Nghiệt duyên - Chương 39

Angsumalin đã bước lên bậc cầu thang trên cùng, nhưng khi quay lưng lại vẫn thấy cái bóng cao lớn đứng bên bụi cây như đang canh chừng để cô không trở xuống lần nữa, và đợi cảnh cổng đóng chặt mới ra về. Bà Orn vặn ngọn đèn dầu cho sáng hơn, cất giọng hỏi khẽ:

“Ổn cả không con?”

Cô gái lặng im giây lát, không biết có nên kể chuyện vừa xảy ra cho mẹ nghe hay không.

“Có chuyện gì thế con?”

Bà Orn sốt ruột hỏi khi thấy cô không trả lời. Angsumalin khẽ thở dài, đưa tay lên vuốt những lọn tóc bị sổ xuống, rồi đi ra ngồi gần mẹ.

“Con gặp Kobori ở đó.”

“Cái gì cơ?” Bà Orn thốt lên hốt hoảng.

“Con nghĩ anh ta biết ta sẽ đưa tù nhân ra đấy nên vờ tạt vào nói chuyện với lão Bua.”

“Thế cậu ta có nhìn thấy không con?”

“Không ạ. Con bảo ông Michael nấp trong bụi cây trước vì cũng sợ nhỡ bị ai bắt gặp. Con dặn ông ấy nếu thấy trong lều có người thì cứ nấp ở ngoài, chờ đến khi đi hết hãy vào gặp lão Bua vì con đã hẹn trước cho rồi, không cần con phải đưa vào nữa. Cũng may là Kobori ra về cùng con...”

Angsumalin ngập ngừng đôi chút, rồi tóm gọn câu chuyện:

“Ban nãy anh ta đưa con về trước nhà. Giờ chắc lão Bua đã gặp ông Michael rồi, mai hay ngày kia con sẽ lại đi xem sao.”

“Không biết cậu Dookmali có định làm gì không.”

Bà Orn than thở vẻ không yên tâm, còn Angsumalin trong lòng cũng đang rối như tơ vò, không còn tâm trí đâu an ủi mẹ, chỉ nói tránh đi:

“Chắc anh ta không làm gì mình đâu, thấy bảo là sắp chuyển đi nơi khác.”

“Ai sẽ chuyển đi? Cậu Dookmali ấy à?”

“Vâng, anh ta bảo được nghỉ ba ngày, sau đó sẽ xuống công tác dưới tàu.”

“Ôi... tiếc thế. Người tử tế lại đi mất, người mới đến không biết sẽ thế nào, nếu mà không hòa hảo với dân thường chúng ta thì nguy rồi.”

Bà Orn vẫn dềnh dàng câu chuyện, nhưng cô gái đã đứng dậy.

“Khuya rồi ạ. Con nghĩ mẹ con mình đi ngủ thôi. Bà ngủ lâu rồi hả mẹ?”

“Ừ, mà tay áo con làm sao bị rách ra thế kia?”

Angsumalin đưa tay nắm lấy chỗ rách, trả lời cho qua chuyện:

“Có lẽ là cành cây cào rách ạ, đường tối quá.”

Bà Orn có vẻ cũng không chú ý đến câu trả lời, từ từ đứng dậy.

“Ngủ thì ngủ. Con đóng cổng kỹ chưa?”

“Rồi ạ. Mẹ vào đi ngủ đi, để con tắt đèn cho.”

Đêm đó bà Orn cũng trằn trọc mãi không ngủ được vì tiếng đàn tam thập lục thánh thót da diết vang lên từ căn phòng ngoài cùng. Điệu nhạc nhẹ nhàng mà buồn thương như gửi lời trách cứ cùng cây lá, nhưng rồi hạ âm thành khẽ khàng êm dịu. Bà Orn thở dài trong lòng nghĩ:

“Giai điệu của Nhật đây mà!”

Dòng nước chảy xiết cứ đẩy mũi thuyền hướng khỏi bến. Cô gái phải gồng tay níu chặt lấy, tay kia đỡ bà già từ bậc thang bước xuống thuyền một cách thận trọng, miệng cô nhắc liên hồi:

“Từ từ thôi bà. Chầm chậm ạ. Cầu thang nó trơn, để rồi cháu sẽ cọ cho sạch, rêu bám lên nhiều quá rồi.”

Bà Orn đội nón rồi nói với con gái:

“Nhà ấy làm lễ cúng dường trai tăng buổi trưa[32]. Mẹ và bà sẽ ở lại giúp họ cho đến khi xong việc rồi mới về con nhé.”

