Tan Biến: Hồi Ký Về Thảm Hoạ Everest - Chương 07: TRẠI MỘT

NGÀY 13 THÁNG 4 NĂM 1996

5.944 MÉT

Nhưng đối với một số người, những thách thức không thể vượt qua được lại có sức hấp dẫn đặc biệt. Thông thường, họ không phải là những người chuyên nghiệp, thế nhưng tham vọng và khả năng tưởng tượng của họ đủ lớn để có thể gạt đi hết những hồ nghi mà những người cẩn trọng hơn có thể có. Lòng quyết tâm và sự tin tưởng là vũ khí mạnh mẽ nhất của họ. Nhìn một cách tích cực nhất, những người này được coi như những người lập dị, còn tiêu cực nhất thì đây là những người điên…

Đỉnh Everest đã thu hút nhiều người như vậy. Kinh nghiệm leo núi của họ rất đa dạng từ không có gì đến có chút ít– tất nhiên không ai trong số họ có loại kinh nghiệm cần thiết để biến việc chinh phục đỉnh Everest thành một mục tiêu hợp lý. Nhưng ba thứ mà họ có chúng là: sự tin tưởng ở bản thân, lòng quyết tâm và sức chịu đựng cao độ.

Walt Unsworth

Everest

Tôi lớn lên với một tham vọng và một quyết tâm mà nếu không có chúng thì tôi đã hạnh phúc hơn rất nhiều. Tôi đã suy nghĩ nhiều và có được cái nhìn xa xăm của một người mơ mộng, bởi lẽ tôi bị mê hoặc bởi những ngọn núi cao xa xôi kia và chính chúng đã kéo tâm hồn tôi tới gần chúng hơn. Tôi không chắc là mình sẽ đạt được gì nếu chỉ nhờ vào lòng kiên trì, nhưng mục tiêu được đặt ra rất cao và mỗi lần thất bại chỉ làm cho tôi thêm quyết tâm để đạt được ít nhất một trong những giấc mơ lớn của mình

Earl Denman

Một mình đến ngọn Everest

Mùa xuân năm 1996, những dốc núi Everest không thiếu những kẻ mơ mộng; khả năng của nhiều kẻ đến để chinh phục ngọn núi cũng kém cỏi như tôi, hoặc thậm chí còn tệ hơn. Khi có điều kiện để mỗi người tự đánh giá khả năng của mình và so sánh khả năng đó với những thách thức ghê gớm của ngọn núi cao nhất thế giới thì đôi khi có vẻ như một nửa số người ở Trạm Căn cứ mắc chứng hoang tưởng. Nhưng có lẽ điều này không phải là một bất ngờ. Everest vẫn luôn thu hút những kẻ gàn dở, những người tìm kiếm sự nổi tiếng, những chuyện tình lãng mạn vô vọng và cả những kẻ dễ dao động trước thực tế.

Vào tháng 3 năm 1947, một kỹ sư nghèo xơ xác người Canada tên là Earl Denman đã đến Darjeeling và tuyên bố ý định leo lên ngọn Everest, bất chấp sự thật rằng anh có ít kinh nghiệm leo núi và không có giấy phép chính thức để vào Tây Tạng. Bằng cách nào đó anh đã thuyết phục được hai người Sherpa là Ang Dawa và Tenzing Norgay đi cùng mình.

Tenzing– người sau này sẽ cùng với Hillary thực hiện cuộc leo núi đầu tiên lên ngọn Everest– đã từ Nepal di cư đến Darjeeling vào năm 1933 lúc 17 tuổi. Có một đoàn thám hiểm do nhà leo núi kiệt xuất người Anh tên là Eric Shipton lãnh đạo sẽ khởi hành chinh phục Everest mùa xuân năm ấy. Anh hy vọng sẽ được đoàn này thuê. Năm đó anh chàng thanh niên Sherpa đầy háo hức đó không được chọn, nhưng anh vẫn ở lại Ấn Độ và được Shipton thuê trong cuộc thám hiểm Everest của người Anh năm 1935. Vào thời điểm đồng ý đi cùng Denman vào năm 1947, Tenzing đã từng lên ngọn núi vĩ đại này ba lần. Về sau Tenzing thừa nhận rằng mình đã biết từ đầu kế hoạch của Denman là điên rồ, nhưng ông cũng bất lực không chống lại nổi sức cuốn hút của ngọn Everest:

