Tan Biến: Hồi Ký Về Thảm Hoạ Everest - Chương 05: LOBUJE

NGÀY 8 THÁNG 4 NĂM 1996

4.938 MÉT

Vượt qua các đỉnh tuyết cao chót vót của Ngõ Ma (Phantom Alley), chúng tôi bước vào nền của thung lũng đầy đá tại đáy của một lòng chảo khổng lồ. Tại đây Thác băng rẽ ngoặt để chảy xuống phía nam tạo thành Sông băng Khumbu. Chúng tôi dựng Trạm Căn cứ ở độ cao 5.425m trên tảng băng tích phía bên tạo nên cạnh ngoài của lối rẽ. Các tảng đá lớn khiến cho nơi này có cảm giác chắc chắn, nhưng những hòn đá lăn dưới chân đã làm thay đổi cảm giác sai lầm này. Tất cả những gì người ta có thể nhìn thấy, cảm nhận và nghe được– Thác băng, băng tích, tuyết lở, sự lạnh giá– đều thuộc về một thế giới không dành cho con người cư ngụ. Không có nước chảy, không có thứ gì mọc lên– chỉ có sự tàn phá và đổ nát… Đây chính là nhà trong một vài tháng tới, cho tới khi ngọn núi được chinh phục.

Thomas F. Hornbein

Everest: Triền Tây

Vào ngày 8 tháng 4 sau khi trời đã tối, bộ đàm cầm tay của Andy kêu lên bên ngoài căn nhà nghỉ tại Lobuje. Đó chính là Rob gọi từ Trạm Căn cứ về, và anh báo một tin vui. Một nhóm ba mươi lăm người Sherpa từ vài đoàn thám hiểm khác phải cần đến cả ngày, nhưng họ đã đưa được Tenzing xuống. Cột anh ta vào chiếc thang nhôm, họ đã xoay xở hạ được anh ta xuống thấp, kéo và khiêng anh ta qua Thác băng. Và bây giờ anh ta đang nghỉ tại Trạm Căn cứ. Nếu thời tiết tốt, khi bình minh lên một chiếc trực thăng sẽ tới và chở anh ta đến một bệnh viện ở Kathmandu. Với sự nhẹ nhõm có thể cảm thấy được, Rob bảo chúng tôi tiếp tục lên đường vào sáng hôm sau và tự đi tới Trạm Căn cứ.

Chúng tôi, những khách leo núi, cũng cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm khi Tenzing được an toàn. Và chúng tôi cũng thoải mái không kém khi được rời khỏi Lobuje. John và Lou đã mắc phải bệnh đường ruột do virus từ môi trường không sạch sẽ xung quanh gây ra. Helen, người điều hành Trạm Căn cứ của chúng tôi, bị chứng nhức đầu dữ dội do độ cao gây ra. Và chứng ho của tôi trở nên trầm trọng hơn đáng kể sau đêm thứ hai ở trong ngôi nhà nghỉ đầy khói.

Đêm nay, đêm thứ ba của chúng tôi ở ngôi làng, tôi quyết định thoát khỏi đám khói lửa độc hại bằng cách ra một chiếc lều được dựng ngay bên ngoài mà Rob và Mike đã bỏ trống khi họ lên Trạm Căn cứ. Andy cũng quyết định ra với tôi. Lúc 2 giờ sáng, tôi bị đánh thức dậy khi anh ta ngồi bật dậy bên cạnh tôi và bắt đầu rên. “Harold, anh ổn chứ?”, tôi hỏi từ trong túi ngủ của mình.

“Thực ra tôi cũng không biết nữa. Đồ ăn hồi tối hình như có vấn đề”. Một lát sau Andy gấp gáp sờ soạng kéo dây khóa mở cửa lều chỉ vừa kịp để thò đầu và nửa người ra ngoài trước khi nôn thốc nôn tháo. Sau khi trận ói nguôi bớt, anh ta quỳ bất động trên tay và đầu gối của mình trong vài phút, nửa mình vẫn còn ở ngoài lều. Sau đó anh ta nhảy dựng dậy, chạy ra xa vài mét, kéo mạnh quần xuống và bắt đầu đi tiêu chảy dữ dội. Anh ta ở ngoài trời lạnh cả đêm hôm đó, cố gắng tống khứ những thứ ở trong bộ máy tiêu hóa của mình ra ngoài.

Vào sáng hôm sau, Andy trở nên yếu, bị mất nước và run rẩy dữ dội. Helen đề nghị anh ta nên ở lại Lobuje cho tới khi hồi phục lại một chút, nhưng Andy từ chối. “Tôi sẽ không ở lại cái chốn chết tiệt này thêm một đêm nào nữa. Tôi sẽ lên Trạm Căn cứ cùng với mọi người trong ngày hôm nay, ngay cả nếu tôi có phải bò đi”, anh ấy tuyên bố, mặt nhăn nhó và ngồi khum người lại.

Tới 9 giờ sáng, chúng tôi thu dọn đồ đạc và lên đường. Trong khi những người khác bước nhanh lên phía trước, Helen và tôi ở lại phía sau để đi bộ cùng với Andy. Anh đang phải hết sức nỗ lực để bước từng bước. Hết lần này đến lần khác anh ấy phải dừng lại, chống người vào cây gậy trượt tuyết của mình, sau đó tập trung sức lực để cố gắng tiến tới trước.

