Tan Biến: Hồi Ký Về Thảm Hoạ Everest - Chương 12: TRẠI BA

NGÀY 9 THÁNG 5 NĂM 1996

7.315 MÉT

Tôi nhìn xuống. Leo xuống là một việc hoàn toàn buồn chán… Để lên dược tới đây chúng tôi đã phải tốn quá nhiều sức lực, trải qua quá nhiều đêm không ngủ, và cả quá nhiều giấc mơ. Chúng tôi không thể trở xuống để lại thử leo lên vào tuần sau. Ngay cả nếu có thể thì leo xuống bây giờ có nghĩa là một tương lai ám ảnh với một câu hỏi lớn: chuyện gì đã có thể xảy ra?

Thomas F. Hornbein

Everest: Sườn núi phía Tây

Thức dậy vẫn còn bơ phờ và chệnh choạng sau một đêm mất ngủ tại Trại Ba, tôi từ từ mặc quần áo, đun tan băng lấy nước và ra khỏi lều vào sáng ngày Thứ năm, 9 tháng 5. Khi tôi bỏ đồ vào ba lô và mang đế đinh vào, hầu hết những người còn lại trong nhóm của Hall đều đã bắt đầu leo trên những sợi dây cố định để lên Trại Bốn. Thật ngạc nhiên là Lou Kasischke và Frank Fischbeck cũng ở trong số này. Do tình trạng sức khỏe yếu khi đến trại tối hôm trước, tôi đã cho rằng cả hai người này sẽ quyết định bỏ cuộc. “Khá lắm, anh bạn”, tôi kêu lên, dùng lại cụm từ chính họ đã dùng với tôi, cảm thấy ấn tượng khi những người bạn của tôi đã vượt qua được khó khăn và quyết tâm tiếp tục.

Khi tôi leo nhanh lên phía trên để nhập bọn với đồng đội của mình, tôi nhìn xuống và trông thấy một hàng xấp xỉ năm mươi nhà leo núi thuộc các đoàn thám hiểm khác cũng đang di chuyển lên những sợi dây cố định; người dẫn đầu trong số họ đang ở ngay sau tôi. Không muốn bị mắc kẹt vào một vụ ùn tắc (điều này sẽ khiến tôi phải hứng chịu lâu hơn những loạt đá rơi xuống không ngừng từ phía trên, và nhiều nguy cơ khác), tôi đẩy nhanh tốc độ và quyết tâm leo lên đầu hàng. Tuy nhiên, do chỉ có một sợi dây cố định thòng xuống Mặt Lhotse nên việc vượt qua những người leo chậm hơn không phải là điều dễ dàng.

Tôi luôn nghĩ đến việc Andy đã bị một tảng đá rớt trúng mỗi lần tôi tháo móc ra khỏi dây cố định để vượt qua một người khác – thậm chí một vật nhỏ phóng ra cũng là quá đủ để làm tôi rơi xuống đáy Mặt Lhotse nếu như nó trúng tôi trong khi tôi tháo móc khỏi sợi dây. Hơn nữa, nhảy cóc qua những người khác không chỉ là một việc mạo hiểm mà còn làm hao sức rất nhiều. Như một chiếc xe Yugo máy yếu đang cố gắng vượt qua một hàng những chiếc xe khác trên một ngọn đồi dốc đứng, tôi phải đạp lút chân ga trong một thời gian rất dài để vòng qua một chiếc xe khác điều này khiến tôi phải há miệng thở dốc đến nỗi tôi sợ rằng mình sẽ nôn vào chiếc mặt nạ oxy.

Do đây là lần đầu tiên leo núi dùng bình dưỡng khí, tôi phải mất một lúc để làm quen với nó. Mặc dù những lợi ích của việc sử dụng oxy trên độ cao 7.315m này là có thật nhưng khó có thể nhận thấy ngay lập tức. Khi tôi cố lấy lại hơi thở sau khi đã vượt qua được ba người, chiếc mặt nạ thực sự làm tôi có cảm giác nó đang khiến tôi bị ngạt, do đó tôi tháo nó ra khỏi mặt mình, và nhận ra rằng việc hít thở thậm chí còn khó khăn hơn.

