Những Âm Mưu Từ Đảo Jekyll - Chương 20

Chương 20 CÂU NỐI LUÂN ĐÔN Sự phát triển của dòng họ Morgan (House of Morgan); Morgan thắt chặt quan hệ với Anh và Tập đoàn Rothschild; mối quan hệ giữa Cục Dự trữ Liên hang và Ngân hàng Anh. Quyết định của Cục Dự trữ Liên bang gây ra lạm phát cho đồng đô-la Mỹ nhằm ủng hộ cho nền kinh tế Anh đang suy sụp. Giai đoạn giữa cuộc Nội chiến và sắc lệnh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ là một trong những đặc tính hay thay đổi của nền kinh tế lớn và không có bất cứ thước đo nào cho sự hỗn loạn này. Pháp lệnh Ngân hàng Quốc gia năm 1803-1865 đã tạo ra một hệ thống các ngân hàng hoạt động theo hiến pháp liên bang với đặc quyền và thế lực đối với hệ thống tiền tệ. Hệ thống ngân hàng này được phép độc quyền phát hành tiền giấy ngân hàng và chính phủ đồng ý chấp thuận cho lưu hành loại tiền giấy này cho các hoạt động chi trả thuế. Họ được phép hỗ trợ cho đồng tiền này bằng 90% trái phiếu chính phủ thay cho vàng. Và các ngân hàng cam đoan rằng mỗi một ngân hàng trong hệ thống ngân hàng liên bang phải chấp nhận tiền giấy của các ngân hàng khác đối với giá trị được ấn định trên bề mặt tiền giấy, không cần quan tâm đến vị thế đang như “rèm treo trước gió” của họ. Kết quả mà hệ thống ngân hàng của Mỹ sau cuộc Nội chiến thu được là sự thỏa hiệp với ngân hàng trung ương, đang dần mất đi sự độc lập và trở nên mất trật tự theo như một vài lời nhận xét từ các nhà sử học. Quan niệm về khả năng có thể phất lên một cách đơn giản bằng cách tạo ra thêm nhiều tiền luôn là điều lôi cuốn các chính trị gia và thương nhân, và quan niệm đó bùng phát mạnh mẽ nhất vào nửa cuối thế kỷ 19. Đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn dưới trướng của nhóm những kẻ có thể biến hóa mọi thứ thành vàng, một sự cưỡng chế nhằm biến mọi thứ thành tiền qua các trò ma thuật của hệ thống ngân hàng. Séc cá nhân dần được chấp nhận trong trao đổi thương mại như một loại tiền giấy, và ngân hàng buộc người dân phải đăng ký vào sổ tiền gửi ngân hàng theo những con số buộc họ phải thận trọng khi “vay mượn”. Theo Groseclose quan sát: “Lộc trời từ những đồng tiền rẻ mạt đã trở thành tiếng kêu khóc của toàn vũ trụ và theo quan niệm của người Do Thái, lộc trời càng dễ bao nhiêu thì tiếng than càng ai oán bấy nhiêu và theo đó, ý chí đấu tranh cho điều đó của con người càng ít dần đi”.[1] Triết lý phổ biến lúc bấy giờ đã được thể hiện một cách chính xác bởi Jay Cooke - một nhà tài phiệt xuất chúng, người đã tiếp thị các khoản vay của chính phủ liên bang cho cuộc Nội chiến vĩ đại và cũng là người huy động được nguồn vốn $100 triệu đô-la cho Công ty đường sắt Thái Bình Dương. Cooke đã xuất bản một cuốn sách nhỏ với nội dung được gói gọn trong tựa đề: Làm thế nào để các khoản nợ quốc gia trở thành điều hạnh phúc cho quốc gia đó? Các khoản nợ là tài sản công, là liên minh Chính trị, là sự bảo vệ các ngành công nghiệp, là bảo đảm căn bản cho tiền tệ quốc gia. (How Our National Debt May Be a National Blessing. The Debt is Public Wealth, Political Union, Protection of Industry, Secure Basis for National Currency. “ Cooke đặt câu hỏi “Tại sao đất nước rộng lớn và hùng vĩ này lại trở nên còi cọc và chậm phát triển với các hoạt động ‘máu lạnh’ và dòng sinh huyết của đất nước liệu có bị đông lại bởi những nguyên lý ‘đồng tiền mạnh’ tồi tệ - cái nguyên lý mốc xịt của một thời đã qua”.[2] Tuy nhiên, sự còi cọc và chậm phát triển đó xuất hiện không phải từ mớ nguyên lý đồng tiền mạnh đáng thương trong quá khứ mà là chính từ các học thuyết chói lọi về những đồng tiền kiếm được một cách dễ dàng trong hiện tại. Ngân hàng Bắc Thái Bình Dương bị phá sản giống như một núi tiền ảo đầu tư sụp đổ hoang tàn, và công ty đầu tư khổng lồ của Cooke cũng theo đó mà biến mất, khởi đầu cho tình trạng suy thoái kinh hoàng năm 1873 như một điều tất yếu. Matthew Josephson viết: “Tất cả thất bại này đều là của Jay Cooke!” - những chú bé bán báo trên khắp các ngả đường của đất nước đã rao như vậy… . Ngân hàng lớn nhất và uy danh nhất của vùng đất phía Tây nước Mỹ đã sụp đổ như một tin sét đánh. Các liên minh môi giới và các ngân hàng quốc gia với 5.000 tập đoàn thương mại nhanh chóng rơi vào vực thẳm của sự phá sản. Một ngày dài tại Phố Wall, cuộc đình công này tiếp nối cuộc đình công khác; ngành đường sắt phá sản; chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, các cổ phiếu đang dẫn đầu bỗng mất đi 30 đến 40 điểm, thậm chí là một nửa giá trị; làn sóng sợ hãi không đoán trước đã làm thay đổi xu hướng hám danh lợi của xã hội; các sàn giao dịch đóng cửa; các hành động bột phát mất kiểm soát của đám đông dân chúng đã trở thành nỗi kinh hoàng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ đang tiếp diễn.[3] CÁC ĐỢT SÓNG BÙNG NỔ VÀ SUY THOÁI Nhìn chung, có bốn dạng cơ bản trong việc co hẹp nguồn cung tiền tệ xuyên suốt giai đoạn này: giai đoạn được coi là “kinh hoàng” - 1873, 1884, 1893 và 1907. Mỗi một năm tiêu biểu cho nguồn dự trữ thiếu hụt của ngân hàng và sự đình chỉ chi trả bằng đồng kim loại trong xã hội. Quốc hội phản ứng lại tình trạng này bằng cách không yêu cầu tăng thêm nguồn dự trữ để cải thiện lãi suất an toàn, nhưng lại cho phép tiết giảm. Tháng 6 năm 1874, pháp lệnh được thông qua với sự chấp thuận từ phía ngân hàng hỗ trợ toàn bộ tiền giấy với trái phiếu chính phủ. Dĩ nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc sẽ có thêm tiền giấy cho Quốc hội, nhưng đồng thời cũng tạo ra một thực trạng không còn bất cứ đồng kim loại nào bảo đảm cho tiền giấy, kể cả chỉ với 10%. Việc này đã lấy ra khỏi nguồn dự trữ của ngân hàng hơn 20 triệu đô-la mà sau đó được sử dụng làm nền tảng cho chiến lược đầu tư nhằm tạo ra thậm chí nhiều tiền séc để vận hành trong nền kinh tế quốc gia. Một huyền thoại được chấp nhận rằng nhu cầu vay tiền theo mùa vụ của các nông trang vào thời điểm thu hoạch chính là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng. Để cung cấp cho nguồn quỹ này, ngân hàng ở các quốc gia phải hút vào một lượng dự trữ tiền mặt trong khi nguồn tiền này được ký gửi ở những ngân hàng thành phố lớn hơn. Động thái này làm cho nguồn dự trữ tại các thành phố ít đi và toàn bộ hệ thống trở nên yếu ớt. Thật ra, một phần của truyền thuyết này là có thật, nhưng rõ ràng là không một ai muốn hỏi về phần tiếp theo của câu chuyện. Nhiều người tự suy đoán. Tại sao lại không có cuộc khủng hoảng vào mỗi mùa thu thay vì 11 năm một lần hay tương tự như vậy? Tại sao các ngân hàng - nông thôn cũng như thành thị - đều duy trì mức dự trữ tương ứng để trang trải cho các nhu cầu của con nợ? Và tại sao họ không làm việc này vào tất cả các mùa trong năm? Tại sao việc từ chối những hồ sơ vay vốn lại khiến cho hàng trăm ngân hàng thua lỗ? Câu chuyện thần thoại đã rơi vào khoảng không vì những câu hỏi nặng ký này. Sự thật là, nếu không phải là các nhu cầu theo mùa màng nông nghiệp thì các ảo thuật gia về tiền bạc đơn giản chỉ cần tìm một nhân vật bù nhìn/một anh chàng bung xung khác. Đây là nguồn dự trữ “không lưu chuyển”, thiếu “sự linh hoạt” trong nguồn cung ứng tiền, “sự mất cân đối” của các khoản thanh toán quốc tế, hay được ví như tấm màn che ảm đạm khác thuộc chế độ kỹ trị nhằm che đậy một vấn đề thực tế: hệ thống ngân hàng dự trữ vàng cục bộ. Điều then chốt ở đây là thay vì soạn thảo một kế hoạch công phu để góp vốn vào nguồn dự trữ ít ỏi của các ngân hàng quốc gia nhằm trở thành các ngân hàng mang tầm vóc khu vực, thì nó vẫn không hiệu quả. Nguồn bổng lộc vẫn cứng đầu không chịu nhân lên. MORGAN THÀNH CÔNG KHI MỌI NGƯỜI THẤT BẠI Sự mở rộng và co hẹp tiền tệ ở giai đoạn này là những làn sóng lớn làm lật úp hàng ngàn con thuyền đầu tư trên biển lớn. Nhưng, đã có một con tàu lớn mà bằng cách nào đó, đã vọt lên cùng với những con sóng trào để vượt qua phong ba bão tố cứu vớt những con tàu đang trong cảnh khốn cùng. Khi cập bến, con tàu lớn này đã đem theo sự giàu có không thể nào tả nổi mà trước đây là tài sản của những kẻ khác và nay đã thuộc về thuyền trưởng của con tàu cứu vớt theo luật lệ của biển cả. Vị thuyền trưởng đó có tên là J.P Morgan. Chúng ta hãy nhớ lại khoảng thời gian trước đây, khi J.P. Morgan & Co không phải là tay chơi “tép riu” trong ván cờ thế giới được gọi là Thế chiến I. Morgan được chính phủ Anh và Pháp chọn làm đại diện chính thức cho việc bán trái phiếu chiến tranh trên nước Mỹ. Khi cục diện chiến tranh trở nên bất lợi đối với họ, Morgan bắt đầu sử dụng lợi tức của mình để vận động cho Mỹ bước vào cuộc chiến, một bước đi đầy tính toán để cứu các khoản cho vay. Công ty của Morgan cũng là đại diện thương mại chính thức của Anh trên nước Mỹ. Vi phạm hiệp ước quốc tế, công ty Morgan đã lo liêu việc mua bán và vận chuyển các vật dụng chiến tranh đến Anh, trong đó có số lượng đạn dược khổng lồ trên tàu Lusitania khi con tàu này chìm xuống biển cả. Mối quan hệ khăng khít giữa Morgan và nước Anh không phải là ngẫu nhiên. J.P. Morgan-con là lực lượng hậu thuẫn cho Hội đồng Quan hệ Quốc tế, một chi nhánh của Hội kín ở Mỹ được thành lập bởi Cecil Rhodes nhằm mở rộng quyền lực của nước Anh. Sự thật thì Morgan đứng về phía Anh hơn là Mỹ. Căn nguyên của việc này được phát hiện trong nguồn gốc lịch sử của vương triều Morgan. Tất cả được bắt đầu với một thương gia người Mỹ đến từ Danvers, bang Massachusetts, dưới cái tên là George Peabody. Vào năm 1837, Peabody du hành đến Anh như một thương nhân kinh doanh trái phiếu cho tập đoàn Chesapeake và Ohio Canal với hy vọng tìm được các nhà đầu tư Anh tham gia vào dự án kinh doanh thay cho người Mỹ - những người do tình trạng suy thoái kinh tế vào thời điểm đó nên đã không còn hứng thú. Ban đầu, Morgan thường xuyên bị các nhà đầu tư tại Luân Đôn từ chối nhưng rốt cuộc thì sự kiên trì của ông ta cũng được đền đáp. Trong cuốn tiểu sử về Morgan, Stanley Jackson đã nói về Peabody như sau: Khi cuộc khủng hoẵng [tại Mỹ] cuối cùng bắt đầu lắng xuống, ông ta đã kêu gọi sự hợp tác của các ông trùm có máu mặt của trung tâm tài chính và thương mại Luân Đôn, cam đoan với họ rằng Maryland và các bang khác đều vinh dự khi có được trái phiếu từ họ. Một mặt, ông ta tiếp tục đầu tư vào các công ty chứng khoán Mỹ để mua lại hầu hết các thứ được xem là bỏ đi, nhưng cuối cùng, ông ta đã có được một mùa bội thu dồi dào. Ông ta đã tống khứ phần lớn các trái phiếu Chesapeake & Ohio Canal và nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt khi đem về khoản tiền hoa hồng là $60,000 đô-la, được chuyển vào ngân khố “còm cõi” của bang Maryland.[4] Cũng trong suốt chuyến đi này, Peabody đã mở một doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại đường số 22 Phố Old Broad ở Luân Đôn và bắt đầu cung cấp các khoản vay cũng như tín dụng thư cho các nhà xuất nhập khẩu. Điều này đã giúp ông ta bước vào lĩnh vực kinh doanh đầu tư chuyên về các hợp đồng giao dịch giữa Anh và Mỹ. Đây là thời điểm đầy may mắn. Thời điểm bắt đầu giai đoạn phát triển nhanh chóng ở Mỹ, kéo theo nhu cầu khát vốn đầu tư và tình trạng dư thừa các trái phiếu ban hành với mức lãi suất khiến cho người dân mất ăn mất ngủ. Thực chất, mức lãi suất này cao hơn rất nhiều nếu so sánh với mức lãi suất áp dụng tại châu Âu. Công ty của Peabody nằm ở một vị trí đáng chú ý với mưu đồ khai thác thị trường đầy béo bở và tiềm năng này, chính nhờ vậy mà công ty của ông ta phất lên một cách nhanh chóng. Vì không kết hôn và khi tuổi tác dần tăng lên theo năm tháng, Peabody bắt đầu tìm một người có thể thay thế ông ta cai quản việc làm ăn này. Tiêu chuẩn mà ông đặt ra cho vị trí này rất cao. Tiêu chuẩn đầu tiên, nhân vật này phải là người sinh trưởng tại Mỹ để có thể là một đại diện đáng tin cậy cho công việc đầu tư ở Mỹ. Thứ hai, anh ta phải là người gốc Anh và có tình cảm ưu ái đối với nước Anh, bao gồm cả việc anh ta phải là người được giáo dục tốt, với lý lịch tốt để có thể được tầng lớp quý tộc thuộc thế giới tài chính ở Luân Đôn chấp nhận. Thứ ba, anh ta phải có kiến thức về nền tài chính Anh-Mỹ. Và cuối cùng, anh ta phải chiếm được cảm tình của Peabody. NGƯỜI ĐƯỢC PEABODY CHỌN LÀ JUNIUS MORGAN Khi gặp George Peabody ở Luân Đôn tại một bữa tiệc tối vào năm 1850, Junius Morgan - một thương gia đến từ Boston - đã lờ mờ nhận ra rằng nhà tài phiệt tiền bối này có ấn tượng tốt về anh và ngay lập tức đã kín đáo điều tra về thân thế cũng như danh tiếng của Morgan. Đây cũng là lúc bắt đầu giai đoạn mở rộng kinh doanh và các mối giao thiệp xã hội của Morgan và cuối cùng được kết thúc bằng việc Junius cùng gia đình chuyển đến Luân Đôn vào năm 1854 và trở thành đối tác chính thức trong công ty với tên gọi sau này là Peabody, Morgan & Company. Ngoài việc bán trái phiếu tại Anh cho các thương gia đầu tư mạo hiểm người Mỹ và cho chính phủ các bang, đối tác của Peabody từ đây cũng trở thành trưởng đại diện tài chính cho chính phủ Liên bang trong suốt cuộc Nội chiến. Và đây cũng là thời kỳ mà lợi nhuận của công ty được đẩy lên trên đỉnh cao nhất theo mô hình bậc thang của Hiệp hội tài chính Luân Đôn. Vào năm 1864, cuối cùng Peabody cũng nghỉ hưu và trao toàn bộ sự nghiệp cho Junius và sau đó ngay lập tức công ty được đổi tên thành J.S. Morgan & Company. Con trai của Junius, John Pierpont, đã ghi tên vào trường Trung học Anh tại Boston, nhưng trong suốt quãng đời thanh niên của mình, anh ta chìm đắm trong truyền thống nước Anh tại các trường châu Âu. Tuy nhiên, do được sinh ra tại Mỹ nên anh ta trở thành nhân vật lý tưởng thích hợp cho việc thay thế vai trò của nhà tài phiệt Anh-Mỹ đã được Peabody và Junius đảm nhiệm một cách khéo léo trước đây. Chắc chắn rằng cậu bé sẽ được đào tạo về tài chính quốc tế và chuẩn bị thay thế vị trí của cha mình trong tương lai. Năm 1857, bước đầu tiên trong kế hoạch này là tìm một công việc cho anh ta trong một công ty đầu tư của Duncan, Sherman & Company đặt tại New York. Bảy năm sau, Junius đã có được một công ty đối thủ ở New York và đưa con trai mình lên làm đối tác trong công ty Dabney, Morgan & Company, sau này trở thành một chi nhánh tại New York của công ty mẹ Luân Đôn. Vào năm 1871, cùng với việc có thêm đối tác thứ ba - Anthony Drexel đến từ Philadelphia - công ty được đổi tên thành Drexel, Morgan &Com-pany. Vào năm 1895, sau cái chết của Drexel, công ty được đổi tên lần cuối cùng với tên gọi J.P. Morgan& Company. Bên cạnh đó, một chi nhánh tại Paris cũng được gây dựng nên với cái tên Morgan, Harjes & Company. MỸ HÓA CHI NHÁNH TẠI NEW YORK Một vài năm sau cái chết đột ngột của Junius trong một tai nạn xe lửa, Pierpont quyết định thay đổi hình ảnh công ty tại Luân Đôn với mục tiêu Anh hóa các hoạt động của công ty. Điều này cho phép chi nhánh của công ty tại New York - đơn vị đại diện cho phía Mỹ - có hình ảnh của riêng mình. Cùng lúc đó, J.P. Morgan-con - được bạn bè gọi là Jack - lúc này đã được đưa vào công ty như một đối tác và anh ta cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra hình ảnh công ty. Nhà viết tiểu sử John Forbres kể rằng: J.P Morgan-con trở thành đối tác trong Tập đoàn của Morgan & Co. ở Luân Đôn vào ngày 1/1/1898 và hai tuần sau đó, anh ta rời khỏi New York mang theo người vợ Jessie cùng ba con định cư tại Anh trong vòng tám năm. Morgan được điều đến Luân Đôn để thực hiện hai công việc đặc biệt. Việc đầu tiên là học cách điều hành kinh doanh ngân hàng của người Anh theo hệ thống ngân hàng trung ương được cai quản bởi Ngân hàng Anh. Morgan-cha đã tiên đoán về việc thành lập Cục Dự trữ Liên bang tại Mỹ và muốn người có quyền hành trong công ty Morgan biết được hệ thống này làm việc như thế nào. Việc thứ hai là kín đáo thăm dò trung tâm thương nghiệp và tài chính Luân Đôn đồng thời chọn các đối tác người Anh để chuyển đổi công ty J.S. Morgan & Co. dưới quyền sở hữu tư nhân của Morgan-cha thành công ty cổ phần của Anh.