Nghiệt duyên - Chương 67

Cánh tay anh choàng quanh eo Angsumalin kéo cô xuống cầu thang đang rung bần bật.

“Còn đợt ném bom cuối cùng của toán máy bay đầu tiên lúc chúng vòng về nữa. Em nhớ cẩn thận. Ở quanh đó có súc gỗ hay cái gì không?”

“Không có ạ.”

“Thế thì chạy mau đi. Nếu thấy có tiếng súng thì nhớ quỳ rạp xuống đất, tuyệt đối không được ngẩng đầu lên, hiểu không.”

“Vâng ạ.”

“Được rồi... Em mau đi đi. Chậm nhất là mười phút nữa, toán máy bay đầu sẽ quay về qua đây.”

Chàng trai ẩn lưng để Angsumalin chạy đi, nhưng cô lại thoáng chần chừ.

“Mau mau lên.” Kobori sốt ruột thúc giục.

“Anh nhớ cẩn thận đấy.”

Câu nhắc nhở đầy vẻ lo lắng khiến cánh tay vẫn đang gần kề chợt ôm choàng lấy thân hình mảnh mai siết chặt vào ngực mình.

“Hideko...”

Hơi thở ấm nóng phả xuống dồn dập, cô gái đứng ngơ ngẩn, rồi chàng lại nhanh chóng đẩy cô ra.

“Em chạy đi, tôi cũng phải về xưởng đây.”

Khi chạy trên con đường lắt léo về chỗ trú ẩn theo lệnh của anh, cảm xúc chếnh choáng vẫn hiển hiện trong tâm trí Angsumalin. Cả người cô nhẹ hẫng. Tiếng gầm của tốp máy bay đầu tiên đến gần hòa chung với tiếng gào rít của toán thứ hai đang vào oanh tạc thế chỗ khiến Angsumalin không kịp nghĩ đến điều gì nữa. Tiếng súng máy nã đạn rộ lên từng đợt dài, cô lao đến chỗ trú ẩn, hét to lên nhắc mẹ và bà:

“Quỳ xuống ạ, nằm rạp xuống... Đừng nghển đầu lên ạ.”

Tiếng động cơ rền vang ầm ĩ như thể bầu trời chỉ toàn máy bay đang bu kín, xen vào đó là tiếng pháo phòng không chống trả và tiếng súng máy. Cô gái nằm ép xuống nền đất cứng, cảm nhận hơi lạnh và mùi đất bốc lên nồng đậm. Có tiếng bà ngoại cô tụng kinh khe khẽ, còn bà Orn thì trông như người đang lạnh cóng. Tiếng gầm gào của máy bay đến gần, rồi tiếp đó là tiếng súng máy như tất cả đạn đều xả dồn xuống cùng một nơi là xưởng đóng tàu! Cành cây tán lá trúng đạn rụng rào rào.

Angsumalin chợt nhận ra mình cũng đang tụng kinh chỗ nhớ chỗ quên nhưng không phải để cầu nguyện cho bản thân bởi cô chỉ nhắc đi nhắc lại:

“Đừng để anh ấy làm sao, cầu Trời cầu Phật!”

Nhưng lời cầu khẩn ấy có vẻ như không có kết quả vì mặt đất vẫn rung chuyển ghê gớm cùng với tiếng bom nổ rất gần đinh tai nhức óc, rồi mọi thứ bị cuốn tung lên.

“Ối...”

“Bà... bà bị sao thế ạ?”

Angsumalin ngẩng đầu lên hoảng hốt. Bà Orn dường như cũng quên phắt nỗi sợ, hỏi to lạc cả giọng:

“Mẹ, mẹ làm sao thế ạ? Bị trúng đạn chỗ nào ạ, chỗ nào...? Ang, con xem bà cái nào.”

Cả hai mẹ con ngồi bật dậy, nóng ruột sờ soạng khắp người bà già, miệng hỏi tới tấp:

“Đâu, chỗ nào ạ?”

“Ở sau lưng.”

Angsumalin cúi xuống nhìn sát sàn sạt rồi lần sờ khắp lưng bà già vẫn đang choàng tấm chăn lụng thụng.

“Chỉ có toàn bùn đất bà ơi.”

“Thế hả? Thảo nào...”

“Có thật là chỉ toàn bùn không con? Nhìn cho kỹ, nhỡ có mảnh đạn nào?”

“Không có đâu ạ, chỉ có một cục đất to thôi.”

“Nhẹ cả người. Nó ném bom gần quá, không biết có trúng phải ai không?”

