Tan Biến: Hồi Ký Về Thảm Hoạ Everest - Chương 13: TRIỀN ĐÔNG NAM

NGÀY 10 THÁNG 5 NĂM 1996

8.412 MÉT

Không quá khi nói rằng Everest có những sườn núi dốc nhất và những vách đá kinh hoàng nhất mà anh từng thấy, và tất cả những truyền thuyết về các sườn núi đầy tuyết dễ leo chỉ là một câu chuyện hoang đường…

Em yêu, nói chung đây là một việc đầy hồi hộp, anh không thể kể cho em nghe nó ám ảnh anh đến như thế nào và triển vọng về nó ra sao. Và cả vẻ đẹp của nó nữa!

George Leigh Mallory,

trong bức thư gửi cho vợ, ngày 28 tháng 6 năm 1921

Ở phía trên Đèo Nam, trên Vùng Chết, cơ hội sống sót chủ yếu dựa vào việc chạy đua với thời gian. Khi khởi hành rời khỏi Trại Bốn vào ngày 10 tháng 5, mỗi khách leo núi mang theo hai bình oxy nặng 3,3kg và sẽ lấy thêm bình thứ ba trên Đỉnh Nam ở nơi trữ những bình oxy đã được người Sherpa thồ lên. Với một tốc độ dùng vừa phải là hai lít một phút, mỗi bình sẽ hết sau năm hoặc sáu giờ. Tới 4 giờ hoặc 5 giờ chiều, oxy của tất cả mọi người sẽ cạn. Tùy thuộc vào khả năng thích nghi và bản chất sinh lý học của mỗi người, chúng tôi vẫn có thể hoạt động phía trên Đèo Nam – tuy nhiên không được tốt và không được lâu. Chúng tôi sẽ nhanh chóng dễ bị mắc các chứng HAPE, HACE, sụt giảm thân nhiệt, suy yếu khả năng suy xét và bỏng lạnh. Nguy cơ thiệt mạng sẽ nhanh chóng tăng lên.

Hall, người đã leo ngọn Everest bốn lần trước đây, cũng giống như bất kỳ ai khác đều hiểu rằng việc leo lên và trở xuống một cách nhanh chóng là hết sức cần thiết. Nhận ra rằng các kỹ năng leo núi cơ bản của một số khách của mình là rất đáng nghi ngờ, Hall dự định sẽ dựa vào các sợi dây cố định để đảm bảo an toàn và giúp cả nhóm chúng tôi cũng như nhóm Fischer qua được những khu vực khó khăn nhất. Việc chưa có đoàn nào leo lên tới đỉnh trong năm nay làm anh ta lo lắng vì điều này có nghĩa là phần lớn địa hình này chưa được giăng dây.

Gôran Kropp, anh chàng leo núi một mình người Thụy Điển, đã leo đến bên dưới đỉnh 107 mét vào ngày 3 tháng 5, nhưng anh ta không thèm mảy may giăng tí dây nào. Những người Montenegro, thậm chí còn leo cao hơn, đã giăng một số dây cố định; nhưng vì thiếu kinh nghiệm nên họ đã sử dụng hết số dây mà mình có trong 400 mét đầu tiên phía trên Đèo Nam, phung phí chúng trên những sườn dốc tương đối thoai thoải không thật cần thiết. Do đó, vào buổi sáng chúng tôi thực hiện chuyến leo lên đỉnh, những sợi dây cố định duy nhất được giăng dọc theo những đường răng cưa dốc đứng ở phần trên của Triền Đông Nam chỉ là những tàn tích tả tơi, cũ kỹ do các đoàn thám hiểm trước đó để lại nằm lác đác trên các vách băng.

