Phần 2

      Ngồi trong ánh trăng lung linh, sự bồn chồn, khó chịu vốn quen thuộc với tôi suốt cả tháng nay lại xuất hiện, từ từ dâng lên trong lòng; lấn át hoàn toàn niềm háo hức, mong chờ mới nhen nhóm mấy hôm gần đây. Không chỉ thế, tôi còn nhận ra, lúc này, khi chỉ còn vài tiếng nữa là lên đường, lòng tôi lại dậy lên những tâm trạng thật khác lạ. Không, nói khác lạ thì cũng không đúng. Tôi đều quen với chúng. Nhưng chúng đã rời xa tôi rất lâu rồi, bao lâu nay chẳng thấy bóng dáng, thế mà bây giờ chúng lại “hè” nhau về “thăm” tôi, khiến tôi hơi bất ngờ. Là gì nhỉ? Không giống những cảm xúc khó hiểu cả tháng qua, những tâm trạng này dễ nhận ra, dễ gọi tên hơn nhiều. Một chút hồi hộp, một chút lo lắng, một chút tiếc nuối, một chút buồn bã. Giữa cơn gió đêm dịu dàng ve vuốt, những tâm trạng ấy càng lúc càng rõ nét, làm tôi cảm thấy mỗi lúc một thêm khó chịu.

Hồi hộp và lo lắng à? Ừm, đã rất lâu tôi mới lại có tâm trạng này. Lần cuối cùng chúng xuất hiện đã hai tháng trước, khi tôi bước vào kỳ thi đại học. Thời gian qua chúng lặn mất tăm; thế mà giờ đây, ngay trước lúc lên đường, chúng lại quay về, thi nhau trồi sụt trong lòng tôi. Nhưng nghĩ kỹ thì cũng chẳng có gì khó giải thích. Sáng mai tôi sẽ xuống Hà Nội nhập học. Mười tám năm cuộc đời, lần đầu tiên tôi phải xa nhà, xa gia đình, xa quê hương, đến một nơi hoàn toàn xa lạ, ồn ào, tấp nập để sống và học tập. Ai trong hoàn cảnh như tôi, chắc đều có ít nhiều lo lắng. Những ngày qua bị bao nhiêu cảm xúc che lấp, tôi không cảm nhận được. Nhưng giờ đây, trước lúc xuống trường, ngồi một mình suy ngẫm; sự lo lắng, hồi hộp, giống như không thể tránh khỏi, ngày càng rõ rệt trong lòng tôi. Cuộc sống của tôi với chú dì sẽ thế nào, liệu tôi có sống tốt với chú dì không? Từ bé đến giờ, nhất là trải qua mấy ngày thi đại học, tôi thấy chú dì đều là những người đáng mến, đáng kính trọng; cả nhà chú dì từ lớn đến nhỏ cũng tỏ ra rất quý tôi; cuộc sống với chú dì thật thoải mái. Nhưng dù sao bao năm tháng qua tôi đâu có ở cùng chú dì, bốn ngày thi đại học là quá ít để hiểu kỹ về một con người, huống chi đây là cả một gia đình. Sắp tới tôi sẽ không chỉ sống với chú dì bốn ngày mà là bốn năm đằng đẵng. Bốn năm ấy sẽ vui vẻ, thoải mái như bốn hôm nọ hay sau này tôi chỉ muốn quên bốn năm ấy đi? Rồi cả những tiên đoán vớ vẩn của thằng Duy nữa, không biết sau đây vài tháng tôi có muốn ra ngoài ở cùng nó hay không?