[5] Cuối cùng thì kế hoạch này cũng được hoàn thành với sự tiếp sức của Eward Grenfell - một giám đốc thâm niên của Ngân hàng Anh - như một đối tác cấp cao mới của Morgan, Grenfell & Cpompany. Thế nhưng, bề ngoài giả tạo này cũng không thay đổi được thực tế là J.P. Morgan ở New York vẫn còn giữ được định hướng đặc trưng của Anh hơn là Mỹ.[6] Một lý giải bất chợt về những sự kiện trong giai đoạn này đã dẫn đến kết luận rằng Peabody và Morgan là những đối thủ cạnh tranh đáng sợ của Rothchilds. Sự thực là họ thường xuyên hiệp lực đấu thầu chống lại những công ty khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh, và cũng không có gì giả dối khi nói rằng, gần như mỗi một chuyên gia viết tiểu sử đều kể về nỗi sợ hãi của những “tân binh” người Mỹ khi đặt chân đến Luân Đôn trước thế lực hùng mạnh của Rothchilds và cách thức mà họ gây dựng các mối quan hệ có chủ đích, mối quan hệ rốt cuộc cũng trở thành thân tình khi người Mỹ được chấp nhận như thượng khách của tập đoàn Rothchilds. Công ty Morgan liên kết mật thiết với Tập đoàn Rothchilds trong các thương vụ đầu tư liên doanh trên quy mô lớn, nhưng đây thường là thông lệ chung giữa các tập đoàn đầu tư lớn. Tuy nhiên, dưới ánh sáng của các chuỗi sự kiện hợp lý, nó được cho là thích hợp khi xem xét khả năng tiến hành một vụ dàn xếp mà công ty Morgan/ Peabody đã tiến một bước xa hơn và trở thành một chi nhánh bí mật cho Tập đoàn Rothchilds. LIÊN MINH BÍ MẬT VỚI ROTHCHILDS Một số tác giả đưa ra giả thuyết là mối quan hệ bí mật hầu như được bắt đầu ngay từ buổi sơ khai. Ví dụ, Eustace Mullins viết: Ngay sau khi đến Luân Đôn, George Peabody đã rất ngạc nhiên khi nhận được thư mời dự tiệc từ ông trùm Nathan Mayer Rothschild vốn cộc cằn thô lỗ. Không vòng vo, Rothchilds tiết lộ một cách cởi mở cho Peabody biết rằng nhiều người trong tầng lớp quý tộc Luân Đôn không thích Rothschild và từ chối lời mời của ông ta. Ông ta đề nghị Peabody - một nhân vật có phong thái nhã nhặn - trở thành đại diện giao tế của Rothschild. Tất nhiên, Rothschild chi trả toàn bộ mọi kinh phí. Peabody chấp nhận lời đề nghị và không lâu sau đó được biết đến như một nhân vật nổi tiếng tại Luân Đôn. Bữa tiệc tối hàng năm ăn mừng ngày 4/7, được tổ chức để kỷ niệm ngày Quốc khánh Hoa Kỳ, đã trở nên hết sức phổ biến trong tầng lớp quý tộc Anh. Trong khi uống rượu chúc mừng Peabody, nhiều người trong số họ đã đùa nhau về tính thô lỗ và lối cư xử bất lịch sự của Rothschild mà không biết rằng mỗi một giọt rượu họ đang uống đều được trả bằng tiền của Rothschild.[7] Mullins không trích nguồn tham khảo cho câu chuyện này, và không ai hoài nghi về các chi tiết sự việc này được kiểm chứng hay chưa. Tuy nhiên, một cuộc dàn xếp bí mật thuộc loại này không vô lý như những gì mà người ta nghe được. Không có bất cứ một thắc mắc nào cho rằng Rothschild hoàn toàn có khả năng thiết lập mối quan hệ bí mật kiểu như vậy và thật ra, đây chính xác là một mánh khoé lừa bịp khi họ trở nên nổi tiếng. Ngoài ra, có nhiều lý do để họ làm như vậy. Một quan điểm mạnh mẽ chống lại hệ ngôn ngữ Xê-mít và chống lại Rothschild đang dấy lên tại châu Âu và Hoa Kỳ, và gia tộc Rothschild đã phát hiện ra ưu điểm làm việc thông qua các chi nhánh hiệu quả hơn là đàm phán trực tiếp. Derek Wilson kể lại rằng: “Cái tên Rothchilds từ đó bắt đầu được nghe thấy ở những nơi xa xôi hẻo lánh cách biệt với Luân Đôn phồn thịnh và Paris hoa lệ. Nhưng việc kết giao với các chủ ngân hàng lớn đôi khi lại rất mong manh.”[8] Sự kết giao hời hợt này chính xác là một vai trò được August Belmont nhập vai một cách hoàn hảo ở Mỹ, và với chủ nghĩa chống ngôn ngữ Xê-mít đang phổ biến thì không có nghi ngờ gì cho việc anh ta thay đổi họ từ Schoenberg thành Belmont khi đặt chân đến New York vào năm 1837. Trước đó, chi nhánh của Rothschild là công ty J.L và S.I. Joseph & Company nghe có vẻ Mỹ hơn khi được nhắc đến. Tuy nhiên, điều này kéo dài không lâu, và trước khi liên minh Belmont-Rothschild được mọi người biết đến thì thủ đoạn đó đã không còn tác dụng. Vào năm 1848, gia đình Rothschild đã phái Alphonse Rothschild đến Mỹ để kiểm tra các hoạt động kinh doanh của Belmont và xét đến khả năng có thể thay thế vị trí của Belmont với một đại diện trực tiếp từ gia đình Rothschild, có lẽ là Alphonse. Sau thời gian gia hạn chuyến đi Mỹ của mình, Alphonse viết thư về Anh báo cáo: Trong một vài năm trở lại đây, Hoa Kỳ đã lôi cuốn được một phần lớn các thương vụ với Trung Quốc và người da đỏ và do đó nền kinh tế Hoa Kỳ có thể sẽ tỏa sáng giữa hai bờ đại dương… Nước Mỹ đang sở hữu các yếu tô’ phồn thịnh mà chỉ có kẻ mù mới không nhận ra được điều đó… Tôi không do dự khi nói rằng Tập đoàn Rothschild, và không chỉ là với một chi nhánh, phải được thành lập tại Hoa Kỳ… Hôm nay chúng ta đã thấy được một cơ hội tốt. Sau đó, các khó khăn cũng sẽ chất chồng như một quy luật tất yếu được xem là kết quả cạnh tranh từ nhiều mặt.[9] Một số các nhà sử học biểu lộ sự ngạc nhiên thích thú đối với sự thật là kế hoạch sẽ không bao giờ được thực thi. Wilson nói rằng: “Đây quả là cơ hội tốt nhất mà Tập đoàn Rothschild bỏ lỡ.”[10] Những người có xu hướng hoài nghi cũng tự hỏi cơ hội này có thật sự bị bỏ lỡ hay không hay chỉ đơn thuần xảy ra không đúng thời điểm? Điều đáng kể ở đây là, chính xác vào thời điểm này, George Peabody đã tạo được tên tuổi ở Luân Đôn và đã thiết lập được mối quan hệ mật thiết với Nathan Rothschild. Liệu công ty Peabody có thể nhận được cái gật đầu từ tập đoàn Rothschild để đại diện cho họ ở Hoa Kỳ? Và liệu kế hoạch bao gồm việc cho phép Belmont hoạt động như một trung gian được biết đến của Rothschild trong khi lại sử dụng công ty Peabody & Company như một chi nhánh bí mật, do đó, lại đưa ra sự cạnh tranh của riêng mình? John Moody trả lời: “Gia tộc Rothchilds có ý định duy trì đồng minh thân thiết với Morgan hơn là xem như một đối thủ trên thị trường Mỹ.”[11] Gabriel Kolsko nói: “Các hoạt động của Morgan vào năm 1895-1896 trong việc bán các trái phiếu vàng tại châu Âu đều dựa trên liên minh của ông ta với gia tộc Rothschild.”[12] Sereno Pratt nói: “Những tập đoàn này, như JP Morgan & Company … đại diện cho các công ty và các tổ chức lớn của châu Âu tại đây, chỉ có August Belmont & Company là đại diện lâu dài cho Tập đoàn Rothschild.”