Nghiệt duyên - Chương 48

Lão Pol nhúc nhích quay ngang quay ngửa, ngồi tiếp cũng dở mà đứng lên ra về cũng không phải lẽ. Lão Bua thì vuốt vuốt cánh tay cô gái khẽ an ủi theo cách mà lão nghĩ là hợp lý nhất.

“Cũng có gì đâu cháu. Tin tốt đấy chứ, cái bọn quanh vùng này nó đơm đặt như vậy thì mình cưới xin cho linh đình vào xem chúng nó ăn nói được gì nữa. Chẳng gì kỹ sư trưởng cũng là cháu ruột của Tổng tư lệnh cơ mà.”

Bà Orn hơi chau mày vì biết những lời đấy chỉ càng làm con gái mình suy nghĩ thêm, nhưng khi ngăn lại bà vẫn giữ giọng điềm đạm:

“Đừng nói thêm gì nữa. Con ngồi yên đây, mẹ sẽ cất trầu không với dọn chỗ đồ đạc này rồi mẹ con mình bàn chuyện với nhau. Bà đi đâu rồi?”

Bà Orn vội vàng nói lảng sang chuyện khác, tay vẫn thoăn thoắt thu chỗ lá trầu, chia riêng phần đã sấy và chưa sấy xếp vào rổ. Lão Pol vẻ mặt rầu rĩ đứng lên đi ra cánh cổng ngoài hiên, ngó xuống phía dưới, rồi bỗng quay trở vào thông báo với giọng hấp tấp:

“Cháu Ang... Bố cháu đến đấy!”

Câu nói ấy làm cô gái mở to mắt, đôi mắt ánh lên niềm vui sướng mừng rỡ trong thoáng chốc. Còn bà Orn sững sờ, tim như ngừng đập, bàn tay đang chạm vào miệng rổ chững lại, nhưng chỉ trong giây lát bà đã định thần ngay, đưa tay làm tiếp việc còn dở, dù vẫn có thể trông thấy đôi tay bà run run.

“Cô Orn đưa đây tôi, để tôi làm cho.” Lão Pol tình nguyện nhận việc. “Lão Bua, ông cầm cái rổ trầu không vào bếp với tôi, biết đâu sáng nay lại được chén thêm bữa nữa.”

Lão Pol nhanh nhẩu rủ đồng bọn vào trong bếp, vừa có cớ kiếm chác đồ ăn, vừa có chỗ quan sát tình hình từ xa... Người đàn ông cao lớn bước vào đứng sừng sững bên khung cửa, khuôn mặt khô sạm lại vì tuổi tác và công việc trông hơi khắc khổ, nhưng khi nhìn thấy hai mẹ con, ánh mắt ông dịu đi và thoáng buồn... Bà Orn mặc chiếc váy màu lam thẫm hơi cũ đã ngả màu gần như chuyển sang sắc đen, chiếc áo cộc tay dù được giặt là phẳng phiu, sạch sẽ nhưng vẫn thấy loáng thoáng vết nhựa cây, mái tóc cắt ngắn thời con gái giờ để dài, búi lại hợp với độ tuổi. Còn cô gái tuy ăn vận đẹp hơn mẹ nhưng nét mặt ủ rũ, xanh xao như người đang ốm nặng. Ông đưa mắt nhìn quanh nhà một lượt, cảnh nhà sa sút một cách rõ rệt nhưng đồ đạc vẫn được sắp xếp gọn gàng. Cảm giác có gì không vừa ý dội lên trong lòng ông, nhất là khi nhìn thấy nét mặt điềm nhiên của bà Orn dù hai mẹ con lễ phép vái chào. Bà cất giọng nhẹ nhàng nhưng tỏ rõ cái uy của chủ nhà:

“Mời ông Luang. Ang... con đi pha nước đi.”

Đó là cách nói ngầm bảo rằng mẹ cô muốn nói chuyện riêng với bố. Angsumalin quay sang nhìn bà, dù không nói thành lời nhưng đôi môi hơi mấp máy, ánh mắt cầu khẩn, như muốn nài nỉ:

“Mẹ nói chuyện với bố nhé, đừng nhận lời mẹ nhé.”

Bà Orn không nhìn lại vào mắt con, nét mặt bà trầm ngâm nhưng trong lòng đã quyết định dứt khoát. Ông Luang ngồi uống sàn cách bà một quảng, bà Orn ngồi xếp chân một bên gọn gàng, còn Angsumalin nhanh chóng tránh ra ngoài.

“Ang trông như không được khỏe hả con, sắc mặt tái tái.”

Người đàn ông cất tiếng ồm ồm hỏi thăm con gái ngay câu đầu tiên, cô gái chỉ cười nhẹ không nói gì vì đã lùi ra xa. Ông bèn quay lại hỏi người mẹ:

“Bà ngoại có nhà không?”

“Hình như bà đi xuống vườn.”

“Bà vẫn còn sức ra vườn được ư?”

“Dạo này bà cũng không được khỏe, mới khỏi bệnh sốt rét chưa bao lâu, người vẫn còn yếu. Bà không tự làm vườn lâu rồi, nhưng thỉnh thoảng vẫn xuống kiểm tra giúp.”

