Nghiệt duyên - Chương 37

Đôi mắt sắc sảo nhìn cô gái chỉ hơi ánh lên một chút, rồi chuyển sang thờ ơ, ngờ vực. Khuôn mặt rám nắng lần đầu tiên xuất hiện vẻ mệt mỏi và chán nản. Angsumalin cụp mắt xuống, nhìn vào đôi giày bốt cao cổ nặng trịch, đánh bóng loáng. Gót giày dừng lại ở trước mặt cô, nhưng không nghe thấy lời nào cất lên ngoài tiếng lão Bua và lão Pol nói chuyện om sòm gần đó.

“Đêm qua, tôi suýt vỡ tim vì sợ, ông thế nào lão Pol?”

“Hự... tôi mà chả thất kinh bạt vía hơn thế à. Cái xưởng đóng tàu này là vị trí chống lược. Chỉ sơ sẩy tí thôi là bùm! Tan tành hết.”

“Người ta gọi là vị trí chiến lược.”

“Thì đấy. Vị trí gì thì mặc kệ, chỉ biết đây là điểm vô cùng quan trọng. Lúc có còi báo động, tôi còn chưa kịp ngồi dậy, chỉ chớp mắt đám người xung quanh đã biến mất. Cái bọn này nhanh hơn cả khỉ, chỉ để lại mỗi một người đi lại cồm cộp tuần tra thôi.”

Lão Pol không nói tên nhưng làm bộ hất hàm nhấm nháy ra hiệu:

“Thấy người ở đây nói chuyện là có phạm nhân trốn đến khu mình ở phải không?”

Câu hỏi ấy làm cho bầu không khí trở nên im bặt, nhưng kẻ đang nói không biết gì vẫn cứ tiếp tục bô bô:

“Ở đây lục soát mọi ngóc ngách. Mấy tên Nhật biết ít tiếng Thái có kể là nếu ai che giấu sẽ tội nặng ngang đồng lõa!”

Cô gái ngẩng mặt lên ngay lập tức, khuôn mặt nhợt đi đôi chút. Cô cũng biết rõ việc làm của mình nếu bị phát hiện sẽ phạm vào tội gì, mặc dầu vậy, Angsumalin chưa hề mảy may nghĩ rằng hành động đó sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho một người khác nữa! Khuôn mặt đang cúi xuống ấy bình thản, không suy chuyển, chỉ riêng ánh mắt toát lên vẻ hối lỗi, nửa như xấu hổ nửa như buồn bực về điều mà anh ta đã quyết định. Đôi môi cô gái hé mở:

“Kobori...”

Giọng cô gọi tên anh ta nghe dịu dàng pha lẫn sự lo lắng với vẻ quan tâm chân thành. Đôi môi cong hơi mỉm cười nhuốm màu buồn bã và chua xót:

“Tôi đã bảo rồi tôi là thằng ngốc!”

Anh ta nói khe khẽ bằng tiếng Anh chỉ đủ cho hai người nghe thấy.

“Tôi chỉ được lựa chọn làm một trong hai: là một người lính tồi nhưng còn có chút nhân tính trong mắt cô, hoặc là người lính tốt nhưng chỉ là một kẻ thú tính trong con mắt cô. Đối với tôi... chỉ có vậy thôi.”

“Kobori...”

Chàng trai không thèm nghe mà nhanh chóng nói tiếp như muốn giãi bày hết mọi tâm sự:

“Tôi đã cố gắng làm điều tốt nhất cho cô, nhưng là nỗ lực tồi tệ sai trái đối với quân đội. Tôi trao mạng hắn cho cô, nhưng biết đâu lại phải hy sinh cả mạng sống của tôi vì hắn. Cô có biết điều lệ quân đội quy định như thế nào không?”

Đôi mắt đen dài dẹt nhìn thẳng vào mắt cô toát lên vẻ mãnh liệt nóng bỏng.

“Tội đó chỉ có một đường mà thôi... xử bắn! Nhưng cô đâu có quan tâm, phải không? Vì trong mắt cô, tôi đâu có ý nghĩa gì, dù sống hay chết.”

“Không phải như vậy...”

“Giá trị của tôi còn không bằng... hắn ta... tuy rằng kẻ đó cũng từng giết nhiều người không kém gì tôi. Hãy trông coi hắn ta cẩn thận. Tôi đã cho cô cơ hội, đừng để phải dùng mạng sống của cả gia đình cô đổi lấy mình hắn?”

