Những Âm Mưu Từ Đảo Jekyll - Chương 25

Chương 25 VIỄN CẢNH ẢM ĐẠM Tương lai được mô tả như là sự tiếp nối của hiện tại, và rất có thể hiện đang tiềm tàng một cuộc khủng hoảng ngân hàng, một thời kì lạm phát ở diện rộng, một nền kinh tế sụp đổ, tình trạng bạo lực, việc phát hành đồng tiền chung châu Âu, sự xuất hiện của các “Lực lượng gìn giữ hòa bình” của Liên Hợp quốc, và cuộc sáp nhập cuối cùng vào Trật tự Thế giới mới - một hình thức của chế độ phong kiến công nghệ cao. Bây giờ chúng ta đã sẵn sàng cho chặng cuối cùng trên cỗ máy thời gian. Trên bàn điều khiển phía trước mặt chúng ta là một vài phím lựa chọn. Phím bên trái hiển thị Hướng thời gian. Hãy chọn hướng Tương lai. Phím bên phải hiển thị Những giả định cơ bản. Hãy chọn vết khía hình chữ V đầu tiên cho dòng chữ Những xu hướng hiện tại chưa bị thay đổi và đừng đụng vào phím định thứ cấp. Chúng ta sẽ dùng chiếc cần gạt ở chính giữa bàn điều khiển để điều chỉnh tốc độ của chuyến đi. Nào, bây giờ thì hãy đẩy chiếc cần lên và bám chặt vào!!! CUỘC KHỦNG HOẢNG NGÂN HÀNG 4:05 sáng. Trong khi cả thành phố New York còn đang chìm trong giấc ngủ thì những chiếc máy tính trên tầng thứ tư của tòa nhà Citibank đã được thông báo về một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng sắp diễn ra. Thảm họa này bắt đầu từ Luân Đôn - 5 giờ đồng hồ sớm hơn so với vùng bờ biển phía Tây - và chỉ trong vài phút đã lan đến Tokyo và Hồng Kông như những con virut điện tử. Đó là một tiếng đồng hồ trước. Còn bây giờ, các trạm máy tính ở tất cả các trung tâm giao dịch trên toàn thế giới đều đang vang lên tiếng chuông báo động, các thiết bị quay số tự động đang hối thúc các vị giám đốc tiền tệ lao ngay đến phòng họp hội đồng quản trị. Tình trạng hỗn loạn bắt nguồn từ những tin đồn rằng một trong số những ngân hàng lớn của Mỹ đang gặp rắc rối vì những khoản cho Mê-hi-cô vay đồng loạt rơi vào tình trạng không thể thu hồi trong khi khách hàng lớn thứ hai của họ thì đã phá sản. Chiều hôm qua, vị chủ tịch của ngân hàng này đã tổ chức một cuộc họp báo và lên tiếng phủ nhận những thông tin cho rằng đây là vấn đề nghiêm trọng. Để củng cố lời tuyên bố đầy lạc quan của mình, ông còn thông báo rằng thứ sáu tuần này, ngân hàng sẽ trả cổ tức hàng quý cao hơn bình thường. Tuy nhiên, các giám đốc phụ trách tiền tệ chuyên nghiệp không tin vào những điều này. Họ biết rằng, tất cả giá trị thực của ngân hàng sẽ bốc hơi theo khoản nợ không có khả năng đòi lại được. Tất cả các ngân hàng ở Mỹ liên kết với nhau cực kỳ chặt chẽ, đến nỗi rắc rối của một ngân hàng sẽ ảnh hưởng tới tất cả những ngân hàng khác. Đến 5 giờ sáng, những khách hàng nước ngoài của các ngân hàng trung tâm tiền tệ ồ ạt yêu cầu rút những khoản tiền rất lớn. Cứ cái đà này thì đến khi mặt trời đứng bóng, người dân Mỹ cũng sẽ muốn đem tiền của mình về nhà cất. Mà đó đều là những khoản giao dịch không hề nhỏ chút nào. chúng liên quan đến những ngân hàng khác, các công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư. Trung bình mỗi khoản tiền khách hàng yêu cầu rút ra đều lên đến hơn 3 triệu đô-la. Tiền của các ngân hàng đang chảy ra ào ào sẽ nhanh chóng cạn kiệt. 7:45 sáng. Các ngân hàng sắp phải mở cửa. Bên ngoài, cánh báo chí và truyền hình đã bao vây chật kín. Những người có thẩm quyền cần phải nhanh chóng đưa ra một kế hoạch thống nhất để đối phó với tình hình này. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp thông qua mạng điện thoại với các giám đốc điều hành của tất cả các ngân hàng lớn, trong đó bao gồm một vị đang trong kỳ nghỉ dưỡng và đang thư giãn tại trại câu cá của mình ở miền bắc Canada. Tổng thống cũng tham gia vào cuộc họp này nhưng ở chế độ “màn hình câm”. Ngoài vị chủ tịch ra, không một ai khác biết sự có mặt của ông. CỨU CÁC NGÂN HÀNG TỨC LÀ CỨU CẢ THẾ GIỚI Giám đốc điều hành của Citibank nhanh chóng tóm tắt vấn đề. Không một ngân hàng nào có thể cầm cự được trước những khoản tiền rút ra lớn như vậy quá bốn mươi tám tiếng đồng hồ. Mà có lẽ còn không được lâu như vậy. Tiền mặt của các ngân hàng đâu có nằm trong kho dự trữ mà lại được đưa đi đầu tư vào những khoản cho vay sinh lãi. Dù cho các khoản vay này được thực hiện đi chăng nữa thì họ cũng vẫn không có đủ nguồn tiền. Giờ đây, một số khoản vay lớn đã rơi vào tình trạng không thể thu hồi nên tình hình càng trở nên tồi tệ hơn. Nếu FED không rót tiền cho các ngân hàng thì họ chỉ còn một con đường duy nhất là đóng cửa và tuyên bố phá sản. Điều này sẽ dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế quốc gia và theo sau đó là những thiệt hại không thể kể hết được. Hàng vạn người Mỹ sẽ mất việc, hàng ngàn gia đình sẽ lâm vào cảnh đói ăn, an ninh quốc phòng sẽ trở nên suy yếu. Và tất nhiên thảm họa này sẽ lan ra toàn thế giới. Ai mà biết được nó sẽ gây ra những hậu quả khủng khiếp nào nữa - tình trạng hỗn loạn, nạn đói, những cuộc nổi loạn trong nước? Những vụ lật đổ xuyên biên giới? Hay sự trở lại của chế độ quân phiệt? Hay chiến tranh nguyên tử? Vị Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang yêu cầu giám đốc điều hành nói ngắn gọn hơn nữa. Ông hiểu rất rõ rằng không thể để các ngân hàng rơi vào tình trạng phá sản. Nói cho cùng, sự tồn tại của các ngân hàng chính là một trong những lý do FED được thành lập. Cái mà vị Chủ tịch muốn biết đó là chi tiết của kế hoạch giải cứu. Đúng, Cơ quan bảo hiểm tiền gửi Hoa Kỳ (FDIC) đã bị phá sản, nhưng đừng lo lắng về điều này. Quốc hội sẽ thông qua một “khoản vay” hoặc một vài cơ chế khác dành cho FED để cơ quan này có thể cung cấp bất cứ khoản tiền nào mà FDIC cần. Nếu Quốc hội quá rề rà, FED vẫn có những phương tiện kỹ thuật khác để đạt được cùng một kết quả như vậy. Trong thời gian chờ đợi, các ngân hàng có thể tiếp cận những khoản tài trợ không giới hạn của FED thông qua phương án cho vay khẩn cấp (discount window) trước 8 giờ sáng theo múi giờ chuẩn miền Đông. Các nhà máy in tiền cũng đang hoạt động hết công suất để cung cấp tiền mặt. Bên ngoài, hàng đoàn máy bay và xe bọc thép đang túc trực để chuyển tiền đi. Mặt khác, các ngân hàng không được phép từ bỏ những khoản nợ khó đòi này. Chắc chắn, Quốc hội sẽ đứng ra bảo lãnh cho các tập đoàn bị phá sản của Mỹ. Tổng thống cũng đã nói rằng ông sẽ kêu gọi nguồn tài trợ bổ sung cho IMF/WB. Số tiền này sẽ do FED cung cấp, với điều kiện là nó sẽ phải được Mê-hi-cô và các quốc gia đang vỡ nợ khác sử dụng để bù đắp lại những khoản chi trả lãi suất phát sinh từ những khoản vay. FED yêu cầu các ngân hàng mở cửa làm việc và hết sức bình tĩnh. Cánh báo chí đã đánh hơi thấy có điều gì đó đang diễn ra nhưng không rõ về mức độ nghiêm trọng của nó. Vì thế, hãy nói cho họ những gì họ đã biết, chỉ thế thôi, không hơn. Nếu mọi người muốn rút tiền, hãy đáp ứng yêu cầu của họ. Nếu hàng người xếp hàng đòi rút tiền dài ra, hãy gọi cảnh sát đến để giữ trật tự nhưng vẫn xuất tiền cho khách hàng. Trong trường hợp cần thiết, các ngân hàng nên tiếp tục làm việc sau giờ hành chính để giải quyết yêu cầu của tất cả các khách hàng, vấn đề cốt yếu ở đây là các nhân viên tại quầy giao dịch phải tìm cách kéo dài thời gian. Đối với mỗi giao dịch, hãy kiểm tra lần một rồi lại kiểm tra lần hai, sao cho hàng người phải di chuyển thật chậm. Xe tải chở tiền sẽ đến các ngân hàng vào thời điểm đông người đến giao dịch nhất, cốt để đám bảo vệ có thể vác từng bao tải tiền đi qua trước mắt khách hàng như một minh chứng trực quan cho việc “Chúng tôi có đủ tiền để trả cho tất cả mọi người”. Sau đó, một nhân viên của ngân hàng sẽ nói với đám đông rằng tiền vừa mới được chuyển đến từ Cục Dự trữ Liên bang và lượng tiền ở Cục là vô cùng lớn. Một khi mọi người đã bị thuyết phục rằng ngân hàng hoàn toàn có khả năng chi trả thì phần lớn sẽ cảm thấy mệt mỏi với việc phải chờ đợi và quyết định đi về. ĐẨY LÙI SỰ HOANG MANG 6:00 sáng ngày hôm sau. Kế hoạch giải cứu thành công. Mới sáng hôm qua, trước cửa các ngân hàng - chủ yếu là ở những thành phố lớn - người ta xếp hàng dài dặc với vẻ mặt đầy lo lắng. Sáng nay cảnh tượng ấy lại diễn ra, tuy nhiên, ngân hàng đã có đủ tiền mặt cho tất cả mọi người. Các phương tiện truyền thông cho phát đi những thông tin sáng sủa, kèm theo đó là phát biểu của nhiều chuyên gia cho rằng các ngân hàng sẽ không thể thua lỗ thêm nữa nhờ vào những động thái của Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang. Hơn một nửa thời lượng phát sóng được dành cho những chiếc xe tải bọc sắt và cảnh nhân viên bảo vệ đang mang vác từng bao tải tiền. Hôm nay, các ngân hàng đóng cửa đúng giờ và không có thêm hàng người nào nữa. Trong khi trên boong tàu có vẻ trời quang mây tạnh rồi thì ở dưới khoang đặt nồi nấu hơi của con tàu, ngọn lửa vẫn bùng cháy dữ dội. Hàng triệu đô la đã bốc hơi, phần lớn là ra nước ngoài, và hiện tiền mặt vẫn tiếp tục chảy ra ồ ạt. FED phải cấp tốc cho in tiền tươi để thay thế. Hai trong số những ngân hàng đã chỉ đạo các nhân viên kỹ thuật máy tính kích hoạt hệ thống trì hoãn tự động hai tiếng đồng hồ đối với tất cả các giao dịch sắp tới. Người ta đã tính đến việc tạm dừng mọi hoạt động của toàn bộ hệ thống máy tính và đổ lỗi cho tình trạng quá tải, nhưng ý kiến này đã bị loại bỏ. Có quá nhiều người tham gia vào hệ thống này và chắc chắn sẽ có ai đó tiết lộ sự thật cho cánh phóng viên. Hiểm họa từ việc mọi người đổ xô tới các ngân hàng để rút tiền đã từng là cơn ác mộng đối với Cục Dự trữ Liên bang. Tuy nhiên, giờ đây, cơn ác mộng đó vẫn chưa là gì so với việc những yêu cầu rút tiền của các tổ chức, doanh nghiệp trên khắp thế giới tới tấp đổ về ngân hàng thông qua hệ thống điện tử. Đây là những chuyên gia đầy kinh nghiệm. Họ không dễ gì bị che mắt bởi hình ảnh các nhân viên bảo vệ được trang bị vũ khí đang vác từng túi tiền vào ngân hàng. Họ muốn nhận được tiền của mình ngay lập tức - và họ đang hành động để có được nó. Mặc dù tiền sẽ được chuyển qua hình thức tín dụng điện tử nhưng các khách hàng này sẽ ngay lập tức đổi chúng sang một hình thức nào đó đáng tin cậy hơn như cổ phiếu, các loại tiền tệ khác và vàng thỏi. Đây chính là thời cơ của FED. Họ đang tung ra rất nhiều ngón đòn đã được tích lũy qua nhiều năm để tạo ra tiền mặt từ bất cứ hình thức tiền tệ nào mình có - trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ, trái phiếu từ các chính phủ khác, trái phiếu nợ của doanh nghiệp, thậm chí cả các khoản nợ trực tiếp của các cá nhân và công ty cũng được sử dụng. Hàng tỉ đô-la mới đang được xuất xưởng và đưa đi khắp thế giới để thực hiện nghĩa vụ hoàn tiền cho khách hàng của ngân hàng. “TIỀN RA NHƯ NƯỚC” Bảy tuần sau. Có điều gì đó đã xảy ra nhưng không ai biết đó là điều gì. Giống như một tia lửa phát bắt vào một nhánh cây con, lan ra cả cành cây rồi thiêu rụi cả một khu rừng. Muông thú và con người đều trở nên hoảng loạn, chính bản năng nguyên thủy này đã thôi thúc mọi người đổ xô đến các ngân hàng và quỹ tiết kiệm. Họ muốn lấy lại tiền của mình, muốn giữ lại những gì họ đã tằn tiện được. Tia lửa ở đây có thể là những số liệu thông kê mới được công bố cho thấy tỉ lệ thất nghiệp đang tăng lên, hoặc việc hàng ngày người ta tiếp tục nghe thấy ngân hàng này ngân hàng kia phá sản, hoặc việc Quốc hội bỏ phiếu để tăng nợ quốc gia, hoặc việc các khoản thuế an sinh - xã hội tăng vọt, hoặc thông tin 140.000 công nhân ở Mê-hi-cô bị mất việc, hoặc những vụ xô xát ở Chicago và Detroit để giành giật tem lương thực và nhà ở chính phủ, hoặc sự xuất hiện của lực lượng “Gìn giữ hòa bình” của Liên Hợp quốc để tăng cường cho Vệ binh Quốc gia, hoặc quy định của Tòa án Quốc tế buộc Mỹ phải cắt giảm 30% lượng xe hơi trước ngày 31-12, hoặc giọng điệu đầy nghi ngờ về một nguồn tin của phát thanh viên đài CBS khi khi trích dẫn dự đoán mới nhất về sự hồi sinh của nền kinh tế. Nhưng dù là chuyện gì đi nữa thì bên ngoài cánh cửa mỗi ngân hàng vẫn là những hàng dài các chủ nợ với vẻ mặt bình tĩnh. Trong kho dự trữ của nhà băng không có đủ tiền mặt để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Phần lớn lượng tiền được chi trả dưới dạng séc. Chỉ có 5% lượng cung tiền được thực hiện bằng tiền đồng hay tiền giấy và phần lớn trong số đó hiện không còn hiện diện trong ngân hàng nữa mà đã nằm trong máy tính tiền, ví hay dưới những tấm nệm của mọi người. Tổng số tiền đồng và tiền giấy trong ngân hàng bây giờ chỉ còn khoảng 0,5 %. Lượng tiền khổng lồ được dự trữ để đề phòng những đợi khủng hoảng như thế này mà FED tung ra khẩn cấp vẫn không đủ đề giải quyết tình hình. Tại thời điểm này, tốc độ hoạt động của các xưởng in tiền cũng không thể bắt kịp nhu cầu. Phát ngôn viên của Bộ Tài chính Hoa kỳ và Cục Dự trữ Liên bang đã xuất hiện trên truyền hình để trấn an người dân cả nước rằng không có gì phải hoang mang lo sợ. Mọi thứ vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát. Vấn đề duy nhất ở đây là hành động đổ thêm dầu vào lửa của những con người không có niềm tin vào chính phủ của mình và đang gieo rắc sự lo sợ đi khắp nơi. Đáng tiếc là chẳng một ai tin những gì mà các phát ngôn viên đã nói. Hàng người vẫn dài thêm. Mọi người trở nên giận dữ. Họ cười nhạo các nhân viên ngân hàng. Họ đe dọa sẽ đặt bom. Thỉnh thoảng lại có một vụ xổ xát xảy ra và cửa kính của các ngân hàng rơi loảng xoảng. Lực lượng Vệ binh Quốc tế được cầu viện còn Tổng thống phải tuyên bố ngày nghỉ cho các ngân hàng. Vì không thể đóng tài khoản bằng cách rút tiền mặt nên mọi người đổ xô đến các cửa hàng và vung tiền ra mua sắm đồ đạc rồi thanh toán bằng séc. Nếu không thể lấy lại tiền từ ngân hàng thì ít nhất họ cũng có thể dùng nó để mua sắm. Gara và các tầng hầm của người Mỹ chật ních những hàng hóa, giày dép, rượu bia, lốp xe, đạn dược. Hàng hóa trở nên khan hiếm, giá cả được thể leo thang. Chỉ số Dow Jones vượt trần khi các nhà đầu tư dốc sạch tài khoản để mua bất cứ thứ gì được bán ra. Cuối cùng, ủy ban chứng khoán và Trái phiếu Mỹ buộc phải đình chỉ các hoạt động giao dịch. Chín tháng sau. Cuộc khủng hoảng hóa ra lại là vận may của các chính trị gia. Họ phát tài phát lộc nhờ nó. Nó đem lại cho họ cái cớ để đi công du khắp đất nước nhằm tìm hiểu sự thật, để đến dự các cuộc họp hội đồng thành phố với những chiếc sơ mi ngắn tay, để diễn thuyết, và để được xuất hiện trên truyền hình. Họ dành trọn thời gian của mình để bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến tình hình và thể hiện tâm nguyện muốn chung tay gánh vác với mọi người. Cuộc khủng hoảng cũng hợp pháp hóa vai trò của những chính trị gia này và bằng cách nào đó khiến họ có vẻ cần thiết cho xã hội hơn bao giờ hết. Từ những kẻ đần độn và vụng về trong mắt công chúng, giờ đây họ đã lột xác và trở thành những chính khách nghiêm túc và mẫn cán. Trong khi đó, đảng cầm quyền hiện tại thì cho rằng cuộc khủng hoảng đã để lại cho họ cả một đống đổ nát trong khi đảng tiền nhiệm lại đổ lỗi cho sai lầm của đảng cầm quyền. Tuy nhiên, cả hai đảng đều nhất trí về phương hướng giải quyết: cần phải áp dụng nhiều hơn chính những chính sách đã tạo ra cuộc khủng hoảng này - trao cho Cục Dự trữ Liên bang nhiều quyền hạn hơn, tăng cường sự kiểm soát của chính phủ đối với nền kinh tế, tăng tiền trợ cấp và phúc lợi và các cam kết quốc tế. Đây được gọi là “những cải cách khẩn cấp” và trở thành luật, chính những người đã tạo nên cuộc khủng hoảng giờ đây lại đưa ra những quyết sách để khắc phục nó. Và công chúng thì cảm thấy thật may mắn biết bao khi có được những nhà lãnh đạo biết nhìn xa trông rộng và vô cùng thông thái như vậy. GIẢI CỨU CÁC NGÂN HÀNG VÀ LẠM PHÁT TRẦM TRỌNG HƠN Bước cải cách khẩn cấp quan trọng nhất chính là việc giải cứu các nhân hàng bằng những đồng tiền nộp thuế của người dân. Quỹ tiền tệ Quốc tế/Ngân hàng thế giới đã tiếp quản những khoản nợ mà nước ngoài không thể trả được cho Mỹ. Chính phủ đồng ý rót tiền để cứu trợ những doanh nghiệp - con nợ của các ngân hàng - đang bị thua lỗ dưới hình thức cho vay - những khoản cho vay mà ai cũng biết sẽ không bao giờ được hoàn trả. Tiếp đến, các ngân hàng sẽ được quốc hữu hóa, ít nhất là một phần của ngân hàng. Để đổi lấy những khoản tiền cứu trợ, các ngân hàng đã trao cho chính phủ hàng lô cổ phiếu, cho phép chính phủ tham gia vào những hoạt động của ngân hàng như một đối tác kinh doanh. Đây không phải là một sự thay đổi mạnh mẽ. Các ngân hàng vốn dĩ bị chi phối rất nhiều bởi chính phủ, ngay cả việc quyết định lợi nhuận, cổ tức và lương bổng cũng vậy. Đây chính là điều mà hiệp hội các ngân hàng muốn, là cách để họ tránh được sự cạnh tranh và đảm bảo lợi nhuận. Đằng sau các ngân hàng luôn luôn có sự cộng tác của các nhà nghiên cứu tiền tệ và chính trị. Thực tế này lại càng làm rõ thêm mối quan hệ giữa chính phủ và các ngân hàng. Về mặt kỹ thuật, không một ngân hàng nào được phép sụp đổ. Điều này đã được FED cam kết. Khi các ngân hàng đang gặp rắc rối được tiếp quản, tất cả các chủ nợ với khoản tiền gửi nhỏ hơn hoặc bằng 100.000 đô-la đều được bảo vệ tuyệt đối. Nếu họ muốn rút tiền trong khi ngân hàng không có đủ nguồn tiền thì FED sẽ đứng ra chi trả. Khi cầm được tiền trên tay, ai nấy đều cảm thấy vui mừng và hoàn toàn không lo lắng gì về giá trị của những đồng tiền đó. Mười tháng nữa trôi qua. Những đồng tiền mới được in tràn ngập khắp nơi. Lượng cung tiền tăng lên do khoản tiền mà FED tung ra để cứu các ngân hàng cộng với khoản chi tiêu mới cho phúc lợi xã hội, chăm sóc sức khỏe người dân, lãi suất của nợ ngân sách quốc gia và viện trợ nước ngoài, khoản nào cũng cao chóng mặt. Nguy cơ lạm phát rõ ràng đã tiềm ẩn từ cơ chế hoạt động của các chính sách của chính phủ. Đồng đô-la bị phế truất khỏi ngai vàng của nó, không còn được coi là tiền tệ thế giới nữa. Nó không còn tác dụng gì đối với các nhà đầu tư nước ngoài và các ngân hàng trung tâm. Họ trả đô-la về nơi mà chúng đã sinh ra - đó là nước Mỹ. Hàng nghìn tỷ đô-la đổ về Mỹ ào ạt như thác đổ về nguồn. Họ thi nhau mua tủ lạnh, xe hơi, máy tính, máy bay, tàu thủy, xe tăng bọc thép, cao ốc văn phòng, nhà xưởng, bất động sản của Mỹ - đẩy giá cả lên cao tới mức mà một năm trước đó không ai dám nghĩ đến. Chỉ một con tem lúc này cũng có thể mua được cả một cái tivi mới trước đây. Hầu hết các cửa hàng đều không chấp nhận thanh toán bằng séc và thẻ tín dụng nữa. Công nhân ngày nào cũng được trả lương bằng hàng nắm tiền giấy. Mọi người đổ xô đi mua nhu yếu phẩm trước khi giá cả tiếp tục tăng lên. Hoạt động thương mại bị tê liệt. Ngân hàng không còn khả năng thu hồi các khoản cho vay và thế chấp. Tài khoản tiết kiệm tiêu tan, trong đó tính đến cả những hợp đồng bảo hiểm đã quy về tiền mặt. Các nhà máy đóng cửa. Các công ty đứng bên bờ vực phá sản. Việc đổi hàng lấy hàng đã quá xưa rồi. Người ta bắt đầu lôi những đồng cắc bạc cũ rích từ các bộ sưu tập tư nhân ra dùng và một hào bạc có thể đổi lấy một tờ ngân phiếu trị giá 100 đô-la. Sau sự sụp đổ của nền kinh tế năm 1929, lượng cung tiền giấy bị giới hạn do nó được định giá dựa trên hàm lượng bạc và tự thân tổng hàm lượng bạc cũng chỉ có giới hạn mà thôi. Người có tiền có thể mua lại những thứ của người không có tiền. Khi giá cả có chiều hướng đi xuống, người càng giữ tiền lâu thì càng mua được nhiều thứ hơn. Còn bây giờ thì hoàn toàn ngược lại. Ngoài công cụ chính trị ra, chẳng có gì đảm bảo cho nguồn cung tiền tệ. Người ta có thể in ra bao nhiêu tiền tùy thích, chỉ cần in tiền rồi chuyển đi, thế là xong. Tiền trở nên thừa mứa và giá cả tăng vùn vụt. Những người có tiền đang cố hết sức để tiêu càng sớm càng tốt để ngăn không cho sức mua giảm xuống nữa. Vào những năm 1930, ai ai cũng muốn có đô-la. Ngày nay, ai ai cũng muốn thoát khỏi nó. Quy định thứ nhất về tình trạng khẩn cấp của ngân hàng được ban hành lần đầu tiên vào năm 1961, cho phép Bộ trưởng Bộ Tài chính có thể tịch thu tài sản trong các tài khoản ngân hàng, tài khoản tiết kiệm hay két sắt an toàn của bất cứ ai mà không cần phải chờ Quốc hội cho phép. Hơn thế nữa, ông ta còn có quyền ấn định giá cho thuê, giá cả hàng hóa, lương tháng và lương theo giờ cũng như chế độ phân phối. Bộ trưởng Bộ tài chính được phép sử dụng các quyền hạn này “trong trường hợp gây nguy hiểm đến nước Mỹ”. Cụm từ này bây giờ đã được chuyển thành “trong trường hợp khẩn cấp của quốc gia”. Cơ quan Kiểm soát Tình huống Khẩn cấp Liên bang (The Federal Emergency Management Agency - FEMA) đã được mở rộng hơn và thi hành các chỉ thị của Bộ Tài chính. FEMA cũng có quyền giam giữ và cưỡng chế di dời bất kì công dân nào “trong trường hợp khẩn cấp quốc gia”. ĐỒNG TIỀN MỚI Ba tháng nữa lại trôi qua và Tổng thống đã chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước. Hôm nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính thông báo rằng các quốc gia trên thế giới đã phê chuẩn một hiệp ước đa phương để đưa ra những giải pháp cho tình hình lạm phát của Mỹ. Hiệp ước này sẽ được hiện thực hóa thông qua sự ra đời của một đơn vị tiền tệ quốc tế mới được gọi là đồng Bancor. Cái tên này do John Maynard Keynes nghĩ ra vào năm 1944 tại Hội nghị Bretton Woods. Đồng tiền mới này sẽ khôi phục lại hoạt dộng thương mại của Mỹ và chấm dứt tình trạng lạm phát. Cuối cùng, Bô trưởng Bộ Tài chính tuyên bố rằng con người sẽ có toàn quyền định đoạt số phận của họ trong hoạt động kinh tế. Tiền bạc giờ đây trở thành nô lệ chứ không còn là ông chủ nữa. Ông ta nói rằng, Mỹ đã chấp nhận đồng Bancor như đồng tiền hợp pháp để thanh toán tất cả các khoản nợ công cũng như nợ tư. Đồng tiền cũ vẫn được lưu thông những sẽ được tiêu hủy trong thời gian ba tháng. Sau ngày quy định, những tờ giấy bạc của Cục Dự trữ Liên bang sẽ không còn giá trị. Trong thời gian chuyển tiếp, mọi người có thể đổi tiền cũ tại bất kì ngân hàng nào với tỉ lệ một đồng Bancor đổi lấy 500 đô-la. Tất cả những hợp đồng hiện đang được thể hiện bằng đồng đô-la - bao gồm cả những khoản thế chấp nhà ở - cũng được chuyển đổi qua đồng Bancor với cùng tỉ lệ nói trên. Cũng trong thông báo đã nêu, vị Bộ trưởng cho rằng IMF/ Ngân hàng Thế giới nên định giá đồng tiền mới dựa trên thứ gì đó có giá trị hơn vàng, đó là những tài sản của thế giới, bao gồm trái phiếu của các quốc gia có liên quan cộng với hàng triệu mẫu đất hoang đã được ký thác vào “Ngân hàng tài nguyên”[1] của Liên Hợp quốc. Các Công viên Quốc gia và khu rừng của Mỹ cũng được đưa vào ngân hàng này và chịu sự giám sát của ủy ban Bảo tồn và Phát triển Tài sản Hoang dã (WAPEA) của Liên Hợp quốc. Từ lúc này trở đi, Cục Dự trữ Liên bang sẽ hoạt động như một chi nhánh của IMF - Ngân hàng trung ương của thế giới. Mặc dù vị Bộ trưởng không đề cập đến nhưng bản hiệp ước cũng buộc chính phủ Mỹ phải đưa ra những hạn chế đổi với việc sử dụng tiền mặt. Mỗi công dân sẽ được cấp một thẻ căn cước quốc tế. Mục đích chính của những chiếc thẻ đọc bằng máy tính này là giúp các sân bay, nhà ga và trạm kiểm soát quân sự có được nhận dạng chính xác của tất cả công dân. Chúng cũng có thể được dùng để thanh toán thông qua tài khoản giao dịch - giờ đây được gọi là tài khoản có (debit account) - tại các nhà băng và cửa hàng. Mọi công dân sẽ được cấp một tài khoản tại ngân hàng gần nơi cư trú của mình. Tất cả các khoản thanh toán của chủ lao động hay các cơ quan chính phủ đều phải được thực hiện thông qua hệ thống chuyển tiền điện tử. Sau ba tháng nữa, các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn hơn 5 Bancor sẽ bị coi là bất hợp pháp. Hầu hết các khoản chi tiêu sẽ được trả bằng thẻ ghi nợ (debit card). Đây là cách duy nhất đề ủy ban Theo dõi các giao dịch tiền tệ (MTTA) của Liên hợp quốc có thể chống lại nạn làm tiền giả và ngăn chặn các vụ rửa tiền của bọn tội phạm có tổ chức. Tất nhiên, điều này chỉ là ngụy biện mà thôi. Việc chính phủ phát hành đồng tiền mới mới là nhân tố đóng vai trò lớn nhất từ trước tới nay trong sự ra đời của bọn tội phạm có tổ chức và hoạt động rửa tiền.[2] Thực chất, mục tiêu của những quy định trên chính là thành phần chống đối chính phủ và những người trốn thuế trong nền kinh tế ngầm. Không ai được phép kiếm tiền hoặc mua bán bất cứ thứ gì mà không sử dụng thẻ căn cước. Họ cũng không được phép di chuyển khỏi đất nước hoặc chuyển đến sống ở một thành phố khác. Nếu vì lý do nào đó mà một người bị liệt vào sổ đen của bất kỳ cơ quan chính phủ nào thì thẻ căn cước của anh ta sẽ “không sạch” và gần như mọi giao dịch kinh tế cũng như việc đi lại giữa các nơi của anh ta sẽ bị “khóa”. Đây là hình thức kiểm soát cao nhất của chính phủ. Những lợi ích mà đồng tiền mới đem lại cho đảng cầm quyền không chỉ có thế. Hiện tượng rút tiền ồ ạt khỏi các ngân hàng sẽ không bao giờ tái diễn nữa vì giờ đây nếu một người cần tiền thì tức là anh ta đã vi phạm pháp luật. QUỐC HỮU HÓA NHÀ DÂN Một trong những lĩnh vực đầu tiên cảm nhận được quyền lực bất lương của “những biện pháp khẩn cấp” chính là ngành công nghiệp nhà ở. Trong những giai đoạn đầu của thời kỳ lạm phát, người ta đã sử dụng những đồng đô-la ngày càng mất giá của mình để trả các khoản thế chấp. Điều này gây thiệt hại to lớn cho các chủ nợ, những người đang phải nhận lại những đồng đô-la có giá trị chỉ bằng một phần nhỏ so với những đồng đô-la mà họ đã cho vay trước đây. Cuộc khủng hoảng ngân hàng đã làm tiêu tan các khoản tiết kiệm và vốn đầu tư, vì thế các ngân hàng không thể cho vay mới để bù đắp. Bên cạnh đó, mọi người cũng sợ phải bán nhà cửa trong thời điểm hỗn loạn này. Nếu có làm như vậy thì cũng chỉ có rất ít người sẵn sàng mua với lãi suất quá cao. Những khoản cho vay cũ đang được trả hết còn những khoản cho vay mới thì không thể thay thế chúng. Nếu những năm 1980, các khoản Tiết kiệm và Vay lãi (S&L) gặp khó khăn do giá nhà giảm xuống thì nay chúng lại đang đổ vỡ vì giá nhà tăng lên. Quốc hội đã tác động đến tình hình chính trị khó khăn đã được dự đoán trước này bằng việc giải cứu các ngân hàng và tiếp quản chúng nhưng cũng không thể ngăn chặn thua lỗ mà chỉ đơn thuần là chuyển gánh nặng này lên vai những người nộp thuế mà thôi. Để chấm dứt tình trạng thua lỗ, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Phân bổ và cải cách nhà ở (HFRA). Theo đó, tất cả những hợp đồng sử dụng đồng Bancor sẽ chuyển sang sử dụng một đơn vị giá trị tiền tệ mới được gọi là “Giá trị công bằng”, xác định dựa trên chỉ số giá trung bình Quốc gia (NAPI) được công bố vào các ngày thứ Sáu của tuần trước đó. Nó hoàn toàn không tính đến các mức lãi suất mà liên quan đến giá trị của đồng Bancor. Để dễ hình dung, chúng ta hãy đổi đồng Bancor sang đô-la. Một khoản vay 50.000 đô-la vào thứ Sáu sẽ biến thành khoản vay 920.000 đô-la vào thứ hai tuần kế tiếp. Tất nhiên một số người không thể kham nổi số tiền như thế này. Hàng ngàn cử tri giận dữ đã bao vây tòa nhà Quốc hội để phản đối việc này. Trong khi đám đông la ó những người theo chính sách ngu dân thì bên trong tòa nhà, Quốc hội phải vội