào đôi mắt ấy, đăm chiêu.

Kobori cau mày vẻ thắc mắc nhưng rồi phải vội giữ phép lịch sự, quay sang nghe bà Orn nói khi thấy bà cố gắng bắt chuyện bằng tiếng Thái:

“Người ta nói nước Nhật đẹp lắm, phải không?”

“Nước Nhật là...”

Anh ta đưa tay ra hiệu rối rít vẻ bất lực và bật ra một từ tiếng Anh rồi đành nhìn người ngồi đối diện.

“Quần đảo”, Angsumalin dịch với vẻ khó chịu. Kobori thở hắt ra.

“Phải rồi... là quần đảo, nên đẹp kiểu nature.”

“Tự nhiên!” Cô phiên dịch giải thích giúp mà không thèm nhìn ánh mắt đang tự cười bản thân.

“Không giống với Thái Lan, đẹp một cách êm đềm, dịu dàng khiến người ta phải ngắm nhìn, giống như hoa anh đào khi nở rộ.”

Lần này đôi mắt đen dài dẹt của anh ta như cố giấu đi ẩn ý gì đó. Giọng nói xen lẫn tiếng cười khiến cô gái vội ngẩng lên liếc nhìn. Khuôn mặt với nước da trắng mịn như tượng sứ chợt ửng lên, ánh mắt long lanh vì bực mình:

“Thái Lan chúng tôi, nếu ví với một loài hoa thì phải là hoa nhài hoặc hoa sen. Chúng tôi chẳng muốn là hoa của nước nào khác!”

“Đó là một suy nghĩ rất hay!”

Người nói đồng tình với vẻ mặt thản nhiên như không, làm anh bạn cũng phải cười tủm tỉm và càng khiến cô gái thêm bực tức.

“Ở Nhật có một bài hát rằng hoa anh đào chỉ đẹp nhất khi nở trên đất Nhật mà thôi, nếu như hoa anh đào nở ở nơi đâu khác thì sớm muộn cũng sẽ tàn héo...”

“Nếu như ở Thái Lan có cành hoa anh đào nào còn sót lại thì xin mời ngài đem về Nhật Bản, chúng tôi sẽ rất lấy làm biết ơn.”

Angsumalin kéo dài giọng mỉa mai. Đôi môi đỏ tương phản với hàng ria xanh mờ mờ mở rộng cười khoe hàm răng trắng bóng.

“Nhưng tốt nhất là nên có những bông hoa nhài nở trên đất Nhật, coi như là hoán đổi cho nhau để mối quan hệ giữa hai nước càng khăng khít hơn.” Người nói vẫn tìm cách chống chế cho bằng được.

Bà Orn ngồi nghe cuộc đối thoại mà không hiểu gì hết.

“Ôi, cái thứ tiếng ộ ộ kộ kộ của các cậu này, đến chết chắc mẹ cũng không làm sao mà hiểu được.” Bà Orn hài hước than vãn, rồi quay sang bác sĩ vẫn ngồi im nãy giờ.

“Bác sĩ, cậu có nói được tiếng Thái không?”

“Có biết... một chút ít...”

Anh ta phát âm còn ngọng hơn cả Kobori. Bà Orn chỉ vào cái kính dày cộp của anh ta, nói chậm rãi:

“Kính mắt.”

“Megane.”

Anh ta lập tức nói lại bằng tiếng Nhật, vừa nói vừa cười.

“Còn đây... cơm.”

Bà Orn chỉ vào đĩa cơm, anh bác sĩ nhìn theo:

“Gohan.”

Nhưng khi bà Orn vừa chỉ vào miếng thịt, cả hai chàng trai đều nhanh chóng đồng thanh trả lời:

“Thịt lợn... buta niku.”

Trong khi đó, Angsumalin nghĩ lại sự việc mà cô bắt gặp lúc chiều, trong lòng bứt rứt không yên. Cả hai người mải mê nói chuyện với mẹ cô, đôi khi hiểu, có khi không, lúc lại phá lên cười tự giễu mình. Cô gái thoáng nhìn người ngồi đối diện, khi cười gương mặt anh ta trông trẻ như một chàng thiếu niên. Thỉnh thoảng anh ta lại thốt lên:

“Hai.”

Và mỗi lần như thế bà Orn lại sửa:

“Phải, không phải là hai.”

Kobori tập đi tập lại mấy lần mới nói được sõi từ “phải”. Hai người khách nói chuyện đến tối mới đứng dậy xin phép ra về. Angsumalin thở dài. “Tối rồi, có lẽ về bằng thuyền sẽ tiện hơn.”

Cô gái nói bâng quơ. Chàng trai lắc đầu:

“Gần chút xíu thế này, chỉ cần đi qua cây cầu phía sau vườn là đến, lúc nãy chúng tôi cũng sang theo lối ấy.”

Angsumalin mím môi, nói mà không nhìn người nghe.

“Để tôi lấy thuyền đưa về.”

“Cảm ơn nhưng không cần đâu. Chỉ thế này là chúng tôi cũng cảm kích lắm rồi.”

“Không sao...”

Vừa nói cô vừa đứng dậy, nhưng hai vị khách đã cúi mình lịch sự tỏ ý cảm ơn rồi vội đứng lên trước.

“Xin cảm ơn nhiều, nhưng chúng tôi không muốn phiền cô đến thế.”

Đôi mắt to đen láy mang vẻ bồn chồn, đôi môi cô gái hơi hé mở như định nói điều gì đó nhưng rồi lại thôi. Hai chàng trai cúi mình chào hết lần này đến lần khác mới dứt ra về được.

“Khi nào rỗi, mời hai cậu đến chơi nữa nhé.”