Dự đoán trước được khả năng này, trước khi rời khỏi Trạm Căn cứ, Hall và Fischer họp những người hướng dẫn của cả hai đoàn lại, trong cuộc họp này họ nhất trí rằng mỗi nhóm sẽ cử hai người Sherpa – bao gồm cả hai thủ lĩnh leo núi Sherpa là Ang Dorje và Lopsang – lên Trại Bốn trước các nhóm chính chín mươi phút. Điều này sẽ cho phép những người Sherpa có đủ thời gian để giăng những tuyến dây cố định ở những chỗ nguy hiểm nhất của phần trên ngọn núi trước khi khách lên tới nơi. Beidleman nhớ lại: “Rob đã giải thích việc này quan trọng như thế nào. Ông ta muốn tránh tình trạng thắt cổ chai bằng mọi giá”.

Tuy nhiên vì một lý do không rõ nào đó, không một người Sherpa nào rời Đèo Nam trước chúng tôi vào buổi tối ngày 9 tháng 5. Có lẽ, cơn gió bão hung tợn, vốn không ngừng hoành hành cho mãi đến 7 giờ 30 tối, đã không cho phép họ khởi hành sớm như mong muốn. Sau chuyến thám hiểm Lopsang khẳng định rằng vào phút chót Hall và Fischer đã hủy bỏ kế hoạch giăng dây trước cho những khách leo núi, bởi vì họ đã nhận được thông tin sai lệch rằng những người Montenegro đã hoàn thành công việc này tới tận Đỉnh Nam.

Nếu như khẳng định của Lopsang là chính xác thì không ai trong số Beidleman, hay Groom hay Boukreev – ba người hướng dẫn sống sót – đã được thông báo về việc thay đổi kế hoạch này. Và nếu như kế hoạch giăng dây đã bị chủ ý hủy bỏ thì sẽ không có lý do gì để Lopsang và Ang Dorje phải mang theo khoảng chín mươi mét dây thừng khi khởi hành đi đầu mỗi đội từ Trại Bốn.

Bất luận thế nào thì ở phía trên độ cao 8.352m, không có sợi dây thừng nào được giăng trước. Khi Ang Dorje và tôi tới Ban công vào 5 giở 30 sáng, chúng tôi đã đi trước những người còn lại trong đoàn của Hall hơn một giờ đồng hồ. Vào lúc đó chúng tôi có thể dễ dàng leo lên trước để cố định dây. Nhưng Rob dứt khoát không cho tôi leo lên trước, còn Lopsang vẫn còn ở xa phía dưới, đang kéo Pittman, do đó không có ai để đi cùng Ang Dorje.

Với bản chất yên lặng và nhiều tâm trạng, Ang Dorje dường như đặc biệt u sầu khi chúng tôi ngồi cùng nhau ngắm mặt trời mọc. Mọi cố gắng của tôi để bắt chuyện với Ang Dorje chẳng có tác dụng gì. Tôi nghĩ rằng tâm trạng buồn bã của anh ta có lẽ là do chiếc răng bị áp-xe đã khiến cho anh ta đau đớn trong hai tuần trước đó. Hoặc anh ta đang suy nghĩ về chuyện bực mình của anh ta bốn ngày trước: trong buổi tối cuối cùng tại Trạm Căn cứ, anh ta và những người Sherpa khác đã tổ chức ăn mừng chuyến leo lên đỉnh sắp tới bằng việc uống rất nhiều chhang – một loại bia đặc và ngọt đưọc lên men từ gạo và hạt kê. Sáng hôm sau, vẫn còn rất mệt vì hơi men, anh ta cực kỳ kích động; trước khi leo lên Thác băng anh ta kể cho một người bạn rằng mình đã thấy ma vào đêm trước. Là một người trẻ tuổi rất tin vào tâm linh, Ang Dorje không phải là người xem nhẹ những điềm báo này.

Mà có thể đơn giản là anh ta đang nổi giận với Lopsang, người mà anh vẫn cho là một kẻ khoe khoang. Năm 1995, Hall đã thuê cả Lopsang và Ang Dorje cho đoàn thám hiểm Everest của mình, và kể từ đó hai người Sherpa này đã không phối hợp tốt được với nhau.

