Rũ bóng nghiêng chiều - chương 24 - Mấy ngày tết

Pháo nổ không ngớt từ giao thừa cho tới sáng mùng Một. Nhà Đạt là nhà giàu nên đốt pháo cũng nhiều hơn. Tụi con nít từ mấy xóm khác kéo tới rần rần, đứng bu quanh hàng rào, chen chúc luôn trong sân. Số ít đứng xa xa coi pháo nổ, và coi luôn phần còn lại đang giành nhau lượm pháo. Có dây pháo nổ chỉ vừa một nửa đã bị tụi nó giật mất. Nhà đã cắt cử Sửu đứng canh chừng, và dù Sửu luôn dòm ngó, miệng nói oang oang hùng hổ, cũng không sao cản xuể.
Tiếng đùng đoàng xen lẫn tiếng tụi con nít tranh giành, lại có tiếng cười giòn giã khiến không khí ngày tết đầu năm thêm rộn rã. Ai nấy cũng mặt mà hớn hở. Trừ Liên. Cô đang ngồi bí xị trên đôn đá góc bậc thềm.
Tưởng chừng sẽ không có ai chú ý tới cô, cho tới khi một đoạn dây pháo ngắn, trên đó còn khoảng năm trái pháo chuột vẫn chưa bị nổ văng ngay dưới chân Liên. Lại có chú bé ốm nhom chạy tới, đứng rụt rè khúm núm. Với vóc dáng này, ắt hẳn sẽ thiệt thòi trong trong mấy cuộc giành giật, bắng chứng là cái túi áo lép kẹp, trong khi mấy túi áo mấy đứa đô con thì căng phồng trái pháo. Công thêm cái ánh mắt thèm thuồng nhưng sợ sệt, làm Liên mủi lòng, thấy thương thương. Liên cười rồi cúi xuống lượm đoạn pháo.
- Liên! Bỏ xuống.
Đạt không biết từ đâu phi thẳng tới. Tay Liên bị anh hất mạnh, làm dây pháo văng xa một khoảng.
- Ăn gì mà ngu quá vậy! Pháo mới nổ xong, khói còn chưa kịp tắt, ai mà biết nó còn nổ nữa không. Cầm lên như vậy lỡ nó mà nổ thì bàn tay nát bấy còn gì. Già đầu còn bà đặt chơi pháo.
Không khí náo nhiệt bị tiếng nạt nộ của Đạt làm gián đoạn. Người trong nhà túa ra, người đang có mặt trên ngoái đầu, người ngoài cổ nhón chân, mọi ánh mắt dồn về một chỗ. Mặt Liên đỏ rần. Đội mắt ngơ ngác cúi xuống, cố giấu đi nét sượng sùng.
Ông Duy chống ba toong bước ra, cất giọng sang sảng.
- Chuyện gì vậy? Mới đầu năm đầu tháng phải biết kiêng cữ chớ. Mần gì mà la lối om sòm, muốn gây thì về phòng mà gây. Tết nhứt cũng không để cho nhà này được yên.
Sửu tiếp tục đốt mấy dây pháo còn lại, tụi con nít tiếp tục giành nhau. Đám đông hóng chuyện tản ra. Một mình Liên cắm mặt xuống đất đi vô. Dù không nhìn ngó xung quan, nhưng mọi tiếng cười, mọi lời xì xào bàn tán, mọi ánh mắt mỉa mai, đeo đẳng dưới cân Liên trong tiết trời đã nắng gắt.
Tay làm mà nước mắt Liên cứ thi nhau chảy xuống. Mùng một đầu năm, khóc lóc thiệt không nên. Không những bị rầy, mà chính Liên cũng không muốn, suốt một năm còn lại, cô phải đắm mình trong nước mắt. Nhưng đôi mắt, nó không chịu nghe lời, mặc cho tay cô cứ quẹt hết lần này tới lần khác, nước mắt như nước đầu nguồn đổ xuống hạ lưu. Càng kìm chế, càng tạo thành dòng lũ lớn. Liên cắn môi, chạy ùa ra bụi chuối sau hè, ngồi thụp xuống, hai tay ôm gối, úp mặt xuống hai chân, khóc một mình cho hả.