vàng bỏ phiếu để thông qua một sắc lệnh hoãn thanh toán đối với tất cả các khoản vay thế chấp. Đến cuối ngày, không ai phải trả một xu! Mọi người ra về với sự hài lòng và biết ơn những vị lãnh đạo sáng suốt và hào phóng của mình. Thời gian sau đó chỉ có một biện pháp “khẩn cấp” nữa vấp phải sự phản đối tương tự mà thôi. Trong nhiều tháng tiếp theo, Quốc hội không dám can thiệp vào những gì đang diễn ra nữa. Nếu họ thử làm điều đó, các cử tri sẵn sàng tống cổ họ ra khội văn phòng của mình. Hàng triệu triệu người từ trước đến nay vẫn quen với việc không phải trả bất cứ một khoản phí nào ngoài tiền thuế địa phương vốn đã vượt quá khả năng chi trả của tất cả mọi người. Dưới sự chỉ đạo của Quốc hội, chính quyền các hạt cũng tuyên bố hoãn nộp thuế - nhưng không kéo dài tới khi chính phủ liên bang đồng ý đền bù những thiệt hại mà họ phải gánh chịu bằng các điều khoản của Đạo luật Hỗ trợ chính quyền địa phương (ALGA) vừa mới được thông qua. Người đi thuê nhà cũng ở vào hoàn cảnh tương tự như người có nhà riêng vì gần như tất cả các tài sản họ thuê đều đã bị quốc hữu hóa, kể cả những ngôi nhà đã được chủ sở hữu của nó thanh toán đầy đủ cho chính phủ. Theo Đạo luật Phân bổ và cải cách nhà ở, sẽ là không “công bằng” đối với những người đang mua nhà vì họ có lợi thế hơn những người đang thuê nhà. Những biện pháp kiểm soát hoạt động thuê mướn nhà ở sẽ biến các khoản phí bảo dưỡng và đặc biệt là các loại thuế ngày càng tăng trở thành “điệp vụ bất khả thi” đối với chủ sở hữu căn hộ cho thuê. Gần như tất cả những căn hộ loại này đều đã bị chính quyền các hạt tịch thu để trả thuế. Bản thân phần lớn thu nhập của các hạt giờ đây cũng phải phụ thuộc vào chính quyền liên bang nên bất động sản của họ đã được bàn giao cho cơ quan liên bang để đổi lấy các khoản viện trợ. Mọi động thái trên đều nhận được sự hưởng ứng của các cử tri, những người luôn cảm kích vì các nhà lãnh đạo đang “làm một cái gì đó” để giải quyết những vấn đề của họ. Tuy nhiên, rốt cuộc người ta cũng hiểu ra rằng thực chất tất cả nhà cửa và căn hộ của họ đều đã nằm trong tay chính quyền liên bang và họ đang được sống dưới những mái nhà ấy chỉ vì sự rộng lượng của chính phủ mà thôi. Nếu chính phủ muốn họ dời đi, họ sẽ phải dời đi. CÁC BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT LƯƠNG-GIÁ VÀ CÁC ĐỘI QUÂN LAO ĐỘNG Cùng lúc đó, Cơ quan Bình ổn Lương thưởng - Giá cả (WPSA) của Liên Hợp quốc đã tiến hành các biện pháp kiểm soát lương, giá cả để chống lại nạn lạm phát. Một số doanh nghiệp sống sót qua thời kì lạm phát đều bị WPSA thâu tóm và ngăn không cho tình trạng đóng cửa xảy ra. Những công nhân nào không chịu làm việc với mức lương thấp và cố định hoặc không nhận những công việc được phân công sẽ bị bắt giữ và buộc tội vì có những hành động chống dân chủ. Giữa việc “tự nguyện” tham gia Quân đội Phục hồi Môi trường và Việc làm (FEERA) của Liên Hợp quốc hoặc phải vào tù, hầu hết đều chọn Quân đội. Họ làm bất cứ việc gì được giao để đổi lấy thức ăn và chỗ ở. Nhiều người đã được chỉ định những công việc mới, đến những thành phố mới, thậm chí là quốc gia mới tùy vào hạn ngạch việc làm do ủy ban Phân bổ nguồn nhân lực Quốc tế (IHRAA) của Liên Hợp quốc định ra. Gia đình của những công nhân này được cấp chỗ ở phù hợp với hoàn cảnh công việc và mức độ sẵn sàng hợp tác của họ. Xe hơi giờ đây là thứ xa xỉ chỉ dành cho những nhân vật chóp bu trong bộ máy chính phủ. Một số công nhân nhất định được điều chuyển đến các doanh trại trong phạm vi có thể đi bộ được ở các thành phố lớn. Những người khác sử dụng hệ thống vận chuyển siêu tốc được FEERA chú trọng mở rộng. Tầng lớp quản lý bậc trung và công nhân có tay nghề được phép sống ở vùng ngoại ô sẽ có dịch vụ “xe đưa rước cho mọi người” (PVPs) chở đến nơi làm việc. Tuần trước, Maurice Strong, Giám đốc của IHRAA, đã đến thăm 15 phân khu nằm ngoài lục địa Bắc Mỹ - bao gồm cả Mỹ và Canada trước đây . Ông ta bày tỏ lòng tự hào vì Mỹ không ngừng bành trướng ra toàn thế giới. Lại hai mươi năm nữa trôi qua. Chúng ta đang ở trong một Trật tự Thế giới mới. Và không ai biết chính xác nó được bắt đầu từ khi nào. Thực tế không có một ngày chính thức, một thông báo trên phương tiện truyền thông hay trống dong cờ mở nào để đánh dấu sự kiện này. Suốt từ mười đến mười năm năm qua, Trật tự Thế giới mới trở thành một sự việc hiển nhiên, tất cả mọi người đều coi đó là bước phát triển tất yếu của xu hướng và những nhu cầu chính trị. Giờ đây, thế giới đã được thay máu bởi một thế hệ mới, họ không có chút khái niệm nào về bất cứ lối sống nào khác. Rất nhiều người thuộc thế hệ cũ đã sống đến cuối cuộc đời không còn nhớ gì về cuộc sống trước đây của mình nữa. Tất nhiên, nhiều người trong số họ đã bị loại bỏ. Trường học và sách vở nói về quá khứ như một kỷ nguyên của sự cạnh tranh không có quy tắc, thói ích kỉ và bất công. Những thứ tài sản như xe hơi, nhà riêng hay dăm ba đôi giày ít khi được nhắc đến, nếu có thì chúng cũng bị chế nhạo như sự lãng phí của một xã hội suy đồi nhưng thật không may là lại nhan nhản khắp nơi. KHÔNG CÓ THUẾ MÁ, LẠM PHÁT HAY SUY THOÁI Người dân không còn phải lo nghĩ đến những khoản thuế ngất ngưởng nữa. Hầu hất các nơi đều đã bãi bỏ tất cả mọi loại thuế. Mọi người trực tiếp hoặc gián tiếp làm việc cho chính phủ và được trả lương qua hệ thống chuyển khoản điện tử tới một ngân hàng quốc gia. Ngân hàng này kiểm soát toàn bộ tài khoản chi tiêu của người dân. Ngay cả những tập đoàn lớn, được phép thuộc sở hữu tư nhân, cũng chỉ nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ. Một mặt, họ hoàn toàn tuân theo sự chỉ đạo của chính phủ, mặt khác họ cũng không bao giờ lo bị thua lỗ vì đã được bảo vệ tuyệt đối. Các công dân được trả công lao động dựa trên sự hữu ích về mặt chuyên môn trong công việc và thứ bậc chính trị trong xã hội của người đó. Anh ta sẽ chỉ phải nộp một khoản thuế rất thấp hoặc không phải nộp gì cả. Chi phí cho các hoạt động của đất nước hoàn toàn nhờ vào việc mở rộng cung tiền tệ và lợi ích kinh tế của các quân đoàn lao động. Mỗi khu vực trên thế giới sẽ tự quyết định nhu cầu chi tiêu của mình, sau đó bán trái phiếu quốc gia trên thị trường mở để huy động tiền. Quỹ tiền tệ quốc tế/Ngân hàng thế giới đóng vai trò là ngân hàng trung ương của thế giới sẽ là khách hàng lớn nhất. Nó sẽ quyết định chính phủ mỗi khu vực cần bao nhiêu tiền rồi “mua” một số lượng trái phiếu có trị giá tương đương. Ngân hàng làm điều này bằng cách chuyển “các khoản tín dụng” qua hệ thống điện tử tới một ngân hàng ủy thác của nó ở khu vực nhận tiền. Sau khi quá trình này được hoàn tất, chính quyền ở nơi nhận tiền có thể sử dụng các khoản tín dụng này để thanh toán hóa đơn. Không cần đến một đồng đô-la tiền thuế nào cả. Đơn giản là IMF/WB tạo ra tiền và chính phủ các nơi sử dụng nó. Nếu như trước đây, việc tăng nguồn cung tiền như thế này hẳn sẽ khiến giá và lương tăng lên ngay lập tức thì giờ đây, mọi việc đã khác. Giá cả và lương bổng đã hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ. Tuy nhiên, chính phủ cũng bị rơi vào cảnh gậy ông đập lưng ông. Cần phải khiến các công nhân cảm thấy hạnh phúc bằng cách tăng lương cho họ nhưng đồng thời cũng cần duy trì hoạt động của các nhà máy bằng cách cho phép họ tăng giá. Và như thế, vòng xoắn giá cả - lương bổng không thể chấm dứt. Nó chỉ bị trì hoãn vài tháng mà thôi. Thay vì để vòng xoắn đó diễn biến theo tác động qua lại giữa giá cả và lương bổng thì chính phủ lại dẫn dắt nó bằng cách thức rất quan liêu mà kết quả cuối cùng thì như nhau. Mọi người trên thế giới vẫn đang trả tiền cho những chi phí của chính phủ quốc tế và khu vực bằng những đồng thuế ngầm có tên gọi là lạm phát. Trong quá khứ hỗn loạn, những quốc gia công nghiệp hóa trên thế giới đã từng phải chống chọi qua những đợt lạm phát lên đến hơn 1000%. Chính điều này đã góp phần đập tan niềm tin của dân chúng đối với chính phủ đương nhiệm của họ. Nó cũng khiến họ trở nên dễ tính hơn và sẵn sàng chấp nhận những thay đổi mạnh mẽ trong đời sống và thể chế chính trị, mở đường cho một Trật tự Thế giới mới. Bây giờ chúng ta đã đến với thế giới mới đó, và tỉ lệ lạm phát cực kỳ cao như hiện nay sẽ khiến dân chúng bất bình và phản tác dụng, ít nhất là trong thời bình, chính vì vậy, chính phủ đã giới hạn tỉ lệ lạm phát ở mức 5% một năm. Con số này được cho là tỷ lệ đẹp nhất để các công ty đạt được doanh thu mà không gây ra sự hoang mang trong xã hội. Tất cả đều đồng ý đây là một tỷ lệ “vừa phải”, chúng ta có thể chung sống với nó, nhưng chúng ta có xu hướng quên đi con số lạm phát 5% đó, quên vĩnh viễn. Việc phá giá 5% không chỉ đối với khoản tiền kiếm được trong năm nay mà đối với tất cả lượng tiền còn lại trong những năm trước. Cho đến cuối năm đầu tiên áp dụng biện pháp này, một đồng đô-la ban đầu chỉ tương đương với 95 cent bây giờ. Đến cuối năm thứ hai, giá trị của nó tiếp tục giảm thêm 5% nữa, còn 90 cent, … Sau 