Tan Biến: Hồi Ký Về Thảm Hoạ Everest - Chương 15: ĐỈNH NÚI

1:25 CHIỀU, NGÀY 10 THÁNG 5 NĂM 1996

8.848 MÉT

Sự nguy hiểm của gió bão và các cuộc phiêu lưu có nhiều sắc thái khác nhau, và chỉ thỉnh thoảng người ta mới thấy nổi lên trên bề mặt sự mãnh liệt tàn bạo của mục đích – một thứ không thể lý giải được luôn ám ảnh trái tim và lý trí con người, sự rắc rối của những tai nạn hay những cơn thịnh nộ dữ dội này đang đuổi sát theo anh ta đầy ác ý, với một sức mạnh vượt ngoài tầm kiểm soát, với một sự tàn bạo sẵn sàng giằng khỏi tay anh ta hy vọng, nỗi sợ hãi, nỗi đau của sự mệt mỏi và ước muốn được nghỉ ngơi: nghĩa là đập tan, phá hủy và tiêu diệt tất cả những gì anh ta thấy, biết, yêu thương, thích thú và căm ghét; tất cả những gì vô giá và thiết yếu – bình minh, ký ức, tương lai; nghĩa là quét sạch toàn bộ thế giới quý báu khỏi tầm mắt của anh ta bằng một hành động đơn giản và tàn bạo là tước đi mạng sống của anh ấy.

Joseph Conrad

Huân tước Jim

Neal Beidleman đến được đỉnh lúc 1 giờ 25 chiều cùng với vị khách Martin Adams. Khi họ đến đó, Andy Harris và Analoti Boukreev đã ở trên đỉnh; trong khi tôi đã rời đỉnh núi tám phút trước. Nghĩ rằng những người còn lại trong đội của mình sẽ xuất hiện không lâu sau đó, Beidleman chụp vài bức ảnh, cười đùa với Boukreev và ngồi xuống đợi. Đến 1 giờ 45 vị khách Klev Schoening leo lên đoạn dốc cuối cùng, lôi ra một bức hình chụp vợ và những đứa con của anh ta, và bắt đầu ăn mừng trong nước mắt việc mình đã lên được đỉnh của thế giới. 

Từ đỉnh núi, có một chỗ nhô lên trên sườn núi khiến cho người ta không nhìn được toàn bộ con đường, và đến 2 giờ – thời gian quy định phải trở xuống – vẫn chưa có dấu hiệu nào của Fischer cũng như của bất kỳ người khách nào khác. Beidleman bắt đầu trở nên lo lắng vì thời gian đã muộn.

Beidleman là một kỹ sư chuyên ngành không gian 36 tuổi. Anh là một hướng dẫn viên trầm lặng, sâu sắc và cực kỳ chu đáo, được những người trong đoàn của mình và đoàn của Hall rất yêu mến. Beidleman cũng là một trong những nhà leo núi khỏe nhất trên ngọn núi này. Hai năm trước, cùng với Boukreev – người mà Beidleman coi là một người bạn tốt – anh ta đã leo lên đỉnh Makalu cao 8.480m với thời gian gần đạt kỷ lục mà không cần bình oxy hay sự trợ giúp của những người Sherpa. Beidleman gặp Fischer và Hall lần đầu tiên trên sườn K2 vào năm 1992. Năng lực và cách cư xử dễ chịu của anh ta đã để lại ấn tượng tốt đối với hai người này. Tuy nhiên do kinh nghiệm trên vùng núi cao của Beidleman còn hạn chế (Makalu là ngọn núi cao duy nhất trên dãy Himalaya mà anh ta đã từng leo) nên vị trí của anh ta trong đoàn Mountain Madness là dưới Fischer và Boukreev. Và thù lao của anh ta phản ánh địa vị thấp hơn của mình: anh ta đồng ý hướng dẫn lên đỉnh Everest với mức thù lao 10.000 đô la so với 25.000 đô la mà Fischer trả cho Boukreev.

Beidleman, vốn có bản chất nhạy cảm, nhận thức được khá rõ vị trí của mình trong trật tự của đoàn thám hiểm. Anh ta thừa nhận sau chuyến đi: “Tôi chỉ được coi là người hướng dẫn thứ ba, do đó tôi cố gắng không làm nổi mình quá. Kết quả là không phải lúc nào tôi cũng lên tiếng khi lẽ ra tôi phải làm như vậy, và bây giờ tôi hối tiếc vì điều đó”.

