Nỗi lòng (Kokoro) - Phần 2 - Chương 13

13

Lá thư tôi viết thật là dài. Cả hai mẹ con tôi đều nghĩ bụng thế nào lần này Tiên Sinh cũng viết thư trả lời. Thế rồi hai ngày sau khi gửi thư đi tôi lại nhận được một bức điện tín khác. Bức điện chỉ gọn thon lỏn có mỗi một câu chẳng có gì khác nữa. Tôi đưa bức điện tín cho mẹ tôi xem, bà nói:

"Mẹ nghĩ thế nào ông ấy cũng sẽ viết thư nói về việc ấy với con" mẹ tôi dường như chẳng bao giờ nhận ra rằng khi gửi bức điện tín đầu tiên cho tôi, Tiên Sinh đã nghĩ đến một chuyện gì khác chứ không phải là việc làm ăn của tôi trong tương lai; tuy nghĩ bụng có lẽ mẹ tôi nói đúng nhưng tôi đành cho là Tiên Sinh chẳng có dáng vẻ gì muốn tốn công tìm công ăn việc làm cho tôi cả. Tôi vừa nói vừa trỏ tay vào bức điện tín thứ hai:

"Dĩ nhiên là Tiên Sinh chưa thể nhận được lá thư của con, vì thế ông ấy mới gửi thêm bức điện tín này..."

Mẹ tôi chăm chú lắng nghe trong lúc tôi nêu ra sự kiện rành rành trước mắt này. Sau một lúc suy nghĩ thực chín, bà mới nó

"Ừ, chắc là thế đó" Rõ ràng là việc Tiên Sinh gửi bức thư điện tín thứ hai trước khi đọc lá thư của tôi vẫn không cho mình hiểu được tại sao ông phải gửi những bức điện này cả.

Suốt ngày hôm ấy, chúng tôi không đả động gì đến câu chuyện Tiên Sinh cùng những bức điện tín của ông nữa vì cả nhà đang trông chờ ông bác sĩ quen sắp tới cùng bác sĩ trưởng bệnh viện thành phố tôi nhớ là sau khi khám bệnh thầy tôi, cả hai ông đều quyết định là cần phải đem rửa ruột người bệnh.

Từ hôm bác sĩ bắt phải nằm im trên giường thầy tôi mới đầu thấy hết sức khó chịu là không thể ra nhà sau đi tiêu đi tiểu, nhưng dần dần ông bố có tính sạch sẽ đến bệnh hoạn của tôi dường như không còn làm chủ được thân thể mình nữa khi chứng bệnh trở nặng, ông cứ nằm ì trên giường mà làm việc bài tiết, khiến quần áo chăn mền đều hôi hám bẩn thỉu mà vẫn không thấy ngượng ngùng khó chịu gì hết. Dần dà, thầy tôi cũng không còn muốn ăn uống gì nữa. Ngay cả khi muốn ăn một món gì thầy tôi cũng thấy là miệng lưỡi tuy thèm nhưng cuống họng cứ nghẹn cứng, chỉ nuốt được miếng ăn hết sức khó khăn và lần nào cũng nuốt được chút xíu mà thôi. Sức khỏe thầy tôi sa sút trông thấy. Ngay tới cái thú đọc báo trước kia mạnh mẽ là thế, đến bây giờ cũng đã không còn. Đôi kính lão trước kia vẫn thường để bên cạnh gối, lúc này luôn luôn nằm trong cái bao kính màu đen. Khi một người bạn từ thuở nhỏ của thầy tôi mà cả nhà đều gọi là chú Saku - vốn ở cách nhà chúng tôi chừng một dặm đường - đến thăm thầy tôi chỉ đưa đôi mắt đờ đẫn nhìn về phía bạn mà nói: "Ồ, chú Saku đấy ư? Chú đến thăm tôi thực là quý hóa quá. Trông thấy chú mạnh khỏe mà tôi thèm còn cái thân tôi thì chẳng còn trông mong gì được nữa rồi!..."

"Ấy anh sao lại nói thế! Anh tuy có đau yếu thực đấy nhưng có gì mà phải phàn nàn đâu. Anh có hai đứa con trai đều đã tốt nghiệp đại học cả rồi, có phải thế không nào? Thử nhìn tôi đây này. Vợ thì chết từ đời tám hoánh nào rồi, con cái thì chẳng có lấy một mống; có thể là tôi đang được khỏe mạnh thực đấy nhưng có trông đợi được niềm vui nào trong mai sau đâu."

Hai ba ngày sau khi chú Saku tới thăm, thầy tôi được bác sĩ rửa ruột. Ông có vẻ bằng lòng lắm, nói rằng nhờ mấy ông bác sĩ mà mình thấy dễ chịu. Thầy tôi trở nên vui tươi hơn nhiều, dường như đã lấy lại được niềm tin là có thể kéo dài thọ mạng của mình. Chẳng hiểu là mẹ tôi tưởng lầm là thầy tôi lấy lại được khí lực thật sự hay là muốn cố gắng làm cho thầy tôi được vui lòng, bà đã kể lại cho ông nghe chuyện những bức điện mà Tiên Sinh đã gử cho tôi, làm như thể Tiên Sinh đã tìm cho tôi một chỗ làm xứng đáng ở Tokyo, đúng với sự mong ước của thầy tôi vậy. Lúc ấy, tôi đang ngồi cạnh mẹ tôi, tuy cảm thấy khó chịu vô cùng nhưng tôi không sao tìm cách ngắt lời mẹ tôi được đành ngồi im nghe bà nói luyên thuyên. Người bệnh có vẻ rất vui lòng.

"Thế thì hay quá!" Em rể tôi nói

"Nhưng liệu chú đã biết việc làm ấy là việc gì chưa?" Anh cả tôi hỏi.

Muốn phủ nhận thực đã quá chậm mất rồi. Tôi không có đủ can đảm mà nói ra sự thực, đành trả lời một cách mơ hồ - mơ hồ đến nỗi chính tôi cũng không hiểu rõ ý nghĩa lời nói của mình nữa. Rồi tôi đứng dậy, bước ra khỏi phòng ngay.