Nghiệt duyên - Chương 83

Đôi mắt của cô gái toát lên sự cương quyết và niềm tin vững chắc. Sinh linh bé nhỏ này là của cô. Sau này thế nào cô cũng không quan tâm, nhưng tuyệt đối không ai giành được đứa con từ tay cô, kể cả anh!

Những mảnh lụa mềm mịn được cắt rời từng miếng nhỏ rồi khâu thành áo bằng đường kim mũi chỉ tinh tế. Trong lúc khâu vá, cảm giác sốt ruột dường như dần giảm bớt. Những tình cảm sâu sắc trước đây đều trở nên nhỏ bé khi so sánh với tình cảm mới này. Bởi vậy, khi đêm đến, bị bà Orn giục đi ngủ, Angsumalin còn lén đem đồ vào làm tiếp trong phòng. Đèn dầu tỏa ánh sáng dìu dịu hắt lên tấm rèm cửa sổ, làm hiện lên bóng cô gái đang cắm cúi ngồi khâu áo. Cô chẳng bao giờ biết rằng ở bến nước cách đó không xa có một người đàn ông cao lớn đang ngồi duỗi chân châm thuốc hút, lặng lẽ dõi theo cái bóng đen đen ấy. Mấy lần, điếu thuốc lá hút dở còn hơn nửa bị vứt xuống dòng nước, anh cựa quậy toan đứng dậy, nhưng rồi lại ngồi xuống, bắt đầu châm điếu mới như thể không biết quyết định ra sao. Khi chiếc đèn dầu được vặn nhỏ, di chuyển rồi vụt tắt, anh cất tiếng thở dài. Ngọn lửa lập lòe ở chỗ cái bóng đen, điếu thuốc cuối cùng được rít đỏ rực mấy hơi liên tiếp trước khi ném bỏ. Sau đó, thân hình cao lớn di chuyển, biến mất vào bóng tối một cách lặng lẽ.

Tiếng động cơ, tiếng cần trục làm việc, và tiếng hò hét ra lệnh ầm ĩ cũng chưa bao giờ ảnh hưởng đến độ tập trung làm việc của người đang ngồi nhìn đống bản vẽ nhiều như hôm nay. Nhiều lần, những cây bút chì vót nhọn bị ném xuống bàn gãy cả đầu, sau đó anh lại cố gắng kiềm chế, cầm cây khác lên tiếp tục làm việc nhưng rồi kết quả cũng không khác là mấy. Trên cái bàn đầu chỗ nằm cũng thế, ngoài những cuộn giấy để làm bản vẽ bày la liệt còn có hai lá thư vứt lẫn vào. Một bức thư đóng dấu công vụ của quân đội thông báo kết quả việc xin chuyển địa điểm công tác. Còn một bức nữa gửi đến từ quê nhà xa xôi mà anh đọc đi đọc lại nhiều lần, nội dung lá thư tràn ngập tình thương, nỗi lo lắng, niềm xúc động, cuối cùng là sự sung sướng và hồi hộp trước tin mừng anh báo về. Nhiều câu, nhiều đoạn liên tục nhắc chàng trai phải đưa hai thành viên mới trong gia đình về thăm quê nhà... Kobori đập cái bút chì cuối cùng xuống gãy dập trong tay rồi thả người dựa vào lưng ghế. Tiếng lính canh ca đêm nói chuyện với ai vọng vào tận trong này làm cảm giác bực bội tăng thêm bội phần. Anh liền hỏi vọng ra, giọng cộc cằn:

“Shizuka ni shite kudasai-donata ga kimashitaka? Trật tự một chút nào. Ai đến đó?”

Lính gác ngó vào, nét mặt lúng túng. Chàng trai quát thêm câu nữa:

“Demas! Đi ra.”

Anh chàng kia nhanh chóng tránh ra ngoài. Có tiếng trao đổi khe khẽ một lần nữa rồi tắt hẳn. Kobori đưa tay rút điếu thuốc lá khỏi cái bao nhàu nát rồi châm lửa. Một lúc lâu sau, đôi mày nhăn tít mới dãn ra. Anh nhấn chuông trên bàn. Vẫn người lính gác kia xuất hiện, đứng nghiêm ở cửa, nét mặt và điệu bộ toát lên vẻ e dè hết mức.

“Donata ga kimashitaka? Ai đến vậy?”

Giọng anh đã dễ chịu hơn. Người lính nuốt nước bọt, vẻ không thoải mái.

“Hideko san ga irasshai mashita!”

