Nghiệt duyên - Chương 25

“Nhưng không phải lúc nào cũng có những chiếc bánh ngọt dễ mà lấy ăn được đâu!”

Giọng cô gái không hề có vẻ mỉa mai châm chọc, chỉ đơn thuần là hứng chí muốn đấu khẩu một chút. Nhưng miệng lưỡi của đối phương lại như có ẩn ý gì sâu xa:

“Chiếc bánh ngọt như thế, dù có cẩn thận cất giữ kỹ thế nào thì rồi kiến cũng sẽ tìm đến cho bằng được.”

Angsumalin bỗng im bặt. Người đi trước dẫn đường cũng im lặng theo. Cho tới khi rẽ vào lối lên nhà, Kobori nghiêng người ngó ra chiếc cầu thang bên bến nước, rồi quay lại bảo cô gái:

“Người của tôi đến lấy thuyền rồi, tôi phải quay lại làm việc đây.”

Anh ta hơi ngập ngừng rồi hỏi một cách lịch sự:

“Chiều nay cô cho phép tôi đến chơi nữa được không?”

“Xin mời anh.”

Giọng nói cô lần đầu tiên mang vẻ niềm nở. Chàng trai bèn cười tươi, thu chân đứng nghiêm, cúi thấp đầu chào rồi quay đi, ra về theo lối cũ.

Bà Orn đang cầm nón quạt lấy gió, thấy con gái đi lên đầu cầu thang liền dừng tay, gọi hỏi:

“Lão Bua và lão Pol thế nào con?”

“Bà kể mẹ nghe ạ?”

“Thấy bà bảo lão Bua đến nhà mình rồi gặp phải cậu Dookmali. Cậu ấy có nói gì không?”

“Lão Bua đến xin thuốc giảm sốt cho bác Pol, tình cờ... gặp Kobori ở đây, anh ta rẽ vào thăm bà.”

Angsumalin kể vắn tắt, bỏ qua lý do tại sao Kobori lại ghé vào nhà mình. Vì trước nay cô luôn luôn đối chọi lại con người đó, nếu kể chi tiết cho mẹ nghe sẽ có vẻ như cô đã quá nhượng bộ với kẻ thù, không thể làm thế được!

“Anh ta biết chuyện lão Pol nên đi đón bác sĩ đến khám cho.”

“Thế cậu ấy có biết không, chuyện hai người đó chính là người rình chém mình?”

“Biết ạ, bác sĩ cũng biết nhưng không thấy ai nói gì. Lúc đầu lão Bua sợ lắm, run hết cả người, rồi còn sợ bác sĩ sẽ giết lão Pol. Lúc nãy bác sĩ bảo đi theo về xưởng để lấy thuốc, lão Bua còn không dám đi, sợ Kobori sẽ bắt lại chặt thành từng khúc. Con nghĩ chắc lão ta phải nơm nớp thấp thỏm đến tận khi thoát ra khỏi xưởng. Mẹ không thấy cảnh Kobori lừa dọa lão ấy lúc đầu chứ, lão ấy sợ quá ngồi thụp xuống vái lia lịa ạ.”

Giọng cô gái khi gọi đến tên kẻ thù nghe dịu dàng đến độ bà Orn cũng nhận thấy rõ, nhưng bà không thể hiện thái độ gì mà hỏi tiếp:

“Tình trạng lão Pol ra sao rồi con?”