Vào ngày leo lên đỉnh năm đó, đoàn của Hall đã đến Đỉnh Nam trễ, khoảng 1 giờ 30 chiều. Họ thấy tuyết mềm và dày phủ kín đoạn đường cuối cùng của triền đỉnh. Hall cử một hướng dẫn viên người New Zealand tên Guy Cotter đi trước cùng với Lopsang, thay vì Ang Dorje, để xem xét khả năng leo lên cao hơn. Ang Dorje, thủ lĩnh người Sherpa trong chuyến leo núi đó, đã coi điều này là một sự sỉ nhục. Một lát sau đó, khi Lopsang đã leo lên đến chân Bậc Hillary, Hall quyết định hủy bỏ cuộc chinh phục đỉnh núi và ra hiệu cho Cotter và Lopsang quay lại. Nhưng Lopsang đã không tuân lệnh, anh ta cởi dây khỏi Cotter và tiếp tục leo lên đỉnh một mình. Hall đã tức giận vì sự bất phục tùng của Lopsang, và Ang Dorje cũng cảm thấy tức giận cùng ông chủ.

Năm nay, mặc dù họ thuộc hai đội khác nhau, Ang Dorje lại được yêu cầu làm việc cùng với Lopsang vào ngày chinh phục đỉnh núi – và lại một lần nữa Lopsang dường như lại hành động một cách ngu xuẩn. Ang Dorje đã làm việc tốt hơn cả trách nhiệm của mình trong suốt sáu tháng dài. Giờ đây, hiển nhiên anh ta đã mệt mỏi vì phải làm việc nhiều hơn những gì mình phải làm. Trông có vẻ ủ rũ, anh ta ngồi bên cạnh tôi trong tuyết, chờ đợi Lopsang tới và những sợi dây cố định vẫn chưa được giăng.

Kết quả là, tôi mắc vào vụ nghẽn cổ chai đầu tiên chín mươi phút sau khi leo qua Ban công, ở độ cao 8.534m. Tại đây một đám lẫn lộn các đội gặp phải một loạt các bậc đá lớn cần phải có dây cố định mới leo qua an toàn được. Các khách leo núi bồn chồn chen chúc ở dưới chân của tảng đá trong gần một giờ đồng hồ trong khi Beidleman – phải đảm nhận nhiệm vụ của người vắng mặt Lopsang – đang chăm chỉ giăng những sợi dây cố định.

Tại đây, sự thiếu kiên nhẫn và thiếu kinh nghiệm của khách leo núi Yasuko Namba trong đoàn Hall suýt chút nữa đã gây ra tai họa. Là một nữ doanh nhân xuất sắc làm việc cho hãng Pederal Express tại Tokvo, Yasuko không phải là một phụ nữ trung niên Nhật Bản nhu mì và tôn kính. Bà ta cười lớn khoe với tôi rằng ở nhà chồng bà ấy làm tất cả mọi công việc nấu nướng và lau dọn. Chuyến chinh phục Everest của bà đã trở thành một sự kiện gây chú ý nho nhỏ tại Nhật Bản. Lúc đầu trong chuyến thám hiểm, bà ta là một người leo núi chậm chạp và không chắc chắn; nhưng ngày hôm nay với đỉnh Everest đang nằm trong tầm ngắm của mình, Yasuko hoạt động mạnh mẽ như chưa từng bao giờ như thế. John Taske, người ở chung lều với bà ta ớ Trại Bốn, cho hay: “Từ khi chúng tôi đến Đèo Nam, Yasuko hoàn toàn tập trung vào đỉnh núi – giống như đang bị thôi miên vậy”. Kể từ khi rời khỏi đèo bà ấy đã leo cực kỳ chăm chỉ, chen lấn từng chút để vượt lên trước.