Nhiều hơn thế, tôi nhận ra nỗi lo lắng lớn nhất của mình là, dưới mái trường đại học mơ ước, tôi sẽ học hành như thế nào? Trở thành một sinh viên tốt, hay sẽ vướng vào những tệ nạn như thím vừa nói. Dù tôi nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ dính phải những thói hư tật xấu ấy, nhưng cuộc đời mà, ai nói trước được điều gì. Có ai nghĩ khi học đại học mình sẽ hư hỏng, đổ đốn, song vẫn có bao nhiêu người sa ngã đấy thôi. Lúc đầu, những ý nghĩ này chỉ mơ mơ hồ hồ, thoang thoảng như làn gió đêm, trong đầu tôi; nhưng càng ngày chúng càng trở nên rõ nét. Mà ác cái càng nghĩ tôi càng bế tắc, chẳng tìm được câu trả lời. Thôi vậy, không nghĩ được thì đừng nghĩ, chỉ tổ nặng đầu, cứ xem mọi việc thế nào rồi hãy tính.

So với sự hồi hộp, lo lắng thì tâm trạng tiếc nuối, buồn bã với tôi quen thuộc hơn. Quen thuộc vì không phải đến bây giờ chúng mới xuất hiện trở lại. Tôi biết bao lâu nay chúng vẫn ẩn ẩn, hiện hiện trong lòng mình, dù mỏng mảnh thôi, như màn sương đêm nay vậy. Nhất là từ ngày biết kết quả thi, chúng bị những cảm giác khó hiểu kia lấn áp. Đến lúc này mới lại hiện lên mạnh mẽ, rõ ràng hơn bao giờ hết.

Nghĩ cũng buồn cười, thi xong, biết mình sẽ đỗ mà lại cảm thấy tiếc, thấy buồn. Nhưng tôi đoán không chỉ mình tôi có cảm giác này, rất nhiều học sinh lớp mười hai cũng đang giống tôi. Đây có lẽ là cảm giác chung của tất cả những người đã hoàn thành mười hai năm ngồi trên ghế nhà trường. Hầy, mười hai năm học tưởng là lâu mà chớp mắt đã trôi qua. Tôi nhớ khi còn học lớp hai, hay lớp ba gì đó có lần tôi hỏi mẹ:

-      Bao giờ thì không phải đi học nữa hả mẹ?

Mẹ trả lời:

-      Cứ học đi, học hết lớp mười hai thì mới xem có được đi học nữa hay không.

Nghe vậy tôi nản lắm, hết lớp mười hai nghĩa là còn đến chục năm nữa, bao giờ cho đến chục năm? Mẹ còn bảo “mới xem có được đi học nữa không?”. Cần gì ai xem, được nghỉ là tôi nghỉ ngay chứ bắt tôi đi được à. Ấy thế mà mười năm qua nhanh như một cái búng tay. Ngoảnh đi ngoảnh lại tôi đã học hết phổ thông, và tôi chẳng những không muốn nghỉ mà còn quyết chí thi vào một trường đại học để được đi học tiếp. Thế mới biết suy nghĩ của con người ta thay đổi theo từng năm tháng. Có những thứ hồi nhỏ mình cho là chân lý, nhưng khi lớn lên chân lý ấy như một cơn gió thoảng qua, chẳng để lại ấn tượng gì.

Cuộc đời học sinh của tôi trôi qua bình đạm, không có gì thực sự đáng nói. Sáng cắp sách đến trường, chiều đạp xe về, bao năm đều như vậy. Nhiều người nhìn vào sẽ cho rằng thật buồn chán nhưng tôi chẳng nghĩ thế. Đó là tuổi học trò của tôi, chỉ có tôi mới biết nó đáng giá thế nào. Có thể nó không được ồn ào, sôi nổi như một số người nhưng nó cũng có những thứ khiến tôi ghi lòng tạc dạ, những kỷ niệm theo tôi suốt cả cuộc đời. Tôi có thể tự hài lòng với tuổi học trò của mình. Nhưng mấy hôm nay, ngồi rảnh rỗi nghĩ vẩn vơ, khi tự  hỏi bây giờ nếu thời gian quay ngược trở lại, tôi được trở về thời học sinh đã qua, liệu tôi có sống khác không, có làm tuổi học trò của mình ồn ào, sôi động hơn không? Dù chẳng phải đứa đa sầu, đa cảm, thích suy nghĩ vẩn vơ nhưng ý nghĩ ấy cứ đóng đinh vào đầu, ám ảnh tôi, làm tôi không nghĩ không được.