[13] George Wheeler lại viết: “Một phần thực trạng ngày nay là do sự hồi sinh xấu xa của những thành phần chống chủ nghĩa Xê-mít… cần có một ai đó làm vỏ bọc. Ai có thể làm tốt hơn J. Pierpont Morgan - phiên bản của một công dân theo đạo Tin lành đáng tin cậy của chủ nghĩa tư bản có khả năng đưa dòng họ của anh ta trở về lại thời kỳ tiền Cách Mạng?”[14] SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG HỌ MORGAN Cùng với những cân nhắc trên như một nền tảng, sự trỗi dậy của gia tộc Morgan được ví như ngôi sao băng trên bầu trời Luân Đôn và Phố Wall là chuyện có thể dễ dàng hiểu được. Không có gì ngạc nhiên khi Peabody & Company là công ty đầu tư duy nhất của Mỹ nhận được một khoản vay kếch sù từ Ngân hàng Anh trong suốt thời kỳ khủng hoảng của Mỹ năm 1857, một khoản vay không chỉ cứu công ty khỏi bị nhấn chìm, mà còn có thể chộp được và cứu vớt các con thuyền khác đang tròng trành sắp sửa lật úp trên Phố Wall. Peabody đã trở nên năng động hơn trong việc kinh doanh các giao dịch thanh toán chiết khấu - điều được coi là ngôn ngữ của lĩnh vực ngân hàng cho việc bảo đảm các khoản vay mang tính chất thương mại được ban hành trong các cuộc mua bán trao đổi hàng hóa. Đây là cách thức hoạt động của ngân hàng: người bán đưa ra một hóa đơn với quy định rằng anh ta phải được thanh toán vào một ngày ấn định trong tương lai, thường là 90 ngày. Khi bên mua nhận hóa đơn, ngân hàng của anh ta sẽ viết chữ “chấp thuận” ngang qua bề mặt hóa đơn và bổ sung vào chữ ký của nhân viên ngân hàng, làm thành một hợp đồng ràng buộc hợp pháp. Nói cách khác, ngân hàng trở thành người đồng ký tên trên khoản nợ của bên mua và bảo đảm việc thanh toán ngay cả khi bên mua bị vỡ nợ. Thường thì có một khoản phí bảo đảm. Khoản phí này được ấn định theo phần trăm của toàn bộ giấy nợ và được ghi kèm vào số lượng tiền bên mua phải trả hay được khấu trừ từ số lượng tiền mà bên bán nhận được. Thật ra có một loại phí được thanh toán khi cả hai đều kết thúc giao dịch, một cho ngân hàng của bên bán khi nhận được giấy chấp thuận và trả tiền, và một cho ngân hàng phát hành thừa nhận khả năng thanh toán bảo đảm. Việc mua bán được cho là được “đã khấu trừ” theo số lượng tiền trả cho bên ngân hàng. Và vì thế mà Peabody và Company linh hoạt trong việc kinh doanh các thư chấp thuận khấu trừ, chủ yếu giữa bên bán ở Anh và bên mua ở Mỹ. MORGAN VÀ CUỘC KHỦNG HOẢNG NĂM 1857 Vào thời kỳ khủng hoảng tại Phố Wall năm 1857, nhiều người Mỹ không đủ khả năng chi trả các hóa đơn của mình, và cả Peabody lẫn Morgan đều được mong đợi sẽ thực hiện tốt vai trò người bảo lãnh của mình, về cơ bản, họ không có tiền và công ty chắc chắn phải đối mặt với việc phá sản trừ phi tiền được để ở đâu đó. Stanley Jackson đã mô tả chi tiết như sau: Cuộc khủng hoảng được xem là thời kỳ thảm khốc đối với Peabody & Co. Bỗng nhiên, công ty phát hiện ra mình đã tận tâm với hóa đơn thanh toán trị giá 2 triệu đô-la mà không hi vọng thanh toán hết thậm chí chỉ một phần của các trái phiếu mất giá chất đống của các tay môi giới và các chủ ngân hàng tại New York, chính bản thân họ hiện cũng liều mạng bỏ qua các khoản tiền có sẵn. Công ty ngay lập tức phải chi trả hàng ngàn bảng mỗi ngày: Không tăng thêm các khoản vay lớn tạm thời, các đối tác ngân hàng buộc phải đình chỉ công việc kinh doanh.[15] Trong cuốn “Gia tộc Morgan” (The House of Morgan), Ron Chernow đã nói: “Những lời đồn đại bay đến Luân Đôn cho thấy rằng, George Peabody & Company sắp bị phá sản, một viễn cảnh khiến các đối thủ mong đợi và lấy làm thích thú… Trụ sở chính tại Luân Đôn thông báo với Morgan rằng họ sẽ cứu công ty thoát khỏi tình cảnh túng quẫn - với điều kiện nếu như Peabody đóng cửa ngân hàng trong vòng một năm.”[16] Jackson tiếp tục tường thuật lại: Những đám mây “phá sản” đột ngột tan đi khi Ngân hàng Anh thông báo cho Peabody vay một khoản tiền trị giá 800,000 bảng với mức lãi suất hợp lý kèm theo lời cam kết rằng trong tương lai sẽ trợ cấp nguồn vốn lên đến 1 triệu bảng Anh khi cần. Đây quả thật là một phiếu bầu đáng giá về niềm tin cho Thomas Hankey (chủ tịch Ngân hàng Anh) khi ông từ chối những lời kêu gọi tương tự từ phía các công ty khác nhau của Mỹ vì họ không đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra… Peabody & Company đã khôi phục lại chỉ sau một đêm và thực sự đã nâng doanh thu của mình lên trên cả mức trước khi xảy ra cơn khủng hoảng.[17] Có được nguồn cung cấp không giới hạn về tiền mặt và các khoản váy tín dụng dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Anh, Peabody và Morgan có thể lội qua vũng nước lầy của thời kỳ suy thoái cổ phiếu và trái phiếu và mua lại chúng với giá rẻ mạt tại Phố Wall. Chỉ trong vòng vài năm sau, khi bối cảnh thị trường Mỹ dần khôi phục lại bộ dạng “tỉnh táo” ban đầu, nguồn tài sản của công ty đã tăng lên với mức độ kinh hoàng.[18] Sự kiện này cho chúng ta thấy lợi ích to lớn của các mối giao thiệp. Nếu thực sự muốn trở thành đối thủ với Peabody và Morgan trên thương trường, gia tộc Rothschild có thể chộp ngay cơ hội này và sử dụng sức ảnh hưởng lớn của họ trong Ngân hàng Anh và các tập đoàn đầu tư khác ở Luân Đôn để bóp nghẹt Peabody, chứ không phải hỗ trợ cho ông ta. Nói một cách cụ thể, gia tộc Barrings cũng đã từng thử thực hiện theo đúng như vậy. Gia tộc Rothschild buộc phải tin rằng công ty phát đạt của Peabody cuối cùng cũng nằm trong mối quan tâm hàng đầu của họ. LỢI ÍCH TỪ CHỦ NGHĨA CHỐNG XÊ-MÍT Trong những năm sau đó, Jack Morgan-con thừa nhận vai trò vững chắc của chủ nghĩa chống Xê-mít, và không nghi ngờ gì khi phong trào này củng cố thực lực của mình bằng cách bắt tay với các nhà đầu tư và các con nợ người Mỹ đang miễn cưỡng hợp tác với các chủ ngân hàng Do Thái. Tất nhiên, điều đó cũng liên quan đến các quan chức trong Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Trong suốt năm 1896, việc bắt tay này đặc biệt hữu ích trong việc cứu chính phủ liên bang thoát khỏi sự suy giảm lượng vàng dự trữ. Lo sợ chính phủ không thể bảo đảm việc quy đổi tiền giấy thành đồng tiền vàng, các ngân hàng đã phải ép chính phủ vay một lượng vàng trị giá 62 triệu đô-la. Tập đoàn Rothschild hiển nhiên trở thành nguồn vay của chính phủ, nhưng Bộ Tài chính lại muốn tránh sự phản ứng dữ dội của phong trào chống Xê-mít. Tuy nhiên, tất cả mọi thứ đều đã có sự sắp xếp, khi Morgan & Company trở thành chủ cho vay chính, còn Rothschild tự hạ xuống chỉ đứng ở vai trò người tham gia. Wheeler viết: Các nhà chính trị xuất chúng của khu vực hành chính Cleveland … lo ngại về mối nguy hiểm cố hữu trong việc phát huy nỗ lực cứu vớt Bộ Tài chính Hoa Kỳ với sự tài trợ từ những nguyên mẫu “tài phiệt Do Thái quốc tế”, gia tộc Rothschild… Trong suốt những giai đoạn phát triển này, Pierpont Morgan đã không nhắm thẳng vào nỗ lực cứu vớt. Vấn đề là liệu một nhà tài phiệt dần bước vào tuổi xế chiều - ông ta sẽ tròn 58 tuổi trong vòng hai tháng nữa - có phải đơn thuần chỉ là một giữa hàng vạn người trong cuộc chiến này và liệu bất kể các vụ dàn xếp trái phiếu tiếp sau đó có là cần thiết hay không. Dường như ông ta đang chuẩn bị bước vào tuổi già và có nguy cơ viết cáo phó hơn là mạo hiểm cố gắng đầu cơ trục lợi trong việc buôn bán súng trường khi cuộc Nội chiến bắt đầu. Cú bắn trượt đích không mấy quan trọng này của Liên bang trong việc buôn vàng hướng đến một sự chuyển động khép kín, táo bạo nhưng không thành công trên quy mô lớn trong những năm 80 với mục đích áp đặt các nhà đầu tư phương Đông ngừng khai hỏa trên các tuyến đường sắt quốc gia. Nhưng đó là những bước đi đưa anh ta ra khỏi vùng nước xoáy tài chính - và không phải tự một mình Pierpont có thể đi được những bước đi như vậy. Đề nghị đầu tiên đưa anh ta vào vai trò người khôi phục lại Cục Dự trữ khởi nguồn từ chi nhánh Ngân hàng Anh của gia tộc Rothschild.