“Bác sĩ bảo là xấu ạ, sốt rét ăn lên não, có thể sẽ phải vào trạm xá, nhưng anh ta chưa biết là còn giường không. Giờ hai lão ấy chơi cá cược hết sạch tiền, nghèo kiết xác rồi.” Bà Orn thở dài:

“Cái trò cờ bạc là thế đấy. May mà hai cậu kia không trả thù chứ không thì chết... Đấy con người ta... khi có tội thì trừng trị theo nguyên tắc, đến khi cần vẫn giúp đỡ nhau. Bác sĩ và cậu Dookmali làm thế là đúng. Quản người là việc khó lắm, phải dùng cả lý lẫn tình, chỉ một trong hai thứ đều không đủ, không thì chẳng còn nội quy phép tắc gì hết. Lúc đầu mà tha cho lão Bua với lão Pol thì sẽ càng có nhiều người ăn trộm ăn cắp, họ mới phải trừng trị để làm gương cho kẻ khác chừa đi, nên sau đó mới không thấy có nạn trộm cắp nữa. Hai lão ấy có cơm gạo gì ăn không con?”

“Có vẻ cạn hết rồi ạ. Con cũng đang định xin cái chăn dạ to của bà mà mẹ cất trong kho cho lão Pol. Hai lão có mỗi tấm chăn rách lỗ chỗ, giờ sốt rét mới đi tìm khăn vải đâu đấy đắp tạm lên thôi, nhìn đến khổ.”

“Để sang chiều rồi mẹ sẽ đi xem lão thế nào. Giờ nằm ở đâu con?”

“Ở túp lều sau vườn ổi ạ, lều thì cũng xiêu vẹo trông như đổ lúc nào không biết.”

“Đấy, mấy cái người, đang làm việc tử tế thì không thích. Mà thấy bà bảo con định làm mứt chuối khô à?”

“Vâng, còn mấy nải chuối còi cuối buồng nên con tiếc, nhưng đường cát đắt, con định làm mứt bằng đường phèn.”

“Chiến tranh biết bao giờ mới chấm dứt đây? Lương thực thực phẩm đắt đỏ, mà có để mua còn là may, nhiều thứ chịu, không có mà mua. Thấy người ta đồn rằng chiến tranh còn kéo dài, rồi bọn Tây sẽ đến thả bom nữa.”

Cô gái đang kê cái thớt với mẹt chuối, nghe vậy sững lại:

“Mẹ nói gì cơ ạ?”

“Tin đồn thôi con. Người ta bảo bọn Tây sẽ ném bom đâu đó không rõ, mẹ cũng không biết là có thật không nữa. Nhiều khi chỉ là người ta đồn đại, phỏng đoán với nhau thế thôi. Người ta nói khi tàu bay đến thả bom, nó sẽ nổ ầm ầm như là súng thần công ấy. Mẹ thì nghĩ nước Tây họ xa xôi thế, làm sao đến đây mà thả bom được?”

“Biết đâu đó mẹ.”

“Ối, Ang, con đừng nói to thế. Nhỡ có ai quanh đây nghe thấy thì không hay đâu. Người ta đang cấm đấy, nhỡ bị bắt giam theo nhóm người ở Thammasat, người ta sẽ buộc tội mình về cùng một phe với bọn họ.” Bà Orn hạ thấp giọng làm Angsumalin trộm cười.

“Họ còn đồn rằng bọn Tây bị càn quét từ Miến Điện và Mã Lai đưa về đây nhiều lắm, Kanchanaburi cũng có, Thammasat cũng có, Khlongtoei nữa. Người Nhật đưa họ về bắt làm việc như trâu ngựa. Nghĩ mà buồn cười... xưa nay ta vẫn sợ bọn Tây vì họ to lớn nhưng giờ lại bị những người nhỏ bé hơn sai việc. Nhiều người trông khổ sở lắm, gầy còm cõi. Chiến tranh thế này, không biết con cái nhà ai cứ thế giết nhau, chưa tìm biết nhau, chưa từng hận thù gì nhau. Người ta đánh đấm nhau còn là vì có chuyện bất hòa, đây bắn giết nhau mà không có thù hằn gì, thật là cám cảnh.”

