Nghiệt duyên - Chương 27

Bên ngoài hiên, đồ đạc vẫn bày bừa. Mấy cái bát đang ướp cá tôm xếp thành hàng, gân lá dừa vót dở một nửa, túi giấy bị gió thổi bay lung tung. Angsumalin đặt tấm chăn xuống góc hiên, bắt tay vào quét rác giấy và lá dừa gom lại để hót đi. Bà Orn cầm bát tôm lên nhìn thắc mắc:

“Họ định làm món gì thế này con?”

“Tôm ướp với rượu, xì dầu và đường rồi xiên que nướng ạ.”

“Liệu có ra vị gì không? Thịt và cá chắc cũng giống thế hả?”

“Vâng ạ.”

“Ăn với cái gì?”

“Ăn nguyên như thế thôi ạ, giống thịt xiên nướng sate của mình. Dưa chuột đó con định làm dưa góp cho họ ăn kèm, nhưng kiểu này chắc nghỉ ăn rồi.”

“Ừ, nhưng mình cứ thử làm xem, nhỡ tối họ quay lại.”

“Nếu họ không đến thì làm thế nào mẹ nhỉ, cả tôm, cá, thịt bao nhiêu thế này.”

“Hay mình đem nướng giống kiểu làm bánh morkaeng, làm chín bằng cả lửa trên lửa dưới. Nếu đem xào hay rang ăn không ra gì đâu, nhưng nướng sẽ làm nước ướp ngấm vào thịt và khô dần chắc cũng ngon đấy. Bao giờ họ đến thì mình mời ăn, ai báo làm dở để lại thế này.”

“Cũng hay đấy mẹ, mình thay đổi công thức chế biến luôn. Rồi, để con nấu cơm, giã mắm ớt như cũ, rồi thử xiên hai ba que nướng lên cho đỡ mất công họ chuẩn bị. Nếu mình không nếm thử món của họ, chắc hai đầu bếp ấy sẽ buồn.”

Giọng nói pha trò vui vẻ khiến bà Orn ngạc nhiên, nhưng không nói ra vì e sẽ làm con gái ngại ngùng.

“Con làm thêm cả dưa góp như đã định nữa đi, ăn cho đỡ ngấy.”

Tôm xiên que nướng trên bếp lửa tỏa mùi thơm lừng, vỏ bắt đầu chuyển sang màu hồng nhạt khiến cô không khỏi nghĩ đến anh chàng đầu bếp bất đắc dĩ đã ra sức bóc vỏ mỗi phần đầu tôm ra sao. Người con trai đó khác hẳn mọi người ở chỗ có thể cùng một lúc dung hòa bản tính vừa cứng rắn lại vừa dịu dàng kỳ lạ trong mình. Angsumalin mỉm cười một mình khi nghĩ đến người phụ nữ mà anh buột miệng gọi tên, không biết cô ấy trông như thế nào, ít ra thì điều đó cũng chứng tỏ anh ta còn có một ai đó chờ đợi ở hậu phương.

“Con làm gì mà thơm phức thế này?”

“Toriyaki ạ.”

“Lại cái tiếng ki ki kê kê ấy rồi. Nhìn qua thì cũng giống như món tôm nướng, thịt nướng, cá nướng của mình thôi. Nếu không ướp rượu với đường và xì dầu mà đem phơi một nắng rồi rán lên thì giống món thịt sawan[25]. Con giã mắm chưa?”

[25] Món thịt sawan (xạ-oắn), tiếng Thái nghĩa là thiên đường, ý nói mùi vị món ăn rất ngon.

“Xong xuôi cả rồi ạ. Hai người đó chắc không đến nữa đâu.”

“Mẹ cũng nghĩ vậy.”

“Lúc chiều mẹ đi gặp lão Pol thế nào ạ?”

