Tan Biến: Hồi Ký Về Thảm Hoạ Everest - Chương 14: ĐỈNH NÚI

1:12 CHIỀU, NGÀY 10 THÁNG 5 NĂM 1996

8.848 MÉT

Không chỉ suốt chuyến leo lên mà cả trong chuyến leo xuống ý chí cùa tôi cũng mệt mỏi rã rời. Tôi càng leo, mục đích của tôi càng trở nên ít quan trọng hơn, tôi càng trở nên dửng dưng với chính mình hơn. Khả năng chú ý của tôi giảm bớt, trí nhớ của tôi yếu đi. Sự mệt mỏi về tinh thần trong tôi còn lớn hơn sự mệt mỏi về thể xác. Thật là thoải mái khi ngồi yên không động cựa chân tay – và vì thế cũng rất nguy hiểm. Chết vì kiệt sức – giống như chết vì giá lạnh – là một cái chết êm ái.

Reinhold Messner

Chân trời pha lê

Trong ba lô của tôi có một cờ hiệu của tờ tạp chí Outside, đó là một lá cờ đuôi nheo nhỏ được trang trí với hình con thằn lằn kỳ dị mà vợ tôi, Linda, đã may, cùng với những vật lưu niệm khác mà tôi đã dự định sẽ chụp một loạt ảnh thắng lợi với chúng. Tuy nhiên, biết rằng lượng oxy dự trữ của mình đang cạn dần, tôi để mọi thứ lại trong ba lô và ở trên đỉnh của thế giới chỉ vừa đủ để chụp nhanh bốn bức ảnh cho Andy Harris và Anatoli Boukreev đang đứng phía trước cây cọc thăm dò đánh dấu đỉnh núi. Sau đó tôi quay lại để leo xuống. Chừng hai mươi mét phía dưới đỉnh núi, tôi vượt qua Neal Beidleman và một khách hàng của Fischer tên Martin Adams đang trên đường leo lên. Sau khi cùng Neal đập tay ăn mừng, tôi bốc một nắm đầy những hòn đá nhỏ từ một khoảng đá phiến sét đã được gió rửa sạch, bỏ những thứ quà lưu niệm này vào túi bộ áo liền quần của mình, và nhanh chóng xuống triền núi.

Một lúc trước đây, tôi đã nhận thấy rằng những đám mây lưa thưa giờ đây đã phủ đầy các thung lũng ở phía nam, che khuất tất cả mọi thứ chỉ trừ những đỉnh núi cao nhất. Adams – – một người Texas nhỏ con hay gây gổ, giàu lên nhờ mua bán cổ phiếu trong thời kỳ bùng nổ những năm 1980 – là một phi công lái máy bay nhiều kinh nghiệm; anh ta đã trải qua nhiều giờ nhìn xuống dưới từ đỉnh các đám mây. Sau này, anh ta nói với tôi rằng ngay sau khi lên đến đỉnh anh ta đã nhận ra những luồng hơi nước trông như vô hại này đang hình thành nên phần đỉnh của các đám mây dông khổng lồ. Anh ta giải thích: “Khi anh nhìn thấy một đám mây dông từ máy bay. Phản ứng của anh là phải nhanh chóng thoát ra khỏi đó. Và đó cũng chính là những gì tôi đã làm”.

Nhưng không giống như Adams, tôi không quen với việc nhìn xuống những đám mây dông này từ độ cao 8.839m, và do đó tôi vẫn hoàn toàn không biết gì về con dông bão đang ập xuống. Tôi chỉ lo lắng về việc lượng oxy còn lại trong bình của mình đang cạn dần.

Mười lăm phút sau khi rời đỉnh núi, tôi xuống tới đỉnh của Bậc Hillary. Ở đấy tôi bắt găp một nhóm người leo núi đang leo lên một sợi dây duy nhất, và chuyến leo xuống của tôi buộc phải tạm dừng. Khi tôi chờ đám đông này đi qua, Andy cũng xuống tới. Anh ta hỏi: “Jon, dường như tôi không có đủ oxy. Anh có thể xem giùm tôi coi chiếc van vào có bị đông cứng không?”.

