Nghiệt duyên - Chương 63

Bà Orn ngừng tay, vặn nhỏ ngọn đèn dầu xuống như chỉ chờ đến lúc này.

Cái mẹt trước mặt bà bị đẩy gọn sang một bên, rồi bà xích lại gần cô con gái vừa mới quay trở vào ngồi xuống chỗ của Kobori lúc nãy.

“Việc có ổn thỏa không con?”

Angsumalin bỗng thấy chán chường kỳ lạ nên không muốn kể hết mọi chuyện, mà chỉ vắn tắn:

“Ổn ạ, con không sang bên kia sông đâu ạ.”

“Ơ, thế con xử lý thế nào?”

“Con bảo bác Pol với bác Bua dở bỏ túp lều, vừa hay gặp bác chủ tịch xã cũng giúp hộ, ngày mai chắc là sẽ xong.”

“Hả? Làm sao mà lại gặp bác?”

“Con cũng không biết nữa. Muộn rồi, mình đi ngủ thôi ạ...”

Giọng nói mệt mỏi ấy khiến bà Orn không dám hỏi gì thêm nữa, không biết rằng sau khi vào phòng, Angsumalin còn nằm nhắm mắt lắng nghe tiếng máy móc gõ đập vào kim loại vọng sang từ bên xưởng một hồi lâu. Ánh sáng lờ mờ trong phòng đủ để cô thấy tấm nệm dày ở bên cạnh, trên nệm phủ lớp vải lụa gọn ghẽ. Áo quân phục màu trắng treo trên mắc có lẽ là thứ duy nhất anh vô tình để quên mà không phải cố tình vứt bỏ lại như những thứ khác.

May the love you share

Be all two hearts could hold

“Chúc cho tình yêu đôi lứa các con hai trái tim hòa chung nhịp đập.” Giọng nói dịu dàng trầm buồn khi đọc bài thơ ấy vẫn như còn văng vẳng bên tai. Trái tim của hai người yêu nhau... Hideko, anh yêu em!

Càng về chiều, tin tổ chức hội múa ram-thon ở cuối vườn ổi càng lan rộng. Những người buổi sáng còn chưa tin cất công đến xem tận nơi, thấy đám trai tráng đang dùng lá dừa dựng rạp rồi trang trí bằng giấy màu thì không thể không nhập hội chung vui. Khi có người đem những ống nước đường thốt nốt ra mời, công việc có vẻ chậm trễ hơn, nhưng người đến càng lúc càng đông. Đám cổ vũ bắt đầu tập hát lanh lảnh. Lũ trẻ con theo đến cũng góp phần giẫm trụi cây cỏ, san bằng mặt đất như mặt trống. Thậm chí, hình như chẳng ai thèm để ý chỗ đất này trước đây dùng để làm gì vì chính ông chủ tịch xã, người đứng ra tổ chức cũng lớn tiếng lý giải:

“Làng khác đêm nào người ta cũng mở hội, làng mình phải đua với người ta chứ. Đêm nay tập dượt trước, đến đêm tới là treo giải.”

“Nhưng sao lại tổ chức bất thình lình thế hả bác chủ tịch?”

“Ai bảo là bất thình lình?” Ông làm mặt tỉnh bơ, cười tươi vui vẻ. “Định tổ chức từ mấy hôm trước rồi, nhưng còn phải chờ bàn với đám trẻ.”

Đến xâm xẩm tối thì đủ loại thức ăn được các nhà lần lượt đem tới, cộng với nồi canh cay to đùng mà Angsumalin phải xách lệch cả người đến nữa. Trong khi cả đám đang sôi nổi thì có một thằng bé trạc mười tuổi cắm đầu chạy vào, hét lên lạc cả giọng báo tin:

“Ông chủ tịch xã... ông chủ tịch. Cảnh sát đến đông lắm, nhanh lên.”

Cả đám hội ồ lên, tiếng kèn tiếng trống vụt im bặt. Có ai đó hét lên hỏi:

“Chuyện gì thế?”

Thằng bé đó mặt mũi hốt hoảng, nhìn hết người nọ đến người kia đang quây lấy mình:

“Cảnh sát. Họ đang đi lục soát các vườn quanh đây, bây giờ đang ở bên chùa, chắc cũng sắp qua rồi.”

“Ối, có khi là đến soát rượu lậu, có gì thì giấu đi mau!”

“Không phải vì rượu lậu đâu.”

“Sao mày biết?”

“Thì có cả bọn Nhật ở bên kia cũng kéo sang đông lắm, ai cũng cầm súng, còn có thằng Tây dẫn đầu nữa.”