[32] “Cúng dường trai tăng” là một tập tục quan trọng và tốt đẹp của nhà Phật, là nghi lễ phổ biến trong các chương trình lễ hội của Phật giáo nói chung, và đặc biệt được Phật tử người Thái thường hay thực hiện. Lễ trai tăng không chỉ được tổ chức ở trong chùa mà còn cả ở tư gia Phật tử mỗi khi có hỷ sự như tân gia, sinh nhật, kết hôn, mừng thọ, v.v. Phật tử sẽ cung thỉnh các bậc sư tăng về nhà đọc kinh tụng niệm để được nghe những lời giáo huấn của Đức Phật, nguyện cầu cho gia đạo bình an, báo đáp tổ tiên ông bà cha mẹ. Sau đó, dâng lên các vật phẩm cúng dường và mời chư tăng dùng cơm (trước mười hai giờ trưa).

“Vâng, không sao đâu mẹ. Con ở nhà được mà.”

“Đừng quên đem cau ra phơi cho mẹ đấy.”

“Vâng. Nếu nhỡ có còi báo động thì mẹ không phải lo cho con đâu, cứ tìm chỗ trú ẩn ở đó ạ.”

“Hừ... đừng có nói gở thế con. Hôm nay chắc là nó không đến đâu. Cũng lâu ngày rồi không thấy.”

“Cẩn thận rồi lại giống chuyện Lão Ông gọi gà, gà đến thật[33].”

[33] Một tích trong tác phẩm văn học cổ điển của Thái Lan có tên Lilit Phra Lor, kể về Lão Ông Saming Phrai gọi gà thần về nhập hồn để mê hoặc, dụ PhraLor đi gặp Phra Phuon, Phra Phaeng.

Bà già bật cười, cầm cái khăn đỏ lên thấm nước trầu nơi khóe miệng.

“Nhưng cháu nghĩ bà đừng vội ‘gọi gà’ ạ, kẻo các sư thầy đang ăn cơm lại bật dậy chạy tán loạn, cà sa bay phấp phới.”

“Nghe cái con bé này nói kìa. Con đẩy mũi thuyền ra được rồi.”

“Mẹ chèo thuyền ra đi, lái đúng hướng rồi con sẽ đẩy đuôi thuyền cho có đà. Nào, hai ba ạ.”

Chiếc thuyền tam bản nhỏ được đà đẩy mạnh liền lao nhanh về phía trước, có tiếng cười trong lanh lảnh vọng theo. Dòng nước chảy xiết giúp cho thuyền theo dòng trôi nhanh mà không phải cố sức chèo mấy. Nhưng vừa qua khúc quanh người chèo phải lái vội mũi thuyền để tránh chiếc xuồng máy màu trắng đang thả trôi xoay vòng.

“Xuồng ai đấy nhỉ?” bà già hỏi, lấy tay che mắt vì nắng.

Người ngồi trong xuồng đang cúi xuống bận bịu với việc sửa máy, chỉ thấy loáng thoáng dáng người mặc áo xỉn màu gần như ngả đen. Khi chiếc thuyền nhỏ chèo tới sát gần, anh ta mới ngẩng lên, nhận ra người quen bèn cười tươi chào hỏi rất sõi:

“Chào bà. Bác đi đâu đấy?”

Nói rồi anh ta đưa cánh tay lực lưỡng to khỏe ra kéo mạn thuyền đỗ sát vào xuồng mình.

“Đi giúp người ta làm lễ cúng dường tại gia ở phía dưới kia. Xuồng cậu bị làm sao?”

Chàng trai chỉ vào động cơ rồi lắc đầu:

“Đang chạy thì tự dưng dừng lại.” “Thấy cái Ang nói là cậu sắp chuyển đi à?”

Ánh nhìn lấp lánh trong đôi mắt sáng như tối lại.

“Có thể cháu sẽ xuống đóng quân dưới tàu.”

“Ai sẽ đi đâu?” bà già hỏi vẻ không hiểu gì cả.

“Là cháu ạ, sẽ rời khỏi đây.”

“Ối, làm sao mà phải chuyển đi đâu?”

Kobori không đáp mà chỉ hơi mỉm cười.

“Hồi này không thấy cậu qua chơi.”

“Cháu e là bất tiện bà ạ.”

“Ô hay... có làm sao đâu. Hôm nào rỗi rãi, mời cậu cứ đến tự nhiên. Hôm nay chúng tôi phải đi đã, kẻo mặt trời lên cao nó nắng.”

Chàng trai buông tay đang giữ mạn thuyền, thả cho chiếc thuyền nhỏ trôi nhanh theo dòng. Anh ta nhìn theo một lúc, rồi lại cúi xuống tiếp tục loay hoay sửa máy.