Beidleman cho hay theo kế hoạch không chặt chẽ của Fischer cho ngày chinh phục đỉnh, Lopsang sẽ là người đi trước trong đoàn, mang theo chiếc bộ đàm và hai cuộn dây thừng để giăng trước cho khách hàng; Boukreev và Beidleman – không ai trong số họ có bộ đàm – sẽ đi ở giữa hoặc gần đầu, tùy thuộc vào việc những vị khách hàng di chuyển thế nào; và Scott [Fischer], mang theo bộ đàm, sẽ là người đi cuối. Theo đề nghị của Rob [Hall], chúng tôi quyết định thời điểm trở xuống sẽ là 2 giờ chiều: bất kỳ ai không nằm trong khoảng cách rất gần đỉnh núi vào lúc 2 giờ sẽ phải quay lại và trở xuống.

Beidleman giải thích: “Theo kế hoạch, Scott sẽ có nhiệm vụ yêu cầu mọi người trở xuống. Chúng tôi đã thảo luận về chuvện này. Tôi đã nói với anh ta rằng vì tôi chỉ là người hướng dẫn thứ ba nên sẽ khó có thể ra lệnh cho những người đã bỏ ra 65.000 đô la rằng họ phải quay lại. Do vậy Scott đồng ý đó sẽ là trách nhiệm của anh ấy”. Thực ra, những người đến được đỉnh núi trước 2 giờ chiều chỉ có Boukreev, Harris, Beidleman, Adams, Schoening và tôi; nếu như Fischer và Hall tuân theo đúng những quv định đã được đặt ra, tất cả những người khác sẽ phải quay lại trước khi đến đỉnh núi.

Mặc dù Beidleman rất lo lắng về thời gian đang trôi qua, nhưng anh không có bộ đàm, do vậy không thể nào bàn bạc mọi chuvện với Fischer được. Lopsang – người giữ bộ đàm – vẫn ở đâu đó xa tít phía dưới. Sáng sớm hôm đó, khi Beidleman gặp Lopsang trên Ban công, đang quỳ gối nôn mửa trong tuyết, anh ta đã mang hai cuộn dây của Lopsang để giăng trên những bậc đá dốc phía trên. Tuy nhiên, như giờ đây anh ta đang than thở: “Tôi đã không nghĩ ra là phải lấy luôn bộ đàm của anh ta”.

Beidleman nhớ lại, kết quả là “tôi đã phải ngồi trên đỉnh núi rất lâu, nhìn đồng hồ và đợi Scott xuất hiện, và đã nghĩ tới việc trở xuống – nhưng mỗi lần tôi đứng dậy để đi xuống, một người khách hàng khác của chúng tôi lại nhô lên đỉnh của triền núi và tôi lại ngồi xuống để chờ họ”.

Sandy Pittman xuất hiện trên con dốc cuối cùng vào khoảng 2 giờ 10, đi trước một chút xíu so với Charlotte Fox, Lopsang Jangbu, Tim Madsen, và Lee Gammelgaard. Nhưng Pittman di chuyển rất chậm, ngay khi gần tới đỉnh cô ta bất ngờ quị xuống trong tuyết. Khi Lopsang đến để giúp cô ấy anh ta phát hiện ra rằng bình oxy thứ ba của Pittman đã cạn. Sáng sớm hôm đó, khi bắt đầu kéo Pittman anh đã mở hết cờ van oxy của cô ấy – bốn lít một phút – và kết quả là Pittman đã sử dụng hết lượng khí của mình tương đối nhanh. Thật may mắn, Lopsang – vốn đang không sử dụng oxy – có mang theo một bình oxy dự trữ trong ba lô của mình. Anh ta gắn chiếc mặt nạ và thiết bị điều áp của Pittman vào bình khí mới, sau đó họ leo tiếp vài mét cuối cùng lên đỉnh núi và tham gia vào cuộc ăn mừng đang diễn ra.

Rob Hall, Mike Groom, và Yasuko Namba cũng đến đỉnh núi vào khoảng giờ này và Hall đã gọi điện qua bộ đàm cho Helen Wilton ở Trạm Căn cứ để báo tin mừng cho cô ấy. Wilton nhớ lại: “Rob nói trên đó rất lạnh và nhiều gió, nhưng anh ta có vẻ vui. Anh ấy nói: ‘Doug vừa xuất hiện ở phía chân trời; ngay sau khi anh ta lên đến nơi tôi sẽ quay trở xuống… Nếu cô không nghe thấy tin tức gì từ tôi nữa thì có nghĩa là mọi chuyện vẫn ổn’”. Wilton thông báo cho văn phòng của Adventure Consultants ở New Zealand và rất nhiều bản fax đã được gửi đi tới gia đình và bạn bè của những người leo núi trên khắp thế giới, thông báo về thắng lợi của chuyến thám hiểm.