Tôi nghĩ mãi, để rồi câu trả lời là “có”. Kỳ lạ thế đấy, tôi có thể không hối tiếc về cả thời học sinh của mình, nhưng vẫn nhận ra rằng những năm tháng ấy hình như còn đôi điều khiến tôi tiếc nuối. Mà tôi đoán không chỉ riêng tôi, rất nhiều người cũng sẽ có đáp án như vậy. Có ai lại không có một vài tiếc nuối khi cắp sách đến trường? Nhưng đáng tiếc thời gian đã qua không thể nào quay lại, dù có tiếc nuối bao nhiêu đi chăng nữa. Có lẽ cũng vì thế người ta mới nhớ mãi những ngày còn đi học.

Bây giờ ngồi đây, giữa ánh trăng lung linh; nhớ lại năm tháng học trò, sự tiếc nuối, buồn bã, như màn sương đêm, càng lúc càng rõ nét, đậm đà. Suy nghĩ cẩn thận hơn, những nỗi niềm ấy cũng là cách để chính bản thân tôi ghi tạc những ngày xa xôi kia vào sâu trong lòng, để cả cuộc đời không bao giờ quên. Liệu có phải vậy không?

Mấy hôm vừa rồi, tôi thường gọi cho mấy đứa bạn cùng lớp, cùng khóa, hỏi thăm chúng nó dạo này thế nào; kết quả thi ra sao, đỗ hay trượt? Đứa nào đỗ thì hỏi xem bao giờ nhập học, đứa nào trượt thì hỏi chúng nó sẽ làm nguyện vọng hai vào trường nào. Tôi nhận ra làm vậy khiến lòng tôi thoải mái, đặc biệt là những lúc nói chuyện với mấy thằng thân thiết, hẹn chúng nó xuống Hà Nội sẽ gặp nhau ở đâu, làm gì. Những lúc ấy tôi cảm giác như được sống lại bao ngày tháng đã qua. Cũng có khi, tôi muốn rủ mấy đứa cùng lớp đến thăm rồi chào cô giáo chủ nhiệm, bảo với cô bọn tôi sắp lên đường nhập học.  Nhưng hỏi ra mới hay chẳng đứa nào biết nhà cô ở đâu cả. Cô là người tỉnh khác, lấy chồng trong huyện. Chồng cô là cán bộ ủy ban nhân dân huyện. Ngày thường gia đình cô sống trong khu tập thể của ủy ban, vốn ngay cạnh trường tôi. Tôi và mấy đứa trong lớp cũng ra đấy mấy lần. Nhưng đến nghỉ hè cô lại đưa con gái lên nhà chồng, tận tít trên thượng huyện, cách thị trấn đến gần ba chục cây số, quan trọng hơn, tôi và đám bạn chẳng biết nhà chồng cô ở chỗ nào. Thực ra cũng có đứa bảo điện cho cô hỏi địa chỉ nhà rồi cả bọn cùng lên, nhưng lại sợ phiền cô và gia đình, và ngại đường xa nên thôi. Mấy hôm trước, khi bắt đầu học thêm hè, cô xuống thị trấn thì lũ bạn tôi đứa nhập trường, đứa còn ở nhà, lung tung hết cả, nên đành hẹn nhau đến tết này về thì cùng lên nhà cô. Khi ấy chắc có bằng lái xe máy cả rồi, đi chơi càng tiện. Thế là tôi phải chờ đến năm sau mới được gặp cô giáo. Thôi vậy, càng lâu gặp, cô và đám bạn càng có nhiều chuyện để nói.

