Nghiệt duyên - Chương 34

“Ai? Ai đó, mau ra đây!”

Cô gái lớn tiếng dọa, đồng thời nép mình sát hơn vào bức vách. Từ trong góc tối có tiếng động cửa khe khẽ rồi lại yên lặng.

“Ra ngay đây, mau! Tao biết mày ở trong đó.”

Bà Orn bước ra khỏi phòng trong, tay lăm lăm cầm một cây gậy dài. Cô gái quay lại nhìn mẹ và ra hiệu cho bà đứng yên.

“Ra đây!”

Angsumalin hét to, đồng thời dùng sống con dao xén cỏ trong tay gõ rầm rầm vào vách bếp. Ánh đèn dầu soi thấy cái bóng cao gầy nhách từ từ di chuyển khỏi xó tối, hai tay chắp lên giơ cao sau đầu. Cảnh ấy khiến cô gái sửng sốt thốt lên đầy ngạc nhiên:

“Ơ...”

Người vừa lộ diện gần như chỉ còn da bọc xương, nên trông càng cao lênh khênh. Chiếc quần dài và cái áo đang mặc rách tơi tả. Điệu bộ kiệt quệ đứng không vững, da xỉn màu đến nơi, nhưng mái tóc dài đến cổ lại có màu vàng hoe và màu mắt rõ là màu xanh da trời.

“Ai đó con?”

Bà Orn gọi con gái hỏi. Cô gái vẫn nhìn chằm chằm vào người khách lạ mặt sửng sốt.

“Xin làm ơn, tôi vừa trốn được họ.”

Giọng nói khản đặc với tiếng Thái không sõi ngấp nga ngấp ngứng.

“Tôi vừa lên nấp được một chút thôi. Làm ơn đừng giao nộp tôi.”

“Ai thế hả Ang?”

“Tội phạm trốn ngục mẹ ạ.”

Cô gái quay lại nói với mẹ rồi bảo người kia bằng tiếng Anh:

“Mời đi ra đây.”

Câu trả lời làm kẻ vừa lén lút đột nhập vào ngôi nhà thốt lên mừng rỡ:

“Ồ...”

Angsumalin cúi xuống đặt con dao xén cỏ dựa vào vách, rồi xách cây đèn dầu quay lại với bà Orn. Bà từ từ ngồi xuống nhìn nhưng tay vẫn cầm cây gậy.

“Tù nhân Tây trốn trại ư?”

“Vâng ạ.” Cô gái đáp ngắn gọn.

“Chắc chính là người đám lính Nhật truy tìm lúc nãy rồi.”

Cô không trả lời câu hỏi ấy mà quay sang nhìn người vừa bước theo sau, tay vẫn trong tư thế bắt cao phía trên đầu.

“Có thể bỏ tay xuống được rồi. Mời ngồi.”

Người cao gầy ấy vội bỏ tay xuống, ngồi xuống bậc thềm không xa hai mẹ con.

“Ang, con đi ra kiểm tra lại cổng xem đã cài then chặt chưa. Nhỡ ai đi qua nhìn thấy thì khốn.”

Bà Orn bảo con, giọng vẫn run. Cô gái vội đứng dậy làm theo.

“Thế làm thế nào mà lại trốn được ra tới đây?”

Trông dáng vẻ đuối sức yếu xìu, co ro vì lạnh do quần áo ướt sũng của người kia bà Orn vội hỏi tiếp:

“Có đói không?”

Điệu cười trừ của đối phương làm bà chủ nhà tất tả đứng dậy.

“Chờ một chút nhé... Cái Ang lấy cho ông ta cái chăn nào đấy, trông có vẻ lạnh run lên rồi.”

Đôi môi người Tây tái nhợt, khô nứt, run rẩy. Đôi mắt toát lên lòng biết ơn khi thấy người chủ nhà bưng cái khay đồng có đĩa cơm và canh đặt xuống trước mặt.

“Canh hơi nguội, nhưng có mỗi thứ này là đồ ăn không cay.”

“Tôi ăn được ớt.”

Người đàn ông nói một cách lịch sự, rồi cúi mình cảm ơn khi nhận tấm chăn dạ đã hơi cũ từ tay cô gái, choàng vội lên người. Angsumalin ngồi xuống bên mẹ, nhìn người khách lạ xúc cơm ăn vẻ đói ngấu. Chỉ loáng cái đĩa cơm đã hết nhẵn.

“Có ăn nữa không?”

Bà Orn độ lượng hỏi, người kia ngượng nghịu cười đáp:

“Cảm ơn, tôi no rồi.”

Cô gái đưa cho ông ta cái bát con đựng nước mưa. Ông ta nhấc lên uống một hơi dài rồi đặt xuống bên mình.

“Sao lại trốn ra được đến đây?”