Nhưng Hall biết Doug Hansen vẫn chưa lên gần tới đỉnh núi vào thời điểm đó và Fischer cũng vậy. Thật ra đến 3 giờ 40 Fischer mới đến được đỉnh và phải đến sau 4 giờ chiều Hansen mới tới được đó.

* * *

Chiều hôm trước – Thứ năm ngày 9 tháng 5 – khi tất cả chúng tôi đã leo từ Trại Ba lên Trại Bốn, mãi đến hơn 5 giờ chiều Fischer mới tới được khu lều trên Đèo Nam, và anh ta mệt mỏi trông thấy mặc dù Scott đã cố gắng hết sức để che giấu. Charlotte Fox, người ở chung lều với anh ấy, nhớ lại: “Tôi không thể biết là Scott đã bị mệt. Anh ấy hành động giống như Mr. Gung Ho48, lên dây cót cho tất cả mọi người hệt một vị huấn luyện viên trước trận đấu lớn”.

Thật ra Fischer đã kiệt sức vì những căng thẳng thần kinh và thể xác trong những tuần trước đó. Mặc dù anh có sức khỏe phi thường, anh ta đã phung phí chúng, và khi chúng tôi đến Trại Bốn, sức khỏe của anh ấy gần như đã suy kiệt. Sau chuyến thám hiểm, Boukreev thừa nhận: “Scott, một người khỏe mạnh nhưng trước cuộc chinh phục đỉnh núi đã mệt mỏi, gặp nhiều vấn đề, và đã tiêu hao nhiều năng lượng. Lo lắng, lo lắng, lo lắng, lo lắng. Scott lo lắng, nhưng giữ nó trong lòng”.

Fischer cũng giấu mọi người rằng xét về phương diện lâm sàng anh cũng có thể đã bị bệnh trong suốt cuộc chinh phục đỉnh núi. Vào năm 1984, trong một chuyến thám hiểm tới ngọn núi Annapurna thuộc Nepal, anh ta đã bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột Entamoeba histolytica, nhưng anh đã không thể điều trị dứt điểm suốt những năm sau đó. Ký sinh trùng này chuyển từ trạng thái tiềm sinh sang hoạt động một cách bất thường, không theo quy luật gây ra những cơn đau cấp tính và tạo ra một khối u ở gan Fischer. Khăng khăng cho rằng không có gì phải lo lắng, Fischer chỉ nói cho rất ít người ở Trạm Căn cứ biết về căn bệnh của anh.

Theo Jane Bromet, khi căn bệnh ở trong giai đoạn hoạt động (như trong trường hợp mùa xuân năm 1996), Fischer sẽ phải chịu những cơn đổ mồ hôi nghiêm trọng và bị run lên. Nhưng những con đau này chỉ kéo dài trong mười hoặc mười lăm phút và sau đó qua đi. Tại Seattle, anh chịu những cơn đau này khoảng một tuần một lần, nhưng khi căng thẳng nó xảy ra thường xuyên hơn. Tại Trạm Căn cứ, Fischer bị thường xuyên hơn nữa – cứ cách ngày lại bị, thỉnh thoảng ngày nào cũng bị.

Nếu Fischer phải chịu những cơn đau này tại Trại Bốn hoặc cao hơn, anh ấy sẽ không bao giờ nói về nó. Fox cho biết sau khi anh ấy bò vào lều của họ hồi tối Thứ năm, “Scott nằm vật ra và ngủ rất khó khăn trong khoảng hai tiếng đồng hồ”. Khi thức dậy vào 10 giờ đêm, anh chuẩn bị rất chậm chạp và đã ở lại lều một hồi lâu sau khi người cuối cùng trong số các khách, hướng dẫn viên, và những người Sherpa đã khởi hành leo lên đỉnh.

Không biết Fischer đã thực sự rời Trại Bốn khi nào, có lẽ phải đến 1 giờ sáng Thứ sáu, ngày 10 tháng 5. Trong gần suốt ngày chinh phục đỉnh, Fischer tụt lại xa so với tất cả những người khác, và anh đã không đến được Đỉnh Nam mãi cho tới khoảng 1 giờ chiều. Tôi trông thấy anh ta lần đầu tiên lúc khoảng 2 giờ 45, trên đường tôi trở xuống từ đỉnh núi, trong khi tôi đang đợi tại Bậc Hillary với Andy Harris để đám đông đi qua hết. Fischer là người cuối cùng leo lên sợi dây thừng và anh ấy trông có vẻ cực kỳ uể oải.