Ngay khi tôi vượt qua được một vách đá vôi dễ vỡ màu vàng đất, được biết đến như Dải Vàng, tôi đã vượt được lên phía trước hàng người và có thể bước những bước thoải mái hơn. Di chuyển chậm chạp nhưng đều đặn, tôi leo tắt sang bên trái băng qua đỉnh của Mặt Lhotse, sau đó leo lên một mũi đá toàn diệp thạch đen vỡ vụn được gọi là Mũi Geneva. Cuối cùng tôi cũng phải quen thở bằng thiết bị oxy của mình và đã di chuyển nhanh hơn người ngay phía sau tôi một giờ đồng hồ. Ở một mình là điều quý giá trên ngọn Everest và ngày hôm nay tôi rất vui khi được hưởng một chút điều đó, trong một khung cảnh ngoạn mục thế này.

Ở độ cao 7.894m, tôi dừng lại trên đỉnh của Mũi Geneva để uống một chút nước và quan sát xung quanh. Không khí loãng nơi này có đặc tính kết tinh và lung linh làm cho ngay cả những đỉnh núi ở xa trông cũng có vẻ như gần đến mức có thể chạm tới được. Được ánh sáng mặt trời giữa trưa soi sáng rất rõ, chóp đỉnh Everest lù lù hiện ra qua một làn mây mỏng lững lờ. Nhìn qua ống kính tele máy ảnh lên phần trên của Triền Đông Nam, tôi ngạc nhiên khi trông thấy bốn bóng người nhỏ như kiến đang di chuyển rất chậm lên Đỉnh Nam. Tôi cho rằng họ chắc hẳn là các nhà leo núi thuộc đoàn Montenegro; nếu thành công họ sẽ là những người đầu tiên lên được đỉnh trong năm nay. Điều này cũng có nghĩa rằng những lời đồn đại mà chúng tôi nghe về việc tuyết dày đến nỗi không thể leo được là không có cơ sở – nếu như họ lên được tới đỉnh thì chúng tôi cũng có cơ hội làm điều đó. Nhưng những làn bụi tuyết đang thổi ra từ triền đỉnh là một dấu hiệu xấu: những người Montenegro đang phải chiến đấu với những cơn gió dữ tợn để hướng lên đỉnh.

Tôi lên đến Đèo Nam, bệ phóng cho cuộc chinh phục đỉnh núi của chứng tôi, vào lúc 1 giờ chiều. Đèo Nam là một cao nguyên hoang vắng toàn băng cứng đạn bắn không thủng và những tảng đá bị gió quét dữ dội, ở độ cao 7.925m so với mực nước biển. Đèo nằm ở một hẻm núi rộng, giữa các vách băng phía trên của Mặt Lhotse và đỉnh Everest. Nó có hình dáng gần giống hình chữ nhật, dài cỡ bốn và rộng khoảng hai sân bóng đá. Mép phía đông của Đèo Nam dốc thẳng 2.133m qua Mặt Kangshung xuống Tây Tạng; mép kia đâm thẳng 1.219m xuống Thung lũng Tây. Ngay trên mép của vực thẳm này, tại cạnh cực tây của đèo, những chiếc lều của Trại Bốn nằm lù lù trên một mảnh đất nhỏ cằn cỗi, xung quanh là hơn một ngàn chiếc bình oxy bỏ đi41. Đây có lẽ là nơi cư trú không có sự sống và tiêu điều nhất trên hành tinh này.

Khi dòng không khí gặp ngọn núi Everest và bị ép qua các đường viền hình chữ V của Đèo Nam, gió mạnh lên đạt tốc độ kinh khủng; bởi vậy những cơn gió tại Đèo Nam thật ra mạnh hơn những cơn gió hoành hành trên đỉnh núi. Những cơn cuồng phong thổi qua Đèo Nam gần như thường xuyên vào đầu mùa xuân giải thích lý do tại sao nơi này chỉ toàn là đá và băng trơ trụi, ngay cả khi tuyết phủ rất dày trên những sườn núi ngay bên dưới: tất cả những thứ gì không đông lại ngay tại đây đều bị thổi bay vào Tây Tạng.

Khi tôi vào Trại Bốn, sáu người Sherpa đang vất vả dựng những chiếc lều cho đoàn chúng tôi trong trận cuồng phong mạnh l00km/h. Tôi giúp họ dựng chiếc lều cùa mình và neo chặt nó vào những chiếc bình oxy bỏ đi chèn dưới những tảng đá to nhất mà tôi có thể nâng lên, sau đó nhảy vào trong đợi những người cùng đội đến và sưởi ấm đôi tay lạnh như băng của mình.