Mọi thứ đều phi lý. Thứ nhất là, chúng tôi thậm chí có thể không vào được Tây Tạng. Thứ hai, nếu chúng tôi vào được chúng tôi có thể bị bắt; là những người dẫn đường của ông ấy, chúng tôi cũng như Denman, có thể gặp rắc rối nghiêm trọng. Thứ ba, tôi không hề tin rằng một đội như thế này có thể có thể leo lên được đỉnh núi cho dù có đến được ngọn núi. Thứ tư, chuyến leo núi sẽ hết sức nguy hiểm. Thứ năm, Denman không có đủ tiền trả cho chúng tôi hay bảo đảm một khoản tiền kha khá cho vợ con chúng tôi trong trường hợp xảy ra sự cố. Và còn nhiều điều nữa. Bất cứ người nào có đầu óc minh mẫn sẽ đều từ chối. Nhưng tôi không thể từ chối. Vì trong thâm tâm tôi cần phải đi, và sức hấp dẫn của Everest đối với tôi mạnh mẽ hơn bất kỳ thứ gì khác trên trái đất này. Ang Dawa và tôi nói chuyện trong vài phút và rồi quyết định. Tôi nói với Denman: “Được, chúng tôi sẽ thử”.

Khi đoàn thám hiểm băng qua Tây Tạng hướng tới Everest, hai người Sherpa dần dà cảm thấy thích và nể người đàn ông Canada này. Mặc dù anh ta còn thiếu kinh nghiệm, nhưng họ ngưỡng mộ sự can đảm và sức khỏe của anh. Và Denman, xứng đáng với sự ngưỡng mộ mà hai người Sherpa dành cho mình, sau cùng cũng chấp nhận hạn chế của mình khi đến sườn núi và thấy hiện thực đang trừng mắt chằm chằm vào anh ta. Bị một cơn bão tấn công ở độ cao 6.705m, Denman tuyên bố thất bại, và 3 người quay lại, trở về Darjeeling an toàn chỉ năm tuần sau khi khởi hành.

Mười ba năm trước Denman, một người Anh theo chủ nghĩa duy tâm và có tư tưởng tiêu cực tên Maurice Wilson đã không có được cái may mắn đó khi thử mạo hiểm leo núi giống như vậy. Với khao khát giúp đỡ đồng loại của mình, Wilson kết luận rằng bằng cách leo lên ngọn Everest, ông ta có thể phổ biến đức tin của mình rằng vô số bất hạnh của loài người có thể được cứu rỗi bởi sự kết hợp giữa việc ăn chay và lòng tin vào sức mạnh của Thượng đế. Ông âm thầm lên kế hoạch lái một phi cơ nhỏ đến Tây Tạng, hạ cánh bừa xuống một sườn núi Everest, và tiến lên đỉnh Everest. Sự thiếu hiểu biết về leo núi hay trò bay lượn không làm cho Wilson nao núng.

Wilson mua một chiếc Gypsy Moth có cánh làm bằng vải, đặt tên là Ever Wrest24, và học những kiến thức cơ bản về điều khiển máy bay. Sau đó ông ta dành ra năm tuần trên những ngọn đồi thấp Snowdonia và khu vực English Lake để học những điều mà ông cho là cần thiết đối với việc leo núi. Và sau đó, đến tháng 5 năm 1933, ông cất cánh trên chiếc phi cơ nhỏ và bắt đầu hành trình bay đến Everest qua tuyến Cairo, Tehran và Ấn Độ.

Vào thời gian này, Wilson đã được báo chí khá chú ý. Ông bay tới Purtabpore, Ấn Độ, nhưng do không được chính phủ Nepal cho phép bay qua nước này, Wilson quyết định bán chiếc phi cơ với giá 500 bảng Anh và đi bằng đường bộ đến Darjeeling. Nhưng khi đến nơi, một lần nữa Wilson được thông báo rằng ông không được phép vào Tây Tạng. Điều này cũng không cản trở nổi Wilson. Tháng 3 năm 1934 ông thuê ba người Sherpa, tự mình cải trang thành một nhà sư, bất chấp nhà chức trách Raj, lén lút đi bộ 480km xuyên rừng Sikkim và cao nguyên Tây Tạng. Đến ngày 14 tháng 4, ông đã đến chân núi Everest.

Đi bộ trên những tảng băng trải đầy đá của Sông băng Rongbuk, lúc đầu Wilson có cuộc hành trình suôn sẻ, nhưng do thiếu kinh nghiệm di chuyển trên những con sông băng, ông liên tục bị lạc đường, trở nên chán nản và kiệt sức. Tuy nhiên ông không chịu bỏ cuộc.

Đến giữa tháng 5, ông đã đến được đầu con Sông băng Rongbuk ở độ cao 6.400m. Tại đó, ông lấy được nguồn dự trữ lương thực và dụng cụ mà đoàn thám hiểm thất bại năm 1933 của Eric Shipton đã cất giấu. Từ nơi đó Wilson bắt đầu leo lên sườn núi hướng đến Đèo Bắc, lên được độ cao 6.918m trước khi gặp một vách băng đứng không thể vượt qua buộc ông phải quay về nơi trú ẩn của Shipton. Và dĩ nhiên ông vẫn chưa bỏ cuộc. Ngày 28 tháng 5 ông viết trong nhật ký: “Tôi sẽ cố gắng lại lần chót. Lần này, tôi đã mơ hồ cảm nhận được hương vị của thành công”. Và sau đó ông leo lên ngọn núi một lần nữa.