Tôi kiểm tra sơ qua và thấy rằng nưóc bọt bị đông đá to bằng nắm tay đã bịt kín chiếc van cao su dẫn không khí từ bên ngoài vào mặt nạ. Tôi đập nó vỡ ra bằng chiếc rìu phá băng của mình, rồi nhờ Andy giúp mình khóa thiết bị điều áp của tôi lại để tiết kiệm oxy chờ cho đến khi Bậc đá hết người. Tuy nhiên, thay vì khóa nó lại, anh ta lại nhầm lẫn mở nó ra và mười phút sau đó tất cả không khí của tôi đã cạn sạch. Khả năng nhận thức của tôi, trước đó đã bị ảnh hưởng nhiều, bây giờ nhanh chóng suy giảm một cách đáng kể. Tôi có cảm giác như đã bị cho uống quá liều một loại thuốc an thần mạnh.

Tôi lờ mờ nhớ rằng Sandy Pittman đã leo lên ngang qua tôi khi tôi đang đứng đợi, theo ngay phía sau là Charlotte Fox và kế đến là Lopsang Jangbu. Yasuko xuất hiện tiếp theo, chỉ ngay phía dưới chỗ đứng cheo leo cúa tôi, nhưng đang lúng túng với phần cuối cùng và cũng là phần dốc nhất của Bậc đá. Tôi quan sát mà không thể giúp đỡ được gì trong mười lăm phút bà ta đánh vật để tự mình leo lên bờ đá; tôi đã quá kiệt sức nên không thể làm gì được. Cuối cùng Tim Madsen, người đang sốt ruột chờ đợi ngay phía dưới bà ta, đã đẩy mông và giúp bà ta lên đỉnh.

Rob Hall xuất hiện không lâu sau đó. Che giấu sự hoảng loạn đang ngày càng tăng của mình, tôi cám ơn Rob vì đã đưa tôi lên đỉnh Everest. “À, hóa ra chuyến thám hiểm khá tốt”, anh ta đáp lại, sau đó cho biết cả Frank Fischbeck, Beck Weathers, Lou Kasischke, Stuart Hutchison và John Taske đều đã quay lại. Thậm chí trong tình trạng suy yếu vì thiếu oxy, tôi vẫn có thể nhận ra rõ ràng rằng Hall cực kỳ thất vọng khi năm trong số tám vị khách hàng của anh ấy đã bỏ cuộc – một sự thất vọng mà tôi cho là có nguyên nhân từ việc tất cả nhóm của Fischer dường như đều đang hướng lên đỉnh. Rob than trước khi tiếp tục leo lên: “Tôi chỉ ước rằng chúng ta đã có thể đưa thêm nhiều người nữa lên đỉnh”.

Không lâu sau đó, Adams và Boukreev cũng đến nơi trên đường trở xuống; họ dừng lại ngay phía trên tôi để chờ cho đám người qua đi. Một phút sau tình trạng quá tải trên đỉnh Bậc đá trở nên trầm trọng hơn khi Makalu Gau, Ang Dorje và nhiều người Sherpa khác leo lên trên sợi dây thừng, theo sau là Doug Hansen và Scott Fischer. Và rồi cuối cùng Bậc Hillary cũng trống – nhưng là sau khi tôi đã trải qua hơn một giờ đồng hồ ở độ cao 8.809m mà không có khí oxy bổ sung.

Tới lúc này dường như tất cả các phần ở vỏ não của tôi đã ngưng hoạt động. Choáng váng, lo sợ rằng mình sẽ ngất đi, tôi điên cuồng muốn xuống được Đỉnh Nam, nơi bình oxy thứ ba đang đợi tôi. Tôi bắt đầu từ từ di chuyển xuống các tuyến dây cố định, cứng đờ vì sợ hãi. Ngay dưới Bậc đá, Anatoli [Boukreev] và Martin [Adams] luồn qua tôi và nhanh chóng leo xuống. Cực kỳ thận trọng, tôi tiếp tục leo xuống sợi dây thừng kéo căng xuống triền núi, nhưng khoảng mười lăm mét phía trên chỗ chứa bình oxy, sợi dây thừng kết thúc, và tôi ngần ngại không muốn đi tiếp mà không có khí oxy.

Đứng phía trên gần Đỉnh Nam, tôi có thể thấy Andy Harris đang lựa chọn trong một đống bình oxy màu cam. Tôi la lên: “Nè, Harold! Có thể mang cho tôi một bình mới không?”

