Tan Biến: Hồi Ký Về Thảm Hoạ Everest - Chương 04: PHAKDING

NGÀY 31 THÁNG 3 NĂM 1996

2.800 MÉT

Đối với những người không rề rà, cuộc đi bộ hàng ngày của chúng tôi kết thúc sớm vào buổi chiểu, nhưng thường là sau khi sức nóng và đôi chân rã rời buộc chúng tôi phải hỏi mỗi người Sherpa đi ngang qua: “Còn bao xa nữa thì tới trại?”. Sau đó chúng tôi phát hiện ra câu trả lời bao giờ cũng là “Chỉ còn hai dặm nữa thôi, Sah’b..”.8

Buổi chiều tối rất yên tĩnh, khói bốc lên khoảng không khí yên tĩnh làm dịu đi bóng tối, ánh sáng nhấp nháy trên triền núi ngày mai chúng tôi sẽ leo, những đám mây che khuất con đường chúng tôi sẽ đi ngày hôm sau. Sự kích thích dâng cao khiến tôi nghĩ đi nghĩ lại về Triền Tây.

Khi mặt trời lặn, có cả nỗi cô đơn, nhưng bây giờ hiếm khi tôi thấy nghi ngại. Rồi tôi cảm thấy nôn nao như thể tất cả cuộc sống của mình nằm lại đằng sau tôi. Một khi đã ở trên núi, tôi biết (hay tin tưởng) rằng tôi sẽ phải tập trung vào các nhiệm vụ trước mắt. Nhưng thỉnh thoảng tôi cũng tự hỏi rằng liệu có phải tôi đã đi một quãng đường dài để khám phá ra rằng điều mà tôi đang tìm kiếm là một thứ gì đó tôi đã bỏ lại sau lưng.

Thomas F. Hombein

Everest: Triền Tây

Từ Lukla, con đường tới Everest hướng lên phía bắc qua rãnh Dudh Kosi, một con sông đầy đá cuội có băng bao phủ. Chúng tôi nghỉ đêm đầu tiên trong chuyến hành trình tại làng Phakding, một khu gồm dăm ngôi nhà và nhà trọ qui tụ trên thềm của một vùng đất bằng trên một con dốc phía trên con sông. Khi trời tối, không khí trở nên hiu hắt ảm đạm và vào buổi sáng, khi tôi tiếp tục lên đường, một lớp sương lạnh lung linh trên lá cây đỗ quyên. Tuy nhiên, khu vực ngọn Everest nằm ở 28 độ vĩ bắc – ngay trên vùng nhiệt đới – nên khi mặt trời lên đủ cao để chiếu xuyên qua hẻm núi, nhiệt độ tăng lên vùn vụt. Tới buổi trưa, sau khi chúng tôi đã băng qua một cây cầu lắc lư treo cao ngang qua con sông – lần qua sông thứ tư trong ngày – mồ hôi mẹ mồ hôi con đã bắt đầu nhỏ xuống cằm và tôi cởi đồ ra chỉ còn mặc quần short và áo thun.

Bên dưới con sông, một lối đi đầy bùn bắt đầu từ bờ sông Dudh Kosi và chạy ngoằn ngoèo lên vách hẻm núi dốc đứng, đi lên xuyên qua rừng thông thơm ngát. Hai đỉnh Thamserku và Kusun Kangru đầy băng tuyết hùng vĩ đâm thẳng lên trời ở độ cao 3,2km phía trên đầu. Đó là một vùng đồng quê tuyệt đẹp, gây ấn tượng không khác gì những thắng cảnh khác trên Trái Đất xét về mặt địa hình, nhưng nó không hoang sơ và đã chưa từng hoang sơ trong hàng trăm năm nay.

Mỗi mảnh đất có thể canh tác đã được đắp thành bậc thang và được trồng lúa mạch, kiều mạch đắng hoặc khoai tây. Các dãy cờ cầu phúc được căng lên khắp sườn đồi, và những tháp cổ chứa hài cốt của các tín đồ Phật giáo và các bức tường đá mani9 được chạm khắc sắc sảo đứng gác ngay cả trên những con đèo cao nhất. Khi tôi đi lên từ dòng sông, con đường bị tắc lại với những người đi bộ, các đàn bò yak10 , các thầy tu choàng áo đỏ, những người Sherpa đi chân đất oằn lưng dưới những bó củi, dầu lửa và nước giải khát.

Chín mươi phút ở phía trên dòng sông, tôi lên tới một sống núi rộng, băng qua một ma trận những bãi thả bò có rào đá bao quanh, và đột nhiên nhận ra mình đang ở trong thị trấn Namche Bazaar, trung tâm xã hội và thương mại của cộng đồng người Sherpa. Tọa lạc ở độ cao 3.444m so với mực nước biển, Namche chiếm hết một vùng trũng rộng lớn và nghiêng trông giống như một chiếc chảo vệ tinh khổng lồ. Hơn một trăm ngôi nhà đột ngột nép mình trên vùng dốc nhiều đá này, được liên kết với nhau bởi một mê cung các con đường nhỏ và lối đi hẹp. Gần phía thấp hơn của thị trấn, tôi tìm thấy Nhà trọ Khumbu. Trước cửa là một tấm mền lớn, được người ta dùng như cánh cửa ra vào. Tôi kéo tấm mền ấy lên và thấy các bạn tôi đang uống trà chanh quanh một chiếc bàn trong góc.

