Tan Biến: Hồi Ký Về Thảm Hoạ Everest - Chương 08: TRẠI MỘT

16 THÁNG 4 NĂM 1996

6.553 MÉT

Tôi nghi ngờ nếu có ai đó nói rằng mình thích thú với cuộc sống trên cao – theo nghĩa thích thú thông thường. Đúng là người ta có thể tìm thấy một sự thỏa mãn tàn nhẫn khi tận lực leo lên, dù là rất chậm chạp; nhưng họ sẽ bắt buộc phải trải qua phần lớn thời gian trong sự dơ bẩn cực kỳ ở một trại trên núi, và chẳng có niềm an ủi nào. Hút thuốc thì không được, ăn uống thì chỉ làm cho người ta nôn ngược trở ra; yêu cầu giảm trọng lượng hành lý đến mức tối thiểu khiến cho người ta không đọc được bất cứ cuốn sách nào ngoài những nhãn hiệu trên các hộp đồ ăn; dầu cá mòi, sữa đặc và mật đường tràn lan đầy nơi cắm trại; trừ vài giây phút ngắn ngủi khi người ta không còn tâm trạng thẩm mỹ gì nữa, còn lại nơi đây không có gì có thể ngắm nhìn ngoài một đống hỗn độn, lộn xộn bên trong căn lều và khuôn mặt râu ria, nhăn nhó của người bạn đồng hành – may thay tiếng động của gió thường át đi hơi thở buồn tẻ của anh ta; tệ nhất là cái cảm giác hoàn toàn vô dụng và bất lực khi có tai nạn xảy ra. Tôi đã từng cố gắng tự an ủi chính mình bằng những suy nghĩ về cơ hội tham gia vào chuyến đi này cách đây một năm, khi đó, nó dường như là một giấc mơ xa vời của tôi; nhưng độ cao không chỉ tác động tệ hại đến cơ thể mà còn cả nhận thức của tôi: khả năng tư duy của tôi trở nên chậm chạp, và tôi chỉ có một ước muốn duy nhất là hoàn tất cái công việc khốn khổ này và xuống tới một vùng nào đó dễ chịu hơn.

Eric Shipton

Trên ngọn núi đó

Ngay trước bình minh Thứ ba, ngày 16 tháng 4, sau khi nghỉ ngơi được hai ngày tại Trạm Căn cứ, chúng tôi leo lên Thác băng, bắt đầu chuyến luyện tập thích nghi khí hậu thứ hai của mình. Trong khi lo lắng len lỏi đi qua con đường băng hỗn độn, tôi để ý thấy hơi thở của tôi không còn nặng nhọc như khi chúng tôi leo lên sông băng trong hành trình đầu tiên; cơ thể tôi đã bắt đầu thích nghi với độ cao. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy khiếp sợ khi nghĩ tới chuyện bị một tảng băng rơi đè bẹp.

Tôi cứ hy vọng rằng cái khối tuyết khổng lồ treo lơ lửng ở độ cao 5.791m – những người hay đùa trong đội của Fischer gọi nó là “Cái bẫy chuột” – giờ đã sập xuống, nhưng thật ra nó vẫn đứng chênh vênh ở đó, thậm chí trông cứ như ngày càng nghiêng ra xa hơn. Thế rồi một lần nữa tôi phớt lờ trái tim đang đập thình thịch trong lồng ngực, vội vã vượt qua cái bóng đầy đe dọa của “Cái bẫy chuột”, và thêm một lần nữa khi đến được đỉnh của khối serac khổng lồ, tôi quỳ xuống, hớp lấy hớp để không khí, run rẩy vì lượng adrenaline quá mức đang tan trong các tĩnh mạch của mình.

Không giống như đợt đầu, khi chúng tôi ở lại Trại Một chưa đầy một giờ đồng hồ trước khi quay lại Trạm Căn cứ, Rob đã dự tính cho chúng tôi nghỉ đêm tại đây vào Thứ ba và Thứ tư, sau đó tiếp tục đi đến Trại Hai nghỉ thêm ba đêm nữa trước khi leo trở xuống.

Vào 9 giờ sáng, khi tôi đến được khu vực Trại Một, Ang Dorje29 – thủ lĩnh nhóm Sherpa leo núi của chúng tôi30 – đang đào nền dựng lều cho chúng tôi trên sườn núi băng tuyết đông cứng. Mới 29 tuổi, Ang Dorje mảnh khảnh với nét thanh tú, nhạy cảm và hay ngại ngùng, nhưng anh có một thể lực đáng kinh ngạc. Trong khi chờ các thành viên khác lên, tôi lấy chiếc xẻng còn dư giúp anh ấy đào. Chỉ vài phút thôi mà tôi đã kiệt sức và phải ngồi nghỉ, khiến cho Dorje cười bể bụng. Anh ta chế giễu tôi: “Anh thấy không khỏe hả Jon? Đây mới chỉ là Trại Một cao 6.000m thôi đấy. Không khí ở đây vẫn còn rất đặc”.

[←29]

Không nên nhầm lẫn anh ta với người Sherpa cùng tên trong đoàn thám hiểm Nam Phi. Ang Dorje – giống như Pemba, Lhakpa, Ang Tshering, Ngawang, Dawa, Nima và Pasang – là những tên gọi rất phổ biến của những người Sherpa.Việc nhiều người trên ngọn Everest vào năm 1996 là một nguyên nhân dẫn tới sự nhầm lẫn

[←30]

Sirda là chức danh chỉ người thủ lĩnh Sherpa, chịu trách nhiệm về những người Sherpa khác trong đoàn. Đoàn của Hall có một người chỉ huy tại Trạm Căn cứ tên là Ang Tshering chịu trách nhiệm quản lý tất cả những người Sherpa mà đoàn thám hiểm thuê; Ang Dorje, người thủ lĩnh leo núi, báo cáo trực tiếp cho Ang Tshering nhưng giám sát những người Sherpa khi họ đang leo núi phía trên Trạm Căn cứ

Ang Dorje đến từ Pangboche, một cụm những ngôi nhà xây bằng đá và những ruộng khoai tây bậc thang bám vào một sườn đồi lởm chởm ở độ cao 3.962m. Cha anh ta là một người Sherpa leo núi được nể trọng; ông đã dạy cho Ang Dorje nhiều bài học leo núi căn bản khi anh còn rất nhỏ, nhờ vậy anh đã có được những kỹ năng đáng nể. Khi Ang Dorje còn ở độ tuổi vị thành niên, cha anh bị mù do bệnh đục thủy tinh thể, Ang Dorje phải bỏ học để kiếm tiền nuôi gia đình.