Anh chàng hướng dẫn này hét to lại: “Ở đây không có oxy. Những bình này hết sạch rồi!”. Đó là một tin tồi tệ. Não tôi đang hét lên đòi oxy. Tôi không biết phải làm gì. Ngay lúc đó, Mike Groom bắt kịp tôi trên đường anh ta trở xuống từ đỉnh. Mike đã từng leo ngọn Everest vào năm 1993 mà không cần dùng khí oxy, và anh ấy cũng không quá lo ngại về việc leo xuống mà không cần nó. Anh ta đưa cho tôi bình oxy của mình, và chúng tôi nhanh chóng bò xuống Đỉnh Nam.

Khi chúng tôi tới đó, sau khi kiểm tra chúng tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng có ít nhất sáu bình đầy. Tuy nhiên, Harris không tin điều đó. Anh ta tiếp tục khăng khăng rằng chúng đã hết sạch, và tôi và Mike có nói gì cũng không thể khiến anh ta thay đổi ý kiến.

Cách duy nhất để biết được còn bao nhiêu khí trong bình là gắn nó vào thiết bị điều áp và nhìn đồng hồ; có lẽ đây chính là cách Andy đã kiểm tra các bình khí tại Đỉnh Nam. Sau chuyến thám hiểm, Neal Beidleman chỉ ra rằng có lẽ thiết bị điều hòa của Andy đã bị tắc nghẽn vì băng, và đồng hồ có thể đã chỉ số không khi thậm chí những chiếc bình vẫn còn đầy khí; điều này giải thích cho sự ngoan cố kỳ lạ của Andy. Và có lẽ nếu thiết bị điều áp của anh ta bị hỏng và không thể dẫn khí tới mặt nạ, điều đó cũng giải thích cho sự thiếu minh mẫn của anh ấy.

Tuy nhiên, cả tôi và Mike đều đã không nghĩ tới khả năng này vào lúc đó, điều mà giờ đây dường như đã rõ ràng. Nhìn lại sự việc, Andy đã hành động một cách vô lý và đã vượt xa những ảnh hưởng thông thường của chứng giảm oxy huyết, nhưng tôi đã suy yếu về mặt nhận thức đến nỗi không nhận ra được điều này.

Việc không nhận thức được điều hiển nhiên này phần nào có nguyên nhân từ mối quan hệ khách leo núi – hướng dẫn viên. Andy và tôi tương tự nhau xét về khả năng thể chất và sự thành thạo kỹ thuật; nếu như chúng tôi leo cùng trong điều kiện không có người hướng dẫn như những đồng đội bình đẳng với nhau, tôi hoàn toàn có thể nhận ra tình trạng khó khăn của anh ấy. Nhưng trong chuyến thám hiểm này Andy có vai trò là một người hướng dẫn tối cao, ở đó để trông nom tôi và các khách leo núi khác; chúng tôi đã được đặc biệt căn dặn rằng không được nghi ngờ quyết định của những người hướng dẫn. Trong trí não què quặt của tôi chưa bao giờ xuất hiện ý nghĩ rằng Andy đang lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn – rằng một người hướng dẫn rất cần sự giúp đỡ của tôi.

Khi Andy tiếp tục khẳng định không còn chiếc bình nào đầy khí tại Đỉnh Nam, Mike nhìn tôi với vẻ mặt thắc mắc khó hiểu. Tôi nhìn lại anh ta và nhún vai. Quay qua Andy, tôi nói: “Không có vấn đề gì, Harold. Chẳng có gì mà phải rối lên cả”. Sau đó tôi chộp lấy một chiếc bình oxy mới, gắn nó vào thiết bị điều áp của mình, và leo xuống núi. Những gì sáng tỏ nhiều giờ sau đó đã khiến tôi nhận thấy rằng sự hời hợt và chối bỏ trách nhiệm – một sai lầm rành rành khi tôi không nhận ra được tình trạng nghiêm trọng của Andy – sẽ ám ảnh tôi suốt cả phần đời của lại của mình.