“Lão ấy đỡ hơn rồi. Lào Bua bảo cứ thức rồi lại ngủ, nhưng hạ sốt rồi, bác sĩ cho bao nhiêu là thuốc. Có tấm chăn dạ đắp cũng đỡ, thấy mẹ đem cho cả gạo và đồ khô thì vái cảm ơn. Đấy không biết rồi tính thế nào, rình chém người ta sống dở chết dở, người ta không báo oán lại còn giúp đỡ. Nhìn mà cám cảnh... con người ta gieo gió gặt bão là thế đấy. Nói chưa được mấy câu chuyện đã nghe tiếng còi báo động nên mẹ vội chạy về nhà.”

“Bác sĩ bảo sốt rét ăn lên não rồi, có lẽ sẽ phải vào nằm trạm xá.”

“Rồi lại đến tay hai người họ giúp đỡ thôi, giờ thuốc thang khó kiếm thế, cái gì cũng đắt đỏ.”

Angsumalin nhấc que tôm nướng ra khỏi lò, đặt xiên thịt lên nướng thay.

“Mấy thứ này có gọi cùng một tên không con?”

“Không giống nhau ạ. Nếu là tôm, người ta gọi là toriyaki, nếu cá thì gọi teriyaki, còn thịt nướng...”

“Thôi, thôi. Mẹ chắc không đời nào nhớ được, muốn gọi thế nào thì gọi. Hẳn là họ cũng kêu tiếng Thái khó cho mà xem. Cứ suy từ mẹ, nếu không cải biên tên cậu ấy theo kiểu Thái là cậu Dookmali thì đến giờ này mẹ cũng không gọi đúng tên đâu. Chắc họ cũng như mình. Lúc chiều, cậu Dookmali còn hỏi tên con nghĩa là gì.”

“Anh ta hỏi làm gì ạ?”

“Lúc đầu mẹ cũng không biết, chỉ bảo nghĩa là vầng mặt trời. Cậu ấy hỏi tiếp gì đó bằng tiếng Anh thì mẹ chịu. Cậu ấy mới bảo tên con dịch ra tiếng Nhật là từ gì kê kê kô kô ấy không rõ, mẹ nghĩ chắc là để gọi cho dễ nhớ.”

Cô gái ngừng tay trở thịt xiên nướng, chợt hiểu ra.

“Hideko...” cô nhắc lại từ đã được nghe.

“Hình như là nó đấy.”

Đôi mày cô gái hơi chau lại... Chắc rồi, chính là cái tên mà anh ta dùng để gọi cô chứ không phải tên ai đó đang ngóng chờ anh ta nơi hậu phương như cô tưởng.

Ánh trăng thượng huyền buông dịu dàng xuống hàng cây tối thẫm dài ngút mắt. Ngọn đèn dầu khi mờ khi tỏ soi thấy bóng dáng bé nhỏ mảnh mai đang ngồi xếp chân một bên, cúi xuống cây đàn dạo những khúc nhạc trầm bổng ngọt ngào, vang lên da diết trong đêm khuya tĩnh mịch.

Ôi vầng trăng xế đêm khuya

Sương rơi ướt đẫm, lạnh về trong tim

Trên cao đó, muôn vì sao nhấp nháy

Đua cùng trăng lấp lánh ánh hằng

Mặt trời hé ánh dương le lói

Chim kêu vang chào đón bình minh

Sau rừng kia, trăng vội khuất mình

Nhường nắng sớm ban mai chiếu rọi.

Người đang nằm trên chiếc chiếu trải giữa hiên trở mình nằm nghiêng, khẽ thở dài:

“Mẹ từng biết một người bạn hồi trước chơi bài “Hái hoa” của Trung Quốc này hay lắm, tiếc là đã qua đời. Trước khi mất, cô ấy còn chơi bản nhạc này lần cuối, nhưng lời thì khác.”

Tiếng đàn tam thập lục láy lại đoạn điệp khúc da diết, từng nốt nhạc thánh thót phảng phất buồn thương vang lên khoan nhặt.

Tiếc thay đôi chim phượng

Phải chìa lìa cách xa

Ôi tim đã tan nát

Chàng chẳng còn bên ta

Dù đã chia đôi ngả

Buồn sao chẳng rời xa.