Thời tiết trở nên xấu đi khi chiều buông. Lopsang Jangbu, người thủ lĩnh Sherpa của Fischer, xuất hiện mang theo một gùi hàng 40kg nặng oằn lưng, khoảng 15kg trong số đó là một chiếc điện thoại vệ tinh và các thiết bị ngoại vi: Sandy Pittman đang định gửi những bản tin ngắn qua Internet từ độ cao 7.925m. Mãi đến 4 giờ 30 chiều những người đồng đội cuối cùng mới đến nơi, và những người chậm nhất trong đoàn của Fischer còn đến trễ hơn nữa, lúc đó một cơn bão dữ dội đang hoành hành hết cỡ. Vào buổi tối, những người Montenegro trở lại Đèo Nam thông báo rằng vẫn không thể chinh phục được đỉnh núi: họ buộc phải quay trở lại khi đến bên dưới Bậc Hillary.

Thời tiết và sự thất bại của những người Montenegro không phải là điềm báo tốt cho cuộc chinh phục đỉnh núi của chúng tôi, vốn được dự định sẽ diễn ra trong chưa đầy sáu giờ tới. Mọi người trở về những chiếc lều nylon của mình ngay khi đến đèo và cố hết sức để ngủ một giấc, nhưng tiếng lạch tạch như súng máy phát ra từ những chiếc lều đang bay phần phật và sự lo lắng về những gì sẽ xảy đến khiến hầu hết chúng tôi đều không thể ngủ.

Stuart Hutchison – anh chàng bác sĩ tim mạch trẻ người Canada – được phân ở cùng lều với tôi; Rob, Frank, Mike Groom, John Taske, và Yasuko Namba ở cùng một lều; Lou, Beck Weathers, Andy Harris và Doug Hansen ở trong chiếc lều thứ ba. Lou và người bạn cùng lều đang ngủ lơ mơ thì có tiếng kêu lạ từ ngoài gió bão: “Cho anh ta vào nhanh lên nếu không anh ta sẽ chết ngoài này!” Lou mở cửa lều và một thoáng sau một người đàn ông có râu ngã ngửa vào lòng anh ta. Đó chính là Bruce Herrod, người phó chỉ huy tốt bụng 37 tuổi của đoàn Nam Phi; anh ta cũng người duy nhất trong đoàn đó có khả năng leo núi thật sự.

Lou nhớ lại: “Bruce đang gặp vấn đề thực sự. Anh ta run rẩy không kiểm soát được, hành động rất thiếu ý thức và không có lý trí, về cơ bản anh ấy không thể tự làm gì. Thân nhiệt anh ta giảm đáng kể đến nỗi anh ấy gần như không nói được. Những người còn lại trong đoàn của anh ấy chắc chắn đang ở đâu đó trên đèo hoặc đang trên đường lên đèo. Nhưng anh ta không biết họ ở nơi nào và anh ta không biết làm thế nào để tìm lều của mình, do đó chúng tôi đưa cho anh ta chút gì để uống và cố gắng làm cho anh ta ấm lại”.

Doug cũng đang trong tình trạng không tốt. Beck nhớ lại: “Anh ta phàn nàn rằng mình đã không ngủ được và không ăn được trong vài ngày . Nhưng anh ta vẫn quyết định mặc đồ vào và khởi hành khi đến giờ. Tôi cảm thấy lo lắng, bởi vì vào lúc đó tôi cũng hiểu Doug đủ để có thể nhận ra rằng trong suốt năm vừa qua, Doug đã khổ sở về việc anh ta đã chỉ còn cách đỉnh khoảng chín mươi mét nhưng đã phải quay lại. Và ý tôi là việc này đã giày vò anh ta mỗi ngày. Và rõ ràng là Doug sẽ không để bị từ chối cơ hội chinh phục đỉnh Everest lần thứ hai. Doug sẽ tiếp tục leo lên đỉnh cho đến hơi thở cuối cùng”.

Tối đó có hơn năm mươi người ở trên Đèo Nam, chen chúc trong những chiếc lều được dựng cạnh nhau, nhưng có một cảm giác cô lập lạ lùng bao phủ trong không gian. Tiếng gầm thét của những cơn gió khiến cho việc trao đổi từ lều này qua lều khác là không thể. Tại nơi khỉ ho cò gáy này, tôi cảm thấy bị tách biệt với những người leo núi khác xung quanh tôi – về tình cảm, về tinh thần và cả về thể xác – đến một mức độ tôi chưa từng trải qua trong bất kỳ chuyến thám hiểm nào trước đây. Chúng tôi chỉ là một đội trên danh nghĩa, tôi buồn bã nhận ra điều này, mặc dù trong vài giờ nữa chúng tôi sẽ rời khỏi trại theo nhóm, nhưng chúng tôi sẽ leo núi riêng rẽ, không hề liên hệ với người khác bằng dây thừng hay bất kỳ cảm giác trung thành mạnh mẽ nào. Mỗi vị khách hàng sẽ hầu như chỉ chú ý đến bản thân mình. Và tôi cũng vậy, ví dụ, tôi thật lòng muốn Doug lên tới đỉnh nhưng tôi sẽ làm mọi điều trong khả năng của mình để tiếp tục tiến lên phía trước dẫu anh ấy có quay lại.