Khoảng 3 giờ 30 chiều, tôi rời Đỉnh Nam đi trước Mike, Yasuko và Andy và gần như ngay lập tức lạc vào một lớp mây dày đặc. Tuyết bắt đầu rơi nhẹ. Tôi gần như không thể phân biệt được đâu là điểm tận cùng của ngọn núi và đâu là điểm bắt đầu của bầu trời trong ánh sáng yếu ớt và xóa nhòa không gian này; tại những chỗ này, người ta rất dễ bị sẩy chân rơi khỏi sườn núi và sẽ không bao giờ còn ai nghe nói đến họ nữa. Và khi tôi di chuyển xuống, tình trạng này còn tồi tệ hơn nữa.

Tại chân của những bậc đá trên Triền Đông Nam, tôi và Mike dìmg lại để chờ Yasuko, người đang vất vả đánh vật với những sợi dây cố định. Mike cố gắng gọi cho Rob bằng bộ đàm, nhưng máy phát của anh ta chỉ hoạt động một cách chập chờn và anh ta không thể gọi được cho bất kỳ ai. Với Mike đang coi sóc Yasuko, và cả Rob và Andy đang kèm Doug Hansen – người khách duy nhất còn ở phía trên – tôi cho rằng tình hình vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát. Do đó khi Yasuko bắt kịp chúng tôi, tôi xin phép Mike để được tiếp tục leo xuống một mình. Anh ta đáp lại: “Được. Nhưng đừng có trượt chân xuống vực thẳm đó”.

Đến khoảng 4 giờ 45 chiều, khi tôi xuống tới Ban công – mũi băng ở độ cao 8.412 m trên Triền Đông Nam nơi tôi đã ngồi ngắm mặt trời mọc với Ang Dorje – tôi giật mình khi bắt gặp Beck Weathers, đứng một mình trong tuyết và đang run lên bần bật. Tôi cứ nghĩ rằng anh ta đã xuống tới Trại Bốn nhiều giờ rồi. Tôi kêu lên: “Beck, anh vẫn còn làm cái quái gì trên này thế?”

Nhiều năm trước, Beck đã trải qua một cuộc phẫu thuật RK47 (Rạch giác mạc hình nan hoa) để điều chỉnh thị lực. Anh ta đã nhận ra vào lúc đầu cuộc leo núi này rằng một tác dụng phụ của cuộc phẫu thuật chính là việc khí áp thấp ở trên cao khiến anh ta không thể nhìn rõ được. Anh ta càng leo lên cao, khí áp càng giảm, và thị lực của anh ấy càng trở nên yếu hơn.

Sau này Beck đã thú nhận với tôi: “Chiều hôm trước khi tôi leo từ Trại Ba lên Trại Bốn, thị lực của tôi yếu đi đến nỗi tôi không thể nhìn xa quá một mét. Do đó tôi mới bám ngay phía sau John Taske và khi anh ta nhấc một bàn chân lên, tôi đặt chân mình vào ngay chỗ chân của anh ấy”.

Trước đó Beck đã nói chuyện khá cởi mở về vấn đề thị lực của mình, nhưng khi đỉnh núi đã ở rất gần, anh ta lờ đi không nói đến việc mắt anh ta ngày càng nghiêm trọng hơn cho Rob hay bất kỳ ai khác. Bất chấp đôi mắt yếu của mình, anh ta vẫn leo tốt và cảm thấy khỏe hơn so với khi chuyến thám hiểm bắt đầu và anh ấy giải thích: “Tôi không muốn bỏ cuộc một cách hấp tấp”.

Leo lên phía trên Đèo Nam trong đêm đó, Beck vẫn có thể theo kịp cả đoàn bằng cách áp dụng phương pháp tương tự mà anh ta đã sử dụng lúc chiều – bước theo bước chân của người đi ngay phía trước mình. Nhưng khi đến Ban công và khi mặt trời lên, anh ta nhận ra rằng thị lực của mình đã yếu hơn bao giờ hết. Ngoài ra, anh ta đã tình cờ bị một vài tinh thể băng bắn vào mắt khiến cả hai giác mạc của anh ấy bị rách.

