Tan Biến: Hồi Ký Về Thảm Hoạ Everest - Chương 11: TRẠM CĂN CỨ

NGÀY 6 THÁNG 5 NĂM 1996

5.364 MÉT

Trong môn leo núi, sự giản hóa mối quan hệ con người, việc giảm tình bạn xuống thành sự phối hợp hành động sao cho ăn ý (như trong chiến tranh vậy), hay việc dùng một cái khác (một ngọn núi, một thử thách nào đó) để thay thế cho mối quan hệ chiếm bao nhiêu phần trăm sức quyến rũ? Đằng sau không khí thần bí của sự phiêu lưu, bền bỉ, ước mơ lãng du tự do – những thuốc giải rết cần cho sự thoải mái và tiện nghi sẵn có trong nền văn hóa của chúng ta – có thể ẩn chứa sự từ chối kiểu “ngựa non” không suy nghĩ đến tuổi già, sự mong manh của sự vật, trách nhiệm giữa người với người, đủ loại nhược điểm, đến bản thân dòng đời phẳng lặng và chậm chạp đang trôi qua…

Các nhà leo núi giỏi nhất…có thể xúc động mạnh, thậm chí có thể khóc, nhưng nước mắt chỉ dành cho những đồng đội đã ra đi mà họ ngưỡng mộ. Một sự lạnh lẽo nào đó, hết sức giống nhau về cung bậc, thể hiện trong các tác phẩm của Buhl, John Harlin, Bonatti, Bonington và Haston: đó là thái độ lạnh lẽo của năng lực. Có lẽ đây chính là mục đích của việc leo núi cao: đến một điểm mà, theo lời của Haston, “Nếu có bất kỳ trục trặc nào, thì đó sẽ là một trận chiến quyết tử. Nếu bạn luyện tập đủ, bạn sẽ sống sót; nếu không tự nhiên sẽ làm việc của nó”.

David Robert

“Patey Agonistes”

Những khoảnh khắc ngờ vực

Chúng tôi rời Trạm Căn cứ vào lúc 4 giờ 30 sáng ngày 6 tháng 5 để bắt đầu nỗ lực chinh phục đỉnh của mình. Đỉnh núi, hơn 3km theo phương đứng ở trên kia, trông quá xa vời nên tôi cố gắng giới hạn suy nghĩ của mình ở lại Trại Hai, điểm đến của chúng tôi trong ngày hôm nay. Ngay khi tia nắng đầu tiên chiếu đến tảng băng, tôi đã ở độ cao 6.096m, trong lòng Thung lũng Tây; tôi cảm thấy biết ơn vì Thác băng đã ở bên dưới mình và tôi sẽ chỉ phải đi qua nó một lần nữa thôi, trong chuyến đi cuối cùng xuống núi.

Tôi đã bị cái nóng của Thung lũng hành hạ mỗi khi tôi đi qua nó, và lần này cũng không phải là ngoại lệ. Dẫn đầu hàng leo lên cùng Andy Harris, tôi liên tục nhét đầy tuyết vào dưới nón và di chuyển thật nhanh trong mức mà phổi và chân tôi cho phép, hy vọng rằng sẽ đến được bóng mát của những chiếc lều trước khi không chịu nổi bức xạ của mặt trời. Khi buổi sáng trôi qua và mặt trời bắt đầu đổ lửa, đầu tôi bắt đầu cảm thấy nặng. Lưỡi tôi phồng lên đến nỗi tôi rất khó khăn trong việc thở bằng miệng, và tôi nhận thấy rằng càng ngày tôi càng khó suy nghĩ một cách tỉnh táo.

Andy và tôi lê lết được đến Trại Hai vào lúc 10 giờ 30 sáng. Sau khi tu liền hai lít Gatorade tôi lấy lại được trạng thái cân bằng. Andy chia sẻ: “Thật vui vì cuối cùng chúng ta cũng trên đường lên đỉnh”. Anh ta đã phải ở thấp bên dưới vì mắc nhiều chứng bệnh đường ruột trong phần lớn chuyến thám hiểm và cuối cùng cũng đang lấy lại sức khoẻ của mình. Là một hướng dẫn viên tài năng với sự kiên nhẫn đáng khâm phục, anh ta thường được phân công theo dõi những khách hàng chậm hơn ở cuối nhóm và cảm thấy vô cùng hồi hộp khi Rob để anh ta được tự do trong sáng nay để đi đến đích. Là một hướng dẫn viên trẻ trong đoàn của Hall, và là người duy nhất chưa từng đến Everest, Andy hăm hở muốn chứng tỏ bản thân mình với những người đồng nghiệp dày dạn kinh nghiệm khác. “Tôi nghĩ chúng ta thật sự sẽ chinh phục được gã khổng lồ đó”, anh ta giãi bày với một nụ cười tươi và nhìn chằm chằm lên đỉnh núi.