Lời phàn nàn ấy làm cô gái lạnh toát cõi lòng, chợt nhớ đến xưởng đóng tàu, cũng là cứ điểm chiến lược gần đây nhất. Tốp máy bay đầu tiên vừa bay trở về, đợt thứ hai đang tấn công trong thành phố, tiếng bom nổ ầm ầm. Âm thanh ấy khiến không ai còn tâm trí đâu mà chuyện trò gì nữa, chỉ ngồi yên lặng chờ xem bao giờ đợt không kích kết thúc.

Angsumalin lặng lẽ ngồi dựa vào thành đất của con ngòi. Kinh nghiệm mách bảo cô rằng tiếng động cơ máy bay ném bom nghe đầm, nặng và chậm hơn máy bay bảo vệ. Trên đường về, máy bay vòng ngoài thường hay xả đạn hung hăng như lời chào từ biệt, còn máy bay ném bom, nếu thừa quả bom nào sau khi tấn công những mục tiêu quan trọng sẽ thả nốt giữa đường để bay về cho nhẹ mà chẳng quan tâm kẻ xấu số nào phải lãnh họa. Những âm thanh ấy gieo rắc nỗi sợ hãi lẫn lòng căm thù. Chiến tranh... Cô gái thở dài... Cho dù thuộc về phe nào thì người dân vẫn là những người phải hứng chịu sự hủy diệt... Lần đầu tiên, cảm giác căm ghét của cô gái không còn dồn vào một con người mà cô từng coi là kẻ thù chiến tranh duy nhất!

Toán máy bay thứ hai trở về sau khi tấn công trung tâm thành phố, lại xả đạn xuống suốt dọc đường, tiếng súng xen với tiếng bom nổ ở khoảng cách gần. Lần này giữa tiếng rền vang khắp trời cô gái còn nghe thấy tiếng ra lệnh cho đám lính vang lên rõ mồn một.

“Có vẻ bom rơi trúng xưởng rồi, nghe gần quá đi.”

Bà Orn lẩm bẩm trong khi vẫn chúi sát mặt xuống đất. Angsumalin chỉ muốn đứng bật dậy chạy đi tìm người phát ra những mệnh lệnh ấy.

“Đừng vội ngồi lên, con.”

Tiếng súng máy dồn dập nã xuống xối xả. Cô gái vội nằm rạp xuống, trong lòng nóng như lửa đốt. Nếu bom rơi trúng xưởng thì làm gì có chuyện con người ấy lại ở trong hầm trú ẩn, anh đâu phải kiểu người ngồi im một chỗ được, mà nếu vậy thì quá mạo hiểm...

Đợt máy bay thứ hai đã về từ lâu nhưng còi báo an toàn vẫn chưa vang lên vì e rằng còn đợt oanh tạc thứ ba. Tiếng quát tháo ra lệnh nghe rất rõ, chứng tỏ nghi vấn của bà Orn là xác thực.

“Không biết bên ấy thế nào.”

Tiếng bà Orn lẩm bẩm đầy lo lắng làm cô gái phải nắm chặt tay để kìm nén mong muốn chạy vụt đi xem.

Tiếng còi báo hiệu an toàn vang lên lanh lảnh khiến những người sống sót thở phào nhẹ nhõm. Bà Orn đỡ mẹ lật đật đứng dậy trong khi Angsumalin vẫn cứ bứt rứt không yên.

“Không biết Dookmali có làm sao không. Hay con chạy đi xem nó một chút?”

“Để con đưa mẹ và bà lên nhà đã ạ.”

Quãng đường từ chỗ trú ẩn về nhà dường như dài đằng đẵng vì cảm giác sốt ruột thiêu đốt ruột gan. Quanh nhà, gạch đá cành cây rơi vương vãi, mảnh bom làm mái nhà toác một đường dài.

“Hôm nay mà ở trên nhà thì nguy to, kiểu này chắc bát đĩa chạn tủ vỡ tan cả rồi cũng nên. Mẹ và bà sẽ kiểm tra nhà, con cứ chạy đi xem Dookmali ra sao đi.”

Angsumalin vụt chạy đi thoăn thoắt. Trên đường đi đầy những đống đất, cành cây gãy vương vãi ngổn ngang. Càng đến gần, tiếng chỉ huy vang lên càng rõ... Sau khi rẽ khỏi con đường đất đến cây cầu bắc qua kênh sang phía xưởng đóng tàu, cô gái sững sờ chững lại. Trên khu đất không hề nhỏ của xưởng đóng tàu hơn một nửa các khu nhà đã biến thành gỗ vụn. Tiếng máy nổ phát lên hừ hừ, ngọn đèn pha cỡ lớn sáng rực. Mọi người đang chạy tán loạn, có thể thấy rõ cảnh những người bị thương được khiêng đến các tòa nhà còn sót lại.