Beck tiết lộ: “Lúc đó, một mắt đã hoàn toàn bị lòa, tôi chỉ có thể nhìn thấy sơ sơ bằng mắt kia và mất hết cảm giác về chiều sâu. Tôi cảm thấy rằng tôi không thể nhìn thấy rõ để leo cao hơn mà không gây nguy hiểm cho chính mình hoặc trở thành gánh nặng của người khác, do đó tôi đã kể với Rob mọi chuyện”.

Ngay lập tức Rob tuyên bố: “Xin lỗi anh bạn, anh sẽ trở xuống. Tôi sẽ cử một trong những người Sherpa xuống cùng anh”. Tuy nhiên Beck chưa hoàn toàn sẵn sàng để từ bỏ ước mơ lên đỉnh của mình: “Tôi giải thích với Rob rằng rất có khả năng thị lực của tôi sẽ phục hồi khi mặt trời lên cao và hai con ngươi của tôi co lại. Tôi nói mình muốn đợi thêm một lúc nữa, và sau đó tôi sẽ lên theo sau những người khác nếu như tôi bắt đầu nhìn rõ hơn”.

Rob suy nghĩ về đề nghị của Beck, rồi tuyên bố: “Được thôi. Tôi sẽ cho anh nửa giờ đồng hồ. Nhưng tôi không thể để anh xuống Trại Bốn một mình. Nếu thị lực của anh không cải thiện trong ba mươi phút nữa, tôi muốn anh ở lại đây cho tới khi tôi quay trở xuống từ đỉnh núi để tôi có thể biết chính xác anh ở đâu, khi đó chúng ta sẽ cùng nhau leo xuống. Tôi đang nói rất nghiêm túc: một là anh trở xuống ngay bây giờ hoặc là anh hứa rằng mình sẽ ngồi ngay tại đây cho tôi khi tôi quay lại”.

“Do đó tôi đã hứa danh dự. Và tôi đã giữ lời hứa của mình. Đó là lý do tại sao tôi vẫn đứng tại đây”. Beck thật lòng nói với tôi như thế khi chúng tôi đứng dưới tuyết rơi và trong ánh sáng nhập nhoạng.

Ngay sau buổi trưa, Stuart Hutchison, John Taske và Lou Kasischke đã đi ngang qua trên đường họ trở xuống cùng với Lhakpa và Kami, nhưng Weathers đã quyết định không đi theo họ. Anh ta giải thích: “Thời tiết vẫn còn tốt và tôi thấy không có lý do gì để thất hứa với Rob vào lúc đó”.

Tuy nhiên bây giờ trời đang tối lại và thời tiết trở nên khắc nghiệt. Tôi nói với Beck: “Trở xuống cùng tôi. Ít nhất phải hai hay ba tiếng nữa Rob mới xuống đến đây. Tôi sẽ dẫn đường cho anh. Tôi sẽ đưa anh xuống, không có vấn đề gì hết”. Beck gần như đã bị thuyết phục leo xuống cùng tôi thì tôi phạm một sai lầm khi nói rằng Mike Groom cũng đang trở xuống cùng Yasuko, vài phút phía sau tôi. Trong một ngày có quá nhiều sai lầm, đây hóa ra lại là một trong những sai lầm lớn nhất.

Beck nói: “À! Cám ơn anh. Tôi nghĩ mình sẽ đợi Mike. Anh ấy có dây thừng; anh ta có thể kéo tôi xuống”.

Tôi đáp lại: “Được rồi. Tùy anh thôi. Tôi mong rằng sẽ gặp lại anh tại khu trại”. Trong thâm tâm mình, tôi nhẹ nhõm vì đã không phải đưa Beck xuống những sườn dốc khó khăn bên dưới, hầu hết vẫn chưa được giăng dây để đảm bảo an toàn. Ánh sáng mặt trời đang mờ đi, thời tiết thì ngày càng tồi tệ, sức lực của tôi cũng sắp cạn kiệt. Nhưng tôi không hề có cảm giác rằng tai ương đang rình rập. Thực ra, sau khi nói chuyện với Beck, tôi đã dành thời gian để tìm lại bình oxy đã dùng hết mà tôi giấu dưới tuyết trong khi leo lên mười tiếng trước đó. Muốn dọn tất cả rác của mình khỏi ngọn núi, tôi nhét nó vào ba lô của mình cùng với hai bình khác của tôi (một đã hết và một còn dở) và rồi nhanh chóng hướng xuống Đèo Nam, 488m ở phía dưới.

