Nghiệt duyên - Chương 44

Tiếng bước chân giậm mạnh đi lên cầu thang làm cô gái quay phắt lại, lòng nuôi niềm hy vọng mới nhưng rồi tiếng gọi ngoài cửa lại là giọng khàn khàn của một người đàn ông trung niên.

“Chị Orn... chị Orn, có nhà không? Mở cửa cho tôi với...”

“Ô, ai như tiếng bác chủ tịch xã.”

Lão Pol là người đầu tiên nhận ra giọng ấy. Bà Orn nhanh chóng đứng dậy, đi ra mở cổng ngoài hiên. Còn Angsumalin thì ngả đầu xuống gối, thở dài đánh sượt, sắc mặt càng tái hơn.

“Ồ, hôm nay bác chủ tịch xã lại đích thân đến tận đây cơ à. Mời bác ngồi, mời ngồi.”

Lão Pol đon đả đẩy cơi trầu ra giữa chiếu. Người đàn ông trung niên cao lớn ngồi xuống, lấy cái khăn rằn phất qua phất lại lấy gió.

“Nghe tin là nhà ta suýt nữa thì trúng bom. Tình hình thế nào chị Orn?”

“Cũng không sao ạ. Bom nó rơi vào giữa vườn, chỉ có cháu Ang chạy vào trong vườn trú nên không may bị sức ép ảnh hưởng một chút.”

Ông chủ tịch xã ngó vào nhìn cô gái. Thấy nhắc đến mình, cô vội mở mắt ra, chắp tay chào ông, miệng gượng mỉm cười dù mệt lả.

“Thấy trong người thế nào rồi con?”

Giọng nói ân cần, ánh mát trìu mến thương xót làm cô gái rưng rưng nước mắt.

“Cháu không sao đâu ạ.”

“Cứ nằm nghỉ đi, đừng vội dậy đi lại làm gì. Mẹ thằng Nas cũng định theo sang thăm, nhưng bác thấy tối rồi, mắt mũi cũng không tinh tường nữa nên bảo ở nhà. Ông Pol đến lâu rồi à?”

Giọng nói lẫn điệu bộ ông chủ tịch xã như đang cất giấu điều gì lo lắng trong lòng.

“Tôi đến được một lúc rồi, cũng đang định về đây, không lão Bua lão ấy lại đóng cửa đi ngủ mất.”

“Ủa, giờ ông đang ở đâu, không phải vẫn ở cùng ông Bua sao?”

Lão Pol cười ngượng nghịu: “Tôi bị ốm, vào nằm chữa bệnh trong xưởng bọn Nhật nhiều ngày nay rồi.”

“Cẩn thận. Đừng có tắt mắt đồ đạc tài sản của người ta nữa, kẻo lại rắc rối.”

“Tôi chừa rồi, bác chủ tịch. Chờ khỏi hẳn sốt rét là tôi sẽ kiếm việc làm.”

“Được thế thì tốt. Cả lão Bua nữa, hai ông biết đường mà bảo ban nhau. Giờ đang thời kỳ chiến tranh, có chuyện gì tôi cũng không giúp được. Dù sao thì đám người Nhật ở xưởng này cũng còn hơn là bọn chiếm đóng phía bờ bên kia. Ở đây, họ còn là người, không bắt nạt bóc lột gì mình. Mình cũng phải tử tế lại với họ, nhỡ có chuyện rồi họ làm đến nơi đến chốn thì dân làng cũng phải chịu ảnh hưởng.”

“Vâng.” Lão Pol chắp tay vái tận trên đầu như nhận lời Phật dạy. “Tôi xin phép về đây ạ.”

Cô gái liếc nhìn vào mắt mẹ, bà mẹ hiểu ý con ngay.

“Nếu về đến nhà, có gì thì cũng hỏi han cho rõ nhé, đừng vội làm toáng lên.”

Lão Pol chớp chớp mắt, nhìn bà Orn thắc mắc.

“Lão Bua lại gây chuyện gì rồi à?”

“Không có gì cả, bác cứ về rồi sẽ tự biết.”

Câu trả lời càng khiến cho người nghe tò mò. Lão Pol đùng đùng ra về, cô gái nhìn theo mà không khỏi lo lắng.

“Có chuyện gì vậy chị Orn?”

Bà Orn đẩy cơi trầu về phía người khách, nhẹ nhàng nói:

“Không có gì đâu ạ. Mời bác ăn miếng trầu đã.”

Bàn tay to thô ráp quen làm việc nặng lấy ra hai lá trầu xếp chồng lên nhau, phết một lớp vôi dày, rồi mở lọ muối rắc lên trên. Cử chỉ của ông như đang lưỡng lự, cân nhắc một điều gì đó.

“Bác có chuyện gì không ạ?”

Bà Orn thắc mắc. Ông chủ tịch vẫn một tay cuốn lá trầu lại thành ống dài mở nắp hộp lấy ra hai nhánh đinh hương xếp vào rồi mới từ từ têm trầu.

“Tôi đến đây cũng là vì có chuyện không yên trong lòng.”

Vừa nói, đôi mắt ông nhìn đăm đăm vào miếng cau vỏ cong lên từng sợi mà không hề nhìn ai cả.

“Chuyện gì vậy ạ?”

Ông chủ tịch xã bỏ miếng cau vào miệng, rồi thêm trầu, nhai chầm chậm.

“Đằng nào thì mào đầu rồi, tôi cũng xin phép nói luôn vậy. Bà nhà tôi cũng nóng lòng cứ đòi sang đây đấy, tôi phải cản lại vì mắt mũi kém rồi, đi lại bất tiện. Muốn để đến mai thì bà ấy cứ hối thúc phải đi bằng được. Nếu tôi có nhỡ nói gì không phải, cũng mong chị Orn và cháu Ang đừng giận bác nhé.”

Angsumalin mím môi, người nóng bừng vì đã lập tức đoán ngay được mọi chuyện. Chỉ có bà Orn là vẫn giữ thái độ, sắc mặt bình thản.

“Mời bác cứ nói ạ. Tôi có nghĩ gì đâu vì ta cũng quen thân nhau từ lâu. Nhà tôi có ai mà không kính trọng bác chủ tịch.”

“Tôi cũng không thấy có gì đâu nhưng có người đem chuyện không hay nói đến tai bà nhà tôi. Bà ấy cũng yêu quý cháu Ang như con trong nhà, nghe tin mà đấm ngực thùm thụp bảo: Đấy người đời là thế... mình đã không thèm đi đâu cả, vậy mà vẫn có người đem những thứ rác rưởi xấu xa lên tận nhà đưa chuyện. Nên tôi đành phải đến đây hỏi cho ra nhẽ xem thực hư là thế nào vì những điều người ta đem đi đồn đại thì phần nhiều là đơm đặt thêm thắt vào rồi.”

“Chuyện là thế này...”

“Để con tự kể mẹ ạ.”

Cô gái ngắt lời mẹ giọng đều đều:

“Nghe bác chủ tịch nói, con đã biết là không phải chuyện của ai khác mà là chuyện con, cứ để con tự kể ạ.”

“Con cứ nói đi, bác sẽ nghe. Đầu đuôi câu chuyện thế nào mà bàn tán, đồn đại nhau râm ran hết cả. Nghe mà chỉ muốn đá chết cái đứa đưa chuyện, nếu không kiềm chế được thì bác đã đấm vỡ mồm nó ra rồi.”

Cô gái chống tay ngồi dậy, dựa lưng vào vách nhà, hai tay đặt trên cái gối ở trên đùi. Nét mặt và ánh mắt toát lên vẻ quyết đoán, vững vàng, đôi mô khô khốc. Giọng kể từ đầu đến cuối nhẹ nhàng điềm tĩnh, trôi chảy không hề ngắt quãng, không bỏ qua chi tiết nào, kể cả chuyện người tù trốn trại, chỉ trừ một điều duy nhất ấy là câu nói:

“Hideko... anh yêu em...”

Angsumalin cố tình khắc sâu vào tâm khảm câu nói ấy và chỉ giữ cho riêng mình... Một ngày kia, chắc anh và cô đều sẽ quên được lời đã nói ấy, cho dù phải mất một thời gian rất lâu...

Suốt từ đầu đến cuối, ông chủ tịch xã ngồi lặng im lắng nghe, miệng vẫn nhai trầu bỏm bẻm. Bà Orn nhìn con gái, ánh mắt bà chan chứa yêu thương, rồi lại thở dài khi cô gái hạ thấp giọng nói:

“Chuyện chỉ có vậy thôi ạ. Có thể những người Nhật đó thương tình gia đình cháu, thấy nhà toàn đàn bà phụ nữ, hoặc cũng có thể vì họ quá cô quạnh muốn tìm bạn chuyện trò. Còn chuyện người tù nhân trốn trại, cháu biết giải thích với mọi người thế nào được vì nó liên quan đến tính mạng. Ngay cả giờ này cháu cũng chưa biết phải xử lý việc ông ta như thế nào... Nếu không cứu thì cháu cũng không đành lòng...”

