Tan Biến: Hồi Ký Về Thảm Hoạ Everest - Chương 10: MẶT LHOTSE

NGÀY 29 THÁNG 4 NĂM 1996

7.132 MÉT

Tại Mỹ, sở thích leo núi không nhận được sự thông cảm rộng rãi của công chúng trên cả nước như ở các quốc gia châu Âu thuộc dãy Alps hoặc như người Anh, những người đã phát minh ra môn thể thao này. Ở những quốc gia này tồn tại một thái độ tương tự như sự thấu hiểu, và mặc dù nhìn chung thì ai cũng sẽ coi đó là một sự mạo hiểm vô ích đối với mạng sống, nhưng họ chấp nhận rằng đó là một việc cần làm. Ở Mỹ không hề có sự thừa nhận như vậy.

Walt Unsworth

Ngọn Everest

Một ngày sau khi nỗ lực leo lên Trại Ba lần đầu tiên của chúng tôi bị gió và cái lạnh khủng khiếp ngăn cản, tất cả mọi người trong nhóm của Hall (trừ Doug đang ở lại Trại Hai để chờ thanh quản bình phục) lại thử thêm lần nữa. Phía trên mặt dốc khổng lồ của Mặt Lhotse khoảng 300m, tôi leo lên một sợi dây cố định nylon đã bạc màu dường như dài bất tận, và càng leo cao hơn tôi càng chậm lại. Tôi trượt chiếc tay leo lên phía trên dọc theo sợi dây cố định bằng bàn tay có đeo găng, dồn trọng lượng của mình vào thiết bị và hít hai hơi thật sâu và nặng nhọc; sau đó tôi di chuyển chân trái lên và đạp đế đinh vào băng, vội vàng hít hai hơi nữa; bước chân phải lên kế bên chân trái, hít vào và thở ra một lần nữa; và lại trượt chiếc tay leo lên phía trên. Tôi đã cố gắng một cách hết sức nhàm chán như vậy trong suốt ba tiếng đồng hồ, và theo dự kiến tôi sẽ phải tiếp tục ít nhất một giờ nữa trước khi được nghỉ ngơi. Theo cách thức khổ sở này, tôi nhích lên từng phân từng phân một để leo lên một khu trại được đồn là được đặt ở một nơi nào đó trên mặt dốc phía trên kia.

Những người không leo núi – nghĩa là phần lớn nhân loại – thường cho rằng môn thể thao này là sự theo đuổi đầy liều lĩnh và đam mê những cảm giác mạnh ngày càng “lên đô”. Tuy nhiên quan điểm cho rằng những người leo núi chỉ đơn thuần là những người nghiện adrenaline luôn muốn một liều “phê hơn” là một ý kiến sai lầm, ít nhất là trong trường hợp của ngọn Everest. Những gì tôi đã làm trên đó hoàn toàn khác với việc nhảy bungee hoặc rơi tự do (trước khi bung dù) hay cưỡi mô tô với tốc độ 200km/h.

Trên cao không có những tiện nghi như ở Trạm Căn cứ, và chuyến thám hiểm thật ra là một nhiệm vụ vô cùng khó nhọc. So với những ngọn núi khác, chinh phục ngọn núi này chỉ mang lại cho người ta rất nhiều khổ cực hơn là niềm vui sướng; tôi nhanh chóng hiểu ra rằng leo núi Everest chủ yếu chính là chịu đựng sự khó nhọc. Và khi tự bắt mình phải trải qua hết tuần này đến tuần khác trong sự vất vả, chán ngắt và cực nhọc, tôi bỗng giật mình nhận ra có lẽ hầu hết chúng tôi đang mải tìm kiếm, hơn tất cả, một thứ gì đó như là lý tưởng của cuộc đời chúng tôi.

Tất nhiên với vô số những tay leo núi ít có tâm hơn với môn thể thao này, họ cũng có động cơ riêng cho mình: đó chính là sự nổi tiếng, thăng tiến trong sự nghiệp, sự thỏa mãn cho cái tôi, thói khoe khoang và lòng tham lam của họ. Nhưng những cám dỗ xấu xa này thường cũng không quá nghiêm trọng như nhiều người chỉ trích thường đề cập đến. Thật ra, nhiều tuần trên đỉnh Everest đã khiến tôi phải xem xét lại những nhận định ban đầu của mình về vài đồng đội leo núi.