Một năm sau khi Shipton trở lại Everest, đoàn thám hiểm của ông tình cờ gặp thi thể đã đóng băng của Wilson nằm trong lớp tuyết tại chân Đèo Bắc. “Sau một hồi thảo luận chúng tôi quyết định mai táng ông trong một khe băng”, Charles Warren, một trong những người leo núi tìm thấy thi thể viết. “Lúc đó chúng tôi ngả mũ và tôi nghĩ rằng mọi người khá buồn vì việc này.

Tôi nghĩ mình đã quen với cảnh người chết, nhưng dù sao đi nữa, trong hoàn cảnh như vậy, bi kịch của ông ấy dường như khiến chúng tôi cảm thấy bang khuâng nhớ nhà vì xét cho cùng ông ấy cũng thực hiện những điều chúng tôi đang làm”.

* * *

Sự xuất hiện ngày càng nhiều sau này của những Wilson và Denman– những kẻ mơ mộng không đủ năng lực giống như những người trong đoàn chúng tôi– trên Everest là một hiện tượng bị phê bình mạnh mẽ. Nhưng vấn đề ai xứng đáng chinh phục Everest còn ai thì không phức tạp hơn nhiều so với người ta nghĩ. Việc một nhà leo núi đã trả một khoản tiền lớn để tham gia đoàn thám hiểm có người hướng dẫn không có nghĩa rằng thành viên ấy thiếu khả năng để chinh phục ngọn núi. Quả thực, có ít nhất hai đoàn thám hiểm Everest thương mại vào mùa xuân năm 1996 bao gồm những thành viên dày dạn kinh nghiệm trên dãy Himalaya, ngay cả khi xét theo những chuẩn mực khắt khe nhất.

Ngày 13 tháng 4, khi tôi đang đứng ở Trại Một để chờ những đồng đội của mình nhập nhóm trên đỉnh Thác băng, hai nhà leo núi thuộc đội Mountain Madness của Scott Fischer đi qua tôi với tốc độ ấn tượng. Một người là Klev Schoening, một nhà thầu xây dựng 38 tuổi đến từ Seattle, cựu thành viên của đội trượt tuyết Mỹ, mặc dù cực khỏe mạnh nhưng trước đó chỉ có chút ít kinh nghiệm trên núi cao. Tuy nhiên, đi cùng là chú của anh ta– Pete Schoening– một huyền thoại sống của dãy Himalaya.

Pete mặc một bộ đồ GoreTex sờn và bạc phếch. Ông sắp bước sang tuổi 69, là một người khỏe mạnh, hơi gù, mới trở lại với những ngọn núi của dãy Himalaya sau một thời gian dài biệt tăm. Vào những năm 1958 ông đã làm nên lịch sử khi đóng vai trò động lực chính cho cuộc chinh phục đỉnh Hidden lần đầu tiên, một ngọn núi cao 8.068m của dãy Karakoram ở Pakistan; đó là cuộc leo núi cao nhất lần đầu tiên của người Mỹ. Tuy nhiên, Pete thậm chí còn nổi tiếng hơn khi là người hùng trong cuộc thám hiểm thất bại lên đỉnh K2 vào năm 1953, cùng năm Hillary và Tenzing chinh phục thành công đỉnh Everest.

Đoàn tám người của Shoening bị kẹt lại trong một trận bão tuyết hung bạo ở cao trên đỉnh K2, khi một thành viên trong đoàn tên là Art Gilkey bị mắc chứng nghẽn tĩnh mạch do máu vón cục (thrombophlebitis) nguy hiểm chết người gây ra bởi độ cao. Thấy rằng phải đưa Gilkey xuống ngay lập tức mới có hy vọng cứu được anh ta, Schoening và những người khác đưa Gilkey xuống Triền Abruzzi dốc đứng trong khi cơn bão vẫn đang hoành hành. Ở độ cao 7.620m, một người leo núi tên là George Bell đã trượt chân và kéo theo 4 người khác. Theo phản xạ Schoening cuốn sợi dây thừng vòng vào vai và rìu leo núi, một mình anh xoay sở để giữ Gilkey và đồng thời hãm 5 người đang tuột dốc lại mà không để chính mình bị kéo bật khỏi ngọn núi. Một trong những kì công lạ thường trong lịch sử leo núi và được biết đến mãi sau này với tên gọi Cú Belay25.