[19] Chủ nghĩa chống Xê-mít công khai của J.P. Morgan-con một lần nữa đạt được lợi ích sung mãn trong suốt Thế chiến I, khi nó được công khai hóa rộng rãi rằng Kaiser được các chủ ngân hàng người Đức gốc Do Thái hậu thuẫn. Do đó, để đàm phán với Tập đoàn Morgan, họ đã chống đối Kuhn Loeb, hầu như chỉ để bày tỏ quan điểm yêu nước trong một vài trường hợp. Khi J.P. Morgan-cha giã từ cuộc sống vào năm 1913, mọi người đều bàng hoàng khi biết được rằng di sản của ông ta được đánh giá chỉ có 68 triệu đô-la, một con số không đáng kể khi so với khối tài sản kếch sù của Vanderbilts, Astors và Rockefellers. Thậm chí, người đời còn không thể hình dung được vì sao tài sản của Jack Morgan sau khi chết vào năm 1943 chỉ có giá trị 16 triệu đô-la. Một con số nhỏ bé được trao lại cho các thành viên trong gia đình trước khi chết, nhưng đó là không tính đến khoản gia tài rất lớn mà họ điều hành một cách công khai trong suốt cuộc đời của mình. Chắc chắn rằng, một trò ảo thuật kế toán nào đó đã được diễn ra. Nói cách khác, đó có thể là sự thật. Khi từ giã cõi đời vào năm 1905 tại Paris, Alphonse Rothschild để lại khối tài sản trị giá 60 triệu đô-la tại các công ty bảo hiểm của Mỹ. Gia tộc Rothschild tại Anh đã tổ chức thành một khối hùng mạnh. Hơn nữa, nhiều công ty bảo hiểm dạng này thịnh vượng được là nhờ “ăn theo” Tập đoàn Morgan.[20] Điều hiển nhiên là phần lớn tài sản và quyền lực của Tập đoàn Morgan lại chính là tài sản và quyền lực của Rothschild, người đã khai mở nền tài chính từ buổi sơ khai và cũng chính là người duy trì được sự tồn tại của nó qua suốt các thời kỳ. Vậy, tính xác thực về sự công khai chống chủ nghĩa Xê-mít của Morgan là bao nhiêu? Và chiêu bài thực dụng trong phân tích tài chính với tầm quan trọng không đáng kể có được bao nhiêu khả năng? Chúng ta không thể đưa ra tầm quan trọng không có cơ sở cho điều này. Bất chấp sự diễn giải của ai đó về thực chất mối quan hệ giữa Tập đoàn Morgan và Rothschild, chúng ta có thể nhận thấy rằng, sự thật còn lại vẫn là nó đã, đang và vẫn làm lợi cho cả hai bên. Nếu thực sự nuôi dưỡng quan điểm chống chủ nghĩa Xê-mít, cả Morgan và Rothschild đều không cho phép những người theo chủ nghĩa Xê-mít xen vào việc kinh doanh của họ. Để kết nối Luân Đôn vào một viễn cảnh phồn vinh thích hợp, một lần nữa, điều cần thiết là phải bỏ qua một chuỗi các sự kiện được sắp xếp chặt chẽ theo thứ tự thời gian và chuyển sang năm 1924. Vì thế, hãy thử nhập vai một vài phút trước khi diễn lại vở kịch tạo lập Cục Dự trữ Liên bang, và chúng ta sẽ bắt được mạch câu chuyện của 11 năm sau khi sự kiện đó diễn ra. NƯỚC ANH ĐỐI MẶT VỚI TÌNH THẾ TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN Vào cuối Thế chiến I, nước Anh phải đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan về kinh tế. Anh là nước từ bỏ bản vị vàng sớm trong chiến tranh nhằm xóa bỏ tất cả các giới hạn từ việc tạo ra tiền giấy, và kết quả là đã gây nên lạm phát. Nhưng hiện tại họ muốn lấy lại vị trí hùng mạnh trước đây cũng như ưu thế của mình trên thị trường tài chính thế giới và quyết định rằng để hoàn thành việc này, điều cần thiết là phải hoàn trả lại bản vị vàng. Ngoài ra Anh còn quyết định lập nên giá trị quy đổi cho đồng bảng Anh (đơn vị tiền tệ của Anh) chính xác tại mức 4,86 đô-la khi quy đổi với mức tiền tệ của Mỹ, tức là tương đương với mức trước khi xảy ra chiến tranh. Việc cho rằng nước Anh muốn hoàn trả lại bản vị vàng thực chất chỉ là một sự lừa dối. Đó không phải là bản vị nguyên thủy, trong đó mỗi đơn vị tiền tệ được bảo đảm bằng một số lượng vàng nhất định. Hơn nữa, đó là bản vị vàng cục bộ mà theo đó, chỉ có một phần nhất định của tất cả các đơn vị tiền tệ được bảo đảm bằng vàng. Nhưng thậm chí, bản vị vàng cục bộ được coi là quá nhiều để cân nhắc đối với việc không có sự đảm bảo bằng vàng vì ba nguyên nhân. Thứ nhất, nó tạo ra niềm tin mạnh mẽ đối với hệ thống tiền tệ do sự cam kết ẩn ý rằng chính phủ sẽ đền bù tất cả tiền tệ bằng vàng - mặc dù những lời cam kết như thế này luôn bị phá vỡ khi dựa trên chế độ dự trữ vàng cục bộ.[21] Thứ hai, nó cung cấp các cách thức hiệu quả trong việc tạo ra các bản kê khai tài chính giữa các quốc gia, vàng luôn là sự lựa chọn mang tầm quốc tế. Thứ ba, nó áp dụng một vài hành động kìm hãm việc sản xuất ra tiền pháp định, và do đó có thể tạo ra mức kiềm chế lạm phát nhất định và chu kỳ tuần hoàn của sự bùng nổ cũng như sụp đổ kinh tế. Như vậy, quyết định hoàn trả lại thành bản vị vàng cục bộ cho dù bản vị vàng vẫn còn gây nhiều hứng thú vẫn được coi là một bước đi đúng hướng. Nhưng có hai vấn đề quan trọng nảy sinh trong kế hoạch, vấn đề thứ nhất là giá trị hối đoái của vàng có thể không bao giờ được nghị định chính phủ thông qua. Giá trị hối đoái luôn được xác định bởi các tác động tương hỗ của cung và cầu trên thị trường. Việc thử ấn định con số đô-la mà mọi người muốn quy đổi đối với đồng bảng Anh cũng giống như việc thử lập ra quy định bao nhiêu thẻ bóng chày mà một học sinh cần có cho một viên đá mã não màu tím. Thị trường tiền tệ quốc tế giống như một buổi đấu thầu vĩ đại. Nếu người bỏ thầu đặt giá thầu ban đầu quá cao thì sẽ không có người thầu - điều này cũng được cho là ví dụ chính xác đối với đồng bảng Anh. Một vấn đề khác nữa là, trong suốt thời kỳ diễn ra chiến tranh, nước Anh đã tài trợ cho hàng loạt chương trình phúc lợi xã hội và một mạng lưới dồi dào các hiệp hội lao động. Nguyên nhân làm cho điều này trở thành một bài toán nan giải chính là: cách duy nhất để đồng bảng Anh được chấp nhận trong giao thương quốc tế là cho phép giá trị của nó rớt xuống mức cạnh tranh thực tế, và điều đó không chỉ gây nên sự sụt giảm mạnh mẽ trong các lợi ích phúc lợi mà còn là tình trạng giảm giá chung - bao gồm mức giá lao động thường được gọi là tiền công. Các chính trị gia sẵn lòng cho phép giá trị hàng hóa giảm xuống, nhưng họ không có can đảm để đưa ra các hành động tiết giảm một trong hai khoản phúc lợi xã hội và giá trị hàng hóa. Ngược lại, họ tiếp tục đấu thầu với cam kết sẽ có nhiều chương trình xã hội và các khoản tín dụng có lãi suất thấp trong khi giá cả thì vẫn cứ tiếp tục tăng. TÌNH TRẠNG ĐÌNH TRỆ Ở NƯỚC ANH Với giá trị đồng bảng Anh được lập ra ở mức cao một cách giả tạo nhằm chống đỡ cho mức giá cả, tiền công và các mức lợi nhuận, chi phí xuất khẩu ở Anh cũng tăng lên cao, có nghĩa rằng đồng bảng Anh đang mất đi tính cạnh tranh trên thị trường thế giới. Cùng với sự suy sụp của ngành xuất khẩu, số lượng tiền chảy vào nước Anh cũng dần cạn kiệt. Nước Anh trở thành con nợ quốc gia bởi các khoản thanh toán mà Anh chi cho các nước khác đã lớn hơn cả nguồn thu nhập mà Anh có được từ những quốc gia này. Nguồn thu của Anh không đủ để bù chi. Như đã được nói đến ở Chương 5, nếu mức tiêu của một cá nhân cao hơn khoản tiền mà anh ta kiếm được thì hoặc là anh ta phải tăng thêm nguồn thu nhập của mình, cố gắng tiết kiệm ở mức tối đa, bán đổ bán tháo