Nghiệt duyên - Chương 28

“Dừng lại đi.”

Giọng nói vang lên cộc lốc, giọng cô run run vì xúc động khiến đôi bàn tay to khỏe chững lại. Anh ta ngước lên nhìn, ánh mắt ngơ ngác thật thà làm cô gái sực tỉnh. Cô cụp làn mi xuống, nhẹ nhàng nói:

“Đừng chơi bài này nữa.”

Đôi môi chàng trai hơi hé mở như muốn hỏi thêm, nhưng lại quyết định im lặng. Tiếng đàn tam thập lục chuyển sang một điệu nhạc mới, giai điệu chầm chậm du dương, nghe lạ tai, dù thỉnh thoảng còn sai nốt và hẫng nhịp vì người chơi chưa quen với loại nhạc cụ mới nhưng vẫn tìm cách gõ cho ra nốt để chơi tiếp bản nhạc... Ngọn đèn dầu tỏa ánh sáng vàng dịu, mờ mờ soi khuôn mặt đang cúi thấp, làn da rám nắng nâu nhạt, mái tóc đã bắt đầu mọc dài, đôi tay lộ ra khỏi cánh tay áo rộng bên trái vẫn chưa cử động được bình thường. Có điều gì trên nét mặt hiền lành phảng phất vẻ buồn bã ấy làm cho cô gái đang ngồi lùi lại trong bóng tối phía sau phải cất giọng khẽ khàng hỏi:

“Bài gì vậy?”

Đôi mắt đen dài dẹt thoáng liếc nhìn cô gái:

“Hoa anh đào.”

Anh ta im lặng một thoáng, rồi thận trọng hỏi tiếp:

“Bản nhạc lúc nãy tên là gì?”

“Bản nhạc nào?” Angsumalin thắc mắc hỏi.

“Bài mà... tôi tự nhớ và chơi lúc nãy. Tôi rất hay nghe thấy cô chơi nhưng cũng không nhớ được hết trừ đoạn đầu.”

“À...” Cô gái nhớ ra, ngừng một chút rồi mới đáp:

“Tên là Thiếu phụ ngâm.”

“Nghĩa là gì?”

Câu hỏi bất ngờ đột ngột xuất hiện khiến cô phải giảng giải tiếp. Kobori ngưng tay chơi nhạc, vừa chăm chú lắng nghe vừa chầm chậm gật đầu.

“Cô nhớ anh ấy lắm phải không?”

Cô gái sững lại, nhìn người hỏi một cách soi xét nhưng vẻ mặt và ánh mắt hiền thành thật khiến đôi mày cô đang nhíu lại từ từ dãn ra.

“Sao lại hỏi thế?” Giọng cô nghe vẫn đanh, cứng.

“Anh ấy ra trận phải không?”

Angsumalin im lặng một lúc rồi mới trả lời bằng giọng bình thường:

“Không phải... Anh ấy đi học tiếp ở Anh nhưng vì chiến tranh mà không quay về được.”

“Tôi rất lấy làm tiếc, nhưng khi nào chiến tranh kết thúc thì chắc hai người sẽ được gặp lại nhau. Lúc đầu, tôi cứ tưởng anh ấy là bộ đội. Người lính thì chỉ có duy nhất một nhiệm vụ là sẵn sàng chiến đấu và hy sinh ngoài mặt trận, người thân ở hậu phương cũng nên tự hào về điều đó.”

“Người lính nào cũng nghĩ như vậy ư?”

“Nước khác thì tôi không biết nhưng lính Nhật ai cũng tâm niệm như vậy.” Giọng nói anh ta tỏ rõ vẻ tự hào khiến Angsumalin thầm cảm thấy buồn cười.

“Nếu ai cũng biết là sẽ phải chết thì chẳng nhẽ không mất hết tinh thần à?”

“Sao lại phải mất tinh thần nếu như sự hy sinh ấy là vì lợi ích của Tổ quốc mình?”

“Họ không nghĩ đến cảm giác của những người ở hậu phương sao?”

Bàn tay to khỏe vẫn vuốt ve cây đàn trước mặt.

“Mẹ và bố tôi ở nhà có lẽ cũng cảm thấy cô đơn.”

Angsumalin định hỏi sâu hơn, nhưng cảm thấy không nên, nên kìm lại. Nhưng bà Orn đang nằm nghiêng co chân một bên bỗng nhiên cất tiếng hỏi:

“Cậu Dookmali đã lấy vợ chưa?”

