Tan Biến: Hồi Ký Về Thảm Hoạ Everest - Chương 09: TRẠI HAI

NGÀY 28 THÁNG 4 NĂM 1996

6.492 MÉT

Chúng tôi tự kể cho mình nghe những câu chuyện để mà sống… Chúng tôi rút ra những triết lý từ vụ tự sát, những bài học xã hội hoặc đạo đức từ vụ cuồng sát cướp đi năm mạng người. Chúng tôi lý giải những gì mình thấy, chọn ra phương án khả thi nhất từ rất nhiều lựa chọn. Chúng tôi sống một cách trọn vẹn nhờ ghi lại những hình ảnh hỗn tạp, nhờ các “ý tưởng” đã giúp chúng tôi chặn đứng những ảo ảnh thay đổi liên tục mà chúng tôi thường gặp phải.

Joan Didion

Quyển Album màu trắng

Lúc 4 giờ sáng khi đồng hồ đeo tay của tôi bắt đầu đổ chuông báo thức thì tôi đã thức dậy rồi; tôi đã thức hầu như suốt đêm, cố gắng để thở trong không khí loãng. Và bây giờ là lúc bắt đầu một nghi lễ thật khủng khiếp: đó là chui ra khỏi chiếc chăn ấm áp của mình để chịu cái lạnh khó ưa ở độ cao 6.492m. Hai ngày trước, hôm Thứ sáu ngày 26 tháng 4, chúng tôi đã phải mang vác lỉnh kỉnh đồ đạc suốt một ngày dài từ Trạm Căn cứ lên Trại Hai nhằm bắt đầu chuyến đi thích nghi thứ ba và cũng là cuối cùng của mình để chuẩn bị cho cuộc chinh phục đỉnh núi. Sáng nay, theo kế hoạch của Rob, chúng tôi sẽ leo từ Trại Hai lên Trại Ba và sẽ nghỉ đêm ở độ cao 7.315m.

Rob đã bảo chúng tôi sẵn sàng cho chuyến đi vào đúng 4 giờ 45 – bốn mươi lăm phút sau khi thức dậy – vốn chỉ vừa đủ thời gian để tôi mặc đồ, nuốt vội một cây kẹo, uống chút trà, và mang đế đinh của mình vào. Rọi chiếc đèn pin đeo trên trán của mình vào chiếc nhiệt kế rẻ tiền gắn trên chiếc áo parka35 tôi thường dùng làm gối ngủ, tôi nhìn thấy nhiệt độ trong chiếc lều hai người chật hẹp này là -210C “Doug!” tôi hét vào cái gã đang nằm trong túi ngủ bên cạnh tôi. “Tới giờ dậy rồi anh bạn. Anh có thức chưa vậy?”.Anh ta nói the thé với giọng mệt mỏi: “Thức? Cái gì khiến anh nghĩ là tôi đã ngủ? Tôi cảm thấy thật tồi tệ. Tôi nghĩ cổ họng tôi bị sao đó. Anh bạn à, tôi đã quá già cho việc leo trèo này rồi”.

Suốt đêm qua, hơi thở hôi hám của chúng tôi đã ngưng tụ lại trên bạt lều hình thành nên một lớp sương mỏng dễ vỡ ở phía trong; khi tôi đứng dậy và bắt đầu sục sạo trong bóng tối để tìm quần áo của mình, tôi không thể nào tránh đụng phải những vách lều nylon và mỗi khi như vậy lại có một trận mưa tuyết bên trong lều, phủ lên mọi thứ một lớp tinh thể băng. Run cầm cập, tôi chui mình vào ba lóp quần áo lót lông xù làm từ polypropylene và một chiếc áo khoác ngoài làm bằng nylon chịu gió, sau đó mang đôi giày cao su nặng trịch vào. Việc siết chặt dây giày khiến tôi nhăn mặt đau đớn; trong hai tuần vừa qua, tình trạng các ngón tay bị thương và chảy máu của tôi đã trở nên tồi tệ hơn trong không khí lạnh.