“Nhưng mình đang sống yên ổn nhà mình, tự dưng lại bị ném bom hả mẹ?” Bà Orn thở dài: “Nếu bị trúng mình thì cũng là do nghiệp chướng mình từng gây ra. Nhưng mình ở trong miệt vườn thế này, chắc họ cũng chẳng hơi đâu mất thời gian đến ném bom con ạ. Mình có cầm vũ khí đi đánh nhau với họ đâu. Nếu đến ném bom thật thì chắc họ sẽ chọn ném bom người Nhật chứ vì đang chiến tranh với nhau.”

“Lúc mà ném bom, làm sao họ chọn ném vào chỗ nào được mẹ?” Angsumalin hỏi trêu, nhưng bà Orn có vẻ lo lắng thật sự.

“Thì chúng cũng phải có ống nhòm thế nào chứ, tự dưng ném mò làm sao trúng được.”

“Trúng mới chết chứ mẹ.” Cô gái cười khúc khích.

“Cái con bé này, cứ đùa trêu mẹ. Người ta còn kể bọn Tây thông báo hẳn hoi là khi nào nước rút nó sẽ kéo đến.”

“Người ta mà bảo bọn Tây thế nọ thế kia là những ai ạ?”

“Thì là những người nghe đài đó con. Khi nào rỗi, con thử đi thăm bác chủ tịch xã xem, có khi bác ấy lại biết, dạo này cũng chẳng có lúc nào sang đó thăm bác.”

Bà Orn không ngờ câu nói ấy lại chạm vào nỗi lòng của con gái. Angsumalin tay run run, cắm cúi làm việc tiếp. Từ tận trời Tây mà tàu bay còn đến ném bom được thì tại sao... tại sao Wanas không quay về được!

Chiều hôm đó, trước khi bà Orn đi ra vườn ổi như đã nói với con gái, Kobori và anh bạn bác sĩ đã cùng nhau tay xách nách mang đủ thứ đồ đi lên cầu thang, tươi cười chào bà:

“Xin chào bác.”

Giọng nói dõng dạc của hai anh chàng khiến bà Orn không khỏi mỉm cười:

“Hai cậu đi đâu về thế này?”

Anh bác sĩ vẫn chưa hiểu nhiều tiếng Thái nên tránh đi đặt các túi đồ lỉnh kỉnh xuống. Kobori cười tươi, cố gắng trả lời bằng tiếng Thái:

“Chúng tôi muốn đãi cơm cảm ơn nhưng nếu mời sang xưởng e là không vui lắm, nên xin phép đến đây làm.”

“Làm đồ ăn ư?”

Chàng trai gật đầu và đặt chiếc túi giấy đang cầm trong tay xuống. Bà Orn mở ra xem các túi thịt, cá, tôm rồi ngẩng lên nhìn hai chàng trai vẻ không tin tưởng cho lắm:

“Hai cậu định làm món gì?”

“Teriyaki. Toriyaki.”

“Chà, món kê kê ki ki gì của cậu làm sao tôi biết được. Cái Ang nó đi ra vườn, một chút nữa sẽ quay về.”

“Ang... su... ma... ri” Kobori cố phát âm tên cô gái chầm chậm “... sẽ đãi mết chuối.”

Người nói cố nhớ lại từ đã được nghe, vừa nói vừa làm mặt ngường ngượng. Bà Orn lắc đầu:

“Chắc là mứt chuối chứ gì? Thấy con bé mới làm cho vào lọ lúc nãy xong.”

“Ang-su-ma-ri nghĩa là gì?”

Bà Oan buồn cười: “Angsumalin, nghĩa là mặt trời.”

“Mợt-trời?”

Kobori nhắc lại, mặt ngây ngô. Bà Orn chỉ lên bầu trời:

“Kia kìa, mặt trời.”

“À” lần này chàng trai ra vẻ đã hiểu hơn. “Yoko”, anh ta nhắc lại bằng tiếng Nhật, nhưng rồi vẫn thắc mắc hỏi lại: “Sun or sunlight?”

“Tôi không hiểu đâu.”

“Yoko, hideko.” Kobori lẩm bẩm rồi tự chọn một từ: “Gọi Hideko dễ hơn là mợt-trời.”