Trễ hơn vào ngày hôm đó, Goran Kropp, anh chàng leo núi đơn độc 29 tuổi người Thụy Điển, đi ngang qua Trại Hai trên đường trở về Trạm Căn cứ, trông có vẻ mệt nhoài. Vào ngày 16 tháng 10 năm 1995, anh ta đã rời Stockholm trên một chiếc xe đạp được chế tạo riêng chất đầy 114 kg đồ nghề, với dự định thực hiện một chuyến đi khứ hồi từ độ cao ngang mực nước biển ở Thụy Điển lên đến đỉnh núi Everest hoàn toàn bằng chính sức lực của mình, mà không cần đến sự trợ giúp của những người Sherpa hay dùng bình oxy. Đó là một mục tiêu cực kỳ tham vọng, nhưng Kropp có khả năng thực hiện được điều đó: anh ta đã từng tham gia sáu chuyến thám hiểm Himalaya trước đây và đã từng thực hiện những chuyến leo núi một mình lên đỉnh Broad, Cho Oyu và K2.

Suốt gần 13.000km đi xe đạp tới Kathmandu, anh ta đã bị những học sinh Rumani trấn lột và bị một đám đông người Pakistan tấn công. Tại Iran, một người đi xe mô tô giận dữ đã phang một chiếc gậy bóng chày vào đầu (thật may mắn) có đội mũ bảo hiểm của Kropp. Tuy nhiên anh ta vẫn đến được chân núi Everest mà không hề hấn gì vào đầu tháng 4 với một nhóm làm phim đi theo, và ngay lập tức đã thực hiện những chuyến leo thích nghi trên phần thấp của dãy núi. Sau đó, vào Thứ tư, ngày 1 tháng 5, anh ta rời Trạm Căn cứ để leo lên đỉnh núi.

Kropp đến trại cuối của mình ở độ cao 7.925m trên Đèo Nam vào trưa thứ Năm và bắt đầu leo lên đỉnh ngay sau nửa đêm của buổi sáng hôm sau. Mọi người tại Trạm Căn cứ đều ở sát chiếc bộ đàm của mình trong suốt ngày hôm đó, hồi hộp chờ đợi tin tức về chuyến leo của anh ấy. Bên trong chiếc lều bê bối của chúng tôi, Helen Wilton treo một tấm biển có dòng chữ: “Lên nào, Goran, Lên nào!”

Lần đầu tiên trong nhiều tháng hầu như không có gió thổi mạnh trên ngọn núi, nhưng tuyết ở phần trên của ngọn núi dày tới bắp đùi, khiến cho việc di chuyển rất chậm chạp và mệt mỏi. Tuy vậy, Kropp vẫn di chuyển không ngừng lên phía trên qua những đụn tuyết và đến hai giờ chiều ngày thứ Năm anh ta đã đạt đến độ cao 8.748m, ngay bên dưới Đỉnh Nam. Nhưng thậm chí khi chỉ còn cách đỉnh núi không quá sáu mươi phút leo, anh ta đã quyết định quay lại khi tin rằng mình sẽ trở nên quá mệt mỏi để có thể leo xuống an toàn nếu tiếp tục leo cao thêm nữa.

“Quay lại khi ở gần đỉnh như vậy…”, Hall trầm ngâm lắc đầu nói như vậy khi Kropp lê bước nặng nề qua Trại Hai trên đường xuống núi vào ngày 6 tháng 5. “Điều đó chứng tỏ óc suy xét tuyệt vời của anh chàng Goran trẻ tuổi này. Tôi rất ấn tượng – thực ra là ấn tượng hơn nhiều so với nếu anh ta tiếp tục leo lên và chinh phục được đỉnh núi”. Trong suốt tháng rồi, Rob đã thuyết đi thuyết lại về tầm quan trọng của việc định trước giờ trở xuống vào ngày chúng tôi lên đỉnh – trong trường hợp của chúng tôi là 1 giờ chiều hoặc trễ nhất là 2 giờ – và về việc phải tuân thủ giờ đã định cho dù chúng tôi có ở gần đỉnh núi đến thế nào chăng nữa. “Nếu có đủ quyết tâm thì bất kỳ tên ngốc nào cũng có thể leo lên ngọn núi này. Vấn đề khó khăn chính là việc trở xuống an toàn”.

Vẻ bề ngoài dễ chịu của Hall che giấu một khao khát thành công mãnh liệt – anh ta định nghĩa thành công một cách đơn giản là đưa được càng nhiều khách leo núi lên đỉnh càng tốt. Để bảo đảm thành công, Rob rất chú ý đến các chi tiết: sức khỏe của những người Sherpa, hệ thống điện năng lượng mặt trời, độ sắc của những chiếc đế đinh của khách. Hall yêu thích công việc hướng dẫn, và anh ta cảm thấy phiền lòng khi những nhà leo núi nổi tiếng – bao gồm cả Ngài Edmund Hillary – không đánh giá đúng việc hướng dẫn vất vả như thế nào hoặc không tôn trọng nghề này như Rob mong đợi.