Nhưng tôi biết, sự buồn bã, tiếc nuối lúc này không chỉ đến từ việc phải xa gia đình, xa bạn bè, xa thầy cô. Thậm chí tất cả những điều đó không phải là nguyên nhân chính. Chúng chủ yếu đến từ một lý do khác, mà chính lý do này cũng tạo nên những cảm giác khó chịu, khác lạ, hành hạ tôi suốt cả tháng nay. Đó là Hoài. Nghĩ đến Hoài tôi lại thở dài, nỗi buồn trong lòng càng trở nên đậm đặc. Hồi mới đi thi về tôi hỏi Hoài thi cử thế nào, nó buồn bã đáp:

-      Không tốt lắm, cả ba môn đều thi vào phần tao không nắm chắc nhất. Nhất là môn sử, có một câu ba điểm rưỡi thi vào phần năm ngoái đã thi rồi, phần ấy tao chỉ học qua loa, thế là làm cũng qua loa, chỉ viết được mấy dòng. Mấy câu còn lại làm cũng không tốt.

Nó ngoảnh sang tôi, rồi đưa mắt nhìn xa xăm, giọng càng thấp:

-      Văn và địa làm cũng chán. Tao lo lắm, khéo tao trượt mất mày ạ.

Bộ dạng ủ rũ và giọng nói thiểu não của Hoài làm tôi cũng thấy buồn. Tôi biết bạn mình đã cố gắng rất nhiều. Suốt những năm lớp mười hai, ngày qua ngày, tôi thấy nó ôn kì cụi hết văn lại đến sử, địa. Đặc biệt là môn sử, có lẽ vì sử là môn dài và khó học nhất, chẳng biết nó thế nào còn tôi đặc biệt ngại môn này. Thỉnh thoảng xuống nhà Hoài chơi thấy trên bàn nó có cả chồng sách vở, tài liệu ôn thi, trong đó nhiều nhất là lịch sử, nhưng văn và địa cũng  không ít, còn nó thì cả buổi cắm mặt xuống bàn. Hồi sắp thi, xuống chơi, mẹ nó bảo tôi đêm qua nó học đến hai giờ sáng mới đi ngủ, sáng chưa đến bảy giờ đã dậy ngồi vào bàn. Có lần tôi bảo nó nếu nhiều quá học không kịp thì thử căn cứ vào đề ra mấy năm qua, đoán xem đề năm nay ra phần nào, rồi theo đó mà học. Tôi nghĩ đi học thêm, chắc thầy cô nó cũng đã từng nhắc chuyện này rồi chứ. Nói đâu xa, các thầy cô giáo ôn thi cho bọn tôi đã không ít lần trong lúc giảng bài, đoán già đoán non xem năm nay đề sẽ ra vào phần nào; dù không hề muốn bọn tôi căn cứ vào đó để học, nhưng đó cũng chẳng phải là đang đoán tủ hay sao? Tôi còn hùng hồn lấy chính mình ra làm dẫn chứng cho hiệu quả của cách học này. Năm lớp mười, kiểm tra một tiết cũng môn lịch sử, thầy giáo giới hạn về học hơn chục bài. Tôi lười chỉ chọn đúng ba bài trong đó để học. Đấy là hồi lớp mười tôi còn chăm chỉ đấy, chứ sau này dù kiểm tra mười lăm phút hay một tiết tôi cũng chỉ rình rình... quay bài cho nhanh. Có gan thì đỡ vất. Không ngờ kiểm tra đề có ba câu thì thi vào đúng ba bài tôi học, thế là tôi làm ngon ơ. Bài ấy tôi được tám điểm, điểm tám một tiết lịch sử duy nhất trong cuộc đời học sinh của tôi, sau này dù có quay bài tôi vẫn chẳng bao giờ được tám điểm môn sử nữa. Bây giờ tôi lấy việc này làm dẫn chứng cho hiệu quả của việc học tủ đúng là người thật, việc thật, không còn gì hợp hơn. Không ngờ Hoài chỉ lắc đầu:

-      Không học tủ được đâu, thầy giáo tao cũng từng nói đến chuyện này rồi. Chẳng ai có thể đoán được đề năm nay ra cái gì cả, dù mày có là tiến sĩ như mấy ông luyện thi dưới Hà Nội đi chăng nữa. Mọi dự đoán chỉ là tham khảo, dựa vào đoán mò để ôn là quá liều. Ôn thi đằng nào cũng vất rồi, thà mình vất hơn một chút mà ngồi trong phòng thi làm được bài chẳng tốt hơn là ngồi cắn bút à?