“Hai... vâng ạ.”[24]

[24] “Hai” trong tiếng Nhật là phải, vâng.

Angsumalin đi ra tiễn hai người khách đến cổng và nhắc lần nữa khi dáng người cao lớn sắp bước xuống cầu thang theo anh bạn:

“Đường tối... đi về nhớ cẩn thận.”

Hàm răng trắng ánh lên trong bóng tối lờ mờ.

“Xin cảm ơn. Nếu tôi có làm sao bây giờ thì vong hồn tôi cũng sẽ đem niềm cảm kích này theo mãi.”

Nói rồi anh ta đi xuống cầu thang, men theo con đường đến khi khuất bóng sau rặng cây để cho cô gái đứng nhìn theo, trong lòng xen lẫn cảm giác nửa lo lắng nửa bực bội, lại vừa bất an.

“Ang, có chuyện gì thế con?”

Bà Orn ngẩng lên hỏi khi cô gái quay vào, quỳ xuống dọn bát đĩa trên bàn.

“Sao mẹ hỏi thế ạ?”

“Mẹ thấy sắc mặt con cứ có gì lo lắng, lạ lùng sao đó. Có gì không con?”

Giọng nói tình cảm của người mẹ làm cô gái thở dài, ngừng tay giây lát, nhưng rồi vẫn im lặng, tiếp tục việc đang làm dở.

“Không có gì đâu ạ.”

“Không phải rồi. Mẹ đã nhận thấy từ lúc chiều rồi kia, con cứ lơ đãng, giật mình giật mẩy như đang sợ hãi, lo lắng điều gì đó. Khách đến con lại càng có vẻ suy tư, rồi còn tỏ vẻ lo cho họ một cách lạ lùng. Con nói cho mẹ nghe xem nào, chuyện gì vậy?”

Thấy con gái không trả lời, bà Orn càng đoan chắc là có chuyện nên quay ra, ngó lại gần con gái, ánh mắt cũng nhuốm vẻ lo lắng theo.

“Nói mẹ nghe xem nào là có chuyện gì. Lúc nãy con tìm cách lôi kéo hai cậu đó đi thuyền về, đến mức nhận cả chèo thuyền đưa họ về trong khi mẹ biết con đâu muốn làm vậy. Lý do là gì hả con?”

Angsumalin ngước lên nhìn mẹ, đôi môi tái đi hơi run run.

“Lúc chiều, lúc con xuống vườn hái rau húng, con gặp lão Pol và lão Bua đang nấp ở trong vườn chuối.”

“Hai lão ấy nấp trong đó làm gì, ăn trộm chuối rồi gây chuyện với con à?”

“Không ạ. Nếu có lấy chuối ăn thì cũng không bao nhiêu, nhưng con thấy hai người họ giấu gươm ở đó nữa.”

“Chết, hai lão ấy lại gây ra chuyện gì nữa rồi. Vừa mới bị trừng trị chưa bao lâu. Thật là nghiệp chướng... làm ăn lương thiện thì không muốn. Chắc con đã biết là hai lão ấy sẽ làm gì nên mới thế đúng không? Chuyện gì thế con?”

“Hai lão bảo...” Angsumalin cười gượng, khẽ trả lời. “... là sẽ rình để chém Kobori.”

“Cái gì cơ ?”

Bà Orn kêu lên thảng thốt, nhìn cô gái đầy sửng sốt.

“Hai lão nói sẽ tìm cách trả thù mẹ ạ và bắt con không được nói cho hai người Nhật biết, con mới không biết phải làm thế nào.”

“Chết thật!”

Bà Orn kêu lên, ngồi thụp xuống như đuối sức.

“Trời... Sao con không kể với mẹ từ hồi chiều?”

“Kệ đi ạ!” Đôi mắt to đen ánh lên long lanh. “Nếu họ bị làm sao thì là chuyện của họ, mình không liên quan!”

“Ang... con nói thế là không đúng rồi. Con người chứ có phải gì đâu mà có thể chém giết nhau như thế. Hơn nữa, cậu ấy chắc cũng báo với bên xưởng đóng tàu là sang nhà ta ăn cơm. Nếu cậu ấy biến mất, người ở xưởng đi tìm mà lại thấy xác hai người đó trong vườn nhà ta thì con nghĩ xem họ sẽ nghĩ thế nào? Họ chẳng buộc tội mình là giết sĩ quan của họ chứ lại không, đến lúc đấy thì to chuyện rồi!”

Angsumalin nghe vậy tái mặt, môi khô khốc.

“Nhưng mình không làm mà mẹ. Mình có biết gì đâu.”

“Thì đó, ai mà người ta tin mình. Trời ơi... con thật là. Giờ phải làm sao? Giờ này hai cậu đó chắc đi đến cuối vườn rồi...”

Bà Orn kêu ca vẻ khổ sở. Angsumalin vội đặt chén đĩa xuống.

“Con sẽ chạy theo xem thế nào, biết đâu... lại kịp.”

“Đừng con, chỉ làm sự thể tệ hơn thôi.”

“Con phải đi mẹ ạ. Mẹ cứ đóng cổng trên này vào trước. Nếu con không gọi thì mẹ đừng mở cửa cho ai vào mẹ nhé.”

“Đừng, Ang. Đừng đi con!”

Bà Orn ngăn lại lạc cả giọng nhưng vẫn chậm hơn cô con gái vụt đứng lên chạy xuống cầu thang. Bà Orn chạy theo hét với theo cô:

“Quay lại đã, Angsumalin... đừng đi con ơi!”

Cái bóng nhỏ mặc tiếng gọi của bà mẹ, thoắt cái đã biến mất giữa đám cây cối tối đen.