20 năm, chính phủ đã sung công 64% giá trị mỗi đồng đô-la mà chúng ta dành dụm được từ khi mới đi làm cho tới giờ. Sau 45 năm lao động, khoản thuế ngầm tính trên những đồng đô-la của năm đầu tiên sẽ là 90%. Cuối cùng, toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời của chúng ta sẽ chui vào túi chính phủ. Thu nhập hiện tại và tiền lãi được hưởng sẽ phần nào bù đắp lại ảnh hưởng của chính sách phá giá này nhưng sẽ không thể nào thay đổi được sự thật là chính phủ đang sung công những gì chúng ta kiếm được. TÁC ĐỘNG CỦA LẠM PHÁT “VỪA PHẢI” 5% Trong 50 năm qua, tất cả những biểu đồ thể hiện tình hình tụt dốc của đồng đô-la từ một cột mốc nào đó cho đến “hiện tại” đều biểu diễn dạng đường cong. Tất nhiên đây chỉ là những con số bình quân. Một số quan chức chính phủ bậc trung sẽ xoay xở để đầu tư đồng tiền của mình vào các tài sản hữu hình hoặc các loại chứng khoán sinh lợi vẫn còn lưu thông trên thị trường. Bằng cách đó, đồng tiền của họ sẽ được bảo vệ phần nào trước những tác động của lạm phát. Đối với số đông còn lại, các loại tài sản bảo hiểm rủi ro lạm phát cũng hữu ích nhưng chỉ có thể bù đắp lại một phần rất nhỏ những gì mà họ đã kiếm được suốt cả đời. Vì thế, chúng ta đã thấy rằng, trong Trật tự thế giới mới, lạm phát đã được thể chế hóa ở mức “vừa phải” là 5%. Cứ qua năm hoặc sáu thế hệ, có thể một đồng tiền mới lại được ban hành để thay thế đồng tiền cũ với mục đích giảm bớt những con số 0 phía sau. Thế nhưng không ai sống đủ lâu để trải nghiệm quá một đợt phá giá tiền tệ cả. Mỗi thế hệ tiếp theo sẽ không phải lo nghĩ gì đến những mất mát của thế hệ đi trước. Họ tham gia vào quá trình mà không biết rằng đó là một quy trình xoay vòng chứ không phải một đường thẳng. Họ không thể nhìn thấy toàn bộ cục diện vì khi quá trình bắt đầu, họ còn chưa được sinh ra và khi quá trình kết thúc họ không còn sống để chứng kiến. Thực ra, không cần có điểm kết thúc. Quy trình này có thể tiếp diễn đến vô tận. Với cơ chế hoạt động nói trên cộng với sản lượng mà các đội quân việc làm sản xuất ra, chính phủ có thể hoạt động mà hoàn toàn không cần đến tiền thuế. Họ có toàn quyền đối với những gì mà các công dân của họ làm ra. Mỗi công nhân có một tivi màu, thức uống có cồn và chất kích thích được chính phủ bao cấp, giải trí bằng các kênh thể thao bạo lực. Nhưng đó cũng là lựa chọn duy nhất của họ. Họ không thể chạy trốn khỏi giai cấp của mình. Xã hội đã được phân chia thành giai cấp thống trị và giai cấp bị trị với một bộ máy cai quản ở giữa. Những đặc quyền đặc lợi chủ yếu là cha truyền con nối. Tầng lớp công nhân và phần lớn bộ phận cai quản đều phục vụ cho những ông bà chủ mà họ không hề biết tên. Phục vụ giai cấp thống trị - các nhà khoa học tiền tệ và chính trị, những người tạo ra và kiểm soát Trật tự thế giới mới - là bổn phận của họ. Loài người đang sống dưới chế độ phong kiến công nghệ cao. CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN CÔNG NGHỆ CAO Lạm phát không phải là vấn đề duy nhất của nền kinh tế hỗn loạn trong quá khứ nay đã được kiểm soát, ngoài nó ra còn có hiện tượng bong bóng trong chu kỳ kinh tế. Giống như những khoản thuế trực tiếp, thời đại này không còn tồn tại những chu kỳ kinh tế nữa. Khi mà chính phủ nắm quyền kiểm soát chặt chẽ đối với tất cả các hoạt động kinh tế thì hiển nhiên họ sẽ không cho phép chu kỳ kinh tế xảy ra. Không có hiện tượng đầu cơ vì không ai có tiền để gom hàng. Không có hiện tượng tích trữ hàng tồn kho hay tư liệu sản xuất để tối đa hóa lợi nhuận trong tương lai vì hàng tồn kho giờ đây được tính theo công thức cụ thể. Bên cạnh đó, lợi nhuận cũng được xác định bằng công thức và mặc dù quy mô của nó chỉ đủ lớn để theo kịp tốc độ lạm phát nhưng có sự bảo đảm từ phía chính phủ. Tình trạng hỗn loạn trong nền kinh tế không thể xảy ra vì đó là điều không thể chấp nhận được. Suy thoái kinh tế cũng vậy. Đúng, trên thế giới có hàng tỉ tỉ người đang phải sống trong những điều kiện khắc nghiệt và hàng ngàn người chết đói mỗi ngày nhưng nền kinh tế thì không được phép suy thoái. Không một chính trị gia, không một nhà chức trách nào dám lên các phương tiện truyền thông mà nói ra cái ý tưởng rằng hệ thống này là một sự thất bại. Hàng tháng, chính phủ lại công bố những số liệu thống kê thể hiện một cách mập mờ rằng nền kinh tế của chúng ta vẫn đang tăng trưởng ổn định. Mặc dù khắp nơi người người đang đói ăn nhưng nạn đói thì không bao giờ còn xuất hiện nữa. Mặc dù các quân đoàn lao động đang bị nhồi nhét trong những khu doanh trại và lán trại ọp ẹp, mặc dù những ngôi nhà và cao ốc cũ kĩ sắp sụp đến nơi vì không được bảo dưỡng, khiến ngày càng có nhiều gia đình phải chia sẻ với nhau chỗ ở chật chội và lạnh lẽo - nhưng người ta vẫn tuyên bố rằng vấn đề thiếu nhà ở cho người dân đang được giải quyết tận gốc. Nền kinh tế hoàn toàn khỏe mạnh, không có vấn đề gì cả, vì giờ đây “vấn đề” đã trở thành cụm từ bất hợp pháp. TIẾNG VỌNG TỪ QUÁ KHỨ Trên tấm bảng phía trước cỗ máy thời gian của chúng ta đang hiển thị một thông điệp: “Dãy số nhân đôi trong ngân hàng bộ nhớ. Vui lòng kiểm tra lại các năm 1816, 1831, 1904 và 1949.” Nó cho chúng ta biết chiếc máy tính trên tàu vừa mới tìm thấy sự giống nhau giữa cảnh tượng chúng ta đang thấy trong thì tương lai và một điều gì đó trong quá khứ đã được nó ghi vào bộ nhớ. Tốt nhất chúng ta nên kiểm tra xem sao. Các bạn hãy gõ “Gửi dữ liệu đến máy in” rồi nhấn phím Thực hiện. Máy in đang cho ra tờ giấy đầu tiên. Nó là một lời cảnh báo. Trong năm 1861, Thomas Jefferson đã viết một lá thư gửi cho Sam Kercheval với nội dung như sau: Chúng tôi phải lựa chọn giữa kinh tế và tự do, hoặc sự thịnh vượng và cảnh nô lệ. Nếu chúng tôi rơi vào cảnh nợ nần vì phải đóng thuế cho đồ ăn thức uống, cho những nhu yếu phẩm, cho những giờ lao động và những lúc giải trí, … người của chúng tôi… phải làm việc 16 tiếng một ngày và số tiền phải trả cho chính phủ đã ngốn hết 15 giờ tiền công của họ… không có thì giờ để suy nghĩ, không có phương tiện để gọi cho những lão chủ tồi của mình đến để giải thích rõ ràng; nhưng chúng tôi rất vui lòng kiếm sống bằng cách bán mình, cầm lấy dây thừng của chính phủ tròng vào cổ những người đã đồng cam cộng khổ với chúng tôi… Và đây chính là xu hướng của tất cả những bộ máy chính phủ của loài người… cho đến khi phần lớn người dân trong xã hội chỉ còn là những cái xác đói ăn…. Theo sau nó là thuế má, nghèo đói và áp bức.[3] Đây là tờ giấy in thứ hai, một bài bình luận chính trị đồng thời là một lời tiên tri. Trong năm 1983, rnột người Mỹ trẻ tuổi tên là Alexis de Tocqueville đã đi khắp nước Mỹ để chuẩn bị cho bản báo cáo chính thức về hệ thống nhà tù của Mỹ sẽ được trình lên chính phủ Pháp. Tuy nhiên, mối quan tâm thực sự của anh ta lại là môi trường xã hội và chính trị ở Tân Thế giới. Ở đây, anh ta tìm thấy nhiều thứ khiến bản thân rất ngưỡng mộ nhưng đồng thời anh ta cũng theo dõi những sự việc mà mình cho rằng chúng là mầm mống của sự sụp đổ. Sau một năm, anh ta trở về Pháp và bắt đầu viết một bộ sách bốn tập phân tích về những điểm mạnh và điểm yếu mà bản thân nhận thấy. Những lời khuyên của Alexis rất đáng quan tâm và bộ sách có tựa đề “Nền dân chủ ở Mỹ” (Democracy in America) cho đến nay vẫn là một trong số những tác phẩm kinh điển trong giới khoa học chính trị. Sau đây là một phần trong tác phẩm đã được máy tính của chúng ta ghi lại: Theo người Mỹ, ở mỗi bang, quyền lực tối cao phải do người dân nắm giữ, nhưng một khi quyền lực ấy đã được hình thành thì họ cho rằng nó có sức mạnh vô biên và có quyền làm bất cứ điều gì nó muốn… Ý tưởng về quyền cá nhân vốn vẫn tồn tại trong mỗi con người nhanh chóng biến mất, thay vào đó là ý thức về quyền lực tối thượng và duy nhất của xã hội… Điều đầu tiên đập vào mắt tôi là sự đông đúc không thể tả nổi, tất cả đều na ná như nhau. Họ nỗ lực không ngừng để kiếm tìm những thú vui vụn vặt tầm thường để lấp đầy cuộc sống của mình. Mỗi người trong số họ là một bản thể riêng biệt và xa lạ đối với tất cả những người khác. Trên ốc đảo của anh ta chỉ có con cái và bạn bè thân thiết mà thôi… Trên tất cả những bon chen của con người là một thứ quyền lực giám hộ vô biên. Nó bảo vệ niềm tin của họ và dõi theo số phận của họ. Đó là thứ quyền lực tuyệt đối, sát sao, chuẩn mực, ôn hòa và nhìn xa vào tương lai. Nó giống như thứ quyền lực của một người cha, người mẹ khi chuẩn bị hành trang cho đứa con bước vào đời nhưng ngược lại cũng luôn tìm cách để giữ chúng hồn nhiên như trẻ nhỏ: nó khuyên mọi người nên tận hưởng và không lo nghĩ bất cứ điều gì khác. Sau khi đã kiểm soát hoàn toàn từng cá nhân trong xã hội bằng quyền năng của mình và nhào nặn họ theo ý muốn, thứ quyền lực tối thượng này sẽ vươn cánh tay ra toàn bộ xã hội. Nó bao trùm phần bề mặt của xã hội bằng một mạng lưới những luật lệ, quy chuẩn nhỏ nhặt và phức tạp. Tấm lưới đó sẽ lọc ra những bộ óc nguyên sơ nhất và những tính cách năng