tài sản, giả mạo, hoặc là vay mượn. Đối với một quốc gia cũng vậy, Anh đã vay mượn hết biên độ giới hạn nguồn tín dụng của mình và nhanh chóng lâm vào tình trạng cạn kiệt nguồn dự trữ trong nỗ lực thông thương hàng hóa với nước ngoài để kéo dài mức sống cao quen thuộc của quốc gia. Anh không thể gian lận vì các khoản thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu đều dựa trên vàng, có nghĩa khi nguồn dự trữ của nước Anh sạch nhẵn thì vàng của nước Anh cũng theo đó mà bốc hơi. Đó là điều chắc chắn. Nếu cứ tiếp tục như vậy, đất nước sẽ bị phá sản. Đây là một tình huống song hành đáng kinh ngạc cùng với những gì đã tạo thành nạn dịch tại Mỹ từ cuối Thế chiến II, và thường là có cùng một nguyên nhân. Vào tháng Ba năm 1919, việc giao thương ở Anh bị đình trệ nghiêm trọng, Anh không có chọn lựa nào khác ngoài việc thả nổi đồng bảng Anh, tương đương với việc tìm kiếm mức giá trị thật của nó đáp lại lượng cung cầu của xã hội. Trong vòng một năm, đồng bảng Anh rớt xuống $3,21, mất 34%. Từ khi đồng đô-la Mỹ trở thành tiêu chuẩn tiền tệ thế giới trên thực tế, việc đồng đô-la Mỹ trở nên có giá so với mỗi đồng bảng Anh đồng nghĩa với việc đồng bảng Anh rớt giá trên thị trường thế giới. Kết quả là mức giá mà người Anh phải trả cho hàng hóa nhập khẩu lại cao hơn trong khi mức giá mà Anh nhận được khi xuất khẩu hàng hóa lại ít hơn. Nền kinh tế Anh không chỉ xanh xao vàng vọt một cách thảm não mà còn phải trải qua tàn tích tiền tệ từ nạn lạm phát trên phạm vi rộng lớn của Thế chiến I. Nói cách khác, nó đang phải chịu đựng một nỗi đau đớn nhưng cũng giống như việc trải qua một cuộc chạy đua dài, nó sẽ hồi phục lại một cách khoẻ mạnh và trở về với thực trạng ban đầu. Hiện thực này thật quá sức chịu đựng đối với các nhà nghiên cứu tiền tệ và chính trị, những người được chỉ định phải tìm ra một phương thuốc giảm đau nhanh chóng để tiếp tục lại các cuộc “chè chén say sưa” trứơc đây. Rất nhiều biện pháp trị liệu khẩn cấp được thực hiện. Biện pháp đầu tiên là dùng tiếng nói của Liên đoàn Uỷ ban Tài chính các Quốc gia (châu Âu) - dưới sự cai quản của nước Anh - để yêu cầu tất cả các quốc gia châu Âu khác phải tuân theo các chính sách tiền tệ lạm phát. Họ cũng yêu cầu thiết lập cái gọi là “tiêu chuẩn quy đổi vàng”, một kế hoạch mà tất cả các quốc gia đều phải dựa trên tiền tệ do họ đặt ra, không phải đối với vàng, mà đối với đồng bảng Anh. Với cách này, họ có thể cùng nhau tăng thêm lượng tiền lưu hành khiến giá cả tăng vọt mà không cần phá vỡ dòng chảy của vàng từ quốc gia này sang quốc gia khác, và trong quy trình hệ thống này, Anh sẽ đóng vai trò như một người điều chỉnh và bảo đảm cho sự vận hành của hệ thống. Nói cách khác, Anh đã sử dụng thế lực của mình trong Liên đoàn ủy ban Tài chính các quốc gia châu Âu để thiết lập nên Ngân hàng Anh và xem đó như là ngân hàng trung ương đầu não cho tất cả các ngân hàng trung ương khác ở châu Âu. Đây được xem như một nguyên mẫu cho những gì mà Đám bè đảng hiện giờ đang áp dụng với Cục Dự trữ Liên bang và Ngân hàng Thế giới trong cơ cấu tổ chức của Liên Hợp quốc. VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN SỰ PHỒN VINH CỦA HOA KỲ Châu Âu đã có được sự phồn vinh trong tay, trong khi Mỹ vẫn phải nằm trong tầm kiểm soát của lục địa này. Mỹ cũng gây ra lạm phát trong suốt chiến tranh nhưng hầu như không nhiều lắm. Mỹ cũng có bản vị vàng cục bộ, nhưng kho dự trữ vàng thì rất lớn và vẫn đang được nhân lên. Chỉ cần Mỹ tiếp tục tồn tại như một nhà sản xuất của nhiều mặt hàng thương mại thì Anh còn cần phải nhập khẩu, và chừng nào giá trị đồng đô-la tiếp tục tăng cao, chừng đó triệu chứng “xanh xao vàng vọt” của đồng bảng Anh sẽ vẫn còn tiếp tục.[22] Phương pháp trị liệu được chọn cho vấn đề này vô cùng đơn giản. Đó là thực hiện việc rót tiền từ một bệnh nhân khỏe mạnh sang một bệnh nhân đau yếu. Tất cả những gì mà các nhà tài phiệt Luân Đôn phải làm chính là tìm ra một “mẫu thử nghiệm” cường tráng và to lớn, không cần phải biết quá nhiều thông tin nhưng vẫn sẵn lòng chấp nhận làm kẻ hiến máu. Tất nhiên “loại hình mẫu” ấy đã được chọn, đó chính là Mỹ. Đây quả là một nguyên mẫu cho cơ chế chuyển nhượng theo như mô tả trước đây và được xem là công cụ duy trì sự sống của các quốc gia suy tàn còn sót lại từ Thế chiến II. Sinh huyết của một quốc gia có thể chảy ra ngoài theo nhiều cách, trong đó, phương cách trực tiếp nhất tất nhiên là việc tạo nên một món quà công khai, như là một phương thức kỳ lạ của người Mỹ có tên gọi “nguồn trợ cấp nước ngoài”. Một phương cách khác là tạo nên một món quà được ngụy trang cẩn thận, chẳng hạn như một lực lượng quân đội không cần thiết được bố trí ở nước ngoài với mục đích duy nhất là giúp đỡ nền kinh tế ở nước ngoài, hay cho một chính phủ nước ngoài vay tiền với mức lãi suất thấp hơn mức thị trường - hoặc tệ hơn nữa là không mong đợi khoản vay ấy được hoàn trả. Nhưng cách thứ ba được xem là cách mưu trí nhất trong tất cả các cách trên: để một quốc gia lạm phát tiền tệ một cách tự do với mức lạm phát lớn hơn các quốc gia khác, vì thế, về mặt trao đổi thương mại quốc tế, nguồn lực buôn bán thực sự sẽ chuyển từ quốc gia có mức lạm phát cao đến quốc gia có mức lạm phát thấp. Đây là một phương cách thực sự đáng giá đối với các nhà nghiên cứu tiền tệ. Nó tinh vi và phức tạp đến nỗi không ai có thể nghĩ đến, lại càng không có cơ hội để phản đối. Do đó, đây cũng chính là phương pháp lý tưởng được Mỹ chọn để tài trợ cho Anh vào năm 1925. Giáo sư Rothbard nhận định: Nói ngắn gọn, người dân Hoa Kỳ chính thức được đề nghị chịu đựng gánh nặng lạm phát và sụp đổ tiếp sau (vụ sụp đổ năm 1929) nhằm duy trì chính phủ Anh và hoạt động của Liên hiệp Thương mại Anh theo đường lối bảo thủ mà họ khăng khăng giữ vững.[23] Vào thời kỳ đầu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ xuất hiện một cuộc đấu tranh chớp nhoáng về quyền lực nhưng chỉ trong vòng một vài năm, cuộc thi đã chọn ra được người thắng cuộc - đó chính là Benjamin Strong - chủ tịch Ngân hàng New York. Trước đây, Strong là chủ tịch của Bankers Trust Company trực thuộc Tập đoàn Morgan và là một trong bảy thành viên tham gia cuộc họp bí mật tại đảo Jekyll. Giáo sư Quigley nhắc nhở chúng ta rằng “Strong nợ ngân hàng Morgan sự nghiệp của mình … Ông ta trở thành chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang tại New York như một ‘cầu nối’ của Morgan và Kuhn, Loeb & Co.” Strong là lựa chọn lý tưởng cho các hành động phối hợp chung. Đặc biệt, ông ta coi trọng sự liên minh với các thế lực tài chính Luân Đôn. Khi Montagu Norman được chọn làm Chủ tịch Ngân hàng Anh năm 1920 thì đây cũng là lúc bắt đầu mối quan hệ riêng tư khăng khít giữa hai chủ ngân hàng trung ương và kéo dài cho đến khi Strong đột ngột tử vong vào năm 1928. Mọi người cho rằng Norman là người lập dị, nếu không cũng là mất cân bằng về tinh thần. Quigley nói: Norman là một người đàn ông kỳ lạ với trạng thái tinh thần được xem là một trong những chứng cuồng loạn bị kìm nén một cách hoàn hảo hay thậm chí có thể xem như bệnh hoang tưởng. Ông ta không giúp ích gì cho chính phủ và bày tỏ sự khiếp sợ chế độ dân chủ. Đối với ông ta, dường như cả hai điều trên đều đe dọa ngành ngân hàng tư hữu, đến mức tất cả những suy nghĩ đó trở nên thích đáng và quý giá trong đời sống con người… Khi xây dựng lại Ngân hàng Anh, ông ta đã cho dựng nó như một pháo đài phòng thủ chống lại các cuộc nổi loạn của dân chúng, với nguồn dự trữ vàng bất khả xâm phạm được cất giấu trong hầm sâu đặt dưới mực nước ngầm và chỉ được lấy ra qua một hệ thống nút bấm trên bàn của chủ tịch. Norman đã dành nhiều thời gian trong đời mình để xông vào thế giới bằng con tàu hơi nước tốc độ 10,000 dặm mỗi năm, thường xuyên bí mật du hành và giấu mình trong chiếc mũ đen bẻ cong vành với áo choàng đen dài, dưới cái tên được mọi người biết đến “Giáo sư Skinner”… Norman có một đồng nghiệp tận tụy là Benjamin Strong…Vào những năm 1920, họ được chỉ định sử dụng thực lực tài chính của Anh và Mỹ để thúc đẩy tất cả các quốc gia trọng yếu trên thế giới tiếp tục chế độ bản vị vàng (với một giá trị giả tạo được đặt ra nhằm kiếm lợi cho nước Anh) và điều hành nó thông qua các ngân hàng trung ương không bị chi phối bởi các thế lực chính trị, cùng với tất cả các thắc mắc về ngành tài chính quốc tế được thiết lập dưới sự thỏa thuận của các ngân hàng trung ương này nhưng không có sự can thiệp của chính phủ.