Kobori đứng nghiêm chào, đầu cúi thấp như muốn giấu cảm xúc lộ ra trong đôi mắt mình. Rồi anh ta quay lưng lại, vội vàng bỏ đi, không thèm nghe tiếng gọi khe khẽ đằng sau:

“Từ từ, chờ đã, tôi...”

Angsumalin thở dài, nhìn theo dáng người cao cao ấy đi ngang qua sân rồi rẽ khuất vào xưởng cơ khí.

“Thế ông đã được về chưa, để tôi đến đón?” lão Bua hỏi lão Pol, giọng là lạ.

“Tôi phải ở đây thêm hai ba ngày nữa.” lão Pol trả lời.

“Thế sao lúc đầu ông kêu ca là không thể ở đây được?”

“Thì... ở rồi mới thấy là chẳng làm sao. Bọn họ thực ra cũng tốt, ăn uống no, chỗ ở cũng được, chẳng phải làm gì. Bác sĩ bảo để hai ba ngày nữa rồi tôi hẵng về.”

“Hứ...” Lão Bua nhổ bọt bâng quơ. “Lão đúng là loại chỉ biết ăn với ngủ, chỉ cần có đồ ăn, có chỗ ngủ là thế nào cũng được. Rồi, không về cũng tốt, tôi đây càng được thoải mái làm... gì đó theo ý mình.”

Lão Bua ngầm ám chỉ ý khác, nhưng lão Pol không để tâm:

“Thôi mà, mấy ngày nữa tôi sẽ về. Đây là tôi ra cho chúng nó tiêm thuốc, rồi cũng phải vào nằm nghỉ thôi.”

“Ông ở đây sung sướng rồi, tôi cũng về thôi. Khi nào ông khỏi hẳn rồi thì nhanh chóng mà về, có nhiều cái hay ho cho ông xem lắm.” “Cái gì cơ?” Lão Pol bắt đầu tỏ ý nghi hoặc.

“Về thôi bác Bua.” Angsumalin nhanh chóng ngắt lời.

“Được rồi, rồi ông sẽ biết. Tôi mà đi phát tài phát lộc một mình e cũng không nên không phải, rồi đây ông lại trách tôi không bảo.”

“Ông nói cái gì thế?”

“Đi nào, bác Bua.” Cô gái vội đứng dậy trước khi lão Bua kịp nói thêm điều gì.

“Tôi về đây.”

Lão Bua làm ra vẻ đang giữ một bí mật to lớn khiến cô gái bắt đầu thấy lo.

Bí mật này không chỉ quyết định đến việc sống chết của đời cô mà còn của tất cả mọi người liên quan, bao gồm cả người mà cô chưa bao giờ nghĩ sẽ cùng chia sẻ số phận với mình - người ấy là Kobori!

Ngay khi cô vừa bước lên nhà, bà Orn đã gật đầu liếc về phía nhà kho khẽ nói với con gái:

“Ông ta ở trong đó. Giờ con định làm thế nào tiếp?”

“Con vừa đi dọn dẹp túp lều ở cuối vườn ổi rồi, bảo bác Bua lấy lá dừa lá cọ lợp kín mấy chỗ trống, che bớt cửa nẻo để không thể nhìn thông thống vào. Đêm nay chắc là chuyển đến đó được.”

“Con sang xưởng gặp cậu Dookmali không con?”

“Có gặp ạ.” Giọng nói nhỏ nhẹ bất thường.

“Cậu ấy nói thế nào?”

“Không... không có gì ạ. Nhưng con vừa được biết là... nếu có ai phát hiện ra, thì không chỉ chúng ta gặp nguy mà anh ta cũng... bị trị tội.” Angsumalin giấu bẽn từ “xử bắn” đi, không muốn để mẹ hoảng sợ thêm.

“Thì đấy xem ra cũng giống cậu ấy đồng lõa với mình vì chính cậu ấy là người vào lục soát nhà. Thật là nghiệp chướng... nhỡ mà làm sao, có khi cậu ấy còn bị tội nặng hơn cả mình vì thế có khác nào phản bội hàng ngũ đâu chứ.”

Cô gái bỗng dưng cảm thấy bức bối, khó thở, vội bước nhanh vào gian chứa đồ... Trong kho khá tối, chỉ có ánh sáng mờ ảo lọt vào từ lỗ thông hơi, cửa sổ đóng chặt cài then kỹ càng. Dáng người cao gầy ngồi gác chân trên cái hòm sát vách. Khi thấy cô gái đi vào, ông ta bèn lịch sự bỏ chân xuống.

“Chắc là cô đã gặp rắc rối vì tôi?”