Sau khi chúng tôi có những lời nói đùa với nhau, anh ấy nói chuyện ngắn gọn với Martin Adams và Anatoli Boukreev – những người đang đứng ngay phía trên tôi, và Harris – người đang đợi để leo xuống Bậc Hillary. Fischer nói đùa qua chiếc mặt nạ oxy của mình, cố giả giọng vui vẻ: “Nè Martin. Anh có nghĩ anh leo lên được đỉnh Everest không?”

Adams đáp lại, dường như có vẻ không hài lòng vì Fischer đã không chúc mừng anh ta: “Chào Scott, tôi mới làm điều đó rồi”.

Tiếp đó, Fischer nói vài lời với Boukreev. Theo những gì Adams nhớ được thì Boukreev nói với Fischer: “Tôi đang trở xuống cùng Martin”. Sau đó Fischer tiếp tục lê bước khó nhọc lên đỉnh núi trong khi Harris, Boukreev, Adams, và tôi bắt đầu leo xuống Bậc đá. Không ai nói gì về vẻ mệt mỏi của Fischer. Không ai trong chúng tôi có thể nhận ra rằng anh ấy đang gặp vấn đề.

* * *

Đến 3 giờ 10 chiều Thứ sáu Fischer vẫn chưa lên được tới đỉnh, Beidleman nói: “Tôi quyết định đã đến lúc phải rời khỏi nơi chết tiệt đó, dù rằng Fischer vẫn chưa xuất hiện”. Anh ta tập hợp Pittman, Gammelgaard, Fox, và Madsen lại và bắt đầu dẫn họ xuống núi. Hai mươi phút sau đó, chỉ ngay phía trên Bậc Hillary, họ tình cờ gặp Fischer. Beidleman nhớ lại: “Tôi hầu như không nói gì với anh ấy. Anh ấy hình như cũng chỉ giơ tay lên. Scott trông có vẻ như đang gặp khó khăn, nhưng anh ấy là Scott, do vậy tôi cũng không lo lắng lắm. Tôi cho rằng anh ấy sẽ tới được đỉnh núi và bắt kịp chúng tôi sớm để giúp đưa các khách leo núi xuống”.

Mối lo lắng lớn nhất của Beidleman vào lúc đó chính là Pittman: “Mọi người đã khá mệt vào lúc đó nhưng Sandy trông có vẻ cực kỳ run rẩy. Tôi nghĩ rằng nếu mình không chú ý thật cẩn thận tới cô ấy hẳn cô ta có thể trượt chân khỏi sườn núi. Do đó tôi đã phải chắc chắn rằng cô ấy được móc vào tuyến dây cố định, và ở những nơi không có dây tôi nắm chiếc đai của cô ấy từ phía sau và giữ thật chặt cho đến khi cô ấy có thể móc vào đoạn dây kế tiếp. Cô ấy mệt đến nỗi tôi không chắc cô ấy có biết tôi ở đó hay không”.

Một khoảng ngắn phía dưới Đỉnh Nam, khi những người leo núi leo vào những đám mây dày và tấm màn tuyết, Pittman quị xuống một lần nữa và đã nhờ Fox tiêm cho mình một mũi steroid mạnh có tên là dexamethasone. “Dex” có thể tạm thời vô hiệu hóa những tác hại nguy hiểm của độ cao; theo chỉ dẫn của bác sĩ Ingrid Hunt, mỗi thành viên trong nhóm của Fischer đã mang theo một ống tiêm đã được bơm đầy loại thuốc này trong một chiếc hộp nhỏ bằng nhựa bên trong bộ áo liền quần của mình đề phòng trường hợp khẩn cấp (ở trong đó ống thuốc sẽ không bị đông lại). Fox nhớ lại: “Tôi hơi kéo quần của Sandy qua một bên, và đâm cây kim vào hông cô ấy, xuyên ngay qua chiếc quần lót dài và mọi lớp quần áo khác”.

