Tan Biến: Hồi Ký Về Thảm Hoạ Everest - Chương 06: TRẠM CĂN CỨ NÚI EVEREST

NGÀY 12 THÁNG 4 NĂM 1996

5.364 MÉT

Vận động viên leo núi càng đối mặt với khó khăn và thách thức bao nhiêu thì sau đó anh ta càng thoải mái, dễ chịu bấy nhiêu khi vượt qua được những áp lực ấy. Những nguy cơ mà anh ta phải đối mặt chỉ đơn thuần giúp tăng thêm nhận thức và khả năng hoạt động. Và có lẽ đây chính là cơ chế mới của tất cả các môn thể thao mạo hiểm: bạn chủ động nâng mức nỗ lực và sự tập trung của bản thân nhằm loại bỏ những điều tầm thường ra khỏi tâm trí bạn. Nó là một mô hình thu nhỏ cho cuộc sống nhưng có sự khác biệt: không giống như cuộc sống thường ngày của bạn, khi bạn có thể sửa chữa được sai lầm và có thể tìm kiếm được một thỏa hiệp nào đấy, trong leo núi, các hành động của bạn– dù chỉ diễn ra trong tích tắc đi nữa– cũng nguy hiểm chết người.

A. Alvarez

Chúa tể hoang dã:

Một nghiên cứu về sự tự vẫn

Leo lên ngọn Everest là một quá trình lâu dài và gian khổ; nó giống như một dự án xây dựng khổng lồ hơn là việc leo núi mà tôi biết trước đây. Có 26 người Sherpa trong đội của Hall và việc cung cấp thức ăn, chỗ ở và chăm sóc sức khỏe cho mọi người ở độ cao 5.364m và cách con đường gần nhất 160km đi bộ hoàn toàn không phải là một việc đơn giản. Tuy nhiên Hall là một “sĩ quan hậu cần” không ai sánh kịp và anh ấy thích thách thức này. Tại Trạm Căn cứ, anh ta miệt mài nghiên cứu rất nhiều giấy tờ in từ máy vi tính mô tả kỹ lưỡng mọi việc: thực đơn, phụ tùng , dụng cụ, thuốc men, máy móc thông tin liên lạc, lịch chuyên chở hàng hóa, số bò yak có sẵn. Có tố chất của một kỹ sư nên Rob rất yêu thích máy móc, thiết bị, và đồ dùng điện tử; anh dành thời gian rảnh của mình không ngừng mày mò hệ thống điện mặc trời hoặc đọc lại các bài báo của tờ Popular Science (Khoa học Phổ thông).

Theo truyền thống của George Leigh Mallory và hầu hết các nhà leo núi Everest khác, chiến lược của Hall là “bao vây” ngọn núi. Những người Sherpa sẽ dần dần thiết lập một loạt bốn trại phía trên Trạm Căn cứ– trại này ở cao hơn trại kia xấp xỉ 610m– bằng cách mang những chuyến hàng cồng kềnh lương thực, nhiên liệu để nấu nướng và oxy từ trại này lên trại khác cho tới khi mọi thứ cần thiết đều được dự trữ đầy đủ ở độ cao 7.925m trên Đèo Nam. Nếu mọi thứ đều diễn ra theo đúng như kế hoạch tuyệt vời của Hall, cuộc chinh phục đỉnh núi của chúng tôi sẽ bắt đầu từ trại cao nhất này– Trại Bốn– sau một tháng nữa.

Vì là khách leo núi nên chúng tôi không phải tham gia vào việc vận chuyển hàng hóa16, nhưng chúng tôi cũng phải thực tập đi lên cao phía trên Trạm Căn cứ vài lần trước chuyến chinh phục đỉnh núi nhằm làm cho cơ thể thích nghi với độ cao. Rob thông báo rằng chuyến đầu tiên sẽ diễn ra trong ngày 13 tháng 4 – một chuyến đi lên Trại Một, nằm cheo leo ở đỉnh cao nhất của Thác băng Khumbu, cao hơn Trạm Căn cứ 800m, rồi quay về ngay trong ngày.

[←16]

Ngay từ những cuộc leo núi Everest đầu tiên, hầu hết các đoàn thám hiểm– thương mại cũng như phi thương mại– đã nhờ những người Sherpa mang hàng hóa lên núi. Là những khách leo núi trong một số chuyến đi có người hướng dẫn, chúng tôi không hề mang hàng hóa ngoại trừ một số lượng nhỏ các đồ dùng cá nhân và xét về mặt này chúng tôi khác xa những đoàn thám hiểm thời xa xưa.