Thế giới của Liên bây giờ, vô cùng nhỏ bé, chỉ là mấy tàu lá trên cao và khoảng trong tầm mắt giữa hai chân bên dưới. Mọi tứ chung quanh không còn hiện hữu. Nên cô không hề cảm nhận được ánh mắt phía sau.
Đạt ra đây trước cô một lát, nhưng anh ngồi ở phía bên kia. Không hẳn do bụi chuối quá rậm, mà do đôi mắt lòe nhòe nước cùng những cú nấc đã khiến Liên không nhìn thấy anh. Cũng như cái đầu đang rối như tổ quạ. Là do anh tự vò đầu mình từ lúc ra đây. Lâu lắm rồi, không khi nào Đạt thấy mình không bực bội. Đụng chuyện gì, anh cũng chỉ muốn nạt nộ. Dù lắm lúc, chính anh cũng tự biết, chuyện đó thực chẳng đáng gì để lớn tiếng. Như chuyện mới xảy ra, rõ ràng là do anh lo cho cô, sợ tay cô bị thương rủi như pháo nổ. Không hiểu sao lại xảy ra cảnh chửi bới trước mặt bao nhiêu người như vậy.
Sau một hồi phân vân, anh rút chiếc khăn tay từ túi áo, tiến về phía Liên. Là chiếc khăn mà anh đã cô cô mượn trước đây, sau khi được cô giặt sạch và trả lại, Đạt vẫn bỏ trong túi tới giờ.
Thay vì cầm lấy, Liên lại không động đậy, còn nhìn anh oán trách. Đoạn, cô đi thẳng vô nhà.
--------------------------------------
Suốt mấy ngày tết, Liên không nói không rằng, không thèm ngó tới mặt anh. Đang ở vị thế của người có quyền giận, Đạt lại bị người ta giận ngược. Và người ta không còn chiều chuộng để mong lấy lòng anh nữa, người ta ngó lơ như thể anh không còn tổn tại. Đạt càng bực, càng dễ nổi quạu.
Mà càng quạu thì càng hay nạt, mà càng nạt thì hiển nhiên Liên càng né. Đạt càng không được ngó ngàng. Ba ngày tết trôi qua trong buồn bực. Tới khi sự việc được phôi pha thì lại có thêm chuyện khác.
Đó là ngày mùng Bảy, khi Liên với dì tám còn chưa dọn xong mâm lễ cúng kiếng để Sửu hạ cây niêu trước nhà, đã phải hối hả đi vô theo tiếng kêu réo ầm trời của bà Ngự.
- Liên, cô mau vô đây coi nè!
Diệp đang úp mặt lên vai bà nừc nở, một bên má Diệp đỏ ửng vì sưng, quần áo xốc xếch, vết dơ khắp người, lại có thêm vài vết trầy xước đang rớm máu. Thấy Liên, bà nghiến răng.
- Trời ơi, sao em cô hung dữ quá vậy? Nó dám đánh con Diệp ra nông nỗi này nè.
- Ủa, là ai đánh cô Diệp vậy má?
Mắt bà Ngự quắc lên khi nghe Liên hỏi. Còn Diệp thì ngước mặt với đôi mắt ướt nhẹp, kể lể về việc ẩu đã với Cúc.
Liên giật mình.
- Con Cúc em tui, nó lên đây hồi nào? Lên đây mần chi?
Diệp nói như nạt.
- Sao tui biết được! Chị đi mà hỏi nó đó.
Bà Ngự lên tiếng.
- Rồi mần sao mà nó quánh con?
Diệp thút thít.
- Con với nó đụng mặt, nói có vài câu là bị nó quánh.
Liên sốt ruột chồm tới.
- Cô nói gì để đến nỗi nó quánh cô?
Diệp giãy nảy.
- Chị hỏi vậy là có gì? Chị nói rõ ra đi!
Biết Liên muốn bênh em, sợ cháu bị thiệt thòi, bà Ngự đập tay xuống giường.