Tiếng thở dài lại buông lần nữa:

“Nhưng mà đấy, có khi tử biệt còn đỡ hơn... sinh ly!”

Giọng nói bà thoảng niềm cay đắng. Tiếng đàn tam thập lục hơi nghẹn lại một chút rồi nhanh chóng chuyển sang một giai điệu khác. Người chơi cố nói giọng vui vẻ:

“Mẹ không thử chơi đàn lại ạ?”

“Thôi con ạ. Bỏ lâu rồi, tay chân cứng hết cả rồi.”

Bà Orn xoay mình nằm ngửa trở lại, giọng bà đã tươi hơn:

“Con cứ đàn đi, mẹ sẽ hát đệm theo.”

“Hay quá ạ. Bài nào bây giờ mẹ?”

“Bài Nửa vầng trăng, con chơi được không?”

Cô gái khẽ cười thành tiếng vui tươi:

“Đợi con một chút, con sẽ thử xem. Giai điệu thế này phải không ạ?”

Bà Orn lắng tai nghe một lát rồi đáp:

“Phải rồi. Con lên ba nốt nữa đi. Mẹ cũng không biết có hát nổi không nữa... Cảm hứng thưởng trăng đêm thượng huyền, nửa vầng trăng làm sao sáng tỏ đây... úi... không lên nổi nữa rồi.”

Tiếng hát đứt đoạn giữa chừng, còn tiếng cười thì vang lên:

“Ban đờn ca này hỏng, chả bao giờ chơi nổi hết một bài.”

Người bà bước ra khỏi phòng, vai choàng khăn lụng thụng.

“Bà vẫn chưa ngủ cơ ạ, hay là tại tiếng đàn của cháu làm bà tỉnh giấc?”

“Có mà tiếng hát của mẹ mày làm bà thức dậy ấy.”

Bà Orn ngồi dậy, tránh cho người mẹ ngồi xuống bên cạnh.

“Trăng thượng huyền thế này chắc tàu bay nó không đến thả bom nữa đâu nhỉ?”

“Tại sao ạ?” Angsumalin ngạc nhiên hỏi.

“Thì trời sáng chứ sao, chắc nó không dám đâu.”

“Trời, mẹ thật là...” Bà Orn buồn cười: “Giữa ban ngày ban mặt sáng choang nó còn đến, đêm thế này cớ gì lại không, mà sáng càng nhìn được rõ chứ ạ.”

“Ối, cái Orn cũng...” Bà già khẽ mắng: “Nói làm mẹ hoảng.”

“Thì tại bà không bảo mẹ cháu là bà đang muốn trấn an mình. Cháu với mẹ cũng cầu xin cho nó không đến, nhưng nếu mà đến thật thì trăng mờ hay tỏ chúng cũng đến được tất bà ạ.”

“Bao giờ chiến tranh mới kết thúc không biết.”

“Có lẽ còn lâu nữa bà ạ.”

Cô gái thở dài thườn thượt. Đột nhiên có tiếng gõ khe khẽ ở cánh cổng ngoài hiên.

“Ơ, ai đến thế nhỉ?”

“Để con mở cho ạ.” Angsumalin vội đứng bật dậy.

“Con nhớ hỏi xem ai đã rồi hẵng mở.” Bà Orn nhắc đoạn khẽ phàn nàn: “Ai mà lại đến lúc đêm hôm khuya khoắt.”

Angsumalin đưa tay cầm cái then cài cổng cất giọng khẽ hỏi:

“Ai đấy?”

Im lặng một lát mới có tiếng trả lời: “Kobori đây.”

Cô gái buột miệng kêu lên vì ngạc nhiên:

“Ô...”

“Ai thế con?” bà Orn hỏi với ra.

“Kobori mẹ ạ.”

“Con mở cổng ra đi.”

Cái dáng cao lớn đen đen đứng dưới ánh trăng mờ ảo, nhưng đôi mắt thì sáng lên dù ở trong bóng tối.

“Cho phép tôi vào được không? Tôi có đến làm phiền gì không?”