* * *

Rob quy định Thứ ba ngày 7 tháng 5 sẽ là ngày nghỉ ngơi, do đó chúng tôi thức dậy trễ và ngồi quanh Trại Hai, tranh nhau nói về những dự đoán hồi hộp cho chuyến chinh phục đỉnh núi sắp tới. Tôi coi lại những chiếc đế đinh cúa mình và một số dụng cụ khác, sau đó thử đọc một cuốn sách của Carl Hiaasen nhưng lại quá tập trung vào việc leo núi đến nỗi tôi cứ đọc đi đọc lại một câu mà không nhớ được từ nào.

Cuối cùng tôi bỏ cuốn sách xuống, chụp vài bức ảnh Doug đứng cầm lá cờ mà các em học sinh trường Kent nhờ anh ta mang theo lên đỉnh, và hỏi anh ta về những khó khăn trên đỉnh núi; anh ta vẫn còn nhớ rõ những kinh nghiệm của năm trước. Anh ta nhăn mặt: “Khi chúng ta lên đến đỉnh. Tôi đảm bảo anh sẽ trở thành thương phế binh”. Doug nhất định tham gia cuộc chinh phục đỉnh núi mặc dù cổ họng vẫn hành anh ta và sức khỏe của anh dường như đang ở mức tệ nhất. Như anh ta nói: “Tôi đã đầu tư quá nhiều cho ngọn núi này nên không thể bỏ cuộc mà không nỗ lực hết mức”.

Cuối buổi chiều hôm đó, Fischer đi qua trại của chúng tôi, môi mím chặt, di chuyển chậm chạp một cách lạ thường về khu lều của anh ấy. Anh ta thường xuyên duy trì một thái độ hết sức lạc quan; một trong những câu nói ưa thích cúa anh ấy là: “Nếu bạn đang chán nản, bạn sẽ không lên được tới đỉnh núi, do đó chừng nào chúng ta còn ở trên này, chúng ta cần phải tỏ ra lạc quan”. Tuy nhiên, vào lúc này Scott dường như chẳng lạc quan tí nào; thay vào đó anh ta trông có vẻ lo lắng và mệt mỏi.

Do đã khuyến khích các khách hàng của mình leo lên, leo xuống ngọn núi một cách độc lập trong suốt thời gian thích nghi, nên Fischer phải thực hiện nhiều cuộc di chuyển vội vã và đột xuất giữa Trạm Căn cứ và các trại phía trên khi một vài khách hàng của anh ta gặp sự cố và cần phải được hộ tống xuống dưới. Anh ta đã thực hiện những chuyến đi đặc biệt để trợ giúp Tim Madsen, Pete Schoening, và Da le Kruse. Và giờ đây, trong thời gian nghỉ ngơi một ngày rưỡi hết sức cần thiết, Fischer cũng buộc phải thực hiện một chuyến đi từ Trại Hai xuống Trạm Căn cứ và quay trở lên để giúp người bạn tốt của mình là Kruse sau khi anh ta phải xuống núi vì một chứng bệnh dường như là HACE tái phát.

Fischer đã lên tới Trại Hai vào khoảng giữa trưa hôm qua, chỉ sau Andy và tôi, và bỏ xa các khách hàng của anh ấy. Anh ta đã chỉ thị cho anh chàng hướng dẫn Anatoli Boukreev giúp những người bị tụt lại sau, theo sát đoàn và chú ý đến tất cả mọi người. Nhưng Boukreev đã phớt lờ chỉ thị của Fischer: thay vì cùng leo với toàn đội, anh ta dậy trễ, tắm rửa và rời khỏi Trạm Căn cứ trễ hơn người khách hàng cuối cùng năm giờ đồng hồ. Do đó, khi Kruse gục xuống ở độ cao 6.096m với một cơn nhức đầu khủng khiếp, Boukreev không có mặt ở gần đó, buộc Fischer và Beidleman phải di chuyển gấp từ Trại Hai xuống để xử lý tình huống khẩn cấp này ngay khi biết tin tức về tình trạng của Kruse từ những người leo núi đang leo lên Thung lũng Tây.

Không bao lâu sau khi Fischer đến được chỗ Kruse và bắt đầu chuyến leo đầy trắc trở xuống Trạm Căn cứ, họ gặp Boukreev tại đỉnh của Thác băng, đang leo lên một mình, và Fischer đã quở trách anh chàng hướng dẫn này một cách dữ dội vì đã trốn tránh trách nhiệm của mình. Kruse nhớ lại: “Vâng, Scott la Toli khá nặng. Anh ấy muốn biết tại sao anh ta lại ở quá xa phía sau mọi người như vậy – tại sao anh ta không leo cùng với toàn đội”.