Trong hoàn cảnh khác thì suy nghĩ này hẳn đã khiến tôi chán nản, nhưng đầu óc tôi hoàn toàn bị vấn đề thời tiết choán chỗ nên không còn thời gian nghĩ về nó. Nếu những cơn gió không nhẹ bớt – và trong thời gian ngắn – thì chúng tôi sẽ không thể nào chinh phục được đỉnh núi trong đợt này.

Trong tuần vừa rồi, những người Sherpa của Hall đã tích trữ tại Đèo Nam hơn 180kg khí oxy nén, tức là 55 bình oxy. Mặc dù số đó nghe có vẻ nhiều nhưng nó chỉ đủ để cho phép ba người hướng dẫn, tám khách và bốn người Sherpa thực hiện một chuyến leo lên đỉnh duy nhất. Và lượng khí đang cạn dần: thậm chí ngay cả khi nghỉ trong lều chúng tôi cũng đang tiêu tốn số khí nén quý giá này. Nếu cần thiết, chúng tôi có thể tắt chúng đi và vẫn an toàn trên độ cao này trong vòng hai mươi bốn giờ; tuy nhiên sau đó hoặc là chúng tôi phải leo lên hoặc là phải trở xuống.

Nhưng thật may mắn, vào 7 giờ 30 tối gió bão đột nhiên giảm đi. Herrod bò ra khỏi lều cùa Lou và loạng choạng đi tìm các đồng đội của mình. Nhiệt độ đang ở dưới 0°C, nhưng hầu như không có gió: điều kiện tuyệt vời cho một chuyến leo lên đỉnh núi. Bản năng của Hall thật là phi thường. Dường như anh ta đã tính toán thời gian cho cuộc chinh phục của chúng tôi một cách hoàn hảo. Anh ấy reo lên từ lều bên cạnh: “Jonno! Stuart! Xem ra chúng ta đã đúng, các bạn; hãy chuẩn bị xuất phát vào mười một giờ ba mươi”.

Khi chúng tôi uống trà và chuẩn bị mọi dụng cụ sẵn sàng cho chuyến leo, không ai nói gì nhiều. Tất cả chúng tôi đã phải chịu đựng nhiều vất vả để có được khoảnh khắc này. Cũng giống như Doug, tôi đã ăn ít và không ngủ được kể từ khi rời Trại Hai cách đây hai ngày. Mỗi khi tôi ho, cơn đau từ phần sụn bị rách ở ngực tôi giống như có ai đó thọc mạnh lưỡi dao dưới các xương sườn, và khiến tôi chảy nước mắt. Nhưng nếu tôi muốn chinh phục đỉnh núi, tôi biết rằng mình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ qua sự yếu đuối của bản thân và leo lên.

Không giờ kém hai mươi lăm phút, tôi mang mặt nạ oxy vào, bật đèn pin trên đầu lên và bắt đầu leo lên trong bóng đêm. Đoàn của Hall có mười lăm người: ba hướng dẫn viên, toàn bộ tám khách và bốn người Sherpa – Ang Dorje, Lhakpa Chhiri, Ngawang Norbu, và Kami. Hall chỉ thị cho hai người Sherpa khác là Arita và Chuldum ở lại khu lều để hỗ trợ và ứng cứu khi có sự cố.

Nhóm Mountain Madness khởi hành sau chúng tôi nửa giờ. Nhóm này gồm có ba hướng dẫn viên – Fischer, Beidleman, và Boukreev; sáu người Sherpa; và các khách hàng – Charlotte Fox, Tim Madsen, Klev Schoening, Sandy Pittman, Lenc Gammelgaard và Martin Adams42. Lopsang đã dự tính rằng sẽ chỉ có năm người Sherpa trong đoàn Mountain Madness cùng leo lên đỉnh, hai người còn lại ở lại Đèo Nam để hỗ trợ, nhưng anh ta cho hay: “Scott đã mở lòng và nói với những người Sherpa, “Tất cả đều có thể leo lên đỉnh”43. Cuối cùng Lopsang đã không theo lời Fischer và ra lệnh cho một người Sherpa, em họ của anh ta có biệt danh là Pemba “Lớn”, ở lại bên dưới. Lopsang thú thực rằng: “Pemba đã nổi điên với tôi. Nhưng tôi đã nói với cậu ta, ‘Cậu phải ở lại, nếu không lần sau tôi sẽ không gọi cậu làm việc nữa’. Do đó anh ta mới chịu ở lại Trại Bốn”.

