Phần 1

      Tôi cẩn thận gấp bộ quần áo thi đấu vừa mua, mới toanh, của câu lạc bộ Chelsea, vuông vắn, đều đặn, rồi hết sức cẩn thận xếp vào trong va-li, đã đầy đến mép, cuối cùng mới dùng sức đóng va-li lại. Khi tiếng “cạch”, nhẹ vang lên, tôi thở phào đứng dậy, lấy tay khẽ quẹt trán dù trên trán chẳng có tí mồ hôi nào.

-      Thế nào, mang đi đủ chưa?

Mẹ tôi đứng bên cạnh vừa cười vừa hỏi. Tôi cũng cười, nhìn cái va-li, không thể nói là nhỏ trên giường; sau đó liếc chiếc va-li kéo, vốn cũng đầy chật, đặt dưới đất cạnh chân giường, quay sang đáp:

-      Vâng, thế này chắc đủ rồi. Với lại lo gì, thiếu cái gì, một hai tháng nữa con về lấy mang xuống sau. Có phải một đi không trở lại đâu.

Mẹ đánh tôi:

-      Cái mồm, cái miệng, chỉ ăn nói vớ vẩn.

Rồi cũng gật gù:

-      Ừ, thiếu gì thì về lấy. Mà nếu mua được, nhờ dì Châu mua cho, khỏi phải...

Tiếng động cơ vang lên cắt ngang lời mẹ. Có xe máy đi vào sân, không chỉ một mà đến ba bốn cái. Tôi nhìn đồng hồ trên bàn học, đã tám giờ kém, lòng tự hỏi những người mới đến là ai? Đâu còn sớm mà đến đông như vậy.

-      Chuẩn bị xong cả chưa bác?

Tiếng chú út vang lên dẹp tan mọi thắc mắc của tôi. À, đúng rồi, thế này thì chắc là các chú nhà tôi ra chào tạm biệt tôi đây. Quả nhiên sau câu hỏi của chú út, chú Quân, chú ngay sau bố tôi lên tiếng:

-      Bác không phải chuẩn bị gì hay sao mà ở đây ngồi rảnh rỗi thế này? Bá và thằng Việt đâu rồi?

Tôi nghe tiếng bố vừa sắp xếp ấm chén trên bàn uống nước, vừa trả lời:

-      Hai mẹ con đang xếp đồ trong phòng, hỳ hục suốt từ chiều đấy chứ. Tôi mặc hai mẹ con, thích mang gì thì mang.

Nghe đến đây mẹ bảo với tôi:

-      Ra ngồi nói chuyện với các chú đi để mẹ làm nốt cho.

Tôi “vâng” một tiếng, đi ra ngoài. Thực ra đồ đạc, quần áo của tôi đã sắp xếp xong, mẹ bây giờ chỉ phải chuẩn bị quần áo cho bố để mai bố đưa tôi đi. Ra đến phòng khách, tôi nhận ra các chú thím đều tới đủ cả. Ngày mai tôi sẽ theo bố xuống Hà Nội nhập học, nên đêm nay các chú thím ra chào. Nhà bố tôi có sáu anh em, trừ bác cả và cô út ở xa không về được, còn lại lúc này, cả ba chú thím đều đã ngồi đông đủ.

Nói thật tôi hơi ngạc nhiên. Từ ngày biết tin tôi đỗ đại học, các chú thím đều đã đến chơi. Có điều không đến cùng một lúc như bây giờ, mà hôm nay chú thím  Quân đến, ngày mai chú thím Tình đến. Chú thím nào đến chơi cũng khen tôi nức nở và cho phong bao, gọi là mừng thằng cháu đỗ đại học. Quê tôi vẫn có tục lệ như vậy. Nhà ai có con đỗ đại học thì anh em, hàng xóm thân thiết đều sẽ đến cho phong bao chúc mừng. Ngay cả bác cả và cô út tôi, dù không về được cũng gửi các chú thím khác đưa phong bao hộ và gọi điện cho tôi khen ngợi, dặn dò. Không ngờ đêm nay, ngay trước lúc tôi lên đường, các chú thím lại cùng nhau đến thế này.

Tôi chưa kịp lên tiếng chào, chú Tình – chú út đã nhìn tôi cười nói:

-      Ái chà, tân sinh viên chuẩn bị xong cả chưa?