Và bây giờ Pete Schoeing được dẫn lên núi Everest bởi Fischer và hai hướng dẫn viên của anh– Neal Beidleman và Anatoli Boukreev. Khi tôi hỏi Beidleman, một tay leo núi khỏe đến từ Colorado, cảm giác như thế nào khi hướng dẫn một khách hàng tầm cỡ như Schoening, anh ta nhanh chóng chỉnh tôi với giọng cười không tán thành: “Người như tôi không thể “hướng dẫn” Pete Schoening. Tôi chỉ thấy vinh dự khi ở cùng một đội với ông ấy”. Schoening đã ký hợp đồng với nhóm của Fischer không phải vì ông ta cần hướng dẫn để leo lên được đỉnh núi mà là để tránh những phức tạp lớn trong việc lo giấy phép, bình oxy, lều trại,đồ dự phòng, sự giúp đỡ của người Sherpa và những công tác hậu cần khác.

Vài phút sau khi Pete và Klev Schoening leo qua, hướng tới. Trại Một, Charlotte Fox, một đồng đội của họ xuất hiện. Fox là một người phụ nữ đẹp và sôi nổi 38 tuổi. Cô là dân trượt tuyết đến từ Aspen, Colorado, trước đây đã chinh phục hai đỉnh 8.000m: đỉnh Gasherbrum II ở Pakistan với độ cao 8.034m và đỉnh ChoOyu bên cạnh núi Everest có độ cao 8.153m. Sau đó tôi gặp một thành viên của đoàn thám hiểm thương mại của Mal Duff, một người Phần Lan 28 tuổi tên là Veikka Gustafsson vốn đã từng leo lên các ngọn núi trên dãy Himalaya như Everest, Dhaulagiri, Makalu, và Lhotse.

Nếu so sánh thì không có thành viên nào trong đội của Hall từng lên đến độ cao 8.000m. Nếu ai đó như Pete Schoening giống như một ngôi sao bóng chày của một giải lớn thì tôi và các đồng đội của mình chỉ là một đám cầu thủ khố rách áo ôm chơi bóng mềm ở một thị trấn khá nhỏ, đã phải đút lót để được thi đấu tại giải ngoại hạng. Tuy nhiên, trên đỉnh của Thác băng, Hall gọi chúng tôi là “một nhóm khỏe mạnh”. Và có lẽ chúng tôi quả thực khỏe mạnh so với nhóm khách hàng mà Hall đã hướng dẫn lên núi trong những năm trước. Tuy vậy, đối với tôi, rõ ràng là không ai trong số chúng tôi, những người thuộc đội của Hall, có khả năng leo lên đỉnh Everest mà không cần sự giúp đỡ đáng kể từ Hall, người hướng dẫn và nhân viên người Sherpa của anh ta.

Tuy vậy, mặt khác nhóm chúng tôi cũng giỏi hơn nhiều nhóm khác trên núi. Có vài tay leo núi với khả năng kém cỏi trong đoàn thám hiểm thương mại do một người Anh dẫn đầu; người này vốn không có thành tích gì nổi bật trên dãy Himalaya. Nhưng thật ra những người kém cỏi nhất trên Everest không phải là khách hàng được hướng dẫn, mà là thành viên của các đoàn thám hiểm phi thương mại, được tổ chức theo kiểu truyền thống.

Khi đang quay trở lại Trạm Căn cứ theo đường đi qua phía thấp của Thác băng, tôi vượt qua hai người leo núi mặc những bộ trang phục và thiết bị lạ thường. Tôi gần như ngay lập tức chắc chắn rằng họ không quen với những dụng cụ và kỹ thuật tiêu chuẩn dành cho việc di chuyển trên băng. Người leo phía sau liên tục vấp đế đinh và trượt ngã. Chờ họ băng qua một khe băng được bắc cầu bằng hai chiếc thang ọp ẹp nối đầu với nhau, tôi phát hoảng khi thấy họ băng qua cùng nhau, gần như sát gót nhau – một hành động hết sức nguy hiểm. Qua một vài trao đổi khó khăn và lúng túng với những ngưởi ở bờ bên kia của khe băng, tôi mới vỡ lẽ họ là thành viên của một đoàn thám hiểm Đài Loan.

Tiếng tăm của người Đài Loan đến Everest trước họ. Vào mùa xuân 1995, một đội tương tự đã tới Alaska để chinh phục ngọn McKinley như đợt diễn tập cuối cùng chuẩn bị cho cuộc thử sức với Everest vào năm 1996. Chín thành viên leo lên đến đỉnh nhưng bảy người trong số họ mắc kẹt trong một cơn bão khi quay trở xuống, lạc đường và phải trải qua một đêm ngoài trời ở độ cao 5.913m, sau đó cần đến một cuộc cứu hộ tốn kém, nguy hiểm của Dịch vụ Công viên Quốc gia26.