Ví dụ như Taske Beck Weathers, lúc này trông như một đốm nhỏ xíu màu đỏ trên băng trắng phía dưới tôi 152 mét, ở gần cuối một hàng dài những người leo núi. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Beck không được tốt cho lắm: một nhà nghiên cứu bệnh học quá sốt sắng từ Dallas với những kỹ năng leo núi tệ hơn mức xoàng, thoạt đầu anh ta tham gia đoàn leo núi như một tay Cộng hòa giàu có và khoác lác đang muốn bỏ tiền mua đỉnh Everest để trưng bày trong bộ sưu tập của mình. Nhưng càng biết rõ hơn, tôi càng kính trọng anh ta hơn. Mặc dù đôi giày mới cứng ngắc đã khiến chân anh ta bị ép lại như một chiếc hamburger, nhưng Beck vẫn tiếp tục tập tễnh leo lên, hết ngày này qua ngày khác, mà không hề nói tới những vết thương ghê gớm đó. Anh ta là một người dai sức, có nghị lực và chịu đựng được nghịch cảnh. Và những gì lúc đầu tôi cho là ngạo mạn thì ngày càng rõ là sự cởi mở nơi anh. Người đàn ông này dường như không hề có ý nghĩ xấu xa về bất kỳ ai trên thế giới này (dù đó có là Hillary Clinton). Sự vui vẻ và tính lạc quan của Beck có sức lôi cuốn đến nỗi dần dần tôi cũng rất thích anh ta.

Là con trai của một sĩ quan không quân chuyên nghiệp, Beck đã trải qua thời thơ ấu của mình di chuyển hết căn cứ quân sự này tới căn cứ quân sự khác trước khi ổn định tại Wichita Falls để học đại học. Anh ta tốt nghiệp trường y, lập gia đình, có hai người con và trở thành một bác sĩ ăn nên làm ra tại Dallas. Sau đó, vào năm 1986, đã qua tuổi 40, Beck đi nghỉ tại Colorado, bị những miền núi cao mê hoặc, và đã ghi danh theo học một khóa leo núi căn bản tại Công viên Quốc gia Rocky Mountain.

Không có gì lạ khi bác sĩ là những người đầy tham vọng; Beck không phải là vị bác sĩ đầu tiên tỏ ra nhiệt tình với một sở thích mới. Nhưng leo núi không giống như choi golf hay quần vợt hay những thú tiêu khiển khác đang khiến những người bạn của anh ta mê mệt. Những yêu cầu của leo núi – những nỗ lực về thể chất và cảm xúc, những mối nguy hiểm thật sự – khiến cho leo núi không chỉ đơn giản là một trò chơi. Leo núi cũng giống như bản thân cuộc sống, chỉ có nó mới có thể làm khuây khỏa đến vậy và chưa từng có thứ gì khiến Beck hào hứng đến vậy. Vợ của anh ta, cô Peach, ngày càng lo ngại về niềm say mê của anh ta và về việc leo núi đã làm cho anh phải xa gia đình. Cô ấy càng khó chịu vì mới theo đuổi môn thể thao này chưa được bao lâu, Beck đã tuyên bố quyết định chinh phục Thất Đỉnh.

Mặc dù mơ ước của Beck có vẻ ích kỷ và hơi quá lố, nhưng nó không phải là điều phù phiếm. Tôi cũng bắt đầu nhận ra mục tiêu hết sức nghiêm túc như thế ở Lou Kasischke, vị luật sư từ Bloomfield Hills; của Yasuko Namba, người phụ nữ Nhật trầm lặng luôn ăn sáng bằng mì sợi; của John Taske, một chuyên gia gây mê 56 tuổi đến từ Brisbane chỉ bắt đầu học leo núi sau khi rời quân ngũ.

