Rũ bóng nghiêng chiều - chương 23 - dự định không thành

Năm tháng trôi qua, cô với anh như hai khoảng trời xa lạ. Đã là những ngày cuối năm, và miền đất phương nam đang trầm mình trong cái lạnh lẽo hiếm hoi sau một năm ròng nắng nóng. Cái lạnh như khoét sâu vào sự cô đơn của mỗi người.
Và, nỗi niềm theo thời gian chưa bao giờ khuây khỏa, vì cơn giận của Đạt chưa hề được phôi pha.
Lắm lúc, Liên nghĩ về tình yêu, thứ cảm xúc tinh anh, lung linh và rực rỡ, liệu nó có thật trên đời này? Liệu tình yêu mà Đạt luôn nói đó, nó có phải là thứ tình yêu mà cô luôn nghĩ, là thứ tình yêu không chỉ cùng nhau san sẻ buồn vui mà còn là sự bao dung cho nhau những điều không hay trong cuộc sống. Liên rất muốn hỏi anh, là một người đàn ông chân chính, liệu anh có thương cảm cho một người con gái trót bị kẻ khác dùng vũ lực mà cướp đi cái trong trắng ngàn vàng; là một người biết yêu với trái tim rung động, liệu anh có thể không quá bận lòng tới quá khứ của người anh đem lòng thương mến; là một người chồng thực sự, liệu anh có thể bao dung cho những lỗi lầm của vợ?
Nhưng, cô không có cơ hội. Hễ thấy cô là anh lạnh lùng ngoảnh mặt, còn nếu có nói chuyện được thì cũng chỉ vài ba câu là anh giựt giọng, nạt nộ, chì chiết đủ điều, cứ như là anh muốn trút tất cả bực dọc lên cô. Cứ như anh muốn nói với cô rằng, anh sẽ không bao giờ tha thứ! Còn ki đối mặt, đều là những lúc anh tìm tới cô chỉ để đòi hỏi quyền lợi làm chồng. Dẫu gần nhau trong gang tấc, cô cũng không thể hỏi, cô có nói câu nào thì lát sau cũng quay về chuyện cũ, và thái độ của anh luôn ở tư thế sẵn sàng dày vò và trừng phạt.
Cũng từ đó, Liên không cần hỏi nữa. Đã quá rõ ràng, tình yêu của anh chỉ là thứ phù phiếm xa hoa của đầu môi chót lưỡi, nó chỉ được thốt ra khi cô chưa thuộc về anh, khi anh chìm đắm trong men tình ân ái. Và nếu thực sự, anh có yêu cô, thì hóa ra tình yêu đó quá đỗi mong manh, nó không đủ mạnh để vượt qua một lần thử thách. Nó không phải thứ tình yêu mà cô đã nghĩ. Nhưng cô cũng không thể trách anh hoàn toàn, vì suy cho cùng, anh cũng chỉ là một người đàn ông như bao người đàn ông khác mà thôi. Lỗi là do cô tất cả, là do cô không còn trong trắng, do cô quá tin tưởng về tình yêu, do cô tự mù quáng mà không nhìn vào thực tế.
Trong giây phút chạnh lòng, Liên chợt nghĩ tới Đông. Để rồi tự hỏi, mối tình bình dị kia có giúp anh khác Đạt, hay anh cũng chỉ như Đạt hiện thời. Nhưng Đông không có ở đây để trả lời câu hỏi. Có lẽ, đây cũng là điều may mắn, để Đông mãi mãi là hình ảnh đẹp nhất trong cô.
Liên buồn bã nhìn ra phía cổng. Mai sắp trổ bông rồi, từng nụ nhỏ xinh tươi đã nhú và đâm ra khỏi vỏ cây thô ráp để chờ ngay xòe cánh đón ánh nắng vàng rực rỡ. Năm nay, trời lạnh hơn mọi năm, có thể mai sẽ nở trễ, nhưng có hề gì, mai vẫn là mai, vẫn là linh hồn của tết, vẫn là hương sắc của thế gian. Nếu thực sự yêu mai, thì dù chỉ là nụ búp màu xanh, người ta vẫn nâng niu, trân trọng.
Giống cha cô ngày xưa. Quê Liên khó trồng mai nên hễ tết mà kiếm được chậu mai, dù trên thân chưa có bông vàng, chỉ toàn nụ xanh với chồi lá, cả nhà Liên cũng treo đủ thứ để trang hoàng, chưng giữa nhà đón tết.
Nghĩ tới đây lại thấy buồn, tết năm ngoái, Liên mới về nhà chồng, phải theo cha má chồng ra mắt, chào hỏi, chúc tết họ hàng nên cô không thể về nhà ăn tết. Tết năm nay, cô với Đạt lại như vầy, Liên càng không dám hy vọng. Dù cô thực sự rất nhớ nhà.