[25] Strong và Norman đã trải qua nhiều kỳ nghỉ cùng nhau, đôi khi ở Bar Harbor, Maine, nhưng thường là ở miền nam nước Pháp, và họ đã vượt qua bờ biển Đại Tây Dương cả ngàn lần để tư vấn cho nhau về các kế hoạch kiểm soát nền kinh tế thế giới. Lester Chandler nói rằng: “Sự hợp tác lâu dài và thường xuyên của họ tạo nên mối quan hệ khăng khít đến nỗi chúng ta vẫn không thể nào xác định chính xác vai trò tương quan của họ trong việc phát triển các ý tưởng và mở rộng các dự án mà họ cùng thực hiện.”[26] Ngân hàng Anh đã thiết kế cho Strong một văn phòng cùng một thư ký riêng trong suốt chuyến đi của ông ta, hai người đàn ông giữ liên lạc mật thiết với nhau qua đường cáp riêng được thay đổi một tuần một lần. Tất cả các cuộc họp và thông cáo đều được giữ bí mật tuyệt đối. Khi các chuyến đi “như cơm bữa” của họ bị báo chí phát hiện và phỏng vấn, câu trả lời chung chung cửa miệng của họ chính là “chúng tôi gặp nhau để trao đổi các vấn đề thông thường hay giải trí cùng nhau với tư cách bạn bè.” Năm 1926, các chủ ngân hàng trung ương tại Pháp và Đức đều được mời đến tham dự một buổi họp, mà theo nhà viết tiểu sử về Norman cho biết, “cuộc họp này được cho là tối mật nhất từ trước đến nay được triệu tập bởi Royal Arch Mason hay Rosicrucian Order “[27] CUỘC HỌP KÍN NĂM 1927 Cao trào của các vấn đề thảo luận đặt ra trong cuộc họp kín năm 1927 xoay quanh việc nhất trí nguồn sinh huyết tài chính của nước Mỹ sẽ được kiểm soát để rót vào nền tài chính của Anh. Gailbraith mô tả lại bối cảnh lúc đó: Vào ngày 1/7/1927, con tàu Mauritania cập bến New York cùng với hai hành khách danh tiếng là Montagu Norman, chủ tịch Ngân hàng Anh và Hjalmar Schacht, Chủ tịch Ngân hàng Đức Reischbank… Chuyến đi này được giữ bí mật hoàn toàn, không hề phô trương. Danh tính của các nhà tài phiệt ngân hàng xuất hiện trên bảng danh sách hành khách. Và cũng không có một ai trong số họ gặp gỡ với báo giới suốt chuyến đi…. Tại New York, hai người này đã được Charles Rist, Phó chủ tịch Ngân hàng Pháp mời tham gia vào hội nghị cùng với Benjamin Strong, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York… Nguồn gốc của các cuộc thảo luận quan trọng này là vị trí dự trữ yếu ớt dai dẳng của Ngân hàng Anh. Theo suy nghĩ của các nhà tài phiệt ngân hàng, điều này sẽ trở nên hữu ích nếu Cục Dự trữ Liên bang giảm lãi suất và khuyến khích việc cho vay. Những người giữ vàng trong tay sẽ có được doanh thu cao hơn từ việc gửi tiền vàng của họ tại Luân Đôn. Và, tại thời điểm đó, giá cả cao hơn ở Mỹ sẽ làm cho vị thế cạnh tranh của nền công nghiệp và lao động Anh dịu đi.[28] Sự mềm mỏng trong lời nói của Gailbraith cốt làm dịu đi hiện thực khắc nghiệt thời bấy giờ. Những gì ông ta đề cập đến chính là mục đích của cuộc họp về việc hoàn thành bản kế hoạch mà nhờ đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang sẽ tự do tạo ra lạm phát tại Mỹ, đồng nghĩa với việc giá cả tăng cao, tính cạnh tranh của hàng hóa Mỹ trên thị trường thế giới giảm xuống khiến cho vàng của Mỹ chảy vào túi của Ngân hàng Anh. Chủ tịch Strong cần có thêm một chút thuyết phục. Rõ ràng là những gì ông ta và Norman bàn tính đã được thực hiện đúng lộ trình và trên thực tế, ông ta đã bắt đầu thực hiện kế hoạch này từ trước. Mục đích của ông ta khi mời Ngân hàng Pháp và Đức vào cuộc chính là nhằm có được sự nhất trí của họ trong việc tạo ra lạm phát ở các nước này. Schacht và Rist không tham gia vào kế hoạch này và rời cuộc họp sớm, để mặc Strong và Norman tiến hành các chi tiết cuối cùng. Strong quan tâm nhiều đến tài sản của Anh hơn là Mỹ. Trong một lá thư viết cho Bộ trưởng Tài chính Andrew Mellon vào tháng Năm 1924, ông ta đề cập đến sự cấp thiết trong việc giảm mức lãi suất của Mỹ như là một bước tiến hướng đến việc mở rộng tiền tệ cùng với mục tiêu tăng giá đồng tiền Mỹ có liên quan đến những vấn đề này tại Anh. Ông ta biết rõ mục tiêu chính là để bảo vệ nước Anh thoát khỏi tình trạng cắt giảm lương bổng, lợi nhuận và phúc lợi. Ông ta còn cho biết: Tại thời điểm hiện tại, chắc chắn rằng giá hàng hóa của Anh được giao dịch ở quy mô quốc tế cũng như nội địa đều cao hơn mức giá của chúng ta 10%, và một trong những biện pháp sơ bộ cho việc thiết lập lại hình thức chi trả vàng của nước Anh sẽ được dần điều chỉnh lại cho thuận lợi hơn về mức giá cả trước khi cuộc cải cách tiền tệ xảy ra. Nói cách khác, điều này có nghĩa rằng ở đây có một số cải tiến nhỏ về mặt giá cả và có thể gây ra một vài suy yếu nhỏ trong giá cả của họ… Gánh nặng của việc điều chỉnh này đè nặng lên vai chúng ta chứ không phải lên vai họ. Xét ở khía cạnh chính trị và xã hội, đây là điều khó khăn đối với Chính phủ Anh và Ngân hàng Anh nhằm đối mặt với việc thủ tiêu giá ở Anh…vì vấn đề buôn bán thương mại không hiệu quả và họ có hơn một triệu người dân thất nghiệp đang sống nhờ vào tiền trợ cấp của chính phủ.[29] HẠ GIÁ ĐỒNG ĐÔ-LA Vào năm 1924, đại diện cho Ngân hàng Anh, cơ chế Mandrake của Cục Dự trữ Liên Bang đã vận hành một cách trơn tru, tức là nhiều năm trước khi diễn ra cuộc họp lịch sử giữa Strong, Norman và Rist. Có hai đợt sóng lớn trong việc mở rộng tiền tệ. Đợt sóng đầu tiên là sự lưu hành trái phiếu trị giá 492 triệu đô-la. Đợt sóng lạm phát bùng nổ thứ hai diễn ra vào nửa cuối của năm 1927, tiếp ngay sau cuộc họp kín giữa Strong, Norman, Schacht và Rist. Việc này có liên quan tới nguồn quỹ trái phiếu chính phủ trị giá 225 triệu đô-la cộng với việc thanh toán hóa đơn trị giá 220 triệu đô-la của chủ ngân hàng, và như vậy, tổng mức gia tăng trong kho dự trữ ngân hàng là 445 triệu đô-la. Cùng lúc đó, mức chiết khấu lại cho các thành viên ngân hàng (mức lãi suất mà họ phải trả khi vay tiền từ Cục Dự trữ Liên bang) giảm từ 4% xuống 3,5%, khiến cho các ngân hàng dễ dàng đạt mức dự trữ bổ sung cao hơn để từ đó có thể tạo ra nhiều tiền pháp định hơn. Số lượng tiền pháp định mà các ngân hàng thương mại tạo ra cao hơn 5 lần rưỡi so với số lượng tiền được Cục Dự trữ Liên bang tạo ra. Điều này cũng có nghĩa rằng, toàn bộ cơn lũ tiền tệ đã vượt quá 10 tỷ đô-la chỉ trong vòng 6 năm.[30] Xuyên suốt giai đoạn này, nhu cầu của Cục Dự trữ Liên bang đối với trái phiếu chính phủ và việc chấp nhận thanh toán hóa đơn đã làm hạ mức lãi suất xuống.