Tôi định bảo nhưng mày ôn thi kiểu này, biết bao giờ mới xong, cứ thế này khéo mày chưa kịp đi thi, đã vào viện nằm rồi. Hoài như cũng biết tôi muốn nói gì, quay sang nháy mắt:

-      Chỉ còn một tháng nữa thôi, cố hết sức sau này chơi mới thoải mái. Mày cũng đang cố còn gì.

Thời gian ấy đúng là tôi cũng hết sức tập trung, nhưng đêm thì khuya lắm tôi chỉ học đến mười một giờ. Song tôi biết không thể lấy đó làm căn cứ khuyên nhủ nó, khối A nói thật vẫn nhẹ hơn khối C, dù người ta vẫn bảo không có khối thi nào là nhẹ nhàng. Ừm, tôi thấy nó nói vậy cũng đúng, chỉ còn một tháng nữa, ai chẳng cố, cứ để nó tập trung hết mình đi, để sau này không có gì phải tiếc nuối.

Chẳng ngờ thi cử xong xuôi, Hoài chẳng thoải mái hơn. Chán thật, nó ôn luyện kỹ như thế mà thi vẫn không như ý. Không thể trách nó, kiến thức văn, sử, địa dài dằng dặc, ai mà có thể chỗ nào cũng nhớ hết? Nhưng đen cho con bạn tôi, đề thi năm nay ra đúng vào toàn những phần nó lơ mơ nhất. Nhìn khuôn mặt buồn bã của nó khi ấy, tôi chặc lưỡi an ủi:

-      Thôi, khó ta khó người. Mày không làm được, người ta cũng không làm được, điểm năm nay chắc thấp hơn mọi năm. Vẫn còn cơ hội, mày cứ bình tĩnh chờ đã, đừng nản vội.

-      Không, khối C khác với khối A của mày. Độ khó các năm thường không chênh lệch mấy, điểm năm nào cũng cứ sàn sàn nhau thôi. Với lại tao làm không tốt phần nhiều là do tao ôn không kỹ, đề khó với tao nhưng chắc chẳng khó với người khác.

Tôi vừa dứt lời, Hoài phản bác ngay. Nó dừng lại một lát, thở dài, đưa mắt nhìn xa xăm, nói lại những lời vừa nãy:

-      Tao lo lắm, khéo tao trượt mất.

Tôi còn muốn an ủi bạn, nhưng lại nghĩ bây giờ bạn đang chán chường thế này, có nói gì cũng chỉ khiến nó buồn thêm. Thôi, giữ im lặng là tốt nhất. Nhìn khuôn mặt như bánh đa ngâm nước của Hoài, tôi định nắm lấy tay nó; chỉ nắm thôi, chẳng nói gì cả, cũng chẳng làm gì cả. Chỉ nắm tay. Để nó biết rằng dù có xảy ra chuyện gì tôi cũng ở cạnh nó. Nhưng tất nhiên tôi không dám làm thế. Đây đâu phải phim truyền hình. Tôi thở dài, hầy, mong rằng bạn mình chỉ đang lo lắng quá thôi.

Sau đó, mọi chuyện còn diễn biến tệ hơn tôi nghĩ. Chẳng biết vì buồn quá hay vì lo quá mà sắp đến ngày thi cao đẳng Hoài lại lăn ra ốm. Trận ốm không nhẹ, có ngày nó sốt đến ba mươi chín độ, uống thuốc hạ sốt suốt mà trán cứ nóng hầm hập, nên nó không đi thi được, dù trước đó nó đã đăng ký vào một trường cao đẳng sư phạm. Điều này khiến Hoài càng buồn hơn, suốt ngày nhốt mình trong phòng, cơm nước cũng không chịu ăn, chỉ mấy ngày mà nhìn nó như sụt cả chục cân. Bố mẹ Hoài lo lắm. Tôi xuống nhà mấy lần, thấy nó như vậy vừa bực vừa thương, nói:

-      Mày không nghĩ cho mình cũng phải nghĩ đến bố mẹ mày chứ. Cứ thế này mấy hôm nữa chẳng biết mày có ốm thêm hay không nhưng bố mẹ mày chắc chắn ốm cùng mày luôn. Mày không thấy mấy hôm nay bố mẹ mày cũng không ăn uống gì à? Thi cao đẳng dù sao cũng lỡ rồi, nhưng vẫn còn kỳ thi đại học đấy thôi, ai biết kết quả thế nào. Ít nhất phải chịu ăn vào để chờ đến ngày báo điểm đại học chứ.