Angsumalin dựa vào cánh cửa ra vào, không đáp lại.

“Tôi biết người lính Nhật đó chắc chắn đã nhìn thấy tôi. Ít nhất anh ta cũng đã ẩn ý để tôi biết là anh ta đã thấy. Anh ta định xử lý thế nào?”

“Không có gì cả. Đêm nay ta sẽ đưa ông đi trốn ở nơi khác.”

“Tại sao anh ta không xử lý tôi?”

Cô gái yên lặng, vẫn không trả lời, nhưng trong lòng cô gần như đã tin chắc rằng không ai biết rõ Kobori như mình!

“Tôi biết rõ quân nhân Nhật lắm bởi mỗi lần có phạm nhân bỏ trốn bị bắt trở lại, chúng đều lệnh cho toàn quân xếp hàng để chứng kiến những kiểu hành hình kỳ quặc. Đầu tiên, chúng sẽ bắt phạm nhân tự đào hố chôn mình, rồi lên đứng ở miệng hố, hai tay trói trật ra sau. Những phạm nhân này sẽ trở thành mục tiêu sống để chúng thử độ chính xác của các đòn samurai!”

Giọng kể đượm vẻ cay đắng, thù hằn:

“Tôi còn nhớ tiếng kêu rền rĩ của những người cận kề cái chết, một số còn chưa tắt thở hẳn đã bị đá xuống hố, lấp lại chôn sống! Một người bạn tôi đã phải chịu hành hình như vậy, nhưng anh ta là người cả gan, khi kẻ hành hình ra đòn, anh ta liền nghiêng cổ hứng trọn nên may là chết ngay lập tức không bị đau đớn dai dẳng!”

Cô gái nuốt nước bọt một cách khó khăn, nhưng vẫn yên lặng đứng nghe.

“Tôi thoáng liếc nhìn người lính Nhật đó, trông vẫn còn trẻ con.”

“Anh ta đã là đại úy, không còn trẻ con đâu.”

“Gã đó yêu cô à?”

Câu hỏi ấy được đưa ra một cách thẳng thừng, giáng thẳng vào lòng người đang nghe, khiến cô cảm thấy như cả người nóng bừng rồi lại lạnh toát, đôi tay nắm chặt run run.

“Xin lỗi vì tôi hỏi thẳng quá, chỉ là tôi nói ra nhận định của mình thôi.”

“Tôi là người Thái...”

Cô gái cố điều chỉnh giọng nói cho bình thường nhưng vẫn có thể thấy rõ sự kiêu hãnh trong từng lời:

“Truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc tôi có một điều cấm kị là không được để cho dòng máu của mình hòa cùng dòng máu của người nước khác[30]!”

[30] Xã hội Thái Lan xưa không cho phép phụ nữ Thái được kết hôn với người từ dân tộc và tôn giáo khác (khác với đạo Phật là quốc giáo của Thái Lan) nhằm quản lý chặt dân cư và đảm bảo dân chúng trung thành với triều đình, không để thất thoát nguồn nhân lực cho những dân tộc khác. Các Bộ luật năm 1633 hay 1663 trong thời kỳ Ayuthaya còn quy định hình phạt tử hình với những phụ nữ vi phạm, hoặc xử phạt rất nặng với những gia đình cho phép con gái kết hôn với người nước ngoài. Đến thế kỷ 19, quan niệm xã hội đã cởi mở hơn cùng với việc trao đổi, giao thương với nước ngoài gia tăng. Luật pháp cũng nới lỏng, lần đầu tiên cho phép người Thái kết hôn với người nước ngoài vào năm 1897. Nhưng nhìn chung thời kỳ này, xã hội vẫn coi thường, khinh miệt những phụ nữ lấy chồng ngoại quốc.

“Kỳ lạ thật. Cô đừng giận nhé. Đây là tôi nói theo quan điểm của quốc tế nói chung, nhất là khi cả hai cùng là người châu á thì đáng ra càng không nên phân biệt. Các dân tộc châu Âu chúng tôi cũng thường có sự hòa trộn các dòng máu với nhau, không chia rẽ.”

“Nhưng các ông cũng từng phân biệt người phương Tây sinh ra cho người phương Tây và người phương Đông chỉ phù hợp với người phương Đông. Thì đây chúng tôi cũng coi rằng người Thái chỉ dành cho người Thái mà thôi.”

