Những Âm Mưu Từ Đảo Jekyll - Chương 26

Chương 26 VIỄN CẢNH THỰC TẾ Sau đây là những việc chúng ta phải làm nếu muốn tránh được viễn cảnh ảm đạm mà chúng ta vừa được chứng kiến; một loạt những biện pháp đặc biệt cần được tiến hành để ngăn chặn tình trạng in tiền ồ ạt, đánh giá về mức độ tồi tệ của tàn dư mà nền kinh tế sẽ để lại, và một danh sách những cá nhân còn trụ lại được và phát triển. Viễn cảnh ảm đạm mà chúng ta đã được chứng kiến ở chương trước là một thể loại tường thuật có thể khiến người ta bất mãn. Không ai muốn nghe thấy những điều như vậy, ngay cả khi đó là sự thật - hay chúng ta nên nói rằng đặc biệt khi đó là sự thật. Như Adlai Stevenson đã nói khi còn là ứng cử viên Tổng thống: “Cuộc chiến giữa ảo tưởng có thể chấp nhận được và thực tế không thể chấp nhận được thật là không công bằng. Người Mỹ là những con nghiện luôn muốn nghe tin tức tốt lành”. Vậy đâu là một viễn cảnh lạc quan cho tương lai của chúng ta - nơi mọi thứ trở nên tốt đẹp, nơi mà sau tất cả sự thịnh vượng sẽ lại ngự trị và con người sẽ được sống tự do? Thực ra, không khó khăn gì để xác định tương lai này. Bạn có thể tìm thấy nó ở đâu đó trong các trang báo bạn đọc hàng ngày. Đó là niềm tin chung của hầu hết các chính trị gia, chuyên gia và nhà bình luận thời sự. Nếu đó là điều mà bạn muốn nghe thì bạn đã và đang lãng phí rất nhiều thời gian để đọc cuốn sách này. Không có một viễn cảnh tươi sáng nào cả. Bánh xe sự kiện đã chuyển động quá xa con đường dẫn tới kết cục như vậy. Thậm chí nếu bây giờ chúng ta bắt đầu gây áp lực lên Quốc hội để buộc họ phải cắt giảm chi tiêu, giảm nợ ngân sách và thoát khỏi mớ bòng bong những hiệp định, hiệp ước với Liên Hợp quốc thì nhóm Âm mưu cũng không dễ gì nghe theo mà không kháng cự quyết liệt. Năm 1834, khi Ngân hàng thứ hai của Hoa Kỳ phải đấu tranh để tồn tại, Nicholas Biddle - người giữ trọng trách kiểm soát ngân hàng này - đã chủ ý gây nên càng nhiều thiệt hại cho nền kinh tế càng tốt rồi đổ hết tội lỗi lên các chính sách phản đối ngân hàng của Tổng thống Jackson. Bằng cách đột ngột thắt chặt tín dụng và thu hồi tiền tệ từ lưu thông, ông ta đã đẩy cả nước Mỹ vào suy thoái. Khi cuộc tấn công này lên đến đỉnh điểm, ông ta tuyên bố: “Tất cả các ngân hàng và công ty khác đều có thể phá sản nhưng Ngân hàng Trung ương của Hoa Kỳ thì không.”[1] Tổng thiệt hại mà Cục Dự trữ Liên bang ngày nay có thể gây ra còn lớn hơn gấp trăm lần như thế. Nếu chúng ta nghĩ rằng bè phái Âm mưu sẽ ngoan ngoãn từ bỏ quyền lực mà không thử áp dụng biện pháp như Biddle đã làm thì rõ ràng chúng ta chỉ đang tự lừa mình mà thôi, chúng ta phải công nhận rằng sẽ không ai thoát khỏi cuộc chiến này mà không bị sứt đầu mẻ trán. Cái gì cũng có giá của nó, và chính chúng ta đang phải trả giá cho những gì chúng ta đã làm. LÝ DO THỨ BẢY ĐỂ XÓA BỎ FED Cục Dự trữ Liên bang có vai trò gì trong tất cả những vấn đề này? Xin thưa rằng Cục Dự trữ Liên bang chính là điểm khởi đầu của bức tranh ảm đạm. Chuỗi sự kiện bắt đầu với đồng tiền pháp định được tạo ra bởi ngân hàng trung ương, tổ chức dẫn đến các khoản nợ chính phủ, khoản nợ này lại gây ra lạm phát, lạm phát sẽ hủy diệt nền kinh tế, một nền kinh tế bị hủy hoại sẽ bào mòn con người, đây là lý do để bào chữa cho việc quyền lực của chính phủ ngày càng lớn, và chúng ta sẽ nhìn thấy nước Mỹ đang đi đến đỉnh cao của chế độ cực quyền. Nếu chúng ta loại trừ được Cục Dự trữ Liên bang thì tương lai ảm đạm sẽ không xảy ra nữa. Đó chính là lý do thứ bảy và cũng là lý do cuối cùng để chúng ta xóa bỏ FED: Nó chính là công cụ của chế độ cực quyền. Nếu viễn cảnh bi quan quá ảm đạm trong khi viễn cảnh lạc quan lại quá hy vọng thì đâu mới là một tương lai mà chúng ta nên kỳ vọng? Câu trả lời là một viễn cảnh thực tế - điểm trung bình giữa sự bi quan và lạc quan. Việc gọi nó là một viễn cảnh thực tế không có nghĩa là chúng ta mặc định nó sẽ phải xảy ra hoặc có thể xảy ra. Nó chỉ có tính thực tế trong trường hợp một số điều kiện nhất định được thỏa mãn. Chúng ta sẽ dành trọn phần còn lại của cuốn sách này để phân tích những điều kiện đó. Hãy bắt đầu bằng việc để cho các đối thủ của chúng ta -trường phái Hoài nghi chủ nghĩa - chỉ ra khó khăn mà chúng ta đang phải đối mặt: “Liệu có phải là thực tế không khi tin rằng những xu hướng hiện nay có thể đảo chiều? Không phải là quá ảo tưởng khi đến lúc này còn nghĩ rằng chúng ta có thể thực hiện bất cứ việc gì chúng ta cần để phá vỡ thế kiểm soát của CFR đối với chính phủ, truyền thông và giáo dục hay sao? Chúng ta có thực sự hy vọng rằng đám đông quần chúng dễ nhào nặn như đất sét kia có thể đi ngược lại với những gì mà báo đài, tạp chí, truyền hình và phim ảnh đang ra sức truyền bá không?” Những người có tư tưởng bàng quan cũng nhảy vào: “Hãy quên điều đó đi. Bạn không thể làm gì cả đâu. Toàn bộ tiền bạc và quyền lực đều đã nằm trong tay các ông chủ ngân hàng và chính trị gia rồi. Trò chơi đã kết thúc. Tốt hơn hết, bạn hãy lo tận hưởng cuộc sống của mình khi còn có thể.” Bạn đừng nghe những gì phái Hoài nghi chủ nghĩa và Bàng quan chủ nghĩa nói. Họ chính là tay chân của kẻ thù. Họ chỉ muốn bạn âm thầm gia nhập hàng ngũ và ngoan ngoãn nghe lời. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận một thực tế mà họ đã chỉ ra. Cuộc chiến đã đi quá xa và chúng ta đã ở một vị thế không tốt. Nếu muốn đảo ngược những xu hướng hiện nay thì chúng ta phải chuẩn bị cho một sự nỗ lực phi thường. Đó không đơn thuần là “Hãy viết tên vị Đại biểu Quốc hội của bạn”, “Bỏ phiếu vào thứ Ba”, “Hãy kí tên vào bản kiến nghị” hay “Hãy quyên góp cho chúng tôi”. Như vậy thì thật quá đơn giản! Những cách làm này vẫn có vai trò quan trọng trong kế hoạch tác chiến của chúng ta nhưng chúng không thể đáp ứng được những nhu cầu đặt ra. Các chiến dịch tranh cử xa rời thực tế bây giờ không còn sử dụng những chiêu bài này nữa. Trước khi nói về vấn đề sẽ phải nỗ lực theo kiểu nào, chúng ta hãy làm rõ những mục tiêu mà chúng ta cần đạt được. NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÊN LÀM Hãy bắt đầu bằng câu hỏi phủ định: những điều cần phải tránh là gì? Điều rõ ràng nhất trong danh sách này là chúng ta không được để chính phủ uống thêm những “toa thuốc” mà vì nó chúng ta đã mang bệnh, chúng ta không muốn tạo điều kiện để FED, Bộ Tài chính hay Tổng thống tiếp tục “tung hoành”, chúng ta cũng không cần thêm bất cứ cơ quan chính quyền nào nữa. Hiển nhiên chúng ta cũng không cần chính phủ ban hành thêm bất cứ điều luật nào thay thế những điều luật hiện nay. Cái chúng ta muốn là thu hẹp quyền lực của chính phủ chứ không phải là tạo điều kiện để họ bành trướng thêm. Chúng ta không muốn chỉ đơn thuần xóa bỏ FED để rồi mọi quyền lực lại rơi vào tay Bộ Tài chính. Đây chính là ý tưởng rất phổ biến của những người hiểu được vấn đề nhưng lại không nghiên cứu kĩ lịch sử hoạt động của ngân hàng trung ương, là đề tài muôn thuở của những người theo chủ nghĩa dân túy, ủng hộ cho cái gọi là Thuyết trái quyền Xã hội. Luận cứ mà họ đưa ra cho rằng Cục Dự trữ Liên bang được sở hữu theo hình thức cá nhân và hoạt động độc lập khỏi sự giám sát về chính trị. Ngoài Quốc hội, không một nhóm ngân hàng tư nhân nào có quyền ban hành đồng tiền quốc gia. Vì thế, hãy để Bộ Tài chính ban hành tiền giấy và tín dụng ngân hàng, như vậy chúng ta sẽ có tất cả tiền chúng ta muốn mà không phải trả một xu lãi suất cho các ngân hàng. Lý lẽ này rất thuyết phục, tuy nhiên, nó có những khe hở nghiêm trọng. Trước hết, khái niệm cho rằng FED thuộc quyền sở hữu tư nhân là một điều bịa đặt hợp pháp. Các ngân hàng thành viên của FED nắm giữ cổ phiếu nhưng những cổ phiếu này không có trọng lượng trong việc bỏ phiếu. Bất kể quy mô hoạt động hay lượng vốn đóng góp có lớn tới mức nào đi nữa thì mỗi ngân hàng cũng chỉ có một lá phiếu mà thôi. Và cổ phiếu không thể được mua bán. Các cổ đông không hề có một công cụ kiểm soát nào trong tay dù đóng vai trò là đồng sở hữu và trên thực tế, họ còn lệ thuộc vào Hội đồng quản trị trung tâm. Bảy thành viên của Hội đồng Thống đốc (Board of Governors) được Tổng thống chỉ định và Thượng nghị viện thông qua. Đúng là FED không hề chịu sự kiểm soát trực tiếp về mặt chính trị nhưng nó không bao giờ được phép quên rằng Quốc hội nắm quyền sinh sát đối với mình. FED không phải là một cánh tay của chính phủ nhưng cũng không hoàn toàn độc lập mà là sự pha trộn giữa hai thái cực này. Nó là một tổ chức gồm những ngân hàng thương mại lớn, được Quốc hội trao cho rất nhiều đặc quyền đặc lợi. Nói chính xác hơn, nó là một tập đoàn kinh tế ngân hàng (cartel) được luật pháp Liên bang bảo vệ. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là việc FED thuộc chính phủ hay tư nhân cũng không có gì khác nhau. Ngay cả khi nó hoàn toàn thuộc quyền sở hữu tư nhân đi chăng nữa thì sự tiếp quản của chính phủ cũng không hề làm thay đổi chức năng của tổ chức này. Nó vẫn được điều hành bởi những con người ấy và chức năng của nó vẫn là phát hành tiền để phục vụ các mục đích chính trị. Ngân hàng Anh chính là “ông ngoại” của các ngân hàng trung ương. Ban đầu, nó thuộc quyền sở hữu tư nhân nhưng rồi đã chính thức trở thành cánh tay đắc lực của chính phủ Anh. Nó vẫn tiếp tục hoạt động như một ngân hàng trung ương và về cơ bản không có gì thay đổi. Những ngân hàng trung ương của các nước công nghiệp hóa khác đều là cánh tay mặt của chính phủ mà họ đang phụng sự. Về mặt chức năng, chúng giống hệt FED. Những vấn đề kỹ thuật trong cơ cấu tổ chức và sở hữu của FED đều không quan trọng bằng chức năng của nó. Nếu chuyển FED cho Bộ Tài chính mà không tước bỏ chức năng của nó - tức là khả năng điều khiển nguồn cung tiền tệ - thì quả thực là chúng ta chỉ đang lãng phí thời gian vô ích. Đề xuất trao quyền phát hành tiền tệ quốc gia cho Bộ Tài chính cũng được đưa ra. Những người sở hữu FED sẽ không có vai trò gì trong việc này. Không có gì sai trái khi chính phủ liên bang phát hành tiền tệ, miễn là nó tuân thủ Hiến pháp và tôn trọng nguyên tắc trung thực. Hai rào cản này đã ngăn không cho Quốc hội phát hành tiền giấy nếu đồng tiền đó không được định giá 100% bằng vàng hay bạc. Nếu còn nghi ngờ về những lý lẽ đằng sau vấn đề này, bạn có thể quay lại chương 15 trước khi tiếp tục theo dõi những dòng tiếp theo. Sự thật là nếu Quốc hội có quyền in thêm bao nhiêu tiền tùy ý mà không cần đến Cục Dự trữ Liên bang thì nợ quốc gia cũng sẽ không phải chịu lãi suất. Thế nhưng, FED chỉ nắm giữ một lượng rất nhỏ của khoản nợ này. Hơn 90% trái phiếu nhà nước nằm trong tay các cá nhân và tổ chức thuộc khu vực tư nhân. Việc xóa bỏ việc chi trả lãi suất không làm ảnh hưởng đến hầu bao của các ngân hàng lớn nhưng xấu xa này trong khi hàng triệu người dân đang đứng trước nguy cơ bị mất đi các hợp đồng bảo hiểm, tiền đầu tư và các khoản trợ cấp sau khi về hưu. Chỉ cần một phát súng là nền kinh tế sẽ tắc tử dưới tay Thuyết Trái quyền xã hội ngay tức khắc. Đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa giải quyết được vấn đề sâu xa hơn. Các ông chủ ngân hàng có thể sẽ bị đẩy ra khỏi danh sách những kẻ gây hại cho xã hội nhưng các chính trị gia thì không. Giờ đây, Quốc hội vẫn có thể hành động thay ngân hàng trung ương, nguồn cung tiền vẫn tiếp tục chảy ra ào ạt, lạm phát vẫn sẽ trầm trọng hơn và nước Mỹ vẫn ngày càng tiến gần đến tử huyệt. Bên cạnh đó, việc phát hành tiền mà không có sự đảm bảo của vàng hay bạc là sự vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ. TIN ĐỒN VỀ TỔNG THỐNG KENEDY Năm 1981, có tin đồn rằng Tổng thống Kenedy đã bị ám sát bởi các đại diện của thế lực tiền tệ ngầm vì ông đã ký sắc luật #11110 chỉ đạo Bộ Tài chính in thêm 4 tỉ đô-la tiền giấy của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Đây chính xác là loại tiền mà chúng ta đang bàn luận: tiền giấy không có sự bảo đảm của vàng hay bạc, do chính phủ phát hành chứ không phải Cục Dự trữ Liên bang. Theo như lời đồn đại, các ông chủ nhà băng rất tức giận vì như thế họ sẽ mất đi các khoản tiền thu về từ lãi suất trên lượng cung tiền. Thế nhưng, khi được thực thi, sắc luật này lại liên quan đến chứng chỉ bạc (Silver Cirtificates) chứ không phải tiền giấy của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Chứng chỉ bạc được định giá dựa trên bạc, có nghĩa chúng là tiền thực. Vì vậy, về điểm này, lời đồn đại là hoàn toàn sai lầm. Tuy nhiên, người ta cũng không phải trả lãi suất cho chứng chỉ bạc nên về điểm thứ hai này, lời đồn đại đã đúng. Nhưng còn một vấn đề nữa mà tất cả mọi người đều đã bỏ qua. Sắc luật không chỉ đạo Bộ Tài chính phát hành chứng chỉ bạc. Nó chỉ cho phép Bộ làm như vậy trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, không có trường hợp khẩn cấp nào xảy ra cả. Lần cuối cùng, chứng chỉ bạc được phát hành là vào năm 1957, và đó là sáu năm trước khi Kenedy ban hành Sắc luật. Năm 1987, nó bị hủy bỏ và thay thế bằng sắc luật số 12608 do Tổng thống Reagan phê duyệt. Năm 1963, chính phủ in một lượng tiền giấy Hợp chủng quốc Hoa Kỳ nhưng hành động này tuân theo Đạo luật số 1868 do Quốc hội ban hành để chỉ đạo Bộ Tài chính duy trì tổng lượng tiền giấy Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đang lưu hành trên thị trường ở mức cố định. Như vậy, những đồng tiền cũ đã bị rách, nhàu nát, hư hại phải được thay bằng những đồng tiền mới. Một số đồng tiền mới không được đưa vào lưu thông nhưng các nhà sưu tập tư nhân đã nhanh chóng tóm lấy. Chúng không bao giờ được coi là một phần đáng kể của nguồn cung tiền và các chủ nhân của chúng cũng không có ý định đó. Việc in tiền này không phải chỉ thị của Tổng thống Kenedy và trên thực tế ông cũng không có lý do gì để nghĩ ra ý tưởng này. Những tin đồn dai dẳng liên quan đến vai trò của các ông chủ nhà băng trong cái chết của Tổng thống Kenedy còn được củng cố bằng một vài cuốn sách được lưu truyền trong giới bảo thủ. Những cuốn sách này chứa một thông điệp đáng quan ngại từ bài diễn văn của Kennedy tại Trường Đại học Columbia, chỉ 10 ngày trước khi vụ ám sát xảy ra. Câu nói đó như sau: “Văn phòng quyền lực của Tổng thống đã bị lợi dụng để tiến hành một mưu đồ nhằm hủy hoại sự tự do của người dân Mỹ, và trước khi rời khỏi căn phòng đó, tôi phải nói cho người dân hiểu về hoàn cảnh của họ”[2]. Tuy nhiên, khi liên hệ với Trường Đại học Columbia để yêu cầu cung cấp nội dung bài diễn văn thì người ta phát hiện ra rằng Kennedy chưa từng phát biểu ở đó - vào thời điểm 10 ngày trước khi ông bị ám sát cũng như bất kì thời điểm nào khác. Ronald Whealan, tổng phụ trách bộ phận thủ thư của Thư viện John Fitzerald Kennedy tại Boston cho biết thêm: “Mười ngày trước khi bị ám sát, Tổng thống đang ở Nhà Trắng và tham gia vào cuộc hội kiến với một số người, trong đó có Đại sứ Tây Ban Nha ở Hoa Kỳ”[3]. Có thể Tổng thống đã phát biểu một câu mà người ta gán cho ông vào một ngày khác và tại một khán phòng khác. Nhưng cho dù có như vậy thì đó cũng là một thông điệp mơ hồ với nhiều cách hiểu khác nhau và khả năng ông muốn vạch trần bộ mặt thật của FED có xác suất nhỏ nhất trong số đó. Trong suốt cuộc đời mình, Kennedy là một nhà xã hội học và đi theo quốc tế chủ nghĩa. Ông đã theo học ở Trường kinh tế London của hội Pha-Biên; tham gia vào kế hoạch phá hủy nguồn cung tiền của nước Mỹ và kiến tạo nên dòng lưu chuyển của tài sản của Mỹ ra nước ngoài. Vì thế, thật khó để tin rằng bỗng nhiên ông lại “giác ngộ” và quay lưng lại với những niềm tin cũng như cam kết suốt đời của mình.