Con đường này đi lên và xuống những tảng đá mấp mô ở phần rìa băng tích của Sông băng Khumbu nhiều dặm và sau đó dẫn xuống chính con sông băng này. Bọt đá, sỏi thô, các tảng đá granite bao phủ hầu hết phần băng, nhưng thỉnh thoảng con đường này lại băng qua một khoảng nhỏ chỉ toàn băng– một môi trường đông đặc và trong mờ lấp lánh giống như mã não đã được đánh bóng. Nước tan ra chảy mạnh xuống vô số bề mặt và dòng suối ngầm dưới mặt đất, tạo nên âm thanh ùng ục du dương ma quái, vang dội lại xuyên qua thân của con sông băng. Vào giữa buổi chiều chúng tôi đến một khu lạ kỳ gồm những chóp băng cao chót vót và đứng lộn xộn, đỉnh lớn nhất có độ cao gần 30,5m, được mọi người biết đến với tên gọi Ngõ Ma (Phantom Alley). Bị những tia nắng mặt trời chói chang đẽo gọt nên, và lấp lánh màu ngọc lam, những tháp băng này nhô cao lên như những chiếc răng cá mập giữa những mẩu sa thạch, và kéo dài đến hút tầm mắt. Helen, vốn đã đến khu vực này rất nhiều lần, thông báo rằng chúng tôi đã gần tới đích.

Thêm một vài dặm nữa, dòng sông băng rẽ ngoặt về phía đông, chúng tôi di chuyển chậm chạp đến chỗ quanh của một con dốc dài và trước mặt chúng tôi bày ra một thành phố nhiều sắc màu của những mái vòm nylon. Hơn ba trăm chiếc lều, là nhà ở của nhiều nhà leo núi và người Sherpa thuộc mười bốn đoàn thám hiểm, nằm chi chít trên khu băng tuyết trải đầy đá. Phải mất hai mươi phút chúng tôi mới xác định được vị trí khu lều của chúng tôi giữa khu định cư ngổn ngang các túp lều. Khi chúng tôi leo lên con dốc cuối cùng, Rob sải bước xuống đón chúng tôi. Anh ấy cười tươi: “Chào mừng mọi người tới Trạm Căn cứ Everest”. Thiết bị đo độ cao trên đồng hồ đeo tay của tôi chỉ 5.364m.

* * *

Ngôi làng đặc biệt này– nhà của chúng tôi trong vòng sáu tuần tới– nằm ở phía đầu của một lòng chảo tự nhiên được tạo ra bởi những vách núi kinh khủng. Các vách đứng bên trên khu trại được trang trí bằng những tảng băng treo; từ nơi này những tảng băng lớn lở ra và rơi xuống liên tục bất chấp ngày đêm. Một phần tư dặm về phía đông, nằm kẹp giữa Vách Nuptse và Vai phía Tây (West Shoulder) của ngọn Everest, Thác băng Khumbu tràn qua một khoảng trống hẹp tạo thành một mớ hỗn độn các mảnh băng lạnh cứng. Vùng lòng chảo mở về phía tây nam, do đó nó nhận được rất nhiều ánh sáng mặt trời; vào những buổi chiều đẹp trời khi không có gió, thời tiết đủ ấm áp để người ta có thể mặc áo thun và thoải mái ngoài trời. Nhưng khi mặt trời lặn xuống phía sau đỉnh Pumori hình nón– một đỉnh núi cao 7.165m ngay về phía tây của Trạm Căn cứ– thì nhiệt độ hạ xuống còn -7 đến -100C. Về lều của mình vào buổi tối, tôi được thưởng thức một bản nhạc của những tiếng cọt kẹt và những tiếng rạn nứt, điều này nhắc tôi nhớ rằng mình đang ở trên một con sông băng đang trôi.

Hoàn toàn tương phản với sự khắc nghiệt của khu vực xung quanh chúng tôi là vô số các tiện nghi hàng ngày của khu trại Adventure Consultants. Nơi đây là mái nhà của mười bốn người phương Tây– những người Sherpa gọi tất cả chúng tôi là “các thành viên” hoặc “các ông/bà chủ”– và mười bốn người Sherpa. Chiếc lều lộn xộn của chúng tôi, một công trình xây dựng bằng vải bạt rất rộng rãi, được trang bị một chiếc bàn đá lớn, một dàn máy âm thanh nổi, một thư viện, và rất nhiều bóng đèn điện sử dụng năng lượng mặt trời; một chiếc lều thông tin liên lạc liền kề có một máy fax và điện thoại vệ tinh. Một vòi sen được ứng biến bằng một đoạn ống nước nối với một chiếc xô chứa đầy nước đã được các những người làm bếp đun nóng. Cứ cách vài ngày, những con bò lại chở bánh mì và rau quả tới. Tiếp nối một truyền thống từ thời thuộc địa Anh ở Ấn Độ đã được các đoàn thám hiểm xa xưa thiết lập nên, cứ mỗi buổi sáng Chhongba và cậu bé làm bếp của mình tên là Tendi lại đến lều của mỗi vị khách để phục vụ chúng tôi trà nóng của người Sherpa khi chúng tôi còn ở trong túi ngủ của mình.