Bà Orn nói chuyện như thể người ngồi đó là khách lạ.

Angsumalin bưng cái khay bên trên có ấm trà và mấy chiếc chén men lam cũ đến nỗi men sứ bên ngoài đã rạn, đặt xuống trước mặt bố, khẽ nói:

“Nhà không có đá, chỉ có trà nóng ạ.”

“Bộ ấm chén này vẫn còn dùng ư?”

“Cũng còn có ba cái chén thôi. Ang nó làm vỡ mất hai, còn một chiếc rạn quá nên cất đi không đem ra dùng.”

“Ang, nghe nói con không đi học tiếp à?”

Câu nói ấy đụng vào điểm yếu của cô gái. Đôi mắt đen tròn ngước lên nhìn thẳng vào mắt người bố, ánh mắt lóe lên, cô nói rành mạch từng từ một:

“Năm ngoái lũ về, cây cối trong vườn hỏng hết. Nhà mình cũng mới hồi lại, con không muốn mẹ vất vả.”

“Sao con không nói gì với bố?”

Angsumalin đang định trả lời thì bà Orn cắt ngang, giọng nhẹ nhàng:

“Chuyện đó, tôi và cái Ang sẽ bàn nhau thêm.”

Angsumalin lùi ra ngoài nhưng vẫn kịp nghe thấy giọng nói có phần căng thẳng, lo lắng của ông bố:

“Thế chuyện là như thế nào vậy? Ơ, nhà cũng có đọc báo sao?”

Cô gái nép sau vách gỗ ở góc hiên, đứng yên lặng lắng nghe. Lão Pol lão Bua thì nhấp nha nhấp nhổm sau cửa bếp, mồm nhai nhóp nhép cái gì đó.

“Chuyện dài lắm. Tôi cũng muốn hỏi ý kiến ông, đang định bảo cái Ang đi mời ông tới nói chuyện, một mình tôi quyết e cũng không phải, rồi sau này ông lại trách tôi. Vừa hay ông tới thật may, tôi muốn thưa chuyện này luôn.”

“Tôi cũng có nhiều việc cần bàn đây.”

Giọng ông lộ vẻ bực bội, nhưng bà Orn vẫn điềm đạm đáp:

“Tôi cũng vậy nhưng nếu nói chuyện với thái độ nóng nảy thì đừng nên nói vội. Tôi già rồi, có việc gì cũng muốn từ từ bàn bạc, nếu không, ai cũng có thể mất bình tĩnh cả.”

Người bố im lặng một lát rồi nói, lần này giọng ông nhẹ nhàng hơn:

“Hôm trước bên Bộ Tư lệnh gọi tôi đi họp với Tư lệnh Nhật. Tôi đi mà không hề nghĩ đó là việc riêng. Ngờ đâu, vừa đến nơi, bên kia đã chuẩn bị cả đại sứ văn hóa, cả nhà báo. Nói chuyện một hồi, ông tới bảo xin hỏi cưới con gái, tôi còn ngớ ra một lúc, phải hỏi lại con gái nào...”

Người đang nghe lén thấy đau nhói trong ngực. Phải rồi... nói đến “con gái”, ông ấy chỉ nghĩ tới cái Kop, cái Kaew chứ nhớ gì tới mình!

“Có lẽ ông ta cũng bất ngờ, giải thích dài dòng một thôi một hồi rằng cháu trai ông ta quản lý xưởng đóng tàu bên kia sông, đem lòng yêu một cô gái ở đó, được biết là con gái tôi nên ông ta rất mừng. Nghe vậy, tôi mới hiểu ông ta nói đến cái Ang, tôi càng lúng túng, biết trả lời ông ta sao đây, bảo là tôi chẳng biết gì cũng không được, từ chối thẳng thừng cũng không xong...”

“Vậy lúc đó ông trả lời thế nào?”

Bà Orn vẫn giữ giọng đều đều từ đầu đến cuối.

“Thì tôi đành giả câm giả điếc ậm ừ như thằng ngốc chứ sao. Họp xong, cái bọn Nhật điên đó còn ra vỗ vai chúc mừng. Cấp trên thì gọi tôi đến giải thích rằng đây là việc ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai nước rồi, tôi còn biết phản ứng thế nào?”

Người mẹ thở dài, còn ông Luang lại bắt đầu nổi nóng:

“Tôi cũng muốn biết là cái Ang làm sao mà lại yêu đương cái thằng Nhật đó. Tôi cũng có chuyện...” Ông ngập ngừng một chút rồi nói tiếp: “Việc đó thì đẹp đẽ, hay ho gì. Phải nghĩ cho kỹ...”

“Việc đẹp mặt hay không, ta không thể nhìn bề ngoài, nhìn kết quả được. Nó có nguyên do cả, mà lại lằng nhằng nhiều chuyện nối tiếp nhau, phải xem xét toàn diện.”