[4] CUỘC CHIẾN GIỮA PHÁI TRỌNG NGÂN VÀ PHÁI TRỌNG CUNG Nhưng thôi, chúng ta hãy dừng đề tài này ở đây và quay trở lại với những lý thuyết không có tính khả thi liên quan đến cải cách tiền tệ. Nổi bật là phái trọng ngân và phái trọng cung. Phái trọng ngân lấy các lý thuyết của Milton Friedman làm nền tảng, họ tin rằng tiền tệ nên tiếp tục được tạo ra bởi Con gà đẻ trứng vàng của Cục Dự trữ Liên bang nhưng nguồn cung tiền nên được xác định bằng một công thức chính xác, được quyết định bởi Quốc hội chứ không phải FED. Còn phái trọng cung với hai đại diện là Arthur Laffer và Charles Kadlec cũng tin vào những công thức nhưng họ có một công thức khác. Họ muốn lượng cung tiền được quyết định bởi nhu cầu đối với vàng nhưng không phải bản vị vàng thực tế mà dựa vào đó, tiền giấy được định giá. Dựa vào “thước đo giá-vàng”, họ theo dõi giá vàng trên thị trường tự do và điều chỉnh giá trị đồng đô-la bằng cách mở rộng hay thắt chặt nguồn cung tiền để giữ nó ở mức hợp lý so với vàng và tương đối ổn định. Hai trường phái này có chung triết lý nền tảng. Mặc dù mỗi bên sử dụng một công thức khác nhau nhưng họ đều thống nhất về phương pháp: tác động lên nguồn cung tiền, cả hai bên đều tin rằng thị trường tự do sẽ không hoạt động hiệu quả nếu không có sự hỗ trợ của các nhân tố khác. Họ cũng tin tưởng vào sự thông thái và liêm chính về mặt chính trị của các công thức cũng như các bộ ban ngành được lập ra của chính phủ. Sau tất cả những cuộc tranh luận, xung đột đó, FED vẫn không hề hấn gì bởi vì nó là cỗ máy tối quan trọng trong kế hoạch can thiệp vào nguồn cung tiền. Những người thuộc hai trường phái này thực sự không muốn thay đổi FED, họ chỉ muốn áp dụng những quan điểm của mình để điều hành nó mà thôi. Đôi khi cũng xuất hiện một ý kiến thực sự độc đáo, thu hút được sự quan tâm của mọi người. Năm 1989, phát biểu khai mạc một cuộc họp quan trọng của những người theo thuyết trọng ngân của chủ nghĩa bảo thủ, Jerry Jordan đã đề nghị chính phủ gia tăng mức cơ số tiền tệ(*) bằng cách tổ chức hoạt động xổ số quốc gia. Số tiền mà chính phủ phải chi ra cho các giải thưởng sẽ lớn hơn số tiền thu được từ việc bán vé. Khoản chênh lệch này thể hiện lượng cơ số tiền tệ sẽ được tăng thêm. Như thế, nếu họ muốn thu hẹp cung tiền, tổng giá trị giải thưởng sẽ phải bé hơn tổng số tiền bán vé thu về. Đây quả là một ý tưởng rất thú vị, tuy nhiên, Jerry Jordan cũng bổ sung thêm: “Tất nhiên, vấn đề nảy sinh là chính phủ sẽ không có bất cứ một cơ chế kiểm soát hiệu quả nào đối với sự tăng lên của cơ số tiền tệ”.[5] Thực chất, đây cũng là bài toán đặt ra đối với tất cả những phương án liên quan đến hoạt động kiểm soát tiền tệ mà con người đưa ra. SỬA ĐỔI CÂN ĐỐI NGÂN SÁCH Một kế hoạch sửa đổi cân đối ngân sách trong Hiến pháp cũng không phải là giải pháp chúng ta đang tìm kiếm. Trên thực tế, đây là một ý tưởng hão huyền và lừa gạt nhưng được một số nhân vật có mức chi tiêu cao nhất trong Quốc hội ủng hộ. Họ hiểu rằng tất cả các cử tri đều biết rõ tính chất của kế hoạch này nhưng ít nhất điều đó cũng không hạn chế mức chi tiêu của họ. Nếu không được phép chi vượt quá nguồn thu từ thuế thì họ sẽ có một lý do tuyệt vời để bào chữa cho việc tăng thuế. Đó có thể là một cách để họ trừng phạt những cử tri vì đã áp đặt giới hạn đối với họ. Mặt khác, các cử tri sẽ quỵ ngã dưới gánh nặng thuế má và đòi hỏi các vị nghị sĩ của họ phủ quyết những sửa đổi mà trước đây họ đã bỏ phiếu ủng hộ. Khả năng này rất dễ xảy ra, vì vậy, hầu hết những sửa đổi cân đối ngân sách đều chừa ra một lối thoát. Quốc hội sẽ cân đối ngân sách “chỉ trong trường hợp khẩn cấp”. Ai là người xác định trường hợp khẩn cấp? Dĩ nhiên là Quốc hội! Nói cách khác, Quốc hội sẽ cân đối ngân sách bất cứ khi nào họ muốn. Vậy thì có điều gì mới mẻ đâu! Mục đích của một sửa đổi quan trọng không phải là cân đối ngân sách mà là để hạn chế chi tiêu. Nếu thực hiện được nhiệm vụ này, người ta sẽ không phải lo lắng gì về hầu bao của quốc gia nữa. Nhưng ngay cả khi đó thì việc cân nhắc thành phần hiện tại của Quốc hội cũng chỉ khiến chúng ta tốn công vô ích mà thôi. Thay vì tạo ra áp lực chính trị cho việc sửa đổi Hiến pháp, tốt hơn hết chúng ta nên dồn tâm sức để tống cổ những cá nhân có quá nhiều khoản chi tiêu ra khỏi bộ máy công quyền, chừng nào còn tại vị thì những nhân vật này sẽ vẫn tìm cách lách luật - bất cứ bộ luật nào, kể cả Hiến pháp. Một kẽ hở khác của các điều luật sửa đổi cân đối ngân sách là nó không có hiệu lực đối với những khoản chi tiêu ngoài ngân sách được chấp thuận. Hiện nay, những khoản này chiếm tới 52% tổng chi tiêu của tất cả các bang và mỗi năm lại tăng thêm 12%. Một chiến lược phớt lờ gánh nặng phiền toái cũng không đáng để cân nhắc. Hơn thế nữa, ngay cả khi Quốc hội bắt buộc phải chấm dứt ngay khoản chi tiêu thâm hụt này đi chăng nữa thì sự điều chỉnh cân đối ngân sách cũng không thể giải quyết được bài toán lạm phát hoặc thanh toán hết nợ ngân sách. Lúc này Cục Dự trữ Liên bang sẽ bơm nguồn cung tiền tệ bằng việc sử dụng bất kỳ khoản nợ nào mà các quốc gia hay tổ chức trên thế giới đang nợ họ. Tất nhiên không có khoản nợ nào đến từ Quốc hội. Trừ khi định nhắm vào FED, còn không chúng ta chỉ đang chơi những trò chơi chính trị mà bản thân nắm chắc phần thua. Hàng năm, chỉ có một vài vị đại biểu Quốc hội đệ trình dự luật về điều tra hoặc kiểm toán Cục Dự trữ Liên bang. Nỗ lực của họ rất đáng trân trọng nhưng cũng chỉ là dã tràng xe cát. Những dự luật của họ hầu như không được dân chúng biết đến và không bao giờ được đưa ra trước nghị viện để lấy phiếu bầu. Thậm chí nếu chúng có được quan tâm một cách nghiêm túc thì khi đi vào thực tiễn cũng sẽ phản tác dụng. Thoạt nhìn, có vẻ như hoạt động kiểm tra, kiểm toán theo quy định của Hiến pháp hoàn toàn hợp lệ nhưng vấn đề là kiểm toán cái gì? Chúng ta phải công nhận rằng Fed đang thực hiện đúng những gì họ nói và hoàn toàn tuân thủ luật pháp. Có thể người ta sẽ phát hiện ra một vài lỗi vi phạm không quá nghiêm trọng, liên quan đến việc sử dụng sai các loại quỹ hay lợi dụng chức vụ để thực hiện hành vi trục lợi. Tuy nhiên, nếu đem so sánh với những hành động lừa gạt nghiêm trọng và trên quy mô lớn mà tất cả chúng ta đều đã biết thì những tội lỗi này lại không mấy quan trọng. Cục Dự trữ Liên bang là tổ chức lừa gạt lớn nhất và thành công nhất thế giới. Bất kì ai hiểu biết về bản chất của tiền tệ đều nhìn thấy điều này mà không cần viện đến các nhà điều tra và kiểm toán. Đề xuất kiểm toán hoạt động của FED có thể gây nguy hại vì trong thời gian kiểm toán, những hoạt động quan trọng sẽ bị trì hoãn trong nhiều năm. Điều này có thể tạo ra ấn tượng sai lầm rằng Quốc hội đang thực hiện điều gì đó, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các kiến trúc sư tiền tệ thuyết minh vòng vèo và đưa ra hàng loạt số liệu rối rắm hòng che mắt các chuyên gia kiểm toán. Người dân mong chờ cuộc kiểm toán sẽ đưa ra câu trả lời cho tất cả những vấn đề đang còn gây tranh cãi, thế nhưng, các nhóm và các liên minh cần được điều tra thì lại được đẩy ra ngoài cuộc điều tra, hoặc ít nhất các nhà chức trách cũng bị FED làm cho rối tung rối mù. Mọi người sẽ còn hoang mang, lo sợ và mệt mỏi cho đến khi 14 tập lời khai, bảng biểu số liệu và dẫn chứng được công bố. Chúng ta không cần một dự thảo kiểm toán FED. Điều chúng ta cần là một dự thảo xóa bỏ tổ chức đó. KẾ HOẠCH LOẠI BỎ FED Như vậy, danh sách những việc không nên làm của chúng ta rất dài. Tất cả những gì cần thiết để xóa bỏ Cục Dự trữ Liên bang chỉ là một hành động của Quốc hội, gói gọn trong một câu: Đạo luật Dự trữ Liên bang và tất cả những sửa đổi của cơ quan này sẽ bị hủy bỏ. Nhưng việc làm này sẽ phá sập hệ thống tiền tệ của chúng ta trong nháy mắt và gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho nền kinh tế Hoa Kỳ, đến mức ngay lập tức sẽ làm lợi cho những người theo chủ trương toàn cầu hóa. Trường phái này có thể lợi dụng sự hỗn loạn do động thái của Quốc hội gây nên để chứng minh rằng quyết định đó là sai lầm và người Mỹ có thể sẽ sẵn sàng tiếp nhận sự cứu trợ từ phía IMF/WB. Chúng ta sẽ lại thấy chính mình đang vật lộn trong Viễn cảnh Ảm đạm cho dù đã làm những việc đúng đắn. Nếu muốn có một chuyến đi an toàn thì chúng ta phải có những bước đi nhất định trước sự ruồng bỏ FED. Bước đầu tiên là chuyển đổi đồng tiền pháp định mà chúng ta đang sử dụng thành đồng tiền thực. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải tạo ra một nguồn cung tiền tệ hoàn toàn mới, được định giá 100% bằng kim loại quý và phải hoàn tất công việc trong một thời gian đủ ngắn.[6] Cùng lúc đó, chúng ta cũng phải thiết lập giá trị thực cho đồng tiền giấy đang được sử dụng để nó có thể chuyển đổi sang đồng tiền mới trên cơ sở thực tế và dần dần thu hồi khỏi lưu thông. Sau đây là cách thức thực hiện: 1. Bãi bỏ các điều luật về tiền pháp định (legal-tender(*)): chính phủ liên bang sẽ tiếp tục cho phép nộp thuế bằng tiền giấy Dự trữ Liên bang (Federal Reserve Note) nhưng tất cả mọi người đều có quyền chấp nhận, từ chối hoặc chiết khấu chúng nếu họ muốn. Nếu đó là đồng tiền trung thực thì không cần phải ép buộc người ta chấp nhận. Duy chỉ có đồng tiền pháp định là phải cần đến chế tài bỏ tù để bắt mọi người phải chấp nhận nó. Chính phủ nên để các tổ chức cá nhân thỏa sức sáng tạo và cạnh tranh. Nếu người ta muốn dùng Tem xanh, vé đi Disney hay tiền giấy Ngân hàng Hoa Kỳ (Bank-of-America Notes) như một phương tiện trao đổi trung gian thì cứ để họ dùng, miễn sao họ đáp ứng được yêu cầu duy nhất là đảm bảo tính thực hiện thực sự của hợp đồng. Nếu một công ty Tem xanh nói rằng họ sẽ cung cấp đèn pha lê với giá tương đương bảy cuốn sổ tem thì họ nên bị ràng buộc phải thực hiện. Luật pháp cũng nên yêu cầu Disney phải chấp nhận vé vào cổng đúng như cách thức đã in ở mặt sau tấm vé. Tương tự, nếu Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ nói với những người đến gửi tiền rằng họ có thể rút tiền về bất cứ lúc nào thì tầng hầm của ngân hàng buộc phải luôn luôn có đủ 100% giá trị đảm bảo cho khoản tiền gửi đó (bằng tiền hoặc các Chứng chỉ kho bạc). Người ta dự đoán rằng trong quá trình chuyển đổi sang đồng tiền mới, những đồng tiền giấy Dự trữ Liên bang vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng rộng rãi. 2. Đóng băng nguồn cung đồng tiền giấy Dự trữ Liên bang hiện hành, ngoại trừ để phục vụ cho mục đích ở bước thứ 6. 3. Xác định giá trị “thực” của đồng đô-la dựa trên hàm lượng kim loại quý, tốt nhất là sử dụng hàm lượng được quy định trước đây: 371,25 gren (0,0648 gam) bạc/đô-la. Có thể lấy một hàm lượng bạc khác, hoặc kim loại khác nhưng hàm lượng trên đã được chứng minh là tốt nhất. 4. Thiết lập dự trữ tiền tệ bổ sung bằng vàng, có thể thay thế cho bạc với tỉ lệ được quy định bởi thị trường tự do. Qua thời gian, khi giá vàng và bạc có xu hướng ngang bằng nhau thì những tỉ lệ cố định sẽ trở nên không công bằng. Mặc dù có thể sử dụng vàng thay thế cho bạc với tỉ lệ này nhưng chỉ duy nhất bạc mới là cơ sở để định giá đồng đô-la. 5. Khôi phục hoạt động đúc tiền tự do tại cơ quan phụ trách đúc tiền Hoa Kỳ và phát hành cả đô-la bạc và đồng tiền vàng, cả hai đều được định giá bằng hàm lượng kim loại, nhưng chỉ có những đồng tiền sử dụng hàm lượng bạc mới được gọi là đồng đô-la, đồng nửa đô-la (bằng 0,5 đô-la Mỹ), đồng 1/4 đô-la (bằng 0,25 đô-la Mỹ), đồng mười đô-la (hào, bằng 1/10 đô-la Mỹ). Ban đầu, những đồng tiền này sẽ chỉ được đúc bằng kim loại do các nhóm tư nhân cung cấp chứ không thể sử dụng nguồn dự trữ của Bộ Tài chính dành cho mục đích ở bước số 6. 6. Thanh toán nợ ngân sách bằng đồng tiền giấy Dự trữ Liên bang được tạo ra để phục vụ riêng cho mục đích này. Hiến pháp không cho phép in ấn tiền mà không có sự bảo đảm. Tuy nhiên, khi pháp luật không bắt buộc mọi người phải chấp nhận đồng tiền giấy Dự trữ Liên bang với tư cách là đồng tiền pháp định thì nó không còn là đồng tiền chính thức của Hợp chủng quốc nữa mà đơn thuần chỉ là một loại tiền của chính phủ mà mọi người có quyền tùy ý sử dụng. Tính hữu dụng của nó thể hiện ở việc người ta dùng nó để nộp thuế và sau này có thể đổi sang đồng tiền thực. Vì đồng tiền giấy Dự trữ Liên bang được ban hành không nhằm mục đích trở thành đồng tiền chính của Hợp chủng quốc nên việc thanh toán nợ ngân sách bằng đồng tiền này không vi phạm Hiến pháp. Nhưng dù trong trường hợp nào đi nữa thì việc này cũng đã được tiến hành. Quyết định mua lại trái phiếu chính phủ bằng đồng tiền giấy Dự trữ Liên bang không phải là của chúng ta. Quốc hội đã quyết định điều đó từ rất lâu, ngay khi những trái phiếu này được phát hành, chúng ta chỉ là những người thực thi mà thôi. Đồng tiền giấy Dự trữ Liên bang sẽ được in ra để phục vụ mục đích này và vấn đề chỉ là thời gian: sớm hay muộn. Nếu chúng ta cứ giữ nguyên trái phiếu thì giá trị khoản nợ ngân sách sẽ bị giảm dần tới 0 do lạm phát trong khi lãi suất vẫn giữ nguyên. Sức mua của người dân sẽ giảm nghiêm trọng và nước Mỹ sẽ tắc tử. Nhưng nếu không muốn “ăn quỵt” các khoản nợ ngân sách và quyết định trả hết vào lúc này, chúng ta sẽ trút được gánh nặng lãi suất, đồng thời mở đường cho một hệ thống tiền tệ lành mạnh. 7. Dùng nguồn dự trữ vàng và bạc của chính phủ (trừ kho dự trữ quốc phòng) để bảo đảm cho toàn bộ số tiền tiền giấy Dự trữ Liên bang đang lưu thông. Đã quá muộn để chúng ta thực hiện việc tư hữu hóa này. Trong nhiều thời điểm trứớc đây, một người dân Mỹ sở hữu vàng tức là đã vi phạm pháp luật và số vàng đó sẽ bị sung công, sau đó, theo nguyên tắc, nó được hoàn trả cho khu vực tư nhân. Lượng vàng còn lại trong kho dự trữ cũng thuộc về người dân vì họ đã trả tiền cho nó bằng các khoản thuế và lạm phát, chính phủ không được phép sử dụng vàng và bạc trừ trường hợp cần hỗ trợ cho nguồn cung tiền. Bây giờ chính là thời điểm để trả vàng lại cho người dân và sử dụng nó vào việc đảm bảo cho đồng tiền giấy Dự trữ Liên bang. 8. Xác định trọng lượng của toàn bộ số vàng và bạc mà chính phủ đang sở hữu, sau đó tính toán giá trị của chúng theo đồng tiền thực (bạc). 9. Xác định số lượng đồng tiền giấy Dự trữ liên bang, đang lưu thông, sau đó tính toán giá trị của từng đồng tiền theo đồng đô-la thực bằng cách lấy giá trị của các kim loại quý chia cho tổng số lượng đồng Federal Reserve Note. 10. Rút toàn bộ tiền giấy Dự trữ Liên bang khỏi lưu thông bằng cách đổi chúng sang đồng đô-la theo tỉ lệ đã được tính toán ở trên. Chúng ta sẽ có đủ vàng hoặc bạc để mua lại tất cả lượng tiền giấy Dự trữ Liên bang trong lưu thông.[7] 11. Quy đổi tất cả các hợp đồng đang dùng đồng tiền giấy Dự trữ Liên bang làm đồng tiền tính toán, bao gồm cả các hợp đồng thế chấp và trái phiếu chính phủ, sang đô-la với cùng một tỉ lệ như trên. Theo cách này, giá trị tiền tệ được thể hiện trong các nghĩa vụ nợ cũng sẽ được chuyển sang đô-la với cùng một tỉ lệ và cùng một thời điểm. 12. Phát hành Chứng chỉ Bạc. Khi Bộ Tài chính dùng đô-la để mua lại toàn bộ đồng tiền giấy Dự trữ Liên bang, người dân sẽ có quyền lựa chọn giữa tiền kim loại hoặc Ghứng chỉ Bạc được đảm bảo 100% bằng kim loại quý. Các chứng chỉ này sẽ trở thành một loại tiền giấy mới. 13. Xóa sổ Cục dự trữ Liên bang. Chúng ta có thể cho phép FED tiếp tục hoạt động như một ngân hàng thanh toán séc bù trừ vì sẽ cần đến một ngân hàng như thế, miễn là nó không thực hiện chức năng của một ngân hàng trung ương, chúng ta cũng nên để những ngân hàng hiện nay đang sở hữu FED tiếp tục cung cấp các dịch vụ như cũ nhưng họ sẽ không được nhận trợ cấp từ thuế và phải cạnh tranh với nhau. Còn Cục Dự trữ liên bang hiện đang được Quốc hội bảo hộ với rất nhiều đặc quyền đặc lợi sẽ phải bị xóa bỏ. 14. Đưa dự thảo luật ngân hàng tự do. Các ngân hàng nên được giải phóng khỏi các quy tắc, luật lệ, đồng thời tiết giảm sự buông lỏng từ việc bảo vệ chi phí của những người đóng thuế. Sẽ không có khoản tiền cứu trợ nào dành cho họ. FDIC và các công ty “bảo hiểm” khác của chính phủ nên được hạn chế dần dần và chuyển đổi thành các công ty bảo hiểm trong khu vực tư nhân đúng như tên gọi của chúng, chính phủ nên quy định các ngân hàng phải dự trữ một khoản tương đương 100% tổng tiền gửi không kì hạn của khách hàng bởi vì đó là một nghĩa vụ hợp đồng mà họ phải thực hiện. Tất cả những loại tiền gửi có kì hạn đều phải được công bố một cách chính xác. Nói cách khác, những người gửi tiền vào ngân hàng phải được thông tin đầy đủ rằng khoản tiền của họ đã được dùng để đầu tư và họ sẽ phải đợi một thời gian nhất định để nhận lại tiền của mình. Tính cạnh tranh trên thị trường chắc chắn khiến những ngân hàng nào đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu của khách hàng sẽ ăn nên làm ra, còn những ngân hàng nào không làm được điều này sẽ dần dần thua lỗ mà không cần đến một mớ những luật lệ, nguyên tắc. 15. Thu hẹp quy mô và tầm vóc của bộ máy chính phủ. Dưới chế độ hiện nay, sẽ không có một giải pháp nào mang tính khả thi cho những vấn đề về kinh tế của chúng ta. Theo quan điểm của tác giả, chúng ta nên giới hạn chức năng của chính phủ là đảm bảo cuộc sống, quyền tự do và tài sản của người dân - chỉ thế thôi, không hơn. Điều này đồng nghĩa với việc giới hạn phần lớn những chương trình có xu hướng xã hội hóa đang gặm nhấm hệ thống chính phủ liên bang. Nếu chúng ta muốn giữ lại - hoặc có lẽ là khôi phục - nền độc lập tự do của mình thì các chương trình ấy phải ra đi, đơn giản vậy thôi. Muốn như vậy, chính phủ liên bang nên bán tất cả tài sản không có liên quan trực tiếp đến chức năng chính của mình như đã nói trên, họ cũng nên liên kết với các nhà thầu tư nhân để cung cấp càng nhiều dịch vụ càng tốt, đồng thời đơn giản hóa và giảm bớt các loại thuế má. 16. Duy trì nền tự chủ quốc gia. Một sự tự kiềm chế như trên cũng phải được áp dụng với quy mô quốc tế. Chúng ta phải đảo ngược tất cả các chương trình đưa quốc gia đến kết cục là phải giải trừ quân bị và phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Bước quan trọng nhất là “Đưa nước Mỹ thoát khỏi Liên Hợp quốc và đẩy Liên Hợp quốc ra khỏi nước Mỹ.” Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Có hàng trăm hiệp ước và thỏa thuận hành chính phải được hủy bỏ. Có thể một vài trong số đó có tính xây dựng và đem lại lợi ích cho nước Mỹ và các nước đối tác nhưng phần lớn là đồ bỏ đi, không phải vì chúng ta là những người theo chủ nghĩa biệt lập mà đơn giản là vì chúng ta muốn tránh bị lún sâu vào chế độ chuyên chế toàn cầu. Một số người sẽ nói rằng việc trả hết nợ quốc gia bằng đồng tiền giấy Dự trữ Liên bang chẳng khác gì quỵt nợ nhưng không phải như vậy. Việc cho phép nộp thuế bằng đồng tiền cũ không phải là trốn thuế. Việc đổi những đồng tiền này sang một lượng vàng hoặc bạc tương đương trong kho dự trữ quốc gia hoặc thành một đồng tiền lành mạnh hơn, có thể hạn chế hay loại bỏ hoàn toàn nguy cơ sụt giảm sức mua cũng không phải là chối bỏ chúng, chỉ có một thứ sẽ bị từ chối, đó là hệ thống tiền tệ cũ, tuy nhiên, nó được thiết kế để bị từ chối. Các nhà nghiên cứu tiền tệ và chính trị - những người đã sinh thành và nuôi dưỡng Cục Dự trữ Liên bang - không bao giờ có ý định hoàn trả những khoản nợ quốc gia. Fed chính là phương tiện đưa họ đến với lợi nhuận và quyền lực. Lạm phát chính là sự khước từ đối với kế hoạch thanh toán nhiều lần. Hệ thống tiền tệ hiện nay thực chất là một cái bẫy chính trị và là một mánh lới trong kế toán. Chúng ta hiểu rõ bản chất của nó và không chấp nhận việc phải tỏ ra vờ như không biết những gì nó đang làm đối với chúng ta. Chúng ta từ chối tham gia vào trò chơi này. ĐO LƯỜNG QUY MÔ CỦA THIỆT HẠI Thưa các bạn, trên đây là 16 bước để loại bỏ FED, nhưng còn những ảnh hưởng của chúng thì sao? Hiển nhiên, chúng ta sẽ phải trả một cái giá nào đó cho việc ổn định lại hệ thống tiền tệ. Thiệt hại là không thể tránh khỏi, trừ khi chúng ta tiếp tục vung tiền một cách bừa bãi, mà như thế chẳng khác nào chọn con đường đi đến sự diệt vong. Hãy nhìn xem cái giá mà chúng ta phải trả việc xem tiền như vỏ hến này. Chúng ta sẽ ước lượng nó bằng cách tính toán xem mỗi đồng tiền giấy Dự trữ Liên bang đáng giá bao nhiêu khi đồng tiền mới được ban hành. Những số liệu sau đây chỉ mang tính minh họa, được lấy từ những nguồn thông tin công cộng và từ chính Cục Dự trữ Liên bang. Tuy nhiên, chúng ta không thể nào biết mức độ chính xác của chúng trong thực tế là bao nhiêu. Bên cạnh câu hỏi về sự xác thực, một số mục thống kê còn rất mù mờ, đến nỗi ngay cả các chuyên gia của FED cũng không dám chắc về ý nghĩa của chúng. Khi phải áp dụng chương trình này, chúng ta sẽ cần viện đến một nhóm chuyên gia đặc biệt, những người có thể kiểm toán sổ sách và phân tích các kim loại. Mặc dù vậy, dựa vào những thông tin tốt nhất đã được công bố hiện nay, chúng tôi đã thu thập được những số liệu sau đây: Tổng khối lượng bạc mà chính phủ đang nắm giữ vào ngày 30 tháng 9 năm 1993 là 30.200.000 ounce, tính theo hệ tơ-rôi(*). Nếu giả định rằng một đồng đô-la mới tương đương với 371,25 gren bạc (bằng 0,77344 ounce theo hệ tơ-rôi) thì giá trị của nguồn dự trữ này sẽ là 39.046.338 đô-la.[8] Giá vàng trong ngày 30-9-1993 là 384,95 đô-la/ounce. Giá bạc là 4,99 đô-la/ounce. Như vậy, tỉ lệ giữa giá vàng và giá bạc là 77-1. Nguồn dự trữ vàng của Mỹ là 261.900.000 ounce, trị giá 26.073.517.000 (nhân tổng trọng lượng lên 77 lần rồi nhân với 0,77334 ounce bạc tính theo hệ tơ-rôi). Tổng giá trị bạc và vàng trong kho dự trữ của chính phủ là 26.112.563.338 đô-la. Số lượng đồng tiền giấy Dự trữ Liên bang mà chính phủ phải mua lại bằng nguồn dự trữ trên bằng tổng cung M1 (tiền gửi không kì hạn và tiền trong lưu thông) cộng với số lượng đồng tiền giấy cần bổ sung để trả nợ ngân sách. Tổng cung tiền M1 vào ngày 27-9-1993 là 1.103.700.000.000 FRN.[9] Nợ ngân sách là 4.395.700.000.000 FRN. Tổng lượng FRN phải mua lại là 5.499.400.000.000 FRN. Điểm mấu chốt trong các phép tính này là giá trị của mỗi đồng FRN sẽ tương đương với 0,0047 đô-la bạc. Như vậy, một đô-la bạc sẽ mua được 213 đô-la tiền giấy Dự trữ Liên bang! TỒI TỆ, NHƯNG KHÔNG TỆ ĐẾN THẾ Đây sẽ là một viên thuốc đắng mà chúng ta sẽ phải nuốt, tuy nhiên, có vẻ như thực tế không tệ đến mức ấy. Hãy nhớ rằng những đồng đô-la mới có sức mua cao hơn những đồng đô-la cũ. Tiền kim loại sẽ được sử dụng rộng rãi hơn trong các giao dịch hàng ngày. Chúng ta sẽ lại được thấy những ống nghe điện thoại mạ nikel và hút những điếu thuốc giá 10 cent. Trong thời gian đầu, rất có thể giá của những mặt hàng này còn thấp hơn thế. Như chúng tôi đã giải thích ở Chương bảy, bất cứ một lượng vàng hay bạc nào dù lớn hay nhỏ cũng đóng vai trò như cơ sở để định giá cho một hệ thống tiền tệ. Nếu lượng kim loại thấp, mà chắc chắn sẽ như vậy trong thời gian chuyển đổi - có nghĩa là giá trị của một đồng tiền chúng ta đang tính toán cao. Trong trường hợp này, tiền kim loại sẽ là giải pháp cho vấn đề. Người ta sẽ dùng những đồng penni để trả tiền cà phê, một đồng mill (bằng 1/10 cent) cho một cuộc điện thoại,… Những đồng xu mới với mệnh giá nhỏ sẽ đáp ứng được nhu cầu này. Tuy nhiên, trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, lượng cung tiền tệ của vàng và bạc sẽ tăng do cầu trên thị trường tự do. Khi nguồn cung tăng, giá trị tương đối sẽ giảm cho đến khi đạt được trạng thái cân bằng tự nhiên - điều vẫn luôn xảy ra từ trước đến nay. Khi đó, người ta sẽ không cần đến những đồng tiền kim loại nữa và chúng sẽ bị lãng quên. Vậy sẽ thật bất tiện? Đúng vậy. Chúng ta sẽ phải trang bị thêm bộ phận chấp nhận những đồng tiền mới cho các máy bán hàng tự động, nhưng sẽ còn khó khăn hơn nếu phải bắt chúng nhận tiền giấy, hay thẻ ghi nợ bằng nhựa - thứ sẽ cần đến nếu chúng ta không áp dụng những phương pháp trên. Đây chỉ là cái giá rất nhỏ mà chúng ta phải trả để đưa hệ thống tiền tệ quay về với đồng tiền thực một cách có trật tự. Một giải pháp khả thi khác là xác định lại giá trị đồng đô-la mới với hàm lượng bạc nhỏ hơn. Ưu điểm của giải pháp là chúng ta có thể tiếp tục sử dụng những đồng tiền hiện nay. Tuy nhiên, khuyết điểm của nó là sau thời gian chuyển đổi, chúng ta sẽ phải đau đầu vì những đồng tiền này trở nên quá rẻ mạt. Thay vì chuyển đổi ngay bây giờ, chúng ta đơn thuần chỉ đang trì hoãn những việc phải làm về sau này. Bây giờ chính là thời cơ để thực hiện những thay đổi - và chúng ta phải làm ngay lập tức. Sau nhiều thế kỉ thử nghiệm và sai lầm, giá trị ban đầu của một đồng đô-la bạc đã được xác định. Không việc gì chúng ta phải quay ngược bánh xe lịch sử vì chúng ta biết rốt cuộc nó sẽ phát huy tác dụng. Trong quá khứ, dòng tiền chảy vào các ngân hàng rất dồi dào nhờ lãi suất tính trên đồng tiền chạy vào túi họ ra mà không phải mất chi phí nào. Điều này sẽ phải thay đổi. Họ sẽ phải phân biệt rạch ròi giữa tiền gửi không kì hạn và tiền gửi có kì hạn. Khách hàng phải được thông báo rằng khoản tiền gửi của họ luôn có sẵn trong hầm dự trữ của ngân hàng dưới dạng tiền kim loại hoặc Hối phiếu Kho bạc và không cho người khác vay, họ có thể rút bất cứ lúc nào. Vì thế ngân hàng sẽ không kiếm được một xu từ lãi suất tính trên những khoản tiền gửi đó. Người gửi tiền sẽ phải trả cho ngân hàng một khoản phí bảo vệ tiền gửi và các dịch vụ kiểm tra khác. Nếu muốn được hưởng lãi suất từ tiền gửi của mình, khách hàng sẽ được ngân hàng thông báo rằng tiền của họ đã được đầu tư hoặc cho vay. Trong trường hợp này, họ không thể hy vọng sẽ rút tiền bất kì lúc nào mình muốn. Như vậy, khách hàng đã chuyển đổi khoản tiền gửi của mình sang loại tiền gửi có kì hạn một cách có chủ ý với một thỏa thuận rằng họ sẽ phải đợi một thời gian nhất định trước khi đến hạn thanh toán khoản tiền mà họ đồng ý cho ngân hàng đầu tư. Tác động của biện pháp này vô cùng to lớn. Ngân hàng sẽ phải trả lãi suất cao hơn để thu hút vốn đầu tư, phải tinh giản các loại chi phí và cắt bỏ một số khoản màu mè. Mức biên lợi nhuận sẽ bị thu hẹp còn hiệu quả tăng lên. Trước đây, các ngân hàng đưa ra những dịch vụ “miễn phí” nhưng thực chất họ đã được hưởng lãi suất kiếm được từ các khoản tiền gửi có kì hạn của khách hàng. Còn bây giờ họ phải thu phí cho những dịch vụ như kiểm tra và bảo đảm an toàn cho tiền gửi. Hiển nhiên, ban đầu khách hàng sẽ cằn nhằn vì phải trả tiền cho những dịch vụ đó, và sẽ không có con gà đẻ trứng vàng nào nữa. Có thể những hệ thống giao dịch điện tử sẽ trở nên phổ biến vì sự thuận tiện của chúng nhưng người ta không bắt buộc phải sử dụng chúng. Những giao dịch tiền mặt và séc sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Sự giám sát của chính phủ sẽ bị coi là phạm pháp. Mặc dù số lượng đồng đô-la trong lưu thông ít hơn so với đồng tiền giấy Dự trữ Liên bang nhưng cũng vì thế mà giá trị của mỗi đồng đô-la mới sẽ lớn hơn và sức mua được giữ nguyên. Trong một thời gian ngắn, cả đồng tiền cũ và mới sẽ được sử dụng song song, một số người sẽ gặp khó khăn trong việc xác định giá trị tương đối của chúng để thực hiện các giao dịch hàng ngày. Thế nhưng đây là một việc mà những người sống ở châu Âu hay bất cứ ai đi ra nước ngoài đều phải thực hiện nên không có lý do gì để nghĩ rằng người Mỹ chúng ta không đủ thông minh để giải quyết vấn đề này. MỘT VÀI TIN XẤU VÀ MỘT VÀI TIN TỐT Chúng ta không nên tự lừa dối bản thân bằng việc nghĩ rằng quá trình chuyển đổi này sẽ dễ dàng. Thực tế nó sẽ là một giai đoạn hết sức khó khăn và mọi người sẽ phải thích nghi với cách nghĩ và cách làm hoàn toàn mới. Sự đóng băng của nguồn cung tiền tệ hiện nay sẽ là một cú trời giáng xuống thị trường chứng khoán và cộng đồng doanh nghiệp. Giá cổ phiếu sẽ xuống dốc không phanh, khiến tài sản được tính bằng tiền giấy của các nhà đầu tư tiêu tan và quay về với những chiếc máy tính nơi nó được sinh ra. Hoạt động của một số doanh nghiệp sẽ bị bó buộc do nguồn tín dụng cho vay không còn dễ dãi. Thà để các ngân hàng yếu kém đóng cửa còn hơn cứu họ bằng tiền thuế mà chúng ta đã đóng. Tình trạng thất nghiệp có thể sẽ tồi tệ hơn trong một thời gian. Những người vốn quen đi lại bằng các phương tiện giao thông miễn phí nay sẽ phải chuyển sang đi bộ, chen lấn xô đẩy hoặc trả tiền. Những người được hưởng trợ cấp xã hội sẽ không dễ dàng từ bỏ những tấm séc hay tem thực phẩm của mình. Các phương tiện truyền thông sẽ thổi bùng ngọn lửa của sự bất mãn. Con tàu mà bè lũ Âm mưu đang cầm lái có thể trật đường ray bất cứ lúc nào. Đây có thể là thời điểm chúng ta phải đối mặt với nguy hiểm lớn nhất; thời điểm mà mọi người có thể không còn đủ kiên nhẫn để tiếp tục chuyến đi đầy khó khăn trên sa mạc và không còn khao khát vươn tới miền đất hứa nữa; thời điểm mà họ thèm muốn được quay về với sự quản thúc và chế độ nô lệ của các Pharaon. Tuy nhiên, điểm trọng yếu ở đây là hầu hết những vấn đề này chỉ mang tính tạm thời, chúng chỉ xảy ra trong giai đoạn chuyển đổi từ hệ thống tiền tệ cũ sang hệ thống tiền tệ mới. Cơ quan phụ trách đúc tiền càng sớm hoàn thành đồng tiền tự do thì người dân càng nhanh chóng nhận thấy nhu cầu đối với tiền bạc và tiền vàng, số lượng người khai thác mỏ và buôn bán nữ trang ổn định sẽ đóng góp một lượng lớn kim loại quý cho kho dự trữ tiền tệ của quốc gia. Chắc chắn người nước ngoài cũng sẽ tham gia vào nguồn dự trữ này. Những đồng tiền bạc và vàng cũ sẽ tái xuất hiện trên thị trường. Khi những cửa hàng kinh doanh kim loại quý phân ứng lại cung cầu thị trường thì ngay lập tức số lượng tiền cũng sẽ tăng lên, đồng thời giá trị của mỗi đồng sẽ giảm xuống mức cân bằng tự nhiên. Chẳng phải đó là lạm phát hay sao? Đúng, đúng là sẽ xảy ra lạm phát, nhưng nó khác biệt hoàn toàn so với lạm phát do đồng tiền pháp định gây ra ở bốn điểm sau: (1) lý do tạo ra lạm phát không phải vì các nhà chính trị và các chủ ngân hàng cố gắng thao túng nền kinh tế để tiến hành những kế hoạch cá nhân của họ mà do những áp lực tự nhiên của nền kinh tế đang tìm kiếm sự cân bằng giữa cung và cầu; (2) hiện tượng lạm phát này không gây nguy hiểm đối với đất nước và không hủy hoại nền kinh tế, nó là một phần của quá trình khôi phục kinh tế và đưa đất nước đến sự thịnh vượng; (3) nếu chúng ta không tiến hành chuyển đổi đồng tiền, lạm phát sẽ còn nghiêm trọng hơn; (4) nó không phải là một mắt xích trong hệ thống được thiết kế để hoạt động mãi mãi mà nó có điểm dừng: đó là khi thị trường đạt đến điểm cân bằng tự nhiên, lượng vàng và bạc mà con người khai thác ngang bằng với lượng hàng hóa mà chúng có thể mua được. Lúc này, nguồn cung tiền sẽ ngừng mở rộng và lạm phát sẽ chấm dứt và không bao giờ còn trở lại. Mọi thiệt hại sẽ được đền bù. Giá cả sẽ từ từ giảm xuống do những tiến bộ trong công nghệ cho phép chúng ta nâng cao năng suất lao động. Khi đó, cơ hội việc làm sẽ nhiều hơn, đời sống xã hội trở nên khá giả hơn và người dân sẽ không còn bất mãn với chính phủ. Sau khi cơn bão đi qua, nước Mỹ sẽ có một nguồn cung tiền lành mạnh, một chính phủ không nợ nần và một nền kinh tế không lạm phát. Bất kể tương lai của chúng ta có như thế nào đi nữa thì trước mặt chúng ta vẫn có những ghềnh thác. Bởi vậy, tốt hơn hết chúng ta hãy thắt chặt dây an toàn và chuẩn bị lao dốc. Vì bản thân và gia đình, chúng ta phải thực hiện những biện pháp có thể tăng cơ hội đến được bờ bên kia an toàn. Nếu viễn cảnh ảm đạm thành hiện thực thì chúng ta sẽ phải hành động khác đi chút ít, vì sẽ không có bến bờ nào nữa. Nhưng nếu tương lai tươi sáng như chúng ta đã nói thì sẽ có những biện pháp phòng ngừa nào đó tạo nên sự khác biệt lớn lao trong nền kinh tế của chúng ta hiện nay. Để nhận thức được một cách đầy đủ về tính ưu việt của một số biện pháp đã nêu trên, chúng ta nên dừng lại và xem xét khả năng quá trình tiến tới sự an toàn và lành mạnh cho nền kinh tế không diễn ra theo đúng trật tự. Viễn cảnh thực tế có thể diễn ra theo một chiều hướng khác với sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống, bao gồm cả cấu trúc toàn cầu đang được xây dựng tại Liên Hợp quốc. Nếu điều này thành sự thật, chúng ta sẽ không phải suy nghĩ về sự chuyển đổi theo từng bước sang một hệ thống tiền tệ lành mạnh vì quy trình này sẽ không diễn ra. Khi đó mối quan tâm hàng đầu của chúng ta sẽ là làm sao để tồn tại, vậy thôi. Chính phủ toàn cầu sẽ không nhất thiết phải nhờ đến tình trạng hỗn loạn của nền kinh tế và sự nổi dậy trong dân chúng để ra đời. Nếu một số người có thẩm quyền có đủ thông tin để biết trước đường đi nước bước của kẻ thù, và đặc biệt nếu ở đúng vị trí trong hệ thống, họ hoàn toàn có thể trở thành những người dẫn đường chỉ lối vào thời điểm quyết định. Nếu máu vẫn đổ trên các đường phố và tình trạng vô chính phủ kéo dài thì về mặt lý thuyết, những nhóm người đã được thông suốt vấn đề, được chuẩn bị từ trước có thể tận dụng khoảng trống quyền lực này và lên nắm quyền. Nghe giống như một viễn cảnh bi quan khác, nhưng thực ra không phải vậy. Theo những phân tích cuối cùng thì đây là giả định mang tính thực tế hơn cả. Nhưng chúng ta không nên hy vọng nó sẽ xảy ra. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là chuẩn bị để vượt qua nếu rơi vào tình trạng đó. CHUẨN BỊ NHƯ THẾ NÀO? Về mặt tài chính, chúng ta có thể làm gì? Để tránh kể lể dông dài, chúng tôi sẽ trình bày ngắn gọn những ý chính. Việc đi sâu vào chi tiết là không cần thiết. 1. Rũ bỏ nợ nần, ngoại trừ các khoản sau: thế chấp nhà ở với điều kiện phải được định giá chính xác, vay mượn để kinh doanh với điều kiện phải có một kế hoạch rõ ràng. Đầu cơ tích trữ không phải là một ý kiến hay trong những lúc như thế này, trừ khi bạn có thể chịu được nếu bị thua lỗ. 2. Chọn một ngân hàng mạnh. Duy trì tài khoản tại một vài tổ chức. Không được giữ quá $100.000 trong bất cứ ngân hàng nào. Phải nhớ rằng không phải tất cả các loại tài khoản đều được FDIC bảo hiểm. Giờ đây một số tổ chức đã cung cấp dịch vụ bảo hiểm cá nhân. Hãy chắc chắn rằng bạn biết rõ mức độ rủi ro của khoản tiền bạn gửi[10]. 3. Đa dạng hóa danh mục đầu tư của bạn với cổ phiếu blue chip (cổ phiếu “thượng hạng”), cổ phiếu chưa niêm yết (OTC), quỹ phát triển, thu nhập, lớn, nhỏ, quỹ tương hỗ, trái phiếu, địa ốc, vàng xu (bullion coin), cổ phiếu ngành khai thác mỏ, tài sản hữu hình, thậm chí cả tiền mặt. Những ngành sẽ làm ăn phát đạt trong thời buổi khó khăn này là cờ bạc, buôn bán đồ uống có cồn, những trò giải trí giúp con người thoát khỏi thế giới thực. Hãy nghiên cứu kĩ những lĩnh vực và công ty mà bạn đổ tiền vào đầu tư. Những hiểu biết cá nhân là thứ không thể thiếu. 