Tôi đã từng được nghe nhiều câu chuyện kể về ngọn Everest đã bị biến thành một đống rác như thế nào bởi những đám đông kéo đến đây ngày một nhiều hơn, và những đoàn thám hiểm thương mại được cho là thủ phạm chính gây ra việc này. Mặc dù vào những năm 1970 và 1980, ngọn Everest thực sự là một đống rác khổng lồ, nhưng trong những năm gần đây nó đã được biến thành một nơi khá sạch sẽ– chắc chắn là nơi có người ở sạch sẽ nhất mà tôi gặp kể từ khi rời Namche Bazaar. Và các đoàn thám hiểm thương mại thực sự xứng đáng được khen ngợi về việc thu dọn rác này.

Những hướng dẫn viên, do đưa khách leo núi trở lại ngọn Everest hàng năm, nên có một vai trò quan trọng trong việc vệ sinh môi trường mà những người khách leo núi một lần không có được. Nằm trong chương trình của cuộc thám hiểm năm 1990, Rob Hall và Garry Ball đã dẫn đầu một nỗ lực đưa năm tấn rác xuống khỏi Trạm Căn cứ. Hall và một số đồng nghiệp hướng dẫn viên của mình cũng đã bắt đầu hợp tác với các bộ trong chính phủ tại Kathmandu nhằm đưa ra những quy định khuyến khích những người leo núi giữ cho ngọn núi sạch sẽ. Đến năm 1996, ngoài khoản phí xin phép, các đoàn thám hiểm còn phải nộp một khoản tiền thế chân 4.000 đô la; số tiền này sẽ được hoàn lại nếu như một lượng rác theo quy định được đưa trở xuống Kathmandu và Namche. Thậm chí những thùng chứa phân từ các nhà vệ sinh của chúng tôi cũng phải được mang xuống và tống khứ đi.

Trạm Căn cứ bận rộn như một tổ kiến. Theo một cách nào đó, khu lều của Adventure Consultans có chức năng như một trụ sở của chính quyền đối với toàn bộ Trạm Căn cứ, bởi vì không ai trên ngọn núi này được kính trọng hơn Hall. Bất cứ khi nào có vấn đề gì– một tranh chấp lao động với người Sherpa, một trường hợp cấp cứu, hay một quyết định quan trọng về kế hoạch leo núi– mọi người đều đến chiếc lều bê bối của chúng tôi để nhờ Hall tư vấn. Và anh hào phóng chia sẻ sự hiểu biết sâu rộng của mình chon gay chính các đối thủ cạnh tranh với anh ấy để giành khách hàng, chủ yếu là Scott Fischer.

Trước đây, Fischer đã từng hướng dẫn thành công một đoàn thám hiểm leo lên một đỉnh 8.000m15: đó là đỉnh Broad cao 8.046m thuộc dãy Karakoram của Pakistan vào năm 1995. Anh ta cũng đã bốn lần cố gắng leo lên đỉnh Everest và đã một lần lên được đỉnh vào năm 1994, nhưng không phải trong vai trò của người hướng dẫn. Mùa xuân năm 1996 đánh dấu chuyến leo núi lần đầu của anh ta trong vai trò dẫn đầu một cuộc leo núi thương mại. Cũng giống như Hall, nhóm của Fischer cũng có tám khách hàng. Trại của anh ấy, nổi bật với tấm biển quảng cáo của hang cà phê Starbucks được treo trên một khối đá granite có kích cỡ bằng ngôi nhà, tọa lạc chỉ cách trại của chúng tôi năm phút đi bộ xuôi xuống phía dưới con sông băng.

Những người đàn ông và phụ nữa từ nhiều nơi khác nhau, có cùng một lựa chọn lấy việc chinh phục các ngọn núi cao nhất làm sự nghiệp, đã tự lập nên một câu lạc bộ nhỏ. Fischer và Hall là những đối thủ của nhau trong kinh doanh, nhưng vì đều là những thành viên quan trọng của hội leo núi nên họ thường xuyên gặp nhau. Ở một mức độ nào đó họ còn coi nhau như bạn. Fischer và Hall gặp nhau lần đầu tiên vào những năm 1980 tại ngọn núi Pamir của Nga, và sau đó trải qua một thời gian đáng kể cùng nhau leo lên đỉnh Everest vào năm 1989 và 1994. Họ đã có những kế hoạch chắc chắn nhăm cùng hợp lực và leo lên đỉnh Manaslu– một đỉnh núi khó leo cao 8.163m tại miền trung Nepal– ngay sau khi hướng dẫn những khách leo núi riêng của mình leo lên đỉnh Everest vào năm 1996.

Mối quan hệ giữa Fischer và Hall được thắt chặt thêm vào năm 1992, khi họ tình cờ gặp lại nhau trên đỉnh K2, đỉnh núi cao thứ hai trên thế giới. Hall đang leo lên ngọn núi với người bạn hữu và là đối tác làm ăn của anh, Gary Ball, còn Fischer thì đang đi cùng Ed Viesturs, một nhà leo núi tài ba người Mỹ. Trên đường từ đỉnh núi xuống trong một cơn bão vô cùng lớn, Fischer, Viesturs và một người Mỹ khác là Charlie Mace gặp Hall đang nỗ lực để xoay xở với Ball đã bắt đầu mê man. Ball vừa mới mắc một chứng bệnh nguy hiểm chết người do độ cao gây ra và không thể tự mình di chuyển được. Fischer, Viesturs và Mace đã giúp kéo Ball xuống những sườn dốc bị tuyết lở quét qua ở phía dưới của ngọn núi trong trận bão tuyết, và đã cứu sống được Ball ( Nhưng một năm sau đó Ball đã thiệt mạng bởi một chứng bệnh tương tự trên những con dốc của ngọn Dhaulagiri).

