Phần 3

      Tôi còn nhớ khi chúng tôi học lớp chín, bà nội Hoài mất. Ngày nhà nó tổ chức tang lễ, tôi và mẹ có xuống thăm nhưng không gặp được Hoài, vì lúc đấy tang gia bối rối, tôi chẳng thấy nó đâu, lại biết nó không có tâm trạng gặp mình nên chẳng cố tìm. Hai hôm sau nó đi học trở lại, hai mắt đỏ quạch, sưng sưng, chắc vì khóc nhiều quá. Tôi biết trong nhà Hoài rất thân với bà nội, có khi còn thân hơn bố mẹ. Chuyện gì nó cũng nói với bà, dù là chuyện nó không nói được với bất cứ ai. Hoài từng bảo tôi, nó thích nhất là được kê chõng tre ra sau vườn, nằm nghe bà kể những chuyện xa lắc, xa lơ, những chuyện khi bà còn trẻ, rồi những chuyện khi còn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Người già thích nhắc chuyện xưa, Hoài nói những chuyện ấy bà kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần, nhưng nó nghe không biết chán. Đúng là bọn con gái dở hơi. Nó còn bảo đôi khi nó cũng kể cho bà nghe chuyện trường, chuyện lớp, chuyện bạn bè. Mỗi lần Hoài nói về bà nội, tôi thấy mắt nó như sáng lên. Bà đi rồi, nó sẽ chẳng còn ai để làm những việc ấy. Ngày đi học trở lại đó, Hoài trông có vẻ rất bình thường, nếu không để ý đến đôi mắt hơi sưng chắc chẳng ai biết nhà nó vừa xảy ra chuyện. Ngay cả chính tôi, nếu một ngày trước đó mẹ không nói cho tôi biết chuyện mẹ Hoài kể cho bà mấy hôm nay Hoài cứ khóc suốt, thì chắc khi ấy tôi cũng chẳng biết Hoài đang buồn thế nào. Tôi  cố tìm lời, an ủi nó mấy câu, không ngờ nó quay sang bảo tôi:

-      Mày đừng nói gì nữa, giờ mày càng nói tao lại càng buồn thêm. Cứ để tao yên, mấy hôm nữa chắc tao sẽ bình tâm lại thôi.

Rồi nó cười méo xẹo:

-      Chỉ cần mấy hôm này mày cứ ở cạnh tao là được.

Khi ấy tôi gật đầu cái rụp, không thèm để ý tới ý tứ kỳ lạ trong câu nói của nó. Sau đó dễ phải đến hai tuần, Hoài cứ im lặng đạp xe đến lớp rồi đạp xe về. Mặt chẳng tỏ thái độ gì nhưng dù trên đường đi hay trên lớp cũng không thèm nói với ai một câu. À, tất nhiên trừ lúc cô giáo gọi nó đứng dậy trả bài. Mấy đứa con gái chơi cùng nó còn hỏi tôi dạo này Hoài sao vậy, cứ như pho tượng đất, khác hẳn ngày thường, hay nhà nó có chuyện? Chắc bọn này liên tưởng đến việc mấy hôm trước Hoài xin nghỉ học hai ngày, nên đoán vậy. Tôi chặc lưỡi bảo:

-      Chuyện gì đâu, nó bị viêm họng hạt ấy mà.

Không hiểu sao tôi cũng chẳng muốn kể với bọn nó chuyện bà Hoài vừa mất. Lũ bạn bán tín bán nghi nhưng từ đó không hỏi gì thêm. Dễ phải đến hai tuần sau, cũng một buổi sáng đạp xe đến trường, khi tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần im lặng như mọi ngày, Hoài lại chợt quay sang tôi hỏi:

-      Bao giờ Việt Nam đá với Thái Lan đấy?

Đã rất nhiều năm trôi qua, nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in cảm giác của mình khi ấy. Thế nào nhỉ? Giống như vừa bỏ được một tảng đá đè nặng trong lòng, cả người chợt cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái. Tôi không trả lời ngay, cứ nhìn nó một lúc. Đến khi nó đưa tay sờ mặt hỏi:

-      Mặt tao dính gì à?

Tôi mới thở dài đáp:

-      Năm giờ chủ nhật tuần này.

Tôi vẫn nhìn Hoài, tự nhiên thấy hơi tức giận, chẳng hiểu vì sao. Tôi nói bằng giọng nửa đùa nửa thật:

-      May mà mày chịu nói chuyện rồi, mày mà im ỉm thêm một hôm chắc tao tưởng mày quên tiếng Việt luôn.