Tôi soi đèn ra khỏi lều theo sau Rob và Frank, đi qua các tháp băng và các đống sa khoáng để đến phần chính của con sông băng. Trong hai giờ sau đó, chúng tôi leo lên một con dốc thoai thoải và cuối cùng cũng đến được khe vực ở phần đầu của Thác băng Khumbu. Ngay phía trên là Mặt Lhotse; đó là một biển băng nghiêng khổng lồ phát sáng mờ mờ trong ánh sáng xiên của buổi bình minh. Một sợi dây thừng cỡ 9mm trườn xuống mặt băng như thể thòng từ trên trời xuống và đung đưa giống cây đậu thần của Jack36. Tôi nắm lấy một đầu của nó, gắn chiếc tay leo (jumar)37 của mình vào sợi dây hơi sờn này và bắt đầu leo lên.

Tôi đã phải chịu lạnh từ khi rời khỏi trại vì không mặc đủ quần áo khi đoán rằng sẽ tiếp tục có hiệu ứng “lò mặt trời” mấy hôm nay sáng nào cũng xảy ra khi mặt trời chiếu vào Thung lũng Tây. Tuy nhiên buổi sáng hôm nay nhiệt độ bị kìm lại bởi một đợt gió buốt thổi mạnh xuống từ vùng núi phía trên, gây nên giá lạnh với nhiệt độ hạ xuống tới khoảng -40°C. Tôi còn một chiếc áo lạnh bằng lông nữa trong ba lô của mình; nhưng muốn mặc nó vào, đầu tiên tôi sẽ phải cởi găng tay, áo khoác chống gió và tháo ba lô ra trong khi vẫn lủng lẳng trên một sợi dây thừng cố định. Sợ mình có thể sẽ làm rơi thứ gì đó, tôi quyết định đợi đến khi tới được phần ít dốc hơn của mặt băng nơi mà tôi có thể đứng vững mà không cần phải đu đưa trên sợi dây. Do đó, tôi tiếp tục leo và càng ngày tôi càng thấy lạnh hơn.

Gió gây nên những cơn tuyết xoáy dạt xuống bên dưới ngọn núi như những đợt sóng đổ, khiến cho quần áo tôi dính đầy sương giá. Trên kính bảo hộ của tôi hình thành một lớp băng khiến tôi quan sát rất khó khăn. Hai bàn chân của tôi bắt đầu mất cảm giác còn các ngón tay thì cứng lại như đá. Dường như sẽ càng không an toàn khi cứ tiếp tục leo lên trong điều kiện như thế này. Tôi đã ở đầu của sợi dây, ở độ cao 7.010m, nhanh hơn người hướng dẫn Mike Groom mười lăm phút; tôi quyết định đợi anh ấy và thảo luận về việc này. Nhưng ngay trước khi Mike đến được chỗ tôi thì giọng của Rob vang lên từ chiếc bộ đàm mà Mike mang theo bên trong chiếc áo khoác của mình, và anh ta ngừng leo để trả lời. Hét to trong cơn gió, anh ta nói: “Rob muốn tất cả mọi người leo xuống. Chúng ta phải xuống khỏi đây”.

Phải tới trưa chúng tôi mới về lại tới Trại Hai và phải chịu nhiều thiệt hại. Tôi mệt nhưng vẫn ổn. John Taske, tay bác sĩ người Úc, bị thương một ít nơi đầu các ngón tay do giá lạnh. Trái lại, Doug đã phải chịu một tổn hại nghiêm trọng. Khi tháo giày ra, anh ta phát hiện các đầu ngón chân của mình đã bắt đầu bị bỏng lạnh. Trên đỉnh Everest năm 1995, bàn chân anh ta đã bị bỏng lạnh đến nỗi mất đi một số mô ở ngón chân cái và bị suy yếu lưu thông máu vĩnh viễn, khiến cho anh ấy đặc biệt nhạy cảm với giá lạnh; thêm lần này nữa sẽ làm Doug càng dễ bị tổn thương hơn khi leo lên vùng núi phía trên.