* * *

Từ Ban công, tôi leo thêm vài chục mét xuống một rãnh tuyết thoai thoải và rộng mà không gặp rắc rối gì, nhưng sau đó mọi việc bắt đầu trở nên rối rắm. Con đường quanh co qua những phần trồi lên của vùng đá phiến sét nhấp nhô bị khoảng 15cm tuyết mới rơi che phủ. Vượt qua được địa hình gây rối trí và không chắc chắn này đòi hỏi sự tập trung cao độ, một việc bất khả thi trong tình trạng mệt đờ, chếch choáng của tôi lúc này.

Bởi vì gió đã xóa hết dấu vết của những người leo xuống trước, tôi gặp khó khăn trong việc xác định chính xác đường đi. Vào năm 1993, đồng đội của Mike Groom – Lopsang Tshering Bhutia, một nhà leo núi Himalaya đầy kinh nghiệm, cháu trai của Tenzing Norgay – đã rẽ sai đường tại khu vực này và ngã chết. Cố gắng để ý đến thực tế, tôi bắt đầu nói chuyện lớn với chính mình. Tôi liên tục lẩm bẩm như đọc thần chú: “Bình tĩnh nào! Bình tĩnh nào! Bình tĩnh nào! Mình không thể làm hỏng chuyện ở đây được. Việc này rất nghiêm trọng. Bình tĩnh nào!”.

Tôi ngồi xuống nghỉ trên một rìa dốc rộng, nhưng sau một vài phút một tiếng nổ điếc tai – “BÙM!” – làm tôi sợ hãi đứng dậy. Rất nhiều tuyết mới đã tích tụ lại làm cho tôi nghĩ rằng một trận tuyết lở lớn đã xảy ra ở các sườn núi phía trên, nhưng khi tôi xoay quanh để quan sát tôi không hề thấy gì. Sau đó lại có một tiếng “BÙM!” khác, đi kèm là chớp sáng trong giây lát làm sáng bừng bầu trời, và tôi nhận ra là mình vừa nghe thấy tiếng sấm.

Lúc buổi sáng, khi đang leo lên, tôi đã liên tục nghiên cứu kỹ con đường tại vùng này của ngọn núi, thường xuyên nhìn xuống để ghi nhận những vật đánh dấu trên đường vốn sẽ rất hữu ích khi trở xuống, cố gắng ghi nhớ địa hình: “Nhớ phải rẽ trái tại chỗ một trụ đá trông giống như mũi tàu. Sau đó phải đi theo con đường nhỏ đầy tuyết này cho đến khi nó rẽ ngoặt sang phải”. Đây chính là điều tôi đã bắt mình tự làm nhiều năm trước, một bài tập tôi thực hiện mỗi khi leo núi, và trên ngọn Everest nó có thể đã cứu mạng tôi. Lúc 6 giờ chiều khi cơn bão đã trở thành một trận bão tuyết thực sự với tuyết trút xuống dữ dội và gió giật mạnh trên 111km/h, tôi chợt bắt gặp sợi dây thừng mà những người Montenegro đã giăng trên sườn tuyết phía trên Đèo Nam khoảng 180 mét. Tỉnh người bởi sức mạnh của cơn bão đang lớn dần, tôi nhận ra rằng mình vừa xuống khỏi vùng đất nguy hiểm nhất kịp lúc.

Quấn sợi dây cố định qua tay mình để lấy sức, tôi tiếp tục leo xuống trong dông bão. Vài phút sau đó, tôi bị bao trùm bởi một cảm giác nghẹt thở quen thuộc, và tôi nhận ra rằng một lần nữa bình oxy của tôi lại cạn sạch. Ba tiếng trước, khi lắp bộ điều áp của tôi vào bình oxy thứ ba và cũng là bình cuối cùng, tôi nhận thấy đồng hồ đo chỉ mực giữa. Tôi đã tính toán bình sẽ đủ cho tôi xuống gần tới nơi, do đó tôi đã không quan tâm tới chuyện đổi lấy một bình đầy. Và giờ đây oxy đã cạn.