Khi tôi tới đó, Rob Hall giới thiệu tôi với Mike Groom, người hướng dẫn thứ ba của đoàn thám hiểm. Là một người Úc 33 tuổi với mái tóc màu cà rốt và thân hình gầy đét của một vận động viên marathon, Groom là một thợ sửa ống nước tại Brisbane, thỉnh thoảng mới làm hướng dẫn viên. Năm 1987, khi phải trải qua một đêm ngoài trời trong chuyến leo xuống đỉnh Kanchanjunga cao 8.586m, anh ta bị hoại tử chân và phải cắt bỏ tất cả các ngón. Tuy nhiên, việc nàv không thể ngăn cản anh ta leo núi: anh đã tiếp tục leo lên đỉnh K2, đỉnh Lhotse, đỉnh Cho Oyu, đính Ama Dablam và vào năm 1993 là đỉnh Everest mà không sử dụng bình oxy. Là một người cực kỳ bình tĩnh và thận trọng, Groom là một người đồng hành dễ chịu nhưng rất ít nói trừ phi người khác nói chuyện trước với anh ta; và anh trả lời các câu hỏi rất ngắn gọn với giọng nói chỉ vừa đủ nghe.

Các cuộc chuyện trò trong khi dùng bữa tối phần lớn do ba vị khách bác sĩ khơi mào – Stuart, John và đặc biệt là Beck; và cứ như vậy trong phần lớn chuyến đi. May mắn thay cả John và Beck đều rất hóm hỉnh và làm cho cả nhóm cười bể bụng. Tuy nhiên, Beck có tật hay biến những lời độc thoại của mình thành những lời chê bai đầy khinh miệt những người mắc chứng đái dầm. Một lần trong buổi tối hôm đó, tôi đã phạm sai lầm khi không đồng ý với anh ta: đáp lại một trong những lời bình luận của anh ta, tôi đã cho rằng nâng mức lương tối thiểu lên dường như là một chính sách cần thiết và khôn ngoan. Vốn là một người tranh luận có kiến thức và rất khôn khéo, Beck tranh cãi đến cùng lời tuyên bố của tôi, và tôi thiếu những lý lẽ cần thiết để phản bác lại anh ta. Tất cả những gì tôi có thể làm là ngồi yên, không nói được gì và rất tức tối.

Khi anh ta tiếp tục những luận điệu của mình với cái giọng nhè nhè của miền đông Texas về những hành động điên rồ trong chính sách phúc lợi, tôi đứng dậy và rời khỏi bàn để tránh bị bẽ mặt hơn nữa. Khi tôi trở lại phòng ăn, tôi đến chỗ bà chủ quán và gọi một cốc bia. Đó là một người phụ nữ Sherpa nhỏ nhắn và duyên dáng, bà ấy đang chờ những người leo núi người Mỹ gọi món. “We hungry” (Chúng tôi đói), một gã đàn ông có đôi má đỏ nói với bà ấy bằng tiếng bồi giọng quá lớn, và diễn tả hành động đang ăn. “Want eat po-ta-toes. Yak bur-ger. Co-ca Co-la. You have” (Muốn ăn khoai tây, hamburger bò, Cocacola. Có chứ?). – – “Các ông có muốn xem thực đơn không?”, người phụ nữ Sherpa đáp lại bằng giọng Anh rõ ràng, sắc sảo và mang một chút âm sắc Canada. “Chúng tôi có rất nhiều món. Và còn có thêm bánh táo mới nướng xong nếu các ông muốn dùng tráng miệng”.

Tay leo núi người Mỹ đó không thể hiểu được rằng người phụ nữ da sẫm của vùng núi này đang nói chuyện với anh ta bằng một thứ tiếng Anh của tầng lớp quý tộc được phát âm hoàn hảo, vẫn tiếp tục sử dụng thứ tiếng lóng tức cười của mình: “Men-u, Good, good. Yes, yes, we like see men-u” (Thực đơn. Tốt, tốt. Được, được. Chúng tôi muốn xem thực đơn).

Người Sherpa vẫn là những người bí ẩn đối với hầu hết người ngoại quốc, những người thường có khuynh hướng nhìn họ qua một lớp màn lãng mạn. Những người không hiểu về các dân tộc sống trên dãy Himalaya thường cho rằng tất cả người Nepal đều là người Sherpa, trong khi thực ra chỉ có hơn 20.000 người Sherpa trên toàn Nepal, một quốc gia có diện tích bằng một tiểu bang Bắc Carolina với khoảng 20 triệu dân và hơn năm mươi nhóm thiểu số khác nhau. Sherpa là một dân tộc vùng núi rất nhiệt tâm với Phật giáo; tổ tiên của họ di cư xuống phía nam từ Tây Tạng cách đây bốn hoặc năm thế kỷ. Các ngôi làng của người Sherpa nằm rải rác khắp phần Himalaya thuộc phía đông Nepal, và có thể gặp những cộng đồng người Sherpa tương đối lớn ở Sikkim và Darjeeling, Ấn Độ; nhưng quê hương của người Sherpa chính là Khumbu– một nhóm thung lũng nằm dưới các con dốc phía nam của núi Everest. Khu vực nhỏ bé và vô cùng gồ ghề này không hề có đường sá, xe ô tô hay bất kỳ loại xe cộ có bánh nào.