Nhưng tồi tệ hơn cả là tổn thương hệ hô hấp của Doug. Gần hai tuần trước khi khởi hành đi Nepal anh ta đã trải qua một cuộc phẫu thuật cổ họng nhẹ, khiến cho khí quản của anh ta trở nên rất nhạy cảm. Sáng nay phải hít rất nhiều không khí đầy tuyết và khô anh ta hình như đã bị tê liệt thanh quản.

Doug rên rỉ bằng giọng thì thầm vừa đủ nghe, trông có vẻ chán nản: “Tôi tiêu rồi. Tôi thậm chí còn không thể nói được. Chuyến leo núi coi như đã chấm dứt với tôi”.

Rob động viên: “Douglas! Đừng có tự bỏ cuộc như vậy chứ. Hãy đợi và xem anh cảm thấy thế nào trong vài ngày tới. Anh là một gã dai sức mà. Tôi nghĩ anh vẫn có thể chinh phục được đỉnh núi sau khi hồi phục lại”. Không tin vào điều đó, Doug chui vào lều và kéo chiếc túi ngủ của mình trùm lên đầu. Thật là gay go khi nhìn thấy anh ấy nhụt chí như vậy. Anh ấy đã luôn là một người bạn tốt, hào phóng chia sẻ những hiểu biết của mình từ cuộc leo núi Everest thất bại năm 1995. Trên cổ tôi có đeo một miếng đá Xi – chiếc bùa hộ mạng Phật giáo thiêng liêng đã được vị lạt ma tại tu viện Pangboche ban phúc mà Doug đã tặng tôi từ những ngày đầu của chuyến đi này. Tôi cũng muốn anh ta chinh phục được đỉnh núi như tôi muốn chính mình vậy.

Không khí choáng váng và hơi chán nản bao trùm khu trại suốt ngày hôm đó. Đây vẫn chưa phải là điều tệ nhất mà ngọn núi mang lại, thế nhưng nó đã khiến bọn tôi nhốn nháo để tìm sự an toàn. Nhưng không phải chỉ có nhóm chúng tôi cảm thấy lo lắng và do dự. Nhuệ khí của nhiều nhóm khác tại Trại Hai cũng đang sụt giảm ghê gớm.

Tâm trạng không vui được thể hiện rõ nhất qua cuộc cãi vã xảy ra giữa Hall và người dẫn đầu các đoàn thám hiểm Đài Loan và Nam Phi xung quanh việc chia sẻ trách nhiệm giăng gần 2km dây cố định vốn rất cần thiết để bảo đảm an toàn cho tuyến đường lên Mặt Lhotse. Vào cuối tháng 4, một dãy dây cố định đã được lắp đặt sẵn giữa đầu Thung lũng Tây và Trại Ba, một nửa đường lên tới Mặt Lhotse. Để hoàn thành công việc này, Hall, Fischer, Ian Woodall, Makalu Gau và Todd Burleson (trưởng đoàn người Mỹ của nhóm thám hiểm Alpine Ascents) đã nhất trí với nhau là vào ngày 26 tháng 4 một hoặc hai thành viên của mỗi nhóm sẽ phải tham gia vào việc giăng dây lên phần còn lại của Mặt Lhotse, quãng đường từ Trại Ba lên Trại Bốn ở độ cao 7.925m. Nhưng mọi việc đã không diễn ra theo đúng kế hoạch.