Chúng tôi dành trọn ngày 12-4, đúng sinh nhật lần thứ 42 của tôi, để chuẩn bị các dụng cụ leo núi. Trại bỗng trở thành một buổi hội trợ khi chúng tôi bày biện đồ đạc của mình ra giữa các tảng đá để sắp xếp quần áo, điều chỉnh dây an toàn, đeo các dây cột, và gắn các đế đinh (crampon) vào giày của mình. Crampon là một hệ thống các đinh nhọn bằng thép dài khoảng 5cm được gắn vào đế giày để tạo độ bám trên băng). Tôi ngạc nhiên và lo lắng khi thấy Beck, Stuart và Lou lấu những đôi giày leo núi mới ra mà theo họ thú nhận là chưa mang chúng lần nào. Tôi tự hỏi liệu họ có biết những rủi ro và họ sẽ gặp phải khi lên ngọn Everest với những đôi giày chưa được thử trước: hai mươi năm trước tôi đã thực hiện một cuộc thám hiểm với đôi giày mới và đã có một bài học đắt giá là những đôi giày leo núi cứng và nặng có thể gây ra những vết thương nghiêm trọng ở chân nếu chúng chưa được mang trước đó một thời gian.

Stuart, một bác sĩ chuyên khoa tim trẻ tuổi người Canada, phát hiện ra rằng những chiếc đế đinh của anh ta thậm chí còn không vừa với đôi giày mới. May mắn thay, sau khi sử dụng bộ đồ nghệ đồ sộ của mình cùng với sự khéo léo vốn có, Rob đã xoay xở ghép vào một chiếc đai đặc biệt giúp cho những đế đinh này dính vào đôi giày của Stuart.

Khi tôi bỏ đồ vào ba lô cho ngày hôm sau, tôi nhận ra một điều là do những ràng buộc gia đình và sự nghiệp nên rất ít thành viên trong đoàn leo núi của tôi có cơ hội leo núi quá hai lần trong năm rồi. Mặc dù dường như hầu hết mọi người đều có thể hình tuyệt vời, hoàn cảnh đã buộc họ phải tập luyện chủ yếu trên hệ thống StairMasters và các thiết bị tập luyện khác thay vì trên các đỉnh núi thực sự. Điều này khiến tôi ngập ngừng. Điều kiện thể lực là một phần rất quan trọng trong leo núi, nhưng vẫn còn yếu tố khác cũng quan trọng không kém, mà lại không thể tập luyện được trong phòng thể dục.

Nhưng có lẽ tôi chỉ đang tỏ ra hiểu biết hơn người khác. Tôi tự trách mình như thế. Dù sao đi nữa, rõ ràng là tất cả các bạn của tôi đều hăm hở trèo lên ngọn núi vào sáng hôm sau như tôi.

Con đường lên núi của chúng tôi sẽ đi theo Sông băng Khumbu lên nửa thấp của ngọn núi. Từ bergschrund17 ở độ cao 7.010m đánh dấu phần phía trên của con sông, con sông băng khổng lồ này chảy 4km xuống một thung lũng tương đối thoai thoải phía dưới được gọi là Thung lũng Tây (Western Cwm). Khi con sông băng chảy qua các mô và trũng trong các tầng bên dưới của Thung lũng, nó nứt ra thành vô số khe nứt thẳng đứng– đó chính là các khe băng. Một số khe băng này có thể bước qua dễ dàng; một số khác rộng đến 24m, sâu cả trăm mét, và dài gần một km. Những khe băng lớn có thể sẽ là những thử thách khó khăn cho chuyến leo núi của chúng tôi, và khi ẩn mình dưới tuyết chúng sẽ mang đến những rủi ro nghiêm trọng, nhưng các thử thách của những khe vực nằm ở Sông băng này nhiều năm qua được xem là có thể phòng tránh và xử lý được. –

[←17]

Bergschrund là thuật ngữ chỉ một vết nứt sâu xác định điểm tận cùng phía trên của một sông băng. Nó xảy ra do sông băng trượt khỏi các vách dốc ở ngay phía trên, tạo ra một kẽ hở lớn giữa sông băng và núi đá.

Trong khi đó Thác băng lại là một câu chuyện khác. Những người leo núi không sợ nơi đâu trên con đường Đèo Nam bằng nó. Ở độ cao khoảng 6.096m, nơi mà con sông băng bắt đầu từ phần thấp của Thung lũng, nó đột ngột chảy xuống một vách đá dựng đứng. Đó chính là Thác băng Khumbu khét tiếng, là nơi đòi hỏi kỹ thuật nhất trên suốt lộ trình của chúng tôi.