Rời trại ngay sau nhóm của Fischer, Makalu Gau khởi hành với hai người Sherpa – ngang nhiên phớt lờ lời hứa sẽ không có người Đài Loan nào leo lên đỉnh cùng ngày với chúng tôi. Những người Nam Phi cũng dự định leo lên đỉnh, nhưng chuyến leo núi mệt nhoài từ Trại Ba lên Đèo đã tiêu hao nhiều sức lực của họ đến nỗi họ thậm chí còn không ra nổi khỏi lều của mình.

Tất cả, ba mươi ba người leo núi khởi hành lên đỉnh vào nửa đêm. Mặc dù chúng tôi rời Đèo với tư cách là thành viên của ba nhóm riêng biệt, nhưng số phận của chúng tôi đã bắt đầu gắn vào nhau – và chúng sẽ càng liên hệ chặt chẽ với nhau khi chúng tôi từ từ tiến lên đỉnh Everest.

* * *

Cảnh vật ban đêm ngày càng toát lên một vẻ đẹp lung linh và lạnh lẽo khi chúng tôi leo lên cao. Trời nhiều sao hơn tất cả những lần tôi đã thấy trong đời. Vầng trăng khuyết nhô lên trên lưng chừng núi Makalu ở độ cao 8.481m, chiếu sáng sườn núi dưới chân tôi bằng một thứ ánh sáng ma quái, khiến cho chúng tôi không cần dùng tới đèn trên đầu. Xa xa về hướng đông nam, dọc theo biên giới Ấn Độ – Nepal, những đám mây dông khổng lồ đang lững lờ trôi trên những đầm lầy đầy mầm mống sốt rét của vùng Terai44, thắp sáng bầu trời bằng những tia chớp kỳ dị màu cam và xanh dương.

Ba giờ sau khi rời khỏi Đèo Nam, Frank cảm thấy có gì đó không ổn trong ngày hôm đó. Rời khỏi đoàn người, anh ta quay lại và leo xuống lều. Nỗ lực leo lên đỉnh Everest lần thứ tư của anh ta đã kết thúc.

Không lâu sau đó, Doug cũng bỏ cuộc. Lou nhớ lại: “Anh ta đang ở phía trên tôi một chút vào lúc đó. Đột nhiên anh ấy bước ra khỏi hàng và đứng đó. Khi tôi leo lên cạnh anh ta, anh ta nói với tôi mình lạnh và cảm thấy không khỏe và sẽ leo xuống”. Sau đó Rob, người đang đi theo ở phía đuôi, leo theo bắt kịp Doug và nói gì đó với Doug. Không ai nghe thấy cuộc nói chuyện, do đó chẳng ai biết họ nói gì, nhưng kết quả là Doug trở lại hàng và tiếp tục leo.

* * *

Ngay trước khi rời Trạm Căn cứ, Rob đã tập hợp chúng tôi vào trong chiếc lều bừa bộn và thuyết giảng cho chúng tôi về sự quan trọng của việc phải tuân lệnh anh ta trong ngày lên đỉnh. Anh ấy cảnh báo, nhìn xoáy vào tôi: “Tôi sẽ không khoan dung cho bất kỳ sự chia rẽ nào ở trên đó. Lời nói của tôi sẽ là mệnh lệnh tuyệt đối, không thể cãi lại. Nếu các bạn không thích một quyết định tôi đưa ra, tôi sẽ rất vui được thảo luận nó với bạn sau đó, nhưng không phải khi chúng ta đang ở trên đỉnh”.

Một khả năng xảy ra bất hòa lớn nhất giữa chúng tôi chính là việc Rob có thể yêu cầu chúng tôi quay trở lại trước khi đến được đỉnh núi. Nhưng có một vấn đề khác anh ta đặc biệt quan tâm tới. Trong suốt những giai đoạn thích nghi cuối cùng, anh ấy đã cho chúng tôi tự do hơn trong việc leo với tốc độ riêng của mỗi người – ví dụ như Hall thỉnh thoảng cho phép tôi di chuyển nhanh hơn nhóm chính khoảng hơn hai giờ. Tuy nhiên, giờ đây anh ta nhấn mạnh rằng trong nửa đầu của ngày lên đỉnh, anh ấy muốn mọi người leo gần nhau. Anh ấy khẳng định, ý muốn nói đến đến mũi đất đặc biệt ở độ cao 8.412m được gọi là Ban công (Balcony): “Cho đến khi tất cả chúng ta đến được đỉnh của Triền Đông Nam, tất cả mọi người phải ở trong phạm vi một trăm mét gần những người khác. Điều này hết sức quan trọng. Chúng ta sẽ leo lên trong bóng tối và tôi muốn những người hướng dẫn có thể theo sát các bạn”.