Việc trồng trọt chăn nuôi rất khó khăn tại những thung lũng cao, lạnh và bao quanh bởi những vách núi dựng đứng, do đó nền kinh tế truyền thống của người Sherpa chỉ xoay quanh việc buôn bán giữa Tây Tạng và Ấn Độ và chăn nuôi bò yak. Sau đó, vào năm 1921, người Anh bắt đầu chuyến thám hiểm đầu tiên của mình tới Everest, và quyết định chọn những người Sherpa làm người hỗ trợ đã bắt đầu làm biến đổi nền văn hóa Sherpa.

Do Vương quốc Nepal vẫn đóng kín biên giới cho tới năm 1949, đoàn khảo sát Everest đầu tiên và tám đoàn thám hiểm sau đó bắt buộc phải tiếp cận ngọn núi từ hướng bắc, qua Tây Tạng, và chưa bao giờ đi qua bất kì vùng nào gần Khumbu. Nhưng chín đoàn thám hiểm đầu tiên đó đến Tây Tạng từ Darjeeling, nơi mà nhiều người Sherpa đã di cư tới. Tại đó, họ đã tạo dựng được hình ảnh chăm chỉ, ân cần và thông minh trong lòng những người phương Tây ở đây. Ngoài ra, do người Sherpa đã sinh sống nhiều thế hệ tại những ngôi làng nằm trên độ cao 2.743m cho đến 4.267m, nên về mặt sinh học học thích ứng với những đặc điểm của địa hình trên cao. Theo lời đề nghị của A. M. Kellas, một bác sĩ người Scotland từng leo núi và du hành thường xuyên với người Sherpa, đoàn thám hiểm năm 1921 thuê một số lượng lớn người Sherpa làm phu khuân vác và người giúp việc tại các trại. Thông lệ này đã được đại đa số các đoàn thám hiểm thực hiện trong suốt bảy mươi lăm năm kể từ đó.

Dù sao đi nữa, trong hơn hai thập kỷ vừa qua, nền kinh tế và văn hóa của Khumbu đã trở nên ngày càng gắn bó chặt chẽ với dòng người tham quan và leo núi đổ đến theo mùa, khoảng 15.000 người mỗi năm. Những người Sherpa có kỹ năng leo núi và làm việc trên những đỉnh núi cao– đặc biệt là những người đã chinh phục được đỉnh Everest– được cộng đồng của họ kính trọng. Những người đã trở thành ngôi sao leo núi cũng phải đối mặt với nguy cơ thiệt mạng: kể từ năm 1922 khi bảy người Sherpa bị thiệt mạng vì tuyết lở trong chuyến thám hiểm lần thứ hai của người Anh, một số lượng lớn đáng kể người Sherpa đã bị thiệt mạng trên ngọn Everest– theo kể lại thì tổng cộng là năm mươi ba, tức là chiếm một phần ba tổng sổ người thiệt mạng ở Everest.

Bất chấp những mối nguy hiểm này, vẫn có sự tranh đua quyết liệt giữa những người Sherpa để giành mười hai đến mười tám suất trong một chuyến thám hiểm Everest bình thường. Công việc được nhiều người tìm kiếm nhất là sáu vị trí cho những người Sherpa leo núi thành thạo. Họ có thể được nhận từ 1.400 đến 2.500 đô la cho hai tháng làm việc nguy hiểm. Đó là một khoản thù lao hấp dẫn tại một quốc gia hãy còn trong cảnh nghèo nàn thê thảm với thu nhập bình quân đầu người hàng năm chỉ khoảng 160 đô la.

Để đáp ứng lượng người leo núi và khách tham quan phương Tây ngày càng tăng, nhiều nhà nghỉ và quán trà mới được dựng lên trên khắp khu vực Khumbu, đặc biệt là tại Namche Bazaar. Trên đường tới Namche, tôi đã bắt gặp rất nhiều người phu khuân vác đang hướng lên núi từ những cánh rừng thấp bên dưới. Họ thồ những khúc gỗ mới đốn nặng gần 50kg hết sức cực nhọc; họ được trả ba đô la một ngày cho công việc này.

Những người đã lâu không trở lại Khumbu cảm thấy buồn vì việc bùng nổ du lịch tại đây và những thay đổi tại vùng đất mà những người leo núi ban đầu từng xem như một thiên đường trên Trái đất, một Shangri-la11 thực sự. Toàn bộ các thung lũng đã bị đốn hết cây nhằm đáp ứng nhu cầu về củi tăng cao. Những thiếu niên đi lang thang tại những tiệm chơi carom ở Namche thường mặc quần jean và áo thun hiệu Chicago Bull thay vì áo choàng truyền thống. Các gia đình có khuynh hướng dành thời gian buổi tối để tụ tập trước TV – đầu máy xem các bộ phim mới nhất của Schwarzenegger.

Việc biến đổi văn hóa Khumbu không phải lúc nào cũng là tốt, nhưng tôi chưa nghe người Sherpa nào than thở về những thay đổi này. Lượng ngoại tệ thu được từ những người leo núi và tham quan, cũng như trợ cấp từ các tổ chức cứu hộ được tài trợ bởi các nhà leo núi hay khách tham quan này được dùng vào việc xây dựng trường học, bệnh xá, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, xây cầu và dẫn điện về Namche và các ngôi làng khác. Người phương Tây có vẻ quá kẻ cả khi than vãn về quá khứ đẹp đẽ tại nơi này khi mà cuộc sống tại Khumbu đơn giản và đẹp hơn rất nhiều. Còn hầu hết mọi người sống tại vùng đất gồ ghề này thì đều không muốn bị tách khỏi thế giới hiện đại và những dòng người lộn xộn đổ về đây. Họ không muốn trở thành một mẫu vật trong bảo tàng nhân loại học.