Tôi gãi đầu cười:

-      Xong rồi chú ạ, chỉ là mấy bộ quần áo thôi mà cũng mệt, làm suốt từ chiều, vừa nãy mới xong ạ. Mẹ cháu đang xếp nốt ở trong phòng.

Tôi đi đến ngồi xuống sa-lông cạnh chú Quân, chú cười cười, đặt tay lên vai tôi, bóp mấy cái, rồi quay sang bố tôi hỏi:

-      Thế mai hai bố con bác đi xe khách hay thuê ô-tô từ nhà đi?

Bố tôi trả lời:

-      Đi xe khách cho tiện. Sáu giờ sáng mai đi xe khách xuống đến bến xe rồi đi ta-xi vào nhà dì Châu nó. Nhà dì Châu cách bến xe mấy cây số thôi, hôm thi đại học hai bố con đã đến rồi.

Nghe bố tôi trả lời vậy thím Thơ, vợ chú Quân hỏi luôn:

-Thế là bác định cho cháu ở nhà dì nó hả?

- Ừ, nhà dì nó cũng ở gần trường. Với lại nó vừa mới xuống, ở nhà người thân cũng tiện hơn, sau này quen rồi thì mới tính có ra ngoài thuê phòng ở riêng hay không.

Bố tôi vừa nói xong chú Phi đã chen lời:

-      Em thì thấy bác cứ cho cháu ở nhà dì nó cho dễ quản lý.

Chú liếc tôi cười, nói tiếp:

-      Bọn này chẳng biết thế nào được đâu. Ở nhà đứa nào cũng dễ bảo, xa nhà mới biết đứa nào ngoan đứa nào hư. Cứ ở cùng người thân là tốt nhất.

Thím út tiếp luôn:

-      Vâng, cái này phải cẩn thận. Như thằng con nhà chị em kia kìa, không biết học hành thế nào mà bỏ học từ bao giờ, nhà không biết gì. Rồi nó ở đâu cũng không biết. Đến khi tìm được nó mới biết nó nợ mấy trăm triệu. Thế có chết không? Bố mẹ đành phải trả chứ biết làm sao.

Thím nhìn sang tôi, giọng gay gắt:

-      Nên là bác đừng tính chuyện cho nó ở riêng. Cho nó ở cùng người lớn mới yên tâm được. Bọn trẻ con bây giờ không tin được đâu bác ạ.

Tôi cười méo xẹo, thím tôi cứ làm như tôi mà rời nhà thì chắc chắn sẽ thành đứa hư hỏng ấy. Thím không biết tôi chẳng thích ở riêng chút nào, lòng tôi đang vui hết mức vì được ở chung với dì. Không hiểu người khác ra sao, còn tôi thấy ở chung với chú dì có trăm cái lợi.

Này nhé, thuận lợi đầu tiên là được ở phòng có điều hòa. Không phải ngẫu nhiên tôi chú ý chuyện phòng ở nhà dì có điều hòa đến vậy. Đơn giản vì tôi rất sợ nóng. Tôi là người nhiều mồ hôi. Mùa hè đến, dẫu không làm gì, chỉ ngồi không, nhưng nếu không có quạt chĩa vào người, chỉ một chốc, mồ hôi sẽ làm tôi ướt hết áo quần ngay. Hơn một năm trước, từ ngày nhà tôi lắp điều hòa, hè đến là tôi trốn tiệt trong phòng, không có chuyện gì đừng hòng lôi tôi ra. Tôi cứ tưởng xuống Hà Nội cuộc sống thiên đường ấy sẽ chấm dứt, nhưng không, nhờ dì mà thảm họa đó không xảy ra. Nhà dì tôi chẳng lấy gì làm rộng rãi, ở thành phố muốn rộng phải là đại gia cơ, nhưng dì đã hứa với tôi khi tôi xuống sẽ cho ở phòng riêng và sẽ lắp điều hòa cho tôi. Mấy hôm xuống thi, tôi biết nhà dì ngoài phòng của chú dì, phòng của hai đứa nhóc, phòng cho khách đến chơi ở, còn có một phòng nhỏ dùng để chứa mấy thứ đồ linh tinh. Căn phòng này sắp tới sẽ là phòng của tôi. Phòng dù nhỏ nhưng để tôi ở thì không vấn đề. Mấy ngày trước dì điện lên cho mẹ tôi bảo đã dọn sạch phòng và lắp điều hòa xong, chỉ chờ tôi xuống. Tôi chẳng phải đứa ham hố tiện nghi hay thích đòi hỏi này nọ, ngược lại tôi tự thấy mình rất dễ tính; dễ ăn, dễ ở. Nếu không có dì, tôi sẵn sàng ở phòng trọ sinh viên thấp thấp, bé bé, lợp bờ-lô, dùng quạt cóc như bao người, nhưng được ở phòng có điều hòa vẫn sướng hơn chứ. Nhất là với người như tôi.