Beidleman, vốn còn nấn ná ở lại Đỉnh Nam để kiếm những bình oxy dự trữ, đến nơi và nhìn thấy Fox đang đâm chiếc ống tiêm vào Pittman đã thừ mặt ra trong tuyết. “Khi tôi lên đến đỉnh dốc và nhìn thấy Sandy nằm ở đó, với Charlotte đang chồm qua cô ấy vung vẩy cây kim tiêm dưới da, tôi nghĩ ‘chết tiệt, việc này có vẻ thật tồi tệ’. Rồi khi tôi hỏi Sandy chuvện gì đang xảy ra, tất cả những gì cô ấy trả lời được chỉ là những tiếng bập bẹ không rõ ràng”. Beidleman cực kỳ lo lắng nên yêu cầu Gammelgaard đưa chiếc bình oxy còn đầy của cô cho Pittman và lấy chiếc bình gần cạn của Pittman. Sau khi chắc chắn van bộ điều áp của Pittman đã được mở lớn hết cở, anh nắm lấy chiếc đai của cô Pittman đã nửa hôn mê và bắt đầu kéo cô ta xuống sườn tuyết dốc đứng của Triền Đông Nam. Anh ta giải thích: “Khi tôi để cô ấy trượt xuống, tôi trượt xuống phía trước cô ta. Cứ sau mỗi năm mươi mét tôi dừng lại, quấn tay tôi qua sợi dây cố định và chống mình để cản cô ta khỏi trượt xuống tiếp bằng cả thân người. Lần đầu tiên Sandy đâm vào tôi, những chiếc đinh nhọn trên đế đinh của cô ấy cứa rách bộ áo liền quần của tôi. Lông bay ra tứ tung. Mọi người thở phào nhẹ nhõm khi Pittman, sau khoảng hai mươi phút tiêm thuốc và được cung cấp thêm oxy, đã tỉnh lại và có thể tự mình leo xuống.

Khoảng 5 giờ chiều, khi Beidleman hộ tống những vị khách xuống Triền Đông Nam, Mike Groom và Yasuko Namba đang tới Ban công bên dưới họ khoảng hơn 150 mét. Từ mũi đất cao 8.412m này con đường đổi hướng đột ngột khỏi triền núi về phía nam hướng đến Trại Bốn. Tuy nhiên, khi Groom nhìn theo hướng khác – xuống mạn bắc của triền núi – trong tuyết rơi rất dày và ánh sáng lờ mờ anh ta trông thấy một người leo núi một mình đã đi chệch đường rất xa: đó chính là Martin Adams, anh ta đã bị mất phương hướng trong cơn bão và đã bắt đầu leo xuống Mặt Kangshung về phía Tây Tạng một cách nhầm lẫn.

Ngay khi trông thấy Groom và Namba ở phía trên mình, Adams đã nhận ra sai lầm của mình và leo chậm chạp trở lại Ban công. Groom hồi tưởng lại: “Martin mệt lử khi anh ta quay lại tới chỗ tôi và Yasuko. Chiếc mặt nạ oxy của anh ta đã bị tháo ra và mặt anh ấy dính đầy tuyết. Anh ấy hỏi: ‘Đi về lều đường nào?’”. Groom chỉ hướng và ngay lập tức Adams bắt đầu leo xuống đúng hướng triền núi, theo con đường mà tôi vừa mới đánh dấu khoảng mười phút trước.

Trong khi Groom đang đợi Adams leo trở lên triền núi, anh để Namba xuống trước, còn mình thì cố gắng tìm lại chiếc vỏ máy chụp ảnh đã đánh rơi trong lúc leo lên. Khi anh ta đang tìm xung quanh, lần đầu tiên anh chú ý tới một người nữa ở cùng với anh ta trên Ban công. “Do anh ta bị mờ khuất trong tuyết nên tôi đã cho rằng anh ta chính là một người trong đoàn của Fischer và không để ý đến anh ta. Sau đó người này đứng trước mặt tôi và nói: ‘Nè Mike’, và tôi nhận ra đó chính là Beck”.

Groom, cũng ngạc nhiên khi trông thấy Beck y như tôi lúc trước, lôi sợi dây thừng của mình ra và bắt đầu kéo anh chàng Texas này xuống Đèo Nam. Groom thuật lại: “Beck đã không còn nhìn thấy gì nên cứ mỗi mười mét anh ta lại bước hụt chân và tôi phải tóm anh ấy lại bằng sợi dây thừng. Nhiều lần tôi đã lo sợ rằng anh ấy sẽ kéo tôi ngã. Thật căng thẳng! Tôi phải đảm bảo rằng chiếc rìu phá băng của mình đã được cắm chặt và rằng tất cả những chiếc đinh giày của tôi sạch sẽ và lúc nào cũng ghim vào một thứ gì đó rắn chắc”.

Lần lượt từng người, theo những vệt đường tôi đã tạo ra mười lăm hay hai mươi phút trước đây, Beidleman và những khách còn lại trong nhóm của Fischer trở xuống trong cơn dông bão đang ngày càng mạnh lên. Adams đi phía sau tôi, dẫn đầu những người còn lại; sau đó là Namba, Groom và Weathers, Schoening và Gammelgaard, Beidleman, và cuối cùng là Pittman, Fox và Madsen.