- Nói gì cũng thây kệ nó! Nó nói bằng miệng của nó! Mắc gì quánh nó?
Tình hình căng thẳng, Liên nhỏ giọng thưa.
- Má bớt giận. Con chỉ muốn cô Diệp nói rõ một tí. Chớ hổng lẽ, khi không con Cúc, nó đi quánh cô Diệp.
Thấ Liên có ý bênh em gái, bà Ngự nổi giận đùng đùng.
- Hứ! Dẫu con Diệp có nói gì, thậm chí là nói bậy đi chăng nữa thì còn có tui đây. Muốn gì thì nói với tui nè. Muốn dạy thì để tui dạy. Không tới lượt chị em cô đâu. Con gái mới ba lớn mà tập tánh hung hăng, dữ dằn, đụng chút là bày đặt quánh người ta, thiệt là đồ mất dạy.
Em gái bị chửi nặng, liên lụy cha má bị sỉ vả, lòng Liên đau, nhưng chỉ có thể cắn răng nuốt giận. Trước tiên, cô xin lỗi bà Ngự với Diệp và ngay sau đó, cô chạy đi kiếm em gái hỏi cho ra lẽ.
Theo lời Diệp kể, Cúc đi chung với một người đàn ông có tới đây thăm cô vài lần, Liên đoán chắc, đó là Bửu nên bắt xe ngựa chạy tới nhà anh.
Địa chỉ nhà, Bửu cho Liên từ lâu. Anh còn mấy lần mời Liên ra chơi cho biết. Nhưng Liên chưa đi lần nào. Với Bửu, Liên vẫn luôn giữ một khoảng cách. Trước kia đã vậy, bây giờ vẫn vậy. Dù rằng việc anh thường tới thăm đã khiến cho ác cảm khi xưa không còn nữa, nhưng nói cho cùng, cô bây giờ là gái đã có chồng, giữ khoảng cách với đàn ông thì vẫn hay hơn, huống chi Bửu lại là người từng muốn dạm hỏi mình.
Nhà cách chợ không xa, lại nằm trên một con lộ nên dễ dàng tìm kiếm. Hai bên đường, nhà cửa xen kẽ đồng trống, không quá tấp nập như ngoài chợ nhưng không quá hiu quạnh như trong đồng. Ngôi nhà được dựng bằng ván, hai tầng, rộng rãi và chắc chắn.
Thấy Liên, Cúc reo lên đầy hứng khởi. Còn Liên, khi vừa đặt chân qua ngạch cửa đã nghiêm mặt hỏi.
- Út, sao lại ở đây? Ba ngày này thì nên ở nhà phụ với má mới phải chớ?
Cúc nhìn cô phụng phịu.
- Thì em ở nhà suốt rồi đó! Cúng kiếng xong xuôi mới xin má cho đi chơi vài bữa.
- Đi chơi thì thôi, sao khi không đánh lộn với người ta. Cưng có đánh cô Diệp không?
- Dạ có… Ai biểu nó nói mấy cái đó chi.
- Cô Diệp nói gì mà em lại đánh? Có gì từ từ nói, sao phải đánh lộn? Toàn là con gái nhà đàng hoàng, làm như vậy coi sao đặng? Đừng tập tánh hung hăng như vậy chớ.
- Nó cũng có hiền đâu, nó với con người ở của nó xúm lại đánh em như vầy nè. Không tin, chị hỏi anh Bửu đi. Hổng có anh Bửu thì chắc là em chết luôn rồi.
Mấy vết bầm lộ ra khi Cúc kéo cao tay áo, lúc này, Liên mới nhìn kĩ mấy chỗ trầy đã được thoa thuốc đỏ, vết thoa không khéo, lan tòe loe, khiến cho mình mẩy Cúc nhìn thảm hại hơn Diệp gấp mấy lần. Liên vừa xót xa vừa ăn năn vì chưa hỏi nguồn cơn đã quở trách, nạt nộ em mình.
Thấy Bửu đi ra, cô gật đầu chào rồi nhẹ giọng hỏi anh.