Từ “lấy vợ” xem ra là từ mới đối với Kobori nên anh ta quay sang nhìn cô thắc mắc, cô gái bèn dịch lại. Lần này, đôi môi cong nở nụ cười tươi, để lộ hàm răng trắng đều. Anh ta lắc đầu quầy quậy:

“Cháu vẫn chưa nghĩ đến, nhưng...”

Anh ta dừng lại, mắt nhìn xuống như thể che giấu cảm xúc thật bên trong:

“Cô có muốn đi Nhật chơi không?”

Kobori quay sang hỏi cô gái vẫn ngồi khuất trong bóng tối.

“Tôi muốn cô được thấy vùng Nikkou của chúng tôi. Người Nhật chúng tôi thường hay nói rằng: đừng nói đến từ kekkou nếu chưa thấy Nikkou.”

“Kekkou?”

Angsumalin nhắc lại vẻ không hiểu, nên chàng trai vội vàng dịch sang tiếng Anh:

“Nghĩa là vĩ đại, tuyệt vời, tuyệt đẹp.”

“Ở đó có gì hay?”

“Đối với Nikkou, cho dù ca ngợi bằng ngôn ngữ nào thì cũng chỉ có thể dùng một từ là đẹp[27].”

[27] Từ “kekkou” trong tiếng Nhật rất đa nghĩa, ở đây hiểu là đẹp tuyệt vời. Kobori muốn chơi chữ: vừa nói đến thành phố Nikkou, tỉnh Tochigi, một địa danh du lịch nổi tiếng của Nhật Bản với bề dày lịch sử văn hóa 800 năm và phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Đồng thời, nikkou còn có nghĩa là ánh mặt trời, trùng với tên Angsumalin. Kobori mượn việc ca ngợi sự tươi đẹp của vùng đất Nikkou để khen vẻ đẹp của Angsumalin.

Thấy cô gái chỉ im lặng lắng nghe, chàng trai vội kể tiếp:

“Ở vùng Nikkou có một truyền thuyết cổ xưa kể lại rằng Rắn thần núi Nantai và Rết thần núi Akaki chiến đấu với nhau...”

“Kiểu này lại giống truyền thuyết nguồn gốc bến Tian là do đôi quỷ khổng lồ canh cổng chùa Jaeng và đôi quỷ khổng lồ canh cổng chùa Po đánh nhau đây mà.”

Bà Orn bình luận, rồi ngồi dậy chú ý lắng nghe và hỏi:

“Thế cả rắn và rết thần đều chết hay thế nào nữa?”

“Rắn thần chiến thắng, nhưng chiến địa trở thành những ngọn núi nhấp nhô, những nơi máu chảy biến thành hồ và suối rải rác khắp vùng, khiến cho thiên nhiên ở Nikkou rất đẹp và độc đáo.”

“Không giống trong truyện của ta, đánh nhau san bằng trống trơn trở thành bến sông Tian[28].”

[28] “Tian” trong tiếng Thái phát âm là “Tên” có nghĩa trống trơn, bằng phẳng.

“Đền Nikkou Toshogu[29] thờ cốt của Tokugawa Ieyasu để tưởng nhớ vị tướng quân đã thống nhất được lãnh thổ Nhật Bản.”

[29] Ngôi đền Nikkou Toshogu là một quần thể đền chùa tập trung những giá trị văn hóa trọng yếu của Nhật Bản cả và tôn giáo, tín ngưỡng và kiến trúc, được coi là quốc bảo và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hỏa thế giới năm 1999.

Người kể cố gắng chọn lọc miêu tả những nét đáng chú ý nhưng thính giả vẫn chỉ im lặng ngồi yên trong bóng tối khiến anh ta không nhìn rõ được vẻ mặt cô.

“Ở đó còn có rất nhiều lễ hội địa phương...”

“Nhưng có lẽ chúng tôi không đến được nơi ấy đâu.”

Câu nói chen ngang giữa chừng làm chàng trai bất ngờ:

“Vì sao? Nếu như...”

“Vì... chắc chúng tôi cũng chẳng muốn đi.” Giọng nói hơi thẳng thừng làm cho người kia lập tức im bặt.

“Xin lỗi...”

Kobori khẽ khàng nói, rồi đặt đôi que gõ đàn xuống, xếp gọn ghẽ, đổi tư thế ngồi và thở dài:

“Khuya rồi... Tôi phải về đây.”

“Cậu cứ ở lại chơi cũng được.”