4. Tránh đầu tư vào những công ty “tốt nhất” gần đây. Những “kỉ lục” mà họ đạt được chỉ mang tính lịch sử và sẽ thay đổi theo thời gian. Họ không thể tại được trong tương lai mà ngược lại, giá cả các mặt hàng của họ sẽ trở nên quá sức đối với người mua và chắc chắn phải giảm xuống. Hãy xem xét đến giá trị của khoản đầu tư sẽ là bao nhiêu sau một thời gian dài - ít nhất là 15 năm nữa - đặc biệt là nó có hiệu quả hay không trong những giai đoạn suy thoái kinh tế. 5. Khi đầu tư vào tiền kim loại, hãy tránh những đồng tiền có giá trị tiền đúc cao - trừ khi bạn muốn trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực này. Cũng giống như những hình thức đầu tư khác, bạn hãy tìm kiếm lời khuyên nhưng đừng phụ thuộc vào nó. Với kim cương, tác phẩm nghệ thuật và những vật sưu tầm khác cũng vậy. Hãy dựa vào những gì bạn biết. Nói cách khác, bạn rất dễ bị tổn thương khi nhảy vào những nơi đầy rẫy nguy hiểm mà ngay cả những tay buôn bán sành sỏi nhất cũng có thể trắng tay như chơi. 6. Cất giữ tiền ở một nơi an toàn, bao gồm vài loại tiền bạc cũ. Khoản tiền này nên đủ để mua các nhu yếu phẩm cho gia đình bạn trong khoảng hai tháng. Tiền kim loại có thể chịu được những điều kiện khắc nghiệt hơn trong thời gian dài hơn. Không có một số lượng “đúng” cho kho dự trữ này, điều đó tùy thuộc vào quan điểm và khả năng tài chính của từng người. ĐỤC NƯỚC BÉO CÒ Toàn bộ cuốn sách này đều tập trung vào cách giúp bạn sống sót qua cơn bão và sẵn sàng trở thành nhà lãnh đạo trong những thời điểm khó khăn phía trước. Đó là cách nhìn nhận theo chiều hướng tiêu cực. Những người luôn muốn nghe tin tốt lành như Adlai Stevenson đã miêu tả thì suy nghĩ một cách tích cực hơn. Họ hy vọng rằng chúng ta có thể nắm đầu cơn bão và kéo về hướng có lợi cho chúng ta. Chúng ta thực sự có thể thu lợi từ sự sụp đổ sắp diễn ra đó. Ý tưởng này đã xuất hiện trong hàng trăm quyển sách và các tờ báo, nơi chúng ta có thể tìm thấy lời khuyên làm thế nào để làm giàu trên đống đổ nát. Thậm chí còn có một cuốn sách chỉ cách kiếm tiền từ cuộc chiến giữa môi trường và công nghiệp. Đỉnh điểm của những lời khuyên này là cách làm giàu trên sự sụp đổ của nước Mỹ. Lẽ dĩ nhiên là những cơ hội kiếm tiền từ những quyết định đầu tư đều dựa trên những đánh giá xác thực về các xu hướng hiện tại. Tuy nhiên, phần lớn trong số những cơ hội đó đều phụ thuộc vào thời điểm quyết định có đúng lúc hay không. Một người phải biết chính xác khi nào nên mua vào, khi nào nên bán ra, với giá bao nhiêu. Để biết được tất cả những điều này, nhà đầu tư phải thấu hiểu bản chất của các ngành hàng và kiểm soát được những thay đổi hàng ngày của các thế lực thị trường. Anh ta phải cố gắng hoàn thiện các phân tích và đi đến kết luận sớm hơn đám đông. Tất nhiên, các phân tích và kết luận đó phải đúng đắn. Phần lớn các nhà đầu tư đều không được chuẩn bị cho việc này, vì thế họ phụ thuộc rất nhiều vào các chuyên gia. Thường thì người nào cũng sẽ cổ vũ bạn đầu tư vào những loại hình kinh doanh. Nếu vụ đầu tư sinh lời, vị chuyên gia phân tích sẽ có thu nhập. Nếu vụ đầu tư đổ bể, nhà phân tích ấy vẫn có thu nhập. Mối quan hệ này không chỉ nhằm vào nhóm người muốn “kiếm tiền từ đống đổ nát” mà còn hướng đến mọi cấp độ của hoạt động đầu tư cũng như lĩnh vực pháp luật và y học. Giá cả tư vấn tùy thuộc vào chất lượng của nó. Điều đáng băn khoăn về ý tưởng đầu tư này là những lời tư vấn thực tế có thể khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Bằng cách tập trung tìm kiếm những cách thức khôn khéo để né tránh tác động của lạm phát hoặc để kiếm tiền từ lạm phát, chúng ta đang tiếp tay cho nó hoành hành chứ không hề làm gì để ngăn chặn. Những kẻ có thể kiếm lợi từ lạm phát không hề muốn kìm hãm sức tàn phá của nó. Trái lại, khi thấy tiền cứ chảy vào túi đều đều, có thể họ còn trở thành cổ động viên nhiệt thành của nó cho dù trong thâm tâm thừa hiểu rằng chẳng chóng thì chầy, lạm phát cũng sẽ khiến họ khuynh gia bại sản. Không có gì sai trái khi cố gắng bảo toàn vốn trong những thời điểm khó khăn, thế nhưng chỉ có một giải pháp duy nhất để một người sử dụng đồng vốn của mình chặn đứng những xu hướng hiện nay. Về lâu dài, sẽ không có cách nào để kiếm tiền từ đống đổ nát của nước Mỹ, không còn chỗ để chúng ta ẩn náu nữa. Không có cách nào để bảo vệ tài sản của bạn, nhà cửa của bạn, công việc của bạn, gia đình của bạn và sự tự do của bạn. Theo cách nói của Henry Hazlitt thì “Không có một hàng rào an toàn nào bảo vệ chúng ta khỏi lạm phát ngoài việc chặn đứng nó”. MỘT CHIẾN DỊCH TIÊN PHONG Từ thực tế đã được trình bày trong cuốn sách này, rõ ràng có rất nhiều việc phải làm chứ không chỉ xóa bỏ FED là xong. Mặc dù việc gạt bỏ FED sẽ là một chiến thắng to lớn đối với nền kinh tế và sự tự do cá nhân nhưng thật đáng tiếc là những con thú luôn có bầy đàn, chúng săn bắt và đánh chén cùng nhau, chúng ta có loại thuế thu nhập được tạo ra để hủy diệt tầng lớp trung lưu, một hệ thống trường học dành để nhồi nhét những tư tưởng hơn là để giáo dục, một hệ thống truyền thông theo kiểu “gọi dạ bảo vâng” chuyên bóp méo thông tin, những đảng phái chính trị bị kiểm soát chặt chẽ luôn tự gạt mình rằng có thể chen vào số phận của chúng ta, và một Liên Hợp quốc đang nhanh chóng xâm lấn chủ quyền về quân sự và kinh tế của nước Mỹ. Chúng ta không thể nào giết chết một con mà để những con khác sống sót. Chúng ta phải diệt trừ tận gốc cái nòi giống này. Chúng ta đang nói đến chủ nghĩa tập thể. Chủ nghĩa tập thể là một khái niệm trong đó tập thể sẽ quan trọng hơn từng cá nhân và tất cả những hành động của chính phủ đều được bào chữa bằng việc tuyên bố rằng hành động đó được thực hiện vì lợi ích lớn hơn của một tập thể đông hơn. Đó là nền móng của Fed và là cơ sở của mọi cuộc tấn công vào sự tự do của chúng ta, theo đúng nghĩa đen của nó. Chủ nghĩa tập thể là kẻ thù của sự tự do, và chúng ta phải tiến hành một chiến dịch tiên phong để chống lại nó. Nếu không làm như vậy có nghĩa là chúng ta đã đầu hàng vô điều kiện. Bước đầu tiên của chiến dịch này là tuyên truyền. Người Mỹ đã để quốc gia bị đánh cắp ngay dưới mũi mình vì họ không hiểu về những gì đang diễn ra. Đây không phải là hiện tượng chỉ xảy ra ở nước Mỹ. Tất các các quốc gia tiên tiến trên thế giới đều đã từng bị đánh cắp như vậy với cách thức không khác là bao. Chúng ta không thể hy vọng vào một tương lai tốt đẹp chừng nào mà tình hình hiện nay vẫn không có gì tiến triển. Do đó, thức tỉnh người dân Mỹ chính là bước khởi đầu cho bất kì kế hoạch có tính thực tế nào giúp chúng ta sống sót và phát triển. Thật đáng tiếc là bấy nhiêu thôi chưa đủ. Giáo dục rất quan trọng nhưng sẽ không có gì khác biệt nếu chúng ta biết mà không làm gì cả. Người ta nói tri thức là sức mạnh nhưng thực tế đó chỉ là một trong những chuyện hoang đường nhất mọi thời đại. Một người học rộng biết nhiều vẫn dễ dàng trở thành nô lệ nếu họ không làm gì để bảo vệ quyền tự do của mình. Bản thân tri thức không phải là sức mạnh, nhưng nó chứa đựng mầm mống của sức mạnh nếu chúng ta hành động dựa trên những hiểu biết đó. (*) Cơ số tiền tệ: là tổng của các loại tiền mặt đang lưu thông, tiền các ngân hàng lưu trữ trong các tầng hầm và tiền của các ngân hàng gửi Cục Dự trữ - nhưng không gồm những khoản tiền mà người dân gửi trong ngân hàng. (*) Legal-tender: tiền pháp định là công cụ thanh toán mà, theo luật pháp, qui định, không thể bị từ chối khi được sử dụng để thanh toán các khoản nợ được ghi nợ theo cùng đơn vị tiền tệ đó. Tiền pháp định thực chất là vị thế pháp lý được gán cho một số loại tiền nhất định, tùy thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có yếu tố mệnh giá, loại tiền, số lượng tiền. (*) Tơ-rôi (Troy): hệ thống trọng lượng dùng cho kim loại quý. Chú thích: [1] Norton không được đề cập đến trong hồi ký của những người tham dự còn lại nhưng theo Tyler E. Bagwell, nhà sử học của Viện Bảo tàng Đảo Jekyll, ông ta đã có mặt. Hãy tham khảo cuốn Images of America; The Jekyll Island Club của Bagwell (Charlston, SC, Arcadia, 1998), trang 18, 19. [2] Trong mối quan hệ thư từ riêng giữa tác giả và Andrew L. Gray, cháu trai của Abraham P. Andrew, Gray quả quyết rằng Strong không tham gia. Nhưng theo nguồn tin khác, Frank Vanderlip - người có mặt ở đó - đã khẳng định trong cuốn hồi ký của mình rằng Strong có tham gia. Làm sao Vanderlip có thể sai được? Gray phản hồi: “Ông ta đã gần 70 tuổi khi viết cuốn sách và vấn đề đó… Có lẽ ước vọng sinh ra lòng tin.” Nếu Vanderlip thực sự nhớ nhầm thì có lẽ chẳng có ý nghĩa gì sau tất cả mọi chuyện bởi như Gray thừa nhận: “Strong cũng từng có mặt trong đoàn người ít ỏi để cùng tham gia vào cuộc họp bí mật này.” Và khi chưa có sự thẩm định nhiều hơn về điểm đối lập này, chúng ta đành chấp nhận lời giải thích của Vanderlip. [3] Phim tài liệu về lịch sử tiền tệ và ngân hàng tại Hoa Kỳ (Documentary History of Currency and Banking in the United States) của Herman E. Krooss (New York: Chelsea House, 1983), Tập III, “Báo cáo tài chính từ Ủy ban Pujo, ngày 28 tháng 2 năm 1913” trang 222 - 224. [4] Gia tộc Morgan - Triều đại ngân hàng Mỹ và sự trỗi dậy cửa tài chính hiện đại (The House of Morgan: An American Banking Dynasty and the Rise of Modern Finance) của Ron Chernow (New York: Atlantic Monthly Press, 1990), trang 129. [5] “Những người đang tạo ra nước Mỹ” (Men Who Are Making America) của B. C. Forbes. Leslie’s Weekly, ngày 19 tháng 10 năm 1916, trang 423. [6] Hệ thống Dự trữ Liên bang: Nguồn gốc và sự phát triển (The Federal Reserve System: Its Origin and Growth) của Paul Warburg (New York: Macmillan, 1930), tập I, trang 58. Rõ ràng là Warburg đã viết dòng này hai năm trước khi cuốn sách được xuất bản. [7] Đường về còn xa (The Long Road Home) của James Warburg (New York: Doubleday, 1964), trang 29. [8] Nelson W. Aldrich trong hoạt động chính trị Hoa Kỳ (Nelson W. Aldrich in American Politics) của Nathaniel Wright Stephenson (New York: Scribners, 1930; in lại, New York: Kennikat Press, 1971), trang 373. [9] Stephenson, trang 376. [10] “Từ cậu bé thôn quê đến nhà tài phiệt” (From Farm Boy to Financier) của Frank A. Vanderlip, The Saturday Evening Post, ngày 9 tháng 2 năm 1933, trang 25, 70. Hai năm sau, một câu chuyện giống hệt đã được kể lại trong cuốn sách của Vanderlip có cùng tựa đề với bài báo (New York: D. Appleton-Century Company, 1935), trang 210 - 219. [11] Tham khảo cuốn Sự chiến thắng của Đảng bảo thủ (The Triumph of Conservatism) của Gabriel Kolko (New York: The Free Press of Glencoe, chi nhánh của Macmillan Co., 1963), trang 140. [12] Bí mật của thánh đường (Secrets of the Temple) của William Greider (New York: Simon and Schuter, 1987), trang 274, 275. Đồng thời tham khảo Kolko, trang 145. [13] Một cách khác để định nghĩ nó là nguồn dự trữ của các ngân hàng luôn dưới mức 33,333% (tỷ lệ 10/1 được chia cho 0,03 = tỷ lệ 333,333/1. Kết quả đó chia cho 0,01 = 33,333%) [14] Tham khảo Cơ sở hợp lý của Hệ thống ngân hàng trung ương (The Rationale of Central Banking) của Vera. C. Smith (Longdon: P.S. King & Son, 1936), trang 36. [15] Stephenson, trang 378. [16] Tiền: Do đâu mà có, và đi về đâu (Money: Whence It Came, Where It Went) của John Kenneth Galbraith (Boston: Houghton Mifflin, 1975), trang 122. [17] Galbraith, trang 123. [18] Học viện Khoa học chính trị, Proceedings, 1914, tập 4, số 4, trang 387. [19] Phố Wall và Franklin D. Roosevelt (Wall Street and FDR) của Antony Sutton (New Rochell, New York: Arlington House, 1975), trang 92. [20] Tham khảo Đạo luật Cục Dự trữ Liên bang: Nguồn gốc và các vấn đề (The Federal Reserve Act: Its Origin and Problems) của J. Lawrence Laughlin (New York: Macmillan, 1933), trang 9. [21] Tham khảo Khủng hoảng tiền tệ: Đạo luật Cục Dự trữ Liên bang, kinh tế và cải cách tiền tệ (Money in Crisis: The Federal Reserve Act, The Economy, and Monetary Reform) của Barry Siegel (Massachusetts, Cambridge, Ballinger, 1984), trang 102. [22] Theo trích dẫn của Kolko, Chiến thắng (Triumph), trang 235. [23] Kinh tế học (Economics) của Paul A. Samuelson, tái bản lần thứ 8 (New York: McGraw-Hill, 1970), trang 272. [24] Tham khảo “Tiền, Ngân hàng và Đạo đức Kinh thánh” (Money, Banking and Biblical Etbics) của Ronald H. Nash, Durell Journal of Money and Banking, tháng Hai năm 1990. [25] Khi mọi người cho rằng thuế thu nhập chỉ mới vừa được ban hành vào năm 1913 và những con số thấp như thế hoàn toàn được miễn trừ, một mức thu nhập 1.000 đô-la lúc đó bằng với mức thu nhập 15.400 đô-la bây giờ trước khi trả 35% tiền thuế. Khi số tiền lúc này do chính quyền địa phương và chính quyền bang nắm giữ được cộng vào tổng thu nhập thì con số đó gần bằng 20.000 đô-la. [26] Greider, trang 275. [27] Phố Wal và Franklin D. Roosevelt (Wall Street and FDR) của Sutton, trang 94. [28] “Warburg, Nhà cách mạng” (Warburg, the Revolutionist) của Harold Kellock, The Century Magazine, tháng 5 năm 1915, trang 79. Chú thích: [1] “Hoạt động ngân hàng dựa trên thảm họa” (Banking Against Disaster) của Walter B. Wriston, The New York Times, ngày 14 tháng 9 năm 1982. [2] “Cho vay nước ngoài … Châm ngòi cho sự đình trệ nghiêm trọng?” (Overseas Lending … Trigger for A Severe Depression?) The Banking Safety Digest (U.S. Business Publishing/Veribanc, Wakefield, Massachusetts), tháng Tám năm 1989, trang 3. [3] “Mức độ an toàn của các khoản tiền gửi trong các ngân hàng và tổ chức S&L yếu kém?” (How Safe Are Deposits in Ailing Banks, S&L’s) - U.S. News & World Report, ngày 25 tháng 3 năm 1985, trang 73. Chú thích: [1] Ngày cuối cùng của Câu lạc bộ (The Last Days of the Club) - Chris Welles (New York: E. P. Dutton, 1975) trang 398 - 399. [2] “Penn Central”, 1971 Congressional Quarterly Almanac (Washington, D.C.: Congressional Quarterly, 1971), trang 838. [3] “Penn Central: Sự phá sản xảy ra sau khi dự thảo cho vay bị thất bại”, 1970 Congressional Quarterly Almanac (Washington, D.C.: Congressional Quarterly, 1970), trang 811. [4] Được Welles trích dẫn, trang 404 - 405. [5] Được Welles trích dẫn, trang 407. [6] Để hiểu rõ về hiệu ứng cấp số nhân, xem chương Mười, Cơ chế Mandrake. [7] Welles, trang 407 - 408. [8] “Quốc hội làm rõ dự thảo ngân sách hỗ trợ ngành đường sắt, ảnh hưởng đến phong trào đình công”, 1970 Congressional Quarterly Almanac (Washington, D.C.: 1970), trang 810 - 816. [9] Cứu trợ kinh tế: Thông tin nội bộ về các trường hợp vỡ nợ của ngân bàng và các cuộc giải cứu (Bailout: An Insider’s Account of Bank Failures and Rescues) - Irvine H. Sprague (New York: Basic Books, 1986), trang 23. [10] Sprague, trang 27 - 29. [11] Ngân hàng Mỹ là ngoại lệ. Bất chấp quy mô của mình, ngân hàng này không tiếp nhận các khoản tiền gửi nước ngoài cùng mức như các đối thủ cạnh tranh. [12] Sprague, trang 41 - 42. [13] Sách đã dẫn, trang 48. [14] Sprague, trang 68. [15] Sprague, trang 88 - 89. [16] Sách dã dẫn, trang 89. [17] Được Chernow trích dẫn, trang 657. [18] Chernow, trang 658. [19] Sprague, trang 153. [20] Sprague, trang 184. [21] Sách đã dẫn, trang 154 - 155, 183. [22] Chernow, trang 659. [23] Sprague, trang 159 - 160. [24] Sprague, trang 162 - 163. [25] Được Greider trích dẫn, trang 628. [26] Sprague, trang 250. [27] “New Continental Illinois đang đối mặt với một tương lai bất định” của Keith E. Leighty, Associated Press, Thousand Oaks, Calif., News Chronicle, ngày 13 tháng 5 năm 1985, trang 18. [28] “Reagan kêu gọi giải cứu ngân hàng không cần cứu trợ kinh tế”, New York Times, ngày 19 tháng 7 năm 1984. [29] Greider, trang 631. Chú thích: [1] “Các khoản tiền gửi của bạn an toàn đến mức nào?” (How Safe Are Your Deposits?), Consumer Reports, tháng Tám năm 1988, trang 503. [2] “Cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Ohio làm rung chuyển thế giới” (Ohio Bank Crisis That Ruggled World), U.S. News & World Report, ngày 1 tháng 4 năm 1985, trang 11. [3] Các khoản tiền gửi được bảo đảm đến mức nào trong các ngân hàng và tổ chức S&L yếu kém?” (How Safe Are Your Deposits in Ailing Banks, S&Ls?), U.S. Neivs & World Report, ngày 25 tháng 3 năm 1985, trang 74. [4] “FSLIC thất bại” - Shirley Hobbs Scheibla, Baron’s, ngày 9 tháng 2 năm 1987, trang 16. [5] “Điểm tin”, The New American, ngày 11 tháng 9 năm 1989, trang 15. [6] “Báo cáo kiểm toán của FDIC chỉ ra rằng chi phí ước tính của The Wall Street Journal cho các đợt cứu trợ kinh tế đối với các tổ chức tiết kiệm năm 1988 là cực kỳ thấp” - Charles McCoy và Todd Mason, Wall Street