“Bác hiểu rồi.”

Ông chủ tịch kéo ống nhổ lại nhả nước trầu, lấy cái khăn rằn phất phất vào hai bên vai.

“Chuyện có thế thôi, cũng có gì đâu, vậy mà miệng lưỡi người đời đơm đặt xé chuyện bé thành chuyện to. Thằng bé nhà tôi mà ở nhà thì chắc không nên chuyện thế này đâu. Tiếc là... giờ nó sống chết sướng khổ ra sao cũng không rõ... Ai dà... cứ mỗi lần nhắc đến là mẹ nó lại mắng tôi tới tấp vì đã ủng hộ, đẩy cho con bà ấy đi nước ngoài.”

Angsumalin thấy nhói trong tim... Wanas... nếu anh biết chuyện, anh sẽ nghĩ thế nào đây?

“Chắc thằng bé không sao đâu bác chủ tịch xã, người ở hiền sẽ gặp lành.”

“Tôi cũng chỉ biết an ủi bà nhà tôi như thế, nhưng nó lại là con một. Mẹ nó bảo nếu biết con bà ấy làm sao thì lúc đấy, bà ấy chỉ có nước chết theo, không sống tiếp nổi nữa.”

“Là con một ư?” Đâu phải chỉ Wanas là con trai duy nhất, là khúc ruột của mẹ cha. Người ấy cũng là con trai độc nhất, để lại bố mẹ nơi hậu phương xa xôi, giờ này chắc cũng trông ngóng anh từng giờ từng phút. Cô gái cử động, trong lòng thấy bức bối. Không biết anh thế rồi... nghe nói đã phải sang sông vào bệnh viện ở bờ bên kia, nếu nhỡ có chuyện gì...

“Chuyện của cháu Ang rắc rối ở chỗ người ta đã đưa chuyện, đặt điều xấu xa kháo nhau khắp cả vùng. Giờ nên tính thế nào? Nếu cứ bỏ mặc như vậy thì mình càng mang tiếng.”

“Tôi cũng chưa biết nên làm thế nào.”

“Có lẽ phải nghĩ cách giải quyết vấn đề chứ để như vậy không hay đâu.”

Người đàn ông nhổ nước trầu lần nữa, nét mặt lộ rõ lòng đang chất chứa lo lắng bởi sau khi nghe lời kể của cô gái, ông biết chắc người trong nhà này vẫn chưa hay chuyện đặt điều còn tồi tệ hơn thế.

“Úi giời, có người thấy tận mắt nhé. Người lớn vừa đi vắng khỏi nhà mà đứa con gái đã ve vẩy cái đuôi chui xuống ngòi cạn nằm với thằng Nhật. Giời Phật quỷ thần cũng phải ngứa mắt, không chịu nổi nên mới làm đất đá đè xuống cho mọi người biết. Cứ chờ xem, chẳng bao lâu rồi sẽ tòi ra một thằng Nhật con lùn tịt, mắt một mí.”

Chính vì thế mà mẹ của Wanas mới thúc giục ông đi hỏi chuyện ngay đêm nay. Tính cách đàn ông khiến ông chủ tịch xã không muốn nói dài dòng làm phía chủ nhà thêm buồn phiền mà rối lòng, chỉ âm thầm nghĩ cách giải quyết.

“Cái Ang nói cậu ta sắp rời đi nơi khác rồi phải không con?”

“Vâng ạ.” Cô gái chỉ đáp vậy.

“Tôi nghĩ nếu cậu Dookmali đi khỏi đây thì chuyện sẽ tự lắng xuống thôi.”

“Cũng chưa chắc đâu, chị Orn, biết đâu lại làm cho sự việc tệ thêm. Tôi sẽ thử nghĩ cách xem sao, chưa biết chừng... phải đi gặp bác sĩ Yoshi, có khi ông ấy giúp được điều gì chăng.”

“Bác chủ tịch ơi, bác sĩ Yoshi thì liên quan gì đến việc này ạ?”