Tôi tuôn luôn một tràng, không thèm lấy hơi. Chẳng biết có phải nghe tôi nói có lý hay không, từ hôm đó nó chịu ăn chịu uống. Tôi đến chơi, thấy nó húp bát cháo mà nhẹ cả người, nhưng trong lòng lại có một nỗi lo khác, nếu mấy hôm nữa kết quả thi của nó thật sự tệ thì chuyện gì sẽ xảy ra đây?

Trường tôi báo điểm trước trường Hoài ba ngày. Nói thật, lúc vào trang web xem điểm, tôi chẳng có chút hồi hộp nào. Từ lúc thi xong, xem đáp án, tôi biết mình sẽ đỗ. Và tôi đỗ thật. Cả điểm cộng khu vực, tôi thừa ba điểm. Tất nhiên tôi vui mừng nhưng cũng chẳng mừng đến mức nhảy cẫng lên như vẫn tưởng. Mọi thứ đều nằm trong dự đoán nhiều khi làm những thời khắc vô cùng ý nghĩa trở nên nhạt nhẽo. Hoài gọi điện lên chúc mừng, tôi nghe máy, không khó để nhận ra giọng điệu âu lo, buồn bã của nó. Tôi biết chẳng phải con bạn không mừng cho tôi. Tôi dám khẳng định trừ gia đình tôi ra, Hoài là người vui mừng khi tôi đỗi đại học nhất. Chỉ là nó đang lo lắng cho kết quả của mình. Tôi động viên:

-      Tao đỗ rồi, mày cũng sẽ đỗ thôi.

Hoài thở dài, “ừ” một tiếng rất nhẹ. Ngày trường nó báo điểm, tôi vào mạng thật sớm, tâm trạng còn hồi hộp hơn xem điểm của chính mình. Để rồi khi thấy điểm của Hoài tôi như rơi xuống hố băng, nỗi buồn tê tái tức khắc dâng đầy lòng tôi, lấn át hoàn toàn niềm vui mấy ngày nay. Hoài trượt. Cả điểm cộng nó vẫn thiếu một điểm. Mọi thứ cũng đúng như Hoài đoán nhưng lại khiến tôi không khỏi bất ngờ. Ai mà ngờ được chứ? Hoài là đứa học rất chắc, không chỉ ba môn khối C mà còn cả những môn khác. Năm lớp mười, mười một nó đều đạt học sinh giỏi. Đến lớp mười hai do xác định phải ôn thi đại học, chỉ tập trung vào ba môn khối thi nên danh hiệu học sinh giỏi mới tuột khỏi tay nó; dù vậy điểm phẩy của nó vẫn cao, ăn đứt điểm của tôi. Năm ấy nó còn được giải nhì tỉnh môn văn, suýt thì được đi thi quốc gia, đến khi thi tỉnh vòng hai nó mới bị loại. Tôi nhớ lúc hỏi nó có tiếc không, nó còn bảo:

-      Tao chẳng tiếc gì. Nói thật, không đi thi quốc gia tao lại thấy thoải mái. Giờ đã tháng mười hai, nếu thi qua vòng hai rồi lại đi thi quốc gia thì phải xuống thành phố ôn luyện, thời gian đâu nữa mà học môn khác. Trường mình đâu phải trường chuyên mà đặt nặng chuyện thi quốc gia. Với lại quan trọng nhất là sư phạm một không lấy tuyển thẳng, nên cần gì chúi đầu vào học một môn để chỉ chăm chăm thi học sinh giỏi, phải học cả những môn khác chứ.