Hơn một trăm năm mươi mét phía trên Đèo Nam, nơi dốc đá phiến sét nhường chỗ cho một dốc tuyết thoai thoải hơn, bình oxy của Namba cạn, và người phụ nữ bé nhỏ người Nhật này ngồi xuống, không chịu di chuyển tiếp. Groom nói: “Khi tôi cố gắng tháo chiếc mặt nạ oxy của bà ấy ra để bà có thể thở dễ dàng hơn, bà ấy khăng khăng đeo nó ngay trở lại. Không gì có thể thuyết phục được bà ấy rằng đã không còn oxy nữa và rằng chiếc mặt nạ thực sự chỉ đang làm cho bà ngạt thở hơn thôi. Ngay lúc đó, Beck đã yếu đến mức không thể tự mình đi được và tôi phải đỡ anh ta trên vai của mình. Thật may mắn, không lâu sau đó Neal bắt kịp chúng tôi”. Beidleman thấy Groom đang bận tay với Beck nên anh bắt đầu kéo Namba xuống Trại Bốn, thậm chí ngay cả khi cô ấy không thuộc đội của Fischer.

Lúc đó đã là khoảng 6 giờ 45 chiều và trời đã gần như tối sầm. Beidleman, Groom, những khách hàng của họ và hai người Sherpa thuộc nhóm của Fischer mới ra khỏi màn sương – Tashi Tshering và Ngawang Dorje – đã họp lại thành một nhóm. Mặc dù di chuyển chậm nhưng họ chỉ còn cách Trại Bốn khoảng sáu mươi mét theo chiều đứng. Lúc đó tôi mới chỉ đến khu lều – có lẽ chỉ nhanh hơn những thành viên đầu tiên trong nhóm của Beildeman không quá mười lăm phút. Nhưng trong khoảng thời gian ngắn ngủi này cơn bão đã đột ngột mạnh lên thành một trận cuồng phong dữ dội, và tầm nhìn giảm xuống còn không tới bảy mét.

Muốn tránh khỏi những mảnh băng văng nguy hiểm, Beidleman dẫn nhóm của anh ta đi theo con đường quanh co vòng xa qua phía đông, nơi mà sườn núi ít dốc hơn và khoảng 7 giờ 30 họ đã đến được dải đất rộng, hơi nhô lên của Đèo Nam. Tuy nhiên, lúc này chỉ ba bốn người là có đèn còn pin và tất cả mọi người đều sắp ngã quị. Fox ngày càng phụ thuộc nhiều vào sự giúp đỡ của Madsen. Wealthers và Namba không thể tự đi mà không cần đến sự giúp đỡ của Groom và Beidleman.

Beidleman biết rằng họ đang ở mạn đông thuộc Tây Tạng của Đèo Nam và khu lều đang nằm đâu đó về phía tây. Nhưng di chuyển theo hướng đó cần phải đi hoàn toàn ngược gió vào trong vùng bão. Những hạt băng và tuyết nhỏ bị gió cuốn đi văng rất mạnh vào mặt những nhà leo núi, xé rách mắt của họ và khiến họ không thể nhìn thấy được mình đang đi đâu. Schoening giải thích: “Thật là khó khăn và đau đớn, không thế chống chọi lại cơn gió, không thể đi về phía trái để tránh xa nó, và đó là sai lầm của chúng tôi”.

Anh ta nói tiếp: “Đôi lúc bạn không thể nhìn thấy chân của mình; gió, tuyết và băng đang thổi rất mạnh. Tôi lo lắng rằng ai đó sẽ quị xuống, lạc khỏi nhóm và chúng tôi sẽ không bao giờ thấy họ nữa. Nhưng khi chúng tôi đến được những vùng đất bằng phẳng của Đèo Nam chúng tôi bắt đầu đi theo những người Sherpa, tôi cho rằng họ biết khu lều nằm ở đâu. Sau đó họ đột ngột dừng lại và đi ngược lại và mọi chuvện nhanh chóng trở nên rõ ràng rằng họ cũng không biết chúng tôi đang ở đâu. Ngay lúc đó tôi có cảm giác khó chịu ở vùng thượng vị. Đó là lúc tôi bắt đầu nhận ra chúng tôi đang gặp rắc rối”.

