Nghiệt duyên - Chương 62

“Chúng ta phải làm cho xong việc này trước sáng mai.”

“Hả, việc gì cơ?”

“San bằng túp lều đó!”

“Hả? Cháu Ang, sao lại thế?... Tự dưng lại đi dở căn lều tân hôn của hai bác. Rồi biết lấy chỗ nào mà ăn với ngủ?”

“Căn lều tân hôn hồn lìa khỏi xác thì có. Đến mai thể nào gã đó cũng kéo đồng bọn đến bắt hai bác.”

“Ối, thế ta chuồn luôn từ giờ thì lo gì.”

“Nhưng dân làng quanh đây sẽ bị liên lụy. Vườn cây ăn trái vùng này nhà nào cũng như nhà nào, chỉ cần ta ngụy trang lại, có thể hắn sẽ không chắc là có đúng chỗ cũ không. Rồi sau đó, hai bác phải lánh sang bên kia sông.”

“Ờ, kế này hay đấy. Lão Bua nhanh lên nào.”

Lão Pol đi trước dẫn đường, lão Bua theo sát đằng sau. Angsumalin lưỡng lự đôi chút rồi cũng nhanh chóng đi theo hai người.

Túp lều xiêu vẹo ngả nghiêng của hai lão chỉ cần giật với kéo một chốc là đã sập xuống, đồ đạc vương vãi bị ném vào đống lửa đang bốc cháy rừng rực. Mấy lần, cô gái ngẩng đầu lên nhìn bầu trời lo lắng:

“Nhỡ đêm nay mà có báo động thì gay mất.”

“Thì đừng nhắc đến chứ, kẻo nó lại kéo đến thật đấy.”

Lão Pol quay ra mắng, tay vẫn buộc đống cột gỗ lại thành bó vừa đủ để vác được. Lão Bua thì cắm cúi san chỗ đất quanh mấy lỗ cột cho phẳng, vừa làm vừa lẩm bẩm than:

“Nếu đến thật thì cầu cho nó thả trứng xuống đúng chỗ này luôn, thế là xong chuyện.”

“Thả vào đầu ông ấy.”

“Thôi hai bác đừng mải tranh cãi nữa. Nhanh tay lên đi ạ.”

Angsumalin giục, đồng thời con dao trong tay cô liên tiếp phạt những cây leo mọc bừa xung quanh. Nhưng rồi, tất cả giật nẩy mình khi có tiếng khàn khàn cất lên:

“Mấy người kia! Làm gì vậy? Sao lại nhóm lửa lúc đêm hôm thế này, ở đây còn gần xưởng đóng tàu, nhỡ có báo động thì nguy mất.”

Người vừa bước ra đứng lừng lững cạnh đống lửa làm mọi người thấy nhẹ nhõm hắn. Lão Bua suýt khuỵu cả chân xuống.

“Cứ tưởng ai? Hóa ra bác chủ tịch xã. Nhẹ cả người.”

“Thế lão đang làm gì đấy? Hả... giữa đêm hôm khuya khoắt sao lại đi dở nhà? Lão định chuyển đi đâu? Có chuyện gì thế này? Ơ... Ang... xuống đây làm gì với mấy lão này thế con? Lão Pol, lão Bua... cho lửa nhỏ bớt đi. Đức vua đã ra lệnh đêm hôm không được nhóm lửa, người ta sẽ cho rằng mình làm tín hiệu cho bọn tàu bay. Ang... con nói xem có việc gì mà lại xuống đây giúp hai lão khỉ già này?”

Cô gái buông con dao phát cỏ trong tay xuống, chần chừ, ngại ngần, không biết nên kể đến mức nào. Ông chủ tịch nắm lấy cổ tay cô, giục giã gặng hỏi:

“Chuyện gì vậy?”

“Là... do bác Bua ạ.”

“Biết ngay mà, hai cái lão này thể nào cũng kiếm chuyện rắc rối. Gây ra chuyện gì mà đến mức phải trốn đi giữa lúc khuya khoắt thế này?”

“Chuyện dài lắm ạ.”

Ở vào tình thế bắt buộc, cô gái bèn quyết định kể lại đầu đuôi câu chuyện. Ông chủ tịch xã đứng yên lặng lắng nghe, lâu lâu mới ậm ừ một lần, khi nghe đến đoạn cuối, ông liền quay lại nhìn lão Pol với lão Bua quát ầm lên:

“Hai cái lão chết tiệt, chỉ biết gây chuyện phiền toái.”

Trong cả câu chuyện, đoạn nào liên quan đến Kobori, Angsumalin cố tình bỏ qua không kể:

“Chuyện là thế ạ, nên cháu mới bảo bác Pol với bác Bua bỏ trốn. Túp lều này cũng phải dỡ bỏ để không liên lụy đến dân làng.” Chủ tịch xã nhìn một lượt xung quanh, lo lắng:

“Nhưng dù gì cũng vẫn còn những dấu vết có thể gây nghi ngờ. Nhìn thoáng qua chỗ đất mới san bằng kia cũng đủ biết ở đây từng có một căn lều, cây cỏ cũng mới bị nhổ bị phạt, khác hẳn xung quanh.”