Người ta đã đo và thấy rằng chuyển động của con sông băng trong Thác băng khoảng từ 1m đến 1.2m mỗi ngày. Khi nó trượt xuống dưới địa hình không đều và dốc đứng từng đợt một, khối băng vỡ ra từng mảnh thành những tảng khổng lồ gọi là serac, một số to như bằng một tòa nhà văn phòng. Bởi vì con đường leo núi len lỏi bên dưới, vòng qua, và ở giữa hàng trăm những tháp băng không ổn định này, mỗi chuyến đi qua Thác băng giống như một cuộc chơi rulet Nga18: không sớm thì muộn, một tảng serac nào đó sẽ rơi xuống bất thình lình, và bạn chỉ có thể hi vọng mình không đứng phía dưới khi nó đổ. Kể từ năm 1963, khi một đồng đội của Hornbein và Unsoeld có tên là Jack Breitenbach nát thây dưới một tảng serac bị lở và trở thành nạn nhân đầu tiên của Thác băng, mười tám người leo núi khác đã chết tại nơi này.

[←18]

Một trò thách đố của một số quý tộc Nga, được đặt cược bằng chính sinh mạng– bỏ một viên đạn vào súng lục ổ quay, xoay rồi bóp cò. Xác suất trúng đạn là 1/6(ND).

Mùa đông năm ngoái, cũng giống như các mùa đông trước, Hall đã bàn bạc với trưởng đoàn của các đoàn thám hiểm đang dự tính sẽ leo núi Everest vào mùa xuân, và họ đã đồng ý với nhau rằng sẽ có một nhóm chịu trách nhiệm thiết lập và duy trì một tuyến đường đi qua Thác băng. Vì sự nguy hiểm trong công việc này, mỗi đoàn leo núi còn lại sẽ phải trả cho nhóm đó 2.200 đô la. Trong những năm đây, phương pháp hợp tác này đã được gần như tất cả mọi người chấp nhận, nhưng mọi việc không phải lúc nào cũng vậy.

Lần đầu tiên một đoàn thám hiểm nảy ra ý nghĩ sẽ thu phí của một đoàn khác đi qua quăng băng này là vào năm 1988, khi một nhóm người Mỹ được tài trợ rủng rỉnh tuyên bố rằng bất kỳ đoàn thám hiểm nào muốn đi theo con đường họ đã thiết lập trên Thác băng sẽ phải trả một khoản 2.000 đô la. Một số đoàn thám hiểm trong năm đó, không thể hiểu được rằng Everest không còn đơn thuần là một ngọn núi nữa mà là một thứ hàng hóa, đã điên tiết lên. Và sự phản đối gay gắt nhất là từ Rob Hall, người đang dẫn đầu một nhóm nhỏ ít tiền người New Zealand.

Hall bắt bẻ rằng người Mỹ đang “vi phạm tinh thần của việc leo núi” và đang thực hiện một kiểu tống tiền đáng xấu hổ, nhưng Jim Frush, một luật sư cứng rắn đứng đầu nhóm người Mỹ này vẫn không lay chuyển. Hall cuối cùng đã miễn cưỡng đồng ý trả tiền cho Frush và được phép đi qua Thác băng. (Frush sau đó cho biết Hall chưa bao giờ trả các khoản nợ không xác định thời hạn của mình cả).

Tuy nhiên trong vòng hai năm, Hall đã hoàn toàn thay đổi ý kiến và bắt đầu cân nhắc đến việc tính phí cho con đường đi qua Thác băng. Thật ra, từ năm 1993 đến năm 1995, anh đã xung phong mở đường và tự mình thu phí. Mùa xuân năm 1996, anh quyết định không chịu trách nhiệm về Thác băng nữa, nhưng đã vui vẻ trả tiền cho lãnh đạo một đoàn thám hiểm thương mại19 đối thủ– một tay leo núi từng trải trên ngọn Everest người Scotland tên là Mal Duff– để họ đảm nhận công việc này. Từ lâu trước khi tôi đến Trạm Căn cứ, một nhóm những người Sherpa do Duff thuê đã làm một con đường ngoằn ngoèo qua những tảng serac, giăng gần 2km dây thừng và lắp đặt khoảng sáu mươi chiếc thang nhôm trên các mặt nứt của con sông băng. Những chiếc thang này là của một người Sherpa có óc kinh doanh tại ngôi làng Goral Shep; ông này kiếm được một khoản lợi nhuận khá từ việc cho thuê những chiếc thang vào mỗi mùa leo núi.