Câu nói của tôi khiến Hoài có vẻ xấu hổ, mặt nó hơi đỏ lên. Vặn vẹo người một hồi, nó bảo:

-      Mày đừng giận. Tại mấy hôm vừa rồi tao buồn quá. Tao còn chẳng muốn ăn uống nữa là nói chuyện. Mẹ tao mà không bắt tao đi học chắc tao cũng nghỉ ở nhà

Nó dừng lại, một lúc sau mới nói tiếp:

-      Thế là bà tao mất rồi mày ạ.

Hoài lại kể cho tôi nghe, nó thương bà nhiều thế nào, bà nó chiều nó nhiều ra sao. Nó kể ra bao kỷ niệm hồi bé, lại nhắc đến những buổi chiều sau vườn ngồi nghe bà nói những chuyện tận đẩu, tận đâu. Kể đến cả việc bà nó dạy nó nấu cơm, làm bánh. Mấy chuyện ấy đương nhiên tôi đều đã biết, nhưng tôi vẫn im lặng, chăm chú nghe nó nói, vì tôi hiểu, lúc này nó cần được lắng nghe. Và đúng là sau buổi sáng ấy, Hoài - bạn tôi, đã trở lại, dù một thời gian sau thỉnh thoảng tôi vẫn thấy nó buồn, đôi lúc lại trầm tư, nhưng tháng ngày qua đi, nỗi buồn cũng dần bị bỏ lại. Kể từ đó mỗi khi Hoài gặp chuyện gì buồn tôi sẽ không cố khuyên can, càng không gặng hỏi. Tôi chỉ im lặng ở cạnh bên, chờ nó nói ra nỗi niềm của mình. Dù thời gian có lúc dài, lúc ngắn nhưng tôi biết ngày nó bình tâm lại, nói chuyện với mình chắc chắn sẽ đến. Vì thế nên lăn tăn một hồi, tôi không xuống thăm, cũng không gọi điện cho nó. Tôi biết nó đang cần ở một mình.

Dù vậy cả ngày hôm đấy người tôi cứ bần thần. Trong lòng luôn tự hỏi bây giờ Hoài đang thế nào? Khóc nhiều không? Bỏ ăn, bỏ ngủ không? Nhìn tôi chẳng giống người đỗ đại học mà giống người trượt hơn. Mẹ cũng hiểu lòng tôi, thở dài:

-      Hay là con xuống gặp cái Hoài an ủi nó một chút.

Tôi lắc đầu ngay:

-      Không, bây giờ nhìn thấy con chỉ làm nó buồn thêm. Để mấy hôm nữa con xuống gặp nó sau.

Mẹ tôi còn định nói gì, nhưng cuối cùng lại thôi. Hai hôm sau, nhìn thấy mẹ Hoài đi chợ qua nhà, tôi vội lao ra chặn xe hỏi tình hình của con bạn. Mẹ nó thở dài bảo:

-      Hoài buồn lắm. Nó vẫn làm ra vẻ bình thường nhưng ở nhà ai cũng biết là nó buồn. Nó không bỏ cơm cũng không tỏ ra ủ dột như dạo trước nhưng trừ lúc ăn cơm ra còn lúc khác chỉ trốn trong phòng, chắc là khóc trong đấy, chẳng chịu gặp ai. Bố nó khuyên mấy câu nó lại bảo bác bá đừng lo, mình không sao đâu. Nói xong lại vào phòng nằm, thế thì ai còn nói gì được.

Vậy là Hoài vẫn chịu ăn cơm, thế là tốt rồi. Tôi chỉ sợ nó bỏ cơm như lần trước, khi ấy mới không biết làm thế nào. Dừng lại một lát ra vẻ suy nghĩ, mẹ Hoài tiếp lời:

-      Giá mà chị gái nó ở nhà, có khi nó còn chịu tâm sự với chị. Từ khi bà nội mất có chuyện gì nó cũng nói với chị chứ có chịu nói với bố mẹ đâu. Tiếc là chị nó đi tình nguyện cả tháng nay chưa về. Bá thấy hai chị em cũng nói chuyện qua điện thoại, nhưng mà điện thoại là điện thoại, sao bằng ngồi an ủi trực tiếp được.