Bàn tay trắng trẻo cầm cái vung nồi đất úp xuống đang cọ rêu nhanh thoăn thoắt trở nên chậm dần vì đầu óc mải nhớ lại sự việc vừa xảy ra. Buổi sáng, Angsumalin đã mấy lần định kể lại chuyện xảy ra đêm hôm trước cho mẹ, phòng khi tin đồn xấu lan rộng, ít ra cô cũng có thể an tâm là đã kể hết sự thật cho mẹ nghe. Nhưng rồi cô vẫn không thể nào cất lời vì bà Orn cứ bận bịu với việc chuẩn bị đồ làm lễ cúng dường. Nhiều lúc, cô vừa mở lời bắt đầu câu chuyện: “Mẹ ơi, đêm qua...” thì bà Orn đã cắt ngang vẻ không chú tâm:

“Ừ thì thôi, cũng có gì lắm đâu con.”

“Nhưng... mẹ à... con...”

“Hôm nay bà sẽ đi với mẹ, con ở nhà một mình được không? Hay là đóng cổng rồi đi cùng mẹ luôn?” Bà Orn lại nói sang chuyện khác.

“Con ở nhà thì hơn ạ, còn nhiều việc phải làm, nhở bác Bua có việc gì cần chạy đến lại không gặp.”

“Tùy ý con, nhưng đừng xuống vườn nhé.”

Cuối cùng, Angsumalin vẫn không thể kể chuyện đã xảy ra. Điều duy nhất khiến cô lo lắng lúc này là trong buổi lễ hôm nay, mụ Mian chắc chắn sẽ tham dự, và khỏi phải bàn cãi, sẽ khua môi múa mép cho xứng với biệt danh “mồm mắm cá” của mụ. Vấn đề là tin đồn đáng hổ thẹn ấy có đến tai bà và mẹ cô hay không và hai người liệu sẽ tin theo câu chuyện ấy mức nào?

“Trái tim cô không biết yêu!”

Giọng nói trầm trầm dịu dàng thoảng buồn bã vẫn văng vẳng bên tai.

“Cho dù người yêu cô là ai, cô yêu anh ta bởi cô muốn có ai đó của riêng mình thôi, chỉ để xua tan lòng nghi hoặc ngờ vực dành cho mọi người, để khỏa lấp nỗi đau mất mát mà cô từng phải chịu.”

Angsumalin ra sức ấn cái vung đất trong tay xuống, cọ lấy cọ để cho hết đám rêu xanh rì dày kín bậc thang. Cô nghiến răng thầm kêu lên phủ nhận:

“Không đúng!”

Nhưng giọng nói đó vẫn tiếp tục buộc tội:

“Cô chưa từng biết đến tình yêu dịu dàng, đến sự gắn bó sâu sắc có thể khiến con người ta chịu hy sinh tất thảy mọi thứ trên đời vì người mình yêu.”

“Tôi yêu Nas... yêu anh ấy thật sự. Tôi có thể hy sinh mọi điều vì anh ấy. Tôi biết tình yêu là thế nào...”

“Nếu như cô từng biết đến tình yêu, ý tôi là tình yêu thật sự thì biết đâu... trái tim cô đã không cứng rắn, lạnh lùng đến mức này. Và hơn cả, cô sẽ hiểu trái tim của người đang lẻ loi cô đơn, đang sắp sửa mất đi tình yêu của mình cảm thấy như thế nào.”

Mặc dù đang ngâm chân dưới nước, Angsumalin vẫn cảm thấy nóng bừng bừng đến nỗi mồ hôi vã ra trên trán. Đôi mắt cô nhìn đăm đăm vào bậc cầu thang như không trông thấy gì khác, tai ù đi không nghe thấy tiếng xuồng máy tiến lại gần.

“Tôi biết cảm giác mất mát điều mình yêu quý nó ra sao lắm chứ. Tôi đã từng mất cha, phải chia ly với người mà... yêu tôi... Sự lạnh lùng, cứng rắn của tôi hình thành từ những đau khổ ấy, không phải vì tôi chưa từng yêu ai...”

“Có thể cô đã có người yêu, nhưng cô chưa từng biết đến tình yêu thật sự...”

“Không đúng! Không phải!”

Angsumalin buột miệng kêu to lên một cách bực dọc, cánh tay đập xuống mặt sông làm nước bắn tung.

“O... doushita no desuka?... Có chuyện gì vậy?”