Journal, ngày 14 tháng 9 năm 1990, trang A-12. [7] “Ngành S&L tái thiết khi cứu trợ kinh tế tiến đến giai đoạn cuối” (R, Veribanc Neivs Release, Veribanc, Inc. (Wakefield, Massachusetts), ngày 12 tháng 1 năm 1994, trang 2. [8] When Your Bank Fails của Dennis Turner (Princeton, New Jersey: Amwell Publishing, Inc., 1983), trang 141. [9] “Thật khó khăn, hãy hỗ trợ những tổ chức S&L có vấn đề” của Patricia M. Scherschel, U.S. News & World Report, ngày 4 tháng 3 năm 1985, trang 92. [10] “FIRREA: Hành động phi pháp về tài chính” của Edward J. Kane, Durell Journal of Money and Banking, tháng 5 năm 1990, trang 5. [11] “Banking on government” của Jane H. Ingraham, The New American, ngày 24 tháng 8 năm 1992, trang 24. [12] Junk Bonds: How High Yield Securities Restructured Corporate America của Glenn Yago (New York: Oxford University Press, 1991), trang 5. [13] “Banking on government”, trang 24, 25. [14] Được trích dẫn trong “Banking on government”, trang 26. [15] “The Great Banking Scandal” của Hans F. Sennholz, The Freeman, tháng Mười một năm 1990, trang 405. Chú thích: [1] Tiền đến từ đâu, và đã đi đâu (Money: Whence It Came, Where It Went ) - John Kenneth Galbraith (Boston: Houghton Mifflin, 1975), trang 258, 259. [2] Keynes được mô tả như người theo chủ nghĩa tự do. Để biết thêm thông tin chi tiết về mối quan hệ của ông với những người ủng hộ chủ nghĩa Pha-Biên và công việc của họ, hãy tham khảo Xa lộ Pha-Biên: Con đường lớn dẫn đến chủ nghĩa xã hội tại Mỹ (Fabian Freeway: High Road to Socialism in the U.S.A) - Rose Martin (Boston: Western Islands, 1966). [3] Tham khảo Sự lừa dối vĩ đại: Khoa học xã hội giả tạo (The Great Deceit: Social Pseudo-Sciences) của Zygmund Dobbs (West Sayville, New York: Veritals Foundation, 1964), trước trang 1. Đồng thời tham khảo Xa lộ Pha-Biên: Con đường lớn dẫn đến chủ nghĩa xã hội tại Mỹ (Fabian Freeway: High Road to Socialism in the U.S.A) của Rose L. Martin (Boston: Western Islands, 1966), trang 30, 31. [4] Tham khảo Harry Dexter White: Một nghiên cứu về nghịch lý (Harry Dexter White: A Study in Paradox) của David Rees (New York: Coward, McCann & Geoghegan, 1973); Nhân chứng (Witness) của Whittaker Chambers (New York: Random House, 1952); Lời khai man: Vụ Hiss-Chambers (Perjury: The Hiss-Chambers Case) của Allen Weinstein (New York: Vintage Books, 1978); Mạng lưới phá hoại: Hệ thống ngầm trong chính phủ Mỹ (The Web of Subversion: Underground Networks in the U.S. Government) của James Burnham (New York: The John Day Co., 1954); Thoát khỏi tù tội (Out of Bondage) của Elizabeth Bentley (New York: Devin-Adair, 1951). [5] Thư từ tài liệu thu thập được của John Maynard Keynes (The Collected Writtings of John Maynard Keynes) - tái bản năm 1930, New York: Macmillan, 1971, trang XX. [6] Khi ngân hàng của bạn phá sản (When Your Bank Fails) của Dennis Turner (Princeton, New Jersey: Amwell Publishing, Inc., 1983), trang 32. [7] Quan điểm của tác giả là đã đến lúc các chính trị gia nên cởi bỏ bộ quần áo Chú Sam. Điều này nói dễ hơn làm bởi vì người Mỹ vẫn thích các khoản trợ cấp theo chủ nghĩa bảo hộ của mình: các biểu thuế bảo vệ các nhà kinh doanh, mức lương tối thiểu và chủ nghĩa công đoàn bắt buộc để bảo vệ người lao động, các chỉ tiêu vô thần để ngầm bảo vệ những kẻ thua thiệt, các chương trình bảo hiểm nhân thọ, trợ cấp thất nghiệp, đãi ngộ thương tật, các biện pháp về an toàn và môi trường tuyệt đối mà không quan tâm đến chi phí. Tự do mậu dịch có thể và sẽ tạo ra tất cả những lợi ích này để cạnh tranh vì quyền lợi của cả người mua lẫn người lao động. Nhưng, chừng nào những biện pháp này vẫn mang tính bắt buộc và được chọn làm nền tảng để phổ biến chính trị mà không quan tâm tới hậu quả kinh tế thì nền công nghiệp Mỹ sẽ không bao giờ đủ khả năng hồi phục. Và khi đó, không một lợi ích viển vông nào còn được duy trì. [8] “Làm cách nào ‘các chuyên gia’ lại gây ra Cuộc khủng hoảng Nợ Thế giới thứ ba” của Paul Craig Roberts, Business Week, ngày 2 tháng 11 năm 1987. [9] “Quỹ tiền tệ quốc tế IMF” của Ken S. Ewert, The Freeman, tháng Tư năm 1989, trang 157, 158. [10] “IMF kê đơn cho nền kinh tế yếu kém”, Insight, ngày 9 tháng 2 năm 1987, trang 14. [11] “Ê-thi-ô-pi-a ngăn cản đoàn viện trợ” của Blaine Harden, Washington Post, ngày 3 tháng 12 năm 1985, trang A-21. [12] “Cứu trợ nạn đói: Có phải chúng ta đã bị lừa?” của Bác sĩ Rony Brauman, Reader’s Digest, tháng Mười năm 1986, trang 71. [13] Ngân hàng Thế giới và Người nghèo trên thế giới (The World Bank vs. The World’s Poor) - James Bovard, Phân tích chính sách Cato (Washington, D.C.: Cato Institute, 1987), trang 4-6. [14] “Trang bị Ngân hàng Thế giới cho các nước phương Tây”, Insight, ngày 9 tháng 2 năm 1987, trang 8. [15] Cẩm nang tiến tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản dành cho phụ nữ thông minh (The Intelligent Woman’s Guide to Socialism and Capitalism) của George Bernard Shaw, (1928; New Brunswick in lại, New Jersey: Transaction Books, 1984), trang 470. [16] Chúa tể của sự nghèo đói: Thế lực, đặc quyền và sự mục rữa của ngành kinh doanh cứu trợ quốc tế (Lords of Poverty: The Power, Prestige, and Corruption of the International Aid Business) - Graham Hancock (New York: Atlantic Monthly Press, 1989), trang 59, 60. [17] Những ngân hàng Mỹ đang tạo ra các khoản cho vay cũng chính là những ngân hàng đang cầu xin nguồn vốn nóng này và cuối cùng là nhận được chính những khoản tiền gửi mà họ vừa cho vay. Đó là vụ làm ăn tốt đẹp theo cả hai chiều. Chú thích: [1] Martin, trang 25. [2] “Nội dung bài phát biểu của Kennedy tại Cuộc đàm phán Tiền tệ Thế giới”, New York Times, ngày 1 tháng 10 năm 1963, trang 16. [3] Để có bản phân tích sâu hơn về CFR, bao gồm một danh sách thành viên hoàn chỉnh, hãy tham khảo Shadows of Power của James Perloff (Appleton, Wisconsin: Western Islands, 1988). [4] “Dulles phác thảo kế hoạch hòa bình thế giới”, New York Times, ngày 28 tháng 10 năm 1939. [5] Giữa hai thời đại: Vai trò của Mỹ trong kỷ nguyên công nghệ (Between Two Ages: America’s Role in the Technetronic Era) của Zbigniew Brzezinski (Westport, Connecticut: Greenwood Press, 1970), trang 300. [6] “Hệ thống tiền tệ cho tương lai” của Richard N. Cooper,Foreign Affairs, mùa thu năm 1984, trang 166, 177, 184. [7] “Con đường gian nan hướng đến Trật tự Thế giới” của Richard Gardner, Foreign Affairs, tháng Tư năm 1974, trang 558. [8] Sự khủng hoảng của nền dân chủ (The Crisis of Democracy) của Michael Crozier, Samuel P. Huntington và Joji Watanuki (New York: New York University Press, 1975), trang 183 - 184. [9] “Volcker Khẳng Định Nước Mỹ Phải Giảm Mức Sống Xuống”, New York Times, ngày 18 tháng 10 năm 1979, trang 1. [10] Washington 1993: Cuộc họp thường niên của ủy ban ba bên (Washington 1993: The Annual Meeting of the Trilateral Commission), Trialogue 46 (New York: Trilateral Commission, 1993), trang 77. [11] Chủ nghĩa khu vực trong một thế giới hội tụ (Regionalism in A Converging World) của Toyoo Gyohten và Charles E. Morrison, (New York: Trilateral Commission, 1992), trang 4, 7 - 9, 11. [12] “Với NAFTA, Mỹ cuối cùng đã tạo ra một Trật tự Thế giới Mới” của Henry Kissinger, Los Angeles Times, ngày 18 tháng 7 năm 1993, trang M-2, 6. [13] “Một nửa hoàn cầu ở thế cân bằng” của David Rockefeller,Wall Street Journal, ngày 1 tháng 10 năm 1993, trang A-10. [14] New York Times, ngày 15 tháng 4 năm 1994, trang A9. [15] Dũng khí của một đảng viên Đảng Bảo thủ (The Courage of A Conservative) - James G. Watt (New York: Simon and Schuster, 1985), trang 124 - 125. [16] Đầu hàng ở Panama (Surrender in Panama) của Philip M. Crane (Ottawa, Illinois: Caroline House Books, 1978), trang 64, 68. [17] Greider, trang 485 - 486. [18] “Việc phát hành trái phiếu Mỹ sẽ giúp Mê-hi-cô thanh toán các khoản nợ” của Tom Redburn, Los Angeles Times, ngày 30 tháng 12 năm 1987. [19] “Các khoản lãi biến thành nợ trong nước nhờ xoa dịu được các chứng chỉ nợ nước ngoài”, Insight, ngày 2 tháng 10 năm 1989, trang 34. [20] Sách đã dẫn, trang 35. [21] Chernow, trang 644. [22] “Một kế hoạch khác để xóa bỏ tình trạng hỗn loạn”, Insight, ngày 10 tháng 4 năm 1989, trang 31. [23] “Những cơ chế có liên quan đến văn hóa, giáo dục, chủ quyền chính trị và quyền lực quân đội đều là biểu trưng trong các cơ quan của Liên Hiệp Quốc. [24] Bovard, trang 18 - 19. [25] “Ngân hàng Thế giới Ve vãn Đông Âu” của Jerry Lewis, Wall Street Journal, ngày 30 tháng 8 năm 1984. [26] “Hố lầy của nước Nga” của Leslie H. Gelb, New York Times, ngày 30 tháng 3 năm 1982, trang L-A17. Chú thích: [1] Được C.V. Myers trích dẫn, Tiền bạc và năng lượng (Money and Energy’. Weathering the Storm) - Darien, Connecticut: Soundview Books, 1980, trang 161, 163. Xem thêm Tiền bạc và hoạt động kinh tế (Money and Economic Activity) do Lawrence S. Ritter hiệu đính (Boston: Houghton Mifflin, 1967), trang 33. [2] Nói một cách nghiêm túc, mỗi bên nắm giữ giá trị nhận lại nhiều hơn là cho đi. Và như vậy, ông sẽ không tạo ra một cuộc mua bán. Do đó, trong suy nghĩ của những nhà mua bán, các món hàng có giá trị không bằng nhau. Quan điểm này được chia sẻ ngang bằng cho cả hai bên. Tuy nhiên, giải thích ngắn gọn là nó tiện hơn. [3] Hãy xem Tiền bạc và con người: Nghiên cứu về kinh nghiệm tiền tệ (Money and Man: A survey of Monetary Experience) -Elgin Groseclose tái bản lần thứ tư. (Oklahoma: University of Oklahoma Press, 1976), trang 259. [4] Tuy nhiên, những người lao ra thị trường trước tiên sẽ có lợi tạm thời từ mức giá cũ. Đến lúc lạm phát, những người tiết kiệm lại bị phạt tiền. [5] Chính phủ đã làm gì với tiền tệ của chúng ta (What Has Government Done to Our Money?) của Murray Rothbard (Larkspur, Colorado: Pine Tree Press, 1964), trang 13. [6] Hãy xem Galbraith, trang 250. [7] Tiền tệ và con người (Money and Man) - Groseclose, trang 13. [8] “Vàng và Tự do Kinh tế” trong Capitalism: The Unknown Ideal của Alan Greenspan do Ayn Rand hiệu đính (New York: Signet Books, 1967), trang 101. [9] Ngay cả những người Hy Lạp, dưới thời Solon, đã có một cuộc trải nghiệm ngắn về tiền tệ bị kém chất lượng. Nhưng điều này tồn tại trong thời gian ngắn và không bao giờ lặp lại. Hãy xem Tiền tệ và con người (Money and Man) của Groseclose, trang 14, 20 - 54. [10] Le livre du prefet ou Tempereur Léon le Sage sur les corporations de Constantinople, bản dịch tiếng Pháp từ nguyên bản Geneva của Jules Nicole, trang 38, được Groseclose trích dẫn, Tiền tệ và con người (Money and Man), trang 52. [11] Byzantininsche Kulturgeschichte (Tubingen, 1909). trang 78. Cũng được Groseclose trích dẫn, Tiền tệ và con người (Money and Man), trang 54. [12] Cũng được Groseclose trích dẫn, Tiền tệ và con người (Money and Man), trang 43 - 44. Chú thích: [1] Bản gốc từ bản hiệu đính của Henry Thule về Cuộc du ngoạn của Marco Polo (Marco Polo’s Travels), được in lại ở W. Vissering; Về tiền tệ Trung Quốc: Tiền xu và tiền giấy (On Chinese Currency: Coin and Paper Money) - Leiden: EJ. Brill, 1877, được Ch’eng-wen Publishing Co., Taiwan in lại năm 1968; cũng được Anthony Sutton trích dẫn, Cuộc chiến vàng (The War on Cold ) - Seal Beach, California: 76 Press, 1977, trang 26 - 28. [2] Lịch sử kinh tế của người dân Mỹ (Economic History of the American People) của Ernest Ludlow Bogart (New York: Longmans, Green and Co., 1930), trang 172. [3] Những đạo luật chủ yếu ở Nam California, II. 211, 665, cũng được George Bancroft trích dẫn, Lời cầu xin cho Hiến pháp (A Plea for the Constitution) - Lúc đầu được Harpers xuất bản năm 1886. Được in lại ở Sewanee, Tennessee: Spencer Judd Publishers, 1982, trang 7. [4] Giấy tờ, tài liệu về Benjamin Franklin (The Papers of Benjamin Franklin) do Leonard W. Labaree hiệu đính (New Haven: Yale University Press, 1960), tập II, trang 159. [5] Province Laws, II. 826, được Bancroft trích dẫn, trang 14. [6] Vụ án vàng (The Case for Gold) - Ron Paul và Lewis Lehrman (Washington, D.C: Cato Institute, 1982), trang 22. Xem thêm Cuộc chiến vàng (The War on Gold) của Sutton, trang 44. [7] Xem “Paper Money in New Jersey, 1668 - 1775” của Donald L. Kemmerer, New Jersey Historical Society, Vụ kiện (Proceedings) 74 (tháng Tư năm 1956): trang 107 - 144, được Paul và Lehrman trích dẫn, Vụ án vàng (The Case for Gold), trang 22. [8] Galbraith, trang 48 - 50. [9] Paul và Lehrman, trang 22 - 23. [10] “Chuẩn tiền tệ thuộc địa của Massachusetts”, của Roger W. Weiss, Economic History Review, số 27, tháng Mười một năm 1974, trang 589. [11] Tài chính của Hoa Kỳ (The Financial of the United States) được Albert S. Bolles trích dẫn (New York: D. Appleton, 1986, tái bản lần 4), tập I, trang 132. [12] Bức thư gửi đến Samuel Cooper, ngày 22 tháng 4 năm 1779, được Albert Henry Smyth trích dẫn, hiệu đính, Tư liệu của Benjamin Franklin (The Writings of Benjamin Franklin), (New York: Macmillan, 1906), tập VII, trang 294. [13] Các quan sát về bài báo được chuẩn bị cho Từ điển (Observations on the Article Etats Unis Prepared for the Encyclopedia), ngày 22 tháng 6 năm 1786, từ Writings của Thomas Jefferson (New York: G.P. Putnam’s Sons, 1894), tập IV, trang 165. [14] Lịch sử cuộc cách mạng Mỹ (History of American Revolution) của David Ramsay (Luân đôn: Johnson and Stockdale, 1791), tập II, trang 134 -136. [15] Quốc gia mới (The New Nation) của Merrill Jensen (New York: Vintage Books, 1950), trang 324. [16] Liên minh và Hiến pháp (The Confederation and the Constitution) -Andrew C. McLaughlin (New York: Collier Books, 1962), trang 107 - 108. [17] Hiến pháp giải thích (The Constitution Explained) của Harry Atwood (Merrimac, Massachusetts: Destiny Publishers, 1927, tái bản lần 2 năm 1962), trang 3. [18] Sách đã dẫn, trang 4. [19] 100 đơn vị vàng được chia thành 185 chứng chỉ bằng 0,54. [20] Nợ và nguy hiểm: Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới (Debt and Danger: The World Financial Crisis) được Lever và Huhne trích dẫn (New York: The Atlantic Monthly, 1986), trang 42. [21] Lịch sử tiền tệ Mỹ (A History of American Currency) - William Graham Summer (New York: Holt, 1884), trang 214. Chú thích: [1] Galbraith, trang 16. [2] Lý thuyết và các nguyên tắc của hệ thống ngân hàng trung ương (Theory and Principles of Central Banking) - W.A. Shaw (Luân đôn & New York: Sir I. Pitman & Sons, Ltd, 1930), trang 32 - 32. [3] Tiền tệ và Con người (Money and Man) - Groseclose, trang 175. [4] Để có cái nhìn tổng quan về những thỏa thuận này, xem Bí mật của Hệ thống Ngân hàng (The Mystery of Banking) - Murray Rothbard (New York: Richardson & Snyder, 1983), trang 180. Xem thêm Các ông chủ ngân hàng - The Bankers của Martin Mayer (New York: Weybright & Talley, 1974), trang 24 - 25. [5] Bi kịch và Hi vọng: Lịch sử Thế giới Ngày nay (Tragedy and Hope: A History of the World in Our Time) được Caroll Quigley trích dẫn (New York: Macmillan, 1996), trang 49. Paterson đã không kiếm lợi gì từ ý tưởng sáng tạo riêng của mình. Ông đã rút khỏi Ngân hàng vì bất đồng chính sách chỉ trong vài tháng sau khi nó thành lập rồi quay trở lại Scotland nơi ông đã bán thành công âm mưu Darien của mình. Những người Scotland tằn tiện đã xúm lại mua cổ phiếu và tranh nhau để có được vùng đất sốt giá. Cổ phiếu trở nên mất giá và hầu hết tất cả 1200 người đi khai hoang đã bị mất cuộc sống của mình. [6] Bí ẩn (Mystery) của Rothbard, trang 180. [7] Hãy xem Lịch sử Hệ thống ngân hàng Anh - The Early History of Banking in England - R.D. Richards, Ph.D (New York: Augustus M. Kelley, bản gốc năm 1929, in lại năm 1965), trang 148 - 150. [8] Galbraith, trang 34. [9] Công trình nghiên cứu và thư tín của David Ricardo (The Works and Correspondence of David Ricardo: Pamphlets 1815 - 1823) - Piero Sraffa hiệu đính (Cambridge: Cambridge University Press, 1951), tập IV, trang 58. [10] Sách đã dẫn, trang 62. [11] Hằng số vàng (The Golden Constant) - Roy W. Jastram (New York: Wiley, 1977), trang 113. [12] Tiền tệ và con người (Money and Man) của Groseclose, trang 195 -196. [13] Hậu quả kinh tế của hòa bình (The Economic Consequences of the Peace) của John Maynard Keynes (New York, Harcourt, Brace và Howe, 1919), trang 235. Chú thích: [1] Đồng tiền giấy Dự trữ Liên bang nằm trong kho Cục Ngân khố không trở thành tiền tệ cho đến khi chúng được đưa vào lưu hành nhằm đổi lấy tiền séc - loại tiền được tạo ra bởi khoản vay ngân hàng. Khi nằm trong kho mà không có tiền tạo ra từ nợ thay thế, về mặt kỹ thuật, tiền sẽ không còn là tiền nữa mà thực tế chỉ là mớ giấy lộn. [2] Tôi cược là bạn nghĩ (I Bet You