“Mời anh vào.”

Cô tránh sang bên cho chàng trai bước vào trong hiên. Tay áo rộng hất ngang qua khiến cô gái ngửi thấy mùi xà phòng thơm dịu.

“Cậu Dookmali đấy à? Bên xưởng thế nào rồi?”

Dáng cao cao ấy đến bên rồi lễ phép ngồi quỳ theo kiểu Nhật.

“Nhiều con tàu đỗ ở bến bị thiệt hại vì trúng đạn súng máy, mấy người bị thương nhẹ nên bác sĩ bận không đến được. Chúng cháu mới xong việc lúc nãy.”

Câu cú tiếng Thái sắp xếp đâu ra đấy. Đôi mắt ấy nhìn sang phía cô gái vừa quay lại ngồi trước cây đàn.

“Tiếc là không thể làm xong bữa cơm thết đãi.”

“Lúc tối cái Ang nó nướng đồ ăn thử rồi, ngon lắm... Thế cậu đã ăn cơm chưa?”

Bà Orn thân thiện hỏi. Chàng trai hơi cúi đầu ra chiều khẳng định.

“Lúc nãy nghe thấy tiếng...” chàng trai chỉ vào cây đàn “nên không kìm được phải đi sang đây.”

“À... đàn tam thập lục. Trông cậu có vẻ thích chơi đàn.”

“Tiếng nó giống một loại nhạc cụ dân tộc của Nhật hễ nghe là cảm thấy...” Anh ta tìm từ một cách khó khăn để diễn đúng ý mình, rồi đành phải nói tiếp bằng tiếng Anh: “homesick”.

“Nhớ nhà.” Angsumalin nhẹ nhàng dịch giúp.

Kobori khẽ gật đầu, nhắc lại một lần nữa: “Nhớ nhà.”

Có điều gì đó trong giọng nói ấy làm cô gái đẩy cây đàn sang cho anh ta.

“Anh muốn thử không?”

Kobori vuốt ve nhạc cụ với vẻ tò mò.

“Que gõ này dùng để đánh đàn, cầm như thế này.”

Angsumalin làm mẫu cho xem rồi đưa que gõ cho anh ta. “Đã từng thử một lần rồi không phải sao?”

Giọng cô làm như người lớn đang nói với trẻ con. Chàng trai cầm lấy hai que gõ tay cứng đơ làm bà Orn bật cười:

“Đừng cầm chặt như cầm báng súng thế.”

Chàng trai bật cười theo, hàm răng sáng bóng. Anh ta gõ để thử nốt các dây.

“Gõ thế này chứng tỏ là biết chơi đàn.” Bà Orn khẽ nhận xét.

Các âm thanh cao thấp lúc đầu hơi sai nốt, nhưng dần dần bắt vào nhịp. Nhiều lần, Angsumalin đã cảm thấy giai điệu này nghe quen một cách kỳ lạ.

“Bài gì vậy?”

Tiếng cô nói nhẹ nhưng ngắn, cộc lốc[26]... Anh ta chừng như định nói gì song mải tập trung chơi đàn tiếp.

[26] Trong giao tiếp bằng tiếng Thái, người nói có thể nói trống không, lược đi chủ ngữ, hoặc không cần nhắc đến người đối thoại, nhưng để cho lịch sự, lễ phép thì phải có từ khrắp/kha (nghĩa là ạ) ở cuối câu, hoặc ít ra cũng phải kéo dài, đưa giọng cho nhẹ nhàng.

“Bài này không phải nhạc Nhật, nghe quen quen nhưng hình như vẫn chưa đúng nhạc.”

Bà Orn nhận xét, cũng có phần thắc mắc. Angsumalin chăm chú nghe một lúc rồi chợt cảm thấy khó thở, bởi giai điệu ấy chính là:

Ôi chàng hỡi, giờ này nơi đó

Chàng ra sao, có khóc có buồn?

Từ ngày chàng đi xa trở lại Cố nhân xưa, chốn cũ, chẳng còn.