“Cô là một người Thái hoàn toàn theo chủ nghĩa bảo thủ: nhà cửa kiểu Thái, lối sống kiểu Thái, tính cách đặc trưng của người Thái - yêu tự do, kiên định không hay đổi thay, nhân hậu. Không phải tôi ca ngợi cô mà đây là lý thuyết, trước khi đi lính, tôi đã học ngành Nhân chủng học.”

“Còn tôi vẫn chưa tốt nghiệp thì chiến tranh đã nổ ra giữa chừng.”

“Cô học ngành gì?”

“Ngữ văn.”

“Rất hợp với tính tình của cô.” Đôi mắt ấy nhìn xuyên bóng tối thẳng ra phía cô: “Nhưng tôi muốn nhắc nhở cô một điều... với tư cách là một người lớn tuổi hơn, đừng coi đây là kẻ tội phạm khoác lác lên mặt dạy đời...”

Ông ta nói với giọng người lớn khuyên bảo trẻ con làm cô gái thầm cảm thấy buồn cười.

“Cô là người can đảm, có lẽ hơi cứng đầu nữa, quyết định mọi việc kiên quyết như đàn ông. Vì vậy, đôi khi cô cũng đưa ra quyết định cho cả cuộc đời mình một cách dễ dàng, thẳng băng đi, thậm chí ngay cả khi sai cô vẫn cứ cố bướng bỉnh cho bằng được. Nếu cô mà là con trai thì hắn là kiểu người liều lĩnh hay táo tợn khùng khùng, nhiều người lính tôi gặp có tính cách này đã giành đủ loại huân chương. Nhưng cô là phụ nữ, đừng chỉ hành động theo cảm tính, mà cần phải dùng cả lý trí nữa. Đừng đưa ra quyết định quá nhanh chóng, hãy cố gắng suy xét được mất, trước sau thì tương lai của cô sẽ xán lạn. Còn nếu cô... cứ ương ngạnh, rồi một ngày cô sẽ nhận ra điều cô mong muốn đã trôi vuột khỏi tay do sai lầm của chính cô!”

“Cảm ơn ông. Ông là nhà nhân chủng học, hay là thầy bói đây?”

Giọng ôm ồm cười khẽ như vừa ý:

“Tôi nói dựa vào những gì tôi đã quan sát được. Gia đình cô toàn là phụ nữ ở giữa nơi đầy rẫy kẻ thù, vậy mà cô lại nhận được sự nể trọng khá lớn. Cô không hề sợ tôi, ngay cả khi mới nhìn thấy cũng không kêu hét lên. Còn khi lính Nhật đến khám xét cô cũng vẫn bình tĩnh. Chỉ cần những điều như vậy là đủ đối với một người chuyên nghiên cứu con người như tôi.”

“Tôi sẽ ghi nhớ lời ông. Đêm nay, khuya một chút, tôi sẽ đưa ông đến nơi trú ẩn mới. Giờ ông có cần gì không?”

“Tôi không muốn làm phiền gì thêm nữa. Nhưng... cô có ít thuốc lá sợi nào không? Tôi nghiện thuốc lá, lâu rồi không được hút, chỉ cần ít thuốc lá sợi cho tôi nhai là tốt rồi.”

“Tôi có ít thuốc hắc, sợi ngắn, không biết có dùng được không?”

“Chỉ cần là họ thuốc lá thì loại nào cũng được.”

“Vậy tôi sẽ tìm thêm giấy để ông quấn thuốc lá.”

Angsumalin quay ra, đóng cửa lại cẩn thận.

“Gã đó yêu cô à?”

Câu hỏi ấy lại vang lên rõ rệt trong tâm trí cô cùng với hình ảnh đôi mắt đen nhìn cô buồn bã... Đối với cô, tôi chỉ là một thằng ngốc vô giá trị... Giọng nói trầm trầm trách móc vang lên rõ mồn một.

“Nas... Nas... Em yêu anh, chỉ yêu mình anh thôi, Nas...”

Cô gái gọi đi gọi lại cái tên ấy trong lòng như thể lấy đó làm chỗ dựa không cho tâm trí lung lay, suy chuyển.

“Hideko...”

Lại cái tiếng nói ấy, giọng âu yếm pha lẫn buồn bã khi dịu dàng gọi cô bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.

“Nas... Nas...”

Tìm trăng tri kỷ trần thế

Khó hơn trên trời, trăng kia

Vầng trăng trên trời sao sánh

Mắt huyền tri kỷ long lanh.

Tiếng trầm khàn vừa nói vừa cười lại vang lên thế chỗ. Angsumalin thở dài:

“Nas, bao giờ anh sẽ trở lại?... Em sẽ luôn gìn giữ lời hứa của mình.”