Câu hỏi ấy làm người kia lúng túng một chút, sau đó ông ta giải thích bằng tiếng Thái pha lẫn tiếng Anh:

“Chúng tôi đang chuyển trại giam, nhưng vừa hay có còi báo động máy bay ném bom. Lái xe người Nhật bỏ xe bên đường. Tôi đẩy cửa lưới thoát ra được, những người khác không biết có thoát ra theo không. Tôi đi nhờ xe người Thái đến khi gặp phải một nhóm lính Nhật khác, bị chúng truy đuổi phải nhảy xuống sông. Chúng dùng tàu tuần tra truy quét tôi đành phải chạy lên bờ trốn vào nhà ta vì thấy cổng còn mở. Làm ơn đừng giao nộp tôi cho lính Nhật.”

“Trốn thoát được thì ông sẽ đi đâu?”

Cô gái trầm ngâm hỏi. Đôi mắt xanh ánh lên tia hy vọng:

“Chúng tôi biết ở Thái Lan có tổ chức hoạt động bí mật, họ sẽ tìm cách đưa chúng tôi ra nước ngoài.”

“Ông làm sao mà liên lạc được với họ?”

Gương mặt xanh xao hiện vẻ lưỡng lự, không tin tưởng. Angsumalin bèn bồi thêm:

“Ông nghĩ chỉ dựa vào sức mình là có thể đến được nơi cần đến sao?”

Người kia im lặng, đưa mắt nhìn ngọn bấc dầu ngẫm nghĩ:

“Có thể được nếu từ từ tính, từ từ làm từng bước.”

“Nghĩa là cần phải có thời gian. Ông nghĩ có đủ thời gian không, nhất là khi màu tóc và mắt mũi ông khác hẳn mọi người thế kia?”

Người đàn ông im bặt, khẽ thở dài nhưng vẫn không chịu nói gì.

“Ông nhận được tin tức về tổ chức bí mật từ đâu?”

“Có đường dây báo cho chúng tôi biết, để nếu ai trốn thoát thì có thể liên lạc với một người.”

“Ông làm sao biết được người đó không trở mặt báo cho lính Nhật?”

“Vì đó là một vị chỉ huy cấp cao trong quân đội Thái.”

Vừa buột miệng nói ra, ông ta sợ hãi ngước nhìn lên. Bắt gặp đôi mắt đen to tròn nhìn mình vẻ lo lắng và không có dấu hiệu gì khuất tất, ông ta mỉm cười, gật gật đầu ra chiều khen ngợi:

“Cô thông minh lắm, bẫy hỏi tôi cho bằng được. Tôi thật sự không thể nói ra, ít nhất cũng để bảo vệ an toàn cho ông ấy. Tôi chỉ có thể khẳng định ông ấy chắc chắn là người của tổ chức bí mật. Chỉ cần tôi liên hệ được với ông ấy thì mọi sự sẽ được thu xếp ổn thỏa.”

“Thế từ giờ đến lúc đó thì sao?”

“Tôi phải tính đã.”

Angsumalin thở dài, người kia bèn nôn nóng cầu xin:

“Nếu có thể, làm ơn cho tôi trốn ở đây hai ba ngày.”

Bà Orn nhìn con gái:

“Ang định thế nào con?”

“Tùy mẹ quyết định ạ. Nhà mình thì lại ngay gần chỗ đóng quân của Nhật, nếu mà họ bắt gặp thì... nguy...”

Gương mặt xanh xao của người kia ngẩng nhìn bà Orn cầu khẩn. Bà chủ nhà nhìn thoáng qua đôi mắt ấy rồi tránh sang hướng khác, thở dài.

“Đấy... nếu mà bị bắt gặp... sẽ rắc rối hơn cả lần lão Pol lão Bua là chắc.” Hai mẹ con im lặng. Lát sau bà Orn chầm chậm nói:

“Nhưng nếu không giúp thì chắc ông ta không thoát được... Mạng sống con người làm sao có thể bỏ mặc cho chết ngay trước mắt, phải không con?”

“Con thì tùy ở mẹ ạ.”

“Nếu chỉ trốn trong nhà thì chắc cũng không sao.”

Bà Orn đưa ra quyết định bằng giọng nhẹ nhàng, rồi quay sang mỉm cười:

“Nhà này ở gần trại lính Nhật, nếu ở lại phải hết sức cẩn thận vì thường có lính Nhật đến chơi. Khi nào có đường hướng rồi hẵng đi.”

Đôi môi khô nứt nẻ của người tù vượt ngục run run vì cảm động, mắt ông ta hơi ngấn nước.

“Cảm ơn, xin cảm ơn rất nhiều. Nếu tôi không chết sớm nhất định tôi sẽ tìm cách báo đáp ơn này.”

“Không cần đâu. Cầu cho ông trốn thoát được trót lọt. Cùng là người với nhau phải biết cứu giúp nhau. Ang... cho ông ta ngủ đâu bây giờ con?”

“Trong kho được không hả mẹ?”

“Ừ, phải đấy. Để mẹ đi lấy gối màn và cái nệm.”