Theo lời kêu gọi của các nhân viên quản lý công viên, Alex Lowe và Conrad Anker, hai trong số những nhà leo núi kinh nghiệm nhất của Mỹ, đã ngừng cuộc leo núi của họ và vội vã leo lên từ độ cao 4.389m để giúp đỡ những nhà leo núi người Đài Loan đang ở trong tình trạng nguy kịch. Đối mặt với khó khăn lớn và sự nguy hiểm nghiêm trọng đến tính mạng, Lowe và Anker mỗi người kéo một người Đài Loan từ độ cao 5.913m xuống 5.242m, tại đây trực thăng có thể sơ tán họ khỏi núi. Mọi người kể rằng năm thành viên của đoàn Đài Loan – hai người bị bỏng lạnh nặng và một người đã chết – được bốc khỏi McKinley bằng trực thăng. Anker nói:

“Chỉ có một người chết. Nhưng nếu Alex và tôi không đến kịp lúc, hai người khác chắc cũng đã chết. Trước đó chúng tôi đã để ý đến đoàn Đài Loan bởi vì họ có vẻ kém cỏi. Bởi thế chẳng có gì ngạc nhiên khi họ gặp rắc rối”.

Người dẫn đầu đoàn thám hiểm, Gau Ming Ho – một nhiếp ảnh gia tự do vui tính tự gọi mình là “Makalu” sau khi lên được một đỉnh núi trên dãy Himalaya mang tên Makalu – bị kiệt sức và bỏng lạnh, phải được hai hướng dẫn viên người Alaska trợ giúp xuống núi. Anker thuật lại: “Khi những người Alaska đưa anh ta xuống, Makalu gào lên với mọi người đi qua rằng ‘Thắng lợi! Thắng lợi! Chúng ta đã chinh phục đỉnh núi!’ như thể là không có tai họa nào xảy ra cả. Vâng, chàng công tử bột Makalu đó khiến tôi cảm thấy khó hiểu”. Khi những người sống sót trong trận băng tan ở McKinley xuất hiện ở mạn Nam của núi Everest (phía Nepal) năm 1996, Makalu vẫn là người dẫn đầu.

Sự hiện diện của những người Đài Loan trên Everest là một vấn đề nghiêm trọng đối với hầu hết những đoàn thám hiểm khác trên núi. Tồn tại một mối lo sợ có căn cứ rằng những người Đài Loan sẽ bị một tai nạn khác buộc những đoàn khác đến cứu giúp, nguy hiểm tính mạng cho thêm nhiều người nữa, chưa nói gì đến việc ngăn trở cơ hội chinh phục đỉnh núi của những người leo núi khác. Nhưng những người Đài Loan dường như không phải là nhóm duy nhất thiếu khả năng, cắm trại bên cạnh chúng tôi tại Trạm Căn cứ là nhà leo núi người Na Uy tên Petter Neby 25 tuổi, người đã tuyên bố ý định một mình chinh phục Mặt Tây Nam27, một trong những lộ trình đòi hỏi kỹ thuật cao và nguy hiểm nhất – cho dù sự thật là kinh nghiệm của anh về dãy Himalaya chỉ là hai lần leo đỉnh Island (Island Peak), một cái gò cao 6.180m nằm trên một triền phụ của ngọn Lhotse, chẳng đòi hỏi gì mấy về kỹ thuật ngoài việc cật lực đi bộ.

Ngoài ra còn có đoàn Nam Phi. Được tài trợ bởi một tờ báo lớn, tờ Johannesburg Sunday Times, đội của họ mang niềm tự hào dân tộc và đã nhận được lời chúc phúc từ đích thân Tổng thống Nelson Mandela trước lúc xuất phát. Họ là đoàn Nam Phi đầu tiên được cấp phép leo lên Everest, một nhóm đa chủng tộc khao khát đưa người da đen đầu tiên lên đỉnh núi. Dẫn đầu nhóm thám hiểm là Ian Woodall, một người đàn ông 39 tuổi, ba hoa, luôn thêm thắt khi kể về thành tích dũng cảm của mình khi còn là biệt kích hoạt động ở địch hậu trong suốt cuộc xung đột tàn bạo và kéo dài với Angola trong những năm 1980.