“Khi nghỉ hưu, tôi dường như mất phương hướng”, Taske nhớ lại một cách tiếc nuối bằng giọng Úc rất nặng. Ống ta đã từng giữ vị trí quan trọng trong quân đội – đại tá Lực lượng Không quân Đặc biệt của Úc, tương đương với lực lượng Mũ nồi xanh. Ông ta đã từng tham gia hai chiến dịch tại Việt Nam trong giai đoạn cao trào của cuộc chiến, rồi đột nhiên thấy mình hoàn toàn chưa chuẩn bị gì cho quãng đời phẳng lặng ngoài quân ngũ. “Tôi nhận ra rằng tôi thậm chí chẳng nói chuyện được với người bình thường. Cuộc hôn nhân của tôi cũng tan vỡ. Những gì tôi có thể thấy được lả đường hầm dài tăm tối này đang đóng lại, đang kết thúc trong sự ốm yếu, tuổi già và cái chết. Sau đó, tôi bắt đầu leo núi, và môn thể thao này mang lại cho tôi hầu hết những gì mà tôi thiếu trong quãng đời khoác áo thường dân – đó là những thách thức, tình bằng hữu, và ý thức về nhiệm vụ cần thực hiện.

Khi sự đồng cảm của tôi dành cho Taske, Weathers và một vài đồng đội khác tăng lên, tôi lại càng cảm thấy không thoải mái trong vai trò nhà báo của mình. Tôi không băn khoăn khi phải viết trung thực về Hall, Fischer, hay Sandy Pittman; bọn họ đã cố thu hút sự chú ý của giới truyền thông trong nhiều năm nay. Nhưng những đồng đội của tôi lại là một vấn đề khác. Khi họ ký hợp đồng tham gia chuyến thám hiểm của Hall, không ai biết có một phóng viên nằm trong đoàn đang liên tục ghi chép, âm thầm ghi lại những lời nói và hành động của họ để phơi bày những nhược điểm của họ ra công chúng. Mà công chúng thì chưa chắc đã cảm thông được với họ.

Sau khi chuyến thám hiểm kết thúc, Weathers được chương trình truyền hình Turning Point phỏng vấn. Trong một đoạn phỏng vấn không nằm trong phần được biên tập phát sóng, người dẫn chương trình của kênh tin tức ABC Forrest Sawyer đã hỏi Beck: “Anh nghĩ gì về việc có một phóng viên đi theo đoàn?” Beck trả lời:

Việc đó gây thêm nhiều áp lực. Tôi luôn hơi lo lắng một chút khi nghĩ anh bạn đó sẽ trở về và viết một câu chuyện được vài triệu người đọc. Và, ý tôi là, chỉ mình bạn và đoàn leo núi ở trên đó thôi thì cũng đã đủ tệ rồi nếu bạn làm những điều ngớ ngẩn. Việc ai đó có thể viết về bạn trên tạp chí giống như một chú hề hay một anh diễn viên hài sẽ tác động lên tinh thần của bạn, quy định cách bạn thể hiện, sự nỗ lực trong khi leo của bạn. Và tôi cho rằng điều đó sẽ ép mọi người phải cố gắng hơn mức họ muốn. Và ngay cả với những hướng dẫn viên cũng vậy. Ý tôi là, họ muốn đưa khách lên đỉnh vì có người sẽ viết về họ, sẽ đánh giá họ.

Một lát sau khi Sawyer hỏi: “Anh có cảm thấy rằng việc có một phóng viên đi theo đã gây thêm áp lực cho Rob Hall?”. Beck trá lời:

Không thể là không. Công việc này chính là “nồi cơm” của Rob, và nếu một trong những khách hàng của anh ta bị thương thì đó sẽ là điều tồi tệ nhất đối với một hướng dẫn viên… Hai mùa trước Rob đã thành công khi đưa được cả đoàn khách lên đỉnh núi, thật phi thường. Và tôi thực sự cho rằng anh ta đã nghĩ nhóm chúng tôi đủ mạnh để có thể lặp lại thành tích đó…Do đó tôi nghĩ rằng bạn sẽ chịu áp lực để khi xuất hiện trên báo, tạp chí một lần nữa, tất cả mọi thứ sẽ được tường thuật một cách thuận lợi.