Ở độ tuổi 40, Fischer là một người vạm vỡ với mái tóc vàng cột kiểu đuôi ngựa, tràn đầy sinh lực, và thích giao du. Khi còn là một cậu học sinh 14 tuổi ở Basking Ridge, bang New Jersey, Fischer đã có lần tình cờ xem một chương trình truyền hình về leo núi và mê mẩn tâm thần. Mùa hè năm sau, anh đi Wyoming và ghi danh vào khóa học về thiên nhiên hoang dã do Trường Chỉ huy Dã ngoại Quốc gia (NOLS) tổ chức. Ngay sau khi tốt nghiệp trung học, anh chuyển đến định cư ở phía tây, làm huấn luyện viên theo thời vụ cho NOLS, coi leo núi như lẽ sống của mình và không bao giờ hối tiếc.

Khi Fischer được 18 tuổi và đang làm việc tại NOLS, anh yêu một học viên trong khóa học của mình tên là Jean Price. Họ kết hôn bảy năm sau đó, định cư tại Seattle và có hai người con, Andy và Katie Rose (được 9 và 5 tuổi khi Scott đi Everest vào năm 1996). Price lấy được bằng phi công thương mại và trở thành cơ trưởng của hãng hàng không Alaska Airline. Đó là công việc danh tiếng và có thu nhập cao nên Fischer có điều kiện leo núi toàn thời gian. Thu nhập của cô ấy cũng cho phép Fischer thành lập công ty Mountain Madness vào năm 1984.

Nếu như tên công ty của Hall, Adventure Consultants, cho thấy cách tiếp cận khắt khe và có phương pháp đối với việc leo núi thì Mountain Madness thậm chí còn là một sự phản ánh chính xác hơn về phong cách của Scott. Khi mới bước vào tuổi 20, anh đã nổi tiếng với phương pháp leo núi càn lướt, chấp nhận chấn thương. Trong suốt sự nghiệp leo núi của mình, nhưng đặc biệt là trong những năm đầu sự nghiệp, anh ấy đã sống sót qua nhiều tai nạn khủng khiếp tưởng đã bỏ mạng.

Ít nhất hai lần khi đang leo núi đá– một lần tại Wyoming và lần khác tại Yosemite– Scott rơi xuống đất từ độ cao hơn 24,4 mét. Khi đang làm huấn luyện viên cho một khóa học của NOLS trên dãy Wild River anh cũng ngã từ độ cao 21,3 mét, không hề đeo dây, xuống đáy một khe băng trên sông băng Dinwoody. Nhưng có lẽ cú ngã kinh hoàng nhất xảy ra khi anh mới chỉ là một tay leo núi băng mới vào nghề: mặc dù chưa có kinh nghiệm nhưng Fischer đã quyết định thực hiện chuyến leo đầu tiên lên một thác băng có tên là Thác Bridal Veil tại hẻm núi Provo, bang Utah. Cố gắng leo kịp hai nhà leo núi chuyên nghiệp lên thác băng, Fischer mất điểm tựa ở độ cao 30,5m cách mặt đất và lao thẳng xuống đất.

Trước sự sửng sốt của những người chứng kiến cảnh tượng này, anh ta tự đứng dậy và bước đi với những vết thương tương đối nhẹ. Tuy nhiên trong khi bị rơi xuống đất, đầu nhọn của chiếc rìu phá băng đã đâm xuyên qua bắp chân anh ta. Khi chiếc rìu phá băng được rút ra, nó lấy ra một phần mô, để lại trên chân anh một lỗ đủ to để có thể đút một cây bút chì xuyên qua. Sau khi được ra khỏi phòng cấp cứu của một bệnh viện địa phương, Fischer không cảm thấy có lí do gì để phải phí khoản tiền có hạn mình vào việc điều trị thêm, do đó anh đã tiếp tục leo núi trong sáu tháng sau với một vết thương hở và mưng mủ. Mười lăm năm sau anh ấy tự hào khoe với tôi vết sẹo đã lâu– kết quả của lần ngã đó: đó là hai vết bóng loáng, to khoảng một đồng xu quanh phần gân nối giữa hai bắp chân và gót chân của anh ấy.

Don Peterson – một nhà leo núi người Mỹ nổi tiếng đã gặp Fischer ngay sau khi anh ngã từ Thác Bridal Veil – nhớ lại: “Scott luôn bắt mình vượt qua những giới hạn thể chất”. Peterson có thể được xem là cố vấn của Fischer và cùng leo núi với anh ta theo từng đợt trong hai thập kỷ sau đó. “Nghị lực của anh ấy thật đáng ngạc nhiên. Đau đớn thế nào cũng không hề hấn với anh ấy – anh ấy luôn phớt lờ nó và tiếp tục tiến tới. Anh ấy không phải là loại người sẽ quay lại chỉ vì mình bị đau chân”.

“Scott có một ham muốn cháy bỏng là trở thành một nhà leo núi vĩ đại, một trong những nhà leo núi giỏi nhất thế giới. Tôi nhớ tại trụ sở chính của NOLS có một phòng tập thể dục. Scott luôn vào đó và tập nặng đến mức bị nôn mửa. Anh tập rất đều đặn. Chẳng có nhiều người có nghị lực mạnh mẽ như vậy”.