[←19]

Mặc dù tôi sử dụng từ “thương mại” để chỉ bất kỳ đoàn thám hiểm nào được tổ chức nhằm kiếm tiền, nhưng không phải đoàn thám hiểm thương mại nào cũng có người hướng dẫn. Chẳng hạn, Mal Duff– vốn chỉ thu khách hàng của mình một khoản phí ít hơn rất nhiều so với 65.000 đô la mà Hall và Fischer yêu cầu– cung cấp trưởng đoàn và những thứ cần thiết để leo lên ngọn Everest (như lương thực, lều trại, bình oxy, dây cố định, các nhân viên hỗ trợ người Sherpa, v.v.) nhưng lại không có người hướng dẫn: người leo núi trong nhóm của anh ta được xem là đã có những kỹ năng cần thiết để tự mình leo lên và xuống ngọn Everest an toàn.

Vào 4 giờ 45 sáng ngày Chủ nhật 14 tháng 4, tôi thấy mình đang ở dưới chân của Thác băng huyền thoại đó, móc đôi đế đinh vào giày trong không khí u ám giá lạnh ngay trước bình minh.

Những vận động viên leo núi nhiều kinh nghiệm nào đã sống sót qua các nguy hiểm thường khuyên những tay leo núi trẻ tuổi rằng muốn sống sót thì phải lắng nghe cẩn thận những “tiếng nói từ bên trong của mình”. Có nhiều giai thoại kể về những nhà leo núi đã quyết định nằm yên trong chiếc túi ngủ của mình sau khi cảm thấy vài điềm gở và nhờ đó họ đã sống sót qua những trận lở tuyết, vốn sau đó đã cướp đi sinh mạng của những người không để ý đến các điềm báo.

Tôi không nghi ngờ giá trị tiềm tàng của việc chú ý đến những cảm nhận trong tiềm thức. Khi tôi đợi Rob dẫn đường, băng dưới chân tôi là một loạt những tiếng nứt lớn, giống như những cái cây nhỏ bị bẻ gãy làm đôi, và tôi cảm thấy chính mình sợ hãi trước từng tiếng kêu và tiếng ầm ầm từ những tầng sâu đang chuyển động của con sông băng. Vấn đề là tiếng nói bên trong của tôi giống như của Chicken Little20: nó đang thét lên rằng tôi sắp sửa chết, nhưng nó lại cứ thét lên như vậy mỗi khi tôi nhấc chân lên. Do đó tôi cố gắng hết sức mình để phớt lờ sự tưởng tượng đó và dứt khoát bước theo Rob vào trong một mê cung xanh thẳm kỳ quái.

[←20]

Một chú gà trong truyện cùng tên, bị một quả sồi rơi trúng đầu và hoảng hốt thông báo cho cả ngôi làng rằng bầu trời sắp sập xuống (ND).

Mặc dù tôi chưa từng đến thác băng nào dễ sợ như Thác băng Khumbu, nhưng tôi cũng đã leo nhiều thác băng khác. Thông thường chúng có những khoảng dốc đứng hoặc nhô ra đòi hỏi phải có sự thuần thục đáng kể trong việc sử dụng rìu phá băng và đế đinh. Thác băng Khumbu không thiếu những vách băng dốc nhưng tất cả đã được lắp thang hoặc dây thừng hoặc cả hai khiến cho các dụng cụ và kỹ thuật leo núi truyền thống trở nên thừa thãi.

Tôi sớm nhận ra rằng trên ngọn Everest ngay cả dây thừng– một phương tiện quan trọng đối với người leo núi– cũng không được dùng theo cách truyền thống. Thông thường, một người leo núi sẽ được cột vào một hay hai người khác bằng một đoạn dây thừng dài khoảng bốn mươi sáu mét; điều này làm cho mỗi người phải chịu trách nhiệm trực tiếp với mạng sống của những người khác. Leo bằng dây thừng như vậy là một việc làm rất nghiêm túc và rất thân tình. Tuy vậy trên Thác băng này vì những lý do đặc biệt chúng tôi phải leo độc lập mà không được nối với người khác theo bất kỳ cách nào.

Những người Sherpa của Mal Duff đã lắp một dãy dây cố định trải dài từ chân cho đến đỉnh Thác băng. Gắn vào thắt lưng tôi là một đoạn dây an toàn dài một mét có carabiner (snap-link)21 ở một đầu. Để an toàn, tôi không được nối mình với một đồng đội khác, mà thay vào đó là móc sợi dây an toàn của mình vào dãy dây thừng cố định và trượt nó lên từ từ. Leo núi theo cách này, chúng tôi có thể di chuyển nhanh nhất qua những phần nguy hiểm nhất của Thác băng, và chúng tôi cũng sẽ không phải phó thác sinh mạng của mình vào một người đồng đội mà mình không biết rõ kỹ năng và kinh nghiệm của anh ta. Và hóa ra trong suốt chuyến thám hiểm tôi chẳng thấy có lý do nào để nối mình vào một người leo núi khác

[←21]

Móc hình chữ D có khóa hay lưỡi gà ở miệng (ND).