Một người đi bộ khỏe, nếu đã thích nghi với độ cao có thể đi từ sân bay Lukla tới Trạm Căn cứ của Everest trong hai hoặc ba ngày. Tuy nhiên, hầu hết chúng tôi đến từ những vùng có độ cao ngang mực nước biển nên Hall đã cẩn thận để chúng tôi di chuyển chậm nhằm giúp cơ thể có thời gian để thích nghi với không khí ngày càng loãng. Hiếm khi nào chúng tôi di chuyển nhiều hơn ba hay bốn tiếng trong một ngày. Vào một số ngày khi lộ trình đòi hỏi chúng tôi thích nghi thêm, chúng tôi hoàn toàn không di chuyển.

Vào ngày 3 tháng 4, sau một ngày thích nghi tại Namche, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến Trạm Căn cứ. Sau khi rời ngôi làng được hai mươi phút, chúng tôi vòng qua một chỗ rẽ và tới một nơi ngoạn mục. Sáu trăm mười mét phía dưới, chảy xuyên qua những nền đá xung quanh, con sông Dudh Kosi hiện ra như một dải dài uốn lượn lóng lánh. 3.048m phía trên, ngọn Ama Dablam đồ sộ phủ trên thung lũng giống như một con ma hiện hình. Và thêm 2.134m nữa, còn cao lớn hơn cả ngọn Ama Dablam chính là đỉnh Everest băng giá nằm khuất sau ngọn Nuptse. Gần như lúc nào cũng vậy, một làn nước ngưng tụ nằm ngang bốc lên đỉnh núi giống như khói bị đông lại, chống lại sự hung dữ của những cơn gió xoáy.

Tôi chăm chú nhìn ngắm đỉnh núi có lẽ phải đến ba mươi phút, cố gắng tưởng tượng xem nó sẽ như thế nào khi đứng trên đỉnh núi gió quét đó. Mặc dù tôi đã từng leo hàng trăm ngọn núi nhưng Everest thì rất khác biệt so với các ngọn núi tôi đã từng leo đến nỗi tôi không thể tưởng tượng ra được cảm giác đó. Đỉnh núi trông có vẻ rất lạnh, rất cao và rất xa. Tôi có cảm giác dường như mình đang trong một chuyến du hành lên mặt trăng. Khi tôi quay đi để tiếp tục leo tiếp con đường, cảm xúc tôi dao động giữa trạng thái bồn chồn và một cảm giác khiếp sợ gần như bao trùm.

Cuối buổi chiều hôm đó, tôi đã tới Tengboche12, tu viện Phật giáo lớn nhất và quan trọng nhất Khumbu. Chhongba Sherpa, một người đàn ông hài hước và chu đáo tham gia đoàn thám hiểm của chúng tôi trong vai trò đầu bếp tại Trạm Căn cứ đã đề nghị thu xếp một cuộc gặp với vị rimpoche– Lạt-ma sư trưởng đứng đầu Nepal. Chhongba giải thích “đó là một người rất linh thiêng. Ông ấy vừa mới trải qua một quãng thời gian nhập định trong yên lặng – trong ba tháng qua ông không hề nói. Chúng ta sẽ là những vị khách đầu tiên đến thăm ông. Điều này hứa hẹn sẽ rất tốt”. Doug, Lou và tôi mỗi người đưa cho Chhongba một trăm rupi (tương đương 2 đô la) để mua kata theo lễ nghi – đó là những chiếc khăn choàng trắng bằng lụa để dâng lên cho vị rimpoche – sau đó chúng tôi cởi giày và Chhongba dẫn chúng tôi tới một phòng nhỏ đấy gió phía sau ngôi đền chính.

Ngồi khoanh chân trên một chiếc gối thêu kim tuyến, khoác một chiếc áo choàng màu đỏ tía, ông là một người mập mạp và lùn với một cái đầu trọc bóng. Ông ta trông có vẻ già và mệt mỏi. Chhongba cúi đầu chào ông một cách cung kính, nói chuyện ngắn gọn với ông bằng tiếng Sherpa và ra hiệu cho chúng tôi tiến về phía trước. Sau đó vị rimpoche ban phúc cho từng người chúng tôi và khoác lên cổ chúng tôi những chiếc khăn choàng kata chúng tôi đã mua. Rồi ông ấy mỉm cười hạnh phúc và mời chúng tôi dùng trà. “Chiếc khăn choàng kata này các ông nên đeo cho tới khi lên đỉnh Everest13”, Chhongba nói với chúng tôi bằng giọng uy nghiêm, “Nó sẽ làm vui lòng Thượng đế và giúp bảo vệ các ông khỏi nguy hiểm”.

Vì không biết chính xác sẽ phải ứng xử như thế nào trước tái sinh của một vị Lạt-ma nổi tiếng và cao tuổi, tôi lo sợ sẽ vô ý xúc phạm ngài hoặc lỡ lời không thể cứu vãn được. Khi tôi vừa dùng trà vừa cảm thấy bồn chồn, Đức Lạt-ma lục lọi trong một chiếc tủ kề bên, lấy ra một quyển sách lớn được trang trí đẹp mắt và đưa cho tôi. Tôi chùi đôi bàn tay bẩn của mình vào quần rồi mở nó ra một cách lo lắng. Nó là một album ảnh. Hóa ra là vị rimpoche vừa có chuyến du lịch đầu tiên tới Mỹ, và quyển album này là hình về chuyến đi đó: Đức Lạt-ma tại Washington đứng trước đài kỷ niệm Lincoln và Bảo tàng Hàng không và Không gian; Đức Lạt-ma tại California trên bến tàu Santa Monica. Cười rất tươi, ông ấy thích thú chỉ cho chúng tôi hai tấm ảnh mà ông thích nhất trong toàn bộ quyển album: tấm ông chụp với Richard Gere, và một tấm khác với Steven Seagal.