Thought), Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, trang 11. [3] Sách đã dẫn, trang 19. [4] Cơ chế tiền tệ hiện đại (Modem Money Mechanics), Ngân hàng Dự trữ Liên bang Chicago, trang 3. [5] Tiền tệ, Tín dụng và tốc độ (Money, Credit and Velocity), Review, 5/1982, Tập 64, Số 5, Ngân hàng Dự trữ Liên bang của St. Louis, trang 25. [6] IrvingFisher, 100% tiền tệ (100% Money) -New York: Adelphi, 1936, trang xxii. [7] Nợ quốc gia (The National Debt), Cục Dự trữ Liên bang Philadelphia, trang 2,11. [8] Hai mặt của nợ (Two face of Debt) - Ngân hàng Cục dự trữ Liên bang Chicago, tr. 33. [9] Các tác phẩm của Thomas Jefferson (ne Writing of nomas Jefferson), Bản in của Thư viện (Washington: Jefferson Memorial Association, 1903), Tập XIII, trang 277-278. [10] Brian L. Bex trích dẫn, Bàn tay vô hình (The Hidden Hand) - Spencer, Indiana: Owen Litho, 1975), trang 161. Thật đáng tiếc, Edison không hiểu được cả vấn đề. Ông ta phản đối chọi với việc chi trả lãi suất cho ngân hàng đối với tiền pháp định, trong khi lại không phản đối tiền pháp định của chính phủ. Ông ta chỉ phản đối lãi suất. Ông ta không nhìn thấy bức trạnh lớn hơn rằng ngay cả khi do chính phủ phát hành và không kèm lãi suất thì tiền phép định vẫn luôn là thế lực tàn phá nền kinh tế thông qua lạm phát, bùng nổ và phá sản. [11] 10% này được dựa trên mức trung bình. FED yêu cầu mức dự trữ tối thiểu là 10% tiền gởi trên khoản $47,6 triệu nhưng chỉ 3% tiền gởi từ $7 triệu đối với số lượng này và không có bất cứ khoản dự trữ nào dưới mức này. Các khoản dự trữ bao gồm tiền mặt cất ở kho và tiền gửi ở Hệ thống dự trữ Liên bang. [12] Ngân hàng phải trang trải các khoản vay với trái phiếu hoặc các tài sản chịu lãi suất khác nhưng không thu nhỏ hiệu ứng bội số tiền tệ của khoản tiền gửi mới. [13] Trái phiếu nợ từ khu vực tư nhân và các chính phủ khấc cũng được sử dụng theo một cách thức, nhưng trái phiếu chính phủ thường được coi là công cụ cơ bản. [14] Đây là trị số cực đại về lý thuyết. Trên thực tế, các ngân hàng hiếm khi có thể cho vay tất cả tiền bạc mà họ được phép tạo ra. [15] Chỉ khoảng 11-15% nợ liên bang tại thời điểm này được Hệ thống Dự trữ Liên bang nắm giữ. [16] Xem Chương 23. [17] Với việc FED nắm giữ chỉ 7% nợ quốc gia, hiệu ứng sẽ bị phá hủy. [18] Thuế doanh thu đã lỗi thời (Taxes for Revenue Are Obsolete) -Beardsley Rumi, American Affairs, Tháng Giêng 1946, trang 35. [19] Beardsley Rumi, trang 36. [20] Sách đã dẫn, trang 36. Chú thích: [1] Richard Lewinsohn, Lợi ích của chiến tranh qua các thời đại (The Profits of War through the Ages) - New York: E.P. Dutton, 1937, trang 55-56. [2] Được trích dẫn bởi Thượng Nghị sĩ Robert L. Owen, cựu Chủ tịch ủy ban trực thuộc Thượng Nghị viện về vấn đề Ngân hàng và Tiền tệ đồng thời là một trong những người bảo trợ Pháp lệnh Dự trữ Liên bang, Nền Kinh tế quốc gia và Hệ thống ngân hàng (National Economy and the Banking System) - Washington,D.C.: U.S. Governement Printing Office, 1939), tr.99. [3] Frederic Morton, Gia tộc Rothschild: Chân dung các thành viên gia đình (The Rothschilds: A Family Portrait) - New York: Atheneum, 1962, trang 14. [4] Nhà triệu phú Anh được Hoàng gia Anh trao quyền buôn bán và khai thác mỏ vùng lãnh thổ thuộc Zambia, Zimbabiwe, Malawi ngày nay. [5] Xem Morton, trangl45,219 [6] Là giai cấp hoặc nhóm công đoàn, giới tội phạm có tổ chức (giới thứ nhất là tăng lữ, giới thứ hai là quý tộc, thứ ba - người bình dân, thứ tư - báo chí). [7] Derek Wilson, Rothschild: Gia tài và Quyền lực của một Đế chế (Rothschild: The Wealth and Power of a Dynasty) - New York: Charles Scrbner’s Sons, 1988, trang 79, 98-99. [8] Derek Wilson, trang 99. [9] Morton, trang 40-41. [10] R. McNair Wilson, Chế độ quân chủ hay Thế lực tiền tệ (Monarchy or Money Power) - London: Eyre and Spottiswoode, Ltd., 1933, trang 68,72. [11] Đồng Assignat là tiền pháp định thuần chất và nhanh chóng trở nên mất giá trong thương mại và đã phá hủy nền kinh tế Pháp. [12] R. McNair Wilson, trang 71-72. [13] R. McNair Wilson, trang 81-82. [14] Morton, trang 46. [15] Morton, trang 47. [16] Morton, trang 45. [17] The New York Times, số ra ngày 1/4/1915 với thông tin rằng Baron Nathan Mayer de Rothschild đã cố gắng kiện ra tòa nhằm đình bản cuốn sách của Ignatious Balla có tên The Romance of the Rothschilds (Chuyện tình của gia tộc Rothschild) với các chứng cứ rằng câu chuyện về trận đánh Waterloo có liên quan đến bố ông ta là không đúng sự thật và bôi nhọ danh dự gia đình. Tòa án phán quyết rằng câu chuyện là xác thực và buộc Rothschild phải chịu tất cả án phí. [18] Benjamin Disraeli, Coningsby (New York: Alfred A. Knopf, được xuất bản lần đầu tiên tại Anh vào năm 1844), trang 225. [19] Stephen Birmingham, Đám đông của chúng ta: Các gia tộc Do Thái Vĩ đại (Our Crowd: The Great Jewish Families of New York ) - New York: Harper & Row, 1986, trang 73. [20] Trích dẫn trong The New York Times, 21/10/1987, trang 13. [21] Disraeli, trang 229. [22] Trích dẫn bởi Jaques Attali, biên dịch: Barbara Ellis, Nhân vật ảnh hưởng: Hầu tước Siegmund Warburg (A Man of Influence: Sir Siegmund Warburg), 1902-82 (London: Weidenfeld, & Nicosom, 1986), trang 57. [23] Trích dẫn bởi Derek Wilson, trang 100. [24] Derek Wilson, trang 100. Chú thích: [1] John Moody, Các ông chủ tiền tệ (The Masters of Capital) - New Haven: Yale University Press, 1919, trang 164-165. [2] Chernow, trang 187-189. [3] Lewinsohn, trang 103-4, 222-24. [4] Balfour MSS, FO/800/208, hồ sơ lưu trữ Văn phòng ngoại giao Anh, London. [5] Ferrell, trang 12. [6] William G. McAdoo, Những năm tháng áp lực (Crowded Years) - New York: Houghton Miffilin, 1931, báo cáo, New York: Kennikat Press, 1971, trang 392. [7] Ferrell, trang 88. [8] Trích dẫn bởi Ferdinand Lundberg trong cuốn Sáu mươi gia đình Mỹ (Ameria’s Sixty Families) - New York: Vanguard Press, 1937, trang 141. Xem thêm cuốn Tư liệu của Woodrow Wilson (The Papers of Woodrow Wilson), tập 41-1983) trang 336-337. [9] Lundberg, trang 141-42. [10] Từ điển bách khoa Columbia (In lần thứ ba, 1962, trang 2334). [11] Seymour, Tập I, trang 114. [12] George Sylvester Viereck, Mối quan hệ lạ lùng nhất trong lịch sử: Woodrow Wilson và Đại tá House (The Strangest Friendship in History: Woodrow Wilson and Colonel House) New York: Liveright Publishers, 1932, trang 4, 18-19, 33, 35. [13] Seymour, Tập II, trang 399. [14] William Jennings Bryan và Mary Baird Bryan, Hồi ký của William Jennings Bryan (The Memoirs of William Jennings Bryan) - New York: Kennicat Press, 1925, Tập II, trang 404-405. [15] Viereck, trang 106-108. [16] Trích dẫn bởi Viereck, trang 112-113. [17] Ferrell, trang 12. [18] Simpson, trang 87. [19] Harry Elmer Barnes, Đi tìm sự thật và công bằng: Lột trần sự hoang đường tội lỗi của chiến tranh (In Quest of Truth and Justice: De-Bunking the War Guilt Myth) - Chicago: National Historical Society, 1928, New York: Arno Press 81 The New York Times, 19729, trang 104. [20] George Wheeler, Pierpont Morgan và bạn bè: Mổ xẻ sự hoang đường (Pierpont Morgan and Friends: the Anatomy of a Myth) - Englewood Cliffs, New Jersey: Prentice Hall, 1973, trang 283-284. [21] Tài liệu Quốc hội, tập 54, 9/2/1917, trang 2947. [22] Lundberg trang 257. [23] Lundberg trang 252. [24] Sách đã dẫn, trang 97, 249. [25] Sách đã dẫn, trang 247. [26] Simpson, 17-18, 70. [27] Simpson, trang 87. [28] Đánh chìm tàu Lusitania (Riddle of the Lusitania) - Robert Ballard, National Geographic, 4/1994, trang 74. [29] Wilston Churchill, Cuộc khủng hoảng thế giới (The World Crisis) - New York: Scribner’s Sons, 1949, trang 300. [30] Churchill, trang 274-75. [31] Trích từ Nhật ký của Thủy sư đô đốc Hubert Richmond, 27/2/1915, Bảo tàng Hàng hải quốc gia, Greewich, được trích dẫn bởi Simpson, trang 37. [32] P.R.O., ADM/116/1359, 23/12/1914, trích dẫn bởi Simpson, trang 37. [33] Xem Chất nổ hiện đại (Modern High Explosives) - New York: John Wiley & Sons, 1914, trang 110, 112, 372. [34] Joseph M. Kenworthy và George Young, Tự do của biển cả (The Freedom of the Sea) - New York: Ayer Company, 1929; trang 211. [35] Seymour, Tập I, trang 432. [36] Sách đã dẫn, trang 432. [37] Simpson, trang 157. [38] Đánh chìm tàu Lusitania (Riddle of the Lusitania) - Robert Ballard, National Geographic, 4/1994, trang 74, 76. [39] Tư liệu của Mersey, Bignor Park, Sussex, được trích dẫn bởi Simpson, trang 190. [40] Simpson, trang 241. [41] Sách đã dẫn, trang 241. [42] Bryan, Tập II, trang 398-389. [43] McAdoo, trang 333. [44] Bryan, Tập II, trang 424. [45] Herman E. Krooss, Lịch sử hệ thống ngân hàng và tiền tệ tại Mỹ (Documentary History of Banking and Currency in the United States) - New York: Chelsea House, 1983, tập III, trang 26-27. [46] Seymour, trang 434. [47] Sách đã dẫn, trang 435. [48] Ferrell, trang 89, 90. [49] Clarence W. Barron, Họ nói với Barron (They Told Barron); chú thích bởi Clarence Walker Barron, Arthur Pound và Samuel Taylor Moore hiệu đính (New York: Harper and Brothers, 1930), trang 51. [50] Lundberg, trang 134, 144-45. [51] Tiền gửi và tiền tệ - Tiền gửi điều chỉnh của tất cả các ngân hàng và tiền tệ bên ngoài ngân hàng giai đoạn 1892-1941 (Deposits and currency - Adjusted Deposits of All Banks and Currency Outside Banks, 1892-1941), Banking and Monetary Statistics, 1914-1942 (Washington, D.C.: Board of Governors of the Federal Reserver System, 1976), trang 34. Chú thích: [1] Leon Trotsky, Cuộc đời tôi (My Life) - New York: Scribner’s, 1930, trang 277. [2] “Mayor Calls Pacifists Traitors,” The New York Times, 24/3/1917, trang 2. [3] Một báo cáo đầy đủ về cuộc mít tinh này đã được trình cho Cục Tinh báo quân đội Hoa Kỳ. Xem tài liệu Thượng nghị viện số 62, Quốc hội thứ 66, Báo cáo và Điều trần của ủy ban Tư pháp (Report and Hearings of the Subcommitte on the Judicary), Thượng nghị viện Hoa Kỳ, 1999, Tập II, trang 2860. [4] Vì sao chúng ta lại để Trotsky thoát? Canada đã để mất cơ hội rút ngắn thời gian diễn ra chiến tranh bằng cách nào? (Why Did We Let Trotsky Go? How Canada Lost an Opportunity to Shorten the War) MacLeans Magazine, Canada, 6.1919. Xem thêm Martin, trang 163-164. [5] Tiến sĩ Antony C. Sutton, Phố Wall và Cuộc cách mạng Bôn-sê-vích (Wall Street and the Bolshevik Revolution) - New Rochelle, New York: Arlington House, 1974, trang 25. [6] Những bức thư này được công bố vào mùa hè năm 1976 trên Cospiracy Digest. [7] Quigley, trang 324. [8] Xem Kenneth Clark, Ruskin Today (New York: Holt, Reinhart & Winston, 1964), trang 267. [9] Quigley, Bi kịch, trang 130. [10] Carroll Quigley, The Anglo-American Establishment: From Rhodes to Cliveden (New York: Books in Focus, 1981), trang Ix, 36. [11] Quigley, Bi kịch, trang 131. [12] Quigley, Bi kịch, trang 132, 951-52. [13] Martin, trang 174-175. [14] Sutton, Cuộc cách mạng (Revolution), trang 72. [15] Hermann Hagedorn, Yếu nhân: William Boyce Thompson và thời đại của ông ta (The Magnate: William Boyce Thompson and His Time) -New York: Reynal & Hitchcock, 1935, trang 192-93. [16] George F. Kennan, Nga đang đến gần với cuộc chiến: Mối quan hệ Nga-Mỹ 1917-1920 (Russia Neaves the War: Soviet-American Relations, 1917-1920) - Princeton, New Jersey: Princeton University Press, 1956, trang 60. [17] Hagedorn, trang 192. [18] Sutton, Cuộc cách mạng (Revolution), trang 83, 91. [19] Henry R. Pike, Lịch sử Chủ nghĩa cộng sản ở Nam Phi (A history of Communism in South Africa) - Germiston, South Africa: Christian Mission International of South Africa, 1985, trang 39. [20] Quigley, Bi kịch và hy vọng (Tradegy and Hope), trang 137-38. [21] Sách đã dẫn, trang 945. [22] Xem John p. Diggins, Mussolini và chủ nghĩa phát xít: Quan điểm từ Hoa Kỳ (Mussolini and Fascism: The View from America) - Princeton, New Jersely: Princeton University Press, 1972. [23] Sutton, Cuộc cách mạng (Revolution) trang 163-68. [24] Sách đã dẫn, trang 102, 146, 166-67. [25] R.H. Bruce Lockhart, Điệp vụ Anh (British Agent) - New York and London: G.P. Putnam’s Sons, 1933), trang 198-99, 204, 206-07. [26] Lockhart, trang 120. [27] Sách đã dẫn, trang 270. [28] Sách đã dẫn, trang 253. [29] Lockhart, trang 225-26. [30] Kennan, nước Nga, trang 59. Chú thích: [1] Leonard Shapiro, Cuộc cách mạng Nga 1917 (The Russian Revolution of 1917) - New York: Basis Books, 1984, trang 135-36. [2] Lincoln Steffens, Thư từ của Lincoln Steffens (The Letters of Lincoln Steffens) - New York: Harcourt, Brace, 1941, trang 396. [3] George F. Kennan, Quyết định can thiệp: Mối quan hệ Nga-Mỹ 1917-1920 (The Decision to Intervene: Soviet-American Relations, 1917-1920) - Princeton, New Jersey: Princeton University Press, 1958, trang 190,235. [4] Bullard, Hồ sơ Bộ ngoại giao M, 316-11-1265, 19/3/1918. [5] Thượng viện Mỹ, Tuyên truyền Bôn-sê-vích (Bolshevik Propganda), cuộc họp ủy ban tư pháp, 1919, trang 802. [6] Sutton, Cuộc cách mạng (Revolution), trang 97-98. [7] Hồ sơ Bộ ngoại giao Mỹ, 861.516/129, 28/8/1992. [8] Hồ sơ Bộ ngoại giao Mỹ, 861.51/815, 836, 837, 10/1920. Xem thêm Sutton, Cuộc cách mạng (Revolution) trang 159-60, 165. [9] Xem George F. Kennan, Nước Nga và phương Tây dưới thời Lê Nin và Stalin (Russia and the West under Lenin and Stalin) -Boston: Little, Brown and Company, 1961, trang 180. [10] Trích dẫn bởi Joseph Finder, Thảm đỏ (Red Carpet) - New York: Holt, Rinehart and Winston, 1983, trang 8. [11] Tài liệu của Arthur Bullard, Trường ĐH Princeton, trích dẫn bởi Sutton, Cuộc cách mạng (Revolution), trang 46. [12] Antony Sutton, Phố Wall và sự trỗi dậy của Hitler (Wall Street and the Rise of Hitler) - Seal Beach, California, 76 Press, 1976, 15-18; 33-43, 67-97, 99-113. Xem thêm Revolution, tr. 174. [13] Sutton, Hitler, trang 23-61. [14] “Tỉ lệ phần trăm “The Payoff” của Jane H. Ingraham, the New American, 28/6, trang 25-26. [15] Các số liệu này được lấy từ ấn bản phẩm của Liên Hợp quốc E/ CN.5/1985/ Số 1, 1985 Báo cáo về tình hình xã hội thế giới (Report on World Social Situation), trang 14. [16] “Ơn Chúa vì kẻ nông nô” (Thank Goodness for a Villain) Newsweek, 16/9/1996, trang 43. [17] Tài liệu của Quốc hội, 29/4/1977. Chú thích: [1] Xem William M. Gouge, Lược sử tiền giấy và ngân hàng tại Hoa Kỳ (A Short History of Paper Money and Banking in the United States) -Philadenphia: T.W. Ustick, 1833, Phần II, trang 27. [3] Roger W. Weiss, “Chuẩn mực tiền tệ thuộc địa của Massachusetts” (The Colonial Monetary Standard of Massachusetts), Economic History Review 27 (Tháng 11/1974), trang 589. [3] Xem Paul và Lehrman, trang 26-27. [4] Gouge, trang 28. Sự cả tin của người phụ nữ này có thể mang tính nhân văn, nhưng giờ đây, người dân Mỹ có được khai sáng hay không? [5] Trích dẫn bởi Bolles, tập I, trang 132. [6] Thomas Jefferson, Những quan sát từ bài báo Etats-Unis được chuẩn bị cho từ điển bách khoa (Observatiobs on the Article Etats - Unis Prepared for the Encyclopedia),22/6/1786, Writings, Tập IV, trang 165. [7] F.Tupper Saussy, Ảo ảnh về Mainstreet (The Miracle on Mainstreet) Swanee, Tennessee: Spencer Judd. 1980, trang 12. Cũng nên xem cuốn Cuộc chiến vàng (The War on Gold) của Anthony Sutton (Seal Beach, Calif.: 76 Press. 