Nếu Thác băng chỉ đòi hỏi một ít kỹ thuật leo núi chính thống, nó lại yêu cầu một loạt các kĩ năng mới– chẳng hạn như khả năng đi nhón chân bằng giày leo núi và đế đinh ngang qua ba chiếc thang lắc lư được buộc chặt ở hai đầu, bắc qua một khe nứt rất sâu. Có nhiều lối đi như vậy và tôi chưa bao giờ làm quen với chúng.

Một lần kia, vào chạng vạng trước lúc bình minh, tôi đang giữ thăng bằng trên một chiếc thang chông chênh, bước chậm chạp từ bậc thang này sang bậc thang khác, thì bỗng nhiên khối băng trụ đỡ chiếc thang ở cả hai đầu bắt đầu rung lên như thể có động đất. Một lát sau có tiếng kêu lớn khi một tảng serac lớn ở đâu đó ngay phía trên đổ xuống. Tôi thấy ớn lạnh, sợ chết khiếp; nhưng tảng băng lở rơi cách phía bên trái tôi 45 mét mà không gây ra bất cứ thiệt hại nào. Đợi vài phút để lấy lại bình tĩnh, tôi tiếp tục con đường kinh khủng của mình để đi qua đầu bên kia chiếc thang.

Tình trạng này thay đổi liên tục và đôi khi dữ dội của con sông băng khiến việc băng qua những chiếc thang trở nên bất trắc. Khi con sông chuyển động, các khe băng đôi khi thu hẹp lại, làm chiếc thang cong đi như những cây tăm xỉa răng; những khi khác các khe băng có thể rộng ra khiến cho chiếc thang lủng lẳng trên không trung, chỉ được giữ hờ với hai đầu được đóng vào băng cứng. Các cọc neo22 cố định thang và dây thừng thường xuyên bị lỏng ra khi mặt trời buổi trưa đốt nóng băng tuyết bao quanh chúng. Mặc dù được bảo trì hàng ngày, mối nguy hiểm vẫn thật sự tồn tại khi một sợi dây thừng nào đó sẽ có thể tuột ra dưới sức nặng của cơ thể.

[←22]

Những cọc nhỏ bằng nhôm dài gần 80cm được sử dụng để cố định dây thừng và thang vào các con dốc đầy tuyết. Nếu địa hình là băng đá cứng, một loại “vít tuyết” được dùng đến. Những con “vít tuyết” này rỗng, có ren, và dài đến 25cm để có thể gắn sâu vào trong băng tuyết cứng.

Nhưng nếu như Thác băng đòi hỏi sự cố gắng lớn và mang đến nỗi kinh sợ, nó cũng có sức quyến rũ đáng ngạc nhiên. Khi bình minh xóa tan bóng tối trên bầu trời, dòng sông băng lộ ra như một phong cảnh ba chiều với vẻ đẹp mờ ảo. Nhiệt độ là -140C. Những chiếc đế đinh của tôi cắm chắc vào bề mặt con sông băng. Theo những dãy dây cố định, tôi đi ngoằn nghèo qua một mê cung thẳng đứng những măng đá kết tinh màu xanh. Các trụ đá gần như thẳng đứng đầy băng đâm ra từ cả hai rìa của sông băng, vươn lên như hai vai của một vị ác thần. Bị mê hoặc bởi cảnh quan xung quanh và do làm việc căng thẳng, tôi say sưa trong cái thú leo núi, và một hoặc hai giờ tôi thật sự quên mất nỗi sợ hãi.

Còn cách khoảng ba phần tư đoạn đường đến Trại Một, trong một lần ngừng lại nghỉ ngơi, Hall nhận xét rằng chưa bao giờ anh thấy tình trạng của Thác băng tốt như lần này: “Mùa này đường rộng còn hơn xa lộ nữa”. Nhưng chỉ cao hơn một chút ở độ cao 5.791m, những sợi dây thừng đưa chúng tôi lên đáy của một tảng serac khổng lồ, nằm chông chênh nguy hiểm. Đồ sộ như một tòa nhà mười hai tầng, nó hiện ra thù lù trên đầu chúng tôi, nghiêng một góc 300 so với phương thẳng đứng. Con đường tiếp tục bằng một lối đi hẹp tự nhiên đột ngột vút lên phía bề mặt nhô ra: chúng tôi sẽ phải leo lên và ngang qua toàn bộ chiếc tháp để thoát khỏi trọng lượng đáng sợ của nó.