Theo Kruse và những khách hàng khác của Fischer, sự căng thẳng giữa Fischer và Boukreev ngày càng gia tăng trong suốt chuyến đi. Fischer trả cho Boukreev 25.000 đô la – một khoản thù lao rất hào phóng cho công việc hướng dẫn trên ngọn Everest (hầu hết những hướng dẫn viên khác trên ngọn núi được trả từ 10.000 đô la tới 15.000 đô la; những người Sherpa leo núi giỏi chỉ nhận được từ 1.400 đô la cho tới 2.500 đô la), và kết quả công việc của Boukreev không đáp ứng được kỳ vọng của anh ấy. Kruse giải thích: “Toli rất khỏe mạnh và là một người leo núi có kỹ thuật rất tốt, nhưng những kỹ năng xã hội của anh ta rất kém. Anh ta không trông chừng những người khác. Anh ta không phải là một người biết làm việc theo nhóm. Trước đó, tôi đã nói với Scott tôi không muốn phải leo cùng với Toli lên phía trên của ngọn núi bởi vì tôi không chắc mình có thể tin tưởng vào anh ta khi thật sự có chuyện xảy ra”.

Vấn đề sâu xa nằm ở chỗ quan điểm của Boukreev về trách nhiệm của anh ta khác xa so với Fischer. Là một người Nga, Boukreev đến từ một nền văn hóa leo núi kiêu hãnh, khắc nghiệt và thu nhập thấp, không có khái niệm chiều chuộng những kẻ yếu. Ở các nước Đông Âu, những người hướng dẫn được huấn luyện để hoạt động như những người Sherpa – vận chuyển đồ đạc, cố định dây, mở đường – chứ không giống như những người trông trẻ. Cao to với mái tóc vàng cùng những nét điển trai của người Slavơ, Boukreev là một trong những người leo núi xuất sắc nhất thế giới, với hai mươi năm kinh nghiệm trên dãy Himalaya, bao gồm hai lần chinh phục đỉnh Everest mà không dùng bình oxy. Và trong sự nghiệp lẫy lừng của mình anh ta đã đưa ra vô số những ý kiến cố hữu, không chính thống về việc làm thế nào để leo lên ngọn núi. Anh ta nói thẳng suy nghĩ của mình rằng các hướng dẫn viên đã mắc sai lầm khi nuông chiều khách. Boukreev nói với tôi: “Nếu một khách hàng không thể tự mình leo lên ngọn Everest mà không cần nhiều sự giúp đỡ từ hướng dẫn viên, anh ta không nên lên Everest. Nếu không sẽ có rắc rối lớn trên ấy”.

Nhưng việc Boukreev từ chối hoặc không có khả năng thực hiện vai trò của một hướng dẫn viên thông thường theo truyền thống phương Tây đã khiến cho Fischer điên tiết. Điều này cũng buộc ông ta và Beidleman phải gánh vác đáng kể trách nhiệm trông nom cho cả đoàn và đến tuần đầu tiên của tháng 5 sự cố gắng này đã làm cho sức khỏe của Fischer giảm sút nhiều. Sau khi về tới Trạm Căn cứ với Kruse đang bị bệnh, Fischer gọi hai cuộc điện thoại về Seattle trong đó ông ta phàn nàn một cách cay đắng với đối tác kinh doanh của mình, Karen Dickinson, và với chuyên gia quảng cáo của ông, Jane Bromet40 về sự cứng đầu của Boukreev. Không ai trong số hai người phụ nữ này tưởng tượng được rằng đó sẽ là những cuộc nói chuyện cuối cùng của họ với Fischer.

[←40]

Bromet đã rời Trạm Căn cứ vào giữa tháng 4 và trở về Seattle, nơi cô tiếp tục cập nhật những bài báo nhanh trên Internet về chuyến thám hiểm của Fischer cho tờ Outside Online; cô ấy chủ yếu dựa vào những cuộc điện thoại cập nhật thường xuyên của Fischer để cung cấp thông tin cho bài báo của mình.

* * *

Ngày 8 tháng 4 cả hai đội Hall và Fischer cùng rời Trại Hai và bắt đầu cuộc leo nguy hiểm theo dây cố định lên Mặt Lhotse. Ở độ cao 600m phía trên đáy của Thung lũng Tây, chỉ ngay dưới Trại Ba, một tảng đá có kích thước bằng một chiếc ti vi nhỏ rơi xuống từ những vách đá phía trên và trúng ngay ngực Andy Harris. Nó khiến Andy tuột chân, và treo lơ lửng trên dây cố định. Andy hết sức hoảng sợ và bị choáng trong vài phút. Nếu trước đó anh ta không móc người vào thiết bị leo cơ học, chắc chắn anh ta đã bị ngã chết.