Năm 1984, anh làm phụ bếp cho một nhóm đi núi phương Tây khi anh “lọt mắt xanh” hai người Canada, Marion Boyd và Graem Nelson. Boyd nói: “Tôi đang nhớ con của mình, rồi khi tôi biết Ang Dorje rõ hơn thì cậu ta làm tôi nhớ đến đứa con trai lớn của tôi. Ang Dorje sáng dạ, vô tư, siêng học và chu đáo đến từng chi tiết. Cậu ta mang vác một đống đồ nặng và cậu ta bị chảy máu mũi mỗi ngày khi ở trên cao. Tôi rất ngạc nhiên”.

Sau khi được mẹ của Ang Dorje chấp thuận, Boyd và Nelson bắt đầu hỗ trợ tài chính để cậu trai trẻ miền núi này có thể quay lại trường học. “Tôi sẽ không bao giờ quên kỳ thi tuyển sinh của cậu bé [kỳ thi vào trường tiểu học địa phương ở Khumjung, do Ngài Edmund Hillary xây dựng]. Vóc người cậu bé rất nhỏ và còn chưa tới độ tuổi dậy thì. Chúng tôi bị nhồi vào một căn phòng nhỏ cùng với thầy hiệu trưởng và bốn giáo viên. Ang Dorje đứng ở giữa, hai đầu gối run lên khi cậu bé cố gắng nhớ lại một ít kiến thức chính quy mà cậu đã chuẩn bị cho kỳ thi vấn đáp này. Tất cả chúng tôi đều bồn chồn lo lắng… nhưng cậu bé đã được nhận với điều kiện là phải ngồi học chung với những đứa trẻ lớp 1”.

Ang Dorje trở thành một học sinh có năng lực và học đến lớp 8 trước khi nghỉ để quay về làm trong ngành công nghiệp leo núi và đi núi. Boyd và Nelson – sau đó vẫn quay lại Khumbu nhiều lần – đã chứng kiến quá trình trưởng thành của Ang Dorje. Boyd nhớ lại: “Lần đầu tiên được ăn uống đầy đủ, cậu ta bắt đầu cao lên và khỏe ra. Ang Dorje đã rất phấn khích kể cho chúng tôi nghe chuyện cậu được đi học bơi ở Kathmanda. Đến khoảng 25 tuổi, Ang Dorje tập chạy xe đạp và mê mẩn nhạc của Madonna một thời gian. Chúng tôi biết rằng cậu thực sự đã trưởng thành khi tặng cho chúng tôi món quà đầu tiên, đó là một tấm thảm Tây Tạng mà cậu đã chọn rất kỹ. Cậu ta muốn là người cho, chứ không phải là người nhận nữa”.

Khi danh tiếng về sự khỏe mạnh và tháo vát của Ang Dorje bắt đầu lan rộng trong các nhà leo núi phương Tây, anh được đề cử vào vai trò thủ lĩnh. Đến năm 1992 anh làm việc cho Rob Hall tại núi Everest; trước khi chuyến leo núi năm 1996 của Hall được bắt đầu thì Ang Dorje đã leo lên tới đỉnh núi ba lần. Hall đã thể hiện sự trân trọng của mình dành cho Ang Dorje khi nhắc đến anh như là “nhân viên quan trọng của tôi” và nhiều lần nói rằng anh coi Ang Dorje là người giữ vai trò chủ chốt cho thành công của cuộc hành trình này.

Mặt trời chói sáng khi thành viên cuối cùng trong đội của tôi đến Trại Một, nhưng tới buổi trưa thì có một màn mây cao từ phía nam thổi đến; đến khoảng ba giờ chiều thì những đám mây dày đặc đó tụ lại ở phía trên và tuyết rơi nhiều xuống những chiếc lều. Cả đêm đó trời bão; vào buổi sáng khi tôi bò ra khỏi nơi trú ngụ của tôi và Doug, tôi thấy tuyết đã phủ trên mặt băng đến hơn ba tấc. Tuyết lở ầm ầm xuống các bức tường đá dựng đứng phía trên, nhưng trại của chúng tôi vẫn an toàn do nằm ngoài tầm rơi của chúng.

Bình minh Thứ năm, ngày 18 tháng 4, khi trời vừa hửng sáng, chúng tôi thu xếp hành lý và tiến lên Trại Hai, cách Trại Một gần 7km và cao hơn 518m. Lộ trình đưa chúng tôi lên nền hơi dốc của Thung lũng Tây, hẻm núi cao nhất thế giới, một hẻm núi hình móng ngựa do Sông băng Khumbu chảy ra từ trung tâm của dãy Everest xói mòn tạo thành. Những thành lũy dài 7.861m bao bọc ngọn Nuptse tạo nên vách phải của Thung lũng, Mặt Tây Nam khổng lồ của Everest hình thành vách trái, và tảng băng lớn của Mặt Lhotse lờ mờ hiện ra phía trước nó.

Nhiệt độ thấp kinh khủng khi chúng tôi bắt đầu rời Trại Một, hai bàn tay tôi cứng đờ lại, đầu ngón tay đau buốt, nhưng khi tia nắng đầu tiên chạm vào tảng băng thì các bức tường băng của Thung lũng hấp thụ và khuếch đại tia nhiệt bức xạ giống như một chiếc lò nhiệt mặt trời khổng lồ. Bỗng nhiên, tôi thấy mệt nhoài vì nóng, rồi tôi sợ một cơn đau nửa đầu nữa sẽ bộc phát như đã có lần tôi bị ở Trạm Căn cứ, do đó tôi cởi hết đồ ngoài, chỉ còn quần áo dài mặc trong và tọng một nắm tuyết vào cái mũ lưỡi trai của mình. Trong vòng ba tiếng sau, tôi ì ạch leo lên Sông băng, chỉ dừng lại để uống nước trong chai mang theo và bỏ thêm tuyết vào nón khi nó tan ra trên tóc tôi.

Ở độ cao 6.401m, choáng váng vì nóng, tôi phát hiện một vật lớn được bọc trong tấm nhựa màu xanh nằm bên cạnh con đường. Phải mất đến một hay hai phút cố gắng vận động chất xám trong đầu tôi, vốn đang bị độ cao làm cho mụ mẫm đi, tôi mới biết được cái vật thể đó là xác người. Bối rối và sốc, tôi nhìn chằm chằm vào cái xác vài phút. Tối đó khi tôi hỏi Rob, anh cũng không biết chắc, nhưng Rob nghĩ nạn nhân là một người Sherpa đã chết từ ba năm trước.