Bà Orn ngăn, nhưng chàng trai nhanh chóng đứng dậy:

“Cháu đến làm phiền lâu rồi, đến lúc nên về thôi.”

“Khi nào rỗi lại đến chơi nhé.”

Kobori lễ phép cúi chào rồi lặng lẽ ra về, cô gái đi theo sau cách một quãng. Dáng cao cao ấy chần chừ một chút ở đầu cầu thang, chờ cho Angsumalin bước tới gần rồi từ từ quay lại:

“Tôi xin lỗi vì lúc nãy đã nhiều lời.”

Thấy cô gái chỉ đứng yên lặng tựa vào cánh cổng, chàng trai hạ giọng nói tiếp:

“Những gì tôi nói ban nãy không có ý gì ngoài việc... Nếu như chúng ta là bạn nhau, khi nào chiến tranh kết thúc mà tôi còn sống, tôi sẽ mời cả nhà ta đi Nhật chơi bởi mọi người đã có công cứu giúp tôi. Nhưng nếu cô không thích, tôi sẽ không nói nữa.”

Cô gái bối rối vì khó xử. Đôi mắt sắc sáng lên trong bóng tối, nhìn cô gái dò xét rồi mới quay người đi lẫn vào đêm đen.

“Ang... con đóng cổng rồi vào đây với mẹ một chút.”

Giọng người mẹ nghe nghiêm khắc, cô gái liền nhanh chóng làm theo. Bà Orn ngồi thẳng dậy còn người bà lùi vào trong tìm cơi trầu lạch cạch.

“Mẹ đã nói với con nhiều lần rồi, chuyện...”

Angsumalin ngắt lời, giọng hơi chua xót:

“Mẹ chỉ toàn nói con hành động như vậy là không phải, không nên! Nhưng con không thể không như vậy, con không xóa bỏ được nỗi căm ghét ấy khỏi lòng con dù con đã cố gắng rồi. Con không thích anh ta cứ kể lể về đất nước mình, khoe mẽ với ta rằng đất nước anh ta kỳ vĩ ra sao. Đó là việc của anh ta, con không muốn biết, không muốn nghe, không muốn thấy. Chính vì bọn họ mà làm cho bao gia đình trên đất nước ta phải ly tán, bọn họ gieo rắc khổ đau khắp nơi nơi. Ngay cả Wanas...”

Giọng cô nghẹn ngào như đang thổn thức:

“... đến giờ này ta còn chẳng nhận được chút tin tức nào. Không phải chỉ mỗi mình anh ta là con một trong nhà, không phải chỉ mỗi mình anh ta có người mong ngóng ở hậu phương. Chúng ta cũng phải trông chờ người của ta đấy thôi. Anh ta còn may là sống trên đất ta lành lặn, sung sướng đầy đủ. Còn anh Wanas thì sao hả mẹ? Liệu Wanas có được yên lành như thế này không? Chúng ta chưa bao giờ xét đến. Còn bản nhạc này...”

Cô gái chỉ vào cây đàn:

“Con chỉ chơi cho mình Wanas nghe. Tại sao... sao anh ta phải ghi nhớ rồi chơi lại bản nhạc của con chứ.”

Bà Orn khẽ thở dài, giọng nói dịu đi:

“Cón nói thế cũng không hẳn. Đúng là chiến tranh làm dân ta khổ sở điêu đứng. Nhưng con cũng đừng quên đó không phải là lỗi của cậu Dookmali. Bản thân cậu ấy cũng vì chiến tranh phải tha phương đến đây, cậu ấy có làm gì nên tội ngoài việc thực thi nhiệm vụ của mình. Con không thể trách cậu ấy được. Việc cậu ấy kể về đất nước mình, có lẽ cũng không chủ ý khoe khoang rằng nước mình vĩ đại tuyệt vời ra sao. Cậu ấy chỉ muốn nói đến quê hương để đỡ nhớ nhà mà thôi. Đó là một người tốt, cậu ấy luôn cố gắng thân thiện với người mình thay vì dọa dẫm, dùng vũ lực như ở những nơi khác. Con cũng từng nghe người ta kể đấy, là họ bị ức hiếp như thế nào nhưng cậu Dookmali có bao giờ làm thế đâu. Cả bản nhạc này cũng vậy. Cậu ấy là người nước ngoài, làm sao mà hiểu được ý nghĩa của bài hát, chỉ là bản tính nghệ sĩ, nghe thấy ai chơi bài gì thì ghi nhớ lại, có dịp thì đem ra chơi thử. Con cũng không thể trách móc cậu ấy về việc này. Điều quan trọng là con không nên nói thế, nghe không lọt tai chút nào cả, mẹ không ưa đâu. Người xưa đã dạy “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, con có tức giận hay không vừa ý cũng nên giữ trong lòng thôi mới phải.” Cô gái lặng im, gương mặt khuất trong bóng tối nên nhìn không rõ.