Câu nói “Cô Hideko đến” làm chàng trai đứng bật dậy khỏi ghế, lao về phía cửa khiến người lính vội vàng lánh mình sang một bên. Nhưng dọc hành lang mới dựng lại trống không, giữa sân chỉ có những thùng máy để bừa bãi, không có bóng dáng Angsumalin. Anh thở dài, quay về phòng lấy chiếc mũ trên bàn, rồi bước đi phăm phăm, vòng ra bên hông xưởng để rẽ vào cây cầu bắc qua con lạch ngăn cách khuôn viên xưởng với khu vườn cây trái um tùm. Vừa đi dọc nửa đường anh đã dừng sững lại vì xưởng máy phía sau vang lên tiếng hò hét ầm ĩ, một lát sau thì có tiếng vật gì rất nặng trượt rồi rơi xuống rầm rầm!

Kobori chạy về phía xưởng máy, luôn miệng hỏi suốt dọc đường:

“Doushita no desuka?... Xảy ra chuyện gì vậy?”

Mấy người lính chạy ra từ các phòng làm việc đều lớn tiếng đáp giống nhau:

“Nani ka wakarimasen! Vẫn chưa biết ạ.”

Khi đến gần anh mới thấy rõ cảnh cỗ máy lớn bị rơi xuống sàn. Người Thái Lan điều khiển đang đứng gục đầu tuyệt vọng giữa tiếng xì xào của mọi người xung quanh.

“Chuyện gì thế?”

Kobori hét hỏi lần nữa khi lính và công nhân rẽ ra nhường lối.

“Máy nặng quá ạ. Cần trục và dây kéo thì quá cũ nên đứt dây rơi xuống.”

Vừa nói, anh ta vừa kéo sợi dây kẽm cỡ lớn bằng ngón tay cái có vết đứt lên đưa cho anh xem. Nét mặt anh ta tái nhợt đi khi bắt gặp ánh mắt sắc sảo.

“Nó bị rão từ hôm qua rồi. Tôi đã báo với kỹ sư phụ trách nhưng ông ấy bảo cứ dùng tạm đã vì chưa có đồ thay thế, tôi cũng không biết phải làm thế nào.”

“Thôi được rồi, được rồi. Tôi sẽ đi tìm thử ở nhà kho Bangkok Noi. Giờ phải tìm cách nhấc cái máy này lên sửa đã. Huy động tất cả mọi người trong xưởng đến. Mau lên.”

“Tôi không có lỗi phải không, kỹ sư trưởng?”

Câu hỏi ấy nghe có vẻ đã đỡ lo hơn. Kobori khẽ gật đầu:

“Nhưng đừng để xảy ra sai sót thường xuyên. Máy móc cũ cần sửa đã đầy ra đây rồi, nếu phải sửa cả máy mới nữa thì càng nhiều việc hơn.”

Một sĩ quan khác, có vẻ như là người sẽ thay vị trí của anh than phiền:

“Baka rashi koto desu... Thật là không ra sao cả!”

Chàng trai ném cái mũ xuống thùng gỗ, xắn tay áo lên cao rồi quay sang trả lời bằng tiếng mẹ đẻ một cách điềm tĩnh:

“Thế anh muốn đổ lỗi cho ai đây? Đổ lỗi cho người làm thuê trong khi anh ta đã báo cáo với sĩ quan phụ trách là có thể sẽ có thiệt hại xảy ra rồi à? Hay đổ lỗi cho người của mình trong khi anh ta phải ra lệnh làm việc tiếp chỉ vì không thể tìm được đồ thay thế ư?... Chiến tranh là thế đấy. Đừng nói gì đến máy móc, ngay cả con người cũng tan nát.”

Câu cuối giọng anh nhỏ dần, vết thương lòng mà anh phải chịu đựng là bằng chứng rõ ràng cho điều ấy. Một lúc sau, thân hình cao lớn đã lẫn vào đám lính và công nhân, bắt đầu miệt mài làm việc, bỏ chuyện riêng lại đằng sau, và quên bẵng luôn cả việc anh vừa định làm.

Bà Orn dựng buồng chuối to mới cắt về vào cạnh cầu thang, rồi quay ra hỏi con gái đang rẽ khỏi bụi cây chầm chậm đi vào, sắc mặt cô hơi xanh xao nhưng bình thản.

“Ủa... sao con bảo là đem quần áo Dookmali sang bên xưởng cho nó cơ mà?”

Bàn tay đang cầm cái túi giấy hơi gân lên, giọng trả lời nghe khô khốc.

“Dạ... con đi rồi ạ nhưng... không gặp.”