“Vậy phải làm thế nào ạ?”

“Thế này, đã đâm lao thì phải theo lao. Đợt này đang có phong trào múa ram-thon[39]. Ở các làng khác, đêm nào người ta cũng tổ chức, trai gái làng mình còn phải chèo thuyền sang làng khác chơi. Đêm nay tổ chức ở đây luôn, kê cái bàn, đặt thùng nước uthay[40], thắp ba bốn ngọn đèn dầu là được. Nhờ chân của đám trai gái nhảy múa giẫm đạp cho cây cỏ quanh đây trụi đi luôn. Dù thằng Tây kia có quay lại cũng sẽ không nhận ra được.”

[39] Phát âm là răm-thôn. [40] Nước ụ-thay là một loại nước si-rô cổ truyền của Thái Lan, pha chế từ hơn 10 loại hoa và thảo dược, khi uống pha với nước, có tác dụng giải khát, chữa nóng trong.

Giọng nói ấy thể hiện một thái độ hết sức quyết đoán. Angsumalin nắm cổ tay của người đàn ông từng trải, lắc nhẹ vì xúc động:

“Cháu cảm ơn bác vô cùng.”

“Có gì đâu. Cháu về nhà với mẹ đi, kẻo mẹ với bà lại lo. Việc ở đây bác sẽ xử lý.”

“Để cháu ở lại giúp bác.”

“Dở hơi! Cái con bé này bướng từ bé đến giờ. Về nhà đi. Mà cháu ra đây thế này, cậu kỹ sư trưởng có biết không?”

Cô gái hơi mỉm cười vì người nghĩ ra cách này chính là cậu kỹ sư trưởng mà ông nói đến.

“Bị mắng mà lại còn làm mặt cười. Đi, về nhà đi. Bác đã bảo sẽ xử lý giúp thì mọi việc đảm bảo xong xuôi mà. Cả mẹ, cả chồng cũng thật là, để cho con bé này lang thang ra tận đây mà không nói gì.”

Ông kêu ca với thái độ âu yếm hơn là mắng mỏ, nhưng nụ cười của cô gái cũng nhạt đi.

“Cháu đúng là chỉ gây chuyện rắc rối cho bác.”

“Không phải cháu, mà là hai cái lão kia kìa. Nào, nhanh tay lên. Chỗ cột gỗ đấy buộc lại, chờ trời sáng thì vác sang giấu bên chùa. Sáng mai bác sẽ báo bọn thanh niên đến dựng cái rạp, bôi ít giấy màu vào. Còn hai cái lão này thì trốn đi đâu đó, đừng có vác mặt mà đến múa ram-thon làm cái gì.”

“Ơ... sát lại nhau chút nào, vào gần nhau chút nữa...”

Lão Bua nện đất theo nhịp ram-thon, liền bị đồng bọn chặn họng:

“Có mà cái nhà giam nó đang chờ ông lại gần ấy.”

“Ang, về nhà đi. Nếu muốn giúp bác thì ngày mai bảo mẹ nấu một nồi canh cay to vào cho đám cổ vũ chúng nó ăn.”

“Vâng, cháu đi đây ạ.”

“Đi đứng cẩn thận nhé. Đã có đèn pin chưa? Đường tối, nhở rắn rết nó cắn cho thì khổ.”

“Cháu có rồi ạ.”

Gánh nặng khiến cô lo lắng giờ nhẹ đi trông thấy khi có người cùng gánh vác. Cô gái rảo bước chân vì biết mẹ đang ngóng trông lo lắng cho mình, nhưng vừa mới rẽ vào sân nhà thì đã có tiếng gọi khẽ:

“Hideko, mọi việc ổn thỏa chứ?”

“Ổn rồi ạ. Sao anh vẫn chưa về xưởng?”

“Ơ... tôi nghĩ em cần có nhân chứng, nên chờ ở đây.”

Câu nói của anh nghe quá đỗi thành thật khiến cô gái chợt mềm lòng.

“Dưới này muỗi nhiều chết được, sao không lên nhà?”

“Tôi lo cho em. Lúc nãy đã định đi rồi nhưng chợt nghĩ nhỡ hai lão kia trở mặt bỏ trốn mất thì em biết làm thế nào, nên cứ chần chừ đứng đây. Nếu em về chậm chút nữa thì tôi đã vòng ngược lại tìm em rồi.”

“Cảm ơn anh, lên nhà một lát không?”

Lời mời khiến chàng trai phân vân giây lát, Angsumalin bèn nhắc lại:

“Anh ghé lên nhà đã cũng được mà.”

Nói rồi cô quay lưng đi lên trước, người kia liền bước theo mà không nói gì nữa.