“Bà Orn kể lại đầu đuôi mọi chuyện nhưng không thể hiện thái độ, ý kiến gì, cuối cùng bà kết luận:

“Cậu người Nhật ấy cũng xuất phát từ ý tốt nên mới nhờ người đến dạm hỏi và chờ nghe câu trả lời đúng theo nghi thức. Nhưng chắc cậu ấy đi kể với bác mình theo kiểu thưa chuyện với bề trên trong nhà, rồi vô tình có ai đó nói cái Ang là con gái ông Luang, thế nên sự việc mới thành ra rắc rối vướng mắc nhiều bề thế này. Tôi cũng định hỏi ý kiến ông xem nên như thế nào, tờ báo này tôi mới thấy trước khi ông đến một lát thôi. Tôi chỉ là mẹ nó thì không hệ trọng gì, nhưng ông lại là người chức cao vọng trọng, ý ông ra làm sao?”

Lời nói mỉa mai khiến người nghe phải liếc nhìn với vẻ lúng túng nhưng gương mặt người nói vẫn bình thản.

“E rằng khó mà làm cách nào khác được.”

“Ý ông là sao?”

“Thì người ta đâm lao, mình cũng đành phải theo lao thôi. Nếu tìm cách gạt đi, không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân tôi, mà ảnh hưởng đủ mọi phía. Bên Nhật sẽ cho rằng Thái lan không chịu bắt tay với họ để xây dựng tình hữu nghị gì đó. Thời điểm này, chúng lại đang muốn tung hô chuyện này.”

Cô gái đứng nghe trộm chân tay bủn rủn, nhắm nghiền mắt, tay ép chặt lên ngực như muốn xoa dịu trái tim đang nghẹn lại để dễ thở hơn.

“Cái Ang thì nó bảo sao?”

Bà Orn im lặng giây lát rồi khẽ đáp:

“Nó kiên quyết từ chối ngay từ đầu.”

“Nó không đồng ý lại càng rắc rối. Tôi từng thấy nó đi học với một cậu con trai...”

“Chắc là Wanas?”

“Là đứa nào?” Giọng ông bố có vẻ ngạc nhiên.

“Là Wanas, con trai ông chủ tịch xã, chắc ông Luang không còn nhớ nó.”

“À, nhớ ra rồi, trông đã thanh niên chững chạc đến ngần ấy rồi cơ à? Wanas... mà được học bổng đi Anh phải không?”

Đến lượt giọng bà Orn cũng lộ vẻ ngạc nhiên không kém:

“Ông cũng biết chuyện đó à?”

“Ừm.” Ông Luang không chịu trả lời thẳng.

“Cậu ta có thích cái Ang không?”

“Chắc là có, bố mẹ thằng bé cũng ủng hộ, nhưng cái Ang thì không rõ. Tôi cũng không dám chắc tình cảm của nó thế nào.”

“Đáng tiếc quá.”

Luang Chalasinthurat lầm bầm tự nói với bản thân nhưng không chịu giải thích gì thêm.

“Tuần sau, bác sĩ Yoshi đến. Tôi sẽ nói theo như ý ông hay như thế nào?”

“Tôi đã nói gì đâu.”

Bà Orn thở dài vẻ chán chường:

“Ông định thoái thác trách nhiệm là không được đâu, về sau có việc gì lại đổ hết cho tôi, dù tốt hay xấu thì cả hai đều phải nhận trách nhiệm. Không bàn trước đến lúc tôi nói một đàng, ông đáp một nẻo thì càng lằng nhằng. Tôi thì không quan trọng gì, nhưng ảnh hưởng đến ông mới không hay. Ông định thế nào thì thống nhất với nhau trước để còn nói cho giống nhau.

“Hẳn là phải thế rồi.” Giọng ông Luang xoa dịu, hòa hoãn.

“Để tôi còn biết đường mà trả lời người ta.”

“Ý cái Ang thì sao, nó muốn thế nào?”

“Rồi tôi sẽ nói chuyện với con. Giờ ta ở vào thế khó như cưỡi trên lưng hổ, làm gì cũng dở. Thôi thì cứ quyết rồi những việc khác từ từ gỡ sau.”

“Họ đang muốn làm rình rang lên nên lúc này phải khéo léo trì hoãn đến khi nào họ nguôi đi thì mình mới hủy được. Đành cứ để họ sang ăn hỏi, rồi cưới xin hay không ta sẽ tính sau.”

Bà Orn nhìn người đối thoại, định đáp lại: “Ông nói thì dễ, cứ thử làm thế xem, đến lúc hỏi rồi không cưới lại không đẹp mặt hơn bây giờ ấy.”

Nhưng rồi bà đổi ý kìm lại, chỉ im lặng.

“Năm nay vườn nhà thế nào?”

“Năm nay trồng chuối, cũng sai quả.”

Bà Orn trả lời, giọng giữ kẽ, thái độ như muốn người khách nhanh chóng đứng lên ra về nếu đã xong việc. Nét mặt bà lạnh lùng, điềm nhiên như không gì có thể tác động được đến tâm tư. Ông Luang biết rõ cách ứng xử ấy xuất phát từ bản tính mạnh mẽ, kiên cường, không chịu khuất phục bất kỳ điều gì.