Tôi kéo chiếc mặt nạ ra khỏi mặt để nó treo quanh cổ, và tiến về phía trước, ngạc nhiên thấy mình không hề lo lắng. Tuy nhiên, vì không có khí oxy bổ sung nên tôi di chuyển chậm hơn và phải dừng lại nghỉ nhiều lần hơn.

Lịch sử của ngọn Everest đầy rẫy những trường hợp bị ảo giác vì giảm oxy huyết và vì mệt mỏi. Vào năm 1933, nhà leo núi nổi tiếng người Anh Frank Smythe đã tả lại “hai vật thể trông rất lạ lùng đang lơ lửng trên trời” ngay bên trên ông ấy ở độ cao 8.230m: “[một cái] trông như là những chiếc cánh mập mạp, cũn cỡn chưa phát triển, còn cái kia hơi giống một cái mỏ chim. Chúng lơ lửng không chuyển động nhưng hình như đang dao động chầm chậm”. Năm 1980, trong chuyến leo núi đơn độc của mình, Reinhold Messner đã tưởng tượng thấy một người vô hình đang leo bên cạnh ông ta. Dần dần, tôi nhận ra rằng đầu óc tôi cùng đã rơi vào tình trạng tương tự, và tôi quan sát những áo giác của mình vừa mê hoặc vừa khiếp sợ.

Tôi đã quá mệt đến nỗi tôi có cảm giác mình trải qua trạng thái tách rời kỳ lạ khỏi bản thân mình, cứ như thể từ vài mét phía trên cao tôi đang quan sát mình leo xuống. Tôi tưởng tượng thấy mình mặc áo len và một đôi giày màu xanh lá cây. Và mặc dù trận bão đang tạo ra những cơn gió lạnh -56°C, nhưng tôi vẫn cảm thấy ấm áp một cách khó chịu và lạ lùng.

Đến 6 giờ 30, khi tia sáng cuối cùng tắt khỏi bầu trời, tôi đã xuống tới cách Trại Bốn khoảng sáu mươi mét đứng. Chỉ còn một khó khăn duy nhất ngăn cản tôi đến được sự an toàn, đó là một mặt băng lồi, cứng và trơn như gương mà tôi sẽ phải leo xuống không có dây thừng. Những hòn tuyết bị những cơn gió mạnh 130km/h thổi bắn vào mặt tôi; bất kỳ phần da thịt nào không được bao bọc đều nhanh chóng lạnh cóng. Những chiếc lều, chỉ cách chưa đầy 200 mét đứng, nhưng chỉ thấp thoáng hiện ra trong màn tuyết trắng xóa. Không có chỗ cho sai lầm. Lo lắng mình sẽ phạm phải một sai lầm chết người nào đó, tôi ngồi xuống để tập trung sức lực của mình trước khi leo xuống tiếp.

Mỗi khi nhấc chân lên, sức ì trong tôi lại trỗi dậy. Ngồi nghỉ thì dễ dàng hơn nhiều so với việc tập trung sức lực để đối phó với dốc băng nguy hiểm này; do vậy tôi chỉ ngồi yên đó khi trận bão gầm thét quanh tôi, để cho đầu óc mình lững lờ, không làm gì cả trong khoảng bốn mươi lăm phút.

Tôi siết chặt dây rút trên chiếc mũ trùm đầu của mình cho tới khi chỉ còn một lỗ nhỏ quanh hai mắt, và tháo chiếc mặt nạ oxy lạnh cứng và vô dụng khỏi phía dưới cằm khi Andy Harris bất thình lình xuất hiện trong bóng tối bên cạnh tôi. Tôi chiếu chiếc đèn pin trên đầu về phía anh ta và đột nhiên chùn lại khi trông thấy tình trạng kinh khủng của khuôn mặt anh ta. Hai bên má của anh ta phủ một lớp sương giá dày, một mắt nhắm lại vì cóng, và anh ta đang nói líu nhíu rất khó nghe. Anh ta trông có vẻ đang gặp vấn đề rất nghiêm trọng. Andy thốt lên, điên dại muốn đến được chỗ trú: “Đường nào đi đến lều?”