Người ta bị lôi cuốn bởi nghị lực và sự hào phòng của Fischer, tính chân thật của anh ta, và sự nhiệt tình gần như trẻ con của anh. Mạnh mẽ, giàu cảm xúc và không thích dò xét, Fischer có tính cách lôi cuốn và thích giao du vốn thường đem lại cho anh những người bạn tâm giao; hàng trăm người – gồm cả những người Fischer gặp chỉ một hai lần – coi anh như một người bạn hết sức thân thiết. Anh cũng cực kỳ đẹp trai với vóc dáng của một vận động viên thể hình và những nét đặc trưng của một ngôi sao điện ảnh. Không chỉ những người khác giới bị Fischer lôi cuốn mà còn rất nhiều người khác cũng chú ý đến anh.

Là một người có lòng khao khát mãnh liệt, Fischer hút rất nhiều cannabis (ma túy làm từ cây gai dầu) và uống rượu nhiều hơn mức cần thiết. Một phòng phía sau của văn phòng công ty Mountain Madness hoạt động như một câu lạc bộ bí ẩn cho Fischer: sau khi cho các con ngủ anh ta thích đến nơi đây với những người bạn thân của mình để hút chuyền tay một tẩu thuốc và xem các tấm phim đèn chiếu chụp những hành động can đảm của họ trên núi cao.

Trong những năm 1980, Fischer đã thực hiện nhiều cuộc leo núi ấn tượng mang đến cho anh ta một ít danh tiếng trong nước, tuy nhiên những người nổi tiếng trong cộng đồng leo núi thế giới vẫn chưa đoái hoài đến anh. Với những nỗ lực có kế hoạch của mình, Fischer vẫn không thể kiếm được tài trợ thương mại nhiều như một số đồng nghiệp nổi tiếng của anh. Anh lo rằng một vài người trong số này không nể trọng anh.

* * *

Jane Bromet – một nhà báo, một người bạn tâm tình và thỉnh thoảng là một cộng sự huấn luyện của anh nói: “Đối với Fischer sự công nhận là quan trọng. Anh ấy khao khát nó. Anh có một khía cạnh dễ bị tổn thương mà hầu hết mọi người không nhận thấy; anh ấy luôn băn khoăn rằng mình không được nhiều người coi là một nhà leo núi kiệt xuất. Anh cảm thấy bị coi thường và điều đó làm anh đau lòng”. Jane đi theo đoàn thám hiểm của Mountain Madness và nằm ở Trạm Căn cứ để gửi bài về cho tờ Outside Online.

Vào thời điểm Fischer đi Nepal vào mùa xuân năm 1996, Fischer đã bắt đầu được chú ý nhiều hơn, điều anh cho là xứng đáng. Phần lớn sự công nhận này là nhờ vào cuộc chinh phục Everest không có bình oxy của anh vào năm 1994. Với tên gọi Đoàn Thám hiểm Môi trường Sagarmatha, nhóm của Fischer đã chuyển gần hai tấn rưỡi rác thải xuống núi – điều này rất có ích cho phong cảnh ngọn núi và thậm chí đã trở thành một hành động quảng bá tốt. Vào tháng 1 năm 1996, Fischer dẫn đầu một cuộc leo núi gây quỹ được nhiều người chú ý lên đỉnh Kilimanjaro, ngọn núi cao nhất tại châu Phi. Cuộc leo núi này đã quyên góp được nửa triệu đô la cho tổ chức từ thiện CARE. Chủ yếu nhờ vào cuộc thám hiểm dọn dẹp rác trên đỉnh Everest vào năm 1994 và cuộc leo núi gây quỹ sau đó, anh đã xuất hiện nổi bật và thường xuyên trên các phương tiện truyền thông tại Seattle và sự nghiệp leo núi của anh đang rất thành công tại thời điểm anh lên đường đi Everest năm 1996.

Các nhà báo vẫn hỏi Fischer về những rủi ro đi kèm với công việc leo núi mà anh thực hiện và thắc mắc làm sao anh có thể dung hòa nó với việc làm chồng và làm cha. Fischer trả lời rằng bây giờ anh đã ít mạo hiểm hơn nhiều so với hồi còn trẻ không biết sợ là gì– rằng anh đã trở thành một nhà leo núi cẩn thận và thận trọng hơn nhiều. Ngay trước khi khởi hành đi Everest vào năm 1996, anh đã nói với một nhà văn ở Seattle tên là Bruce Barcott rằng: “Tôi tin tưởng một trăm phần trăm tôi sẽ trở về… Vợ tôi cũng tin tưởng một trăm phần trăm tôi sẽ trở về. Cô ấy không hề lo lắng khi tôi hướng dẫn người khác leo núi bởi vì tôi sẽ có những sự lựa chọn chính xác. Khi tai nạn xảy ra tôi nghĩ đó luôn luôn là lỗi của con người. Do vậy đó chính là điều mà tôi muốn loại trừ. Tôi đã từng gặp nhiều tai nạn leo núi khi còn trẻ. Có thể có những lý do khác nhau, nhưng rút cục vẫn là lỗi của con người”.

Mặc dù Fischer bày tỏ sự tin tưởng, thế nhưng công việc leo núi rày đây mai đó của anh gây nhiều khó khăn cho gia đình của Fischer. Anh rất yêu con, và lúc ở nhà, Fischer là một ông bố hết sức chu đáo. Nhưng việc leo núi đã khiến anh phải xa gia đình nhiều tháng cho mỗi chuyến đi. Anh đã vắng mặt bảy trong số chín sinh nhật của con trai. Vài người bạn của Fischer nói rằng thật ra vào thời điểm anh khởi hành đi Everest vào năm 1996, cuộc hôn nhân của Fischer đã rất căng thẳng.