động nhất không bị nó tác động để đứng trên đám đông. Ý chí con người không thể phá vỡ, nhưng nó rất mềm, dễ uốn nắn và dẫn dắt. Con người hiếm khi bị nó ép buộc phải hành động nhưng họ lại luôn luôn thận trọng trước khi làm gì đó. Thứ quyền lực ấy không phá hủy nhưng ngăn cản sự tồn tại của một người; không đàn áp, cai trị anh ta nhưng lại dồn nén, khiến anh ta kiệt sức, mệt mỏi, sống vật vờ, u mê… cho đến khi cả đất nước biến thành một vườn thú với những con vật nhút nhát và cần mẫn mà chính phủ là những người chăn nuôi chúng. Những người trong thời đại chúng ta luôn bị kích động bởi hai cảm giác mâu thuẫn với nhau: họ vừa muốn được dẫn dắt vừa muốn được tự do. Vì không thể xóa bỏ một trong hai cảm giác đó nên họ cố gắng thỏa mãn cả hai cùng một lúc. Họ thiết lập nên một hệ thống chính quyền duy nhất, có quyền lực vạn năng và có thể che chở cho họ nhưng các nhà lãnh đạo phải do họ bầu ra. Họ áp dụng nguyên tắc “tập trung”, điều này khiến họ thấy hài lòng: họ tự cho rằng mình đang được che chở bởi những người do họ chính chọn ra. Mỗi người tự cho phép mình ỷ lại, dựa dẫm vào chính phủ vì anh ta thấy rằng ở cuối cái dây thừng mà anh ta đang ngoan ngoãn đi theo không phải là một cá nhân hay một tầng lớp nào mà là toàn thể xã hội. Với hệ thống này, con người chỉ có thể tách khỏi chính phủ trong một thời gian đủ dài để họ có thể lựa chọn ra một ông chủ khác và lại tiếp tục dựa dẫm.[4] GIÁO DỤC NHƯ MỘT CÔNG CỤ ĐỂ KIẾN THIẾT CON NGƯỜI Tờ giấy in thứ ba là một bản báo cáo do ủy ban Giáo dục phổ cập xuất bản năm 1904. Đây là một trong những tổ chức đầu tiên được thành lập bởi Hầu tước John D. Rockeffeler. Mục đích của tổ chức này là sử dụng quyền lực của đồng tiền để tác động lên hướng đi của ngành giáo dục, đặc biệt là phát triển ý thức hệ của chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa quốc tế, chứ không phải để tăng chất lượng giáo dục của Mỹ như lúc bấy giờ nhiều người vẫn tin tưởng. Họ sử dụng các phòng học để rao giảng những tư tưởng khuyến khích mọi người trở nên thụ động và dễ phục tùng những luật lệ mà chính phủ đặt ra. Mục tiêu của họ từ trước tới giờ là tạo ra những công dân được giáo dục ở một mức độ vừa đủ để làm việc với năng suất cao dưới sự giám sát của người khác, nhưng lại chưa đủ để chất vấn nhà chức trách hay tìm cách leo lên tầng lớp lãnh đạo. Nền giáo dục chân chính chỉ dành riêng cho những cậu ấm cô chiêu mà thôi. Đối với số còn lại, sẽ tốt hơn nếu ngành giáo dục cho ra đời những công nhân lành nghề không khao khát gì hơn là tận hưởng cuộc sống của mình. Thế là đủ, như Tocqueville đã viết: “Mọi người nên tận hưởng và không lo nghĩ bất cứ điều gì khác.” Trong ấn phẩm đầu tiên của ủy ban Giáo dục phổ cập, Fred Gates đã giải thích về kế hoạch của tổ chức như sau: Chúng tôi mơ ước có được những nguồn lực vô hạn, muốn mọi người sẽ tìm đến chúng tôi với một tính cách dễ bảo và để bàn tay của chúng tôi uốn nắn họ. Chúng tôi không quan tâm đến mọi quy tắc giáo dục hiện nay mà chỉ làm những gì chúng tôi cho là tốt đối với những người nông dân chất phác và biết nghe lời. Chúng tôi sẽ không cố gắng biến những người này cũng như bất cứ ai trong số con em của họ trở thành những triết gia hay nhà khoa học. Chúng tôi không khuyến khích họ trở thành những tác giả, nhà biên tập, nhà thơ hay nhà văn. Chúng tôi không định tìm kiếm những mầm non nghệ sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ hay luật sư, bác sĩ, diễn giả, chính trị gia - chúng ta đã có quá nhiều những người như vậy rồi. Nhiệm vụ mà chúng tôi tự đặt ra cho mình rất đơn giản nhưng cũng rất đẹp đẽ: Đào tạo những con người mà chúng tôi gặp để họ có thể thích nghi tuyệt đối với cuộc sống của họ… ở nhà, ở cửa hàng và ở trang trại.[5] TRỞ VỀ TƯƠNG LAI Chúng ta đang cầm trên tay tờ giấy thứ tư. Đây là một bài văn trào phúng - đồng thời là một lời cảnh báo. Vào năm 1949, George Orwell viết một cuốn tiểu thuyết cổ điển với tựa đề 1984. Trong đó, ông phác họa ra những cảnh tượng “tương lai” y hệt như những gì chúng ta đang thấy trước mắt. Có vẻ như sai sót duy nhất mà ông mắc phải đó là năm mà ông đã lấy làm tựa đề cuốn tiểu thuyết. Nếu ông viết nó ở hiện tại, chắc hẳn ông sẽ đặt tên nó là 2054. Orwell miêu tâ thế giới tương lai được chia làm ba phần: Oceania, Eurasia và Eastasia. Oceania bao gồm Mỹ, Anh, Úc và Quần đảo Đại Tây Dương; Eurasia bao gồm Nga và lục địa châu Âu; Eastasia bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Á và Ấn Độ. Các siêu lục địa này liên tục gây chiến với nhau. Mục đích chính của những cuộc chiến này không phải là để hạ gục kẻ thù mà để giành quyền kiểm soát dân số thế giới. Người dân ở cả ba vùng lãnh thổ đều chịu đựng đói nghèo và áp bức vì họ cho rằng trong thời chiến cần phải chấp nhận hy sinh. Đa số âm mưu kế sách được nói đến trong tài liệu tuyệt mật “Bản báo cáo tờ Núi Sắt” (The Report from Iron Mountain) đều được tìm thấy trong tiểu thuyết của Orwell, có điều Orwell mô tả chúng trước. Thậm chí các chuyên gia cố vấn của bản báo cáo này còn sẵn sàng ghi nhận Orwell là tác giả của một số ý tưởng trong tài liệu. Ví dụ, về đề tài thiết lập một hệ thống cai trị nô lệ hiện đại và phức tạp, nhóm chuyên gia của Núi Sắt nói rằng: Cho đến bây giờ, ý tưởng này vẫn chỉ có trong những cuốn tiểu thuyết, đặc biệt là những tác phẩm của Wells, Huxley, Orwell và một số tác giả khác viết về đề tài xã hội viễn tưởng trong tương lai. Tuy nhiên, sau khi ra đời, hai tác phẩm Brave New World và 1984 dường như ngày càng chứng tỏ được rằng những sự tưởng tượng trong đó không hề xa vời chút nào. Sự kết hợp giữa chế độ nô lệ và những nền văn hóa tiền công nghiệp cổ lai hy không thể nào làm chúng ta tin rằng nó có thể thích nghi với những mô hình tổ chức xã hội tiên tiến.[6] Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng cuốn tiểu thuyết của Orwell không chỉ đơn thuần là một cuốn sách giải trí. Nó liên quan đến chuyến du hành mà chúng ta đang tham gia. Những vị chủ nhân tương lai của chúng ta nên nghiên cứu về tác giả này thật tỉ mỉ. Cả chúng ta cũng vậy. Sau đây là một đoạn trong tác phẩm của ông: Chiến tranh xảy ra liên miên giữa ba siêu lục địa này trong suốt hai mươi lăm năm qua. Tuy nhiên, nó không còn khủng khiếp và mang tính hủy diệt như những gì loài người đã từng được chứng kiến trong những thập niên trước của thế kỉ 20… Nói như thế không có nghĩa là cách thức loài người tiến hành những cuộc chiến hay các quan điểm, tư tưởng phổ biến về chúng đã bớt khát máu hơn hoặc có vẻ rộng lượng hơn. Ngược lại, tất cả các quốc gia trên thế giới không ngừng tỏ rõ sự hiếu chiến của mình. Những hành động bố ráp, cướp phá, tàn sát trẻ em; dân số ngày càng giảm vì chết đói; những vụ trả đũa lẫn nhau nhắm vào các tù nhân bằng cách đem chôn người sống đang được coi là chuyện hết sức bình thường… Mục đích chính của chiến tranh ngày nay… là tiêu thụ bớt những sản phẩm do máy móc tạo ra mà không nâng cao mức sống của người dân. (Từ “máy móc” ý nói khả năng sản xuất ra hàng hóa bằng thiết bị kỹ thuật và công nghiệp của xã hội)… Từ lần đầu tiên máy móc xuất hiện cho đến nay, rõ ràng tất cả mọi người đều cho rằng loài người sẽ không cần lao động cực nhọc nữa, và từ đó tình trạng bất công trong xã hội cũng sẽ biến mất. Nếu như máy móc được sử dụng một cách cẩn trọng để đạt được kết quả cuối cùng như vậy thì tình trạng đói kém, lạm dụng sức lao động, ô nhiễm, mù chữ và bệnh dịch có thể bị xóa sổ chỉ sau một vài thế hệ mà thôi… Nhưng có một sự thật rõ ràng khác là thế giới ngày càng trở nên giàu có đã đe dọa sẽ hủy diệt xã hội có sự phân chia thứ bậc - trong một vài trường hợp từ “hủy diệt” được dùng đúng với nghĩa đen của nó. Trong một thế giới mà tất cả mọi người đều chỉ phải làm việc vài tiếng một ngày nhưng vẫn đủ ăn đủ tiêu, ở trong một ngôi nhà có một phòng tắm, một tủ lạnh, sở hữu một chiếc xe ô tô hoặc thậm chí có hẳn một cái máy bay, thì những sự bất bình đẳng dễ nhận thấy nhất và có lẽ là quan trọng nhất hẳn nhiên sẽ bị xóa bỏ. Một khi sự giàu có đã trở thành điều bình thường thì nó sẽ không còn tạo ra sự khác biệt giữa người với người nữa… Một xã hội có giai cấp sẽ không thể nào tồn tại bền vững. Giả sử tất cả mọi người đều ngồi mát ăn bát vàng và được bảo vệ tuyệt đối thì sẽ xuất hiện vô số những con người trước đây vì nghèo túng nên u mê, dốt nát giờ đây sẽ biết chữ và có thể tự suy nghĩ cho bản thân. Khi đó, chẳng sớm thì muộn họ cũng sẽ nhận ra rằng giai cấp thống trị với đủ thứ đặc quyền đặc lợi kia thực ra không làm được trò trống gì cả, và họ sẽ gạt phăng giai cấp này đi. Kết quả là, một xã hội có sự phân chia giai cấp chỉ có thể tồn tại trên nền tảng là sự đói nghèo và ngu dốt. Có chiến tranh tất phải có sự hủy diệt. Không nhất thiết phải là những tổn hại về sinh mạng con người mà có thể là hàng hóa hay sức lao động, chiến tranh có thể phá tan mọi thứ, chôn vùi tất cả xuống ba thước đất hay nhấn