* * *

Cuối cùng khi tôi lên được Trại Ba thì đã gần trưa. Trại Ba là ba chiếc lều màu vàng, nằm ở khoảng giữa sườn dốc chóng mặt của Mặt Lhotse, chen chúc nhau trên một nền trại đã được những người Sherpa của chúng tôi đẽo vào một sườn băng dốc. Khi tôi đến, Lhakpa Chhiri và Arita đang làm việc chăm chỉ để san nền cho chiếc lều thứ tư, do đó tôi bỏ ba lô ra và giúp họ. Ở độ cao 7.315m này, tôi chỉ có thể thực hiện được bảy tám nhát rìu trước khi phải dừng lại hơn một phút để thở. Không cần phải nói thì ai cũng biết sự giúp đỡ tận lực của tôi chẳng có nghĩa lý gì và phải mất gần một giờ họ mới hoàn thành công việc.

Khu trại của chúng tôi nằm phía trên khu lều của các đoàn thám hiểm khác 30,5m theo phương đứng, trông cực kỳ bắt mắt. Trong hàng tuần lễ chúng tôi đã phải làm việc cật lực trong một hẻm núi; giờ đây lần đầu tiên trong chuyến thám hiểm, khung cảnh chủ yếu là bầu trời chứ không còn là mặt đất. Những đám mây trắng mềm mại trôi lượn dưới ánh mặt trời, in dấu lên khu vực đẹp như tranh này một ma trận chuyển động của những bóng râm và ánh sáng chói mắt. Trong khi chờ các đồng đội leo lên, tôi ngồi, chân thõng xuống vực thẳm, ngắm những đám mây, và nhìn xuống các đỉnh núi cao 6.706m mà một tháng trước hãy còn vươn cao trên đầu chúng tôi. Cuối cùng, tôi có cảm giác như mình đang thật sự ở rất gần mái nhà của thế giới.

Tuy vậy, đỉnh núi vẫn còn cao hơn đó 1,6km, bao quanh nó là một quầng hơi nước ngưng tụ do gió gây ra. Tuy nhiên, ngay cả khi phần trên của ngọn núi bị những cơn gió có vận tốc hơn 160km/h cày xới thì không khí ở Trại Ba hầu như vẫn không bị khuấy động. Và khi chiều buông xuống, tôi bắt đầu cảm thấy chóng mặt vì bức xạ dữ dội của mặt trời – nhưng ít nhất tôi hy vọng sức nóng làm tôi mụ người ra, chứ không phải là dấu hiệu của chứng phù não.

Chứng Phù não do độ cao (HACE) ít phổ biến hơn so với chứng Phù phổi do độ cao (HAPE), nhưng lại nguy hiểm hơn. Là một chứng bệnh liên quan đến các vách ngăn tế bào, HACE xảy ra khi chất dịch thoát ra từ những mạch máu não đói oxy, khiến cho não sưng tấy lên nghiêm trọng. Nó có thể xảy ra với rất ít hoặc không có dấu hiệu báo trước nào. Khi áp suất tăng lên trong hộp sọ, khả năng vận động và tư duy giảm đi với tốc độ đáng báo động – thường thì chỉ trong khoảng vài giờ hoặc ít hơn – và thông thường nạn nhân không kịp nhận ra được thay đổi này. Tiếp theo đó là hôn mê, rồi đến tử vong trừ phi người bị bệnh được nhanh chóng di chuyển xuống độ cao thấp hơn.

Chiều hôm đó tôi nghĩ đến chứng HACE bởi vì chỉ cách đây hai ngày, một khách hàng của Fischer tên là Dale Kruse, một nha sĩ 44 tuổi quê ở Colorađo, đã bị ngất đi vì chứng bệnh này ngay tại Trại Ba. Là một người bạn lâu năm của Fischer, Kruse là một nhà leo núi khỏe mạnh và rất có kinh nghiệm. Vào ngày 26 tháng 4 anh ta đã leo từ Trại Hai lên Trại Ba, hâm một ít trà cho mình và các đồng đội, sau đó nằm trong lều của mình để ngủ một chút. “Tôi thấy rất buồn ngủ”, Kruse nhớ lại, “và kết cục đã ngủ suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ, tới tận khoảng 2 giờ chiều ngày hôm sau. Khi có ai đó đánh thức tôi dậy, những người khác lập tức nhận ra rằng não của tôi không hoạt động nhưng tôi vẫn không nhận ra điều này. Scott nói với tôi: “Chúng tôi sẽ đưa anh xuống ngay lập tức”.