Tôi biết từ đầu hè đến giờ chị Hoài đi tình nguyện, không ở nhà. Chị tôi cũng vậy, hè nào cũng đi tình nguyện, mang tiếng là nghỉ hè mà có thấy mắt mũi đâu. Nếu chị tôi có nhà, mấy hôm rồi tôi nhất định bảo chị xuống gặp Hoài xem nó thế nào. Chị tôi tất nhiên chẳng thân với Hoài bằng tôi, nhưng có những chuyện con gái tâm sự với nhau dễ hơn con trai; vả lại, trong trường hợp này, càng thân có khi càng dở. Tiếc là trong lúc hai đứa em cần nhất, các bà chị lại rủ nhau đi hết cả. Hầy, chị với chẳng em, thế đấy.

Mẹ Hoài nói thêm:

-      Lát nữa cháu xuống gặp an ủi nó mấy câu. Mấy hôm trước mày chẳng bảo được nó ăn cơm đấy còn gì.

Tôi buồn bã lắc đầu, tính chất của hai sự việc khác nhau, so với chuyện không đi thi cao đẳng được thì rõ ràng trượt đại học là cú sốc lớn hơn nhiều. Lần trước tôi khuyên được Hoài nhưng lần này thì... Hơn nữa, lần trước có phải mình tôi nói nó nghe ngay đâu, cả tôi, cả bố mẹ nó phải góp vào nói mãi nó mới xuôi theo đấy chứ. Tình hình hiện giờ, theo tôi đoán, chắc chắn không tiếp tục làm theo cách ấy được. Tôi nói:

-      Không nên bá ạ. Bây giờ chỉ có bà nội mới có thể nói chuyện với nó thôi, nhưng bà lại mất rồi. Cháu xuống có khi làm nó suy nghĩ thêm. Chờ một thời gian nữa, đợi nó nguôi nguôi, cháu xuống an ủi nó mới được. Bác bá cũng đừng để ý đến chuyện của nó, cứ làm như mọi thứ vẫn bình thường, thế thì nó mới nhanh bình tâm lại. Bá còn lạ gì tính nó nữa.

Không giống mẹ tôi, nghe tôi nói thế mẹ Hoài không có ý phản bác, cũng chẳng tỏ ra khó chịu vì tôi lên mặt dạy bảo, chỉ thở dài, gật đầu. Là mẹ Hoài, chắc bà thừa hiểu tôi nói đúng. Suốt cả tháng sau, dù rất muốn, tôi vẫn chẳng liên lạc gì với Hoài, chỉ thường xuyên hỏi thăm qua bố mẹ nó.

Tôi cứ chờ mãi, chờ mãi, chờ ngày Hoài đến tìm tôi hay gọi điện cho tôi, để nghe nó khóc, nghe nó kể lể, nhưng chẳng thấy. Nỗi buồn này rõ ràng quá lớn với nó. Đến hôm qua tôi đành gọi xuống thông báo ngày mai tôi sẽ xuống trường. Vẫn biết lúc này nó không muốn nói chuyện với tôi nhưng tôi sao có thể đi mà không bảo tiếng nào được. Giọng nói của Hoài qua điện thoại vẫn bình thường, không có dấu hiệu chán nản, buồn bã. Chẳng biết nó đã nguôi ngoai hay đang giả vờ tỏ ra không có gì, mà tôi đoán phần nhiều là đang giả vờ đây. Đã định trước sẽ không đả động đến việc thi cử nhưng nói chuyện mấy câu, tôi không nhịn được nói:

-      Mày đừng có buồn quá nhé. Biết làm sao, “học tài thi phận”. Đừng có suốt ngày ủ dột, hỏng thì làm lại, đâu phải chỉ được thi đại học một lần.

Tôi nghe thấy Hoài thở dài trong ống nghe, đáp gỏn lọn:

-      Ừ.

Biết nó không muốn nói đến chuyện này, nhưng tôi vẫn không thể dằn lòng, hỏi;

-      Mày định làm nguyện vọng hai ở đâu? Điểm của mày đâu có thấp, đỗ được đầy trường, các trường sư phạm thì cũng nhiều, trường nào cũng có tiếng cả, đâu nhất định cứ phải sư phạm một? Mày cứ học mấy trường kia một năm, sau rồi thi lại.