Vì thế, mặc dù leo lên trước lúc bình minh ngày 10 tháng 5, những người đi đầu trong nhóm buộc phải liên tục dừng lại và đợi nhũng người chậm nhất bắt kịp mình trong cái lạnh thấu xương. Có một lần, Mike Groom, thủ lĩnh người Sherpa Ang Dorje và tôi ngồi trên một rìa phủ đầy tuyết hơn bốn mươi lãm phút, run rẩy và đập chân đập tay để khỏi bị bỏng lạnh, chờ đợi những người khác tới. Nhưng thời gian lãng phí thậm chí còn khó chịu đựng hơn cả cái lạnh.

Đến 3 giờ 45 sáng, Mike tuyên bố rằng chúng tôi đã đi trước quá xa và phải dừng lại đợi một lần nữa. Tựa mình vào một mỏm đá phiến sét, cố tránh những cơn gió lạnh dưới 0°C đang thổi đến từ hướng tây, tôi nhìn xuống vách đá dốc và cố gắng nhận ra những người leo núi đang nhích từng chút về phía chúng tôi dưới ánh trăng. Khi họ tiến lên, tôi có thể nhận thấy một số thành viên trong nhóm của Fischer đã bắt kịp nhóm chúng tôi. Nhóm của Hall, nhóm Mountain Madness và nhóm Đài Loan đang di chuyển lẫn lộn thành một hàng dài và không liên tục. Khi ấy tôi chợt trông thấy một thứ gì đó kỳ lạ.

Gần hai mươi mét ở phía dưới, một người cao lớn trong bộ quần áo màu vàng tươi đang được một người Sherpa nhỏ hơn kéo bằng một sợi dây thừng dài một mét; người Sherpa này không đeo mặt nạ oxy và thở hổn hển. Anh ta đang kéo đồng đội của mình lên sườn núi như một con ngựa kéo chiếc cày. Cặp đôi lạ lùng này đang vượt qua những người khác và di chuyển khá nhanh, nhưng cách di chuyển này – một phương pháp leo núi để di chuyển đồng đội bị nạn hay yếu hơn bằng cách buộc một dây thừng ngắn vào anh ta – dường như rất nguy hiểm và cực kỳ không thoải mái đối với cả hai người. Dần dần, tôi nhận ra người Sherpa chính là thủ lĩnh hay khoa trương của Fischer, Lopsang Jangbu, còn người leo núi kia chính là Sandy Pittman.

Người hưóng dẫn Neal Beidleman, vốn cũng quan sát thấy Lopsang đang kéo Pittman, nhớ lại: “Khi tôi leo lên từ bên dưới, Lopsang đang dựa vào sườn núi, bám sát vào vách đá như một con nhện, kéo Sandy bằng sợi dây thừng căng cứng. Điều này trông rất kỳ quái và nguy hiểm. Tôi cũng không hiểu chuyện gì xảy ra nữa”.

Khoảng 4 giờ 15 sáng, Mike ra hiệu cho chúng tôi tiếp tục chuyến leo, và Ang Dorje và tôi bắt đầu leo thật nhanh để làm ấm cơ thể. Khi những tia sáng đầu tiên của buổi bình minh chiếu sáng chân trời phía đông, địa hình bậc thang và nhiều đá mà chúng tôi đang leo nhường chỗ cho một rãnh rộng toàn là tuyết mềm. Thay phiên nhau mở đường trong lớp tuyết dày đến bắp chân này, Ang Dorje và tôi đến được đỉnh của Triền Đông Nam vào lúc 5 giờ 30, ngay khi mặt trời vừa mới mọc. Ba trong số năm đỉnh núi cao nhất hiện lên lởm chởm trong màu lam nhạt của buổi bình minh. Đồng hồ đo độ cao của tôi chỉ 8.412m.