May thay, ông Duy là người hiểu đạo lí. Ông chủ động hỏi Liên.
- Tết này con có định về nhà không?
Liên nghe như mở cờ trong bụng, cô lập tức gật đầu. Vừa lúc đó, Đạt cũng lững thững đi vô. Anh chào ông bà Duy và chỉ liếc nhẹ Liên một cái rồi bước tiếp, nhưng ông Duy đã kêu anh ở lại.
- Đạt, tết này có về bên nhà vợ bây không?
Đạt nhìn cha má rồi lại nhìn Liên mà chưa chịu trả lời. Liên gấp gáp lên tiếng trước.
- Thưa cha, anh Đạt có nhiều công chuyện, cha cứ để cho con ra bắt xe đò về cũng được.
Bà Ngự phản đối.
- Đâu được! Dâu nhà này về nhà má đẻ ăn tết đầu tiên mà đi xe đò coi sao cho đặng!
Ông Duy cũng gật gù.
- Ờ, bà nói phải đa. Vậy thì thằng Đạt, bây tranh thủ chở vợ bây về, nếu không đi sớm được thì trễ một vài ngày cũng hổng sao. Năm ngoái, con Liên đã không về thì năm nay cho nó về sớm sớm. Hai đứa có hục hặc gì đi nữa thì bây cũng nên chở vợ về quê, ra mắt họ hàng rồi còn đốt nhang cho ông bà bên đó, làm gì thì làm nhưng lễ nghĩa vẫn phải vẹn tròn để người khác không coi khinh mình là phường thất lễ.
Đạt biết tâm tính của cha mình, đã nói chuyện lễ nghĩa thì ông rất nghiêm túc. Nhưng anh cũng biết nếu anh viện lí do là có nhiều công chuyện ở sở xe đò thì ông cũng sẽ không ép anh vì ông cũng là người coi trọng việc làm ăn. Và dù thực sự là anh có rất nhiều việc vào cuối năm nhưng không hiểu sao anh lại không muốn đem nó ra làm lí do, cũng như anh hoàn toàn không muốn viện ra bất cứ lí do nào khác để từ chối dứt khoát, nhất là khi anh nhìn thấy nét mặt của cô đang nhìn về phía anh với vẻ thấp thỏm mong chờ và một chút hi vọng. Anh không trả lời đồng ý nhưng cũng không từ chối, anh im lặng đi lên phòng.
Lát sau, Liên cũng lên. Vẻ mặt cô hớn hở. Thấ Đạt ra vẻ đăm chiêu, cô không muốn làm phiền nhưng nghĩ tới chuyện được về nhà ăn tết, nghĩ tới chuyện anh đồng ý chở cô về, khiến cô háo hức không kiềm được, cô nhìn anh ngập ngừng.
- Chừng nào mình về vậy anh?
Đạt liếc nhìn cô rồi lấy ra một điếu thuốc đưa lên môi ngậm, lấy một que diêm quẹt lửa đốt lên, anh hít một hơi cho đầu điếu thuốc bén lửa, sau đó dùng tay kẹp điếu thuốc ra khỏi môi, anh thở ra một hơi khói rồi mới trả lời.
- Làm gì mà gấp vậy, muốn đi khỏi nhà này càng sớm càng tốt à?
- Dạ không, em hỏi để biết, đặng sắm sửa đồ đạc. Bữa nay là hai mươi ba tết rồi, em chỉ sợ không lo kịp thôi.
- Làm gì mà sợ không kịp, có đi Tây đi Tàu gì đâu mà sợ không kịp. Hay là cô sợ trễ hẹn với ai bên đó, hử?
- Không phải đâu, tại em thấy anh cũng có nhiều công chuyện. Nếu anh chộn rộn quá thì cứ cho sốp phơ chở em về cũng được.
- Sao vậy? Có tui về chung, cô thấy vướng víu lắm à?
- Em không có ý đó.
- Hừ, không có ý đó, tin được không?
Thấy cách nói chuyện như thế này thì Liên biết, cô có hỏi thêm cũng vô ích. Nhưng đã có lời của ông Duy thì Liên đinh ninh là anh sẽ chở cô về. Liên vui vẻ hẳn ra mặt, không chỉ là vì được về nhà mà còn vì một chút hi vọng đã được nhóm lên.
Ngay hôm sau, cô ra chợ mua nhiều thứ làm quà biếu. Tới ngày hai mưới lăm, đâu đó đã chuẩn bị sẵn sàng, quần áo cũng xếp xong vô giỏ. Chỉ cần Đạt kêu một tiếng là mọi thứ sẽ được xách ra xe ngay lập tức.
Qua ngày hai mươi sáu mà anh chưa nói năng gì, tới ngày hai mươi bảy thì Liên bắt đầu nôn nóng. Nhưng lại nghĩ, hãng xe khá lớn, càng cuối năm công chuyện càng nhiều, về quê trể một tí cũng được. Dù không thể phụ má gói bánh, làm mứt, chưng chế… cũng không sao, miễn sao cùng đón giao thừa, cùng nghe tiếng pháo thì cũng coi như trọn vẹn.