[31] Như đã được tiên đoán, những người có vàng trong tay thích gửi vào ngân hàng tại Luân Đôn hơn vì họ kiếm được nhiều tiền hơn nhờ lãi suất cao, và nguồn cung ứng vàng của Mỹ bắt đầu chảy ra nước ngoài. Hơn nữa, lạm phát đang dần ăn vào sức mua bán trao đổi của đồng đô-la, giá cả hàng hóa sản xuất tại Mỹ bắt đầu tăng cao trên thị trường thế giới khiến sức cạnh trạnh của các mặt hàng Mỹ sút giảm. Nền xuất khẩu của Mỹ bắt đầu rơi vào tình trạng trì trệ; nạn thất nghiệp gia tăng; lãi suất thấp và các khoản nợ nhanh chóng tăng lên dẫn đến việc đầu cơ tích trữ trên thị trường chứng khoán; và hệ thống đã lao với tốc độ tối đa tiến thẳng đến Cuộc Đại Suy thoái năm 1929. Nhưng câu chuyện đó xin được bàn đến ở chương sau. Người lập ra phiên bản cuối cùng hoàn chỉnh cho Pháp Lệnh Dự trữ Liên bang là H. Parker Willis - một kỹ sư tài năng. Sau khi hệ thống này hình thành, ông ta được chỉ định là Thư ký Thứ nhất của Hội Đồng Quản Trị. Năm 1929, ông ta vỡ mộng với tổ chức lũng đoạn ngân hàng và trong một bài báo được phát hành trên tờ The North American Review, ông ta đã viết: Vào mùa thu năm 1926, một nhóm các nhà tài phiệt ngân hàng, trong đó có một người tiếng tăm lẫy lừng trên thế giới, đang ngồi tại khách sạn Washington. Một trong số họ đặt ra câu hỏi: Liệu mức lãi suất chiết khấu thấp của Cục Dự trữ Liên bang có khuyến khích cho việc đầu cơ tích trữ hay không? “Có” - một nhân vật đáng chú ý đã trả lời như vậy, “mức lãi suất chiết khấu sẽ khuyến khích nạn đầu cơ, nhưng điều đó không thể được ủng hộ. Nó là cái giá mà chúng tôi phải trả để giúp đỡ châu Âu.”[32] Có một chút nghi ngờ rằng, nhà tài phiệt đặt ra câu hỏi đó chính là J.P. Morgan - con. Đó chính là Jack, người thấm nhuần truyền thống Anh từ thời thơ ấu, người sở hữu một đế chế tài chính có trụ sở đặt tại Luân Đôn với một tập đoàn kinh doanh theo kiểu gia đình trị được bảo trợ từ phía Ngân hàng Anh, người cứ 6 tháng mỗi năm lại trở thành cư dân Anh quốc trong suốt quãng đời sau này của mình. Ông ta cũng chính là người công khai phát biểu mạnh mẽ rằng đối tác nhỏ hơn của mình thể hiện “sự trung thành với nước Anh vĩ đại”,[33] và là người điều hành Hội đồng Đối ngoại, một nhánh của hội kín, người tận tụy vì uy thế về quyền lực chính trị và truyền thông của nước Anh. Chỉ có trong bối cảnh đó, người ta mới có thể đánh giá sâu sắc sự nhiệt thành hy sinh lợi ích của nước Mỹ. Thật vậy, “đây là cái giá mà chúng ta phải trả để giúp châu Âu.” Bất chấp dấu hiệu khủng hoảng đang dần hiện ra trong nền kinh tế Mỹ, Benjamin Strong - người được Morgan bảo trợ - dù sao cũng cảm thấy hài lòng với những gì mà mình đã hoàn thành. Trong một lá thư viết năm 1929 gửi Parker Gilbert, một đại diện của Văn phòng Bồi thường Thiệt hại chiến tranh Mỹ (American Agent Reparations), ông ta nói: Chính sách của chúng tôi trong bốn năm qua tính đến tháng Giêng này được cho là hiệu quả so với mục đích đã đề ra. Nó cho phép chúng tôi hoàn tất việc cải tổ nền tiền tệ tại châu Âu, điều mà mọi người cho là không thể. Nó diễn ra với một mối rủi ro được chấp nhận rằng, chúng ta có trách nhiệm đối mặt với một vấn đề đầu cơ tích trữ nghiêm trọng và việc mở rộng tín dụng… Đường lối của chúng ta quá rõ ràng và chúng ta phải đảm nhận nhiệm vụ này. Tình hình hiện nay cho phép điều đó xảy ra, và khả năng thiệt hại tại hải ngoại đang ở mức thấp nhất.[34] Thiệt hại tại hải ngoại? Tại sao không phải là thiệt hại tại quê nhà? Rõ ràng là Strong đã nhận thấy có một khác biệt nhỏ giữa hai vấn đề này. Ông ta luôn là người đi trước những người theo chủ nghĩa quốc tế đang điều hành Cục Dự trữ Liên bang tại thời điểm đó. Ông ta đã thấy được nước Mỹ như một bộ phận trong cơ cấu tài chính phức tạp của thế giới, và những gì tốt đẹp cho thê giới cũng đều tốt đẹp cho nước Mỹ. Và, ồ đúng rồi, những gì tốt cho nước Anh cũng đều tốt cho thế giới! LIÊN MINH ANH - MỸ Một trong những hiện thực ít được hiểu rõ nhất trong nền lịch sử đương đại là có nhiều nhà tài phiệt và chính trị xuất chúng của Mỹ sẵn sàng hy sinh lợi ích tốt nhất của nước Mỹ nhằm đưa mục tiêu tạo lập một thế giới với một chính phủ duy nhất đi xa hơn. Chiến lược vẫn chưa được thay đổi kể từ khi hội kín của Cecil Rhodes và “hoa trái’” của nó - tức Tập đoàn Hội nghị Bàn tròn - được hình thành. Chiến lược này là nhằm hợp nhất các quốc gia nói tiếng Anh thành một thể chế chính trị đơn độc, đồng thời lập ra các Tập đoàn tương tự cho các khu vực chính trị khác. Sau khi vụ việc hoàn thành, tất cả các Tập đoàn này đều được hợp nhất thành một chính phủ toàn cầu, được gọi là Quốc hội Nhân dân. Và hãy đoán xem ai được hoạch định giật dây điều hành từ phía sau? Chiến lược này được Andrew Carnegie thể hiện một cách thông minh trong cuốn sách “Nền Dân chủ Toàn Thắng” (Triumphant Democracy). Thể hiện mối lo ngại rằng vai trò quyền lực thế giới của nước Anh đã suy giảm, ông ta viết: Sự hợp nhất với “đứa trẻ” Mỹ là cách đảm bảo duy nhất nhằm bảo vệ nước Anh thoát khỏi sự suy yếu… Tôi phản đối bất cứ điều gì gây cản trở cho sự hợp nhất; tôi ủng hộ bất cứ điều gì đẩy mạnh sự hợp nhất. Tôi xem xét tất cả các thắc mắc chính trị nêu ra từ quan điểm này… Quốc hội Nhân dân và Liên đoàn Thế giới đã từng bị thu hút bởi các thi sĩ, và tất cả những điều này có nghĩa là một bước tiến trước cả sự hợp nhất được Anh và Mỹ đưa ra…Tôi có thể chắc chắn nói ràng, điều này được ví như mặt trời trên thiên đàng đã được chiếu sáng khi Anh và Mỹ liên kết với nhau, và chắc chắn sẽ mọc vào một buổi sáng, tỏa sáng để chúc mừng Liên Minh Anh-Mỹ.[35] TÓM TẮT Sau cuộc Nội chiến, Mỹ đã trải qua một loạt sự kiện mở rộng và co hẹp nguồn cung ứng tiền tệ dẫn đến sự bùng nổ và suy thoái về kinh tế. Đây là kết quả của việc tạo ra tiền pháp định do hệ thống ngân hàng phát động - hệ thống không hề mang tính độc lập và cạnh tranh, ví như một trại cải tạo đối với ngân hàng trung ương. Xuyên suốt thời kỳ hỗn loạn, Tập đoàn Morgan - một công ty kinh doanh ngân hàng - có khả năng tránh vết xe đổ của các công ty khác và làm cho công ty của mình trở nên hưng thịnh. Morgan thắt chặt mối quan hệ khăng khít với tổ chức tài chính văn hóa của Anh và trên thực tế, công ty của ông mang nét đặc trưng của Anh hơn là Mỹ. Các sự kiện đều đưa ra khả năng Morgan & Co có quan hệ hợp tác mờ ám với Gia tộc Rothchild trong suốt giai đoạn này. Benjamin Strong là người của Morgan và được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch đầu tiên của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York - Ngân hàng nhanh chóng được thừa nhận như một tổ chức có quyền điều hành hệ thống này. Strong ngay lập tức bắt tay với Montagu Norman, Chủ tịch Ngân hàng Anh nhằm cứu vãn nền kinh tế đang trên đà đi xuống của Anh. Điều này được hoàn tất với sự giúp sức của Mỹ trong việc tạo ra lạm phát tự do, gây nên việc chảy thoát vàng, tổn thất cho thị trường tại hải ngoại, nạn thất nghiệp, sự đầu cơ trên thị trường cổ phiếu…Tất cả những điều này đều là yếu tố đẩy nước Mỹ vào cuộc duy thoái năm 1929 và cuộc Đại Suy Thoái vào những năm 30. Mặc dù không được nhắc đến trong chương này, nhưng các lực lượng tương tự đều phải có trách nhiệm đối với việc kéo Hoa Kỳ vào vòng xoáy của cả hai cuộc chiến nhằm cung cấp nguồn lực kinh tế và quân sự mà Anh cần có để tồn tại. Ngoài ra, những người chịu trách nhiệm chính trong hành động này đều là một phần của mạng lưới hội kín được Cecil Rhodes thiết lập với mục đích mở rộng đế chế Anh.