Giờ đây, khi Beidleman đang bám không chắc chắn trên tảng đá cao hơn các vị khách khoảng ba mươi mét, bà Yasuko hăm hở quá mức đã móc tay leo của mình vào sợi dây thừng đang đung đưa trước khi Beidleman kịp neo đầu dây của anh ta. Khi bà ta chuẩn bị đu lên sợi dây – điều này sẽ kéo Beidleman rơi xuống – Mike Groom đã can thiệp đúng lúc và nhẹ nhàng phê bình bà ta vì đã thiếu kiên nhẫn.

Việc “tắc nghẽn giao thông” tại những sợi dây thừng ngày càng tăng lên mỗi khi có thêm một người leo núi đến, do đó những người ở cuối của đoàn người đang chen lấn càng rơi lại xa phía sau. Đến cuối buổi sáng hôm đó, ba khách hàng của Hall – Stuart Hutchison, John Taske và Lou Kasischke, đang leo ở gần cuối với Hall – trở nên khá lo lắng với tốc độ chậm chạp này. Ngay phía trước họ là đoàn người Đài Loan đang di chuyển cực kỳ uể oải. Hutchison nói: “Họ leo theo kiểu kỳ quái, rất gần nhau, giống như những lát sandwich trong một ổ bánh, người này dưới người kia. Chúng tôi phải đợi rất lâu khi họ leo lên những sợi dây”.

Tại Trạm Căn cứ, trước buổi chinh phục đỉnh của chúng tôi, Hall đã dự tính hai thời điểm trở xuống khả dĩ – 1 giờ hoặc 2 giờ chiều. Tuy nhiên, anh ấy không nói rõ chúng tôi phải tuân theo thời điểm nào – điều này hết sức lạ lùng khi xét đến những gì anh ta đã nói về tầm quan trọng của việc định rõ một thời hạn cuối và phải tuân thủ theo nó dù có chuyện gì đi nữa. Chúng tôi chỉ đơn giản hiểu lờ mờ rằng Hall sẽ chỉ đưa ra quyết định cuối cùng cho đến ngày lên đỉnh, sau khi đã cân nhắc thời tiết cũng như các yếu tố khác, và sau đó sẽ chịu trách nhiệm một mình trong việc gọi mọi người quay lại vào thời điểm thích hợp.

Đến giữa sáng ngày 10 tháng 5, Hall vẫn chưa tuyên bố thời gian trở xuống sẽ chính xác là khi nào. Hutchison, vốn có bản chất bảo thủ, cho rằng sẽ là 1 giờ chiều. Khoảng 11 giờ trưa, Hall nói với Hutchison và Taske rằng vẫn còn cách đỉnh núi ba giờ đồng hồ nữa, sau đó anh ta leo nhanh và cố gắng vượt qua nhóm Đài Loan. Hutchison cho hay: “Dường như chúng tôi không có cơ hội lên tới đỉnh trước thời điểm phải quay lại là 1 giờ chiều”. Một cuộc thảo luận ngắn diễn ra. Lúc đầu Kasischke miễn cưỡng chấp nhận thất bại, nhưng Taske và Hutchison đã thuyết phục được anh. Vào lúc 11 giờ 30 ba người này quay lưng lại với đỉnh núi và trở xuống. Hall cử hai người Sherpa là Kami và Lhakpa xuống cùng với họ.

Quyết định leo xuống hẳn đã hết sức khó khăn với ba vị khách này, cũng như với Frank Fischbeck, người đã quay lại nhiều giờ trước. Leo núi thường khiến các vận động viên, kể cả nam và nữ, khó khăn trong việc rời bỏ mục tiêu của mình. Đến giai đoạn cuối này của cuộc leo núi, chúng tôi đã phải trải qua nhiều mức độ khốn khổ và nguy hiểm, mà có thể đã khiến những người ổn định hơn phải cuốn gói về nhà từ lâu. Leo cao đến chừng này, bạn phải có một tính cách cực kỳ cứng rắn.