Hoài im lặng, hình như đang suy nghĩ, một lúc sau mới nói:

-      Tao cũng từng nghĩ đến chuyện đấy, nhưng tao chỉ muốn học khoa văn, mà khoa văn của các trường bây giờ đều đã đủ chỉ tiêu rồi, họ không tuyển thêm nữa đâu. Những khoa khác tao lại không thích.

Chần chừ một lúc nó nói thêm:

-      Vả lại mày thì học dưới ấy... À mà thôi, tóm lại năm nay tao sẽ không làm nguyện vọng vào đâu nữa, ở nhà ôn năm sau thi lại. Năm sau trượt nữa thì tính tiếp.

Hoài nói tới đây, tôi càng tiếc cho nó. Giá mà ngày ấy nó không ốm, thi đỗ vào trường cao đẳng sư phạm, thì mấy hôm nữa chắc cũng nhập trường rồi, khỏi phải chịu cảnh bạn bè đi hết, một mình mình ở nhà thế này. Cứ học cao đẳng một năm, năm sau có thi tiếp hay không thì tính sau, với Hoài như thế chắc sẽ tốt hơn. Giờ xem ra nó định ở nhà luôn, không nguyện vọng vào đâu nữa. Chẳng biết nó có nghĩ đến không, ở nhà một mình sẽ buồn lắm. Tôi cố vớt vát:

-      Thì mày cứ học trường khác một năm, vừa học vừa ôn, năm sau xuống Hà Nội thi chẳng hơn à?

-      Không, tao muốn ở nhà tập trung ôn thi, có thời gian cả một năm thoải mái ôn. Khối C cũng chẳng cần đi đâu ôn thi, có tài liệu rồi, cứ ở nhà ôn là được. Nếu vừa học vừa ôn làm sao bằng chỉ tập trung ôn được. Năm sau thi xong xem kết quả thế nào, tao tính sau.

Hoài lặp lại lời vừa nãy. Tôi thấy nó nói cũng có lý, nhưng vẫn sợ nó ở nhà một mình, bạn bè đứa học trường này, trường kia đi cả, nó quanh ra, quẩn vào, chẳng có chỗ nào đi, có khi lại nghĩ ngợi. Nhưng thôi, phương án nào cũng có cái được cái mất. Nó ở nhà dồn sức ôn thi, chắc chắn sẽ có hiệu quả hơn vừa đi học vừa ôn, nhất lại là mấy môn khối C của nó. Nó đã đủ lớn để biết điều gì tốt cho mình, cũng đủ lớn để vượt qua những thất bại. Bây giờ chỉ mình nó có thể giúp nó thôi. Nếu nó đã chọn như vậy thì tôi hoàn toàn ủng hộ, mong rằng năm sau tôi sẽ được nghe tin vui của nó. Tôi còn định an ủi Hoài thêm nhưng sợ nói nhiều, không cẩn thận lại  động vào nỗi buồn của bạn nên thôi, chào tạm biệt rồi cúp máy. Mãi đến mấy hôm gần đây, sát ngày lên đường, lòng tôi mới háo hức được một ít, nhưng sau cuộc nói chuyện với Hoài, chút háo hức ấy lại nguội lạnh. Nhìn điện thoại đã ngắt kết nối, tôi thở dài, lòng thầm nghĩ cố lên Hoài nhé, đừng mất niềm tin. Một tháng nữa tao về, hi vọng sẽ lại được nhìn thấy nụ cười của mày, giống như ngày xưa ấy.

Trăng tròn đầy, lơ lửng lưng chừng trời, soi sáng tỏ khoảng không bao la. Ánh trăng làm bầu trời đêm chi chít những ngôi sao như càng cao hơn, rộng hơn, trải ra đến vô tận, vô cùng. Một chiếc máy bay bay tít trên cao, nhấp nháy ánh đèn; giữa trời đêm ít mây, thoáng đãng, trông như một con đom đóm, đang bay về phía ngọn đèn trời khổng lồ, là mặt trăng. Sự so sánh ấy làm tôi chợt thấy buồn cười. Nhìn khoảng sân được nhuộm vàng bởi ánh trăng dịu dàng, lại nhìn lên mặt trăng nằm lặng giữa những cụm mây đang yên ả trôi đi, tôi nhủ thầm, ừ nhỉ, cũng giống phết đấy chứ. Tôi lại căng ngực hít một hơi dài đầy sảng khoái. Hương hoa sữa thoang thoảng hay mùi hương đêm làm tôi bỗng thấy tỉnh cả người. Từ phòng khách sau lưng tôi vọng ra tiếng cười của những người lớn, chẳng biết đang nói chuyện gì mà cười to đến vậy? Tiếng cười làm tiếng dế kêu ở bồn hoa trồng mấy khóm đồng tiền chợt tắt, im ắng một lúc, chừng như để nghe ngóng, thấy không có động tĩnh gì mới lại vang lên rỉ rích, dìu dặt. Nếu là ngày thường, có lẽ tôi sẽ bới mấy khóm hoa, tìm cho ra con dế đang rất có hứng thú thách thức kia, nhưng hôm nay tôi chẳng có tâm trạng nào làm vậy.