Dừng lại một chút, nó nhìn tôi tiếp lời:

-      Nên thi trượt thế này tao thấy nhẹ hết cả người.

Tôi trố mắt nhìn nó:

-      Nói thế là mày cố ý thi trượt hả?

-      Không phải cố ý, nhưng đợt này tao không tập trung lắm. Mấy hôm nay chỉ chú ý ôn sử, địa. Hôm đi thi vòng hai tao còn quên mang đồng hồ cơ mà. Giờ thì tao yên tâm ôn thi đại học rồi.

Tôi trề môi:

-      Vậy là mày kém nên mới trượt, lại còn lý do lý trấu.

Nó nháy mắt với tôi:

-      Tùy mày nghĩ thế nào thì nghĩ. Bây giờ tao có thể thoải mái gạt tất cả sang một bên, chỉ tập trung vào việc quan trọng nhất.

Dù kháy đểu Hoài thế, nhưng tôi nghĩ, lời nó nói đa phần là thật. Từ ngày đó Hoài dồn sức ôn thi đại học. Thế mà kết quả lại thành ra thế này. Đúng là “học tài thi phận”. Khi đó tôi tự hỏi chẳng biết bây giờ nó thế nào? Có phải đang tìm chỗ nào khóc rấm rứt chăng? Liệu có lại bỏ ăn, bỏ uống như mấy hôm trước không? Những ý nghĩ ấy khiến tôi muốn lao ngay xuống nhà Hoài để được nhìn thấy nó, để khuyên nó mấy câu, dù nói thật, tôi vẫn chưa biết sẽ khuyên thế nào. Nhưng chần chừ một hồi tôi không làm vậy, thậm chí tôi còn không gọi cho nó. Chơi với nhau lâu nên tôi quá hiểu tính con bạn mình. Nó là một đứa tính tình hơi... quái gở. Một đứa bạn quảng giao, sôi nổi, nhiệt tình với bạn bè nhưng cũng lại là người khá khép kín, không thích chia sẻ tâm tư của mình với ai. Gặp chuyện gì cũng chỉ muốn ôm một mình, một mình mình giải quyết. Nghe thì có vẻ vô lý nhưng Hoài là vậy đấy. Vô lý đến mức nếu ai mới biết Hoài mà nghe tôi nói đến mặt tính cách thứ hai kia của nó, chắc chắn sẽ cho rằng tôi đang nói xấu bạn mình. Nhưng những người chơi với nó lâu lâu một chút nghe đến đó sẽ gật gù, ừ, hình như đúng là thế thật. Nên giờ này cách tốt nhất giúp Hoài là để nó yên, cho nó ôm chăn khóc một mình, đừng quấy rầy, rồi thời gian sẽ làm phai dần nỗi buồn của nó. Hãy để thời gian làm công việc của mình.

Tháng trước, tôi có thể xuống gặp Hoài, an ủi Hoài, nhưng khi đó nó chán vì bỗng đâu bị ốm, không thể thi cao đẳng, nguyên nhân ít nhiều còn khách quan. Ít nhất, tôi và nó còn có thể nghĩ như vậy. Còn bây giờ, nó buồn vì trượt đại học, nguyên nhân hoàn toàn mang tính chủ quan, dù tôi, nó, hay bất cứ ai trong hoàn cảnh này cũng không thể tìm ra lý do nào để đổ lỗi. Mà chắc chắn nó đang vơ hết tội lỗi về mình để tự trách đây. Vả lại nỗi buồn lần này so với khi bỏ lỡ kỳ thi cao đẳng rõ ràng lớn hơn nhiều. Dẫu tôi xuống, có lẽ nó không thèm gặp. Có gặp, chắc cũng chẳng cho tôi nói gì, quan trọng hơn, nhìn thấy tôi lúc này chỉ khiến nó buồn thêm. Dù sao tôi và nó đang bị phân cách bởi một bờ vực, đỗ và không đỗ đại học, bờ vực sâu hun hút. Hầy, thôi, ở