“Nó đi đâu à? Hay là sang sông?” Hỏi rồi, bà lại nói tiếp: “Sao con không gửi lại? Mà thật ra, mẹ nghĩ thể nào nó cũng tự về nhà thôi. Con chưa nên đi lại nhiều. Ngày mai, mẹ đang định đi chọc một gùi bông gòn, thấy quả nó vỡ ra trắng cả cây rồi. Bà muốn nhồi nệm trẻ con. Vải trắng mà Dookmali nó gửi về có mà dùng làm nệm, làm tã được đến ba đứa ấy. Trông thế là thể nào cũng chiều con lắm!”

Angsumalin né qua mẹ đi lên trước. Bà Orn theo sát đằng sau.

“Cẩn thận nhé con, kẻo lại ngã xuống đấy.”

Không đời nào cô để mất niềm hy vọng cuối cùng này. Đứa con là hy vọng cuối cùng của cô bởi sự việc lúc nãy là bằng chứng rõ ràng rằng người ấy đã hoàn toàn không còn chút tình cảm nào với cô nữa. Suốt thời gian qua, cảm giác nhớ nhung bứt rứt, và hy vọng chỉ bé như đầu ngón tay rằng có thể giải thích mọi chuyện cho anh khiến cô gái cứ mỏi mòn chờ đợi. Cô trông chờ cho tới khi cạn kiệt sự kiên nhẫn, và cả lòng tự tôn cùng với kiêu hãnh. Nếu như từ trước đến nay, trong mối quan hệ của hai người anh đã luôn là người cho đi, tại sao bây giờ cô không thể đáp lại anh chứ? Bởi thế mà khi bà Orn bình luận:

“Dookmali nó không về nhà bao nhiêu ngày nay, không hiểu quần áo thì làm thế nào?”

Angsumalin bèn quyết định dừng việc đang làm dở lại, một lát sau, cô xách cái túi giấy đựng quần áo bước men theo lối đi quanh co dẫn sang xưởng, bước đi dứt khoát, không chần chừ lưỡng lự. Suốt dọc đường, cô luôn tự hỏi:

“Nếu gặp anh thì biết nói thế nào?”

Thật khó khăn cho người lòng dạ sắt đá luôn sống kiêu hãnh lần đầu tiên phải xuống nước làm lành. Lối đi cắt ngang qua hố bom cũ giờ đây ngập nước đến miệng, bèo tấm nổi kín.

Bụi súng cô thả vào giờ đã nở hoa trắng muốt tương phản với màu vàng óng của nhị hoa bên trong. Dấu vết của chiến tranh và sự hủy diệt đã bị thiên nhiên và thời gian xóa nhòa. Vậy tại sao cô lại phải giữ mãi vết thương lòng và khắc sâu nỗi hận thù?... Tại sao cô không để cho thời gian và tình cảm tự nhiên của con người xóa nhòa cảm giác cũ và thuận tình tiếp nhận những điều mới mẻ đến với mình?

Có cần thiết phải duy trì tình trạng chiến tranh giữa cô và anh vĩnh viễn không, trong khi cô thừa biết trái tim mình thế nào!

Bởi vậy, đôi bàn chân bước qua cây cầu bắc sang phía xưởng đóng tàu càng trở nên vững vàng hơn, không phân vân chút nào nữa.

Nhưng giờ đây... bàn tay đẩy cánh cửa tủ quần áo mở rộng ra run run. Những chiếc áo quân phục nặng nề đã là phẳng phiu xếp thành chồng đặt trên sàn nhà trước mặt. Angsumalin nhìn đăm đăm như xuyên qua lớp áo.

“Demas! Đi đi!”

Giọng nói dữ dằn, cộc lốc vẫn vang lên rõ rệt bên tai. Khi cô đứng trước căn phòng làm việc mới dựng lên thay thế cho tòa nhà cũ bị bom phá, cô vẫn hy vọng rằng chỉ cần có cơ hội được gặp anh một chút, một chút xíu thôi, cô sẽ bộc bạch hết nỗi lòng với anh, rồi sau đó sẽ không cầu xin anh gì nữa. Giọt nước mắt đầu tiên rơi xuống mép áo rồi nhanh chóng thấm vào lớp vải, sau đó những giọt kế tiếp cứ thế tuôn rơi...