Khi Ang Dorje và Lhakpa Chhiri thuộc nhóm của Hall, người hướng dẫn Anatoli Boukreev thuộc nhóm của Fischer và một người Sherpa thuộc nhóm của Burleson rời khỏi Trại Hai vào sáng ngày 26 tháng 4, những người Sherpa thuộc nhóm Đài Loan và Nam Phi dự kiến sẽ tham gia với họ vẫn còn ngái ngủ và từ chối cộng tác. Chiều hôm đó, khi tới Trại Hai và biết chuyện này, Hall ngay lập tức gọi điện để hỏi xem tại sao kế hoạch lại không được thực hiện. Kami Dorje, chỉ huy nhóm người Sherpa của đoàn Đài Loan rối rít xin lỗi và hứa sẽ sửa chữa. Nhưng khi Hall gọi cho Woodall, người chỉ huy đoàn thám hiểm Nam Phi này đáp lại bằng những lời lẽ tục tĩu và lăng mạ.

Hall van nài: “Lịch sự nào anh bạn. Tôi nghĩ chúng ta đã nhất trí với nhau rồi”. Woodall trả lời rằng những người Sherpa của ông ở lại trong lều vì không có ai đến đánh thức họ dậy và bảo rằng cần giúp đỡ. Hall phản bác lại rằng thật ra Ang Dorje đã không ngừng cố gắng đánh thức họ dậy nhưng họ đã phớt lờ sự khẩn cầu của anh ta.

Lúc đó Woodall tuyên bố: “Hoặc anh hoặc những người Sherpa của anh là những kẻ nói dối”. Rồi ông ta đe dọa sẽ kêu một vài người Sherpa đến “thanh toán” Ang Dorje.

Hai ngày sau cuộc cãi vã khó chịu này, quan hệ của chúng tôi với những người Nam Phi vẫn khá căng thẳng. Và góp phần vào không khí tồi tệ tại Trại Hai là những tin tức không tốt lành mà chúng tôi nhận được về tình trạng đang xấu đi của Ngawang Topche. Thậm chí ở độ cao thấp, anh ta vẫn ngày càng yếu hơn; do vậy các bác sĩ cho rằng căn bệnh của anh ta không phải đơn thuần chỉ là bệnh HAPE mà là bệnh HAPE kết hợp với lao phổi hoặc một căn bệnh liên quan đến phổi có từ trước đó. Tuy nhiên, những người Sherpa lại có cách chẩn đoán khác: họ tin rằng một trong số những người leo núi thuộc nhóm của Fischer đã làm nữ thần bầu trời của Everest Sagarmatha nổi giận và Người đã trừng phạt Ngawang.

Nhà leo núi đó đã quan hệ với một thành viên của một đoàn thám hiểm đang leo lên Mặt Lhotse. Bỏi vì không có sự riêng tư trong những chỗ chật chội ở Trạm Căn cứ, những hoạt động hẹn hò yêu đương diễn ra trong túp lều của người phụ nữ này đều bị những thành viên khác trong đoàn của cô ta để ý, đặc biệt là những thành viên người Sherpa ngồi bên ngoài chỉ trỏ và cười khúc khích khi hai người gặp gỡ. Họ rúc rích với nhau, diễn tả hành động quan hệ bằng cách đút một ngón tay vào lỗ hổng khi nắm không chặt bàn tay kia lại: “[X] và [Y] đang ấy ấy, ấy ấy”.

Tuy nhiên, mặc dù họ cười (không đề cập đến thói quen phóng đãng khét tiếng của họ), nhưng về cơ bản những người Sherpa không chấp nhận quan hệ trước hôn nhân trên các sườn núi của nữ thần Sagarmatha thiêng liêng này. Bất cứ khi nào thời tiết trở nên xấu đi, những người Sherpa thường chỉ lên những đám mây đang dày đặc trên trời và nói một cách nghiêm túc: “Ai đó lại mới quan hệ với nhau. Thật là xui xẻo. Sắp sửa lại có bão rồi”.