Ngồi trên bậc thềm, giữa ánh trăng, tai nghe tiếng dế kêu, những cảm xúc khó hiểu và khó chịu kia càng lúc càng trở nên rõ rệt, như những cơn thủy triều, cứ từng đợt, từng đợt xô vào lòng tôi. Đã không biết bao lần tôi cố nhận biết xem những xúc cảm đó là gì, nhưng đến bây giờ, một tháng trôi qua, tôi vẫn chưa hiểu được. Có lẽ có sự buồn bã, điều này dễ hiểu thôi; nhưng hơn thế rất nhiều hình như là tức giận. Nói là “hình như” vì tôi không dám chắc, tâm trạng ấy rất mơ hồ. Nhất là khi tôi chẳng thể trả lời được sao tôi lại đi tức giận, mà tức giận ai, tức giận cái gì? Chẳng lẽ là tức giận Hoài? Không, chắc chắn không phải. Nhưng nếu không phải thì làm gì còn ai, còn chuyện gì khiến tôi tức giận đây? Tôi không biết. Ngoài tức giận ra còn có những xúc cảm mà tôi nghĩ mãi vẫn không thể gọi tên. Mấy tuần rồi đã thế, bây giờ vẫn vậy.  Muốn nghĩ thêm, những cảm xúc đó lại xoắn xuýt vào nhau làm tôi muốn... đau đầu. Chúng như những cái gai nằm sâu trong lòng, tôi không rút ra được đã đành, tôi thậm chí còn chẳng biết nó chính xác nằm ở chỗ nào để mà rút. Có lẽ cũng vì thế tôi càng đau, càng khó chịu hơn. Trên cả đất nước, chẳng biết tìm được người thứ hai vừa đỗ đại học lại có những tâm trạng như tôi không? Tôi là người ngoài đã vậy, huống chi người trong cuộc như Hoài. Chắc chắn giờ này Hoài đang khổ sở lắm. Chẳng biết bao giờ nó mới có thể vượt qua đây? Tôi thở dài, lại nhìn lên vầng trăng lơ lửng trên đầu.

Mẹ tôi và mẹ Hoài sàn sàn tuổi nhau, chính xác thì mẹ Hoài hơn mẹ tôi một tuổi, hai bà cùng chỗ làm, lại hợp tính hợp tình nên vốn rất thân thiết. Tôi nghe nói ngay từ hồi chưa có con, hai bà đã nhận nhau là thông gia. Tiếc cho hai bà là con đầu lòng dù bằng tuổi, nhưng lại đều là con gái nên ý định thông gia chưa thực hiện được. Đến khi tôi và Hoài ra đời, hai bà mới mừng như mở cờ trong bụng, lập tức thực hiện “ý đồ” của mình. Từ khi tôi còn bé, rất bé, chẳng nhớ là mấy tuổi, nghe nói lúc mới biết nói, mẹ Hoài đã bắt tôi gọi bà là mẹ, xưng con. Tương tự mẹ tôi cũng bắt Hoài gọi mẹ, xưng con với bà. Đương nhiên, tôi và Hoài răm rắp làm theo. Từ đó, tất cả hàng xóm đều biết rằng, hai nhà đã định sẵn sau này sẽ là thông gia; ngay cả những người quen biết ở xa về quê dịp lễ, tết, nếu gặp một trong hai bà đều sẽ hỏi: “Bà thông gia của bà sức khỏe thế nào?” - bấy nhiêu đủ để biết “mối tình” của tôi và Hoài nổi tiếng đến mức nào. Khi lớn lên một chút, chính xác là năm hai đứa tôi lên lớp bốn, Hoài biết được “ý đồ” thông gia của các bà mẹ, thế là nó nhất quyết không chịu tiếp tục gọi mẹ tôi là mẹ nữa. Thay vào đó nó gọi mẹ tôi là “dì” xưng “con”. Nó kể cho tôi nghe định ước của hai bà mẹ và xúi tôi không gọi mẹ nó là mẹ, tất nhiên tôi đồng ý. Tôi chẳng thấy gọi như vậy có vấn đề gì, nhưng Hoài đã không muốn thì tôi chiều nó thôi. Từ đó tôi gọi mẹ Hoài là “bá” và xưng “con”, gần giống với những đứa trẻ khác. Nhưng dù như thế thì cả xã đều đã biết đến ý định kết tình thông gia của hai gia đình rồi.