Nhưng Jean Price không cho rằng việc leo núi của Fischer là nguyên nhân của tình trạng nặng nề trong mối quan hệ của họ. Đúng hơn là những áp lực trong gia đình Fischer– Price đều do những rắc rối cô ta đang gặp phải với chủ của mình: là nạn nhân trong một vụ được cho là quấy rối tình dục, suốt năm 1995 Price bị cuốn vào một cuộc kiện tụng đáng nản chống lại Hãng hàng không Alaska Airline. Mặc dù cuối cùng cũng được giải quyết, nhưng vụ kiện cũng gây ầm ĩ và khiến cô mất khoản lương đáng kể năm 1995. Thu nhập từ công việc hướng dẫn của Fischer không đủ để bù đắp lại khoản mất đi ấy. “Lần đầu tiên kể từ khi chuyến đến Seattle, chúng tôi phải đối mặt với những vấn đề về tiền bạc”, cô than vãn.

Giống như hầu hết các đối thủ khác, Mountain Madness là một công ty có thu nhập thấp kể từ khi ra đời: năm 1995 Fischer mang về nhà chỉ khoảng 12.000 đô la. Nhưng mọi thứ cuối cùng cũng bắt đầu có vẻ sáng sủa hơn, nhờ vào danh tiếng ngày càng tăng của Fischer và những nỗ lực của cộng sự kiêm người quản lý văn phòng của anh, Karen Dickinson. Tài tổ chức và sự điềm tĩnh của Karen bù lại cho phong cách làm việc ngẫu hứng và có phần lập dị của Fischer. Theo dõi thành công của Rob Hall trong việc hướng dẫn leo núi Everest – và đi theo khoản phí khổng lồ mà anh ấy có thể thu được – Fischer quyết định đã tới lúc phải bước chân vào thị trường Everest. Nếu có thể cạnh tranh với Hall, Mountain Madness sẽ nhanh chóng kiếm được lợi nhuận.

Fischer không quá coi trọng vấn đề tiền bạc. Anh ít quan tâm đến vật chất bề ngoài, nhưng khao khát được tôn trọng và nhận thức một cách sâu sắc rằng trong thế giới quan và môi trường mà anh đang sống, tiền là một chuẩn mực để đánh giá sự thành công.

Vài tuần sau khi Fischer trở về thành công từ Everest vào năm 1994, tôi tình cờ gặp anh tại Seattle. Tôi không biết rõ Fischer nhưng chúng tôi có vài người bạn chung và thường gặp nhau tại các vách đá hoặc tại các buổi tiệc của những người leo núi. Lần ấy anh giữ tôi lại để nói chuyện thêm về chuyến tham hiểm Everest có người hướng dẫn mà anh ta đang lên kế hoạch: anh nói tôi nên đi theo và viết một bài báo cho tờ Outside. Khi tôi đáp lại rằng việc leo lên núi Everest đối với một người không có nhiều kinh nghiệm trên cao như tôi thật là điên rồ, anh nói: “Này, kinh nghiệm được đánh giá quá cao rồi đấy. Điều quan trọng không phải là độ cao mà chính là thái độ của anh, anh bạn à. Anh sẽ làm tốt thôi. Anh đã từng thực hiện nhiều cuộc leo núi khó khăn– những ngọn núi ấy còn gian nan hơn ngọn Everest. Chúng tôi đã tìm hiểu kỹ càng về Everest,và đã lên kế hoạch hết rồi. Thời buổi này, như tôi đang nói với anh, chúng tôi đã làm sẵn một con đường lát gạch vàng lên tới đỉnh”.

Scott đã khơi gợi sự thích thú của tôi– thậm chí còn nhiều hơn là anh nhận ra– và anh ấy cứ tiếp tục không ngừng nghỉ. Anh nói tới Everest mỗi lần gặp tôi và không ngừng thuyết phục Brad Wetztler, một biên tập viên tại tờ Outside, về ý tưởng này. Vào tháng 1 năm 1996, nhờ vào không ít nỗ lực vận động của Fischer, Outside đã cam kết gửi tôi đến Everest– theo Wetzler, có thể như một thành viên trong đoàn thám hiểm của Fischer. Đối với Scott, thương vụ đó đã xem như thành công.

Tuy nhiên, một tháng trước khi khởi hành theo dự kiến, tôi nhận được một cuộc gọi từ Wetzler thông báo có sự thay đổi trong kế hoạch: Rob Hall đã đưa ra một mức phí hấp dẫn hơn nhiều. Do đó Wetzler đề nghị tôi tham gia đoàn thám hiểm Adventure Consultants của Rob Hall thay vì của Fischer. Tôi biết và cũng có cảm tình với Fischer và khi ấy, tôi cũng không biết nhiều về Hall, do vậy lúc đầu tôi còn hơi lưỡng lự một chút. Nhưng sau khi một người bạn leo núi mà tôi tin cậy khẳng định về danh tiếng thật sự của Hall, tôi đã phấn khởi đồng ý đi Everest theo đoàn Adventure Consultants.