Trong hai giờ sau đó, Beidleman, Groom, hai người Sherpa và bảy khách leo núi lảo đảo mò mẫm vòng vòng trong cơn bão, càng lúc càng mệt mỏi và giảm thân nhiệt với hy vọng sẽ tình cờ tìm thấy được trại. Có lần họ đã đụng phải vài chiếc bình oxy rỗng, là dấu hiệu khu trại đang ở gần đó, nhưng những người này vẫn không thể định vị được nó. Beidleman nói: “Đó là một sự hỗn loạn thật sự. Mọi người đang đi lung tung hết mọi chỗ; tôi phải hét lên với mọi người, cố gắng kêu họ đi theo một người dẫn đường duy nhất. Cuối cùng, có lẽ khoảng 10 giờ, tôi đi lên bên trên cái gò cao này, và tôi có cảm giác rằng mình đang đứng trên bờ của quả đất. Tôi có thể cảm thấy một khoảng trống khổng lồ ngay bên dưới”.

Cả nhóm đã vô tình đi lạc tới rìa cực đông của Đèo Nam, ngay một mép dốc đứng 2.133m thắng xuống Mặt Kangshung. Họ đang ở trên độ cao ngang với Trại Bốn, chỉ còn 305m mặt bằng49 nữa thôi là được an toàn, nhưng theo Beidleman: “Tôi biết rằng nếu chúng tôi tiếp tục đi vòng vòng trong cơn bão, chúng tôi sẽ sớm lạc mất ai đó. Tôi đã kiệt sức vì phải kéo Yasuko. Charlotte và Sandy gần như không thể đứng được. Do đó tôi hét lên kêu mọi người nhanh chóng lên đó và chờ cho cơn bão giảm đi”.

Beidleman và Schoening tìm một nơi trú ẩn để tránh gió nhưng không có chỗ nào để nấp. Bình oxy của tất cả mọi người đã cạn từ lâu, khiến cho nhóm trở nên dễ bị nguy hiểm hơn trước gió lạnh, vốn đã xuống đến gần -40°C. Ở mặt khuất gió của một tảng đá không lớn hơn chiếc máy rửa chén, những người leo núi ngồi co cụm thành một hàng thảm thương trên một vùng băng đã được gió bão “chà sạch”.

Charlotte Fox cho hay: “Lúc đó cái lạnh đã làm tôi kiệt sức. Hai mắt tôi lạnh cóng lại. Tôi không thể tưởng tượng được làm thế nào để chúng tôi có thể thoát khỏi nơi này còn sống sót. Cái lạnh rất đau đớn, tôi không nghĩ mình có thể chịu nổi nó thêm một chút nào nữa. Tôi chỉ ngồi cuộn tròn mình lại và hy vọng cái chết sẽ đến thật nhanh”.

Wealthers nhớ lại: “Chúng tôi cố gắng giữ ấm bằng cách đấm thùm thụp vào nhau. Ai đó hét lên kêu chúng tôi tiếp tục cử động tay chân. Sandy trở nên cuồng loạn; cô ấy liên tục hét lên: Tôi không muốn chết! Tôi không muốn chết!’. Những người khác không ai nói gì”.

* * *

Khoảng hai trăm bảy chục mét về phía tây, tôi đang run cầm cập trong lều của mình – mặc dù tôi đã chui kín vào túi ngủ, đang mặc trên người bộ áo liền quần của mình và mọi áo quần mà tôi có. Cơn gió bão đe dọa thổi tung chiếc lều đi. Mỗi lần cửa lều mở ra, bụi nước bay đầy vào bên trong, do vậy tất cả mọi thứ bên trong bị bao phủ bởi một lớp tuyết dày hai phân. Không biết gì về thảm kịch đang diễn ra ở bên ngoài trong cơn bão, tôi cứ ngất đi rồi tỉnh lại, mê sảng vì kiệt sức, mất nước và vì những hậu quả chồng chất của việc thiếu oxy.

Vào buổi tối hôm đó, Stuart Hutchison, bạn cùng lều với tôi, bước vào và lay mạnh tôi và bảo tôi ra ngoài với anh ấy để khua những chiếc nồi và chiếu đèn lên trời với hy vọng giúp những người bị lạc tìm thấy trại, nhưng tôi vẫn còn yếu và mệt mỏi đến nỗi không thể đáp lại. Hutchinson – người đã về đến trại lúc 2 giờ chiều và do đó ít đuối sức hơn tôi nhiều – sau đó đã cố gắng đánh thức các khách leo núi và những người Sherpa ở những lều khác tuy nhiên mọi người đều rất lạnh và rất đuối sức. Do đó Hutchinson đã một mình đi ra ngoài trong cơn bão.