* * *

Sáu ngày đầu tiên của chuyến đi trôi qua trong sự mơ hồ dễ chịu. Con đường đưa chúng tôi đi qua các trảng cây bách xù, cây bu lô lùn, cây thông thanh và cây đỗ quyên, các thác nước cao, các bãi đá cuội đầy mê hoặc, các dòng suối reo. Đường chân trời Valkyrian lởm chởm đầy các ngọn núi mà tôi đã từng đọc khi còn bé. Bởi hầu hết dụng cụ của chúng tôi do bò yak và những người khuân vác mang nên cái ba lô của tôi chỉ có một cái áo khoác, một vài thanh kẹo và máy chụp hình. Không phải mang nặng và không bị hối thúc, tận hưởng niềm vui được đi bộ trên một vùng đất đẹp kì lạ, tôi dường như rơi vào trạng thái như mơ, nhưng trạng thái này hiếm khi tồn tại lâu. Không sớm thì muộn tôi cũng nhớ ra mình đang đi đâu, và bóng của đỉnh Everest vốn luôn trong đầu đã khiến tôi nhanh chóng quay trở lại tư thế sẵn sàng.

Tất cả chúng tôi đều leo bộ theo tốc độ đi của mỗi người, thường xuyên dừng lại nghỉ ngơi tại những quán trà ven đường và nói chuyện với những người qua lại. Tôi thường đi cùng với Doug Hansen, anh chàng nhân viên bưu chính và Andy Harris, một người hướng dẫn trẻ tuổi khá thoải mái của Rob Hall. Andy– người được Rob và những người bạn New Zealand gọi là “Harold”– là một anh chàng to con, cường tráng, có thân hình như một tiền vệ giải NFL14 với ngoại hình vạm vỡ của các nhân vật trong các mẫu quảng cáo thuốc lá. Trong suốt mùa đông, anh ta làm một người hướng dẫn trượt tuyết. Vào mùa hè anh ta làm việc cho các nhà khoa học tiến hành các cuộc nghiên cứu địa chất tại Nam cực hoặc hộ tống những người leo núi lên dãy Southern Alps ở New Zealand. Khi chúng tôi đi lên theo con đường mòn, Andy nói không ngừng về người phụ nữ đang chung sống với anh, một nữ bác sĩ tên là Fiona McPherson. Khi chúng tôi nghỉ chân trên một tảng đá, anh ta lấy một tấm hình từ trong ba lô và cho tôi xem. Cô ấy là một người cao, tóc vàng và trông giống một vận động viên. Andy nói rằng anh và Fiona đang cùng nhau xây một căn nhà trên những ngọn đồi bên ngoài Queenstown. Đang sôi nổi kể về chuyện cưa xà và đóng đinh, Andy thú thật rằng khi lần đầu tiên Rob đề nghị anh công việc trên ngọn Everest này, anh ta cảm thấy lưỡng lự không biết có nên nhận lời hay không: “Thật ra rời Fi và ngôi nhà là một việc khá khó khăn. Chúng tôi chỉ mới làm xong mái nhà. Nhưng làm sao có thể bỏ qua một cơ hội để được leo lên ngọn Everest? Nhất là khi anh có cơ hội làm việc bên cạnh một người như Rob Hall”.

Mặc dù trước đây Andy chưa bao giờ tới Everest, nhưng anh ta không xa lạ gì dãy Himalaya. Năm 1985 anh ta đã leo lên một đỉnh núi khó khăn cao 6.683m có tên là Chobutse. Và vào mùa hè năm 1994 anh ta đã trải qua bốn tháng giúp đỡ Fiona điều hành một bệnh xá tại Pheriche, một ngôi làng ảm đạm và rất nhiều gió ở độ cao 4.267m trên mực nước biển, nơi mà chúng tôi đã nghỉ vào tối ngày 4 và 5 tháng 4.

Bệnh xá này được hỗ trợ kinh phí bởi một quỹ tài trợ có tên là Hiệp hội Cứu hộ Himalaya, có nhiệm vụ chính là điều trị các bệnh có liên quan đến độ cao (mặc dù nó cũng điều trị miễn phí cho người dân Sherpa địa phương) và để hướng dẫn cho những người leo núi biết tác hại tiềm ẩn của việc leo núi quá nhanh và quá cao. Vào lúc chúng tôi đến đó nhân viên của bệnh xá bốn phòng này gồm có một bác sĩ người Pháp, Celice Bourvay, hai bác sĩ trẻ người Mỹ, Larry Silver và Jim Litch, và luật sư môi trường năng nổ Laura Ziemer, cũng là người Mỹ, làm trợ lý cho Litch. Bệnh xá được thành lập năm 1973 sau khi bốn thành viên của đoàn leo núi Nhật Bản không chịu được độ cao và đã thiệt mạng ở vùng lân cận. Trước khi có bệnh xá, các bệnh cấp tính liên quan đến độ cao đã cướp đi sinh mạng của xấp xỉ một đến hai người trong số mỗi năm trăm người đi qua Pheriche. Ziemer nhấn mạnh rằng tỉ lệ đáng báo động này là chưa tính đến những vụ tử vong do tai nạn trong khi leo núi; các nạn nhân thời đó chỉ là “những người đi núi bình thường vốn chưa từng bao giờ mạo hiểm đi ra ngoài những con đường mòn đã có sẵn”.