Woodall đã tuyển được ba nhà leo núi khỏe nhất của Nam Phi để làm nòng cốt cho đội anh ta: Andy de Klerk, Andy Hackland, và Edmund February. Thành phần đoàn leo núi gồm hai màu da có ý nghĩa đặc biệt với February, một nhà cổ sinh thái học da đen 40 tuổi có giọng nói nhẹ nhàng và là một nhà leo núi nổi tiếng toàn thế giới. Anh giải thích: “Cha mẹ đặt tên tôi theo tên ngài Edmund Hillary. Leo núi Everest đã là giấc mơ của tôi từ khi còn rất trẻ. Nhưng đặc biệt hơn, tôi thấy đoàn thám hiểm còn là biểu tượng của một quốc gia non trẻ đang cố gắng đoàn kết toàn dân và hướng tới một nền dân chủ, cố gắng đứng lên từ quá khứ. Tôi lớn lên trong xiềng xích của nạn phân biệt chủng tộc (apartheid) và tôi đặc biệt chua xót về nó. Nhưng giờ đây chúng tôi là một quốc gia mới. Tôi vững tin vào con đường đất nước tôi đã lựa chọn. Việc cho mọi người thấy rằng người Nam Phi chúng tôi có thể cùng nhau chinh phục đỉnh Everest, da trắng và da đen cùng ở trên đỉnh núi, thật là vĩ đại”.

Cả quốc gia đứng sau lưng đoàn thám hiểm. De Klerk nói: “Woodall đề xuất dự án này vào một thời điểm thật tình cờ. Với sự chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc, người Nam Phi cuối cùng được phép đi bất cứ đâu họ muốn, và đội thể thao của chúng tôi cũng có thể thi đấu khắp thế giới. Nam Phi đã giành được cúp thế giới môn bóng bầu dục. Cả nước đang trong tâm trạng phấn khởi và tự hào. Vì thế khi Woodall đề xuất lập một đoàn Nam Phi chinh phục đỉnh Everest, mọi người đều ủng hộ và tài trợ đến hàng trăm ngàn đô la mà không thắc mắc gì nhiều”.

Ngoài Woodall, ba thành viên nam, một nhà leo núi và nhiếp ảnh gia người Anh tên Bruce Herrod, Woodall muốn có thêm một phụ nữ vào đoàn, vì thế trước khi rời Nam Phi anh ta mời sáu ứng viên nữ tham gia cuộc chinh phục Kilimanjaro cao 5.895 m, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật nhưng người tham gia cần có thể lực tốt. Kết luận sau hai tuần thử thách, Woodall tuyên bố đã chọn được hai người cuối cùng: Cathy O’Dowd, 26 tuổi, giảng viên ngành báo chí người da trắng với kinh nghiệm leo núi ít ỏi, cha của cô là giám đốc của Anglo American, công ty lớn nhất của Nam Phi; và Deshun Deysel, 25 tuổi, một giáo viên giáo dục thể chất người da đen chẳng có kinh nghiệm leo núi nào trước đó cả, lớn lên ở một thành phố chủ yếu là người da đen. Woodall nói, cả hai người phụ nữ sẽ cùng đến Trạm Căn cứ và anh ta sẽ chọn ra một người tiếp tục leo lên đỉnh Everest sau khi đã đánh giá thành tích của họ trong cuộc hành trình.

Vào ngày 1 tháng 4, ngày thứ hai trong cuộc hành trình của tôi về Trạm Căn cứ, tôi ngạc nhiên khi tình cờ gặp February, Hackland và de Klerk trên đường mòn dưới Namche Bazaar, đi xa khỏi núi hướng về Kathmandu. De Klerk, một người bạn của tôi, cho biết rằng ba nhà leo núi người Nam Phi và bác sĩ của đội Charlotte Noble đã từ bỏ đoàn ngay trước khi đến chân núi. De Klerk giải thích: “Trưởng đoàn Woodall hóa ra là một tên đểu. Một tên độc tài, bảo thủ. Và bạn không thể tin tưởng hắn – chúng tôi không biết lúc nào hắn nói nhảm hay nói thật. Chúng tôi không muốn giao mạng sống vào tay một gã như thế. Vì vậy chúng tôi bỏ đi”.

Woodall đã tuyên bố với de Klerk và những người khác rằng anh ta đã từng leo khắp dãy Himalaya, bao gồm cả việc leo lên tới độ cao 7.925m. Thật ra, tất cả kinh nghiệm leo núi Himalaya của Woodall chỉ là việc tham gia vào hai cuộc hành trình không thành công với tư cách là khách hàng trả tiền dưới sự hướng dẫn của Mal Duff: Vào năm 1989 Woodall không thể leo lên tới đỉnh Island tầm thường, và năm 1990 Woodall bị đẩy lui ở độ cao 6.492m tại Annapurna, còn cách đỉnh núi hơn l,5km theo chiều thẳng đứng.

Ngoài ra, trước khi khởi hành đi Everest, Woodall đã huênh hoang trên trang web của đoàn về sự nghiệp quân sự nổi bật của anh ta: thăng tiến qua các cấp bậc trong quân đội Anh, trở thành chỉ huy Đơn vị Viễn thám Vùng núi, một đơn vị được huấn luyện chủ yếu trên dãy Himalaya. Woodall nói với tờ Sunday Times rằng anh ta đã từng làm người huấn luyện cho Học viện Quân sự Hoàng gia ở Sandhust. Sự thực là chẳng hề có cái gọi là Đơn vị Viễn thám Vùng núi của Quân đội Anh và Woodall chưa bao giờ phục vụ trong quân đội với vai trò là người huấn luyện ở Sandhurst cả. Anh ta cũng chưa từng chiến đấu ở địch hậu tại Angola. Theo như lời của người phát ngôn cho quân đội Anh, Woodall phục vụ với vị trí là một viên chức được trả lương.