Khi lên đến lều, Andy trông hết sức căng thẳng nhưng tuyên bố rằng mình không hề bị thương. Anh ta khẳng định: “Sáng nay có lẽ tôi hơi mệt mỏi một chút nhưng tảng đá chết tiệt đó cũng chẳng làm gì được tôi ngoài vài vết bầm”. Chỉ ngay trước khi tảng đá rơi trúng, anh ta đang gập người cúi đầu; anh ấy đã bất chợt nhìn lên khi tảng đá rơi xuống, do đó tảng đá chỉ lướt qua cằm trước khi rơi trúng ức anh ấy, nhưng suýt tí nữa thì nó đã trúng sọ. “Nếu tảng đá trúng ngay đầu tôi…”. Andy nhăn nhó khi anh ta tháo ba lô ra, để lửng câu nói.

Do Trại Ba là trại duy nhất trên toàn ngọn núi mà chúng tôi không ở chung với những người Sherpa (vì nó quá nhỏ nên không đủ chỗ dựng lều cho tất cả chúng tôi), chúng tôi sẽ phải tự mình làm công việc nấu nướng – phần lớn là việc làm tan một lượng băng lớn để lấy nước uống. Do bị mất nước – hậu quả tất yếu của việc hít thở nhiều trong không khí khô – mỗi người chúng tôi phải uống gần bốn lít nước mỗi ngày. Do đó, chúng tôi phải nấu gần năm mươi lít nước để đáp ứng nhu cầu của tám khách leo núi và ba hướng dẫn viên.

Vì là người đầu tiên tới khu lều vào ngày 8 tháng 5, tôi phải đảm nhận công việc chặt băng. Trong ba giờ đồng hồ, khi những bạn đồng hành của tôi lần lượt đến trại và chui vào túi ngủ của họ, tôi vẫn ở ngoài trời chặt đẽo tại những sườn băng với chiếc rìu phá băng của mình, chất đầy những mảnh băng vào các túi nhựa và mang đi phân phát cho mỗi lều để nấu lấy nước. Ở độ cao 7.315m đó là một công việc mệt nhọc. Cứ mỗi lần một đồng đội của tôi réo: “Nè, Jon! Anh vẫn còn ngoài đó chứ? Chúng tôi muốn thêm một chút băng nữa!”, tôi lại càng thấy rõ những người Sherpa đã làm cho chúng tôi nhiều biết dường nào, và chúng tôi ít biết trân trọng những điều đó như thế nào.

Đến cuối buổi chiều, khi mặt trời lặn dần xuống đường chân trời nhấp nhô và nhiệt độ bắt đầu tụt xuống, mọi người đã kéo hết vào trong trại trừ Lou Kasischke, Frank Fischbeck và Rob, người xung phong làm nhiệm vụ dọn dẹp và sẽ vào sau cùng. Khoảng 4 giở chiều, anh chàng hướng dẫn Mike Groom nhận được một cuộc gọi bộ đàm của Rob: “Lou và Frank vẫn còn ở dưới khu lều gần 100m và đang di chuyển cực kỳ chậm; Mike có thể xuống dưới để giúp đõ họ không?”. Mike nhanh chóng mang đế đinh vào và leo xuống những sợi dây cố định mà không phàn nàn gì.

Gần một giờ trôi qua trước khi anh ta quay trở lại, đi trước hai người kia. Lou mệt mỏi đến nỗi anh ta để Rob mang giúp ba lô của mình, và đi lảo đảo vào trại trông xanh xao và mệt mỏi. Anh ta lẩm bẩm: “Tôi đã đến nơi. Tôi đã đến nơi. Hết oxy luôn rồi”. Frank xuất hiện một vài phút sau đó thậm chí có vẻ còn đuối sức hơn mặc dù anh ta từ chối đưa ba lô của mình cho Mike. Đây là một cú sốc khi nhìn thấy hai người trong tình trạng thế này – gần đây cả hai người này đã leo rất tốt. Sự mệt mỏi rõ rành rành của Frank là một đòn mạnh giáng vào dự đoán của tôi: từ đầu tôi đã cho rằng nếu có người trong đội chúng tôi lên được tới đỉnh, chắc chắn sẽ có Frank trong số đó; trước đây anh ta đã ba lần leo cao lên ngọn núi này.

* * *

Khi bóng tối bao trùm khu trại, các hướng dẫn viên phân phát cho chúng tôi các bình oxy, bộ điều áp và mặt nạ: kể từ đây cho đến khi quay lại, chúng tôi sẽ thở bằng bình khí nén.