Cánh cổng kiên cố dẫn vào trong xưởng đóng chặt. Không ai đứng gác vì lính gác chắc cũng phải chạy đi cứu người bị thương. Cô gái bám vào cánh cổng, kiễng chân nhìn vào trong, đưa mắt tìm một người duy nhất giữa đám đông hỗn loạn... Những người bị thương được chuyển đi hết người này đến người khác. Lòng cô khi nãy còn nóng như có lửa đến giờ lại trên lạnh lẽo, nhói buốt vì sợ hãi... hay là...

Isoide... Mau mau lên...”

Tiếng nói trầm khàn vang lên giữa đám người làm trái tim đang bắt đầu lo sợ lại trào dâng cảm giác vui mừng khó tả. Vóc người cao lớn bước ra giữa khu vực sáng sủa, hiện lên rõ mồn một. Cô gái cố quan sát thật kỹ như muốn chắc chắn người mình quan tâm không hề hấn gì.

“O isha wa doko ni imasu ka?”

Chủ nhân của giọng nói trầm ấm vừa dồn dập hỏi tìm bác sĩ vừa bước đến cúi xem người bệnh đang được khiêng ra khỏi đống đổ nát. Dáng đi ấy vẫn bình thường khiến người đang kiễng lên nhìn hạ chân xuống, thở phào nhẹ nhõm, rồi từ từ đi về nhà theo lối cũ...

Cô gái chậm rãi nhặt những mảnh kính và ngói vỡ đã quét dồn thành đống cho vào thùng. Từ sáng đến giờ, mọi người đều bận rộn quét dọn những thứ vương vãi khắp nhà. Hầu hết tủ kính không vỡ cũng rạn nứt, khung ảnh treo tường rơi xuống sàn vỡ tan tành. Những đồ xếp trên tủ cao rơi đổ ngổn ngang vì rung lắc. Bà Orn nhìn đống bát đĩa cái sứt mẻ cái vỡ tan mà nản:

“Mất hết cả. Tiếc nhất cái bát tô này, đồ cổ từ xưa.”

“Thôi đừng tiếc làm gì mẹ ạ. Mình không sứt mẻ như bát đĩa là may lắm rồi.”

“Chẳng hiểu bên xưởng có ai làm sao không?”

“Con thấy nhiều người bị thương lắm ạ.” “Lính hay là công nhân?”

“Chắc là lính bị nhiều hơn ạ. Cứ có còi báo động là họ đuổi hết công nhân vào vườn, chỉ còn lính ở lại xưởng để canh.”

“Bị trúng bom phá mất nửa cái xưởng thì chắc còn lâu mới làm việc lại được.”

“Thuyền mới đóng neo ở ven sông hình như cũng chìm hết ạ.”

“Đánh qua đánh lại cũng thế thôi. Phe thắng giành được chỉ toàn thứ đổ nát, bên thua cũng chỉ còn hỏng hỏng hư hư. Những người đã chết thì coi như xong, những kẻ còn sống lại tiếp tục đánh nhau đến bị thương, chém giết nhau cho dù chưa từng biết mặt mũi. Không biết còn đánh đến khi nào nữa đây... Con người ta đến mức giết nhau là phải có chuyện gì mâu thuẫn lắm lắm; đằng này người dưng chẳng có chuyện gì, đem ném bom ào ào xuống, không thèm biết là trúng ai, còn những người giương súng bắn lên chống trả cũng nào có biết kẻ trúng đạn mặt mũi ra sao. Ôi chao, bao giờ mới hết gây chuyện với nhau đây?”

Cô gái vừa làm vừa lặng lẽ nghe mẹ ca cẩm... Quả đúng vậy... Chiến tranh là như thế. Chính anh cũng từng gắng giải thích cho cô, vậy tại sao cô cứ đổ mọi tội lỗi cho một mình anh, làm như chính anh là kẻ gây nên cuộc chiến. Dù sự thật là cả anh và cô đều rơi vào cùng một hoàn cảnh, đều phải chấp nhận hậu quả của chiến tranh mà không cách nào tránh được, nhưng anh và cô nhìn nhận về bản chất chiến tranh khác hẳn nhau. Anh dường như có thể tiếp nhận mọi điều xảy đến đúng với bản chất và hành động theo nghĩa vụ của mình. Còn cô thường chỉ nhìn sự việc từ góc độ bản thân và kiên quyết đưa ra kết luận mà không thèm xem xét bất kỳ đề nghị, giải thích, khuyến cáo nào, nhất là những gì liên quan đến anh. Cô kéo chiến sự vào mối quan hệ giữa cô và anh, đổ mọi tội lỗi cho anh dù kẻ khác là người gây nên chuyện, như muốn dùng những định kiến ấy phân chia anh và cô thành hai thế giới tách biệt...