Thật không may, những người có thể phớt lờ những nỗi đau riêng và tiếp tục nỗ lực leo lên đỉnh cũng thường chính là những người đã được lập trình để không quan tâm đến những dấu hiệu chết chóc cũng như nguy hiểm sắp xảy ra. Điều này hình thành nên tình trạng khó xử mà những người leo núi Everest rốt cuộc cũng phải đối đầu: để thành công bạn phải cực kỳ khao khát, nhưng nếu quá khao khát bạn có thể thiệt mạng. Hơn nữa, ở độ cao hơn 7.925m ranh giới giữa nhiệt huyết đúng đắn và cơn sốt chinh phục đỉnh một cách liều mạng trở nên rất mong manh. Bởi vậy các sườn núi của đỉnh Everest chất đầy những xác chết.

Taske, Hutchison, Kasischke và Fischbeck mỗi người đã phải bỏ ra tận 70.000 đô la và phải chịu đựng nhiều tuần lễ gian khổ để nhận được một cơ hội chinh phục đỉnh này. Tất cả đều là những người tham vọng, không quen với thất bại và thậm chí chưa bao giờ chịu bỏ cuộc. Nhưng đến khi phải đối mặt với quyết định khó khăn, họ chính là một trong số ít những người đã hành động đúng trong ngày hôm đó.

Phía trên bậc đá nơi John [Taske], Stuart [Hutchison] và Lou [Kasischke] quay trở xuống, những sợi dây cố định dừng lại. Từ điểm này, đường đi dốc thẳng lên dọc theo một sống núi sắc cạnh lèn đầy tuyết cứng trông thật “yêu kiều” dần lên điểm cao nhất là Đỉnh Nam. Tôi đến đó vào lúc 11 giờ và bắt gặp tình trạng tắc nghẽn lần thứ hai, lần này thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Cao hơn một chút, có vẻ như không quá tầm ném của một viên đá là Bậc Hillary thẳng đứng, và cao hơn chút nữa chính là đỉnh Everest. Nín thinh vì sợ hãi và mệt mỏi, tôi chụp vài tấm ảnh, sau đó ngồi xuống cùng với những người hướng dẫn là Andy Harris, Neal Beidleman và Anatoli Boukreev để chờ những người Sherpa giăng dây thừng dọc theo triền đỉnh nhọn hoắt một cách ngoạn mục này.

Tôi chú ý thấy rằng Boukreev, cũng giống như Lopsang, không sử dụng bình dưỡng khí. Mặc dù anh chàng người Nga đã leo lên tới đỉnh hai lần trước đó mà không sử dụng oxy bổ sung và Lopsang là ba lần, nhung tôi vẫn cảm thấy ngạc nhiên khi Fischer đã cho phép họ hướng dẫn những người khác lên đỉnh mà không sủ dụng bình oxy, điều này có vẻ không mang lại lợi ích cao nhất cho các khách của họ. Tôi cũng ngạc nhiên khi thấy Boukreev không mang theo ba lô – thông thường một người hướng dẫn phải mang theo một chiếc ba lô có chứa dây thừng, các dụng cụ sơ cứu, thiết bị cứu người rơi xuống khe vực, quần áo dự phòng, và những thứ cần thiết khác để giúp đỡ những khách hàng trong trường hợp khẩn cấp. Boukreev là hướng dẫn viên đầu tiên mà tôi từng thấy, trên bất kỳ ngọn núi nào, không theo thông lệ này.

Hóa ra là anh ta đã rời khỏi Trại Bốn mang theo một ba lô và một bình oxy; sau đó anh ta nói với tôi rằng mặc dù không có ý định sử dụng oxy, nhưng anh ta muốn có một bình trong tay phòng khi “sức lực cạn” và anh ta phải cần đến nó khi ở trên cao gần đỉnh. Tuy nhiên, khi đến được Ban công, anh ta đã trút bỏ ba lô, và đưa bình oxy, mặt nạ và thiết bị điều áp cho Beidleman mang hộ. Bởi vì Boukreev không thở oxy bổ sung, anh ta đã quyết định trút bỏ đồ đạc của mình để chỉ còn phải mang trọng lượng thấp nhất nhằm tận dụng mọi thuận lợi có thể trong không khí loãng một cách đáng sợ này.