Sử dụng bình oxy như một phương tiện trợ giúp khi leo núi là một thông lệ. Việc này đã từng gây ra những tranh luận gay gắt bắt đầu từ khi những người Anh lần đầu tiên mang thiết bị oxy thử nghiệm lên ngọn Everest vào năm 1921. (Những người Sherpa đa nghi ngay lập tức gọi những bình oxy cồng kềnh là “không khí của người Anh”.) Người đầu tiên chỉ trích việc dùng khí nén là George Leigh Mallory; ông đưa ra luận điểm rằng dùng khí nén là “phi thể thao, do đó không đúng tinh thần Anh quốc”. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau mọi việc đã rõ mười mươi rằng ở nơi được gọi là Vùng Chết, cao từ 7.620m trở lên, nếu không dùng oxy bổ sung, cơ thể sẽ trở nên dễ tổn thương hơn rất nhiều trước chứng HACE, HAPE, giảm thân nhiệt, bỏng lạnh và nhiều nguy hiểm chết người khác. Vào năm 1924, khi trở lại để thực hiện chuyến thám hiểm thứ ba lên đỉnh núi, Mallory đã tin không thể nào chinh phục được đỉnh núi mà không dùng oxy bổ sung, và ông đã chấp nhận sử dụng bình oxy.

Những thí nghiệm được tiến hành trong các phòng giảm áp sau đó đã chứng tỏ rằng nếu một người bị đưa từ độ cao ngang mực nước biển lên đỉnh Everest, nơi mà không khí chỉ còn chứa một phần ba oxy, anh ta sẽ hôn mê trong vòng vài phút và tử vong ngay sau đó. Nhưng một số nhà leo núi duy lý vẫn tiếp tục khăng khăng rằng một vận động viên tài năng có những đặc tính sinh lý học đặc biệt, sau một giai đoạn thích nghi dài, có thể leo lên tới đỉnh mà không cần dùng bình oxy. Những người theo chủ nghĩa truyền thống đẩy vấn đề đi quá xa về mặt logic, lập luận rằng sử dụng khí nén là lừa bịp.

Đến những năm 1970, nhà leo núi nổi tiếng vùng Tyrole Reinhold Messner trở thành người khởi xướng việc leo núi không dùng bình oxy khi tuyên bố rằng ông ta sẽ chỉ leo Everest “bằng chính sức mình”, nếu không sẽ không leo. Không lâu sau đó, Messner và người bạn lâu năm của mình, một người Áo tên Peter Habeler, đã khiến cộng đồng leo núi thế giới kinh ngạc khi thực hiện được những gì mình tuyên bố: 1 giờ chiều ngày 5 tháng 8 năm 1978, họ đã lên đến đỉnh bằng lộ trình Đèo Nam và Triền Đông Nam mà không dùng bình oxy. Thành công này nhận được sự hoan nghênh từ giới leo núi và được xem là cuộc chinh phục Everest thật sự đầu tiên.

Tuy nhiên chiến công lịch sử của Messner và Habeler không phải được tất cả mọi người hoan nghênh, đặc biệt là những người Sherpa. Hầu hết những người này đơn giản không cho rằng người phương Tây có khả năng lập được thành tích như vậy, điều mà những người Sherpa khỏe mạnh nhất cũng chưa làm được. Họ suy đoán rằng Messner và Habeler đã thở oxy từ những bình khí thu nhỏ được giấu trong áo quần. Tenzing Norgay và một số người Sherpa nổi tiếng khác đã ký tên vào một thỉnh nguyện thư kêu gọi chính phủ Nepal mở cuộc điều tra chính thức về chuyến leo núi nổi tiếng này.

Nhưng những chứng cứ xác nhận cuộc leo núi này không sử dụng bình oxy là không thể bác bỏ. Hơn nữa, hai năm sau đó Messner đã bắt những người hoài nghi phải im miệng khi ông tới mặt Tây Tạng của Everest và thực hiện một chuyến leo núi không dùng bình oxy khác. Lần này ông hoàn toàn leo một mình, không có sự trợ giúp của những người Sherpa hay bất kỳ ai. Khi lên đến đỉnh vào 3 giờ chiều ngày 20 tháng 8 năm 1980, leo qua nhũng đám mây dày và tuyết rơi nặng, Messner nói: “Tôi đang ở trong tình trạng mệt mỏi cực độ. Chưa bao giờ trong đời mình tôi cảm thấy kiệt sức như vậy”. Trong cuốn Đường chân trời pha lê, cuốn sách ông viết về chuyến leo núi này, Messner mô tả nỗ lực của mình trong những mét cuối cùng để lên tới đỉnh như sau:

Khi nghỉ ngơi tôi cảm thấy không còn chút sức sống nào ngoại trừ cổ tôi rát lên khi hít thở… Tôi hầu như không thể tiếp tục. Không hề thất vọng, không hề sung sướng, không hề lo lắng. Tôi chưa mất khả năng kiểm soát cảm giác của mình, thật ra chẳng còn thêm cảm giác gì nữa. Trong tôi chỉ còn ý chí. Sau mỗi vài mét ngay cả ý chí cũng mờ nhạt đi trong sự mệt mỏi triền miên. Sau đó tôi không nghĩ gì nữa. Tôi không thể ngăn mình ngã xuống, nằm đó. Sau một quãng thời gian vô định tôi vẫn hoàn toàn lưỡng lự. Sau đó tôi lại cố gắng bước tiếp vài bước.