Ở độ cao 6.492m, Trại Hai là tập hợp của 120 căn lều nằm rải rác trên những hòn đá trơ trọi của lớp băng tích nằm dọc theo rìa sông băng. Độ cao ở đây rất nguy hiểm, khiến cho tôi cảm thấy như mình đang bị say với một thứ rượu mạnh nào đó. Hầu như việc ăn uống và đọc là không thể, trong hai ngày liền tôi chỉ nằm vùi trong lều, tay ôm đầu, cố gắng vận động càng ít càng tốt. Đến Thứ bảy, do cảm thấy khỏe hơn một chút nên tôi quyết định trèo lên trên khoảng 300m phía trên trại để vận động một chút và tăng thêm khả năng thích nghi với môi trường. Và ở đó, tại đỉnh của Thung lũng Tây, cách đường mòn 45.7m, tôi phát hiện một xác người khác vùi trong tuyết, hay chính xác hơn là phần dưới của thi thể. Kiểu trang phục và đôi ủng da kiểu cổ điển cho thấy nạn nhân là một người châu Âu và cái xác đã nằm ở đây ít nhất là 10 hay 15 năm rồi.

Cái xác đầu tiên đã làm tôi bị sốc nặng trong nhiều giờ đồng hồ; nhưng cú sốc khi thấy cái xác thứ hai gần như biến mất ngay lập tức. Một số người leo núi đi ngang qua cái xác và chỉ liếc qua một cái. Cứ như có một thỏa thuận ngầm trên núi: giả vờ những dấu tích này không có thật – như thể không ai trong số chúng tôi dám thừa nhận nguy hiểm luôn rình rập ở đây.

* * *

Thứ hai, ngày 22 tháng 4, một ngày sau khi quay trở về Trạm Căn cứ từ Trại Hai, Andy Harris và tôi đến trại của đội Nam Phi để hỏi thăm và cố tìm hiểu lý do tại sao họ lại trở thành những con người sống ngoài lề xã hội như vậy. Nằm phía dưới sông băng, cách trại chúng tôi khoảng 15 phút đi bộ, đội Nam Phi cắm trại trên một cái gò các mảnh vụn sông băng. Quốc kỳ Nepal và Nam Phi, cùng với cờ của Kodak, máy tính Apple và các nhà tài trợ khác, phất phơ trên hai cột cờ bằng nhôm. Andy thò đầu vào bên trong cửa lều nhếch nhác của họ, phô ra nụ cười thân thiện nhất của mình, và hỏi thăm: “Xin chào! Có ai ở nhà không?”.

Hóa ra là Ian Woodall, Cathy O’Dowd và Bruce Herrod hiện ở Thác băng, và đang từ Trại Hai đi xuống, nhưng bạn gái Alexandrine Gaudin của Woodall và em trai Phillip của anh ta đang ở đây. Ngoài ra, trong căn lều nhếch nhác đó còn có một người phụ nữ trẻ sôi nổi. Cô ta tự giới thiệu mình là Deshun Deysel và liền mời Andy và tôi vào uống trà. Ba người này dường như không quan tâm đến những bài báo chỉ trích thái độ đáng trách của Ian cũng như các tin đồn nói rằng đoàn thám hiểm của họ sắp tan rã.

“Bữa nọ là lần đầu tiên tôi leo núi băng”, Deysel nói một cách hào hứng, tay chỉ về khối serac gần đó, nơi những người leo núi của các đoàn thám hiểm khác đã thực hành bài tập leo băng của họ. “Tôi nghĩ lần đó khá là thú vị. Tôi hy vọng có thể leo lên Thác băng trong vài ngày nữa”. Tôi định hỏi cô ấy về tính không trung thực của Ian và cô ta cảm thấy như thế nào khi biết cô không được phép chinh phục đỉnh Everest, nhưng cô ta quá phấn khởi và hồn nhiên đến nỗi tôi cũng không còn bụng dạ nào để hỏi. Sau khi trò chuyện được hai mươi phút, Andy tỏ ý mời cả đội, bao gồm cả Ian, “đến trại chúng tôi chơi một tí” vào tối hôm đó.

Tôi quay về trại của chúng tôi thì thấy Rob, bác sĩ Caroline Mackenzie, và bác sĩ của đoàn Scott Fischer – Ingrid Hunt – đang căng thẳng đàm thoại qua radio với ai đó ở trên núi. Sớm hôm đó, Fischer đã rời Trại Hai để xuống Trạm Căn cứ khi anh ta bắt gặp một trong những người Sherpa của mình – Ngawang Topche – đang ngồi thừ trên một tảng băng ở độ cao 6.400m. Là một tay leo núi kỳ cựu 38 tuổi đến từ Thung lũng Rolwaling, răng thưa và tính tình dễ chịu, Ngawang đã làm công việc mang vác hành lý và các công việc khác ở Trạm Căn cứ được ba ngày, nhưng các bạn Sherpa của anh ta phàn nàn rằng anh cứ ngồi đó và không chịu làm phần việc của mình.

Khi Fischer hỏi Ngawang, anh ta nói là mình cảm thấy không được khỏe, đứng không vững và khó thở đã hơn hai ngày nay. Vì thế, Fischer ra lệnh cho anh ta đi xuống Trạm Căn cứ ngay lập tức. Nhưng có một yếu tố về lòng tự tôn nam nhi trong văn hóa của người Sherpa khiến cho nhiều người đàn ông trở nên cực kỳ bướng bỉnh và không chấp nhận sự yếu đuối về mặt thể chất của mình. Những người Sherpa không được sợ độ cao, đặc biệt là những người đến từ Rolwaling, một vùng đất nổi tiếng có những tay leo núi khỏe. Hơn thế nữa, những người bị ốm và thừa nhận thẳng thắn thường sẽ bị loại ra khỏi danh sách tuyển dụng của các đoàn thám hiểm trong tương lai. Cũng vì thế mà Ngawang đã phớt lờ mệnh lệnh của Scott và, thay vì đi xuống, anh ta đi lên Trại Hai để nghỉ đêm.

Khi đến Trại Hai vào trưa hôm đó, anh ta đã bị mê sảng, đi loạng choạng như người say, ho ra máu, sùi bọt mép, những triệu chứng của chứng Phù phổi do độ cao, hay còn gọi là HAPE (High Altitude Pulmonary Eđema) – một căn bệnh bí ẩn, có nguy cơ gây chết người, điển hình là do leo quá cao, quá nhanh khiến phổi tràn đầy dịch31. Cách chữa trị duy nhất của chứng HAPE là nhanh chóng hạ độ cao; nếu nạn nhân vẫn ở lại trên cao quá lâu thì hậu quả gần như chắc chắn là cái chết.

[←31]

Nguyên nhân của chứng bệnh được cho là do sự thiếu hụt oxy, cùng với áp lực tăng cao trong các động mạch phổi đã làm cho các dịch trong động mạch tràn vào phổi

Không giống như Hall, người đã nhấn mạnh rằng nhóm chúng tôi luôn tập trung cùng nhau khi leo trên Trạm Căn cứ, dưới sự giám sát chặt chẽ của người hưởng dẫn, Fischer tin tưởng vào việc để cho khách tự do lên xuống núi độc lập trong suốt giai đoạn làm quen với khí hậu. Kết quả là khi thấy Ngawang bị ốm nặng tại Trại Hai, bốn người trong số những vị khách của Fischer là Dale Kruse, Pete Schoening, Klev Schoening, và Tim Madsen có mặt ở đó nhưng không có hướng dẫn viên nào. Do đó Klev Schoening và Madsen phải đảm nhận nhiệm vụ trợ giúp cho Ngawang. Madsen là nhân viên tuần tra khu vực trượt tuyết, 33 tuổi, đến từ Aspen, Colorado. Anh chưa bao giờ leo cao hơn 4.267m trước cuộc thám hiểm này. Anh tham gia hành trình này là do bị cô bạn gái Charlotte Fox, một cựu vận động viên leo núi Himalaya, thuyết phục.