Kruse đang trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn. Ông gặp khó khăn trong những chuyện đơn giản như tự mình cố gắng mặc quần áo. Ổng ta mang bộ đai leo núi lộn vào trong, luồn nó qua chiếc vạt cài nút trên bộ đồ chống gió của mình và không thể cài khóa. May mắn thay, Fischer và Neal Beidleman đã nhận ra điều tồi tệ này trước khi Kruse bắt đầu leo. Beidleman nói: “Nếu anh ấy cố gắng trèo xuống những sợi dây thừng trong tình trạng như thế này, anh ta sẽ ngay lập tức tuột khỏi bộ dây đai và rơi xuống đáy của Mặt Lhotse”.

Kruse hồi tưởng lại: “Cứ như thể tôi đã say lắm rồi. Tôi không thể bước đi mà không bị trượt chân và hoàn toàn mất khả năng suy nghĩ hay nói chuyện. Đó thực sự là một cảm giác lạ. Tôi có vài điều muốn nói, nhưng tôi lại không biết làm cách nào để mở miệng ra. Do đó Fischer và Neal đã phải giúp tôi mặc đồ và chắc chắn rằng bộ dây đai của tôi đã được đeo đúng cách, sau đó Scott hạ tôi xuống những sợi dây cố định”. Vào lúc Kruse xuống tới Trạm Căn cứ, anh ta nói: “Phải mất thêm ba hay bốn ngày nữa thì tôi mới có thể đi từ lều của mình đến chiếc lều lộn xộn này mà không bị liên tục trượt chân”.

* * *

Khi mặt trời buổi tối lặn xuống phía sau ngọn Pumori, nhiệt độ tại Trại Ba tụt xuống hơn năm mươi độ, và khi không khí trở nên giá lạnh, đầu óc tôi trở nên sáng suốt: lo lắng của tôi về việc mắc chứng HACE trở nên không có căn cứ, ít nhất là trong lúc này. Sáng hôm sau, sau một đêm mất ngủ và khốn khổ ở độ cao 7.315m, chúng tôi leo xuống Trại Hai, và một ngày sau đó, ngày 1 tháng 5, chúng tôi tiếp tục xuống Trạm Căn cứ để hồi phục lại sức khỏe chuẩn bị cho chuyến chinh phục đỉnh núi.

Thời gian luyện tập thích nghi của chúng tôi đã chính thức kết thúc – và trước sự ngạc nhiên thú vị của tôi, tính toán của Hall đã tỏ ra có hiệu quả: sau ba tuần trên ngọn núi, tôi nhận thấy rằng không khí tại Trạm Căn cứ có vẻ đặc và nhiều oxy hơn so với không khí cực kỳ loãng tại các trại phía trên cao.

Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều ổn đối với cơ thể tôi. Tôi đã sụt gần mười ký, chủ yếu là ở vai, lưng và chân. Cơ thể tôi cũng đã đốt gần như toàn bộ lớp mỡ dưới da, khiến cho tôi nhạy cảm hơn rất nhiều đối với cái lạnh. Nhưng vấn đề nghiêm trọng nhất của tôi lại là ngực: chứng ho khan mà tôi mắc phải nhiều tuần trước tại Lobuje đã trở nên tồi tệ đến nỗi tôi đã bị xé một số sụn ở ngực trong một con ho đặc biệt nghiêm trọng tại Trại Ba. Chứng ho này vẫn tiếp tục không hề giảm sút và mỗi cơn ho có cảm giác giống như một cú đánh mạnh vào những chiếc xương sườn.