Sandy Pittman đã ghi nhận việc mê tín dị đoan này trong một mục nhật ký của mình từ chuyến leo núi năm 1994 và đã đăng tải lên mạng Internet vào năm 1996:

Ngày 29 tháng 4 năm 1994 Trạm Căn cứ ngọn Everest (5.425m)

Mạt Kangshung, Tây Tạng

… một người đưa thư mới đến vào buổi chiều với những bức thư nhà cho mọi người và một quyển tạp chí khiêu dâm được một anh chàng leo núi hay đùa nào đó gửi về nhà. Phân nửa những người Sherpa đã đem nó về lều để xem kỹ hơn trong khi những người khác tỏ ra phiền muộn vì những tai họa chắc chắn sẽ xảy ra nếu xem chúng. Họ khẳng định nữ thần Sagarmatha sẽ không tha thứ cho hành động này – bất cứ thứ gì bẩn thỉu – trên ngọn núi thiêng liêng của Người.

Đạo Phật trên những vùng núi cao Khumbu này có một tính chất duy linh riêng biệt: những người Sherpa sùng kính rất nhiều vị thần được cho là ngự trị ở các hẻm núi, sông ngòi và đỉnh núi của khu vực này. Và việc bày tỏ sự tôn kính đối với những vị thần này được xem là rất quan trọng để đảm bảo an toàn khi đi qua thắng cảnh nguy hiểm này.

Để làm hài lòng nữ thần Sagarmatha, năm nay cũng như mọi năm, người Sherpa đã dựng hơn một tá tháp thờ (chorten) đẹp đẽ bằng đá được vẽ tỉ mỉ tại Trạm Căn cứ, mỗi cái dành cho một đoàn thám hiểm. Là một khối hình lập phương hoàn hảo, án thờ tại trại của chúng tôi được trang trí ở phía trên bằng ba khối đá nhọn đã được chọn lựa kỹ càng, trên ba khối đá này là một cây sào bằng gỗ dài ba mét, ở trên đỉnh có một cành cây bách xù thanh nhã. Năm dãy dài cờ cầu nguyện38 nhiều màu sắc rực rỡ được treo tỏa tròn từ một cây sào phía trên những chiếc lều của chúng tôi để bảo vệ khu trại khỏi những nguy hiểm. Mỗi ngày trước lúc bình minh, người chỉ huy Sherpa tại Trạm Căn cứ của chúng tôi – một người Sherpa khoảng 40 tuổi rất được nể trọng tên là Ang Tshering – sẽ thắp hương làm từ cây bách xù, cầu kinh tại tháp thờ; trước khi lên đường tới Thác băng, những người phương Tây cũng như người Sherpa sẽ đi ngang qua án thờ – luôn luôn đi về bên trái của nó – và qua những làn khói trầm hương để nhận sự chúc phúc từ Ang Tshering.

Nhưng khi chú ý đến những lễ nghi này, ta có thể thấy đạo Phật của những người Sherpa nơi này là một tôn giáo phi giáo điều và mềm dẻo khá lý thú. Chẳng hạn, để được nữ thần Sagarmatha che chở, không đoàn thám hiểm nào được phép đi vào Thác băng ngay lần đầu tiên nếu như chưa trải qua một lễ cầu an (puja) phức tạp – một nghi lễ tôn giáo. Nhưng khi vị lạt ma gầy gò, ốm yếu dự kiến chủ trì nghi lễ puja không thể đến được vào ngày đã định từ ngôi làng xa xôi của ông ta, Ang Tshering tuyên bố chúng tôi được phép leo qua Thác băng, bởi vì nữ thần Sagarmatha hiểu rằng chúng tôi sẽ thực hiện nghi lễ puja ngay sau đó.