Khi tôi bước vào căn lều nhếch nhác của Hall thì bác sĩ Mackenzie đang nói chuyện với ai đó ở Trại Hai qua radio “Cho Ngawang một liều acetazolamide, một liều dexamethasone, và 10 milligram thuốc trợ tim ngậm dưới lưỡi…Vâng, tôi biết rủi ro của liều thuốc đó. Nhưng dù sao cũng vẫn phải cho anh ấy uống… Tôi nói anh điều này, nguy cơ anh ta tử vong do HAPE trước khi chúng ta có thể đưa anh ta trở xuống là rất cao, cao hơn khả năng thuốc trợ tim làm giảm huyết áp của anh ta xuống mức nguy hiểm. Hãy tin tôi đi! Hãy cho anh ta uống thuốc! Nhanh lên!”.

Tuy nhiên, không có liều thuốc nào có tác dụng hết, cho thở oxy cũng không có tác dụng với Ngawang, cũng không thể đưa anh ta vào túi Gamow – một buồng chất dẻo có thể bơm lên, có kích thước cỡ cái quan tài, áp suất không khí trong túi được tăng lên để giả điều kiện của vùng thấp hơn. Ánh nắng ban ngày dần tắt, do đó Schoening và Madsen bắt đầu cặm cụi kéo Ngawang xuống núi. Họ dùng cái túi Gamow đã tháo hơi làm xe trượt băng tạm thời, trong khi đó hướng dẫn Neal Beidleman và một đội người Sherpa leo càng nhanh càng tốt từ Trạm Căn cứ lên để đón họ.

Beidleman gặp Ngawang lúc mặt trời lặn ở gần đỉnh Thác băng và tiếp nhận việc cứu hộ từ Schoening và Madsen, để họ quay lại Trại Hai tiếp tục quá trình thích nghi với khí hậu. Phổi của nạn nhân có quá nhiều dịch, Beidleman nhớ lại, “lúc anh ta thở nghe như người ta đang dùng ống hút hút sữa từ đáy ly lên vậy. Đi xuống Thác băng được nửa đường thì Ngawang bỏ mặt nạ oxy ra rồi thò tay vào lau nước mũi ở bên trong van hơi. Khi anh ta kéo tay ra, tôi rọi đèn pha vào găng tay của anh ta và thấy nó toàn màu đỏ, thấm đầy máu mà anh ta đã ho văng vào mặt nạ. Sau đó tôi soi đèn vào mặt anh ta thì cũng thấy đầy máu”.

Beidleman kể tiếp: “Cặp mắt của Ngawang bắt gặp ánh mắt tôi và tôi có thể thấy anh ta sợ thế nào. Suy nghĩ một thoáng, tôi quyết định nói dối anh ta là đừng có lo lắng, máu đó chảy ra từ vết rách trên môi của anh ta thôi. Anh ta bình tĩnh được một chút, rồi chúng tôi tiếp tục đi xuống”. Không muốn Ngawang phải cố gắng quá sức, vì nếu quá sức thì chứng phù phổi của anh ta có thể trầm trọng hơn, nên nhiều lần Beidleman đã đỡ Ngawang dậy và cõng anh ta đi. Đến sau nửa đêm thì họ đến được Trạm Căn cứ.

Được bác sĩ Hunt suốt đêm ở bên cạnh tận tình chăm sóc và cho thở oxy, Ngawang đã đỡ hơn được một chút vào buổi sáng. Fischer, Hunt và tất cả các bác sĩ khác đều tin rằng tình trạng của Ngawang sẽ tiếp tục tiến triển tốt vì giờ anh ta đang ở thấp hơn Trại Hai 1.128m; đi xuống một chút cờ 610m nữa thì anh ta có thể hoàn toàn bình phục. Hunt giải thích, vì lý do đó mà “không cần đến máy bay trực thăng” để đưa Ngawang rời Trạm Căn cứ đến Kathmandu, nếu gọi máy bay thì sẽ tốn hết 5.000 đô la.

Hunt nói: “Không may là tình trạng của Ngawang đã không tiếp tục tiến triển tốt. Đến cuối buổi sáng thì tình trạng anh ta lại bắt đầu xấu đi”. Lúc này Hunt kết luận rằng anh ta cần được đưa đi cấp cứu, nhưng lúc đó trời lại đầy mây nên máy bay trực thăng không thể đến được, cô đề nghị với Ngima Kale Sherpa – thủ lĩnh Sherpa tại Trạm Căn cứ của Fischer – rằng họ cần tập hợp một nhóm người Sherpa để đưa Ngawang xuống thung lũng bằng đường bộ. Tuy nhiên Ngima đã ngăn cản ý định này. Theo Hunt thì người thủ lĩnh đã nhất quyết rằng Ngawang không hề mắc bệnh HAPE hay bất cứ hình thức bệnh do độ cao nào, “mà anh ta bị đau dạ dày”, và rằng không cần đến việc đưa đi cấp cứu.

Hunt thuyết phục Ngima cho hai người Sherpa giúp cô hộ tống Ngawang xuống độ cao thấp hơn. Ngawang bước đi chậm chạp và đầy khó khăn đến độ, sau khi đi chưa được 400m, anh đã nói với Hunt rằng anh không thể tự đi được, và cô cần gọi thêm nhiều người giúp. Do đó, Hunt đưa Ngawang trở lại trại Mountain Madness, cô nói “để cân nhắc lại phương án của tôi”.

Tình trạng của Ngawang tiếp tục xấu đi khi ngày trôi qua. Khi Hunt cố đưa anh ta trở vào cái túi Gamow thì Ngawang từ chối, cũng như Ngima, anh ta cho rằng mình không mắc bệnh HAPE. Hunt hội ý với các bác sĩ khác tại Trạm Căn cứ (như mọi khi cô vẫn làm suốt hành trình), nhưng cô không có cơ hội để bàn luận với Fischer về trường hợp này. Lúc này Fischer đã lên Trại Hai để đưa Tim Madsen xuống. Anh này đã cố gắng quá sức khi kéo Ngawang xuống Thung lũng Tây, nên sau đó chính anh mắc bệnh HAPE. Khi vắng mặt Fischer, những người Sherpa không chịu làm theo yêu cầu của Hunt. Tình hình trở nên trầm trọng hơn từng giờ. Như một trong những bác sĩ đồng nghiệp của cô nhận xét: “Ingrid [Hunt] ở trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan”.