1977), trang 47,48. [8] Jensenm trang 324. [9] Trích dẫn bởi Atwodd, trang 3. [10] Sách đã dẫn, trang 4. [11] Sách đã dẫn, trang 4. [12] Xem Bancroft, trang 30, 43-44 và Paul & Lehrman, trang 168. [13] Xem Pieces of Eight: The Monetary Powers and Disabilities of the United States Constitution của Edwin Vieira (New Jersey: Sound Dollar Committee, 1983) trang 71-76. [14] Trích dẫn bởi Bancroft, trang 39.40. [15] Vieira, trang 66. [16] Propositions Respecting the Coinage of Gold, silver and Coper (đệ trình cho Quốc hội thuộc địa ngày 13/5/1758), trang 9-10. Trích dẫn bởi Vieita, trang 68. [17] Sách đã dẫn, trang 11. [18] Tranh luận và khởi kiện trong Quốc bội Hoa Kỳ (The Debates and Proceedings in the Congress of the United States) - J.Gales sưu tập, 1834, Phụ lục. tr.2059, 2071-73, trích dẫn bởi Viera, trang 95, 97. [19] Groseclose, Tiền tệ và con người (Money and Man), tr. 167. [20] Trích dẫn bởi Saussy, tr. 36. [21] Douglass C. North, Tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ (The Economic Groivth of the United States) New York: W.W. Norton, 1966, trang 53. [22] Louis M. Hacker, Chủ nghĩa tư bản Hoa Kỳ (American Capitalism ) New York: Anvil, 1957, trang 39. [23] Những bức thư này được viết vào năm 1790-1791, được trích dẫn bởi Atwood, trang 5-6. [24] Viết trong năm 1789, được trích dẫn bởi Louis Basso: A Treatise on Monetary Reforn (St. Louis, Missouri: Monetary Realist Society, 1982), trang 5. Chú thích: [1] Xem Murray N. Rothbard, Conceived in Liberty: The Revolutionary War, 1775-1784 (New Rochelle, New York: Arlington House, 1979), T-p IV, trang 392. [2] Rothbard, Mystery, trang 194-95. [3] “Quan điểm của Thomas Jefferson, Bộ trưởng ngoại giao” (“Opinion of Thomas Jefferson, Secretary of State”) 15/2/1791, trích dẫn bởi Krooss, trang 147-48. [4] Sự so sánh giữa các ngân hàng tư nhân và quân đội hiện hành có thể được tìm thấy trong nhiều lá thư của Jefferson và những lời phát biểu trước công chúng. Ví dụ. xem Các tác phẩm của Thomas Jefferson (The Writings of Thomas Jefferson) - New York: G.P. Putnam & Sons, 1899, T-p 10, trang 31. [5] Các tác phẩm chính của Thomas Jefferson (The Basic Writings of Thomas Jefferson) - Wiley Book Company, 1944, trang 749. [6] Được trích dẫn bởi Arthur M. Schilesinger-con trong cuốn Thời đại của Jackson (The Age of Jackson) - New York: Mentor Books, 1945, trang 6-7. [7] Được viết vào 30/4/1781 cho người thầy của mình - Robert Morris. Được trích dẫn bởi John H. Makin, Khủng hoảng nợ toàn cầu (The Global Debt Crisis: America’s Growing Involvement) - New York: Basic Books, 1984), trang 246. [8] Kể cũng thú vị khi lưu ý rằng, với tư cách thành viên của Quốc hội Thuộc địa, Willing đã trở thành một trong những người chống lại việc tuyên bố Độc lập. [9] Galbraith, trang 72. [10] Derek Wilson, trang 178. [11] Gustavus Myers, Lịch sử những khối gia sản vĩ đại của Hoa Kỳ (History: of the Great American Fortunes) - New York: Random House, 1936, trang 556. [12] Thư gửi John Taylor, 26/11/1789, được trích dẫn bởi Martin A. Larson, The Continuing Tax Rebellion (Old Greenwich, Connecticut: Devin-Adair, 1979), trang Xii. [13] Galbraith, trang 73. [14] Được viết ngày 2/7/1787 trong một lá thư gửi James Madison. Được trích dẫn trong “Prosperity Economics,” của W. Cleon Skousen, Freeman Digest, 2/1985, trang 9. [15] Rothbard, Bí ẩn (Mystery), trang 198-199. [16] Các tác phẩm (Writings), Bản của thư viện, Tập XIV, trang 227. [17] Các tác phẩm (Writings), Bản của thư viện, Tập XIII, trang 364. [18] Thư gửi Tiến sĩ Thomas Cooper, 10/9/1814, Các tác phẩm (Writings), Bản của thư viện, Tập XIV, trang 187-89. [19] Các tác phẩm (Writings), Bản của thư viện, Tập trang 269. [20] Sách đã dẫn, trang 358. [21] Sách đã dẫn, trang 270. [22] Sách đã dẫn, trang 272. Chú thích: [1] Thư từ của Adams-Jefferson (The Adams-Jefferson Letters) J. Cappon hiệu đính; New York: Simon and Schuster, 1971, tập II, trang 424. [2] Đạo luật 1816, Khoản 20, Điều 3, trang 191 [3] Rothbard, Bí ẩn (Mystery), trang 203. [4] Krooss, trang 25. [5] Ralph C.H. Catterall, Ngân hàng thứ hai Hoa Kỳ (The Second Bank of the United States) - Chicago: University of Chicago Press, 1902, trang 36. [6] Galbraith, trang 77. [7] Norman Angell, Câu chuyện tiền tệ (The Story of Money), New York: Frederick A. Stockes Co., 1929; trang 279. [8] Rothbard, Bí ẩn (Mystery), trang 204-05. Xem thêm Galbraith, trang 77. [9] Krooss, tập I, trang 190-91. [10] William M. Gouge, Lược sử tiền giấy và hệ thống ngân hàng ở Hoa Kỳ (A Short History of Paper Money and banking in the United States) - New York: Augustus M. Kelly, 1968, trang 110. [11] J.D. Richardson, Biên soạn thư từ, tài liệu của các tổng thống 1789-1908) (A Compilation of the Message and Paper of the Presidents, 1789-1908) - Washington: Bureau of National Literature and Art, 1908, Tập II, trang 581. [12] Robert V. Remini, Cuộc đời của Andrew Jackson (The Life of Andrew Jackson) - New York: Harper & Row, 1988, trang 227-28. [13] Krooss, trang 22-23. [14] Krooss, trang 26-27. [15] Sách đã dẫn, trang 36-37. [16] Galbraith, trang 80. [17] Kross, trang 2. [18] Remini, Cuộc đời (Life), trang 234. [19] Biên niên sử của Quốc hội, Annals of Congress, trang 1066, 1110. [20] Roert Remini, Andrew Jackson và diễn biến của nền tự do Mỹ (Andrew Jackson and the Course of American Freedom), 1822-1832 (New York: Harper & Row, 1981), trang 373. [21] Remini, Cuộc đời (Life), trang 234 -35. [22] Remini, Diễn biến (Course), trang 52. [23] William Duane, Narrative and Correspondence Concerning the Removal of the Deposits and Occurences Connected Therewith (Philadenphia: n.p., 1838), tr. 101-03. Được trích dẫn bởi Remini, Life, trang 264. [24] Được trích dẫn bởi Herman J. Viola, Andrew Jackson, (New York: Chelsea House, 1986), trang 88. [25] Thư từ của Jackson gửi Van Buren, 19/11/1833, Tài liệu của Van Buren (Van Buren Papers), Thư viện Quốc hội, trích dẫn bởi Remini, Cuộc đời (Life), trang 264. [26] Remini, Cuộc đời (Life), trang 265. [27] Remini, Nền dân chủ (Democracy), trang 111. [28] Biddle gửi William Appleton, 27/1/1834, và gửi J.G. Watmough, 8/2/1834. Nicholas Biddle, Correspondence, 1807-1844, Reginald C. McGrane (New York: Houghton Mifflin, 1919), trang 219, 221. [29] Trích dẫn bởi Viola, trang 86. [30] Remini, Cuộc đời (Life), trang 274. [31] Remini, Nền dân chủ (Democracy), trang 228-29. [32] Robert J. Donovan, Kẻ ám sát (The Assassins) - New York: Harper & Brothers, 1952, trang 83. Chú thích: [1] Otto Scott, The Secret Six: The Fool as Martyr, Tập III hoặc The Sacret Fool Quarte (Columbia, South Carolina: Foundation for American Education, 1979), trang 115. [2] Rothbard, Bí mật (Mystery), trang 211. [3] Groseclose, Tiền tệ và con người (Money and Man), trang 184. [4] Groseclose, Tiền tệ và con người (Money and Man), trang 185. [5] Groseclose, Tiền tệ và con người (Money and Man), trang 186. [6] Groseclose, Tiền tệ và con người (Money and Man), trang 188-89. [7] Henry V. Poor, Tiền tệ và luật pháp (Money and Its Laws) -London: Henry S. King and Co., 1877, trang 540. [8] George Selgin, Lý thuyết về hệ thống ngân hàng tự do (The theory of Free Banking: Money Supply under Competitive Note Issue) - Totowa, New Jersey: Rowman & Littlefield, 1988, trang 13. [9] Charles Beard, Sự trỗi dậy của nền văn minh Hoa Kỳ (The Rise of American Civilization) - New York: Macmillan, 1930, Tập I, trang 429-30. [10] “Những câu chuyện hoang đường về hệ thống ngân hàng cũ” (Old Banking Myths), - Hans F. Sennholz, The Freeman (Irvington-on-Hudson, New York), Tháng Năm 1989, trang 175-76. [12] Greider, trang 259. [13] Don E. Fehrenbacher, Abraham Lincoln: Diễn văn và tác phẩm 1859-1865 (Abraham Lincoln: Speeches and Writings, 1859-1865) - New York: Thư viện Hoa Kỳ, 1989, trang 215. [14] Trích dẫn bởi Robert L. Polley, Lincoln: Những bài diễn văn của ông ta và thế giới của ông ta (Lincoln: His Words and His World) - Waukesha Wisconsin: Country Beaiful Foundation, 1965, trang 54. [15] Sách đã dẫn, trang 438. [16] Xem “Không có nội chiến nào hết” - Phần I (No Civil War at All) của William Mcllhany, Journal of Individualist Studies, Mùa đông 1992, trang 41. [17] Câu này được trích dẫn bởi Conrad Siem, một người Đức sau này trở thành công dân Hoa Kỳ và viết về cuộc đời cũng như quan điểm của Bismark. Cuốn sách được xuất bản tại La Vieille France, số 216, 17-24/3/ 1921, trang 13-16. [18] Catton và Ketchum, trang 250. Xem thêm Otto Eisenschiml, The Hidden Face of the Civil War (New York: Bobbs-Merril, 1961), trang 25. Chú thích: [1] Cháu trai của ông ta, Sa hoàng Nhicolai Đệ nhị đã chấp thuận khoản vay từ J.P. Morgan. Trong một động thái cổ điển áp dụng Công thức Rothschild, Morgan cũng đã cấp vốn cho những người theo chủ nghĩa Men-sê-vích và Bôn-sê-vích. Những người theo chủ nghĩa Men-sê-vích đã buộc Nhicolai thoái vị, và những người theo chủ nghĩa Bôn-sê-vích đã hành quyết ông ta. Xem Chernow, trang 195, 211. [2] Carl Wrangell-Rokassowsky, Trước cuộc tấn công (Before the Storm) - Ventimiglia, Italy: Tipo Litografia Ligure, 1972, trang 57. [3] Được trích dẫn bởi Charler Adam trong cuốn Đấu tranh, đấu tranh và gian lận (Fight, Flight, Fraud: The Story of Taxation) - Curacao, The Netherlands: Euro-Dutch Publishers, 1982, trang 229. [4] Catton và Ketchum, trang 252. [5] Sau này, Quốc hội đã phê duyệt các hành động của Lincoln nhưng vào thời điểm đó thì Quốc hội đã không có sự lựa chọn nào. Chiến tranh vẫn tiếp diễn. [6] Catton và Ketchum, trang 484-85. [7] James D. Horan, Đại diện ly khai: Khám phá trong lịch sử (Confederate Agent: A Discovery in History) - New York: Crown, 1959, trang 209. [8] Catton và Ketchum, trang 486,511 [9] Xem Derek Wilson, trang 178. [10] Câu này được lấy từ đoạn trích dẫn trong chính sách tiền tệ của Lincoln do Bộ phận tham khảo tài liệu pháp luật thuộc Thư viện Quốc hội soạn thảo. Được trích dẫn bởi Owen, trang 91. [11] Xem bài phát biểu của Lincoln về Bộ Tài chính, Fehrenbacher, trang 56-57. [12] Xem thông điệp thường niên gửi cho Quốc hội, 1/12/1862, Fehrenbacher, trang 398. [13] The Hon. Charles A. Lindburgh, Ngân hàng và tiền tệ và Tổ hợp tiền tệ (Banking and Currency and the Money Trust) - Washington, D.C.: National Capital Press, 1913, trang 102. [14] Con số này thể hiện khoản tối đa về lý thuyết. Con số thực có thể ít hơn một chút do các ngân hàng ít khi có khả năng giữ 100% tiền giấy cho việc lưu hành dưới dạng các khoản cho vay. [15] Galbraith, trang 90. [16] Xem Chương 10, Cơ chế Mandrake. [17] Xem Paul và Lehrman, tr. 80-81, Tiền bạc và con người (Money and Man), trang 193; Galbraith, trang 93-94; Rothbard, Mystery, trang 22. [18] Xem Galbraith, trang 94. Xem thêm Paul và Lehrman, trang 81. [19] Trích dẫn bởi Owen, trang 99-100. [20] Thư gửi William F. Elkins, 21/11/1864. Archer H. Shaw hiệu đính, Từ điển bách khoa Lincoln (The Lincoln Encyclopendia: The Spoken and Written Words of A. Lincoln); New York: Macmillan Co., 1950; trang 40. [21] Xem Theodore Roscoe, Mạng lưới âm mưu: Chuyện kể về những kẻ ám sát Abraham Lincoln (The Web of Conspiracy: The Complete Story of the Men Who Murdered Abraham Lincoln) - Englewood Cliffs, Newjarsey: Prentice Hall, 1959. [22] “Không Nội chiến, Phần 2” (No Civil War, Part Two) của William Mcllhany, Journal of Individualist Studies, Mùa thu 1992, trang 18-20. [23] Horan, trang 15. [24] Sách đã dẫn, trang 208-23. [25] Sách đã dẫn, trang 16. [26] Roscoe, trang vii. [27] Izola Forrester, Hành động điên rồ (This One Mad Act) - Boston: Hale, Cushman & Flint, 1937, trang 359. Chú thích: [1] Groseclose, Tiền tệ và con người (Money and Man), trang 202. [2] Được Rothbard trích dẫn, Điều bí ẩn (Mystery), trang 231. [3] Matthew Josephson, Những tên trùm trộm cướp: Các nhà tài phiệt tư bản Mỹ lỗi lạc, 1861 - 1901 (The Robber Barons: The Great American Capitalists, 1861 - 1901) - New York: Harcourt Brace Jovanovich, 1934, trang 170. [5] John Douglas Forbes, J.P.Morgan-con (J.P.Morgan, Jr.), - Charlottesville: University Press of Virginia, 1981, trang 31. [6] Qua nhiều năm, điều này không còn bị che giấu nữa. Trang 69 trên số ra ngày 23 tháng 12 năm 1991 của tờ Business Week nhắc cho chúng ta biết rằng CEO của J.P. Morgan & Co., Dennis Weatherstone - người sống ở Connecticut - đã được Nữ hoàng Elizabeth II phong tước hầu. [7] Eustace Mullins, Bí mật về Dự trữ Liên bang (Secrets of the Federal Reserve) - Virginia: Bankers Research Institute, 1983, trang 49. [8] Derek Wilson, trang 176. [9] B. Gille, Lịch sử của gia tộc Rothschild (Histoire de la Maison Rothschild), Tập I, 1965-1967, trang 581, do Derek Wilson biên tập, trang 181. [10] Derek Wilson, trang 182. [11] Moody, trang 27. [12] Kolko, Niềm vui chiến thắng (Triumph), trang 142. [13] Sereno S. Pratt, Tác phẩm của Phố Wall (The Work of Wall Street) New York: D. Appleton, 1916; bản New York in lại: Arno Press, 1975, trang 349. [14] Wheeler, trang 17, 18, 42. [15] Jackson, trang 56. [16] Chernow, trang 11. [17] Jackson, trang 56-57. [18] Josephson, trang 60. [19] Wheeler, trang 16-17. [20] Xem “Thủ lĩnh của Rothschilds’ Paris House đã chết”, The New York Times, ngày 27 tháng 5 năm 1905, trang 9. [21] Thậm chí chính phủ đã che giấu nguồn dự trữ này. Chỉ những thanh vàng thỏi mới đủ giá trị cho sự chuộc lại chứ không phải là những đồng tiền vàng. Điều này đảm bảo rằng vàng sẽ không còn được lưu hành như tiền và rằng vàng sẽ được dùng chủ yếu cho những giao dịch quốc tế quy mô thực sự lớn. [22] Để có được cái nhìn tổng quan về những phát triển đã đề cập, hãy xem “Dự trữ Liên bang như một phương sách lũng đoạn” của Murray N. Rothbard, trong Money in Crisis (Tiền bạc trong khủng hoảng), Barry N. Siegel biên tập. (New York: Ballinger, 1984), trang 115-17. [23] Rothbard, Cơn khủng hoảng (Crisis), trang 131-32. [24] Quigley, Tấn thảm kịch (Tragedy), trang 326. [25] Quigley, Tấn thảm kịch (Tragedy), trang 326. [26] Lester V. Chandler, Benjamin Strong, Chủ ngân hàng trung ương (Benjamin Strong, Central Banker) - Washington, D.C.: Brookings Institution, 1958, được Arno Press in lại, một công ty thuộc New York Times, 1978, trang 259. [27] John Hargrave, Montagu Norman, (New York: Greystone Press, 1942), trang 108. [28] Galbraith, trang 174-75. [29] Chandler, trang 282-84. [30] Gần 1.328.000.000 đô-la trong đợt lạm phát đầu tiên, cộng với 445.000.000 đô-la trong lần thứ hai bằng 1.773.000.000 đô-la. Khoản tiền này được nhân lên 5,5 thành 9.751.500.000 đô-la. Dựa trên cơ sở khoản tiền gốc là 1.773.000.000 đô-la nên tổng số được nâng lên thành 11.524.500.000 đô-la. Sự ước đoán này tương đối sát với con số 10.661.000.000 đô-la mà Fed đã tự mình công bố nhằm giải trình về sức tăng trưởng tổng lượng tiền gửi và tiền tệ được lưu hành trong suốt thời gian này. Xem “Tiền gửi và tiền tệ”, trang 34. [31] Khi một mặt hàng trở nên khan hiếm, giá cả của nó sẽ tăng cao. Còn trong trường hợp về trái phiếu và những công cụ nợ chịu lãi khác, giá cả được thể hiện ngược lại lợi suất của nó. Giá càng cao, lãi càng thấp. Nói cách khác, giá càng cao thì ngân hàng phải thanh toán càng nhiều cho việc thu được lợi nhuận từ cùng đồng đô-la chịu lãi. Vì vậy, khi Fed tạo ra một nhu cầu giả về trái phiếu hoặc thương phiếu, chẳng hạn như hối phiếu, thì lợi suất của những thứ đó giảm xuống và như vậy làm cho chúng càng trở nên có giá như một khoản đầu tư. [32] “Thất bại của Cục Dự trữ Liên bang.” của H. Parker Willis,. The North American Review, tháng 5 năm 1929, trang 553. [33] Chernow, trang 167. [34] Chandler, trang 458. Để hiểu rõ hơn, xem thêm trang 459-63. [35] Andrew Carnegie, Nền dân chủ chiến thắng (Triumphant Democracy) - New York: Charles Scribner’s Sons, 1893, trang 530-49. Đây là bản thảo sửa lại của cuốn sách này được viết lúc đầu năm 1886. Các lần tái bản trước không thấy có những dòng chữ này. Chú thích: [1] Xem Kolko, Niềm vui chiến thắng (Triumph), trang 140. [2] Chernow, trang 152-53. [3] Được Gabriel Kolko trích dẫn, Những xu hướng chính trong lịch sử Mỹ hiện đại (Main Currents in Modern American History), - New York: Harper & Row, 1976, trang 13. [4] Được William Hoffman trích dẫn, David: Báo cáo về Rockefeller (David: A Report on a Rockefeller) - New York: Lyle Stewart, Inc., 1971, trang 29. [5] Paul và Lehrman, trang 119. [6] Kolko, Niềm vui chiến thắng (Triumph), trang 143-44. [7] Moody, trang 117-18, 150. [8] Kolko, Niềm vui chiến thắng (Triumph), trang 144. [9] Kịch bản được hợp pháp hóa này chỉ được sử dụng đúng một lần vào năm 1914 lúc bùng nổ cuộc Đại thế chiến thứ nhất. Xem Galbraith, trang 120. [10] Hồ sơ Quốc hội, kỳ 5, 1913, trang 4655. [11] Hồ sơ Quốc hội, kỳ 6, 1913, trang 6021. [12] Stephenson, trang 378. [13] Galbraith, trang 122. [14] Vanderlip, “từ chàng nông dân tới nhà tài chính”, trang 72. [15] Krooss, Tập III, bản in năm 1969, trang 1202. [16] Được Kolko trích dẫn, Niềm vui chiến thắng (Triumph), trang 235. [17] Hầu hết các nhà sử học đều chung quan điểm với Seligman về vai trò mang tầm ảnh hưởng lâu dài của Warburg trong việc tạo lập ra Cục Dự trữ Liên bang. Tuy nhiên, những người tham gia trực tiếp vào vở kịch này hình như háo hức giành lấy một số vị trí nổi bật về danh tiếng cho chính bản thân và đã bất đồng sâu sắc. Chẳng hạn như William McAdoo, Bộ trưởng Tài chính khi đó, phát biểu rằng: “Sự khẳng định này hoàn toàn sai mức phải bắt nguồn từ sự ngu dốt chứ không phải sự xuyên tạc.” Hãy xem McAdoo, trang 281. Bất kể việc ganh đua sĩ diện, tìm hiểu một cách khách quan bản thành tích này dẫn tới kết luận rằng, trong khi những người khác không hề nghi ngờ gì về khoản tiền lớn được dành cho những thương vụ về hối phiếu kỹ thuật và các đàm phán chính trị thì bản chất, khái niệm tổng thể và cơ sở pháp lý của kế hoạch được bàn tới nhằm bán cho Quốc hội về cơ bản chính là sản phẩm thuộc cảm hứng bị bóp méo của Warburg. [18] Edwin