Một buổi chiều tại Trạm Căn cứ tôi hỏi Hall tại sao anh ấy lại tha thiết muốn có tôi đi theo tới vậy. Anh thẳng thắn giải thích rằng tôi không phải là người mà anh ấy quan tâm hoặc thậm chí anh cũng không hy vọng bài báo của tôi sẽ quảng bá cho công ty của anh. Điều mà anh ta quan tâm chính là tiền quảng cáo rất giá trị mà anh thu được từ thỏa thuận đã ký với Outside.

Hall nói với tôi rằng theo những điều khoản của hợp đồng này, anh ta đã chấp nhận chỉ 10.000 đô la trong khoản phí thường lệ của mình bằng tiền mặt; phần còn lại sẽ được đổi bằng những chỗ quảng cáo giá trị trên tờ tạp chí. Những quảng cáo này nhắm vào những độc giả nhiều tiền, nhanh nhẹn và thích phiêu lưu– những khách hàng chủ yếu của Adventure Consultants. Và điều quan trọng nhất là, Hall nói: “Họ là những độc giả người Mỹ. Gần tám mươi đến chín mươi phần trăm thị trường tiềm năng cho các chuyến thám hiểm có người hướng dẫn lên ngọn Everest và Thất Đỉnh nằm ở Hoa Kỳ. Sau mùa này, khi anh bạn Scott của tôi đã trở thành một người hướng dẫn leo núi Everest, anh ta có lợi thế rất lớn so với Adventure Consultants chỉ vì anh ấy có trụ sở tại Hoa Kỳ. Để cạnh tranh với anh ta chúng tôi phải đẩy mạnh việc quảng cáo tại đó”.

Vào tháng 1, Fischer đã rất tức giận khi khám phá ra rằng Hall đã giành được tôi từ trong tay anh ấy. Anh ta gọi cho tôi từ Colorado, hết sức tức giận, và khăng khăng rằng anh ấy sẽ không chấp nhận chiến thắng rơi vào tay Hall. (Cũng giống như Hall, Fischer không cần cố gắng che giấu sự thật rằng tôi không phải là người mà anh ta quan tâm mà chính là những quảng cáo đi kèm). Tuy nhiên, cuối cùng, anh ta đã không thể cạnh tranh với đề nghị của Hall dành cho tờ tạp chí.

Nhưng khi tôi tới Trạm Căn cứ trong vai trò một thành viên của nhóm Adventure Consultants chứ không phải của đoàn thám hiểm Mountains Madness, Scott không hề tỏ ra ác cảm với tôi. Khi tôi xuống trại của anh ấy để thăm, anh rót cho tôi một tách cà phê, vòng tay qua vai tôi và dường như vui mừng thật tình khi gặp tôi.

* * *

Mặc dù thế giới hiện đại cũng để lại nhiều dấu tích trên Trạm Căn cứ, chúng tôi vẫn ý thức được rằng mình đang ở độ cao gần 5km trên mực nước biển. Đi bộ đến chiếc lều bừa bộn vào giờ ăn khiến tôi khó thở trong nhiều phút. Nếu tôi đứng dậy quá nhanh, đầu tôi quay cuồng và có cảm giác chóng mặt. Chứng ho dữ dội và gắt cổ mà tôi mắc phải tại Lobuje ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Tôi bị khó ngủ, một triệu chứng thường gặp của chứng bệnh độ cao. Mỗi tối tôi thức dậy từ ba đến bốn lần thở gấp, có cảm giác như mình đang bị ngạt thở. Các vết xước rất lâu lành. Tôi không còn cảm thấy ngon miệng và hệ tiêu hóa của tôi, vốn phải cần nhiều oxy để chuyển hóa thức ăn, đã không thể tiêu hóa nổi những thứ tôi đã bắt mình phải ăn. Thay vào đó, cơ thể tôi bắt đầu lấy chất bổ từ chính nó. Dần dần tay chân tôi đã bắt đầu teo lại như một cây gậy.

Một số đồng đội của tôi thậm chí còn ăn ít hơn tôi trong điều kiện thiếu không khí và môi trường kém vệ sinh ở đây. Andy, Mike, Caroline, Lou, Stuart và John phải chịu chứng rối loạn tiêu hóa khiến họ phải liên tục đi vệ sinh. Helen và Doug bị những cơn đau đầu kinh khủng. Theo như Doug mô tả lại cho tôi: “Tôi có cảm giác như ai đó vừa mới đóng một chiếc đinh giữa hai mắt tôi”.

Đây là lần thứ hai Doug leo lên ngọn Everest cùng với Hall. Năm trước Rob đã buộc anh ta và ba khách hàng khác phải trở xuống khi chỉ còn cách đỉnh núi 101 mét bởi vì thời gian đã trễ và đỉnh núi bị chôn vùi dưới một lớp tuyết dày và không ổn định. “Đỉnh núi đã ở rất gần”, Doug nhớ lại với nụ cười tiếc nuối. “Tin tôi đi, không có ngày nào mà tôi không nhớ tới chuyện đó”. Năm nay, Hall đã thuyết phục được Doug quay trở lại. Hall cảm thấy rất tiếc khi Doug đã không thể lên tới đỉnh núi và đã giảm phí đáng kể để thuyết phục anh ta thử một lần nữa.