Nhưng ngày hai mươi tám, Đạt lại bặt tăm. Tới chạng vạng hai mươi chín mới thấy anh về. Dáng bộ uể oải, leo thẳng lên giường.
Liên cũng đang ngồi buồn thiu trên giường, thấy anh, liền đứng bật dậy, quay lưng không thèm ngó. Đạt kéo tay cô, giựt giọng hỏi.
- Làm cái gì vậy? Cứ hễ thấy tui là bỏ đi, tui đâu có bị cùi mà cô tránh tui dữ vậy! Đừng có chọc tui! Lo xếp đồ đi, sớm mai tui chở về Gò Công.
- Đi gì nữa mà đi. Mấy tiếng nữa là giao thừa rồi, anh còn muốn đi đâu?
- Giao thừa gì mà giao thừa, bữa nay mới hai mươi chín tết thôi mà, còn ngày mai nữa chi?
- Năm nay ăn tết thiếu mà! Làm gì có ba mươi tết để có ngày mai cho anh!
Đạt ngơ ngác nhìn rồi tự “à” lên một tiếng. Mấy bữa nay, vì phải lo chuyện sổ sách ở sở xe đò nên anh không để ý lắm tới ngày tháng. Ngặt nỗi, người Pháp lại xài công lịch, họ bắt toàn dân phải xài theo lịch đó nên việc làm ăn của anh cũng theo lịch đó. Anh không nhớ tết năm nay là tết thiếu, tức là không có ba mươi tết như anh dự định.
- Nếu anh không muốn chở em về thì cứ nói thẳng cho em biết. Anh hứa làm chi, để em chờ, rồi bây giờ…
- Hứa hồi nào? Cha biểu chớ tui có hứa đâu!
Đúng như vậy. Đạt chưa bao giờ hứa, cũng chưa bao giờ gật đầu. Chỉ có cô, thấy anh im lặng lại tưởng anh thuận tình. Thấy anh không từ chối lại tưởng anh có nghĩ tới mình.
- Phải rồi. Là tại em ngu.
Nước mắt Liên làm Đạt chột dạ. Tuy vậy, thay vì nhận lỗi. anh lại trừng mắt, nói cứng.
- Mà nếu như vậy thì sao không biểu ai đó đi kiếm rồi nhắc tui một tiếng, tui có trăm công ngàn việc nên không nhớ cũng là bình thường.
- Anh nhiều công chuyện như vầy thì ai dám phiền anh!
- Vậy thì cứ về trước.
- Cha má đâu có cho tui bắt xe đò.
- Thì biểu sốp phơ nó chở! Nhà có xe. Ai biểu chờ?
Ngước cặp mắt lưng tròng, Liên chỉ biết mím môi thiệt chặt. Nhà có ba chiếc xe, Thành với Đạt thì mỗi người một chiếc. Còn một chiếc ở dành cho hai ông bà, Liên muốn đi thì phải hỏi xin. Mà Liên thì làm sao dám hỏi, khi mà ý ông đã quá rõ ràng. Đó là chưa nói tới sốp phơ. Cũng như mấy toi tớ khác, thấy Liên bị nhà chồng coi rẻ thì tụi nó cũng a dua khinh thường ra mặt. Nội cái chuyện sai nó chở dùm ra chợ, nó còn kiếm đủ cớ không đi. Nói chi tới chuyện chở về quê, mất cả ngày trời.
- Tui có quyền hành gì để sai biểu. Cực chẳng đã mới nhờ anh. Anh không muốn đi thì cứ nói để tui biết mà tui tự liệu.
- Nè, nói chuyện với chồng mà xưng tui vậy đó hả? Có biết như vậy là không được hay không?
- Vậy còn anh, anh kêu cô xưng tui thì sao?
- Sao giống nhau? Tui là chồng cô, tui có quyền.
- Anh thiệt là vô lý mà!
Liên la lớn rồi bỏ chạy ra ngoài. Ngay lập tức, Đạt cung nắm tay đấm lên mặt bàn thật mạnh. Anh rất bực, nhưng lại không rõ vì sao, bực cô hay bực chính mình. Dù không mở miệng nói vói cô nhưng khi thấy cô chộn rộn mua sắm để về quê thì Đạt cũng gấp rút làm cho xong công chuyện, đặng có thể chở cô về sớm nhất. Vì có quá nhiều thứ phát sinh, Đạt phải giải quyết cho tới chiều nay mới xong. Giao sổ lại cho thơ ký là Đạt về luôn một mạch, định ngủ lấy sức rồi sớm mơi chở cô về. Dè đâu, tết thiếu. Bao nhiêu cố gắng coi như vô ích.