32 tuổi, Hunt chỉ mới kết thúc thời gian tu nghiệp của mình vào tháng 7 năm ngoái. Mặc dù trước đây không có kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên ngành trị bệnh độ cao, nhưng cô đã làm tình nguyện viên cứu trợ y khoa trong bốn tháng tại vùng đồi núi phía tây Nepal. Cô tình cờ gặp Fischer cách đây vài tháng ở Kathmandu khi Fischer đang hoàn tất giấy phép chinh phục Everest. Rồi sau đó anh mời cô đi cùng trong hành trình chinh phục đỉnh Everest trong hai vai trò, vừa là bác sĩ của đội, vừa là quản lý Trạm Căn cứ.

Mặc dù cô cũng thể hiện sự lưỡng lự trước lời mời của Fischer trong thư cô gửi cho anh ấy vào tháng 1, nhưng rốt cuộc Hunt cũng chấp nhận công việc không lương này và nhập đội ở Nepal vào cuối tháng 3, háo hức được đóng góp sức mình cho thành công của chuyến leo núi. Nhưng đòi hỏi cùng lúc điều hành Trạm Căn cứ và đáp ứng nhu cầu thuốc men cho khoảng 25 người ở vùng cao xa xôi đã vượt quá những gì Hunt đã thỏa thuận. (Hãy so sánh, Rob Hall trả lương cho hai thành viên nhiều kinh nghiệm – bác sĩ của đội, Caroline Mackenzie và người quản lý Trại Cơ Sở, Helen Wilton – để làm những việc mà Hunt làm một mình, không lương). Khó khăn càng chồng chất khi bản thân cô cũng gặp nhiều trở ngại trong việc thích nghi với khí hậu. Cô bị đau đầu dữ dội và khó thở trong hầu hết thời gian ở Trạm Căn cứ.

Tối Thứ ba, sau khi cuộc di tản bị hủy bỏ và Ngawang quay lại Trạm Căn cứ, người Sherpa này càng lúc càng yếu, một phần là do cả anh và Ngima đều cứng đầu cự tuyệt nỗ lực điều trị của Hunt, tiếp tục cho rằng mình không mắc bệnh HAPE. Vào buổi sớm hôm đó, bác sĩ Mackenzie đã gửi một thông điệp khẩn qua radio đến bác sĩ người Mỹ Jim Litch, yêu cầu anh ta nhanh chóng đến Trạm Căn cứ để giúp đỡ trị bệnh cho Ngawang. Bác sĩ Litch là một chuyên gia đáng kính trong lĩnh vực trị bệnh độ cao, người đã chinh phục đỉnh Everest vào năm 1995. Anh đã đến trại vào lúc 7 giờ sáng sau khi chạy lên từ Pheriche, nơi anh đang làm tình nguyện viên ở bệnh viện chuyên khoa Himalayan Rescue Association (HRA). Anh thấy Ngawang nằm trong lều, một người Sherpa đã tháo mặt nạ oxy của Ngawang và đang chăm sóc cho anh ấy. Đưọt thông báo kỹ về tình trạng của Ngawang, Litch bị sốc khi Ngawang không đeo mặt nạ oxy và không hiểu tại sao anh ta không được di tản khỏi Trạm Căn cứ. Litch tìm đến Hunt, lúc này cũng đang nằm bệnh trong lều, và bày tỏ sự lo lắng của mình.

Khi ấy Ngawang thở cực kỳ khó khăn. Anh lập tức được đeo mặt nạ oxy và trực thăng đã được gọi đến để di tản Ngawang vào sáng sớm hôm sau, Thứ tư ngày 24 tháng 4. Tuy nhiên, những đám mây và cơn bão tuyết khiến cho chuyến bay không thể thực hiện được. Vì thế, sau đó Ngawang được đưa vào nằm trong một cái giỏ và, dưới sự chăm sóc của Hunt, anh được những người Sherpa gùi xuống Pheriche.

Chiều hôm đó, đôi chân mày nhíu lại của Hall đã để lộ nỗi lo của anh. Hall nói: “Ngawang đang trong tình trạng xấu. Anh ta là một trong những trường hợp mắc chứng phù phổi nặng nhất mà tôi từng gặp. Đáng ra chúng ta phải đưa anh ta đi sớm vào sáng hôm qua khi có cơ hội. Nếu như trường hợp bị bệnh đó là một người khách của Scott thay vì một người Sherpa thì tôi nghĩ người đó sẽ không bị chữa trị một cách bừa bãi như vậy. Lúc họ đưa Ngawang đến Pheriche có lẽ đã quá trễ để cứu anh ta”.

Khi người Sherpa bị ốm đó đến được Phericher vào chiều hôm Thứ tư, sau một chuyến hành trình 9 tiếng từ Trạm Căn cứ, tình trạng của anh ta tiếp tục xấu đi mặc dù anh ta đã luôn được đeo mặt nạ oxy. Và bây giờ độ cao là 4.267m, về căn bản không cao hơn ngôi làng mà anh ta đã sống gần hết cuộc đời của mình. Quá lúng túng, Hunt đã quyết định đặt anh ta vào trong cái túi tăng áp Gamow đặt ở một nhà trọ ngay sát bệnh xá HRA. Vì không thể hiểu nổi lợi ích tiềm tàng của cái phòng khí đó và vì sợ hãi, Ngawang đã yêu cầu mời một vị sư đến. Trước khi đồng ý nằm vào trong cái túi đáng sợ, Ngawang yêu cầu đặt vài quyển kinh vào túi cùng với anh.

Để túi Gamow phát huy hết tác dụng của nó, phải có người liên tục bơm không khí vào bằng một cái bơm chân. Hai người Sherpa thay phiên nhau bơm trong khi Hunt – lúc này đã kiệt sức – kiểm tra tình trạng của Ngawang qua một ô cửa sổ bằng nhựa trong trên đầu túi. Khoảng 8 giờ tối, một trong hai người Sherpa, Jeta, để ý thấy Ngawang bị sùi bọt mép và hình như đã ngưng thở; ngay lập tức Hunt xé toang cái túi và xác định tim anh ta đã ngừng đập, hình như là sau khi bị nôn. Khi cô bắt đầu thực hiện kích hoạt nhịp tim, cô gọi bác sĩ Larry Silver ở phòng bên cạnh. Larry Silver là một trong những tình nguyện viên làm việc ở bệnh xá HRA.