Tiếng gõ cổng khe khẽ vừa dứt, cánh cổng đã mở ra ngay lập tức như thể người ở bên trong đang chờ sẵn, kèm theo tiếng thầm thì đầy vẻ nôn nóng:

“Có gặp bố không con?”

Nhưng vừa kịp nhìn rõ người đi theo đằng sau, bà lập tức im bặt, đổi sang hỏi chuyện khác:

“Ơ... tưởng là cậu sẽ về ăn cơm tối với cả nhà.”

“Không phải lo cho con ạ. Ở bên xưởng họ đã chuẩn bị đồ ăn cho con rồi.”

Bà Orn quay trở lại chỗ cũ, ngồi xuống bên đống lá chuối tanee đã được sấy khô chất thành chồng trong mẹt, rồi cắt cho vừa cỡ quấn, buộc lại thành từng bó để đem đi bán cho hàng quấn thuốc lá. Kobori đi theo, ngồi xuống gần đó, tì khuỷu tay lên đầu gối, cúi nhìn vẻ thích thú:

“Cái này dùng để làm gì ạ?”

“Để quấn thuốc lá tapanpo.”

Người nghe mặt ngẩn tò te vì không hiểu, bà mẹ bật cười:

“Làm xi-ga-rét.”

“U...”

Chàng trai tròn miệng, xong đưa tay nhặt lên xem chăm chú mà không mảy may quay sang liếc nhìn cô gái vừa đi lướt qua vào phòng trong. Angsumalin chậm rãi thay đồ. Từ cánh cửa phòng hơi hé vọng vào giọng trầm trầm ngọng nghịu đang nói chuyện liến thoắng, có khi dùng lẫn cả tiếng Nhật và tiếng Thái:

“Itsu dekimasuka? Bao giờ mới xong ạ?”

“Hết chỗ này là xong thôi.”

“Otetsudai shimashouka...? Để con giúp có được không?”

“Hai!”

Giọng nói ngọng nghịu đáp lại lần này là giọng người Thái nhưng cố gắng nói tiếng Nhật, có tiếng cười trầm ấm cất lên theo. Khi cô gái trở ra bên ngoài thì đã thấy Kobori đang bắt tay giúp mẹ một cách say sưa.

“Ang, con vào trong bếp xem có gì đem ra đây cho cậu ấy ăn không.”

“Onaka ga sukimasen... Con chưa đói.”

Anh nói mà không ngẩng lên vì còn mải làm việc. Cô gái đi lướt qua vào bếp, một lát sau cô quay ra, bưng chiếc khay nhỏ đặt bát chè con con. Cô đặt xuống gần chỗ anh rồi lùi lại lặng lẽ ngồi xuống cách đó một quãng, khiến bà Orn phải nhắc:

“Chè kìa con.”

Chàng trai làm xong việc rồi mới nhấc cái khay nhỏ lên nhìn từ khoảng cách gần.

“Chè trôi nước, thử ăn xem có ngon không?”

Đã lâu lắc lâu lơ rồi, cô gái mới lại được thấy nụ cười dịu dàng tươi tắn khoe hàm răng trắng bóng đều đặn đáng yêu này. Anh cầm lấy chiếc thìa con khuấy bát chè, rồi múc lên nếm: “Mochi.”

Anh nhanh chóng bật ra một từ tiếng Nhật, rồi giải thích:

“Tức là ở Nhật cũng có loại chè như thế này, người ta đem giã cơm nếp rồi viên thành viên tròn.”

“À, nhưng gọi là mochi à? Thế còn cơm thì gọi là gì?”

“Gohan, là gạo chưa nấu.”

“À, gạo tẻ.”

“Kome.”

“Còn thịt lợn gọi là gì?”

“Butaniku, còn thịt bò là gyuuniku.”

Chỉ loáng cái vừa dạy được mấy câu tiếng Nhật là bát chè đã hết sạch, vậy mà lúc trước còn chối bảo không đói. Anh vừa ngoảnh lại thì đã thấy cốc nước mát được đẩy tới từ trong góc tối không nhìn rõ nét mặt người đưa. Kobori cầm lên uống chút xíu rồi đứng dậy.

“Đến lúc con phải đi rồi.”

“Ơ kìa!” Bà Orn chỉ thốt được một tiếng.

“Ừm... con có việc gấp phải làm.”

Kobori ấp úng giải thích, rồi vội quay sang cô gái nãy giờ vẫn đang ngồi im trong góc tối:

“Lúc nào tôi cũng ở bên xưởng, nếu có gì thì cho người sang gọi.”

“Vâng.” Tiếng đáp nghe sao mà nhẹ hẫng.

Chàng trai lễ phép cúi chào bà Orn trước khi quay lưng đi, cô gái đứng dậy đi sau một quãng. Đến cổng, anh chợt dừng lại như thể muốn quay lại nói gì, nhưng rồi chỉ khe khẽ thở dài và bước xuống cầu thang.