Tôi hiểu rằng sự an toàn phụ thuộc vào tốc độ. Tôi leo lên một chỗ an toàn trên đỉnh của tảng serac với tất cả sự nhanh nhẹn mà tôi có được, nhưng vì cơ thể của tôi chưa thích nghi lắm nên tốc độ nhanh nhất của tôi cũng chẳng nhanh hơn khi tôi bò. Cứ sau bốn hay năm bước tôi lại phải dừng lại, tựa vào dây thừng và thở hổn hển trong không khí loãng và cay hơn đang làm cho phổi tôi khô đi.

Tôi leo lên đỉnh của tảng serac mà nó không sập xuống, và ngồi xuống trên đỉnh bằng phẳng của nó không kịp thở, tim tôi đập mạnh như một chiếc búa trong lò rèn. Một lát sau, khoảng 8 giờ 30 sáng, tôi lên đến đỉnh của chính Thác băng, ngay phía trên tảng serac cuối cùng. Tuy nhiên sự an toàn tại Trại Một không đem lại nhiều yên bình trong tâm trí: tôi không thể không nghĩ đến phiến đá nghiêng báo điềm gở ngay phía dưới, cũng như viễn cảnh tôi sẽ phải băng qua bên dưới những tảng băng khổng lồ lung lay đó ít nhất bảy lần nữa nếu tôi muốn lên tới đỉnh Everest. Tôi cho rằng những người leo núi nào chê bai nơi này chỉ là một con đường dành cho bò hẳn là chưa từng bao giờ vượt qua được Thác băng Khumbu.

Trước khi rời lều, Rob đã giải thích rằng chúng tôi sẽ phải quay trở lại vào đúng 10 giờ sáng, cho dù một số người trong chúng tôi chưa lên được tới Trại Một, để trở về Trạm Căn cứ trước khi mặt trời buổi trưa khiến cho Thác băng càng bất ổn hơn. Vào đúng thời hạn đã hẹn chỉ có Rob, Frank Fischbeck, John Taske, Doug Hansen và tôi là đến được Trại Một; Yasuko Namba, Stuart Hutchinson, Beck Weathers, và Lou Kasischke, dưới sự hướng dẫn của Mike Groom và Andy Harris, còn cách trại 61 mét khi Rob dùng bộ đàm gọi mọi người quay lại.

Lần đầu tiên chúng tôi được thấy nhau thực sự leo núi và có thể đánh giá tốt hơn các thế mạnh và điểm yếu của những người đồng đội mà mỗi chúng tôi sẽ phải phụ thuộc vào trong những tuần tới. Doug và John – 56 tuổi, là những người lớn tuổi nhất trong nhóm – trông đều rất rắn chắc. Nhưng Frank, một chủ báo phong nhã và ăn nói nhỏ nhẹ, là người gây ấn tượng mạnh nhất: anh ta chứng tỏ được những hiểu biết có được từ ba cuộc leo núi Everest trước đây. Frank khởi đầu một cách chậm rãi nhưng duy trì tốc độ ổn định khi di chuyển; khi tới đỉnh Thác băng, anh ta lặng lẽ vượt qua hầu hết mọi người, và anh ta dường như không bao giờ thở gấp.

Trái ngược hẳn, Stuart– người trẻ nhất và dường như khỏe mạnh nhất toàn đội– đã đi đầu nhóm khi rời trại, nhưng không lâu sau đã sớm kiệt sức, và khi lên tới đỉnh của Thác băng thì lại rất vất vả phía cuối đoàn. Lou, do bị thương ở cơ chân ngay từ ngày đầu đi bộ lên Trạm Căn cứ nên tỏ ra chậm chạp, nhưng trông anh rất thành thạo. Trái lại Beck và đặc biệt là Yasuko trông có vẻ thiếu khả năng leo núi.

Đã vài lần cả Beck và Yasuko dường như sắp rơi khỏi thang và lao thẳng xuống khe băng, và Yasuko dường như chẳng hề biết sử dụng các đế đinh23.Andy , người đã chứng tỏ mình là một giáo viên có năng khiếu tự nhiên và là một hướng dẫn viên trẻ tuổi, đã được phân công leo với những người chậm nhất ở phía sau. Anh đã dành trọn buổi sáng để huấn luyện cho Yasuko những kỹ thuật leo núi băng căn bản.

[←23]

Mặc dù trước đây Yasuko đã từng sử dụng đế đinh trong các cuộc leo núi Aconcagua, McKinley, Elbrus, và Vinson, nhưng không có cuộc leo núi nào trong số này liên quan nhiều (nếu có) đến việc leo núi băng: địa hình của các dãy núi trên hầu như gồm toàn dốc băng tương đối thoai thoải hay các sườn núi đầy sỏi.