Không ai kịp để ý nét mặt Angsumalin lập tức tái đi. Ông chủ tịch xã liếc qua, ánh mắt chạm ánh mắt cô, rồi cất giọng nói chậm rãi như không để tâm lắm:

“Tây ở đâu ra mà lại đi cùng bọn Nhật?”

“Đúng rồi, sao bảo bọn Tây đánh nhau với Nhật cơ mà?”

Nhiều người cất tiếng nói hùa theo, nhưng thằng bé đưa tin khăng khăng khẳng định:

“Tây thật mà, thấy chỉ trỏ tìm gì đó không biết nữa.”

“Có kẻ nào lại táy máy lấy gì của bọn bên kia sông chắc? Thôi kệ nó đi.”

Khi kèn trống nổi lên bài tiếp theo, mọi người cũng hết quan tâm đến cái tin vừa rồi. Cô gái lánh đến bên ông chủ tịch đang đứng chống nạnh hút điếu thuốc to quấn bằng cánh hoa sen. Cô làm bộ bình thản, thầm thì khẽ hỏi:

“Làm thế nào bây giờ ạ?”

“Cứ tự nhiên bình thường. Chắc chắn lát nữa nó sẽ đến đây.”

“Nhỡ nó nhận ra ạ?”

“Vườn tược quanh đây từa tựa như nhau cả. Nếu cháu thấy lo thì về nhà trước đi.”

Angsumalin lắc đầu kiên quyết, ánh mắt sáng lên vẻ gan góc.

“Không ạ. Sống chết thế nào cháu cũng phải ở lại, tại cháu là nguyên nhân.”

“Nguyên nhân nguyên do cái gì. Không biết ai đặt cái lọ hoa giữa bàn kia, hoa thì cắm lung tung. Cháu đi sửa lại chút. Đến xẩm tối, mình sẽ thắp đèn bão lên, ba ngọn đèn chắc là đủ.”

Nét mặt và thái độ điềm tĩnh ấy giấu kín mọi cảm xúc bên trong. Cô gái bước tới sát cái bàn cao hình chữ nhật ở giữa rạp. Thấy trong lọ gốm tròn có đủ loại nào hoa đồng tiền, hoa dành dành, rồi lá nếp và các thứ lá khác cắm lộn xộn, cô bèn lần lượt dỡ ra xếp bên cạnh rồi mới chậm rãi cắm vào lọ. Trông dáng vẻ cô như đang hoàn toàn chăm chú vào công việc, nhưng thật ra, cô vẫn liên tục liếc nhìn xung quanh một cách lo lắng.

Có vẻ như tiếng trống tiếng hát đã át hết mọi âm thanh khác cho tới khi có một nhóm người xuất hiện, đi thẳng tới rồi tản ra, bao vây xung quanh thì đám đông đang tụ tập mới trở nên im lặng như tờ. Cảnh sát của Thái và Nhật bước ra đứng giữa, nhìn xung quanh:

“Đang làm gì đây?”

Viên cảnh sát Thái Lan hỏi trống không. Ông chủ tịch xã liền chậm rãi quay ra, đứng đối mặt:

“Tôi là chủ tịch xã, có việc gì không vậy? Đêm nay chúng tôi tổ chức múa ram-thon.”

“Gặp ông chủ tịch xã đây thì tốt rồi. Ông có thấy quanh đây có gì bất thường không?”

Cô gái dừng cắm hoa, quay ra nhìn, đặc biệt hướng ánh mắt vào một người Tây cao to đang đi luồn lách nhìn ngó xung quanh trong khi ông chủ tịch làm bộ tỉnh bơ hỏi lại:

“Có gì bất thường là gì cơ?”

“Có kẻ lạ hay có hành vi, hiện tượng xấu gì không?”

“Thì cũng có.” Nói rồi ông dừng lại, rít điếu thuốc lá một cách sảng khoái: “Dạo này sinh nhiều trộm cắp lắm, đang mùa thu hoạch trái cây chúng tôi phải canh gác cẩn thận. Trước đây có đến nỗi này đâu.”

“Không phải. Ý tôi hỏi là có kẻ lạ mặt nào vào tụ tập ở đây không?”

“Làm gì có ai vào đây trừ những người làng này?”

“Quanh đây có lão già nào gầy gò sống trong túp lều nhỏ?”

“Lều cũng nhiều mà người già cả cũng không ít. Ông muốn tìm gặp ai?”

Cô gái nhìn chằm chằm vào người cao lớn đang quay ra nói gì đó nhanh như gió với một tên sĩ quan Nhật. Mặt mũi gã này lập tức toát lên vẻ nghiêm trọng, quay ra nói gì tiếp với viên cảnh sát Thái Lan.

“Người Tây này đến báo là ở khu vực này có bọn tổ chức ngầm hoạt động.”

