Nỗi lòng (Kokoro) - Phần 2 - Chương 14

14

Bệnh thầy tôi đã đến hồi nguy kịch và hình như cái chết chỉ còn chần chừ trong một tấc gang. Mỗi đêm khi đi ngủ, cả nhà đều nghĩ "không biết là thần chết có đến đêm nay hay còn chờ thêm ngày nữa?"

Thầy tôi không cảm thấy đau đớn lắm nên chúng tôi cũng đỡ được cái nạn phải nhìn ông đớn đau rên rỉ. Nhờ vậy, việc trông nom săn sóc người bệnh tương đối cũng dễ dàng. Trong nhà chia phiên cho nhau, thức đêm canh chừng người bệnh nên mỗi người đều có thể ngủ yên trong một thời gian tạm đủ. Một hôm vào nửa đêm, không hiểu vì sao tôi cứ trằn trọc mãi không sao chp mắt được. Trong khi đang nằm trên giường, tôi tưởng như nghe tiếng người bệnh đang rên nhè nhẹ. Để cho chắc bụng là không có điều gì đáng tiếc xảy ra, tôi nhỏm dậy đi sang phòng thầy tôi. Lúc ấy đến phiên mẹ tôi thức đêm canh chừng nhưng bà đang co tay gối đầu nằm ngủ khì bên cạnh giường người bệnh. Thầy tôi nằm trơ như khúc gỗ như thể được đưa vào một giấc ngủ say sưa. Tôi nhẹ nhàng, rón rén quay trở lại người mình.

Anh tôi và tôi ngủ chung trong một cái màn nhưng thằng em rể, có lẽ được coi như một người khách nên ngủ một mình trong phòng riêng. Anh cả tôi nói với tôi:

"Thật khổ cho chú Saki. Tính đến hôm nay dễ thường chú ấy đã phải xa nhà tới mấy ngày rồi, chẳng biết bao giờ chú ấy mới về nhà được nhỉ?" Saki là tên thằng em rể chúng tôi. Tôi đáp:

"Nhưng chú ấy có bận bịu gì lắm đâu có lẽ vì chú ấy còn có thể nấn ná lại đây vài hôm nữa. hắc chắn là đối với anh thì khó khăn hơn chú ấy rất nhiều. Anh chẳng thể nào nấn ná ở lại nhà một thời gian lâu quá."

"Đúng thế, nhưng biết làm sao bây giờ? Vào một lúc như thế này, mình chẳng làm sao có thể bận tâm lo nghĩ riêng đến việc làm ăn được."

Nằm trên giường, hai anh em chúng tôi cứ trò chuyện như thế trước khi đi ngủ. Trong bụng cả hai anh em đều nghĩ là thầy tôi chẳng còn trông mong gì qua khỏi. Và đôi khi trong đầu óc chúng tôi lại nảy ra ý nghĩ: đằng nào thì thầy tôi cũng đã đến số mất rồi, thà nhắm mắt cho sớm lại còn hơn là cứ dằng dai sống dở chết dở. Nói trắng ra, chúng tôi - hai thằng con trai - đang chờ mong bố mình sớm nhắm mắt cho xong. Nhưng là phận con cái, chúng tôi không lòng dạ nào nói toạc ra như vậy mặc dù giữa hai anh em, người này thừa hiểu là người kia đang nghĩ như thế nào.

"Có vẻ như thầy còn mong mình sẽ khá hơn," anh tôi nói.

Anh tôi nghĩ vậy thực ra cũng không phải hoàn toàn sai đâu. Bất cứ lúc nào có hàng xóm láng giềng qua thăm, thầy tôi cũng nằng nặc đòi gặp mặt cho được. Và rồi ông cố gắng tỏ bày nỗi ân hận là đã không thể tổ chức bữa ăn khao mừng tôi thi đậu như đã dự định. Đôi khi thầy tôi lại còn nói thêm là chừng nào bớt bệnh chắc chắn thế nào ông cũng mời lại người ấy.

"Bãi bỏ bữa tiệc ăn mừng chú thi đậu đi, thế mà lại hóa hay đấy" anh tôi nhắc lại cho tôi hay những kinh nghiệm đáng buồn của chính anh khi ăn mừng thi đậu trước. "Chú thật là may mắn lắm đấy. Còn tôi dạo đó thực đã mệt bở hơi tai vì cái trò khỉ ấy". Tôi mỉm cười với chính mình một cách chua chát, khi nhớ lại buổi tối hôm ấy; thực lộn xộn rối ren không sao tả nổi. Tôi cay đắng nhớ lại cái thái độ lăng xăng, tíu tít của thầy tôi hôm đó khi từ bàn này sang bàn khác, mời ép khách khứa ăn uống cho no say.

Hai anh em tôi trước kia chưa bao giờ thương yêu nhau mấy. Khi còn nhỏ, hai đứa thường cãi cọ, đánh nhau ầm ĩ tưởng đến vỡ nhà; và tôi, vì bé hơn, nên lần nào cũng thua, ngồi khóc sướt mướt. Lại thêm việc hai anh em theo hai nghành chuyên môn khác biệt trên đại học khi lớn khôn cũng là dấu hiệu cho thấy tính tình chúng tôi khác hẳn nhau. Khi lên đại học và nhất là sau khi tiếp xúc với Tiên Sinh, càng ngày tôi càng thấy mình xa cách với ông anh và lắm lúc, coi thường ông anh chỉ như một thứ súc vật. Anh em chúng tôi sống xa nhau, lắm khi mấy năm không gặp mặt một lần, vì thế đã trở thành xa lạ, cách biệt cả trong thời gian lẫn không gian. Tuy nhiên sau một thời xa cách lâu dài như thế, bây giờ gặp lại nh chúng tôi tự nhiên cảm thấy gần gũi, thân thiết nhau hơn. Tình cảm giữa hai anh em dường như tự nhiên từ đâu đến, tôi cũng chẳng biết. Chẳng ngờ cái nguyên nhân to lớn khiến chúng tôi cảm thấy gần nhau chính lại là trường hợp này, trường hợp hai anh em nắm chặt tay nhau trên cái tấm thân ngoắc ngoải của người đẻ ra cả hai đứa.

"Từ nay, chú định làm gì?" Anh tôi hỏi và tôi trả lời bằng một câu hỏi của mình:

"Em không biết đã có quyết định nào về việc phân chia tài sản trong nhà hay chưa?"

"Anh cũng không biết nữa. Từ trước đến giờ, chẳng thấy thầy đả động gì đến việc đó cả. Tuy nhiên anh nghĩ, tài sản nhà ta về mặt tiền bạc thì chẳng có gì nhiều."

Riêng phần mẹ tôi thì bà đang nóng lòng chờ đợi thư Tiên Sinh trả lời cho tôi.

"Con đã được tin tức gì của ông ấy chưa?". Bà thường hỏi tôi với một giọng cằn nhằn, trách móc.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3