- Lúc tụi nó đánh lộn, anh cũng có ở đó nữa hả?
Bửu kéo ghế cho Liên, cười với cô một cái rồi mới chậm rãi trả lời.
- Ờ, Cúc quá giang anh lên đây. Hai anh em đi chơi một hồi thì anh chạy đi mua tí đồ, lúc trở lại thì thấy tụi nó đang quần nhau. Cô em chồng em có sao không?
- Cũng bị sưng bầm với trầy trụa khắp mình mẩy như con Cúc vầy nè.
Nghe nói tới đây, Cúc liền giãy nảy.
- Như em sao đặng! Phải nhẹ hơn chớ. Nó có tới hai người lận mà. – Cơn giận còn chưa hả, Cúc nghiến răng – Hứ, em thách con Diệp dám nhào vô một mình đó, không có con người ở hùa với nó thì nó chết với em!
Liên nạt.
- Nín đi! Hay ho gì mà bày đặt thách thức. Mới bây lớn mà quánh lộn cái gì. Nhịn người ta một chút cũng hổng được hay sao?
- Mần sao phải nhịn. Người ta chửi mình mà. Chị có biết con Diệp nói gì hông? Nó nói, nhà mình không đàng hoàng, nói chị hai bỏ nhà theo trai, nói chị không xứng làm dâu nhà nó, nói tại nhà mình ham giàu nên mới gả chị đi cho bằng được.
Lời nói kì thực khó nghe, nhưng Liên vẫn thấy nó không đáng để đụng tay chân như vậy, cho nên, cô vẫn kiên quyết răn dạy em mình.
Đứng kế bên, Bửu lên tiếng đỡ.
- Liên, đừng rầy em Cúc. Em cũng rành tánh cô Diệp nhà đó rồi mà, có vừa từ gì cho cam.
Tới chơi có vài bận mà Bửu còn biết thì ở chung nhà, làm sao Liên không rành cho được. Diệp đâu phải dạng hiền lành. Ngay cả cô còn bị Diệp coi thường và xấc xược nữa là. Nhưng thật sự là Diệp cũng mang đầy thương tích, bà Ngự thì bênh cháu, làm sao bà chịu để yên. Từ ngày đầu về làm dâu, cô đã không được lòng bà, thêm vào việc cô với Đạt “cơm không không lành canh không ngọt”, bà càng hay mặt nặng mày nhẹ với cô hơn, không phải cô sợ cho mình mà cô lo cho má mình lại bị đụng chạm. Cha cô đã mất, má cô như một thân cây già đơn độc, cô không muốn có bất kì lời nặng nhẹ nào để má cô thêm hờn tủi.
- Em không giận Cúc nhưng hở ra là đánh lộn như vầy là thì đâu có được! Tụi nó quánh lộn, cha má hai bên cũng bị lôi vô. Má chồng em giận ghê lắm! Bà thương cô Diệp như con gái ruột, bà không chịu bỏ qua chuyện này đâu, em sợ bà làm ầm lên, thế nào má em cũng phải quỵ lụy… – Vừa nói với xong là cô quay liền qua Cúc - Hay là, em qua bên đó xin lỗi một tiếng cho êm chuyện được không?
Đang ngồi trên ghế, Cúc bật dậy, giậm chân, nói liền không suy nghĩ.
- Em không có lỗi, cớ sao phải đi xin lỗi? Nó phải xin lỗi em thì có!
- Nếu em không xin lỗi thì má chồng chị sẽ qua nhà mình méc má, chị không muốn má mình bị nặng nhẹ.
- Nói thì nói chớ sợ gì, bây giờ em về nhà nói cho má hay luôn, đặng má biết mà trả lời với họ, thấy mình hiền rồi ăn hiếp.
- Nói gì mà nói! Nói ra có ích gì? Làm cho lớn chuyện thì cũng chỉ có mình bị thiệt, rồi má phải xin lỗi người ta nhiều hơn nữa hả?
- Em không cho má xin lỗi đâu! Người ta quấy trước mà. Ai chửi mình thì mình chửi lại, ai đánh mình thì mình đánh lại sợ gì?