Bất chấp nhiều hạn chế khác nhau của nhóm chúng tôi, tại đỉnh của Thác băng, Rob tuyên bố anh hài lòng với những gì chúng tôi đã thể hiện. “Trong lần đầu tiên lên phía trên Trạm Căn cứ như vậy, tất cả các bạn đã làm rất tốt. Tôi nghĩ chúng ta đã làm rất tốt trong năm nay”, anh tuyên bố như một người cha đầy tự hào.

Phải mất hơn một giờ đồng hồ để chúng tôi leo trở xuống Trạm Căn cứ. Khi còn cách lều vài trăm mét, tôi tháo đôi đế đinh khỏi giày. Ánh nắng mặt trời khi ấy dường như muốn khoan thủng đầu tôi. Vài phút sau, khi đang tán gẫu với Helen và Chhongba trong ngôi lều bừa bộn, tôi bỗng bị nhức đầu dữ dội. Tôi chưa bao giờ trải qua thứ gì giống vậy: đau nhức dữ dội hai bên thái dương– những cơn đau mãnh liệt đến nỗi kèm theo những cơn rùng mình buồn nôn và khiến tôi không thể nói được những câu mạch lạc. Lo sợ rằng mình đã mắc phải một chứng đột quỵ nào đó, tôi lui khỏi cuộc nói chuyện dang dở, chui vào trong túi ngủ của mình và kéo mũ che mắt lại.

Cơn đau đầu có những triệu chứng của chứng đau nửa đầu, và tôi không biết được thứ gì đã gây ra nó. Tôi cho rằng nguyên nhân là do độ cao, bởi vì tôi không bị đau đầu cho tới khi trở lại Trạm Căn cứ. Cũng có thể đó là phản ứng trước bức xạ tử ngoại ghê gớm như đốt cháy võng mạc của tôi và nung chín đầu tôi. Dù nguyên nhân là gì đi nữa, cơn đau diễn ra cực kỳ dữ dội và không hề suy giảm. Trong năm giờ sau đó tôi nằm trong lều cố gắng tránh bất kỳ kích thích nhạy cảm nào. Nếu mở mắt ra hoặc thậm chí chỉ di chuyển mắt qua lại trong khi nhắm mắt, tôi đều cảm thấy đau điếng người. Vào lúc hoàng hôn, không thể chịu được cơn đau, tôi loạng choạng đến lều y tế tìm Caroline – bác sĩ của đoàn thám hiểm – nhờ giúp đỡ.

Cô ấy cho tôi một liều thuốc giảm đau mạnh và bảo tôi uống một chút nước, nhưng sau vại ngụm tôi ộc số thuốc, nước và những thứ còn sót lại của bữa trưa ra ngoài. “Chà”, Caro trầm ngâm, quan sát những thứ tôi ói ra bắn tung tóe lên giày: “Tôi nghĩ chúng ta nên thử biện pháp khác”. Tôi được yêu cầu ngậm một viên thuốc dưới lưỡi để chống ói và sau đó uống thêm hai viên codeine. Một giờ sau đó, cơn đau bắt đầu giảm; mừng đến phát khóc, tôi chìm dần vào giấc ngủ.

* * *

Đang nằm lơ mơ trong giấc ngủ của mình, nhìn mặt trời buổi sáng phủ bóng lên vách lều của mình, tôi bỗng nghe Helen là lên: “Jon! Có điện thoại! Linda gọi!”. Tôi dựng dậy, với lấy đôi giày xăngđan, chạy hộc tốc tới lều thông tin liên lạc cách đó gần năm mươi mét và chụp lấy ống nghe khi vẫn còn đang thở gấp.

Nguyên bộ máy điện thoại và fax vệ tinh không lớn hơn nhiều lắm so với chiếc máy tính xách tay. Các cuộc gọi rất đắt– khoảng năm đô la một phút– và không phải lúc nào tín hiệu cũng rõ, nhưng việc vợ tôi có thể quay mười ba con số tại Seattle và nói chuyện với tôi trên ngọn Everest làm tôi sửng sốt. Mặc dù cuộc gọi là một niềm an ủi lớn, nhưng sự nhẫn nhịn trong giọng nói của cô ấy thì không lẫn vào đâu được thậm chí từ phần xa của quả địa cầu. Cô ấy quả quyết với tôi: “Em vẫn ổn nhưng em muốn anh có mặt ở đây”.

Mười tám ngày trước đó cô ấy đã bật khóc khi đưa tôi ra máy bay để tới Nepal. Cô ấy kể lại rằng: “Lái xe về nhà từ sân bay, em đã không thể ngừng khóc. Tạm biệt anh là một trong những điều đau buồn nhất mà em đã thực hiện. Em đoán em đã biết là trong một chừng mực nào đó anh có thể sẽ không trở về, và điều đó có vẻ thật vô giá trị. Thật là vô nghĩa và ngu ngốc”.