“Bác sĩ Yoshi và bác quen thân nhau lâu rồi con ạ. Ông ấy là bác sĩ người Nhật nhưng cũng gần như là người Thái rồi. Ông ấy hiểu biết, có thể sẽ mách lối hay cho ta cũng nên. Cả nhà đi nghỉ đi, khuya rồi... Cháu Ang đang không khỏe, phải chăm lo bồi bổ vào con nhé, để còn chóng khỏi, nếu có việc gì thì sang nhà bác. Mai bác sẽ sang bên kia sông. Chuyện tù nhân trốn trại phải đôn đốc hai lão kia cho cẩn thận, hở ra khéo lại đi khoác lác với người khác rồi gây phiền phức cho tất cả.”

“Bác Pol và bác Bua chắc không dám nói với ai đâu ạ.”

“Ông ta định đi đâu thì nhanh chóng cho ông ta đi. Khu vực này, lính Nhật đi lại nhiều, xớ rớ nó bắt gặp thì hai lão kia thể nào cũng phun ra cháu. Cái bọn hoạt động bí mật gì đó nếu biết ở đâu thì cho chúng đến đón nhau.”

“Vâng, chừng nào khỏe hẳn cháu sẽ giải quyết việc này cho gọn ghẽ.”

“Phải rồi con. Thế vườn nhà mình thế nào rồi chị Orn?”

“Cũng... vẫn thế ạ, vừa bị trúng bom cũng có thiệt hại đôi chút.”

“Nếu có chuyện gì chị đừng quên báo tin cho chúng tôi biết.”

“Vâng.”

Hai mẹ con chắp tay, cúi đầu lễ phép chào ông chủ tịch xã khi thấy ông đứng dậy cáo từ.

“Cháu Ang nhớ chữa trị, nghỉ ngơi cho khỏe nhé. Thằng Nas nó ở nhà hay đi vắng thì cũng đừng giữ ý ngại ngùng gì, thỉnh thoảng sang nhà chơi với hai bác. Bà nhà bác vẫn nhắc đến cháu luôn, biết là cháu bệnh thì mai thể nào cũng tới thăm. Đừng quá lo nghĩ chuyện đồn đại, bác sẽ nghĩ cách giúp. Người ta nói gì thì mình cứ che tai làm ngơ đi, thiên hạ họ nói mỏi miệng rồi họ sẽ tự thôi.”

Bà Orn đi theo tiễn khách đến đầu cầu thang dù ông cứ cản bảo không cần. Còn cô gái vẫn ngồi yên dựa vách trong tư thế cũ cho tới khi người mẹ đóng cổng rào quay vào nhà. Bà hỏi:

“Con thấy trong người thế nào?”

“Mẹ à, con thấy như bác chủ tịch xã còn điều gì chưa bảo với mình.”

“Chắc là không còn gì nữa đâu con.”

“Con tin chắc là có, chỉ có điều bác ấy chưa nói ra thôi.”

Cái hố lớn do quả bom gây ra ngập đầy nước mưa, tràn cả ra con ngòi. Nhiều cây lâu năm đổ rạp nghiêng ngả, rau muống bắt đầu mọc dài trổ hoa tím mong manh trong gió. Cá trong kênh ngòi lâu lâu lại đớp khí vang thành tiếng giữa không gian thinh lặng. Chỉ có người đang đứng khoanh tay trước ngực, dựa lưng vào một thân cây to gần đó là nhìn đăm đăm xuống con ngòi yên lặng, không có bất kỳ cử động nào. Gương mặt đang cúi trông trắng xanh, nhợt nhạt chẳng khác gì dải băng quấn vết thương quanh đầu. Khuôn mặt hơi tọp đi nên càng trông rõ cái mũi cao hài hòa với đôi môi và đôi lông mày dài màu đen thẫm. Anh chỉ hơi cựa mình khi nghe tiếng lá khô rào rạo ở đàng sau, nhưng rồi tiếng ấy cũng im dần.

“Vừa mới thấy tôi, em đã định quay đi không chào một lời sao?”

Anh hỏi giọng nhẹ nhàng như là có mắt ở sau lưng, làm người đang định lén bỏ đi chợt chững lại.

“Tôi lâu không đến đây, mọi người ở đây chắc đã quên tôi, chẳng nhớ gì nữa cả.”

Tiếng nói lảnh lót đối đáp vẻ bực bội:

“Nhớ chứ. Làm sao lại không nhớ. Có ai mà không nhớ người lúc nào cũng gây phiền toái cho mình?”