Nói sao Cúc cũng không chịu, Liên bất lực. Giận quá, cô trỏ tay chỉ ra cửa.
- Chị không nói nổi cưng nữa rồi, về nhà liền cho chị.
Cúc thút thít.
- Chị đó, lấy chồng rồi thì bỏ má với em. Tết chị hổng dìa, em với má nhớ. Má cho em lên đây đâu chỉ đi chơi, mà còn tới thăm chị nữa. Chưa gì đã đuổi em về. Em cũng bị đánh mà còn chửi em.
Nỗi buồn âm ỉ từ lâu bị Cúc khơi gợi, lại thấy em khóc, lại nghe em than, Liên thêm mủi lòng, nước mắt tự dưng rươm rướm, im lặng vuốt lưng em.
Nhân lúc Liên đang xìu và có phần nhượng bộ, Bửu mới lên tiếng vỗ về hai chị em.
- Liên à, em không muốn má em lo thì càng không nên bắt Cúc về nhà liền. Mình mẩy nó trầy vầy, má em hỏi thì biết nói sao. Cứ cho Cúc ở lại chơi ít bữa, về còn có cái nói với má em, với lại, lúc đó thuơng tích cũng lành rồi, má em sẽ không biết. Còn chuyện má chồng em, anh nghĩ, giận quá nên bả nói vậy thôi, chớ đường sá xa xôi, hổng lẽ chỉ vì chuyện nhỏ của hai đứa con nít mà bả làm ầm lên phiền hà sui gia thì coi sao được.
Băn khoăn một hồi, Liên cũng chịu chiều theo em gái. Đáng lẽ, phải dẫn Cúc về nhà, trước là thưa gởi, sau là dọn chỗ cho Cúc ở lại. Nhưng với chuyện đã xảy ra, Liên phải tính cách khác, cho Cúc ở khách sạn, hay mướn đỡ căn nhà nào đó.
Bửu gạt ngang khi nghe Liên đưa ra đề nghị.
- Chi mà rầy rà vậy. Nhà anh thiếu gì chỗ, ở đây không phải hay hơn sao?
Không cần suy nghĩ, Cúc “dạ” lớn, gật đầu cái rụp, mặc kệ sự do dự của chị. Thấy vậy, Bửu làm mặt buồn rầu.
- Hay là, em không tin tưởng anh?
Ngoài sự bất tiện và rầy rà, Liên chưa dám nghĩ tới điều gì khác. Cô lắc đầu vội vã.
- Dạ, không có đâu anh…
Chỉ chờ có vậy, Bửu liền ngắt ngang, không cho Liên có dịp nói thêm. Anh mau chân chạy tới cửa buồng, nói vọng ra sau.
- Chị Bé, nấu cơm xong thì lên lầu dọn liền cho tui cái buồng cho cô đây. – Đoạn, anh quay qua nói với Liên – Ăn cơm xong rồi, anh chở hai chị em ra chợ mua chiếu với mền gối, nghen. Ờ mà, bữa nay mới mùng Bảy tết, người ta chưa dọn tiệm đâu. Vậy, để anh qua nhà chị tư mượn đỡ, chị có nhiều lắm. Em đừng ngại. Chỉ biểu anh đem về xài hoài mà anh chưa đem.
Với sự nhiệt tình quá đỗi này, dù lòng có e ngại tới đâu, Liên cũng không cách nào từ chối, huống chi Cúc kế bên cứ hùa theo, thưa dạ và gật đầu tới tấp.
Hai anh em cứ mỗi người một câu qua lại, vô cùng hạp ý. Sự ảm đạm của ngôi nhà được xua tan. Từ lúc mua nhà tới tận hôm nay thì đây là lần đầu căn nhà được rộn ràng tiếng nói.