Tôi chỉ hướng tới Trại Bốn, và cảnh báo anh ta về vùng băng ngay phía dưới chúng tôi. Tôi la lên, cố gắng để anh ta có thể nghe thấy tôi trong cơn dông bão: “Nó dốc hơn tôi tưởng nhiều. Có lẽ tôi sẽ leo xuống trước và lấy một sợi dây thừng từ trại”. Khi tôi đang nói dở, Andy đột ngột quay đi và di chuyển lên mép của dốc băng, để tôi ngồi đó điếng người đi.

Sử dụng chiếc gậy của mình, anh ta bắt đầu leo xuống phần dốc nhất của con dốc. Tôi hét theo anh ta: “Andy, thật điên rồ khi cố gắng leo xuống như vậy. Chắc chắn anh sẽ bị ngã!” Anh ta hét lại điều gì đó, nhưng chúng đã bị cơn gió đang gào thét cuốn đi. Một giây sau, anh ta mất điểm tựa, trượt chân, và đột nhiên ngã cắm đầu xuống băng.

Sáu mươi mét bên dưới, tôi chỉ có thể nhìn thấy thân hình bất động của Andy nằm dưới chân con dốc. Tôi chắc chắn rằng anh ta ít nhất là gãy chân, thậm chí có thể gãy cổ. Nhưng sau đó, thật khó tin, anh ta đứng dậy, vẫy tay ra hiệu mình vẫn ổn, và bắt đầu đi lảo đảo về Trại Bốn vốn bây giờ đã có thể nhìn thấy rõ, cách đó khoảng 150m.

Tôi có thể nhìn thấy bóng của ba hay bốn người đang đứng bên ngoài những chiếc lều, những chiếc đèn pin trên đầu của họ đang lập lòe qua những màn tuyết đang rơi. Tôi quan sát Harris đi về phía họ ngang qua những khoảng đất phẳng, một đoạn mà anh ta phải đi mất gần mười phút. Khi những đám mây khép lại một lúc sau đó, che khuất tầm nhìn của tôi, anh ta chỉ còn cách khu lều khoảng 20m hoặc thậm chí là ít hơn. Tôi không nhìn thấy anh ta nữa, nhưng tôi chắc rằng anh ta đã đến được trại an toàn, nơi mà Chuldum và Arita đang đợi anh ấy với trà nóng. Ngồi ngoài tuyết, với một dốc tuyết vẫn còn nằm giữa tôi và những chiếc lều, tôi cảm thấy nhói lên sự ganh tị. Tôi tức giận vì người hướng dẫn của mình đã không đợi mình.

Ba lô của tôi không có gì nhiều ngoài ba chiếc bình oxy rỗng không và một ít nước chanh đông lạnh; có lẽ nó nặng không đến 8 hay 9kg. Nhưng tôi đã quá mệt mỏi và lo lắng rằng sẽ không thể xuống khỏi dốc băng mà không bị gãy chân, do đó tôi quăng chiếc ba lô qua gờ tảng băng và hy vọng rằng nó sẽ nằm đâu đó mà tôi có thể tìm thấy được. Sau đó tôi đứng dậy và bắt đầu leo xuống dốc băng vốn trơn và cứng như bề mặt của một quả banh bowling.

Sau mười lăm phút leo bằng đế đinh đầy nguy hiểm và mệt mỏi, tôi đã xuống được chân dốc băng an toàn, nơi tôi có thể dễ dàng tìm thấy chiếc ba lô của mình và mười phút sau nữa tôi đã tự mình về đến trại. Tôi lao vào lều của mình mà không cởi đế đinh ra, đóng chặt cửa lại, và nằm xoài ra nền lều phù đầy sương giá, quá mệt mỏi đến nỗi không ngồi thẳng lên được. Lần đầu tiên tôi có một ý niệm về sự rã rời thực sự: chưa bao giờ tôi kiệt sức như thế. Tuy nhiên tôi đã an toàn. Andy cũng an toàn. Những người khác sẽ đến trại sớm. Chúng tôi đã làm được. Chúng tôi đã chinh phục được đỉnh Everest. Đã có một chút trục trặc trên đó, nhưng cuối cùng mọi việc hóa ra thật tuyệt vời.

* * *

Phải mất nhiều giờ nữa trước khi tôi biết được rằng mọi chuyện hóa ra không thực sự hoàn hảo chút nào – mười chín con người đã bị mắc kẹt trên ngọn núi trong cơn bão và đang phải chiến đấu để sống sót.