Tôi và Hoài học cùng nhau từ mầm non, hồi đó thường là mẹ tôi hoặc mẹ Hoài lai hai đứa đến trường xong lại đón về, người này bận thì người kia đưa đi, hoặc là các ông bố. Lớn lên một chút, khi vào lớp một, tôi và Hoài đi học cùng chị của mình. Chị tôi và chị nó cũng học cùng lớp và rất thân nhau. Nói chung với mối quan hệ khắng khít của hai gia đình, từ bố, mẹ cho đến chị của hai đứa, tôi và Hoài thân nhau là chuyện đương nhiên phải thế, không thể nào khác được. Đến khi chúng tôi lên lớp ba thì không tiếp tục đi cùng hai bà chị, vì khi ấy hai chị đã lên lớp sáu, học ở trường huyện, phải đạp xe đến trường, mà lại không cùng tuyến đường đến trường tiểu học của bọn tôi, nên từ đó tôi và Hoài tự đi riêng. Và cũng vì thế xảy ra một chuyện khiến cả đời tôi không bao giờ quên.

 Vào năm học được mấy ngày, một buổi trưa tan học, tôi và Hoài đang đi về, thằng Quang, học cùng lớp bọn tôi, chạy lên đi ngang hàng rồi hét toáng lên:

-      Cô dâu chú rể, đội rế lên đầu, đi qua đầu cầu, đánh rơi mất rế, cô dâu khóc nhề, chú rể cười hề. Thằng Việt và con Hoài yêu nhau chúng mày ơi, chúng nó ngày nào cũng đi cùng nhau này. Chúng nó sắp thành vợ chồng rồi.

Nói xong chạy biến lên phía trước, để lại tràng cười dài của đám bạn cùng lớp, cùng khối, cùng trường đang đi xung quanh, và khuôn mặt ngơ ngác của hai đứa tôi. Tôi và Hoài quay sang nhìn nhau, thú thật tôi còn chưa hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Chạy lên trên một đoạn, Quang dừng chân, quay người há mồm, hét to lại y hệt những câu vừa nãy, rồi chờ bọn tôi đến gần lại phóng đi như bay. Lúc ấy có ngu đến mấy tôi cũng hiểu thằng này đang chơi trò gán ghép tôi với Hoài. Hồi đấy trong trường tiểu học của bọn tôi, trò gán ghép đứa này yêu đứa kia, đứa này là vợ chồng của đứa kia rất phổ biến. Bao nhiêu đứa chỉ ngồi gần nhau đã bị gán ghép, huống chi tôi và Hoài không chỉ ngồi gần mà còn suốt ngày đi về cùng nhau và dính nhau như sam. Hồi trước lũ bạn không dám trêu vì bọn tôi còn có hai bà chị, giờ hai chị đi rồi, còn ai làm chúng e dè? Tôi tức lắm, định đuổi theo quyết ăn thua đủ với Quang nhưng nó đã chạy xa từ bao giờ, tôi đuổi không kịp. Suốt đoạn đường về nó còn trêu thêm ba lần, ba lần này còn có thêm thằng Đạo lớp tôi tham gia, làm tôi càng tức. Càng tức hơn khi mấy người lớn ven đường thấy nó hét oang oang như vậy không những chẳng mắng mỏ gì nó mà lại nhìn tôi và Hoài tủm tỉm cười. Sau này tôi mới biết, họ cười như vậy vì đã sớm biết đến ước hẹn trăm năm cho hai đứa con của mẹ tôi và mẹ Hoài. Tôi bầm gan tím ruột đuổi theo, chỉ muốn đấm vỡ mồm mấy thằng kia, mặc kệ Hoài phía sau la oai oái. Nhưng chúng nó cứ đứng ở xa hô, hô xong rồi chạy ngay, nên tôi chẳng làm gì được, chỉ đành ôm bực dọc về nhà.