Cô gái chỉ vào căn phòng vẫn khóa trái ở góc trong cùng, nói với người kia:

“Đó là cái kho, chỉ có một cửa sổ nên hơi bí và tối. Ban ngày ông phải ở trong phòng, chúng tôi sẽ khóa lại, buổi đêm mới mở cho ra được. Liệu ông có chịu được không?”

“Xin cảm ơn, vậy còn hơn ở trong trại giam.”

Bà Orn đi từ phòng trong ra, bê lỉnh kỉnh nào là chiếu, màn, gối. Người đàn ông gầy nhom cởi cái chăn khỏi người, nhanh nhẹn đứng dậy. Nước da ông ta sạm đen cháy nắng, gương mặt lộ vẻ xấu hổ khi thấy bà Orn nhìn mình với ánh mắt thương hại:

“Quần áo tôi rách hết cả. Ở trại chúng không cấp quần áo mới cho tù.”

“Ang, hình như mình vẫn còn một ít quần áo của... ừm... của bố con để lại, nhưng không biết cất đâu rồi.”

“Gói ở cái hòm trong kho ạ, có thể hơi ngắn nhưng ông ta gầy thế này chắc cũng mặc được.”

Bà Orn lôi ra một chùm chìa khóa to chọn lấy một cái rồi dẫn mọi người vào kho.

“Bà không hỏi gì cả ạ?”

Bà cũng hỏi là ai đến vì nghe thấy tiếng nói chuyện nên mẹ bảo bà cứ ngủ đi, mai mẹ sẽ kể cho nghe.”

Trong kho, một bên là giá để đồ dài kê dọc tường, ngăn nào cũng có bát đĩa nồi niêu cho tới rổ rá làn mẹt chồng lên nhau đầy kín. Bên kia phòng cũng kê rương hòm san sát, chỉ chừa mỗi lối đi không rộng lắm ở giữa. Tuy vậy, nơi này vẫn sạch sẽ tinh tươm bởi được quét dọn thường xuyên.

“Phòng hơi chật nhưng nếu di chuyển mấy cái hòm xếp chồng lên nhau thì sẽ rộng thêm một chút... Con còn nhớ chỗ quần áo đó ở trong cái hòm nào không?”

Angsumalin quỳ xuống trước cái rương đầu tiên, kéo dây buộc, đẩy nắp mở ra. Trong rương, từng chồng quần áo không mặc nữa xếp gọn gàng, hầu hết là quần áo đàn ông trông sạch sẽ nhưng cũng đã ngả màu ố vàng theo thời gian. Angsumalin vuốt cái áo màu nâu trên cùng như bỗng thấy lưu luyến nhưng rồi chỉ giây lát sau, cô lấy ra một bộ và vội đóng nắp rương lại. Bà Orn quay mặt đi, ra treo cái đèn dầu vào cây đinh trên vách.

“Bảo ông ta đi tắm đi đã, để mẹ trải nệm cho.”

“Ồ, thôi ạ, chỉ thế này tôi đã cảm kích lắm rồi.”

“Không sao đâu. Ông đi tắm đi để thay quần áo mới, rồi vào ngủ luôn.”

Một lúc lâu sau, người đàn ông gầy còm cao ngộc trở lại phòng, bộ quần áo nâu mới mặc dù ngắn nhưng mặc vẫn vừa vặn, gọn gàng. Vừa hay bà Orn cũng mắc xong dây màn cuối cùng lên cái đinh.

“Được rồi, thế là ngủ tạm được một đêm.”

Đôi cánh tay dài nghêu, gầy lỏng không đưa ra nắm chặt lấy tay bà Orn. Giọng nói tuy ngọng nhưng vẫn nghe ra niềm xúc động rưng rưng:

“Đây là nóc màn đầu tiên sẽ cho tôi được ngủ một giấc trọn vẹn kể từ khi bắt đầu chiến tranh.”

Bà Orn cười ngượng nghịu vì không quen với cử chỉ thể hiện tình cảm kiểu này.

“Không có gì. Ông đi ngủ đi. Ngày mai đừng đi ra khỏi phòng, nhỡ ai nhìn thấy. Ơ... mà còn chưa biết ông tên là gì?”

“Trung úy Michael Walden, nhưng cứ gọi tôi là Mike.”

Có điều gì trong giọng nói ấy toát lên mềm tự hào... Bỗng dưng Angsumalin chợt nhớ lại giọng nói vui vẻ mà khiêm tốn, lịch sự của người mang hàm Đại úy Hải quân Hoàng gia quân đội Thiên Hoàng!

“Được rồi, mai hãy nói chuyện tiếp. Cái đèn dầu này cứ để đây cho ông nhưng đừng quên tắt trước khi ngủ.”

Bà Orn quay bước ra khỏi phòng cùng con gái, cô đóng cánh cửa chặt lại như cũ.

“Nếu cậu Dookmali mà bất chợt chạm mặt người này thì ta biết làm sao?”

Angsumalin không đáp bởi chính cô cũng không biết nếu thế thật thì anh ta sẽ xử lý cô bằng biện pháp nào.