Khi Messner trở về cuộc sống bình thường, chuyến leo núi của ông được ca ngợi khắp nơi như một kỳ công leo núi vĩ đại nhất của mọi thời đại.

Sau khi Messner và Habeler chứng minh được rằng có thể chinh phục Everest mà không dùng bình oxy, một nhóm những nhà leo núi đầy tham vọng thống nhất rằng nên chinh phục Everest không dùng bình oxy. Kể từ đó, nếu một người muốn được coi là thành viên nhóm ngôi sao Himalaya này thì việc không sử dụng bình oxy là một điều kiện bắt buộc. Đến năm 1996, khoảng sáu mươi người cả nam lẫn nữ đã leo lên được đỉnh núi mà không cần oxy – năm người trong số đó đã không bao giờ trở về.

Cho dù tham vọng cá nhân có lớn đến đâu thì cũng không có ai trong nhóm của Hall từng nghĩ đến việc leo lên đỉnh mà không dùng bình oxy. Thậm chí ngay cả Mike Groom, người đã từng leo Everest ba năm trước đây không dùng bình oxy, cũng giải thích với tôi rằng anh ta dự định sẽ dùng oxy trong lần này bởi vì anh ta đang làm công việc hướng dẫn, và kinh nghiệm đã cho anh ta biết mình sẽ bị suy yếu nghiêm trọng – cả về thể chất lẫn tinh thần – đến mức không thể hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của mình. Cũng giống như những hướng dẫn viên kỳ cựu khác ở Everest, Groom tin rằng mặc dù leo núi không dùng bình oxy là có thể chấp nhận được khi leo một mình – thật ra xét về mặt thẩm mỹ thì trông đẹp hơn là phải đeo sù sụ cái mặt nạ và bình dưỡng khí, nhưng nó lại cực kỳ thiếu trách nhiệm nếu hướng dẫn người khác lên đỉnh mà không dùng bình oxy.

Hệ thống oxy tối tân do Nga chế tạo được Hall sử dụng gồm một mặt nạ oxy cứng bằng nhựa giống như loại được các phi công lái máy bay chiến đấu MiG đeo trong chiến tranh Việt Nam, được nối qua một ống cao su nhỏ và một thiết bị điều áp thô sơ tới một bình chứa màu cam được làm bằng Kevlar và thép (nhỏ hơn và nhẹ hơn nhiều so với bình khí nén của thợ lặn, mỗi bình nặng gần 3kg khi nạp đầy). Mặc dù chúng tôi không sử dụng oxy bổ sung khi ngủ trong thời gian ở lại Trại Ba lần trước, nhưng bây giờ khi bắt đầu trận chiến cuối cùng lên đỉnh núi, Rob bắt chúng tôi phải sử dụng oxy trong khi ngủ. “Mỗi phút các bạn ở độ cao từ đây lên đến đỉnh, trí óc và cơ thể của các bạn đang yếu đi”. Các tế bào não đang chết dần. Máu của chúng ta đang trở nên đặc lại rất nguy hiểm. Các mao mạch trong võng mạc đang tự động xuất huyết. Ngay cả khi nghỉ ngơi, tim cũng đập với tốc độ rất nhanh. Rob cam đoan rằng “khí oxy trong bình sẽ giúp làm chậm sự suy yếu này và giúp các bạn ngủ được”.

Tôi cố gắng lưu ý đến lời khuyên của Rob, nhưng nỗi lo sợ tiềm tàng trong tôi lại trỗi dậy. Khi đeo chiếc mặt nạ lên mũi và miệng tôi liên tục tưởng tượng ra rằng nó đang làm tôi nghẹt thở, vậy là sau một giờ khổ sở tôi tháo nó ra và trải qua suốt đêm đó mà không dùng oxy, hổn hển ngủ và bồn chồn, liên tục nhìn đồng hồ xem liệu đã tới giờ dậy hay chưa.

Nằm trên sườn dốc cách chúng tôi chừng 30m ở phía dưới, ở vị trí bấp bênh như chúng tôi, là lều của hầu hết những nhóm khác – gồm nhóm Fischer, những người Nam Phi, và Đài Loan. Sáng sớm hôm sau – Thứ năm ngày 9 tháng 5 – khi tôi đang mang giày vào để leo lên Trại Bốn, Chen Yu-Nan, một công nhân ngành thép 36 tuổi đến từ Đài Bắc, bò ra khỏi lều của mình để đi vệ sinh chỉ với đôi giày lót đế bằng. Đây là một sự mất khả năng nhận định nghiêm trọng.