Cái lợi thứ hai là việc nhà không mấy khi phải động tới. Việc nhà tôi nói đến ở đây chủ yếu là cơm nước và giặt giũ. Dì đã từng nói với mẹ tôi, tôi xuống chỉ cần tập trung học thôi, việc nhà dì sẽ lo tất. Tôi biết dì không phải nói vậy cho phải phép, dì nói được là sẽ làm được đấy. Dì tôi là người nhanh nhẹn, đảm đang; công việc của chú dì đều là nhân viên văn phòng, làm giờ hành chính, sáng đi, tối về; gò bó thời gian nhưng chắc không thể nói là vất vả nên đi làm về dì lại thường nhanh chóng bắt tay vào việc cơm nước. Gì chứ mấy việc nhà sau giờ làm chẳng thể làm khó dì tôi; dì chỉ làm loáng cái là xong, những ngày thi đại học, ở tại nhà dì, tôi đã tận mắt chứng kiến điều này. Mà việc nhà trong gia đình dì cũng chỉ có nấu nướng là chủ yếu, giặt giũ đã có máy giặt. Thế thì tôi có gì phải lo?

Chỉ với hai lý do trên, đã quá đủ để tôi kiên quyết ở nhà dì dù có bị dì cầm dao đuổi đi. Nhưng đâu chỉ có thế, còn có hàng tá lý do nữa để việc tôi ở nhà dì trở thành lựa chọn chính xác tuyệt đối.

Ở nhà dì, tôi chẳng phải nộp tiền nhà, chẳng phải nộp tiền điện. Dù nói thật, tôi không quan tâm lắm đến mấy điều ấy. Điều tôi quan tâm là mình có internet dùng, có truyền hình kỹ thuật số K+ xem thoải mái mà không phải mất tiền; những món ấy dì tôi bao tất. Dì nói dù không có tôi đến ở, chú dì vẫn dùng mấy dịch vụ đó, đâu phải tôi đến dì mới thuê chúng. Ngay cả khi mẹ tôi nói sẽ đưa tiền ăn hàng tháng, dì cũng kiên quyết từ chối. Dì một mực bảo, tôi đến cũng chỉ là thêm bát thêm đũa, có gì mà phải nói đến tiền. Bố mẹ tôi  góp vào nói mãi, cuối cùng bố tôi cứng rắn bảo dì mà không cầm tiền, bố tôi sẽ cho tôi ở trọ ngoài chứ không ở nhà dì, dì mới đồng ý. Nhưng dì cũng chỉ chịu cầm một ít gọi là, đưa thêm dì một mực không chịu. Dì nói tiền ăn dì đã cầm, chẳng lẽ dì không cho được thằng cháu ruột mấy chục nghìn tiền điện, tiền internet. Bố mẹ tôi đành chịu. Tôi thì không để ý mấy việc tiền nong, đó là chuyện của các bậc phụ huynh, tôi chỉ biết cuộc sống tươi đẹp đang chờ mình.

Rồi nhà dì ở ngay gần trường, có thể ngủ đến hơn sáu giờ mới mò dậy đi học mà không lo tắc đường, không lo đến trường trễ. Dù ở quê nhưng tôi cũng nghe nói dưới Hà Nội tắc đường kinh khủng lắm. Thêm nữa hai nhóc nhà dì còn nhỏ, đứa lớn bốn tuổi, đứa thứ hai chưa tròn một tuổi, đều rất kháu, tính tôi thích trẻ con nên cực hợp với bọn nhỏ. Lúc nào mệt quá chơi với chúng cũng coi như giải tỏa. Cạnh nhà dì lại có mấy xóm trọ, có sân bóng, sau này ở lâu, quen nhiều, buổi chiều ra làm mấy hiệp thì khoái phải biết. Chà, một đống những tiện lợi làm chỉ nghĩ đến thôi tôi đã thèm.