Silver nhớ lại: “Sau vài giây tôi đã đến đó. Da của Ngawang trông xanh xao. Anh ta nôn khắp nơi, còn mặt và cằm anh ta dính đầy bọt màu hồng. Đó là một cảnh khó chịu. Ingrid đang hô hấp nhân tạo, thổi ngạt bằng miệng cho anh ta qua đống nôn đó. Tôi nhìn qua cảnh tượng đó một lần và nghĩ “anh chàng này sẽ chết nếu không đặt ống khí quản”. Silver chạy hết tốc lực về bệnh xá kế đó để lấy thiết bị cấp cứu, luồn ống khí quản xuống họng Ngawang, và bắt đầu đưa oxy vào phổi của anh ta, đầu tiên là bằng miệng rồi sau đó là bằng cái bơm tay mà người ta gọi là “bóng cấp cứu”, lúc đó tự nhiên người Sherpa lấy lại được nhịp đập và huyết áp. Tuy nhiên, trước khi tim Ngawang bắt đầu đập lại, oxy đã không đến não anh ta trong khoảng thời gian cỡ mười phút. Silver nhận xét: “Tim không đập trong mười phút, rồi không đủ mức oxy huyết là quá đủ để thần kinh bị tổn hại nặng nề”.

Bốn mươi giờ kế tiếp, Silver, Hunt, và Litch thay phiên nhau bơm oxy vào phổi Ngawang bằng bóng cấp cứu, bóp bằng tay mỗi phút hai mươi lần. Khi nước bọt tiết ra và làm nghẹt cái ống thông xuống cuống họng Ngawang, Hunt đã hút sạch cái ống đó bằng miệng. Cuối cùng vào hôm Thứ sáu, ngày 26 tháng 4, thời tiết tiến triển đủ để máy bay có thể tiến hành di tản. Ngawang được đưa xuống một bệnh viện ở Kathmandu, nhưng anh ta không thể hồi phục. Qua nhiều tuần sau, anh ta tiều tụy đi trong bệnh viện, hai cánh tay co lại hai bên mình một cách kỳ cục, cơ teo lại, trọng lượng tụt xuống dưới 40kg. Vào giữa tháng 6 Ngawang chết, để lại một vợ và bốn đứa con gái ở Rolwaling.

* * *

Kỳ lạ thay, hầu hết các tay leo núi trên đỉnh Everest đều không biết về cảnh ngộ khốn khổ của Ngawang, trong khi hàng vạn người khác không hề ở gần đó thì lại biết. Thông tin lệch lạc là do Internet, và đối với những người ở Trạm Căn cứ của chúng tôi thì chuyện đó không có gì lạ. Ví dụ như một người đồng đội có thể gọi về nhà qua điện thoại vệ tinh, rồi biết được những người Nam Phi đang làm gì tại Trại Hai qua đôi vợ chồng ở New Zealand hay Michigan nào đó đang lướt web.

Có ít nhất năm trang web đăng bài gửi đi từ các phóng viên ở Trạm Căn cứ trên đỉnh Everest 32. Đội Nam Phi cũng có một trang web riêng, cũng như Mal Duff với trang web International Commercial Expedition. Nova, chương trình truyền hình của PBS33 , cũng phát triển một trang web với thông tin đầy đủ và tỉ mỉ, cập nhật thông tin hàng ngày từ Liesl Clark và nhà sử học lỗi lạc về Everest là Audrey Salkeld – hai thành viên của đoàn thàm hiểm MacGillivray Freeman IMAX (được dẫn đầu bởi nhà làm phim từng đoạt giải và chuyên gia leo núi David Breashears – người đã hướng dẫn Dick Bass chinh phục đỉnh Everest thành công vào năm 1985, đội của IMAX đang nhắm đến một bộ phim đồ sộ với kinh phí 5,5 triệu đô la về việc chinh phục đỉnh Everest). Trong khi đó, đoàn của Scott Fischer chỉ có hai phóng viên biên tập các bài gửi trực tuyến cho hai trang web đang cạnh tranh nhau.

[←32]

Mặc dù được tuyên truyền rộng rãi là “đường truyền tương tác, trực tiếp giữa Everest và World Wide Web”, thế nhưng những hạn chế về mặt kỹ thuật đã khiến các phóng viên ở Trạm Căn cứ thậm chí không thể vào Internet được. Thay vào đó, họ gửi bài về tòa soạn bằng fax hoặc đọc qua điện thoại vệ tinh. Sau đó, chúng được nhập liệu và đưa lên mạng bởi các biên tập viên ở New York, Boston, và Seattle. Email được nhận tại Kathmandu, sau đó in ra và chuyển lên Trạm Căn cứ bằng bò yak. Tương tự như vậy, hình ảnh trên web đầu tiên được chuyển xuống núi bằng bò yak, rồi gửi chuyển phát nhanh đến New York. Các cuộc trò chuyện trực tuyến được thực hiện nhờ vào điện thoại vệ tinh và các nhân viên đánh máy tại New York.

[←33]

PBS – Public Broadcasting Service: mạng lưới các kênh truyền hình công cộng ở Hoa Kỳ (chú thích – ND)

Jane Bromet, người gọi điện báo cáo hàng ngày cho Outside Online34 , là một trong những phóng viên trong đội của Fischer. Nhưng cô không phải là khách leo núi và không được phép leo lên cao hơn Trạm Căn cứ. Tuy nhiên, một phóng viên Internet khác trong đoàn của Fischer sẽ tham gia leo núi và dự định đi hết hành trình đến đỉnh và hàng ngày gửi bài cho NBC Interactive Media trên đường đi. Tên cô ta là Sandy Hill Pittman, và không ai trên núi này nổi tiếng hơn Pittman về thói ngồi lê đôi mách.

[←34]

Nhiều tờ báo và tạp chí nhầm tôi là một phóng viên của trang Outside Online. Sự nhầm lẫn này bắt đầu từ lúc Jane Bromet phỏng vấn tôi và cho đăng nội dung cuộc phỏng vấn lên trang web Outside Online. Tuy nhiên, tôi không hề có chút liên hệ nào với Outside Online. Tôi đến Everest dịp này theo sự phân công công tác của Tạp chí Outside, một thực thể độc lập có trụ sở tại Santa Fe, New Mexico, có hợp tác ở mức độ hạn chế với trang Outside Online (đặt trụ sở tại Seattle) để xuất bản tờ tạp chí dưới dạng điện tử trên Internet. Tuy nhiên, cả tạp chí Outside và Outside Online hoàn toán độc lập với nhau đến mức tôi không hề biết rằng Outside Online có cử phóng viên tới Everest mãi đến khi tôi đến Trạm Căn cứ.

Đây là lần thứ ba Pittman, một tay leo núi triệu phú có giao thiệp rộng, cố gắng chinh phục đỉnh Everest. Năm nay cô quyết tâm hơn bao giờ hết để chinh phục được đỉnh Everest và nhờ đó hoàn tất cuộc viễn chinh chinh phục Thất Đỉnh được thông báo rầm rộ của mình.