chìm thế giới xuống biển sâu. Tuy nhiên, chiến tranh cũng có thể mang lại một cuộc sống dễ chịu hơn cho người dân và từ đó mang lại tri thức cho họ… Trên thực tế, nhu cầu của con người bao giờ cũng bị đánh giá không đúng mức, kết quả là luôn có đến một nửa số nhu yếu phẩm cho đời sống của người dân không được đáp ứng đầy đủ. Tuy nhiên đây cũng được coi là một lợi thế. Nó là một chính sách được tiến hành từng bước nhằm giữ những nhóm người có đặc quyền cũng luôn ở bên bờ vực của sự khốn khó vì tình trạng khan hiếm chung sẽ khiến những đặc quyền nhỏ cũng trở nên quan trọng hơn, khuếch đại những khác biệt giữa các nhóm người… chính sách này bao trùm lên toàn bộ thành phố, ở đó chỉ cần một đàn ngựa thôi cũng đã tạo nên ranh giới giữa giàu có và bần hàn. Mặt khác, trong thời buổi chiến tranh, tai ương sẵn sàng đổ xuống đầu bất cứ lúc nào nên việc chuyển giao mọi quyền lực vào tay một nhóm nhỏ là điều tất yếu phải xảy ra nếu muốn tồn tại được… Rồi người ta sẽ thấy rằng chiến tranh không chỉ gây ra những sự hủy diệt tất yếu mà còn gây ra những thiệt hại có thể chấp nhận được về mặt tâm lý. Trên nguyên tắc, việc thế giới xây dựng những đền đài và kim tự tháp, đào lên lấp xuống, sản suất ra một khối lượng hàng hóa khổng lồ để rồi châm một mồi lửa và thiêu rụi chúng quả là một sự lãng phí lao động thặng dư rất lớn. Thế nhưng những sự lãng phí chỉ giúp nền kinh tế phát triển chứ không thể tạo nên nền tảng tinh thần của chế độ xã hội giai cấp. Rồi người ta sẽ thấy rằng chiến tranh giờ đây chỉ đơn thuần là cuộc tranh giành nội bộ… do các nhóm thống trị tiến hành nhằm chống lại những đối thủ của riêng họ. Mục tiêu của chiến tranh không phải để xâm lược lãnh thổ hay ngăn chặn điều đó nữa mà để duy trì cấu trúc xã hội.[7] VAI TRÒ CỦA SỰ LÃNG PHÍ TRONG CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI HIỆN ĐẠI Một lần nữa, rõ ràng câu chuyện tưởng tượng có phần tàn nhẫn của Orwell chính là hình mẫu cho cuốn Báo cáo từ Núi Sắt. Những người đã vạch ra kế hoạch cho tương lai của chúng ta nói rất dài dòng về giá trị của sự lãng phí một cách có chủ ý, coi nó như những phương tiện để ngăn cản người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Họ viết: Sản phẩm mà những vũ khí hủy diệt hàng loạt để lại luôn luôn đi kèm với sự “lãng phí” về kinh tế. Từ “lãng phí” ở đây mang nghĩa xấu vì nó cho thấy một chức năng nào đó của xã hội đã thất bại. Tuy nhiên, không một hành động nào của con người được coi là lãng phí nếu như nó đạt được mục tiêu tùy theo tình hình cụ thể. Những “lãng phí” về mặt quân sự thực sự có ích cho xã hội…. Trong những xã hội dân chủ tiến bộ hiện đại, hệ thống chiến tranh được xem như thành trì cuối cùng để bảo vệ những giai cấp xã hội cần phải tồn tại. Khi năng suất của nền kinh tế đã ngày càng bỏ xa nhu cầu tối thiểu thì việc duy trì những mô hình phân phối sao cho giai cấp “cùng đinh” không biến mất quả là khó khăn. Bản chất tùy tiện của những khoản chi tiêu trong chiến tranh và những hoạt động quân sự khác đã biến chúng trở thành những công cụ lý tưởng nhất để kiểm soát các mối quan hệ chính giữa các giai cấp trong xã hội. Người ta cần phải đảm bảo chiến tranh không bao giờ chấm dứt vì mục tiêu tối thượng là duy trì bất cứ mức độ nghèo đói nào mà một hình thái xã hội cần phải có để tồn tại và phát triển cũng như giữ vững cơ cấu quyền lực nội bộ của nó.[8] Những tài liệu ghi chép về quá khứ và một tương lai được tưởng tượng ra có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hiện tại. Bỗng nhiên tất cả mọi khoản lãng phí của chính phủ trở nên hợp lý và có logic. Không hề ngớ ngẩn chút nào khi chính phủ trả tiền cho nông dân để họ phá hủy mùa màng của mình; hay bỏ ra hàng tỉ đô-la để mua những loại vũ khí không bao giờ trưng dụng hoặc chỉ đụng đến trong một vài trường hợp nhưng cũng không khai thác hết công dụng; hoặc tài trợ cho những nghiên cứu về đời sống tình dục của loài muỗi xê-xê; hoặc cấp tiền cho các tay chụp ảnh khiêu dâm hành nghề như những nghệ sĩ thực thụ. Mục đích quan trọng hơn cả đằng sau tất cả những việc làm vô ích kia chính là để tiêu phí các nguồn lực quốc gia. Rõ ràng, cho đến bây giờ sự xuống dốc của tiêu chuẩn sống ở các nước phương Tây đang gắn liền với khoảng cách ngày càng rộng hơn giữa người giàu và người nghèo. Tuy nhiên, ít ai biết được sự thật là những điều này là một phần của kế hoạch đã vạch ra. Với mục đích này, sự chi tiêu vô cùng hoang phí của chính phủ không phải là một hệ quả không may, đó là mục tiêu. Điều này dẫn chúng ta quay trở lại với việc tìm kiếm một giải pháp có thể chấp nhận được để thay thế cho chiến tranh, chiến tranh không chỉ gây ra lãng phí vô cùng lớn mà nó còn là động lực lớn lao cho những hành động của con người. Như Orwell đã nói, sự lãng phí trong thời bình “chỉ giúp nền kinh tế phát triển chứ không thể tạo nên nền tảng tinh thần của chế độ xã hội giai cấp”. Liệu mô hình ô nhiễm môi trường có thể thúc đẩy hành động của con người một cách hiệu quả đủ để thay thế cho chiến tranh hay không? Đây không phải là một giả định chắc chắn, chúng ta không thể loại trừ khả năng chiến tranh sẽ xảy ra trong tương lai. Mô hình ô nhiễm môi trường chưa được chứng minh một cách toàn diện. Nó có thể tỏ ra hiệu quả trong một phạm vi nhất định và đối với một số mục đích nhất định nhưng không ai dám chắc nó có thể tạo ra một không khí kích động ngang với một cuộc chiến tranh hay không. Các nhà hoạch định thế giới sẽ không bỏ qua lợi ích của chiến tranh cho đến khi chứng minh được tác dụng của mô hình mới sau rất nhiều năm nữa. Về điểm này, Báo cáo từ Núi Sắt đã nhấn mạnh: Khi được hỏi phải chuẩn bị gì cho một kỷ nguyên hòa bình, chúng tôi phải trả lời một cách rất thẳng thắn và mạnh mẽ rằng hệ thống chiến tranh không được phép biến mất cho đến khi: (1) chúng ta biết chính xác hệ thống nào sẽ thay thế nó, và (2) chúng ta chắc chắn rằng những cơ chế thay thế này sẽ phục vụ mục đích của chúng ta, đó là sự tồn tại của giống nòi và sự bền vững của xã hội… Tại thời điểm này, không ai dám chắc liệu thế giới có khi nào được sống trong hòa bình hay không. Và có một điều còn đáng suy nghĩ hơn nữa… đó là người ta có còn khao khát hòa bình nếu như đạt được nó một cách dễ dàng.[9] CHỦ NGHĨA ĐỊA PHƯƠNG NHƯ LÀ SỰ CHUYỂN TIẾP SANG CHÍNH PHỦ THẾ GIỚI Từ trước khi chúng ta khởi động cỗ máy thời gian, các quốc gia trên thế giới đã liên kết lại thành ba siêu quốc gia một cách rõ rệt. Bước đầu, ba liên minh này được hình thành trên cơ sở lợi ích kinh tế rồi đến chính trị và quân sự. Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Nga, khởi đầu với sự ra đời của đồng tiền chung và cuối cùng hợp nhất thành một chính phủ khu vực. Đó chính là Eurasia của Orwell mặc dù EU đã tránh lấy cái tên đó. Canada, Hoa Kỳ, Mê-hi-cô và Nam Mỹ chính là bộ khung của Oceania với đồng tiền chung là đồng tiền có chứng chỉ của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Federal Reserve Note). Bộ ba Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ chính là trung tâm của Eastasia với hệ thống tiền tệ hoạt động dựa trên đồng Yên Nhật. Nhật Bản đã trở thành kẻ đối đầu với phương Tây vì giờ đây thương mại không còn là lợi thế độc quyền của các quốc gia này nữa. Trung Quốc phát triển nhờ trợ cấp và sự giúp đỡ về mặt công nghệ của phương Tây. Ấn Độ cũng được các nước phương Tây chuyển giao công nghệ nguyên tử. Ngay từ những năm 1980, bộ ba này đã được biết đến là “Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á”. Công dân của các quốc gia cũ vẫn chưa chuẩn bị cho một bước nhảy vọt để gia nhập chính phủ chung cho toàn thế giới. Họ cần được dẫn dắt từng bước một, những bước đi ngắn hơn và khiến họ ít cảm thấy sợ hãi hơn. Mọi người sẽ sẵn sàng hơn nếu phải hy sinh sự độc lập về mặt kinh tế và quân sự để tham gia vào những nhóm quốc gia gần gũi về tôn giáo và cội nguồn văn hóa, có chung đường biên giới. Sẽ phải mất vài thập kỉ chuyển đổi mới để có thể đi đến bước sáp nhập cuối cùng. Trong thời gian chờ đợi, thế giới cứ bị đẩy qua đẩy lại giữa chiến tranh và hòa bình. Cứ sau mỗi cuộc chiến, mọi người lại cảm thấy sợ hãi hơn, túng quẫn hơn và phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn. Cuối cùng, một chính phủ chung cho toàn thế giới là điều không thể tránh khỏi. Đến lúc đó, mô hình “ô nhiễm môi trường” và mô hình “xâm lược của người ngoài hành tinh” đã đạt đến độ hoàn hảo để thúc đẩy hành động của con người lên những mức độ cao hơn. Nhưng ngay cả trong trường hợp này, đôi khi người ta cũng tiến hành những vụ nổi dậy trong các vùng nếu thấy cần phải có cái gì đó để chứng minh cho sự đúng đắn và cần thiết của những hoạt động “gìn giữ hòa bình” rầm rộ. Chiến tranh không bao giờ chấm dứt hoàn toàn. Nó cần thiết cho sự bền vững của một xã hội, như vốn dĩ từ trước đến giờ vẫn thế. TƯƠNG LAI SẼ ĐƯỢC XÁC ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO? Bây giờ chúng