Có tiếng chân bước nặng nề lên cầu thang lung lay do bị ảnh hưởng từ trận bom đêm qua. Angsumalin phải cố kìm lòng mới có thể quay lại từ tốn với vẻ mặt bình thản như thường lệ, dù vậy trong mắt cô vẫn ánh lên những tia vui mừng.

“Thế nào rồi con?” Bà Orn cất giọng hỏi mừng rỡ:

“Mà tay bị làm sao thế kia? Đêm qua, cái Ang nó chạy đi xem thấy bảo con không sao mới nhẹ cả người. Bên xưởng tan tành hết cả ư?”

Đôi mắt đen dài lập tức liếc ngay sang phía cô gái nhưng cô vẫn tiếp tục nhặt mảnh kính, trong khi nhận thấy mặt mình nóng bừng lên.

“Ơ... đêm qua Hideko... à Angsumalin đến xưởng lúc nào ạ.”

“Lúc có còi báo an toàn, con bé nó chạy sang xem.”

“À...” Tiếng đáp lại nghe khá vui vẻ.

“Thế tay bị sao vậy?”

“Con cũng không biết là mảnh kính hay mái tôn vỡ bắn phải. Đêm qua trúng bom cả hai đợt, quả đầu tiên may là rơi chệch xuống bờ sông, còn quả thứ hai trúng chỗ nhà nghỉ nhưng may không có người ở trong.”

“Có ai làm sao không?”

“Chết ba, năm người bị thương nặng, ngoài ra cũng có một số bị thương nhẹ nữa. Phòng con bị san bằng hết, quần áo đồ đạc không còn gì.”

“Thế định xử lý thế nào?”

“Chắc là phải sửa chữa, xây mới lại.”

“Người nhem nhuốc hết rồi, con đi tắm trước đã không? Quần áo có để ít nào đây không? Ang vào tìm xem, con.”

Cô gái ngẩng lên, thái độ lúng túng nhưng khi nhìn rõ đối phương thì bỗng mềm lòng. Gương mặt anh sạm lại, nhọ nhem, điệu bộ mệt mỏi, tay áo xắn tít lên cao, bàn tay phải và cánh tay băng nhiều chỗ.

“Con chỉ xin rửa mặt một chút thôi. Quần áo chắc phải xin cấp mới. Lát nữa con sẽ sang sông báo cáo với Bộ Tư lệnh.”

Angsumalin đứng dậy dẫn anh ra chum nước cạnh hiên, lấy cái bát múc nước cho. Dọc cánh tay trái từ trên xuống dưới bàn tay trông giống như vừa đi đào đất về. Anh cố nắm bàn tay ấy lại rửa nhưng vì chỉ có mỗi một tay nên không sạch được.

Cô gái nhìn tức mắt, nên quyết định kỳ cọ giúp. Bàn tay to khỏe ở giữa đôi tay bé nhỏ trắng trẻo trông đến buồn cười. Sự tiếp xúc bắt đầu mang dấu hiệu của hai người thân quen và hiểu nhau, dù đó là cảm giác tinh tế chỉ âm thầm cảm nhận bằng trái tim.

“Cám ơn em đã cất công chạy đi xem tôi đêm qua.”

Bàn tay đang kỳ cánh tay to khỏe của anh chợt dùng sức hơn nhưng vẫn không có lời nào đáp lại.

“Nếu tôi chết, em có khóc không?”

“Không!”

“Tôi sẽ chờ.” Giọng nói nghe như trêu tức.

“Người Thái kiêng nói vậy...”

“Kiêng cái gì? Nghĩa là sao?” Anh ngơ ngác hỏi.

“Người ta không đùa giỡn chuyện chết chóc.”

“Thế thì nói chuyện thật mà chúng ta phải giải quyết. Tôi không thể viện cớ sống ở xưởng được vì nhà nghỉ bị phá hủy rồi. Giờ tôi phải làm thế nào? Em nghĩ cách giúp tôi đi.”