Một cơn gió 37km/h quét qua đỉnh núi thổi tung một dải bụi nước bay xa qua Mặt Kangshung, nhưng phía trên đầu bầu trời là một màu xanh chói chang nhức nhối. Đi lững thững trong cái nắng ở độ cao 8.748m trong bộ áo liền quần dày cộm của mình, nhìn chằm chằm lên mái nhà của thế giới trong trạng thái ngẩn ngơ vì thiếu oxy, tôi hoàn toàn không còn có cảm giác về thời gian. Không ai trong chúng tôi để ý nhiều đến việc Ang Dorje và Ngavvang Norbu, một người Sherpa khác trong nhóm cúa Hall, đang ngồi cạnh chúng tôi chia nhau một phích trà và dường như chẳng vội vã gì để leo lên cao hơn. Khoảng 11 giờ 40, Beidleman rốt cuộc cũng hỏi: “Này, Ang Dorje, anh có tính giăng dây tiếp hay là không?” Ang Dorje đáp lại nhanh chóng và dứt khoát ‘Không’ – có lẽ bởi vì không có người Sherpa nào thuộc nhóm của Fischer ở đó để san sẻ công việc với anh ta”.

Cảm thấy lo lắng về đám đông đang dồn cục tại Đỉnh Nam, Beidleman gọi Harris và Boukreev và kiên quyết đề nghị ba hướng dẫn viên bọn họ sẽ tự mình giăng dây. Nghe vậy, tôi nhanh chóng xung phong giúp đỡ. Beidleman lôi trong ba lô của anh ta ra một cuộn dây thừng dài khoảng bốn mươi lăm mét, tôi chộp lấy một cuộn khác từ Ang Dorje. Cùng với Boukreev và Harris, chúng tôi lên đường vào giữa trưa để giăng những sợi dây cố định lên triền đỉnh. Nhưng tới lúc này, một giờ đồng hồ nữa đã từ từ trôi qua.

* * *

Khí oxy nén cũng không thể khiến cho đỉnh ngọn Everest giống như ở mực nước biển. Leo lên phía trên Đỉnh Nam với thiết bị điều áp cung cấp chỉ gần hai lít oxy mỗi phút, tôi phải dừng lại và hít vào ba hoặc bốn hơi đầy phổi sau mỗi bước đi nặng nề. Sau đó tôi bước thêm một bước và phải dừng lại để hít bốn hơi sâu – và đây là tốc độ nhanh nhất tôi có thể cố gắng được. Bởi vì hệ thống oxy mà chúng tôi đang sử dụng cung cấp một hỗn hợp gồm khí nén và không khí xung quanh, nên ở độ cao 8.830m có sử dụng oxy có cảm giác như ở độ cao 7.925m không sử dụng oxy. Tuy nhiên khí oxy nén còn mang lại nhiều lợi ích khác không dễ gì kể hết được.

Leo lên dọc theo cạnh của triền đỉnh, hít oxy vào hai lá phổi tả tơi của mình, tôi có một cảm giác thanh thản kỳ lạ và không rõ ràng. Thế giới đằng sau chiếc mặt nạ sống động một cách lạ lùng nhưng dường như có vẻ không được thật lắm, cứ như thể một bộ phim được chiếu chậm phía trước cặp kính chắn gió của tôi. Tôi cảm thấy như bị đánh thuốc mê, không hề vướng bận và hoàn toàn cách ly khỏi những kích thích từ bên ngoài. Tôi phải liên tục nhắc mình nhớ rằng cả hai bên là khoảng trời cao 2.133m, rằng mọi thứ trên này rất nguy hiểm và rằng tôi sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình cho một bước cẩu thả.