Woodall cũng nói dối về những người mà anh ta ghi tên trong giấy cấp phép leo núi Everest 28 do Bộ Du lịch Nepal cấp. Ngay từ đầu anh ta đã nói rằng cả Cathy O’Dowd và Deshun Deysel đều có tên trong giấy phép và quyết định cuối cùng về việc người phụ nữ được mời tham gia đội leo núi sẽ được công bố ở Trạm Căn cứ. Sau khi bắt đầu hành trình de Klerk phát hiện ra O’Dowd đã có tên trong giấy phép cùng với cha của Woodal, một ông già 69 tuổi, và một người Pháp tên là Tierry Renard (người đã đưa cho Woodall 35.000 đô la để được gia nhập vào đội), nhưng Desun Deysel – người da đen cuối cùng còn lại sau khi Ed February bỏ đi – thì không có tên trong danh sách. Điều này cho de Klerk biết rằng Woodall chưa bao giờ có ý định cho Deysel leo núi.

Một vụ việc càng đổ thêm dầu vào lửa là trước lúc rời Nam Phi, Woodall cảnh cáo de Klerk – người đã cưới một phụ nữ Mỹ và có hai quốc tịch – rằng de Klerk không được phép tham gia chuyến hành trình trừ phi đồng ý sử dụng hộ chiếu của Nam Phi để vào Nepal. De Klerk nhớ lại: “Hắn làm ầm ĩ về vụ đó bởi vì chúng tôi là đoàn chinh phục Everest đầu tiên và chỉ thế thôi. Nhưng hóa ra Woodall cũng không có hộ chiếu Nam Phi. Hắn thậm chí không phải là người Nam Phi – hắn là người Anh, và vào Nepal bằng hộ chiếu Anh”.

Những trò bịp bợm của Woodall trở thành vụ scandal quốc tế, được đưa lên trang bìa của các tờ báo trên toàn Khối Thịnh vượng chung của Vương quốc Anh. Khi những thông tin bất lợi này lọt đến tai anh ta, tay trưởng đoàn hoang tưởng này lạnh lùng quay lưng lại với những lời chỉ trích và cố gắng cô lập đội của mình khỏi các đoàn thám hiểm khác. Anh ta cũng không cho phóng viên tờ Sunday Times, Ken Vernon, và nhiếp ảnh gia Richard Shorey lại gần đoàn mặc dù Woodall đã ký hợp đồng trong đó có quy định để đổi lấy hỗ trợ tài chính từ tờ báo, hai phóng viên trên sẽ “được phép đi cùng đoàn vào mọi lúc” và việc không chấp hành điều khoản này “sẽ là một sự vi phạm hợp đồng”.

Ken Owen, tổng biên tập của tờ Sunday Times lúc đó cũng đang trên đường tới Trạm Căn cứ cùng với vợ. Ông cũng đang có chuyến nghỉ mát kết hợp đi núi, được sắp xếp cùng khoảng thời gian với chuyến thám hiểm Everest của đoàn Nam Phi; ông được cô bạn gái người Pháp của Woodall tên Alexandrine Guadin dẫn đường. Ở Pheriche, Owen biết được rằng Woodall đã “đá” phóng viên và nhiếp ảnh gia của anh. Hết sức kinh ngạc, Owen gửi một bức thư ngắn cho Woodall nói rằng tờ báo không có ý định rút Vernon và Shorey ra khỏi vụ việc, các phóng viên này đã được lệnh trở lại đoàn. Khi nhận được tin nhắn, Woodall giận dữ và vội vã từ Trạm Căn cứ đi xuống Pheriche để giải quyết vấn đề với Owen.

Theo lời Owen, trong cuộc đối mặt sau đó ông đã hỏi thẳng Woodall vấn đề tên của Deysel có nằm trong danh sách không. Woodal trả lời: “Đó không phải là việc của ông”.

Khi Owen ám chỉ rằng Deysel chỉ “đóng vai trò là một phụ nữ da đen làm bình phong cho cái tính chất Nam Phi giả mạo của đội”, Woodall đã hăm dọa giết cả hai vợ chồng Owen. Có một lúc gã trưởng đoàn bị ức chế đã tuyên bố: “Tao sẽ ngắt cái đầu chó chết của mày ra và nhét vào mông mày”.