Người vừa được đặt cho tên mới xuất hiện ở đầu cầu thang, trong tay là rau bình bát, gấc và một túm ớt. Gương mặt thường ngày vẫn thản nhiên của bác sĩ chợt nở nụ cười tủm tỉm khi liếc thấy đôi mắt người chiến hữu lập tức sáng lên. Cô gái cất giọng trong trẻo chào:

“Bác sĩ cũng cùng đến ạ? Hôm nay có mứt chuối đãi bác sĩ đấy.”

Nhưng khi đưa mắt sang nhìn thấy mấy túi đồ ăn, cô thắc mắc hỏi:

“Chỗ đồ này của ai đó mẹ?”

“Hai cậu này đem đến, nói là muốn làm cơm thết chúng ta.”

Cô gái cười thành tiếng, để lộ hàm răng nhỏ trắng đều. Kobori cười, điệu bộ hào hứng:

“Chúng tôi chỉ cần mượn... ít đồ nấu bếp.”

“Gì cũng được.” Angsumalin cho phép, tốt bụng khác thường.

“Bếp lò, và bát tô.”

Anh ta nói tiếng Nhật pha lẫn tiếng Thái khi gặp những câu không quen.

“Con đem đồ trong bếp ra ngoài hiên này cho các cậu ấy làm. Ngoài này rộng rãi, trong đó chật, làm bất tiện. Món này chắc là ngon lắm đây.”

Bà Orn vừa cười vừa nói câu sau cùng, vừa giọng hài hước.

“Con ở nhà nhé, cũng không có gì bất tiện đâu vì còn có cả bà. Mẹ đem ít thức ăn cho lão Pol với lão Bua, chần chừ nữa rồi lại sẩm tối, cuối vườn ổi cây cối um tùm sẽ khó đi.”

“Mẹ đi nhanh nhanh rồi về ạ. Con hái quả gấc rồi, định giã cả mắm ớt. Phải cho hai người này chảy nước mắt mới được, con sẽ lừa ăn ớt cho chừa đi.”

Câu pha trò của cô gái cho thấy rõ tâm trạng vui vẻ. Bà Orn bèn đưa mắt nhìn sang hai cậu thanh niên đang ngồi, gấu quần xắn cao, riêng Kobori còn xắn ống tay áo rộng lên tới gần vai.

“Mẹ nghĩ con nên làm thêm món canh rau gì đó vì mình còn chưa biết họ định làm gì cho mình ăn, mà có ăn được không cũng không chắc.”

Bà Orn cầm gói thức ăn đã chuẩn bị sẵn lên, quay sang bảo với hai chàng trai:

“Rồi tôi sẽ quay lại. Hai cậu cứ làm đi. Cái món kê kê ki ki gì đó đến lúc về chắc sẽ được thấy mặt mũi ra sao.”

Angsumalin nhấc cái bếp lò nhỏ ra đặt phía ngoài hiên cùng với đầy đủ các thứ đồ nấu bếp. Hai đầu bếp bất đắc dĩ liền giở mấy túi thức ăn ra bày vào bát, xếp thành hàng dài, buồn cười nhất là dáng vẻ của Kobori khi làm không thuận vì bên tay trái vẫn chưa lành hẳn.

“Có cần tôi giúp gì không bác sĩ?”

Cô gái chuyển qua hỏi người kia, nhưng Kobori đã lắc đầu:

“Không cần, vì... chúng tôi sẽ làm để thết đãi.”

“Đã phải nhóm bếp chưa để tôi nhóm cho?”

“Một lúc nữa cũng được, vì tôm cá và thịt còn phải ướp với rượu gần tiếng nữa.”

Angsumalin nhìn theo điệu bộ tất bật ấy mà buồn cười vì chưa tưởng tượng ra hai chàng trai sẽ làm món gì... có khi không ăn nổi như mẹ nói cũng nên... Cô gái thầm lo và mỉm cười.