Seligman, Các vụ kiện của Học viện về Khoa học Chính trị, Tập IV, Số 4 (New York: 1914), trang 3-6. [19] Vanderlip, “Từ chàng nông dân tới nhà tài chính”, trang72. [20] “Một hệ thống ngân hàng và tiền tệ tốt hơn” của Edward B. Vreeland, The Independent, ngày 25 tháng 8 năm 1910, trang 394. [21] Mullins, trang 16. [22] Lindbergh, trang 76. [23] Kolko, Niềm vui chiến thắng (Triumph), trang 220. [24] Galbraith, trang 121. [25] Stephenson, trang 388-89. [26] Kolko, Niềm vui chiến thắng (Triumph), trang 187. [27] Stephenson, trang 388. [28] Lindbergh, trang 131. [29] Để có cái nhìn toàn diện về sự thành lập và hoạt động của League, xem Kolko, Niềm vui chiến thắng (Triumph), trang 186-228. [30] Lundber, trang 114-15. [31] Greider, trang 276. [32] H.S. Kenan, Ngân hàng Dự trữ Liên bang (The Federal Reserve Bank) - Los Angeles: Noontide Press, 1966, trang 105. [33] Được H.S. Kenan trích dẫn, trang 118. Chú thích: [1] Chernow, trang 254. [2] Lundberg, trang 106-12. [3] Kolko, Niềm vui chiến thắng (Triumph), trang 205-11. [4] McAdoo, trang 117. [5] Lundberg, trang 109, 113- [6] Được Lundberg trích dẫn, trang 120. [7] McAdoo, trang 165-66. [8] Chernow, trang 106-12. [9] Warburg, Tập I, trang 78. [10] Henry S. Commager biên tập, Các tài liệu về lịch sử nước Mỹ (Documents of American History) - New York: F.S. Cofts & Co., 1940, trang 77-79. [11] Viereck, trang 34. [12] Arthur Smith, Ngài Đại tá House thực sự (The Real Colonel House), (New York: George H. Doran Company, 1981), trang 14. [13] Viereck, trang 4. [14] Viereck, trang 4, 35, 37. [15] Seymour, Tập I, trang 161-68. [16] Seymour, Tập I, trang 160. [17] Sách đã dẫn. William McAdoo, Bộ trưởng Tài chính dưới thời Wilson, đã phẫn nộ về uy tín thường dành cho vai trò của Paul Warburg trong việc tạo lập Cục Dự trữ Liên bang vì cảm thấy rằng chính mình nên được sự công nhận đó. Sau này, chúng ta đều biết Carter Glass cũng nổi giận như vậy về sự giải thích của Seymour đối với tầm quan trọng của đại tá House. Cuốn sách của Glass, Những cuộc phiêu lưu trong thế giới tài chính ngầm (Adventures in Constructive Finance), chủ yếu được viết để chỉ ra rằng điều đó phải dành cho ông chứ không phải đại tá House, người được công nhận xứng đáng với vầng hào quang như vậy. Nhưng cả McAdoo lẫn Glass đều không có phần trong thế lực ngầm mà chương này đang bàn đến và cả hai đều không hay biết ai mới là người chủ mưu. [18] Được Kolko trích dẫn, Niềm vui chiến thắng (Triumph), trang 222. [19] Kolko, Niềm vui chiến thắng (Triumph), trang 219-28. [20] Warburg, Tập I, trang 98. [21] Sách đã dẫn, trang 412. [22] Lindbergh, trang 129. [23] Kolko, Niềm vui chiến thắng (Triumph), trang 225. [24] Rothbard, Cơn khủng hoảng (Crisis), trang 1001. Xem thêm Kolko, Niềm vui chiến thắng (Triumph), trang 186. [25] Được Mullins trích dẫn, trang 13. [26] Aldrich to John A. Sleicher, ngày 16 tháng 7 năm 1913; Aldrich to William Howard Taft, ngày 3 tháng 10 năm 1913, Nelson Aldrich Papers, Library of Congress. [27] Frank A. Vanderlip, Bài diễn văn trước Câu lạc bộ Kinh tế của New York, ngày 13 tháng 11 năm. 1913 (Address Before the Economics Club of New York, November 13, (New York: 1913), trang 6, 11. Xem them Glass, trang 125, 168-76. [28] “Từ chàng nông dân tới nhà tài chính” của Frank A. Vanderlip, Saturday Evening Post, ngày 9 tháng 2 năm 1935, trang 72. [29] McAdoo, trang 213, 225-26. [30] Những bức thư Willis gửi Laughlin, các số báo về J. Laurence Laughlin, thư viện Quốc hội, ngày 14 và 18 tháng 7 năm 1912. [31] From a letter to Festus Wade. Được Kolko trích dẫn, Niềm vui chiến thắng (Triumph), trang 234. [32] Seymour, Tập I, trang 173. [33] Glass, trang 124-25. [34] Warburg, Tập I, trang 409. [35] Kế hoạch ban đầu được dành cho Bộ trưởng Tài chính và Tổng nha kiểm toán tiền tệ để nhằm mở rộng hơn nhưng sau đó đã bị bỏ qua. [36] Được Greider trích dẫn, trang 277. [37] Glass, trang 139-42. Chú thích: [1] Galbraith, trang 130. [2] Lundberg, trang 122. [3] Galbraith, trang 180. [4] Greenspan, trang 99-100. [5] Quigley, Tấn thảm kịch (Tragedy), trang 326-27. [6] Charles A. Lindbergh-cha Cơn túng quẫn của nền kinh tế (The Ecomomic Pinch), bản in lại năm 1923. Hawthorne, California: Ommi Publications, 1968), trang 95. [7] Quốc hội Mỹ, Thượng nghị viện, ủy ban Đặc biệt về Điều tra Bạc, Bạc, Phần 5, Cuộc họp Quốc hội lần thứ 76, phiên thứ nhất. (Washington, DC: GPO, 1939), ngày 7 tháng 4 năm 1939, trang 196-97. [8] Năm 1980, những hạn chế do luật pháp quy định về các tỷ lệ dự trữ đều bị loại bỏ. Giờ đây, Hội đồng Dự trữ Liên bang có được lựa chọn để hạ thấp tỷ lệ đó xuống bằng không, đồng nghĩa với sức mạnh tạo nên những con số không giới hạn về tiền. Đó chính là ước mơ tột đỉnh của các chủ ngân hàng trung ương. [9] Xem Chương 10 để biết thêm chi tiết. [10] Xem Robert T. Patterson, Cuộc đại bùng nổ và hỗn loạn; 1921-1929 - (The Great Boom and Panic; 1921-1929), Chicago: Henry Regnery Company, 1965, trang 223. [11] Để biết cụ thể hơn về tình tiết này, xem Phần hai cuốn sách của chính tác giả, Thế giới không có bệnh ung thư: Câu chuyện về Vitamin B17 (World without Cancer: The Story of Vitamin B17) - Westlake Village, California: American Media, 1974. [12] Larry Schweikart biên tập, Bách khoa Lịch sử và Tiểu sử nước Mỹ (The Encyclopedia of American History and Biography) - New York: Facts on File, 1990, trang 448. [13] Sách đã dẫn, trang 448; xem thêm Murray N. Rothbard, Cuộc đại suy thoái của nước Mỹ (America’s Great Depression) - Kansas City: Sheed and Ward, 1963, trang 117. [14] Keynes, Bàn về cải tổ tiền tệ (A Tract on Monetary Reform), trang 198-99. [15] Chandler, trang 101-102. [16] Tình trạng suy thoái (Depression), trang 125. [17] Trang 223. [18] Chandler, trang 211; xem thêm Rothbard, Tình trạng suy thoái (Depression), trang 127. [19] Xem chương 6. [20] Mayer, trang 401. [21] Groseclose, Cơ chế Tiền tệ của nước Mỹ (America’s Money Machine), trang 154. [22] Xem Charles Mackay, LL.D., Những ảo giác phổ biến lạ thường và sự điên loạn của đám đông (Extraordinary Popular Delusions and the Madness of Crowds), bản in lại năm 1841. New York: L.C. Page & Company, 1932, trang 89-97. [23] Rothbard, Tình trạng suy thoái (Depression), trang 147. [24] Galbraith, trang 181. [25] Được Burton Hersh trích dẫn, Gia đình Mellon: Số phận theo lịch sử (The Mellon Family: A Fortune In History) - New York: William Morrow and Co., 1978, trang 290. [26] Lời khuyên này được in lại trong cuốn Biên niên sử về Tài chính và Thương mại (Commercial and Financial Chronicle), ngày 9 tháng 3 năm 1929, trang 1444. [27] Được Greider trích dẫn, trang 298. [28] “Những cuộc hội nghị của Hội đồng Dự trữ ở Haste,” New York Times, ngày 20 tháng 4 năm 1929, trang 89. [29] Hargrave, trang 1. [30] “Những bức thư gửi ban biên tập”, The Australian (GPO Box 4162, Sydney, NSW. 2001), ngày 7 tháng 2 năm 1989. [31] Curtis B. Dall, FDR: Bố vợ tôi đã bị lợi dụng (FDR: My Exploited Father-in-Law) - Tulsa, Oklahoma: Christian Crusade Publications, 1967, trang 49. Chú thích: [1] Bộ Tài chính cam kết rằng chúng ta nên chỉ nhìn vào khoản thực lãi mà trong năm 2001, là “chỉ” 206 tỉ đô-la. Đó là do khoản lãi được trả cho các cơ quan liên bang khác nhau đang nắm giữ một phần khoản nợ - chẳng hạn như Quỹ An sinh Xã hội. Về mặt lý thuyết, đây chính là trường hợp chính phủ thực sự đang trả tiền cho chính mình. Tuy nhiên, cái gọi là lãi được nhận đó lại không được nhận như những khoản thanh toán tiền mặt mà chỉ như nhiều phiếu nợ hơn (!), điều này có nghĩa rằng không ai nhận được khoản tiền nào. Hoàn toàn bịa đặt về ảo tưởng mức lãi ròng bởi đó thực sự là thủ thuật kế toán nhằm ẩn đi chi phí thực của khoản nợ quốc gia. [2] Xem “Các biên niên sử”, Budget of the United States; Fiscal Year 2008 (Tạm dịch: Ngân sách của nước Mỹ; Năm tài chính 2008). Cũng xem thêm: Interest Expense on the Debt Outstanding (Tạm dịch: Thu nhập dựa trên nợ chưa trả), www.treasurydirect.gov/reports/ir/ ir_expense.htm. [3] Chính phủ liên bang có được khoản ngân khố quốc gia thực sự từ những nguồn khác chẳng hạn như thuế nhập khẩu hay hàng hóa hơn là thuế thu nhập. Các khoản này, cộng với khoản tiền ấn định đặc biệt đối với các bang, chứ không chỉ có thuế, mới chính là những thứ mà đám cha đẻ sáng lập đặt ra chính phủ liên bang. Sự dàn xếp này được thực hiện tốt trong 135 năm cho đến khi thuế thu nhập được thông qua vào năm 1913. [4] “Có phải mức sống của chúng ta vừa bị kìm hãm?”.Consumer Reports, tháng 6 năm 1992, trang 392. [5] Leonard Lewn biên tập, Báo cáo từ Núi sắt về Khả năng và Khao khát hòa bình (Report from Iron Mountain on the Possibility and Desirability of Peace) - New York: Dell Publishing, 1967, trang 13-14. [6] Sách đã dẫn, trang 39, 81. [7] Sách đã dẫn, trang 9. [8] Sách đã dẫn, trang 41-42, 68, 70. [9] “Ngày hổ thẹn của bóng đá Anh”, U.S. News & World Report, ngày 10 tháng 6 năm 1985, trang 11. [10] Lewin, Báo cáo (Report), trang 44. [11] Sách đã dẫn, trang 66. [12] Sách đã dẫn, trang 66-67, 70-71. Khi Report (Báo cáo) được viết, chính sách khủng bố vẫn chưa được cân nhắc như một tình trạng thay thế cho chiến tranh. Nhưng kể từ đó về sau, điều này dần trở nên hữu dụng nhất cho tất cả các bên. Đừng mong chờ điều này bị những người theo chủ nghĩa Fa-biên phá hủy vì nó cũng giúp rất tốt cho mục đích của họ. [13] “Nét mới về chiến tranh và hòa bình mà bạn chưa sẵn sàng cho nó” của Herschel McLandress, Book World, theoWashington Post, ngày 26 tháng 11 năm 1967, trang 5. [14] “Nhật ký thời gian”, London Times, ngày 5 tháng 2 năm 1968, trang 8. [15] “Galbraith nói mình đã bị lãng quên”, London Times, ngày 6 tháng 2 năm 1968, trang 3. [16] “Touche, Professor”, London Time, ngày 12 tháng 2 năm 1968, trang 8. [17] “Báo cáo từ Núi Sắt,” New York Time, ngày 19 tháng 3 năm 1968, trang 8. [18] Garrett de Bell biên tập, sổ tay môi trường (The Environmental Handbook), New York: Ballantime/Friends of the Earth, 1970, trang 138. [19] Sách đã dẫn, trang 145. [20] “Sự tự do của châu Âu ngày nay bắt nguồn từ việc kìm hãm tầm nhìn trong Chiến tranh Lạnh” của George Kennan, nguồn cung cấp Washington Post, Sacramento Bee, ngày 14 tháng 11 năm 1989, trang B7. [21] Tờ New York Times từng được xem là một trong những phương tiện chủ yếu mà các chính sách của Hội đồng Quan hệ Quốc tế được lồng vào để chuyển thành xu hướng của quan điểm quần chúng. Tờ báo này được Alfred Ochs mua vào năm 1896, với tài chính dựa vào các thành viên Hội đồng Quan hệ Quốc tế tiên phong như J.P. Morgan, đại diện August Belmont của Rothschild và Jacob Schiff, một đồng minh trong Kuhn, Loeb & Co. Giờ đây, tờ này thuộc sở hữu của Arthur Sulzberger, hội viên Hội đồng Quan hệ Quốc tế, người đồng thời là chủ báo cùng với đội ngũ nhân viên là vô số người phụ trách chuyên mục và biên tập Hội đồng Quan hệ Quốc tế. Xem Perloff, trang 181. [22] Lester R. Brown, “Trật tự thế giới mới”, trong Lester R. Brown, Tình trạng thế giới 1991: Báo cáo tổ chức quan sát thế giới về tiến trình hướng tới một xã hội bền vững (State of the World 1991: A Worldwatch Institute Report on Progress Toward a Sustainable Society) - New York: w.w. Norton, 1991, trang 3. [23] Alexander King và Bertrand Schneider, Cuộc Cách mạng toàn cầu đầu tiên (The First Global Revolution), báo cáo của Hội đồng Câu lạc bộ thành Rome, (New York: Pantheon Books, 1991), trang 115. [24] Xem Martin, trang 171, 325, 463-69. [25] Bertrand Arthur William Russell, Ảnh hưởng của khoa học đến xã hội (The Impact of Science on Society) - New York: Simon and Schuter, 1953, trang 103-104, 111. [26] Do Bahgat Eluadi và Adel Rifaat thực hiện phỏng vấn, Courrier de l’Unesco, tháng 11 năm 1991, trang 13. [27] Michail Gorbachev, “Ranh giới giữa thời gian và sự cần thiết hành động”, Bài nói chuyện nhân dịp kỷ niệm Quỹ sinh thái xanh John Findley lần thứ 46 trường Đại học Westminster, Fulton, Missouri, ngày 6 tháng 5 năm 1992, bản chép tay từ Bộ phận Thông cáo báo chí trường Đại học Westminster, trang 6. [28] Sách đã dẫn, trang 9. [29] “Biện pháp cứu sinh thái học tốn kém”, (AP), Sacramento Bee, ngày 12 tháng 3 năm 1992, trang A8. Xem thêm Maurice Strong, Giới thiệu về Jim MacNeil, Pieter Winsemius và Taizo Yakushiji, Hơn cả sự phụ thuộc (Beyond Interdependence), (New York: Oxford University Press, 1991), trang ix. [30] “Con đường tới sự sụp đổ”, Arizona Republic, ngày 26 tháng 3 năm 1992. [31] “Pháp thuật của Baca Grande” của Daniel Wood, tạp chíWest, tháng 5 năm 1990, trang 35. Chú thích: [1] Các khoản hoán chuyển “nợ phục vụ bảo tồn thiên nhiên” là khái niệm được đưa ra trong Hội thảo về Thế giới Hoang dã lần thứ Tư diễn ra ở Denver, bang Colorado năm 1987 và hiện nay đang được thực thi. Costa Rica, Bolivia và Ecuador đã đồng ý đổi những khoân nợ của họ để lấy một cam kết ngăn chặn sự phát triển, của các khu thiên nhiên hoang dã. Liên Hợp quốc nắm quyển kiểm soát đôi với những vùng đất này là điều tất yếu. [2] Điều đó hoàn toàn không quá cường điệu. Tất cả tiền pháp định đều là tiền giả. Hơn thế nữa, người ta đã có bằng chứng về việc CIA và DEA đã nhúng tay rất sâu vào các phi vụ buôn bán ma túy trái phép. Tiền được rửa thông qua chi nhánh của các ngân hàng Hoa Kỳ đặt tại Panama, sau đó được dùng để tài trợ cho những chiến dịch cải đạo ở Nicargua và nhiều nơi khác. Hầu như chính phủ ở tất cả các nước đều dính líu tới những hoạt động mà đối với dân thường thì đó là phạm pháp. [3] Các tác phẩm cơ bản (Basic Writings) - New York: Willey Book Co., 1994, trang 749-750. [4]. Alexis de Tocqueville, Nền dân chủ ở Mỹ (Democracy ỉn America) tập II (New York: Alfred Knopf, 1945), trang 209-291, 318-319- [5] “Tài liệu đặc biệt, tập 1”, General Education Board, 1904. [6] Lewin, Báo cáo (Report), trang 70. [7] George Orwell, 1984 (New York: New American Library/Signet, 1949), trang 153-164. [8] Lewin, Báo cáo (Report), trang 34-35, 50-41. [9] Sách đã dẫn, trang 88-90. Chú thích: [1] Xem Chương 17. [2] Trích dẫn bởi MJ. “Red” Beckman trong Sinh ra để chống lại quốc gia (Born Against Republic) - Billings, Montana: Freedom Church, 1981, trang 23; và Lindsey William trong Để quyến rũ một quốc gia (To Seduce A Nation) - Kasilof, Arkansas: Worth Publishing, 1984, trang 26. [3] Thư gửi Hollee Haswell, người phụ trách Thư viện Low Memorial, Trường Đại học Columbia, ngày 13-10-1987. [4] Để tìm hiểu thêm các phân tích toàn diện về “Giai thoại Kenedy”, hãy truy cập website www.realityzone.com và phần Cập nhật cho cuốn Những âm mưu từ đảo Jekyll. [5] “Tương lai bình ổn giá cả trong thế giới tiền pháp định” (The future of price stability in a fiat money world) của Jerry LJordan, Durell Journal of Money and Banking, tháng 8-1989, trang 24. [6] Thông thường, tiền sẽ do chính phủ phát hành, nhưng trong lịch sử đã có rất nhiều trường hợp tiền do tư nhân phát hành vẫn được chấp nhận, và trong một vài trường hợp chúng còn hiệu quả hơn đồng tiền chính thức. Một ví dụ gần đây là đồng The Liberty Dollar, 100% giá trị được xác định dựa trên vàng và bạc. Xem trang www.libertydollar.org. [7] Vì giá trị của đồng FRN được tính toán bằng đồng đồ-la thực nên không có lý do gì để quy đổi chúng. Có thể người dân sẽ tiếp tục sử dụng đồng FRN trong các giao dịch thường ngày. Do đó, để xóa bỏ đồng FRN và thúc đẩy quá trình chuyển đổi diễn ra càng nhanh càng tốt, chúng ta cần phải có các ngân hàng tự động đổi đồng FRN sang đồng đô-la thực bất cứ khi nào người dân gửi tiền vào. Nếu như vậy, đồng FRN sẽ nhanh chóng trở thành vật sưu tầm và là chứng tích lịch sử. [8] Mặc dù trọng lượng của đồng đô-la bạc là 412,5 gren (0,8594 ounce theo hệ tơ-rôi) nhưng chỉ có 90% là bạc nguyên chất.- Tuy vậy, hàm lượng bạc của nó chính xác là 371,25 gren (0,77344 ounce theo hệ tơ-rôi). [9] Đối với những người cho rằng sử dụng cung tiền M2 và M3 sẽ hợp lý hơn, vui lòng xem thêm phần “Nên cộng hay trừ M1?” trong phần phụ lục với những ghi chú của người viết và thư tín gửi đến Cục dự trữ Liên bang. [10] Việc này không hề dễ dàng chút nào nhưng sẽ giúp bạn có được sự hỗ trợ chuyên môn từ một nguồn tin độc lập, có thể phân tích chất lượng của tài sản, các tỉ lệ vay nợ, tỉ lệ tài sản vốn, dự trù lỗ-lãi, … Một trong số những nguồn tin tốt nhất là Veribanc. Với một khoản phí tượng trưng, dịch vụ xếp hạng ngân hàng này sẽ cung cấp cho bạn những báo cáo chi tiết về bất kì ngân hàng hoặc quỹ tiết kiệm và cho vay nào trên nước Mỹ. Nếu bạn muốn tham khảo brochure của hãng này, hãy gửi thư đến địa chĩ P.O Box 461, Wakefeil, MA 01880.