Năm 1993, Pittman tham gia một cuộc thám hiểm có người hướng dẫn đến Đèo Nam và Triền Đông Nam. Lúc đó cô đã gây xôn xao khi đem theo đứa con trai 9 tuổi, Bo, đến Trạm Căn cứ cùng với một vú em để chăm sóc cậu ta. Tuy nhiên, Pittman đã vấp phải nhiều trục trặc, và chỉ đến được độ cao 7.315m rồi quay về.

Cô trở lại Everest vào năm 1994 sau khi quyên được hơn 250.000 đô la từ các nhà tài trợ để hỗ trợ tài năng cho bốn nhà leo núi giỏi nhất Bắc Mỹ: Breashears (đang ký kết hợp đồng làm phim thám hiểm với đài truyền hình NBC), Steve Swenson, Barry Blanchard và Alex Lowe. Lowe – có thể coi là tay leo núi đa năng xuất sắc nhất trên thế giới – được thuê làm hướng dẫn riêng cho Sandy [Pittman], một công việc với khoản tiền lương đáng kể. Đi trước Pittman, bốn người đàn ông gắn dây cố định lên Mặt Kangshung, một vách đá cực kỳ nguy hiểm và khó leo bên hướng Tây Tạng của dãy Himalaya. Với sự giúp đỡ tận tình của Lowe, Pittman đã leo lên theo dây cố định tới độ cao 6.706m, nhưng một lần nữa cô ta bắt buộc phải từ bỏ nỗ lực của mình trước khi lên được tới đỉnh; lần này tình trạng tuyết không ổn định rất nguy hiểm khiến cho cả đội phải rời bỏ ngọn núi.

Mặc dù đã nghe nhiều về cô ấy, nhưng tôi chưa bao giờ gặp Pittman trực tiếp mãi đến khi tình cờ gặp cô tại Gorak Shep trong hành trình đến Trạm Căn cứ. Vào năm 1992,Men’s Journal phân công tôi viết một bài báo về hành trình lái chiếc Harley-Davidson từ New York đến San Francisco cùng với Jann Wenner – một chủ bút huyền thoại, cực kỳ giàu có của Rolling Stone, Men’s Journal, and Us – và một vài người bạn giàu có của anh ta, bao gồm Rocky Hill, anh trai của Sandy và chồng của Pittman, Bob Pittman, người đồng sáng lập MTV.

Chuyến hành trình trên chiếc Hog mạ kền, phát ra tiếng kêu chói tai mà Jann cho tôi mượn khá hấp dẫn, và các bạn đồng hành của tôi cũng thân thiện. Nhưng tôi không có mấy điểm chung với họ. Và có một điều không thể quên là tôi đi theo như một người giúp việc được Jann thuê. Trong suốt bữa tối, Bob cùng Jann và Rocky so sánh về những chiếc máy bay khác nhau mà họ có (Jann khuyên tôi nên cân nhắc chiếc Gulfstream IV nếu tôi muốn sở hữu một chiếc phản lực cá nhân), bàn luận về các dinh cơ miền quê của họ, và nói chuyện về Sandy – người tình cờ lúc đó cũng đang leo núi Mount McKinley. Bob đề nghị với tôi khi biết rằng tôi cũng là dân leo núi: “Này, anh và Sandy phải đi leo núi chung với nhau đấy”. Và bây giờ, bốn năm sau, chúng tôi đang cùng leo núi.

Sandy Pittman cao lm79, hơn tôi 5cm. Mái tóc ngắn tinh nghịch như con trai của cô trông như cái mũ ni, thậm chí ở độ cao 5.181 m này. Sôi nổi và thẳng thắn, cô lớn lên ở California. Khi còn là một cô bé, cha của cô đã tập cho cô làm quen với cắm trại, leo núi, và trượt tuyết. Thích thú sự tự do và niềm vui nơi núi đồi, cô tiếp tục theo đuổi các hoạt động ngoài trời này trong những năm tháng ở đại học và sau này, mặc dù cô đi leo núi ít thường xuyên hơn khi chuyển tới New York vào giữa những năm 70 sau đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu tiên.

Ở Manhattan, Pittman làm các công việc khác nhau như người mua hàng cho Bonwit Teller, biên tập viên mục bán lẻ tại Mademoiselle, biên tập viên mục làm đẹp cho tờ Bride’s, và năm 1979 cô kết hôn với Bob Pittman. Là một người luôn muốn thu hút sự chú ý của công chúng, cô không ngừng tìm cách để hình ảnh và tên của mình trở nên phổ biến trên các tờ báo ở New York. Cô chơi thân với Blaine Trump, Tom, và Meredith Brokaw, Isaac Mizrahi, Martha Stewart. Để tiện đi lại giữa cơ ngơi giàu có ở bang Connecticut và căn hộ treo đầy các tác phẩm nghệ thuật có những người giúp việc mặc đồng phục ở Central Park West, cô và chồng mình đã mua một chiếc máy bay trực thăng và học lái. Vào năm 1990, Sandy và Bob Pittman xuất hiện trên trang bìa tạp chí New York như là “Cặp đôi của từng khoảnh khắc”.

Sau đó không lâu, Sandy bắt đầu chiến dịch quảng bá rộng rãi và tốn kém của riêng mình nhằm trở thành người phụ nữ Hoa Kỳ đầu tiên chinh phục được Thất Đỉnh. Tuy nhiên, ngọn núi cuối cùng – đỉnh Everest – đã làm khó cô. Và vào tháng 3 năm 1994, Pittman thua cuộc trước một tay leo núi và cũng là một bà đỡ 47 tuổi quê Alaska tên là Dolly Lefever. Nhưng cô vẫn tiếp tục kiên trì theo đuổi mục đích chinh phục Everest của mình.

Theo như Beck Weathers quan sát thấy vào một đêm tại Trạm Căn cứ thì “khi Sandy leo núi, cô ấy không làm giống như tôi và anh”. Năm 1993, Beck đã đi Nam cực để hướng dẫn Vinson Massif leo núi, cùng lúc đó Pittman đang leo núi với một nhóm có người hướng dẫn khác. Với một cái cười tủm tỉm, Beck nhớ lại: “Cô ta đem theo cái túi đồ nghề to tướng, bó đầy đồ ăn mà phải đến bốn người mới bê lên được. Cô ta còn đem một tivi mini và đầu máy video để xem phim trong lều của mình nữa. Này, ý tôi là anh phải học hỏi Sandy nhiều đấy: không có nhiều người leo núi cao cấp như cô ta đâu”. Beck nói rằng Pittman đã hào phóng chia sẻ những thức ăn cô ta đem theo với các tay leo núi khác và rằng “cô ấy thấy vui và thích thú khi chơi nổi”.