Nền trời trên cao tối thẫm, sao chi chít nhấp nha nhấp nháy giữa không gian bao la vô tận. Ánh đèn dầu từ những con thuyền xuôi ngược le lói. Người đang ngồi khoanh tay trước ngực ở cây cầu bến sông lặng yên như tượng, dường như không để tâm đến bất cứ điều gì. Đôi mắt dõi nhìn ngọn đèn sáng hiện ra phía trên những ngọn cây đăm đăm như thể chưa bao giờ được thấy. Lâu lâu lại nghe tiếng ròng rọc rít lên vì phải kéo vật nặng, tiếng kim loại va đập và tiếng hiệu lệnh theo gió vang vọng tới. Nhưng không bao lâu nữa, những âm thanh ấy sẽ chẳng còn ý nghĩa gì bởi người ấy sắp sửa vứt bỏ mọi thứ lại đằng sau, tất cả... Đom đóm bay qua từng đám, ánh sáng mờ dịu khi tắt khi lóe lên từng hồi... Cô cũng không khác gì đom đóm trong câu chuyện cổ ấy, phải kiếm tìm người yêu một cách đơn côi.

Con thuyền gỗ nhỏ trôi theo dòng nước, cố gắng cắt ngang dòng nhưng không chống chọi nổi dòng nước xiết nên phải xuôi dòng rồi mới lái đuôi cập vào bờ lần nữa. Người trên thuyền nói chuyện râm ran nhưng cô gái cũng không chú ý, dù có nghe thấy loáng thoáng:

“Lão Bua, ông chèo cho nó nhanh hơn một tí đi chứ.”

“Ối, tôi cũng đang chèo hết sức đây. Ông còn muốn thế nào nữa?”

“Thế sao thuyền không đi gì thế? Tôi vừa lái vừa chèo hết sức rồi.”

“Thì già rồi chứ còn sao, sức nó giảm sút. Kìa, ai ngồi thù lù chỗ đầu cầu thế kia?”

Thắc mắc ấy làm con thuyền lơi tay chèo, hơi chững lại.

Người ngồi giữa thuyền ngó lên nhìn rồi nói khe khẽ, khác hẳn với người ngồi phía cuối cất giọng oang oang:

“Phải rồi, người bé tí, hay là trẻ con?”

“Trẻ con nhà nào lại ra ngồi ở đây?”

“Thì ông ngồi gần hơn thử nhìn xem. Nhỡ có gì bất thường còn chuồn luôn. Chứ liều mạng lên bừa có cơ toi. Chỗ này là khu vực hoạt động của phe nó cả.”

“Ai đó?”

Có tiếng gọi vọng lên nhưng Angsumalin chẳng buồn đáp lại bởi biết rõ lão Pol với lão Bua đến tìm thể nào cũng đem phiền toái đến cho mình, không vật chất thì cũng tinh thần.

“Hay là ma?”

Người ngồi giữa thuyền lại yêu cầu gì đó khe khẽ. Giọng lão Pol vang lên:

“Thế thì được rồi, cập bến thì cập bến. Nhưng nhớ gặp ai thì không chịu trách nhiệm đâu đấy.”

Con thuyền lượn vòng, cập vào cầu thang bến nước. Khi cô gái cựa quậy quay ra nhìn, thân hình cao cao ngồi giữa vụt đứng dậy khiến chiếc thuyền tròng trành. Lão Bua kêu lên rầm rĩ:

“Từ từ nào, kẻo lật thuyền.”

Nhưng người đó không thèm nghe, nhanh chóng nhảy lên cầu thang.

“Angsumalin!”

Giọng trầm ấm gọi tên đầy mừng rỡ. Thoạt tiên, giọng nói quen thuộc đánh thức giác quan đang tê liệt của cô, nhưng rồi Angsumalin chợt thấy tim như thót lại giây lát. Cô vội ngước lên nhìn.

“Angsumalin!”

Tiếng gọi lần thứ hai nghe hơi run rẩy, rồi một vòng tay vững chãi ôm choàng quanh cổ cô gái, kéo cô sát vào ngực mình.

“Ang... người ta về rồi. Anh đã nghĩ là thể nào cũng gặp em ở đây chứ không phải đâu khác mà.”

Đầu tiên, cô gái đờ người đứng yên vì sửng sốt, rồi định vùng ra, nhưng khi nghe thấy câu nói ấy, đầu gối cô bủn rủn như muốn sụp xuống.

“Ang... còn nhớ ai không? Gặp em anh sung sướng quá.”

Gương mặt cúi xuống bị lấp bóng, hàm răng trắng sáng lên, đôi mắt Wanas long lanh trong bóng tối. Cô gái đờ người ra mất giây lát.

“Nas, Wanas!”

“Phải... Nas đây. Lúc nãy thấy em ngồi trong góc khuất, vẫn nghĩ là không nhận lầm... Em có mừng không?”

Cô gái chỉ lặp đi lặp lại tên anh bằng giọng nghẹn ngào pha lẫn tiếng nức nở. Tay cô vuốt tấm lưng rộng ấy như muốn tin chắc rằng thân hình đó là người thật.