Người Sherpa cũng có thái độ khá thoáng như vậy đối với sự thông dâm: mặc dù những người Sherpa tuân thủ luật cấm này, nhiều người vẫn dành cho bản thân mình những ngoại lệ – vào năm 1996 thậm chí đã xảy ra cuộc tình giữa một người Sherpa và một phụ nữ Mỹ thuộc đoàn thám hiểm IMAX. Do đó, khá là ngạc nhiên khi những người Sherpa lại đổ lỗi rằng bệnh của Ngawang là do những quan hệ vụng trộm xảy ra tại trại của đoàn Mountain Madness. Tuy nhiên khi tôi chỉ cho Lopsang Jangbu – thủ lĩnh leo núi người Sherpa 23 tuổi của Fischer – thấy sự mâu thuẫn này, anh ta vẫn khăng khăng rằng vấn đề không phải là một trong những nhà leo núi của đoàn Fischer đã có quan hệ tại Trạm Căn cứ, mà là cô ta còn tiếp tục quan hệ với người tình của mình ở phía trên cao ngọn núi.

Lopsang trầm ngâm một cách nghiêm trang mười tuần sau cuộc thám hiểm: “Đối với tôi và với tất cả mọi người, đỉnh Everest chính là thần thánh. Chỉ có vợ chồng mới được ngủ với nhau. Nhưng khi [X] và [Y] ngủ với nhau, sẽ là điều không tốt cho đoàn chúng tôi… Do đó tôi nói với Scott: Làm ơn đi Scott, ông là người chỉ huy. Hãy nói với cô [X] đừng có ngủ với bồ của cô ta ở Trạm Hai. Làm ơn! Nhưng Scott chỉ cười. Chỉ sau ngày đầu tiên [X] và [Y] quan hệ với nhau, chú Ngawang Topche bị bệnh tại Trại Hai. Còn bây giờ thì chú đã mất rồi”.

Ngawang là chú của Lopsang: hai người họ rất thân thiết vói nhau và Lopsang đã tham gia đội cứu hộ đưa Ngawang xuống khỏi Thác băng vào đêm 22 tháng 4. Sau đó, khi Ngawang ngưng thở tại Pheriche và phải được đưa tới Kathmandu, Lopsang đã hối hả leo xuống từ Trạm Căn cứ (anh được Fischer khuyến khích) kịp lúc để đi cùng chú mình trên chuyến bay trực thăng. Chuyên bay ngắn tới Kathmandu và việc tức tốc trở về Trạm Căn cứ khiến cho Lopsang mệt mỏi và không thích nghi tốt với độ cao – việc này thật không tốt cho đoàn của anh ta: Fischer trông đợi ở anh ta ít nhất cũng giống như Hall trông đợi ở Ang Dorje, thủ lĩnh nhóm leo núi người Sherpa của mình.

Nhiều nhà leo núi Himalaya xuất sắc đã leo Everest từ mặt Nepal vào năm 1996 như Hall, Fischer, Breashears, Pete Schoening, Ang Dorje, Mike Groom và Robert Schauer (một nhà leo núi người Áo thuộc đoàn IMAX). Nhưng bốn người có ảnh hưởng nổi bật hơn cả trong nhóm những người kiệt xuất này – những người đã chứng tỏ được khả năng tuyệt vời ở độ cao hơn 7.925m và tạo thành một nhóm riêng – là Ed Viesturs, một người Mỹ đang tham gia trong bộ phim của IMAX; Anatoli Boukreev, một người hướng dẫn đến từ Kazakhstan đang làm việc cho Fischer; Ang Babu Sherpa, một người Sherpa đang được đoàn thám hiểm Nam Phi thuê; và Lopsang.

Là một người thích giao du, có ngoại hình dễ nhìn và cực kỳ tốt bụng, Lopsang là một người hết sức tự mãn nhưng cũng rất đỗi lôi cuốn. Anh ta là con một, lớn lên tại vùng Rohwaling và không hề hút thuốc hay uống rượu, một điều rất lạ lùng đối với những người Sherpa. Anh ta có một chiếc răng cửa bằng vàng và một nụ cười dễ chịu. Mặc dù nhỏ con và có vóc người mảnh khảnh, nhưng cách cư xử hào nhoáng, sự chăm chỉ, và sự khỏe mạnh phi thường của mình đã khiến anh ấy nổi tiếng như một Deion Sanders39của Khumbu. Fischer nói với tôi là anh nghĩ rằng Lopsang có khả năng trở thành “Reinhold Messner thứ hai” (Reinhold Messner là nhà leo núi người vùng Tyrole, được coi là nhà leo núi Himalaya vĩ đại nhất của mọi thời đại).