Giờ đây, nhờ các buổi chuyên đề giáo dục và việc cấp cứu khẩn cấp do các nhân viên tình nguyện của bệnh xá thực hiện, tỷ lệ tử vong đã giảm xuống còn dưới một ca trên mỗi 30.000 người leo núi. Mặc dù những người phương Tây sống có lý tưởng như Ziemer làm việc tai bệnh xá ở Pheriche không được nhận thù lao và thậm chí còn phải bỏ tiền túi mua vé máy bay đến và rời Nepal, nhưng đó vẫn là một công việc danh giá thu hút nhiều ứng viên giỏi từ khắp nơi trên thế giới. Caroline McKenzie, bác sĩ trong chuyến thám hiểm của Hall, đã từng làm việc tại bệnh xá này cùng với Fiona McPherson và Andy vào mùa hè năm 1994.

Năm 1994, năm Hall chinh phục được Everest lần đầu tiên, bệnh xá này được điều hành bởi một bác sĩ tài năng và tự tin đến từ New Zealand tên là Jan Arnold. Hall gặp cô ta khi anh đi qua Pheriche trên đường lên núi, và ngay lập tức ông đã cảm thấy say mê cô. “Tôi đã hẹn hò với Jan ngay sau khi xuống núi”. Hall nhớ lại trong đêm đầu tiên chúng tôi nghỉ tại ngôi làng, “Trong buổi hẹn hò đầu tiên tôi đã đề nghị Jan đi Alaska và cùng nhau leo lên ngọn núi McKinley. Và cô ấy đã đồng ý”. Hai năm sau đó họ kết hôn; đến năm 1994 và 1995 cô ấy đến Trạm Căn cứ làm bác sĩ cho đoàn thám hiểm. Jan hẳn đã trở lại Everest cùng với đoàn chúng tôi nếu như cô ấy không đang mang thai bảy tháng đứa con đầu lòng. Do vậy mọi việc do bác sĩ McKenzie đảm nhiệm.

Sau bữa tối hôm Thứ năm, đêm đầu tiên của chúng tôi tại Pheriche, Laura Ziemer và Jim Litch mời Hall, Harris và Hellen Wilton, người điều hành Trạm Căn cứ của chúng tôi, ghé thăm bệnh xá để uống chút gì và tán gẫu. Suốt buổi tối hôm đó, cuộc nói chuyện diễn ra theo hướng thảo luận các nguy cơ tiềm tàng của việc leo núi và hướng dẫn lên ngọn Everest, và Litch nhớ lại cuộc thảo luận này rõ đến rợn người: Hall, Harris và Litch hoàn toàn nhất trí với nhau rằng không sớm thì muộn một thảm họa lớn có liên quan đến nhiều khách hàng là điều không thể tránh khỏi. Nhưng Litch, người đã từng leo lên ngọn Everest từ phía Tây Tạng vào mùa xuân vừa rồi cho hay: “Rob tin nạn nhân sẽ không phải là anh ấy; anh chỉ lo lắng rằng sẽ phải cứu những người leo núi ngu ngốc của các đội khác, và rằng nếu tai họa không thể tránh khỏi này xảy ra, anh ta chắc chắn rằng nó sẽ xảy ra ở phía bắc của ngọn núi thuộc Tây Tạng, vốn nguy hiểm hơn nhiều”.

* * *

Vào ngày Chủ nhật, 6 tháng 4, sau khi rời khỏi Pheriche vài giờ, chúng tôi đến đầu dưới của Sông băng Khumbu, một dải băng dài 19,2km “chảy” xuống từ sườn phía nam của ngọn Everest, và như tôi hy vọng– nó sẽ là con đường lên đỉnh núi của chúng tôi. Bây giờ, ở độ cao 4.877m, chúng tôi đã bỏ lại phía sau những mảng xanh cuối cùng. Hai mươi đài kỷ niệm bằng đá đứng thành một hàng ảm đạm dọc theo đỉnh băng tích cuối cùng của con sông băng, nhìn xuống thung lũng phía bên dưới. Đây là các đài tưởng niệm những người leo núi đã thiệt mạng trên đỉnh Everest, hầu hết là người Sherpa. Từ điểm này trở lên, thế giới của chúng tôi sẽ là một dải rộng đơn sắc hoang vắng toàn đá và băng tuyết lộng gió. Và mặc dù đã di chuyển rất chậm nhưng tôi đã bắt đầu cảm thấy những ảnh hưởng của độ cao, nó làm tôi choáng và khó thở thường xuyên.

Đường đi ở đây vẫn còn bị vùi dưới những lớp tuyết mùa đông rất dày ở nhiều chỗ. Khi băng trở nên mềm ra dưới ánh nắng buổi trưa, móng guốc của những con bò thụt xuống bề mặt đóng băng và chúng nằm ềnh ra. Những người dắt bò nổi nóng đánh những con vật của mình để buộc chúng tiến lên và dọa sẽ quay về. Cuối ngày hôm đó chúng tôi đến một ngôi làng có tên là Lobuje, và kiếm chỗ tránh gió trong một nhà nghỉ cực kì dơ dáy và chật hẹp.