Giọng trầm ấm vang lên rành rọt, không thể là tiếng vọng từ trong hồi tưởng được. Cô gái lấy cánh tay quệt mồ hôi trên trán, rồi từ từ quay lại với vẻ mệt mỏi. Chiếc xuồng màu trắng đang trôi tới cách cô không xa. Người lái xuồng ló mặt ra cười khoe hàm răng trắng đều nổi bật cùng với đôi môi cong đỏ tươi, nhưng gương mặt rám nắng không được tươi tắn như mọi khi.

“Cô giận dữ điều gì thế?”

“Anh định đi đâu thì đi đi, đừng có dính dáng gì đến tôi... Kaeru... Về đi!”

Đôi mắt đen dài của anh ta ánh lên tia buồn rầu rồi lại mặc kệ, làm bộ tỉnh bơ.

“Rồi tôi sẽ đi, nhưng chúng ta phải nói chuyện cho hiểu nhau đã.”

“Còn gì mà phải nói chuyện nữa.”

“Cô không còn nhưng tôi còn.”

Chàng trai kết luận cùn, như thể không cảm thấy sốt ruột sốt gan chút nào hết. Angsumalin cúi xuống cặm cụi làm việc tiếp không nói câu gì.

“Cái cầu thang ấy không trốn cô đi đâu cả, nhưng chỉ mấy ngày nữa là tôi sẽ phải rời khỏi đây rồi.”

“Chúc mừng anh.”

“Trước khi đi, tôi muốn biết có phải tối qua tôi đã gây rắc rối cho cô không?”

“Tại sao?” Giọng cô gái lập tức trở nên bực bội vì câu hỏi chạm đúng tim đen.

“Vì...” Chàng trai hơi ngập ngừng, lưỡng lự. “Đêm qua tôi về nằm nghĩ lại, dường như có gì đó kỳ lạ mà tôi không hiểu.”

“Anh đâu cần hiểu, chẳng phải thế sao?”

“Hideko...”

Giọng nói nôn nóng gọi cái tên ấy một cách thân thiết như đã quen thân bao năm nay.

“Nếu như có việc gì xảy ra hay có khi nào tôi gây rắc rối cho cô, tôi nghĩ tôi nên biết điều đó. Nếu không hẳn tôi sẽ khó lòng rời khỏi đây được vì không an tâm. Đã có biết bao điều khiến tôi không an lòng rồi, đừng để nhiều thêm lên nữa.”

Có điều gì đó trong giọng nói ấy làm cô gái bỗng thấy lòng mình thảng thốt, khóe mắt tự dưng cay cay, nhưng đôi môi vẫn mím chặt kiêu hãnh.

“Được rồi, nét mặt cô thế kia chứng tỏ chắc chắn là có chuyện nghiêm trọng, chúng ta cần nói cho rõ luôn bây giờ đi. Tôi chuẩn bị sang bờ bên kia, biết đâu có lệnh chuyển công tác gấp, có thể tôi sẽ không quay lại đây nữa...”

Càng về cuối câu, giọng anh ta càng nhỏ dần, nhưng rồi lại cố làm bộ vui vẻ:

“Cho tôi đỗ xuống vào bến nhờ một chút được không, để nói chuyện cho dễ. Cô quay lưng lại với tôi thế này, tôi phải ngó mặt sang sắp ngã xuống sông rồi.” Angsumalin làm như không nghe thấy, đối phương bèn bật cười khe khẽ.

“Cô thật là bướng bỉnh, cứng đầu không khác nào con trai. Nếu là con gái Nhật thì đã bị đánh đòn để rèn lại tính nết rồi.”

“Hứ...” Cô gái thốt lên một tiếng trong cổ họng.

“Tôi lên bờ từ chỗ kia cũng được, không sao. Dù thế nào hôm nay tôi cũng phải tóm cô lại nói chuyện cho rõ, cô không thoát nỗi tôi đâu.” Cô gái vẫn tỉnh bơ, chỉ đối đáp thầm trong bụng:

“Nếu tôi không chịu nói thì anh sẽ làm gì được tôi nào.”

Dù không quay lại nhìn nhưng từ đuôi mắt, cô cũng thấy chiếc xuồng máy xuyên qua đám rau muống, dừng lại chỗ bụi cỏ trên bờ. Sau đó, một dáng người cao lớn nhảy khỏi mũi xuồng, kéo dây buộc vào một thân cây trong số hàng dừa ven sông. Anh ta rảo bước lên cầu, ngồi thả chân đung đưa ra chiều thảnh thơi lắm.

“Nếu cô không chịu nói, tôi sẽ bắt cô phải đứng ngâm chân lạnh cóng dưới đấy không cho lên. Cứ chờ xem!”