Hall đã nói rõ ràng rằng tôi sẽ không đưọc leo cao hơn cho tới khi toàn nhóm đến được mỏm núi trông giống như một ban công này, do đó tôi ngồi trên ba lô của mình và nghỉ ngơi. Khi Rob và Beck cuối cùng cũng xuất hiện phía cuối đoàn người, tôi đã ngồi đó được hơn chín mươi phút. Trong lúc tôi chờ đợi, cả nhóm của Fischer và nhóm Đài Loan đều đã bắt kịp và vượt qua tôi. Tôi cảm thấy bực mình khi phải chờ quá lâu, tức giận khi phải rớt lại phía sau người khác. Nhưng tôi hiểu lý lẽ của Hall, do đó tôi cố gắng kiềm chế cơn tức giận của mình.

Suốt ba mươi tư năm leo núi của mình, tôi đã nhận ra rằng những khía cạnh tưởng thưởng nhất của môn thể thao này nằm ở sự chú trọng vào khả năng tự nỗ lực của bản thân, vào việc đưa ra những quyết định then chốt và giải quyết những hậu quả, vào trách nhiệm cá nhân. Nhưng tôi nhận ra rằng khi bạn đăng ký tham gia vào một đoàn leo núi, bạn bị buộc phải từ bỏ những thứ đó và còn nhiều thứ khác. Vì sự an toàn, một người hướng dẫn có trách nhiệm sẽ luôn luôn muốn chỉ huy mọi chuyện – ông ta đơn giản không thể để mỗi khách hàng đưa ra những quyết định quan trọng một cách riêng lẻ được.

Vì thế tính thụ động trong vai trò một khách hàng được khuyến khích trong suốt chuyến thám hiểm của chúng tôi. Những người Sherpa thiết lập lộ trình, dựng trại, nấu nướng và mang tất cả đồ đạc. Điều này giúp chúng tôi tiết kiệm được sức khỏe và gia tăng cơ hội lên đến đỉnh Everest, nhưng tôi nhận thấy rằng nó không đem lại sự thỏa mãn. Thỉnh thoảng tôi có cảm giác rằng tôi không thực sự đang leo núi – những người đại diện khác đang làm việc đó thay cho tôi. Mặc dù tôi chấp nhận sự cam kết này để leo lên Everest cùng với Hall, tôi chưa bao giờ cảm thấy quen với nó. Do đó tôi đã mừng rỡ hết sức khi anh ta đến Ban công và đồng ý cho tôi tiếp tục leo lên.

Một trong nhũng người đầu tiên mà tôi vượt qua khi tiếp tục leo lên chính là Lopsang, đang quỳ gối trên một đống nôn mửa. Thông thường, anh ta là thành viên khỏe mạnh nhất trong bất kỳ nhóm nào mà anh ta leo cùng, thậm chí ngay cả khi anh ta không dùng bình oxy. Như anh ta tự hào nói với tôi bằng thứ tiếng Anh cụt lủn sau chuyến thám hiểm: “Mỗi ngọn núi tôi leo, tôi đi đầu tiên, tôi giăng dây. Năm chín lăm trên Everest với Hall, tôi đi đầu tiên từ Trạm Căn cứ lên tới đỉnh, tôi giăng tất cả dây thừng”. Vị trí của anh ta ở gần cuối nhóm của Fischer trong buổi sáng ngày 10 tháng 5, và bị nôn mửa, dường như cho thấy điều gì đó rất nghiêm trọng.

Buổi chiều hôm trước, Lopsang đã kiệt sức khi mang chiếc điện thoại vệ tinh cho Pittman ngoài những đồ đạc khác từ Trại Ba lên Trại Bốn. Khi Beidleman trông thấy Lopsang vác trên vai cái của nợ méo mó nặng gần 40kg tại Trại Ba, anh ta nói với anh chàng Sherpa này rằng không cần thiết phải mang chiếc điện thoại lên Đèo Nam và đề nghị anh ta để nó ở lại. Sau này, Lopsang thừa nhận, một phần bởi vì nó chỉ hoạt động một chút tại Trại Ba và càng ít có khả năng hoạt động trong môi trường lạnh và khắc nghiệt hơn tại Trại Bốn45: “Tôi không muốn mang điện thoại đó. Nhưng Scott nói tôi: ‘Nếu anh không mang, tôi sẽ mang’. Do đó tôi mang nó, cột ở bên ngoài chiếc ba lô của tôi, mang nó lên Trại Bốn… Điều đó khiến tôi vô cùng mệt mỏi”.