“Sao cơ? Sao hoạt động gì mà lại phải ngầm dưới đất?”

Câu hỏi và nét mặt trông rõ ngây ngô thậm chỉ hơi ngớ ngẩn khiến viên cảnh sát đưa mắt nhìn lâu hơn bình thường.

“Gã ta khẳng định là nhận ra cây ổi.”

“Thế các cây ổi thì khác gì nhau?”

“Ông chủ tịch cãi lý như đã biết rõ trước vậy!”

Viên cảnh sát Thái nói mỉa nhưng hình như cũng cố tình bỏ qua, không dịch lại cho phe Nhật nghe.

“Thì có thế nào tôi nói thế. Thấy bảo gã nhận ra cây ổi, tôi cũng muốn biết là cây ổi thì nó giống khác gì nhau. Thế thật ra là đang có chuyện gì?”

Đám lính Nhật bắt đầu tản ra khám xét xung quanh, nhất là gã cầm đầu khệnh khạng đi quanh ngó vào tận mặt từng người.

“Doushita no desuka?... Có chuyện gì xảy ra vậy?”

Giọng nói trầm khàn cất lên khiến mọi người có mặt lập tức quay lại nhìn, toán lính đứng nghiêm giơ tay chào răm ráp khi thấy dáng người cao lớn đang đứng nổi bật trên luống đất cao.

Gã đội trưởng chạy tới chào rồi báo cáo liến thoắng trong khi anh chăm chú lắng nghe và tỏ vẻ ngạc nhiên:

“Kesshite nanimo mimasen deshita. Không có gì hết, tôi có thấy gì đâu...”

Câu trả lời này làm cho cả đám bỗng trở nên lúng túng, nhất là khi gã người Tây quay lại tiếp tục khăng khăng rằng mình không nhầm. Trưởng đoàn đành phải dịch sang tiếng Nhật, giọng nghe có vẻ thiếu tự tin hơn lúc đầu, nhưng chàng kỹ sư trưởng vẫn tỉnh bơ, lại còn chau mày trả lời chắc nịch:

“Sore no mae ni mita koto ga arimasen. Tôi chưa từng thấy gì cả.”

Đã thế, anh còn đi trước dẫn đầu tới chỗ đám lính đang lục soát rồi nói:

“Hitte mimashou. Nào, ta thử tìm xem?”

Nhưng hễ anh bước tới đâu là đám lính đều dừng lại ngoan ngoãn nhường đường. Cuối cùng anh quay lại hỏi:

“Machigain ga arimas ka? Có gì bất thường không?” Đám lính trả lời giọng không được quả quyết lắm:

“Machigain ga arimasen. Không có gì lạ thường ạ.”

Viên sĩ quan Nhật nôn nóng quay sang bàn bạc với gã Tây, gã vẫn nhất quyết giữ ý kiến. Chỉ sau khi người cùng đi giải thích dài dòng một thôi một hồi, vừa nói vừa liếc nhìn bóng người cao thẳng đứng ở đằng xa, tay chắp sau lưng nghiêm nghị, gã mới miễn cưỡng gật đầu nhưng vẫn không thôi ngó nghiêng xung quanh với ánh mắt tin chắc mình đã từng đến chỗ này. Đám lính đang tản mắt bèn tập trung lại, chuẩn bị rời khỏi đó.

“Mou dekimashita ka? ... Xong xuôi cả rồi ư?”

“Hai... Vâng.”

Bàn tay thon thả trắng muốt đang nắm chặt một cành hoa từ từ thả lỏng ra khi đám lính đồng loạt đứng nghiêm chào chàng trai rồi theo hàng ngũ đi khỏi. Viên cảnh sát Thái Lan đi cuối quay sang cười mỉm với ông chủ tịch xã, đôi mắt ánh lên nét cười:

“Chúc may mắn, ông chủ tịch!”

Tiếng cười nói im bặt đi nãy giờ lại vang lên rộn rã. Kobori vừa định rời khỏi đó thì bất chợt có tiếng gọi khiến anh chững lại:

“Kỹ sư trưởng, không tham gia hội đêm nay cho vui à?”

Gương mặt ông nở nụ cười chân tình, anh liền trả lời lễ phép:

“Tôi mà tham gia chắc mọi người sẽ không vui lắm đâu.”

“Chao ôi... có gì đâu, ở lại uống chầu rượu đã. Kỹ sư trưởng uống rượu được không?”

“Cũng được chút ít.”

“Chúng tôi có nhiều loại rượu nhưng không biết có ngon bằng rượu sake của anh không nữa. Kỹ sư trưởng phải tự nếm thử xem.”