Là tập hợp của nhiều ngôi nhà thấp và ọp ẹp nằm san sát nhau tại rìa của Sông băng Khumbu, Lobuje là một nơi khắc nghiệt, chật ních những người Sherpa và những người leo núi thuộc mười hai đoàn thám hiểm khác nhau, những người đi núi người Đức, các đàn bò đã đuối sức– tất cả đều đang đổ dồn về Trạm Căn cứ của ngọn Everest, vẫn còn cách một ngày đi đường hướng lên trên thung lũng. Tình trạng chen chúc như vậy, theo Rob giải thích, là do các lớp tuyết dày và muộn bất thường đến tận ngày hôm qua vẫn còn ngăn không cho bất cứ một con bò yak nào lên được Trạm Căn cứ. Sáu nhà nghỉ trong ngôi làng đã hoàn toàn kín chỗ. Các căn lều dựng lên chen chúc cạnh nhau trên một vài mảnh đất bùn không bị tuyết phủ. Rất nhiều phu khuân vác người Rai và Tamang từ các đồi thấp dưới chân núi– mặc quần áo sờn mong manh và đi dép hở mũi; họ là những người được thuê để thồ hàng cho các đoàn thám hiểm khác nhau– phải ở ngoài trời trong các hang động và dưới những tảng đá trên những con dốc xung quanh đó.

Ba hay bốn nhà vệ sinh bằng đá trong ngôi nhà lềnh bềnh toàn phân. Các nhà xí này ghê tởm đến nỗi hầu hết mọi người, cả người Nepal lẫn người phương Tây đại tiện thoải mái ngay trên nền đất bên ngoài. Hàng đống phân người rải rác mọi nơi, dẫm lên chúng là chuyện thường tình. Dòng nước băng tan chảy ngoằn ngoèo qua trung tâm khu định cư này trở thành một chiếc cổng mở.

Căn phòng chính của ngôi nhà nghỉ nơi chúng tôi ở có cách giường ngủ bằng gỗ cho khoảng ba mươi người. Tôi tìm được một chỗ ngủ còn trống ở phía trên, giũ đầy bọ chét và rận ra khỏi cái nệm dơ bẩn và trải cái túi ngủ của mình ra. Cạnh bức tường gần tôi là một cái bếp lò nhỏ bằng sắt để sưởi ấm đốt bằng phân bò khô. Sau khi hoàng hôn buông xuống, nhiệt độ hạ xuống dưới âm và những người phu khuân vác kéo nhau từ ngoài trời lạnh lẽo vào nhà để sưởi ấm quanh lò sưởi. Bởi vì phân bò cháy rất tệ cho dù là trong điều kiện tốt nhất nên nó cháy đặc biệt tệ trong điều kiện thiếu không khí ở độ cao 4.938m. Ngôi nhà nghỉ dày đặc khói cay sè, cứ như thể khí thải từ một chiếc xe buýt chạy dầu xả thẳng vào phòng. Hai lần trong suốt đêm đó, bị ho dữ dội, tôi phải bỏ ra ngoài để hít thở không khí. Cho tới sáng mắt tôi cay sè và đỏ ngầu, hai lỗ mũi tôi đầy bồ hóng, và tôi bắt đầu bị ho khan liên tục, chứng ho này dẽ đeo bám tôi cho đến cuối chuyến thám hiểm.

Rob đã dự định cho chúng tôi nghỉ một ngày tại Lobuje để thích nghi rồi sau đó sẽ đi tiếp hơn chục cây số nữa lên Trạm Căn cứ, nơi mà những người Sherpa của chúng tôi đã lên trước để chuẩn bị chỗ dựng trại cho chúng tôi và để bắt đầu thiết lập con đường lên các dốc dưới thấp của ngọn Everest. Tuy nhiên, vào tối ngày 7 tháng 4, có một người chạy mất thở xuống Lobuje báo một tin gây lo âu từ Trạm Căn cứ: Tenzing, một người Sherpa trẻ tuổi được Rob thuê đã rơi xuống một khe băng sâu 45,7m– một đường nứt nơi sông băng. Bốn người Sherpa khác đã kéo anh ta lên khỏi đó. Anh ta còn sống, nhưng bị thương rất nặng, có lẽ đã bị gãy xương đùi. Rob, mặt tái mét, tuyên bố rằng anh và Mike Groom sẽ tức tốc lên Trạm Căn cứ để giúp cứu Tenzing. Anh ấy nói tiếp: “Tôi rất tiếc phải nói với các bạn điều này nhưng tất cả các bạn sẽ phải đợi tại đây với Harold cho tới khi chúng tôi kiểm soát được tình hình”.

Sau đó chúng tôi được biết khi đó Tenzing đang thăm dò con đường phía trên Trại Một. Anh ta đang leo lên một khu vực khá bằng phẳng của Sông băng Khumbu cùng với bốn người Sherpa khác. Năm người đang đi theo hàng một, đó là cách khôn ngoan; tuy vậy, họ lại không sử dụng dây thừng– một vi phạm nghiệm trọng quy tắc leo núi. Tenzing đang di chuyển ngay phía sau bốn người kia, bước đúng vào những nơi họ đã bước thì anh bị vỡ lớp tuyết mặt và rớt xuống một khe băng sâu. Trước khi kịp kêu, anh ta đã rơi như một khối đá xuống tầng đáy tối tăm của dòng sông băng.