“Mẹ nhắc lại lần nữa là mẹ không vừa lòng. Mẹ yêu cầu con không được làm thế nữa, ít ra là vì mẹ.”

Angsumalin không đáp lại, chỉ ngồi lặng yên, chờ không thấy mẹ nói gì nữa bèn ra cất cây đàn vào trong phòng, đóng kín cửa lại.

Bà mẹ chỉ biết thở dài:

“Cái Ang này cứng đầu quá.”

“Nó còn trẻ con mà con.” Bà già xé lá trầu chầm chậm bỏ vào cối. “Tính khí thanh niên thường bồng bột, tình cảm yêu ghét thường không cất giữ được như người từng trải. Nghe nó nói, xem chừng cái Ang cũng có vẻ thích thích thằng bé Nas đấy, Orn ạ.”

“Thì chắc có đôi chút ạ. Chúng nó chơi với nhau từ bé, hiểu nhau thế nên có thiên vị cũng là dễ hiểu. Nhưng cái Ang kể với con là nó chưa nhận lời gì cho đến khi đối phương trở về thế nên con bé có vẻ chờ đợi.”

“Còn cái cậu Dookmali này, mẹ xem ra có vẻ lạ lùng kiểu gì ấy có khi lại thích người nhà mình cũng không chừng.” Bà già vừa nói vừa cặm cụi giã trầu.

“Hứ... mẹ chỉ...” Bà Orn phản đối, tỏ vẻ không đồng ý. “Chắc không phải vậy đâu ạ.”

“Orn cứ để ý mà xem. Mắt mũi cái cậu Dookmali mỗi khi nhìn cái Ang nó là lạ làm sao ấy. Hơn nữa, nếu cậu ấy không thích con bé thì đã chẳng năng qua lại thế này, cho dù là khuya khoắt cứ hễ rảnh việc là chạy vội đến đây. Cái Ang nó có nói gắt, mắng nhiếc thế nào, giỏi lắm cũng chỉ biến mất một thời gian là lại xuất hiện.”

“Có thể vì cậu ấy buồn, cô đơn ạ. Cái Ang nói được tiếng nước ngoài nên cậu ấy muốn đến nói chuyện thường xuyên.”

“Nếu muốn nói chuyện thì cũng không nhất thiết phải đến gặp người nhà mình. Người bên xưởng đầy ra đấy, hoặc ở ga tàu Bangkok Noi, bên kia sông cũng thiếu gì, việc gì phải đến đây để cái Ang nó mỉa mai, đay nghiến cho khổ.” Bà Orn im bặt, nhìn người mẹ già đang đưa miếng trầu lên miệng.

“Orn cứ thử quan sát xem. Mẹ mát mũi kém rồi, đừng vội tin lời mẹ làm gì, mẹ chỉ nghi ngờ vậy thôi.”

“Nếu thật như vậy thì việc này cũng... không phù hợp... Hay ý mẹ thế nào ạ?”

“Thì tùy con định liệu, suy xét.”

Bà Orn thở dài, trong lòng cảm thấy nặng nề xen lo lắng.

“Nếu thật cậu ta quyến luyến người nhà mình thì cũng...”

“Orn nghĩ thế nào thì cũng phải từ từ, suy xét cho kỹ nhé con, đừng khuấy tung lên kẻo mà ‘nước thì đục, sen thì dập’, rồi không hay ra.”

“Chuyện này mà cái Ang nó biết thì là to chuyện.”

“Thời nay người ta gọi bằng từ gì ấy nhỉ, để chỉ việc nó yêu nước ấy?”

“Tinh thần dân tộc chủ nghĩa ạ.” Bà Orn không khỏi mỉm cười.

“Đấy đấy. Khổ... không dưng lại đi thích con bé có tinh thần dân tộc chủ nghĩa.”

Bà Orn mỉm cười dù lòng đầy lo lắng.

“Cứ từ từ quan sát xem thế nào đã mẹ nhé. Chuyện khác mình tính sau.”