Khi đang ngồi xổm, anh ta trượt chân trên băng và ngã lãn xuống Mặt Lhotse. Thật khó tin, sau khi ngã xuống chừng hơn 20m anh ta đâm đầu vào một khe băng và nó đã giúp cản lại cú ngã của anh ta. Những người Sherpa chứng kiến cảnh này đã thả dây thừng xuống, nhanh chóng lôi anh ta ra khỏi khe vực, và giúp anh ấy trở về lều của mình. Mặc dù bị ngã nặng và sợ chết khiếp nhưng dường như anh ấy không bị thương gì nghiêm trọng. Lúc đó, không có ai trong nhóm của Hall, kể cả tôi, biết được rằng tai nạn này đã xảy ra.

Ngay sau đó, Makalu Gau và những người còn lại trong đội Đài Loan để Chen một mình tại lều để hồi phục và khởi hành lên Đèo Nam. Mặc dù Gau đã hứa chắc với Rob và Fischer rằng anh ta sẽ không chinh phục đỉnh núi vào ngày 10 tháng 5, anh ta đã thay đổi ý kiến của mình và giờ đây đang dự định sẽ leo lên đỉnh núi cùng ngày với chúng tôi.

Chiều hôm đó một người Sherpa tên là Jangbu, đang trên đường xuống Trại Hai sau khi thồ hàng lên Đèo Nam, đã dừng lại ở Trại Ba để theo dõi tình trạng của Chen và nhận thấy rằng tình trạng của anh chàng leo núi Đài Loan đang xấu đi nghiêm trọng: giờ đây anh ta bị mất phương hướng và đang chịu đau đớn cùng cực. Thấy rằng anh ta cần phải được di tản, Jangbu huy động thêm hai người Sherpa khác và bắt đầu đưa Chen xuống Mặt Lhotse. Còn cách đáy của dốc băng 90m, Chen đột ngột đổ nhào và bất tỉnh. Một lát sau, dưới Trại Hai, bộ đàm của David Breashears kêu lên liên hồi: đó là Jangbu, thông báo bằng giọng hoảng hốt rằng Chen đã ngừng thở.

Breashears và một đồng đội trong nhóm IMAX của mình là Ed Viesturs nhanh chóng leo lên để xem liệu họ có cứu được anh ta hay không, nhưng khoảng bốn mươi phút sau đó khi đến được chỗ Chen, họ không nhận thấy dấu hiệu của sự sống nào. Tối đó, sau khi Gau đến Đèo Nam, Breashears gọi cho anh ta bằng bộ đàm. Breashears nói với người dẫn đầu nhóm Đài Loan: “Makalu, Chen đã chết”.

Gau đáp lại: “O.K. Cám ơn anh đã thông báo”. Sau đó ông ta quả quyết với nhóm của mình rằng cái chết của Chen không hề ảnh hưởng đến kế hoạch khởi hành leo lên đỉnh núi vào lúc nửa đêm của họ. Breashears sửng sốt. “Tôi vừa mới vuốt mắt bạn của anh ta”, Breashears nói bằng giọng hết sức tức giận. “Tôi vừa mới kéo cái xác của Chen xuống. Và những gì Makalu có thể nói chỉ là, “O.K”. Tôi không hiểu, tôi nghĩ có thể đó là vấn đề về văn hóa. Có lẽ anh ta cho rằng cách tốt nhất để tỏ lòng kính trọng cái chết của Chen chính là tiếp tục chinh phục đỉnh núi”.

Suốt sáu tuần trước đó đã có một vài tai nạn nghiêm trọng: Tenzing bị ngã xuống một khe nứt trước khi chúng tôi đến được Trạm Căn cứ; Nwagang Topche mắc chứng HAPE và suy kiệt sau đó; một người leo núi trẻ và hoàn toàn khỏe mạnh người Anh thuộc đoàn của Mal Duff có tên là Ginge Fullen đã bị một cơn đau tim nguy kịch gần ngay đỉnh của Thác băng; một người Đan Mạch trong nhóm của Duff tên là Kim Sejberg bị một tảng serac nơi Thác băng rơi trúng và bị gãy mấy cái xương sườn. Tuy nhiên, cho tới lúc đó, vẫn chưa có ai thiệt mạng.

Cái chết của Chen đã phủ lên toàn bộ đoàn người leo núi một màn không khí u ám khi tin đồn về tai nạn lan từ lều này qua lều khác, tuy nhiên ba mươi ba nhà leo núi sẽ bắt đầu leo lên đỉnh trong vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi nữa. Vì vậy, sự buồn bã nhanh chóng bị xua đi bởi lo lắng dự đoán về những việc đang chờ đợi phía trước. Hầu hết chúng tôi đơn giản đều quá chú tâm vào sự náo nức chinh phục đỉnh Everest đến nỗi không còn thời gian để suy nghĩ nhiều về cái chết của ai đó trong đoàn. Chúng tôi khi ấy đã nghĩ rằng sau này sẽ có nhiều thời gian để suy ngẫm lại sau khi tất cả mọi người đã lên tới đỉnh và trở xuống an toàn.