Trong số các khách hàng leo núi cùng với tôi, chỉ có Doug là đã từng leo núi nhiều chuyến mà không có hướng dẫn viên chuyên nghiệp; mặc dù không phải là một tay leo núi xuất sắc nhưng với mười lăm năm kinh nghiệm, Doug có thể tự mình xoay xở trên các ngọn núi cao. Nếu cho rằng sẽ có người nào đó trong đoàn thám hiểm của chúng tôi lên tới đỉnh núi, tôi tin đó sẽ là Doug: anh ta khỏe mạnh, nhiều khát vọng và anh ta đã từng leo lên cao trên ngọn Everest.

Chưa tới hai tháng là đến sinh nhật lần thứ 47 và đã ly dị được mười bảy năm, Doug kể cho tôi nghe anh ta đã từng có mối quan hệ với nhiều phụ nữ. Nhưng tất cả họ cuối cùng cũng rời bỏ anh ta sau khi đã cố gắng “cạnh tranh với những ngọn núi để giành sự quan tâm của anh”. Vài tuần trước khi khởi hành đi Everest vào năm 1996, Doug đã gặp một phụ nữ trong khi đi thăm một người bạn tại Tucson, và họ đã yêu nhau. Trong một thời gian ngắn họ gửi rất nhiều fax cho nhau, và rồi bẵng đi một thời gian Doug không nhận được tin tức gì nữa. “Tôi nghĩ cô ấy đã nhận ra vấn đề và đã đá đít tôi. Cô ấy thật sự rất dễ thương. Tôi đã thật sự nghĩ rằng lần này mọi chuyện sẽ tốt đẹp”, Doug thở dài, trông có vẻ chán nản.

Cuối buổi chiều hôm đó, Doug đến lều của tôi, tay vẫy một bức fax mới nhận và nói: “Karen Marie nói cô ấy sắp chuyển đến sống ở Seattle. Chà! Chuyện này nghiêm túc đây. Tốt hơn hết là tôi nên chinh phục đỉnh Everest và quên nó đi trước khi cô ấy đổi ý”.

Ngoài việc liên lạc với một người phụ nữ mới trong đời mình, Doug dành thời gian còn lại tại Trạm Căn cứ để viết bưu thiếp cho các học sinh trường tiểu học Sunrise, một trường công lập tại Kent, Washington. Các em đã bán áo thun để gây quỹ cho chuyến leo núi này của anh. Doug cho tôi xem nhiều tấm bưu thiếp: “Một số người có những ước mơ lớn, một số người có những ước mơ nhỏ”. Anh ta chỉ bút vào cô gái tên là Vanessa và nói: “Dù cho bạn có giấc mơ như thế nào đi nữa, điều quan trọng chính là bạn không bao giờ ngừng mơ ước”.

Doug thậm chí còn dành thời gian nhiều hơn nữa để viết fax cho hai con đã lớn của anh– Angie,19 tuổi và Jaime, 27 tuổi. Doug đã một mình nuôi dưỡng chúng, Anh ta ở trong một chiếc lều kế tôi và mỗi khi có fax của Angie đến, Doug lại đọc cho tôi nghe và tươi cười. Anh ta nói: “Anh nghĩ xem, một người như tôi vậy mà cũng có thể nuôi nấng nên người những đứa trẻ tuyệt vời như vậy”.

Trong khi đó, tôi rất ít viết bưu thiếp và gửi fax cho mọi người. Thay vào đó tôi dành phần lớn thời gian của mình tại Trạm Căn cứ để nghiền ngẫm xem tôi sẽ làm thế nào khi ở trên cao hơn của ngọn núi, đặc biệt trong khu vực được gọi là Vùng Chết ở độ cao trên 7.620m. Tôi đã dành nhiều thời gian cho việc học kĩ thuật leo núi đá và núi băng hơn hầu hết các khách leo núi và nhiều hướng dẫn viên. Nhưng sự thành thạo kĩ thuật gần như chẳng là gì cả trên ngọn Everest, và tôi có ít kinh nghiệm ở trên cao hơn so với hầu hết các nhà leo núi khác. Và thật ra, ở Trạm Căn cứ này, tôi đang ở trên cao hơn so với tất cả những nơi khác tôi đã từng đến trong đời mình.

Việc này dường như không làm Hall lo lắng. Hall giải thích sau bảy chuyến thám hiểm Everest, anh ấy đã lập ra một kế hoạch thích nghi đặc biệt hiệu quả; nó sẽ giúp chúng tôi thích nghi với sự thiếu oxy trong khí quyển. (Tại Trạm Căn cứ lượng oxy chỉ xấp xỉ bằng một nửa so với tại mực nước biển, và lên đến đỉnh núi chỉ còn lại một phần ba). Khi phải chống chọi với việc gia tăng độ cao, cơ thể con người thích nghi bằng nhiều cách: từ việc thở gấp, thay đổi độ pH trong máu, cho tới việc gia tăng nhanh chóng số lượng hồng cầu có chứa oxy– một quá trình thay đổi phải mất hàng tuần lễ để hoàn tất.

Tuy nhiên, Hall nhấn mạnh rằng chỉ sau ba lần leo lên Trạm Căn cứ, mỗi lần leo lên cao thêm 610 mét cơ thể chúng ta sẽ thích nghi đủ để cho phép di chuyển an toàn lên đỉnh núi cao 8.848m. Khi tôi thú nhận những lo lắng của mình, Hall đảm bảo với tôi bằng một nụ cười: “Anh bạn à, cho tới nay nó đã có hiệu quả ba mươi chín lần rồi. Và một vài gã leo tới đỉnh cùng tôi trước đây cũng đều lo lắng như anh thôi”.