Dẫu sau này khi tôi đến, cuộc sống sẽ không toàn màu hồng như tôi tưởng, nhưng tôi nghĩ dẫu có vất vả, chắc cũng chẳng vất vả hơn bao nhiêu. Như việc nhà chẳng hạn, dì bảo để dì lo tất song tôi biết có những việc tôi phải làm chứ. Đơn cử nhất như việc nấu nướng buổi trưa; khi nhà dì đi vắng cả, chú dì đi làm, hai đứa nhỏ đứa lớn đi mẫu giáo, đứa bé sang nhà ông bà nội; lúc ấy nếu không muốn ăn cơm bụi thì tôi phải tự lo cơm nước, trông chờ vào ai. Chiều dì về chẳng lẽ tôi lại cứ ngồi nhìn dì làm? Đâu thể thế được, đương nhiên tôi phải giúp. Rồi mấy việc rửa bát quét nhà, hay trông bọn nhỏ khi cả chú dì và ông bà nội chúng bận, chẳng tôi thì ai? Thậm chí có lúc muốn xem bóng đá, phải tranh giành ti-vi với hai đứa trẻ con nữa... Nhưng tất cả đều chỉ là chuyện nhỏ, tôi làm được, nhất là khi đa số những việc ấy nếu tôi ra ngoài ở riêng cũng vẫn phải làm, thậm chí phải làm nhiều hơn, cẩn thận hơn. Thế đấy, vất vả cùng lắm chỉ đến mức ấy thôi.

Với một đống những lợi ích và ít ỏi hạn chế như vậy, trừ khi chú dì không cho phép, nếu không tôi quyết tá túc nhà chú dì. Mà dù dì có không muốn cho tôi ở cùng, tôi cũng cạy cục, nói khó, dùng trăm phương nghìn kế sao đó để dì đổi ý. May cho tôi, chẳng cần “mưu hèn kế bẩn”, dì tôi vẫn gật đầu cái rụp. Mà không chỉ đồng ý không thôi, dì còn tỏ ra rất sốt sắng. Từ ngày biết tin tôi đỗ, không biết đã bao nhiêu lần dì điện lên, giục để tôi xuống sớm cho quen với chỗ ở mới. Tôi chẳng hiểu nhà dì có gì mà cần quen, riêng tôi, tôi đã quen từ sớm. Nhưng sự sốt sắng ấy của dì càng khiến tôi khẳng định việc quyết định ở chung với chú dì là vô cùng chính xác. Một tương lai thoải mái đang chờ tôi phía trước. À, cũng phải nhắc đến một chuyện khác. Chị tôi đã xuống Hà Nội học mấy năm nay nhưng vì chị  học đại học nông nghiệp, xa nhà dì, nên thuê phòng ở chung với bạn. Nếu chị tôi học gần thì chắc chắn đã ở với dì, khi ấy tôi xuống chỉ có nước thuê phòng ở ngoài, đương nhiên hai chị em không thể ở chung một phòng. Chị tôi có nhường, tôi cũng chẳng ở, dù gì chị cũng xuống trước, ở quen rồi. Nhưng may quá, chị học ở xa, nên chuyện phải nghĩ xem ai ở ai đi chẳng xảy ra với chị em tôi. Nói chung mọi thứ đều như là được sắp đặt từ trước để tôi ở nhà dì là một lẽ dĩ nhiên vậy.

Tôi cứ nghĩ bất cứ một đứa sinh viên đi học xa nhà nào cũng ao ước có được cuộc sống mà mình sắp có, nhưng mấy hôm vừa rồi tôi mới biết là không phải. Ít nhất những gì tôi nghe được cho tôi biết rằng không phải thế. Một tuần trước, tôi gọi cho thằng Duy, khoe khoang mình xuống Hà Nội sẽ ở với dì ruột, nhà ngay gần trường, tiện nghi đầy đủ. Những tưởng nó sẽ xuýt xoa thèm rỏ rãi không ngờ nó lại hừ mũi rõ to:

-      Mày ngu lắm, học đại học mà đi ở nhà anh em, lại là anh em thân thiết thì còn quái gì đời sinh viên.