Nhà mua xong rồi để đó. Mấy lần mời mà liên chưa chịu ra chơi, Bửu nản nên không thèm chưng diện. Đồ đạc phải nói là quá ư ít ỏi nếu so với bề thế của căn nhà. Gian giữa với gian phải thông nhau nhưng chỉ gian giữa là có đồ, gồm một bộ bàn ghế dài, một ván gõ với một tủ thờ trống không. Cứ như bày cho có. Thành thử, nhà cũng không có nhiều toi tớ. CHỉ có một vài người được Hạnh cử qua để lau dọn, phục dịch lúc Bửu cần. Thậm chí, lúc lên đây, thì Bửu cũng tá túc bên nhà Hạnh là nhiều. Cho nên, nhà còn rất mới, mùi gỗ, mùi vẹc ni còn khá nồng, nhưng lại phảng phất chút quạnh quẽ của nhà hoang do thiếu hẳn hơm hớm con người. Không khí tết càng không có. Bằng chứng là đám cỏ già cỗi, um tùm ngoài sân trước, cùng hai bụi trang đỏ đâm chĩa cành lộn xộn hai bên bậc thềm.
Thế nhưng, trong nhà lại có một thứ luôn được chăm sóc kĩ lưỡng, đó là bức tranh được treo bên gian trái. Dù Bửu có ghé nhà hay không, dù căn nhà có được dọn dẹp hay không thì nó cũng phải được lau chùi sạch sẽ.
Cúc từ gian bên chạy về, kéo Liên qua bên đó. Thứ khiến Cúc sửng sốt chính là bức tranh bằng kiếng khổ lớn treo trên vách. Bức tranh lớn gấp bốn, năm lần những bức tranh thông thuờng khác. Nhờ vậy, cả một đầm sen được khắc họa vô cùng sinh động. Giữa gam hồng rực rỡ, có một thiếu nữa vận áo dài trắng, quần đen đang ngồi trên bờ. Tóc cột kẹp giữa buông sau lưng, nón lá che nghiêng giấu đi khuôn mặt.
Bức tranh vẽ bông sen, mà tên cô là Liên. Bửu bồi hồi xúc động, vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì mong Liên nhìn tranh mà hiểu được nỗi lòng, nhưng cũng lo vì nỗi đó, sợ cô càng giữ kẽ, xa cách với anh hơn.
- Anh mua nhà này lâu chưa?
- Cũng mới mua thôi. – Bửu nhìn theo Liên, anh quan sát thật kĩ từng cử động của cô.
- Sao anh lại mua nhà ở đây? Anh định cưới vợ rồi ra riêng ở đây hả?
- Không phải đâu. Ờ… chỉ là anh có việc phải thường xuyên lên đây, nên mua nhà để ở cho tiện, chớ chạy tới chạy lui thì xa quá.
Câu hỏi bất chợt có phần đùa giỡn của Liên làm Bửu bối rối, nhưng sau đó Bửu thấy buồn. Đây là căn nhà Bửu mới mua, tại sao Bửu lại mua nhà ở đây, chỉ có một lí do, vì Liên lấy chồng về đây, Bửu muốn ghé thăm Liên cũng tiện. Việc Bửu cứ nằng nặc đòi mua nhà ở đây, ngoài Bửu ra, chỉ có hai Chỉ là người hiểu rõ nhất. Liên đã có chồng, Bửu biết nhưng trong lòng vẫn không sao từ bỏ, hinh ảnh của cô tới giờ vẫn in đậm trong anh. Hơn nữa, cuộc hôn nhân của Liên và Đạt là bất đắc dĩ, Bửu biết rõ một điều là Liên không yêu Đạt, trong lòng cô trước đó, chỉ có một người, nhưng người đó bây giờ không còn nữa. Bửu từng nuôi hy vọng để rồi chỉ trong phút chốc nhận về thất vọng, đúng là một thất bại đau thương, khi trái tim cô, anh còn chưa chạm tới thì cô phải là vợ người ta. Anh biết cuộc sống Liên ở nhà chồng không có gì là vui vẻ, rõ ràng cô không hạnh phúc, cuộc hôn nhân vốn mong manh chỉ cần thêm vài vết rạn là nó sẽ đổ bể, lúc đó, anh sẽ có được cô. Mua nhà ở đây chỉ là bước đầu để anh kéo gần khoảng cách.