Hầu hết những người leo núi khác ở Trạm Căn cứ cũng ở trong tình trạng hao hụt tương tự – đó đơn giản chỉ là sự thật về cuộc sống trên ngọn Everest. Trong năm ngày nữa, những người leo núi chúng tôi thuộc đoàn của Hall và Fischer sẽ rời Trạm Căn cứ để lên đỉnh. Hy vọng ngăn chặn được sự suy sụp của mình, tôi quyết tâm nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau và nạp vào người càng nhiều calorie càng tốt vào lúc này.

Ngay từ đầu, Hall đã dự tính rằng ngày 10 tháng 5 sẽ là ngày chúng tôi chinh phục đỉnh núi. Anh ta giải thích: “Trong bốn lần chúng tôi lên tới đỉnh, có hai lần là vào ngày 10 tháng 5. Như những người Sherpa nói, ngày 10 là ‘ngày lành’ đối với tôi”. Nhưng có một lý do thực tế hơn để chọn ngày này: tình trạng dao động của gió mùa khiến cho điều kiện thời tiết thuận lợi nhất trong năm rơi vào đúng hoặc gần ngày 10 tháng 5.

Trong suốt tháng 4, dòng khí hướng vào ngọn Everest như một con ngựa lửa, tấn công chóp núi với những cơn gió cấp tám. Thậm chí trong những ngày ở Trạm Căn cứ hoàn toàn êm ả và đầy ánh nắng mặt trời, thì trên đỉnh núi vẫn có một khối tuyết khổng lồ do gió thổi rơi xuống. Nhưng vào đầu tháng 5, chúng tôi hy vọng gió mùa từ Vịnh Bengal thổi vào sẽ đẩy luồng khí về phía bắc qua Tây Tạng. Nếu như năm nay cũng giống như các năm trước thì giữa khoảng thời gian gió bắt đầu đi và những cơn bão gió mùa bắt đầu đến, chúng tôi sẽ có một khoảng thời gian ngắn thời tiết sáng sủa và lặng gió, khi ấy việc chinh phục đỉnh núi sẽ là khả thi.

Thật không may mắn, kiểu thời tiết hàng năm không phải là điều gì bí mật, và mọi đoàn thám hiểm đều quyết tâm chinh phục đỉnh núi vào khoảng thời gian thời tiết thuận lợi này. Với hy vọng tránh được tình trạng ùn tắc trên sườn núi lên đỉnh, Hall triệu tập một buổi họp lớn với những người dẫn đầu các đoàn leo núi khác tại Trạm Căn cứ. Mọi người đã đi đến quyết định rằng Goran Kropp, chàng trai Thụy Điển đã đi xe đạp từ Stockholm đến Nepal, sẽ là người leo núi đầu tiên và một mình vào ngày 3 tháng 5. Kế tiếp sẽ là một đội đến từ Montenegro. Sau đó, vào ngày 8 hoặc 9 tháng 5 sẽ đến lượt đoàn IMAX.

Nhóm của Hall sẽ cùng leo lên đỉnh vào ngày 10 tháng 5 với nhóm của Fischer. Sau khi suýt bị thiệt mạng vì một tàng đá rơi ở thấp phía dưới trên Mặt Tây Nam, Peter Neby, vận động viên leo núi một mình người Na Uy, đã bỏ về: anh ta đã lặng lẽ rời khỏi Trạm Căn cứ vào một buổi sáng và trở về bán đảo Scandinavia. Một nhóm thám hiểm có người hướng dẫn do hai người Mỹ Todd Burleson và Pete Anthans cùng với đoàn thương mại của Mal Duff và một đoàn thương mại người Anh khác đều hứa sẽ không leo vào ngày 10 tháng 5; đoàn Đài Loan cũng thế. Tuy nhiên, Ian Woodall tuyên bố rằng nhóm Nam Phi sẽ leo lên đỉnh bất cứ khi nào mà họ cảm thấy thuận lợi, rất có thể là vào ngày 10, và rằng bất kỳ ai không thích việc này có thể đi chỗ khác chơi.

Hall, vốn bình thường rất khó nổi giận, đã nhanh chóng nổi xung thiên khi biết rằng Woodall từ chối hợp tác. Anh ấy giận dữ: “Tôi không muốn ở bất kỳ chỗ nào phía trên đỉnh núi khi những tên ngốc này đang trèo lên đó”.