Tôi tưởng mình nghe lầm, vội hỏi lại:

-      Mày nói gì cơ?

Duy vẫn dùng cái giọng ngang phè:

-      Chưa nghe rõ à? Tao nói đời sinh viên của mày hỏng rồi em ạ.

Tưởng được khen lại bị chê, tôi đâm cáu:

-      Hỏng thế quái nào mà hỏng?

Tôi thậm chí nghe rõ tiếng Duy nhếch môi, nói:

-      Hừ, rửa tai mà nghe kỹ đây này, tao chỉ nói một lần thôi. Thời sinh viên khoái nhất là được tự do, thoải mái, không bị ai quản lý, thích đi đâu thì đi, thích làm gì thì làm, thậm chí bỏ học vài buổi đi chơi cũng chẳng sao. Bây giờ mày ở cùng chú gì, khác gì ở cùng bố mẹ mày, làm quái gì còn tự do với thoải mái nữa. Đi phải xin phép, về phải chào hỏi, trốn học một buổi cũng không được.

Dừng một chút ra vẻ suy nghĩ, nó nói tiếp:

-      Thỉnh thoảng mày muốn cùng bạn bè đi phượt một buổi cũng phải xin phép, xin phép xong chưa chắc đã được đi. Mày không thấy chán à? Đời sinh viên đâu thể sống như thế. Chưa kể sau này mày có người yêu, tối chưa chắc đã được đi chơi cùng hay muốn đưa người yêu đi chơi xa cũng khó. Mà nói thật, nếu dì mày khó tính, quản lý chặt thì chưa biết bao giờ mày mới có người yêu đấy. Mày không chán còn sướng quái gì?

Tôi chề môi với đống lý luận của Duy:

-      Ghê, bây giờ đã lo không được đi chơi với người yêu. Hãy kiếm được người yêu đi đã rồi hãy lo đến chuyện ấy.

Duy vẫn cứng giọng:

-      Để rồi xem, mày cứ ở khác biết. Một tháng sau, mày gọi cho tao kêu than rầm trời thì chẳng ai thương mày đâu.

Nói thật, những lời của Duy lúc ấy làm tôi hơi chút dao động. Tôi chợt nhận ra ở cùng người thân, nhất lại là anh em ruột thịt thì hình như đúng là không được tự do lắm. Nhưng cũng ngay lập tức tôi loại suy nghĩ đó khỏi đầu. Thằng Duy nổi tiếng hay nói xàm, chắc nó ghen tị với tôi nên mới nói như thế. Mà tôi nghĩ, dẫu có thêm việc mất tự do vào trong số những hạn chế của việc ở chung thì so sánh ưu, khuyết; ở chung với chú dì tôi vẫn có nhiều ưu điểm vượt trội so với thuê trọ một mình. Duy dù cố sức bốc phét cũng chỉ nghĩ ra mấy cái hạn chế kia để dọa tôi. Thế thì có gì phải lo? Nên bây giờ nghe thím út nói đến mặt trái của việc ở một mình, tôi gật đầu lia lịa, ra vẻ đồng tình ghê lắm. Cũng phải nói thật, thím nói tôi mới biết hóa ra ở một mình có nhiều tác hại như vậy. Không biết nếu tôi ở mình có vướng vào mấy tệ nạn ấy không nhỉ? Chắc là không đâu. Mà dù đáp án là có hay không thì cũng đâu quan trọng. Tôi đâu có ở riêng, tôi ở cùng chú dì cơ mà.