Chúng tôi đã cưới nhau được mười lăm năm rưỡi. Trong tuần lễ đầu tiên khi tôi kể với Linda về việc leo núi, chúng tôi đã phải đến gặp thẩm phán hòa giải để giúp làm dịu căng thẳng giữa chúng tôi. Lúc đó tôi 26 tuổi và mới trước đó đã quyết định từ bỏ leo núi và sống một cuộc sống nghiêm túc.

* * *

Khi đã gặp Linda lần đầu, chính cô ấy cũng đã là một nhà leo núi – và là một nhà leo núi rất tài năng – nhưng cô ấy đã quyết định chấm dứt việc leo núi sau khi bị gãy tay, bị thương ở lưng và từ lúc ấy Linda thường chỉ trích về những rủi ro tiềm tàng của môn thể thao này. Linda chưa bao giờ nghĩ đến việc yêu cầu tôi từ bỏ môn thể thao này, nhưng việc tôi tuyên bố có ý định từ bỏ nó đã giúp cô ấy quyết định lấy tôi. Tuy nhiên tôi đã không trân trọng niềm khát khao leo núi trong tâm hồn mình hoặc mục đích mà nó đã mang lại cho cuộc sống thiếu định hướng của mình. Tôi không dự đoán được khoảng trống lớn lao khi không có nó. Trong vòng một năm tôi đã lén lấy dây thừng leo núi của mình ra khỏi kho và trở lại với những núi đá. Đến năm 1984, khi tôi đến Thụy Sĩ để leo lên ngọn núi khét tiếng và nguy hiểm trên dãy Alps có tên là Eiger Nordwand, Linda và tôi gần như sắp chia tay và nguyên nhân chính vẫn là việc leo núi của tôi.

Mối quan hệ của chúng tôi tiếp tục chênh vênh trong hai hoặc ba năm sau nữa sau khi tôi thất bại trong việc chinh phục ngọn Eiger, nhưng nhờ đó mà cuộc hôn nhân đã qua được giai đoạn khó khăn này. Linda đã bắt đầu chấp nhận việc leo núi của tôi: cô ấy thấy rằng nó là một phần quan trọng trong con người tôi. Cô ấy hiểu rằng leo núi là cách thể hiện cần thiết một khía cạnh lạ lùng và không thể thay đổi được trong tính cách của tôi. Và rồi, giữa lúc mối quan hệ này mới trở lại bình thường, tạp chí Outside xác nhận rằng họ sẽ gửi tôi tới Everest.

Lúc đầu tôi giả vờ rằng tôi sẽ đi đến đó với tư cách là một nhà báo hơn là một nhà leo núi– rằng tôi chấp nhận chuyến đi bởi vì đề tài thương mại hóa ngọn Everest khá hấp dẫn và khoản thù lao cho bài viết khá tốt. Tôi giải thích với Linda và với bất kỳ ai tỏ ra nghi ngờ về khả năng leo lên dãy Himalaya của tôi rằng tôi không có ý định leo thật cao lên ngọn núi. Tôi khẳng định: “Tôi chỉ leo lên cao hơn Trạm Căn cứ một chút. Chỉ để có được cảm giác ở trên cao như thế nào”.

Tất nhiên, điều này thật là nhảm nhí. Căn cứ vào quãng thời gian của cuộc hành trình và khoảng thời gian tôi phải bỏ ra để chuẩn bị cho nó, tôi có thể kiếm được nhiều tiền nếu ở lại nhà và đảm nhận những công việc viết lách khác. Tôi đồng ý thực hiện chuyến đi này bởi vì tôi bị vẻ thần bí của ngọn Everest lôi cuốn.Thật ra chinh phục đỉnh Everest là giấc mơ cháy bỏng nhất trong cuộc đời tôi. Từ thời điểm tôi đồng ý tới Nepal, ý định của tôi là sẽ leo lên cao từng chút một và chỉ dừng lại khi đôi chân và hai lá phổi của tôi không còn đủ sức chịu đựng nữa mà thôi.

Khi Linda chở tôi ra sân bay, cô ấy đã cảm nhận được sự quanh co của tôi từ lâu. Cô áy hiểu được niềm khao khát mãnh liệt của tôi và điều này làm cô ấy lo lắng. Linda cố phân tích với tôi trong sự thất vọng và giận dữ lẫn lộn: “Nếu anh có chuyện gì, thì không phải chỉ có anh phải trả giá; như anh biết đấy, em cũng sẽ phải day dứt trong suốt phần đời còn lại của mình. Anh có nghĩ đến chuyện ấy không?”.

“Anh sẽ trở về mà. Đừng cường điệu hóa mọi chuyện như thế”, tôi đáp lại.