Và bây giờ Lopsang vừa mới kéo Pittman bằng dây thừng ngắn trong năm hay sáu giở đồng hồ phía trên Đèo Nam, điều này càng làm cho anh ta thêm mệt mỏi và không cho phép anh ta thực hiện vai trò quen thuộc của mình là dẫn đầu nhóm, thiết lập đường đi. Bởi vì sự vắng mặt đột ngột của anh ta ở đầu nhóm đã ảnh hưởng không tốt đến kết quả của ngày hôm đó, việc anh ta quyết định kéo theo Pittman đã gây nên chỉ trích và phản đối sau đó. Beidleman nói: “ Tôi không hiểu tại sao Lopsang lại kéo Pittman. Anh ta đã không ý thức được mình nên làm gì ở trên đó; anh ta không biết cái gì phải được ưu tiên”.

Về phần mình, Pittman không yêu cầu được kéo đi. Khi cô ấy rời Trại Bốn ở đầu nhóm của Fischer, Lopsang đột ngột kéo cô ta lại, cột quanh cô ấy một vòng dây thừng vào chiếc đai leo núi của cô ta. Sau đó, không cần hỏi ý kiến, anh ta móc đầu còn lại vào đai của mình và bắt đầu kéo. Pittman khẳng định rằng cô chẳng muốn chút nào việc Lopsang kéo mình lên sườn núi. Câu hỏi được đặt ra: là một người New York quả quyết có tiếng (cô ta cứng rắn đến nỗi một vài người New Zealand tại Trạm Căn cứ đã đặt biệt danh cho cô ấy là “Sandy Pit Đầu bò”), tại sao cô ấy đơn giản không tháo chiếc dây dài một mét nối cô với Lopsang ra, việc này chỉ cần cô ta với tới phía trước và mở chiếc móc ra?

Pittman giải thích rằng cô ấy không tháo mình ra khỏi người Sherpa vì cô ta tôn trọng uy tín của Lopsang – như cô ấy nói: “Tôi không muốn làm tổn thương anh ta”. Cô ấy cũng cho hay mặc dù không nhìn đồng hồ nhưng cô nhớ rằng anh ta chỉ kéo mình trong một hay một tiếng rưỡi đồng hồ46 chứ không phải năm hay sáu giờ như một vài người khác cho biết, và Lopsang đã xác nhận điều này.

Về phần mình, khi được hỏi tại sao anh ta lại kéo Pittman, người mà anh ta vốn đã nhiều lần thể hiện sự coi thường, Lopsang đưa ra những giải thích mâu thuẫn nhau. Anh ta nói với vị luật sư quê ở Seattle, Peter Goldman – người đã leo lên đỉnh Broad cùng với cả Scott và Lopsang vào năm 1995 và là một trong những bạn lâu năm và đáng tin cậy nhất của Fischer – rằng trong bóng tối anh ta đã nhầm lẫn Pittman với một khách hàng người Đan Mạch tên là Lene Gammelgaard và rằng anh ta đã thôi không kéo cô ấy nữa ngay sau khi nhận ra mình đã nhầm vào lúc bình minh. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn mở rộng, có ghi âm với tôi, Lopsang khẳng định khá thuyết phục rằng anh ta biết là mình đang kéo Pittman và đã quyết định làm như vậy “bởi vì Scott muốn tất cả mọi người lên tới đỉnh, và tôi nghĩ rằng Sandy sẽ là thành viên yếu nhất, tôi nghĩ rằng cô ta sẽ leo chậm, do đó tôi sẽ giúp cô ấy lên đầu”.

Là một anh chàng trẻ tuổi nhạy cảm, Lopsang hết sức tận tụy với Fischer, anh ta hiểu rằng việc đưa được Pittman lên tới đỉnh quan trọng thế nào đối với người bạn và là người chủ của mình. Thực ra, trong một trong những cuộc điện thoại cuối cùng Fischer gọi cho Jane Bromet từ Trạm Căn cứ ông ta đã trầm ngâm: “Nếu tôi có thể đưa Sandy lên tới đỉnh, tôi cá rằng cô ta sẽ xuất hiện trên một chương trình trò chuyện trên truyền hình, cô có nghĩ rằng cô ta sẽ nhắc đến tôi trong sự nổi tiếng và khoa trương của cô ta không?”.

Như Goldman đã giải thích: “Lopsang tuyệt đối trung thành với Scott. Theo tôi thật khó tưởng tượng việc anh ta sẽ kéo một người nào đó mà không tin chắc rằng Scott muốn anh ta làm như vậy”.

Dù động cơ của anh ta là gì đi nữa, quyết định kéo Pittman của Lopsang dường như đã không phải là một sai lầm đặc biệt nghiêm trọng vào thời điểm đó. Nhưng cuối cùng, nó sẽ là một trong nhiều điều nhỏ – từ từ, dần dần góp lại và âm thầm dẫn đến một hậu quả kinh khủng.