Nhưng tôi không ngờ, chẳng biết có phải vì thấy tôi gật đầu nhiệt tình quá hay không, thím tôi càng nói càng hăng, bắt đầu chuyển qua lấy ví dụ về mấy đứa học ở nhà thì rất ngoan, đến khi xa nhà học đại học lại ăn chơi, hư hỏng, vay nợ, bỏ học. Thím nói cụ thể cả tên tuổi, con cái nhà ai, học trường nào, song tôi đều không biết những gia đình đó. Đến khi mẹ tôi ra ngồi liền bị cuốn ngay vào chủ đề này, mẹ lại nêu thêm vài tấm gương tày liếp nữa. Nhưng khác với thím, mẹ tôi không để ý lắm đến việc ăn chơi, vay nợ mà chú trọng đến việc yêu sớm. Mẹ kể ra không ít sinh viên xuống thủ đô, học hành chẳng lo lại cặp kè yêu nhau, thuê phòng ở chung, học hành bết bát, thi nợ cả đống môn. Có ông bố xuống kiểm tra bất chợt mới ngã ngửa con trai mình đang ở chung với con gái nhà người ta, cả con trai lẫn “con dâu” đều bỏ học đã lâu; tiền nhà vẫn nhận đều đặn để lo  sinh hoạt hàng ngày. Thậm chí, có trường hợp bố mẹ xuống thăm thì đón mình là con gái đã có bầu mấy tháng. Những trường hợp mẹ tôi nêu cũng đều có tên tuổi cụ thể rõ ràng, có người tôi biết. Đến đây tôi mới nhận ra, à, hóa ra mẹ rất để ý đến cuộc sống sinh viên của tôi, chứ không thờ ơ như tôi tưởng. Những lời vừa rồi chắc mẹ chuẩn bị để tối nay nói riêng với tôi, không ngờ lại gặp đúng dịp tất cả chú thím ra chơi, thế là nhân tiện nói luôn. Nói lúc này càng tăng thêm giá trị răn đe. Ý mẹ rõ ràng là xuống trường thì phải tập trung học hành, đừng có dính vào yêu đương sớm mà để lại hậu quả khôn lường. Tôi liếc mẹ, tự hỏi nếu mẹ đã sớm để ý đến việc này sao còn từ bao giờ đã nhận thông gia, dâu, rể với người ta? Vả lại bây giờ yêu cũng đâu phải sớm nữa, đã mười tám tuổi còn gì. Như các cụ ngày xưa là có con bồng, con bế rồi ấy chứ. Nhưng khiến tôi đau đầu nhất là bố tôi nghe thím và mẹ nói nhiều như thế bắt đầu tỏ ra suy nghĩ sau đó chặc lưỡi bảo để mai nhắc dì để ý kỹ đến tôi, phải quản lý chặt không để tôi sa đà, hư hỏng. Lời của bố làm tôi giật thót, bên tai chợt vang lên mấy câu của thằng Duy. Chẳng lẽ cuộc đời sinh viên của tôi sau này sẽ khốn đốn như lời nó hôm nào?

Đến khi đề tài cuộc nói chuyện của người lớn chuyển qua việc chú thím út sắp sửa xây nhà, tôi mới thở phào một hơi, cảm thấy như vừa gỡ được một tảng đá đè nặng trên lưng, người bỗng chốc ngồi thẳng lên. Và đợi đến lúc bố và các chú tôi bàn đến chuyện mấy tuần nữa lên nhà bà cô họ ở xa bốc mộ ông chú; còn những người phụ nữ nói đến giá thịt lợn đang tăng chóng mặt ngoài chợ thì tôi đứng dậy, nhường lại phòng khách cho các bậc phụ huynh, đi ra ngoài, tút dép lót dưới mông, ngồi trên bậc thềm, nhìn ra màn đêm trước mặt.

Đêm thu tĩnh lặng; giữa thu, tất cả nắng nóng ban ngày đã tan biến cùng ánh mặt trời, màn đêm dịu dàng như một tấm áo choàng màu đen phủ xuống xóm làng. Những cơn gió đêm từ ngoài sông thổi vào mang hương hoa sữa từ cổng nhà bà Trà tỏa khắp khoảng sân nhỏ. Mùi hoa sữa vốn nồng, nhưng vì khoảng cách xa nên đến mũi tôi chỉ còn dìu dịu. Tôi hít sâu một hơi, không khí mát mẻ bay vào mũi làm từng tế bào trong người trở nên thoải mái. Trời đêm chi chít sao, như những hạt vừng trải khắp miếng bánh tráng màu đen. Trăng tròn vành vạnh lơ lửng giữa trời, tỏa ánh sáng, soi tỏ những đám mây bay lững lờ trong không trung. Sân nhà tôi ngập trong ánh trăng. Ánh trăng dịu dàng làm màn sương như càng trở nên mỏng mảnh. Thỉnh thoảng một hai cái ô-tô, xe máy chạy qua bật đèn sáng trưng, xé toạc màn sương. Nhưng khi những chiếc xe ấy đi rồi, màn sương như lại thêm phần đậm đặc.