Lopsang thực hiện chuyến leo núi đầu tiên vào năm 1993 ở tuổi 20 khi anh được một đoàn thám hiểm hỗn hợp Ấn Độ – Nepal thuê để mang đồ; đoàn thám hiểm này do một phụ nữ Ấn Độ tên là Bachendri Pal dẫn đầu và gồm hầu hết là các nhà ôleo núi nữ. Là thành viên trẻ nhất của đoàn, ban đầu Lopsang chỉ đóng vai trò phụ nhưng sức khỏe của anh ta ấn tượng đến nỗi vào phút chót anh ta được chỉ định tham gia nhóm chinh phục đỉnh núi, và vào ngày 16 tháng 5 anh ta đã leo lên được đỉnh núi mà không dùng bình oxy.

Năm tháng sau khi chinh phục Everest, Lopsang đã leo tới đỉnh ngọn Cho Oyu cùng một đoàn leo núi người Nhật Bản. Đến mùa xuân năm 1994, anh làm việc cho Fischer trong đoàn thám hiểm Sagarmatha Environmental và lên tới đỉnh Everest lần thứ hai, một lần nữa không dùng bình oxy. Tháng 9 năm đó, anh ta đang leo lên Triền Tây của ngọn Everest cùng một đoàn thám hiểm người Na Uy thì bị một trận tuyết lở cuốn đi; sau khi rơi xuống núi 61m, anh ta đã hãm lại được bằng một chiếc rìu phá băng, bằng cách đó anh ta đã cứu được mạng mình và hai người cùng buộc dây với mình, nhưng một người cậu tên là Mingma Norbu Sherpa do không nối dây với ai đã ngã chết. Mặc dù sự mất mát này ảnh hưởng nhiều đến Lopsang, nhưng nó vẫn không thể giảm bớt khao khát leo núi của anh ấy.

Tháng 5 năm 1995, anh ta chinh phục được đỉnh Everest lần thứ ba mà không dùng bình oxy, lần này trong vai trò một nhân viên trong đoàn thám hiểm của Hall; và ba tháng sau đó anh ta chinh phục đỉnh Broad cao 8.047m tại Pakistan trong khi đang làm việc cho Fischer. Vào thời điểm Lopsang đến Everest với Fischer, anh ta chỉ mới bắt đầu leo núi được ba tháng, nhưng trong khoảng thời gian đó anh ta đã tham gia vào ít nhất mười cuộc thám hiểm dãy Himalaya và đã nổi tiếng là một nhà leo núi chuyên chinh phục các dãy núi cao nhất.

Cùng nhau leo lên ngọn Everest vào năm 1994, Fischer và Lopsang đã cảm thấy cực kỳ thán phục nhau. Cả hai đều có nghị lực vô bờ bến, sức quyến rũ không thể cưỡng lại và khả năng thu hút phụ nữ tuyệt vời. Coi Fischer như một người thầy cũng như là một hình mẫu, Lopsang thậm chí còn để kiểu tóc đuôi ngựa giống Fischer. Lopsang giải thích cho tôi với vẻ tự cao đặc trưng: “Scott là một người rất khỏe mạnh, tôi là một người rất khỏe mạnh. Chúng tôi là những đồng đội tuyệt vời. Scott không trả lương cho tôi cao như Hall hay những người Nhật Bàn, nhưng tôi không cần tiền; tôi đang tìm kiếm tương lai và Scott chính là tương lai của tôi. Ông ấy đã nói với tôi: ‘Lopsang, anh chàng Sherpa mạnh mẽ của tôi! Tôi sẽ làm cho cậu nổi tiếng!’… Tôi nghĩ Scott có nhiều kế hoạch lớn lao dành cho tôi tại Mountain Madness”.