ta hãy cùng quay trở về hiện tại - điểm xuất phát của chuyến đi và suy ngẫm về cuộc hành trình của mình. Điều đầu tiên xuất hiện trong đầu là chúng ta không thể chắc chắn rằng tương lai sẽ diễn ra đúng như những gì chúng ta đã được chứng kiến. Có quá nhiều thứ không thể lường trước được. Khi khởi hành, trên bàn điều khiển chúng ta đã chỉnh phím Giả định cơ bản đến Những xu hướng hiện tại chưa bị thay đổi và để nguyên phím Giả định thứ cấp. Nó chỉ đến Khủng hoảng ngân hàng. Nếu như ta chọn địa điểm tiếp theo Không xảy ra khủng hoảng ngân hàng thì chắc hẳn chuyến đi của chúng ta sẽ khác, chúng ta sẽ không nhìn thấy từng hàng dài những người gửi tiền ngân hàng, cảnh mọi người hoang mang và đổ xô đến các cửa hàng để mua đồ hay sự đóng cửa của thị trường chứng khoán. Nhưng rồi trong một tương lai xa hơn, chúng ta vẫn sẽ được chứng kiến những cảnh tượng tràn đầy sự thất vọng như vậy mà thôi, chúng ta vẫn đi đến cùng một điểm, chỉ là bằng một con đường khác với những sự kiện khác. Những thế lực đang lái xã hội của chúng ta đến chế độ độc tài toàn cầu không hề thay đổi, dù chỉ một chút. Các bộ máy xét xử vẫn hoạt động. Hội đồng xét xử các quan hệ đối ngoại vẫn tồn tại trong các trung tâm quyền lực của chính phủ và giới truyền thông. Và các cử tri của chúng ta vẫn không hề hay biết về những gì người ta đang làm đối với họ, và vì thế, họ không có khả năng kháng cự. Thông qua các hiệp ước về môi trường và kinh tế hay những cuộc giải giáp vũ khí quân sự được các nước cam kết với Liên Hợp quốc, chúng ta vẫn nhìn thấy tình trạng khẩn cấp của một ngân hàng trung tâm thế giới được ban bố, một chính phủ thế giới và một quân đội thế giới được thành lập để thực thi những mệnh lệnh của tổ chức này. Lạm phát và những biện pháp kiểm soát lương/giá vẫn sẽ tỉ lệ thuận với nhau, khiến hàng hóa tiêu dùng ngày càng cạn kiệt và đẩy loài người vào cảnh lệ thuộc. Thay vì đi đến Trật tự Thế giới mới qua hàng loạt cuộc bùng nổ kinh tế, chúng ta sẽ đến đó trên một con đường ít bạo lực hơn. Người ta không mảy may nghi ngờ rằng những ông chủ của thế giới, những người hoạch định thế giới thích đi trên những con đường rải nhiều hoa hồng hơn. Cứ “từ từ mà tiến” có lẽ sẽ bớt rủi ro hơn. Nhưng không phải mọi thứ đều ở trong tầm kiểm soát của họ. Các sự kiện có thể nằm ngoài khả năng của họ và những thế lực kinh tế to lớn có thể bỗng chốc không còn tác dụng. Khủng hoảng ngân hàng có thể xảy ra ngay cả khi người ta không chủ ý tạo nên nó. Mặt khác, bè đảng Âm mưu cũng biết rằng những cuộc khủng hoảng rất hữu ích trong việc “lùa” đám đông vào “trại” nhanh hơn khi những biện pháp khác. Do đó, thời đại nào người ta cũng không thể không áp dụng một số dạng khủng hoảng được hoạch định một cách có khoa học. Khủng hoảng có thể diễn ra theo nhiều kiểu: bạo lực tôn giáo, khủng bố, bệnh dịch, và thậm chí chính chiến tranh. Nhưng tất cả đều đưa đến một kết quả giống nhau. Chuyến đi của chúng ta sẽ không vì một dạng khủng hoảng nào mà bị chệch hướng. Nó chỉ quyết định con đường cụ thể mà chúng ta sẽ đi. Như dòng chảy của một con sông, nó có thể chuyển hướng do những vật cản tự nhiên hoặc do kênh rạch, bờ kè, đập ngăn nước mà con người dựng nên nhưng cuối cùng nó cũng đổ ra biển lớn. Từ đó, chúng ta đi đến kết luận rằng khủng hoảng ngân hàng hay bất cứ sự kiện chấn động nào khác diễn ra cũng không phải là điều quan trọng cho lắm. Đây chính là những giả định thứ cấp và chúng hoàn toàn vô nghĩa. Để ngăn chặn chế độ phong kiến mới sẽ xảy ra trong tương lai, điều duy nhất chúng ta hy vọng có thể làm được là thay đổi giả định Cơ bản. Chúng ta phải thay đổi nó thành Những xu hướng hiện tại đã đảo chiều. TỔNG KẾT Một viễn cảnh ảm đạm về những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai gồm có một cuộc khủng hoảng ngân hàng, theo sau nó là một gói cứu trợ khẩn cấp của chính phủ và việc quốc hữu hóa tất cả các ngân hàng. Cái giá phải trả cuối cùng khiến người ta phải choáng váng, được thanh toán bằng những đồng tiền do Cục Dự trữ Liên bang tạo ra và được đưa vào lưu thông trên thị trường dưới hình thức lạm phát. Tỷ lệ lạm phát ngày một tăng lên do sự mở rộng không ngừng của các chương trình trợ cấp phúc lợi xã hội, xã hội hóa y tế, các chương trình hỗ trợ và lãi suất phát sinh từ nợ quốc gia. Cuối cùng đồng đô-la bị phế truất, rời khỏi vị trí là đồng tiền thực chung cho thế giới. Hàng tỉ tỉ đô-la được các nhà đầu tư nước ngoài gửi trả cho Hoa Kỳ bằng cách chuyển chúng thành các tài sản hữu hình càng nhanh càng tốt. Việc này khiến lạm phát trở nên trầm trọng hơn nữa. Sức ép từ lạm phát quá lớn, đến nỗi ngành công nghiệp và thương nghiệp bị ngừng trệ. Hình thức hàng đổi hàng trở thành phương tiện để trao đổi. Mỹ gia nhập hàng ngũ những quốc gia bị suy thoái của Nam Mỹ, châu Phi và châu Á - nền kinh tế của tất cả những nước này đều rơi vào tình trạng sa lầy như nhau. Các chính trị gia đã chộp lấy cơ hội này và kiến nghị những cải cách triệt để. Những biện pháp này chính xác là nguyên nhân đã tạo nên khủng hoảng: mở rộng quyền lực của chính phủ, các cơ quan có chức năng điều tiết hoạt động xã hội mới, nhiều quy tắc, luật lệ được đưa ra để thắt chặt tự do. Nhưng thời gian này, các chương trình bắt đầu mang tầm vóc quốc tế. Đồng đô-la Mỹ được thay thế bằng đồng tiền Liên Hợp quốc mới, Cục dự trữ Liên bang trở thành một chi nhánh của IMF/WB. Giao dịch điện tử thay thế cho tiền mặt và tài khoản séc, cho phép các cơ quan của UN giám sát tất cả hoạt động tài chính của từng người dân. Một loại thẻ căn cước có thể đọc bằng máy được sử dụng nhằm mục đích này. Nếu một cá nhân bị bất cứ cơ quan chính phủ nào liệt vào “danh sách đen” thì thẻ căn cước của anh ta sẽ không sạch và anh ta bị cấm tiến hành tất cả các giao dịch kinh tế cũng như đi lại. Đây là quyền kiểm soát tối cao. Tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng trên đường phố chính là lý do để chính phủ ban bố tình trạng thiết quân luật. Người dân rất vui mừng khi nhìn thấy binh lính Liên Hợp quốc kiểm tra thẻ căn cước. Chế độ dùi cui xuất hiện dưới danh nghĩa bảo đảm sự an toàn của nhân dân. Cuối cùng, tất cả nhà ở của tư nhân đều bị chính phủ tiếp quản. Đây là kết quả của gói cứu trợ ngành kinh doanh thế chấp nhà. Tương tự với tài sản cho thuê vì các ông chủ bà chủ cũ không có khả năng chi trả các khoản thuế tài sản nữa. Người dân được phép ở lại trong những căn nhà này với giá cả vừa phải, hoặc không mất đồng nào. Rốt cuộc người ta cũng nhận ra rằng giờ đây chính phủ là người sở hữu tất cả những ngôi nhà và căn hộ đó. Mọi người đang còn được sống ở đó là nhờ vào sự rộng lượng của chính phủ mà thôi. Họ có thể bị đẩy ra đường bất cứ lúc nào. Lương bổng và giá cả được kiểm soát. Những thành phần chống đối bị thay thế bởi các quân đoàn lao động. Không ai ngoài tầng lớp tinh hoa đang cai trị thế giới được phép đi lại bằng xe hơi. Phần đông những người còn lại được cung cấp các phương tiện vận chuyển công cộng. Những công nhân có tay nghề hạn chế sống trong nhà của chính phủ, cách xa nơi họ bị chỉ định phải làm việc. Loài người bị đẩy xuống tầng lớp bị áp bức bóc lột, trở thành nô lệ cho các ông chủ của họ. Cái xã hội mà họ đang sống chính là chế độ phong kiến công nghệ cao. Không gì có thể đảm bảo rằng tương lai sẽ diễn ra đúng như những gì chúng ta vừa nói trên vì có quá nhiều thứ có thể thay đổi. Ví dụ, nếu chúng ta giả định rằng sẽ không có một cuộc khủng hoảng ngân hàng nào thì chuyến đi của chúng ta đã khác, chúng ta sẽ không nhìn thấy từng hàng dài những người có tiền gửi ngân hàng, cảnh mọi người hoang mang và đổ xô đến các cửa hàng để mua đồ hay sự đóng cửa của thị trường chứng khoán. Nhưng rồi trong một tương lai xa hơn, chúng ta vẫn sẽ được chứng kiến những cảnh tượng tràn đầy sự thất vọng như vậy mà thôi, chúng ta đi đến cùng một điểm, chỉ là bằng một con đường khác với những sự kiện khác vì các thế lực đang lái xã hội của chúng ta đến chế độ độc tài toàn cầu không hề thay đổi, dù chỉ một chút. Các bộ máy xét xử vẫn hoạt động. Hội đồng xét xử các quan hệ đối ngoại vẫn tồn tại trong các trung tâm quyền lực của chính phủ và giới truyền thông. Và các cử tri của chúng ta vẫn chẳng hề hay biết về những gì người ta đang làm đối với họ, và vì thế, không có sức kháng cự. Thông qua các hiệp ước về môi trường và kinh tế hay những cuộc giải giáp vũ khí quân sự được các nước cam kết với Liên Hợp quốc, chúng ta vẫn nhìn thấy tình trạng khẩn cấp của một ngân hàng trung tâm thế giới được ban bố, một chính phủ thế giới và một quân đội thế giới được thành lập để thực thi những mệnh lệnh của tổ chức này. Lạm phát và những biện pháp kiểm soát lương bổng/giá cả vẫn sẽ được tỉ lệ thuận với nhau, khiến hàng hóa tiêu dùng ngày càng cạn kiệt và đẩy loài người vào cảnh lệ thuộc. Thay vì đi đến Trật tự Thế giới mới qua hàng loạt cuộc bùng nổ kinh tế, chúng ta sẽ đến đó trên một con đường ít bạo lực hơn.