Nửa giờ ở phía trên Đỉnh Nam, tôi đã đến được chân của Bậc Hillary. Là một trong những con dốc nổi tiếng nhất trong môn leo núi, khối đá và băng gần như thẳng đứng cao hơn mười hai mét này trông có vẻ khiến cho người khác phải nản chí, nhưng – như bất kỳ nhà leo núi nghiêm túc nào – tôi cũng rất muốn bám lấy “đầu nhọn” của sợi dây thừng và leo lên trên Bậc đá. Tuy nhiên, rõ ràng là cả Boukreev, Beidleman và Harris cũng cảm thấy như vậy, và lúc ấy tôi nghĩ rằng thật là ảo tưởng khi bất kỳ người nào trong số họ lại để khách của mình dành phần thực hiện một việc như vậy.

Cuối cùng Boukreev – vốn là một hướng dẫn viên dày dạn kinh nghiệm và đã từng chinh phục được đỉnh Everest trước đây – nhận lấy vinh dự này; với Beidleman là người giữ dây, anh ta đã thực hiện tài tình việc leo lên con dốc. Nhưng Beidleman cũng mất nhiều thời gian và khi anh ta đang cẩn thận leo lên đỉnh của Bậc đá, tôi lo lắng nhìn đồng hồ của mình và tự hỏi rằng liệu tôi có thể còn đủ oxy không. Bình oxy đầu tiên của tôi đã cạn lúc 7 giờ sáng trên Ban công, sau khi sử dụng được khoảng bảy tiếng đồng hồ. Dùng mức này làm chuẩn, tại Đỉnh Nam tôi đã tính toán rằng bình thứ hai của tôi sẽ cạn vào khoảng 2 giờ chiều. Tôi đã dại dột cho rằng bình này sẽ đủ cho tôi leo lên tới đỉnh và trở xuống Đỉnh Nam lấy bình oxy thứ ba của mình. Nhưng bây giờ đã là gần 1 giờ chiều, và tôi bắt đầu cảm thấy hết sức nghi ngờ.

Tại đỉnh của Bậc Hillary, tôi chia sẻ mối lo lắng của mình với Beidleman và hỏi anh ta rằng liệu tôi có thể leo nhanh lên đỉnh thay vì dừng lại giúp anh ta giăng cuộn dây cuối cùng dọc theo triền núi. Anh ta ân cần nói: “Cứ đi đi. Tôi sẽ lo – cuộn này cho”.

Lê những bước nặng nề chậm chạp cuối cùng lên đỉnh núi, tôi có cảm giác như đang ở dưới nước, như mọi thứ đang chuyển động với tốc độ chỉ bằng một phần tư. Và rồi tôi thấy mình ở trên đỉnh của một mũi băng thon mảnh, được trang trí bằng một chiếc bình oxy bỏ đi và một chiếc cọc thăm dò bằng nhôm méo mó, và không còn nơi nào cao hơn để leo lên nữa. Một dãy cờ cầu nguyện của những tín đồ Phật giáo bay lạch tạch dữ dội trong gió. Phía xa bên dưới, xuôi theo một phía núi mà tôi chưa bao giờ trông thấy, cao nguyên Tây Tạng khô cằn trải dài tới tận chân trời như một dải đất màu nâu xám bao la bát ngát.

Người ta vẫn cho rằng khi lên được tới đỉnh Everest, trong con người ta sẽ vỡ òa một niềm tự hào mãnh liệt. Cuối cùng, sau bao nhiêu cực khổ, tôi vừa mới đạt được mục tiêu mà mình đã khao khát từ thời niên thiếu. Nhưng đỉnh núi thật sự chỉ mới là nửa đường. Bất kỳ sự tự khen ngợi nào của tôi cũng sẽ tiêu tan trước sự sợ hãi bao trùm về một chuyến leo xuống dài và nguy hiểm vẫn còn nằm ở phía trước.