Chuẩn bị cho chuyến lên đỉnh Everest vào năm 1996, Pittman một lần nữa gom góp các đồ dùng lỉnh kỉnh cho mình, những thứ thường không có trong hành trang cắm trại của các tay leo núi khác. Một ngày trước khi khỏi hành đi Nepal, trong một trong những bài viết đầu tiên trên web cô gửi cho NBC Interative Media, cô thổ lộ:

Tất cả những thứ đồ cá nhân của tôi đều đã được đóng gói… Có lẽ máy vi tính và thiết bị điện tử tôi mang theo cũng nhiều như đồ leo núi vậy. Hai máy tính xách tay IBM, một máy quay video, ba máy chụp hình phim 35mm, một máy chụp hình kỹ thuật số hiệu Kodak, hai máy ghi âm băng cassette, một đầu đĩa CD-ROM, một máy in, và vài tấm pin mặt trời cùng vài lố pin (mà tôi hy vọng là đủ) cho chuyến đi… Tôi sẽ không nghĩ tới việc rời khỏi thành phố mà không mang theo kha khá cà phê trộn Near East của Den & Deluca và máy pha cà phê. Vì chúng tôi sẽ lên đến đỉnh Everest vào ngày Phục sinh, nên tôi đã mang theo bốn quả trứng sô-cô-la có giấy bọc. Ăn trứng Phục sinh ở độ cao 5.486m ư? Hãy đợi xem!

Tối hôm đó, nhà báo chuyên mục xã hội – Billy Norwich – đã tổ chức một bữa tiệc chia tay cho Pittman tại tiệm Nell ở phố Manhattan. Danh sách khách có cả Bianca Jagger và Calvin Klein. Rất thích phục trang, Sandy xuất hiện với bộ đồ leo núi cao bên ngoài chiếc váy dạ hội của mình, thêm vào đó là đôi giày leo núi, dưới có gắn đế đinh, cái rìu leo núi, và một dây đeo gắn các khóa carabiner.

Lúc đến dãy Himalaya, có vẻ như Pittman luôn gắn càng chặt càng tốt với cái lề thói thượng lưu đó. Trong suốt hành trình đến Trạm Căn cứ, hằng ngày đều có một người Sherpa trẻ tên Pemba cuộn túi ngủ của cô ấy rồi gói ba lô lại cho cô. Vào đầu tháng 4, khi tới chân núi Everest cùng với số người còn lại của nhóm Fischer, hành lý của Pittman bao gồm cả mấy đống báo cắt nói về cô ta mà Pittman định phân phát cho những người trong Trạm Căn cứ. Trong vòng vài ngày, những người Sherpa đưa tin bắt đầu đều đặn đem bưu kiện đến cho Pittman, gửi đến Trạm Căn cứ qua dịch vụ chuvển phát nhanh DHL Worldwide Express. Những gói bưu kiện đó là các số báo mới nhất của Vogue, Vanity Fair, People,Allure. Những người Sherpa trên Trạm Căn cứ bị các quảng cáo đồ lót phụ nữ mê hoặc và nghĩ rằng những trang báo có mùi thơm đó trông thật “phê”.

Đội của Scott Fischer là một nhóm ăn ý và gắn bó với nhau, vì thế hầu hết đồng đội của Pittman đều không phiền lòng gì với tính cách của cô và đều chấp nhận cô vào nhóm một cách thoải mái. Jane Bromet nhớ lại: “Sandy có thể mệt lử đi khi tỏ ra là người lịch lãm, bởi vì cô ta muốn là trung tâm chú ý và luôn miệng nói về mình. Nhưng cô ấy không phải là người tiêu cực. Cô ấy không làm giảm đi tinh thần của nhóm. Hầu như ngày nào cô ta cũng đầy sức sống và lạc quan”.

Tuy nhiên, một số tay leo núi tài năng không thuộc nhóm của cô ta lại đánh giá Pittman là một người thiếu hiểu biết. Tiếp theo nỗ lực không thành công của mình vào năm 1994 khi chinh phục Mặt Kangshung của Everest, một đoạn quảng cáo cùa Vasekine Intensive Care (nhà tài trợ chính của chuyến thám hiểm này) đã bị những tay leo núi có hiểu biết chế giễu kịch liệt, bởi vì nó quảng cáo Pittman là một “tay leo núi đẳng cấp thế giới”. Nhưng Pittman không bao giờ công khai tuyên bố như thế; thực vậy, cô nhấn mạnh trong một bài báo của Men’s Journal rằng cô muốn Breashears, Lowe, Swenson và Blanchard “hiểu rằng tôi không nhầm lẫn giữa những khả năng mang tính sở thích – đam mê của mình và kỹ năng đẳng cấp thế giới của họ”.

Các bạn đồng hành kiệt xuất của cô trong cuộc leo núi 1994 không gièm pha Pittman gì cả, ít nhất là trước công chúng. Thật ra, sau hành trình đó, Breashears trở thành bạn thân của Pittman, còn Swenson thì liên tục bảo vệ Pittman trước những chỉ trích. Swenson đã giải thích với tôi trong một cuộc gặp gỡ ở Seattle không lâu sau khi cả hai người bọn họ quay về từ Everest: “Xem kìa. Có thể Sandy không phải là tay leo núi xuất sắc, nhưng trên Mặt Kanshung cô ấy đã nhận thức được những hạn chế của mình. Vâng, sự thật là Alex cùng Barry, David và tôi đã làm tất cả việc hướng dẫn và cố định dây, nhưng cô ấy đã đóng góp vào nỗ lực đó theo cách của cô ấy bằng cách thể hiện thái độ tích cực, quyên góp tiền, và giao tiếp với giới truyền thông”.

Tuy nhiên, cũng không thiếu những kẻ hay chê bai, chỉ trích Pittman. Rất nhiều người đã cảm thấy khó chịu trước sự phô trương của cải của cô, cũng như cách theo đuổi danh tiếng không biết xấu hổ của Pittman. Joanne Kauman đã phát biểu trên tờ Wall Street Journal:

Cô Pittman nổi tiếng trong giới thượng lưu là một người thích nổi tiếng hơn là một tay leo núi thực thụ. Cô ta và ông Pittman là khách quen của tất cả những buổi dạ hội, và cả các mục lượm lặt trên báo. Một người từng kinh doanh với ông Pittman trước đây – xin được giấu tên – nói rằng: “Cô ấy rất thích được nổi tiếng. Nếu như cô ta đi leo núi mà phải ẩn danh thì tôi không nghĩ cô ta sẽ đi đâu”.

Dù có công bằng hay không, thì đối với những người phản đối Pittman, cô ta là biểu tượng của tất cả những điều đáng chê trách trong hành động quảng bá của Dick Bass về Thất Đỉnh, và việc làm giảm giá trị của đỉnh núi cao nhất thế giới. Nhưng nhờ vào đội ngũ người phục vụ được trả lương hậu hĩnh, và niềm đam mê kiên định, Pittman đã bỏ ngoài tai sự phẫn nộ cũng như khinh rẻ của những người phản đối cô; cô vẫn dửng dưng như nhân vật Emma của Jane Austen.