Việc cứu hộ bằng máy bay trực thăng ở độ cao 6.248m là không an toàn– ở một độ cao như vậy, không khí quá loãng nên không thể nâng quạt máy bay giúp máy bay hạ cánh, cất cánh hoặc lượn trên không mà không gặp nguy hiểm. Do đó, anh sẽ được hạ độ cao 914 mét xuống Trạm Căn cứ theo đường Thác băng Khumbu; đây là nơi dốc nhất và nguy hiểm nhất trên toàn ngọn núi. Sẽ cần rất nhiều nỗ lực để đưa Tenzing xuống an toàn.

Rob luôn đặc biệt quan tâm tới sự an toàn của những người Sherpa làm việc cho anh. Trước khi nhóm chúng tôi rời khỏi Kathmandu, anh đã bắt chúng tôi ngồi nghe một bài giảng nghiêm túc khác thường về việc cần phải tỏ ra biết ơn và có thái độ tôn trọng đúng mực với các nhân viên người Sherpa. Anh ấy nói: “Những người Sherpa mà chúng ta thuê là những người giỏi nhất trong lĩnh vực này. Họ làm việc cực kì chăm chỉ để nhận được những đồng lương không cao lắm so với các tiêu chuẩn phương Tây. Tôi muốn tất cả các bạn nhớ rằng chúng ta sẽ hoàn toàn không có cơ hội nào lên được tới đỉnh Everest nếu không có sự giúp đỡ của họ. Tôi sẽ phải nhắc lại rằng: nếu không có sự trợ giúp của những người Sherpa, không ai trong chúng ta có bất kỳ cơ hội nào lên tới đỉnh núi”.

Trong một cuộc trò chuyện sau đó, Rob thú nhận rằng trong những năm qua ông đã chỉ trích một số người dẫn đầu các cuộc thám hiểm vì họ đã không quan tâm đến những nhân viên người Sherpa của mình. Năm 1995, một người Sherpa trẻ tuổi đã thiệt mạng trên núi Everest; Hall cho rằng tai nạn này có lẽ đã xảy ra do người Sherpa này “đã được phép leo lên cao trên núi mà không được huấn luyện đầy đủ. Tôi nghĩ việc không để những tai nạn loại này xảy ra là trách nhiệm của chúng tôi, những người điều hành những chuyến đi này”, anh ta nói.

Một năm trước đó, một đoàn thám hiểm có người hướng dẫn của Mỹ đã thuê một người Sherpa có tên là Kami Rita làm đầu bếp. Khỏe mạnh, đầy tham vọng và đang ở độ tuổi 22 hoặc 23, cậu ta đã cố gắng thuyết phục mọi người để được làm việc ở trên cao như một “người Sherpa leo núi”. Đánh giá cao sự nhiệt tình và cống hiến của Kami, một vài tuần sau đó người ta đã đáp ứng nguyện vọng của cậu ta bất chấp việc cậu ấy không hề có kinh nghiệm leo núi và chưa từng được huấn luyện kỹ thuật một cách đầy đủ.

– Ở độ cao từ 6.706m đến 7.620m trên con đường chuẩn có một con dốc băng rất cao và nguy hiểm được gọi là Mặt Lhotse. Như một biện pháp an toàn, các đoàn thám hiểm luôn cột rất nhiều dây cố định vào con dốc này từ trên đỉnh xuống tới chân dốc, và những người leo núi sẽ tự bảo vệ mình bằng cách móc một sợi dây an toàn ngắn vào các sợi dây cố định khi họ leo lên. Kami, vốn còn trẻ, tự phụ và thiếu kinh nghiệm, đã không nghĩ rằng việc đó là cần thiết. Vào một buổi chiều khi cậu ta đang mang một vật nặng lên Mặt Lhotse, cậu ta đã mất điểm tựa trên mặt băng cứng như đá và rơi từ độ cao hơn 609m xuống đáy của con dốc.

– Đồng đội của tôi là Frank Fischbeck đã chứng kiến toàn bộ sự việc này. Năm 1995, anh ta đang thực hiện cuộc chinh phục đỉnh Everest lần thứ ba với vai trò là một khách hàng của công ty Mỹ đã thuê Kami. Frank đang leo lên những sợi dây cố định ở phía trên Mặt Lhotse. Anh kể lại bằng giọng phiền muộn: “Tôi nhìn lên và thấy một người sẩy chân ngã từ trên cao xuống, rơi xuống lăn lông lốc. Anh ta hét lên khi rơi xuống qua chỗ tôi và để lại một vệt máu dài”.

Một số người leo núi nhanh chóng chạy lại nơi Kami ngã xuống dưới đáy con dốc, nhưng cậu ta đã chết do bị thương quá nặng khi rơi xuống. Xác cậu ấy được đưa xuống Trạm Căn cứ. Tại đây, theo truyền thống Phật giáo, những người bạn của cậu mang thức ăn đến để cúng cậu trong ba ngày. Sau đó xác cậu được đưa tới một ngôi làng gần Tengboche và được hỏa tang. Khi xác của Kami được thiêu, mẹ cậu than khóc khôn nguôi và lấy một cục đá nhọn tự đập đầu mình.

Ngay rạng sáng ngày 8 tháng 4, khi Rob và Mike hối hả tới Trạm Căn cứ để cố gắng đưa Tenzing xuống núi an toàn, Rob luôn nhớ tới hình ảnh của Kami.