Không lâu sau, phóng viên Ken Vernon đến Trạm Căn cứ ã của đoàn Nam Phi thì được “cô O’Dowd với gương mặt dữ dằn thông báo rằng anh không được chào đón tại trại”. Đây là vụ việc đầu tiên mà anh tường thuật qua máy fax vệ tinh của Rob Hall. Vernon sau đó viết trên tờ Sunday Times:

Tôi đã nói với cô ấy rằng cô ta không có quyền cấm tôi vào trại mà tờ báo của tôi đã tài trợ. Khi bị ép, O’Dowd nói chỉ làm theo “chỉ đạo” của ông Woodall. Cô ta nói rằng Shorey đã bị tống ra khỏi trại và tôi sẽ giống vậy vì sẽ không được cung cấp thức ăn và chỗ ở. Chân của tôi vẫn còn đang run sau chuyến đi bộ, và trước khi quyết định có nên đấu tranh với cái lệnh đó hay là bỏ đi, tôi xin một ly trà. Và câu trả lời là “đừng mơ”. Cô O’Dowd bước tới Ang Dorje, người Sherpa dẫn đường của đội và nói dõng dạc: “Đây là Ken Vernon, một trong những người chúng tôi đã nói với anh. Anh ta sẽ không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào ở đây”. Ang Dorje là một người vạm vỡ, rắn chắc như đá và chúng tôi đã từng uống chung vài ly Chang, một loại rượu địa phương cay nồng. Tôi nhìn anh ta và nói: “Ngay cả một tách trà cũng không được sao?”. Với uy tín của mình và sự hiếu khách truyền thống của người Sherpa, anh nhìn cô O’Dowd và nói: “Vớ vẩn”. Ang Dorje nắm lấy tay tôi, kéo vào căn lều bừa bộn, cho tôi một ca trà và một đĩa bánh quy.

Theo điều mà Owen mô tả lại là một “cuộc đấu khẩu sôi máu” với Woodall ở Pheriche, ngài tổng biên tập “tin…rằng không khí của cuộc hành trình đã rối loạn và nhân viên của tờ báo, Ken Vernon và Richard Shorey, có thể gặp nguy hiểm tới tính mạng”. Do đó, Owen chỉ thị cho Vernon và Shorey trở lại Nam Phi, và tờ báo ra tuyên bố hủy bỏ tài trợ cho đoàn thám hiểm.

Vì Woodall đã nhận được tiền của tờ báo nên đây chỉ là hành động tượng trưng và hầu như chẳng ảnh hưởng gì đến việc chinh phục ngọn núi cả. Quả thực, Woodall chẳng từ chức trưởng đoàn thám hiểm hay có bất cứ thỏa hiệp nào, ngay cả sau khi nhận được thư của Tổng thống Mandela kêu gọi hòa giải vì lợi ích quốc gia. Woodall vẫn ngoan cố khẳng định rằng việc leo đỉnh Everest vẫn sẽ theo đúng kế hoạch với người chỉ huy là anh ta.

Quay trở lại Cape Town sau khi đoàn tan tác, February bày tỏ sự thất vọng: “Có lẽ tôi đã quá ngây thơ”, anh nói bằng giọng ngập ngừng đầy xúc động. “Nhưng tôi ghét lớn lên dưới chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Leo núi Everest với Andrew và những người khác lẽ ra đã là một biểu tượng tuyệt vời cho thấy chủ nghĩa kia đã sụp đổ. Woodall không quan tâm đến sự ra đời của một quốc gia mới. Hắn ta nắm trong tay giấc mơ của toàn thể dân tộc nhưng lại lợi dụng nó cho những mục đích ích kỷ của riêng hắn ta. Quyết định rời đoàn thám hiểm là quyết định khó khăn nhất trong đời tôi”.

Với sự ra đi của February, Hackland và de Klerk, không ai trong số những người còn lại của đoàn thám hiểm (ngoại trừ nhà leo núi người Phép Renard vốn tham gia vào đoàn thám hiểm chỉ để chờ nhận được giấy phép và anh ta đã leo núi độc lập cùng những người khác và người Sherpa của riêng mình) có được kinh nghiệm leo núi tối thiểu; ít nhất hai người trong số họ, theo như lời của de Klerk, “thậm chí còn không biết mang những đế đinh vào giày”.

Một người Na Uy leo núi một mình, những người Đài Loan và đặc biệt là đoàn Nam Phi là những chủ đề thảo thuận quen thuộc tại chiếc lều bừa bộn của Rob Hall. Rob nói với vẻ đăm chiêu lo lắng vào một buổi chiều cuối tháng Tư: “Với quá nhiều người kém kỹ năng như vậy trên núi, tôi nghĩ sẽ rất khó để chúng ta qua được mùa leo núi này mà không có điều gì xấu xảy ra phía trên cao kia”.