Đôi mắt đen dài lập tức liếc nhìn sang phía cô gái, nhưng Angsumalin đã quay lưng lại, chỉ nghe tiếng anh trả lời ngại ngùng:

“Chắc tôi không thể uống nhiều vì còn việc phải làm.”

Khi cô gái cắm xong cành hoa cuối vào lọ thì gương mặt rám nắng của anh đã chuyển hẳn sang màu đỏ. Đám đàn ông thi nhau chuốc rượu nài anh uống hết chén này đến chén khác. Thấy dáng người cao lớn thẳng tắp ấy không có vẻ gì liêu xiêu vì say, mọi người liền lần lượt đưa các loại đồ nhắm ra mời; có món chàng trai vui vẻ ăn nhưng cũng có những món anh chỉ nhìn rồi lắc đầu.

“Cá không, xem mấy ống tre thì kỹ sư trưởng mới say?”

Thấy dân tình đi đến nước cá cược, Angsumalin tin chắc chàng trai sẽ không thể từ chối được. Cô bèn tới nháy ông chủ tịch xã vẻ sốt ruột:

“Bác chủ tịch, kiểu này Kobori sẽ say mất.”

“Có sao đâu. Họ nhậu vui được với nhau là tốt. Cháu cứ về nhà đi, kẻo đến lúc đám đó say rồi khéo lại xui cậu kỹ sư trưởng múa ram-thon với cháu, cháu cũng không thích phải không nào?”

“Cháu cũng đang định về đây ạ, chỉ lo Kobori...”

“Yên tâm, không phải lo. Nếu cậu ấy say, bác sẽ cho người đưa về. Cứ tưởng không uống được mấy, nào ngờ tửu lượng cũng khá đấy.”

“Cháu nghĩ bác đừng để bọn họ chuốc rượu anh ấy nữa.”

“Giờ mà ngăn bọn họ thì không hay. Cùng lắm thì say tí cũng có sao đâu. Cháu không muốn thấy thì cứ về đi, bác lo cho.”

“Có gì bác cho ai đó đưa anh ấy về xưởng bác nhé, à... thấy anh ấy bảo là còn phải làm việc tiếp.”

“Cháu cứ về đi.”

Dù đã được ông chủ tịch nhận lời để ý giúp, Angsumalin vẫn không khỏi nhìn sang chỗ chàng trai đang bị vây kín xung quanh. Rồi một đám đông nữa kéo đến, những chiếc đèn bão được tháo hết chao đèn ra, gặp gió bùng lên. Tiếng trống, tiếng kèn quyện vào nhau vang lên ầm ĩ.

“Kỹ sư trưởng phải múa ram-thon với chúng tôi mới được.”

Vừa nghe thấy câu này, Angsumalin bèn lập tức quyết định ra về. Mối lo đè nặng trong lòng đã được tháo gỡ. Lúc nãy nếu như gã người Đức cứ khăng khăng khẳng định thì ít nhiều cũng sẽ gây rắc rối, cuộc điều tra chắc sẽ không dừng lại dễ dàng. Nhưng anh, đã nhanh chóng xoa dịu mọi chuyện bằng cách lấy chính mình ra để đổi lấy niềm tin, một nước cờ mà có thể anh sẽ phải trả giá đắt bằng mạng sống nếu nhỡ có gì sơ sẩy.

Tiếng hát lanh lảnh theo gió vọng tới hòa với tiếng trống gõ đệm nhịp:

Ơi này đóa nhài đơn

Mọc thành cây gọi tên nhài kép

Lên chồi đẹp trở lại nhài đơn

Tim em đơn kép, cành sầu

Tim em đơn kép, cành sầu

Cách ly, muôn vạn đớn đau vì nàng...

Tình yêu của người con trai ấy đã được cô đáp lại bằng gì, ngoài sự cay đắng bởi thái độ lạnh lùng thường trực?

... Bởi lời thề ước trước ta

Bởi lời thề ước trước ta

Tình ta, em nỡ lìa xa lạnh lùng[41]

[41] Đây là một bài hát dân gian của Thái, dùng lối chơi chữ tên của các loài cây với các trạng thái của tình yêu. Trong tiếng Thái, ma-li-la là tên giống hoa nhài đơn chỉ có một lớp cánh, ngoài ra “la” còn có nghĩa là chia tay, ly tán. Mali-sorn là tên giống hoa nhài kép, có nhiều lớp cánh hơn, “sorn” nghĩa là kép, chồng chất. Còn king-sok là cành của cây sok, sok còn có nghĩa là đau buồn, sầu khổ.

Angsumalin rảo bước đi thật nhanh, gần như là chạy, như thể muốn trốn tránh tiếng hát lảnh lót vọng theo trách móc cô giùm cho người con trai ấy!