Anh ấy đã rời khỏi lều của chúng tôi sáu lần trong đêm đó để tìm kiếm những người bị lạc, nhưng trận gió bão dữ dội đến nổi anh ta không dám mạo hiểm đi xa hơn một vài mét khỏi ranh giới khu trại. Anh ta nhấn mạnh: “Những cơn gió cực kỳ dữ dội. Bụi nước bay có cảm giác giống như từ máy phun cát vậy. Mỗi lần tôi chỉ có thể ra ngoài trong mười lăm phút trước khi cảm thấy quá lạnh và buộc phải quay về lều”.

* * *

Ngoài kia trong số những người ngồi co cụm lại trên mép đông của Đèo Nam, Beidleman quyết tâm buộc bản thân mình phải tỉnh táo để chờ đợi những dấu hiệu cho thấy cơn bão có thể giảm đi. Trước nửa đêm, sự tính táo của Beidleman cũng được tưởng thưởng khi bất chợt anh ta nhận thấy một vài ngôi sao xuất hiện trên bầu trời và la lên để những người khác cùng nhìn. Trận gió vẫn còn đang gây ra một trận bão tuyết dữ dội trên núi, nhưng phía trên cao bầu trời đã bắt đầu sáng sủa, để lộ ra hình bóng to lớn của đỉnh Everest và Mặt Lhotse. Từ những điểm mốc này, Klev Schoening nghĩ rằng anh ta đã tính được vị trí của nhóm so với Trại Bốn. Sau khi hét to thảo luận với Beidleman, anh ta đã thuyết phục được người hướng dẫn này rằng anh ấy biết đường đi về khu trại.

Beidleman cố gắng thuyết phục mọi người đứng lên và kêu họ di chuyển theo hướng mà Schoening đã chỉ, nhưng Pittman, Fox, Wealthers và Namba đã quá yếu đến nỗi không thể đi được. Lúc này Beidleman nhận ra rằng nếu không có ai trong nhóm đi đến lều và kêu đội cứu hộ tới, tất cả họ sẽ chết. Do đó Beidleman tụ tập những người còn có thể đi lại được và sau đó anh ta, Schoening, Gammelgaard, Groom và hai người Sherpa tiến bước vào trong cơn bão để nhờ người giúp đỡ, để bốn người khách hàng đã bất lực ở lại với Tim Madsen. Không sẵn lòng bỏ lại người bạn gái của mình là Fox, Madsen đã xung phong ở lại trông nom mọi người cho tới khi có được sự giúp đỡ.

Hai mươi phút sau đó, Beidleman bất ngờ đi khập khiễng vào trong trại, và họ có cuộc hội ngộ đầy cảm động với anh chàng Boukreev đang rất lo lắng. Schoening và Beidleman, gần như không thể nói, chỉ cho anh chàng người Nga này chỗ để tìm năm người khách còn ở lại ngoài đó trong cơn bão và rồi đổ ập xuống trong lều của họ, hoàn toàn kiệt sức.

Boukreev đã đi xuống Đèo Nam nhiều giờ trước những người khác trong nhóm của Fischer. Thật ra lúc 5 giờ chiều, trong khi những người đồng đội của mình vẫn đang phải cố gắng đi xuống qua những đám mây ở độ cao 8.534m, Boukreev đã ở trong lều của mình nghỉ ngơi và uống trà. Những người leo núi dày dạn kinh nghiệm sau đó chất vấn rằng tại sao anh ta lại quyết định leo xuống trước những khách hàng của mình quá xa như vậy – một hành xử cực kỳ lạ kỳ đối với một hướng dẫn viên. Một trong những khách thuộc nhóm này đã tỏ ra hết sức coi thường anh ta, nhấn mạnh rằng trong thời điểm quan trọng nhất thì anh ta lại chuồn mất.

Anatoli đã rời khỏi đỉnh núi khoảng 2 giờ chiều, và nhanh chóng bị kẹt lại tại Bậc Hillary. Khi đám đông tản đi anh ta di chuyển rất nhanh xuống Triền Đông Nam mà không đợi bất kỳ khách hàng nào – mặc dù trước đó đã nói với Fischer ở trên đỉnh Bậc Hillary rằng mình sẽ trở xuống cùng với Martin Adams. Do đó Boukreev đã xuống tới Trại Bốn rất lâu trước khi cơn bão ập đến.

Sau chuyến thám hiểm, khi tôi hỏi Anatoli tại sao anh ấy lại đi xuống nhanh trước nhóm của mình, anh ta đưa cho tôi một bản ghi của cuộc phỏng vấn mà anh ta đã dành cho tạp chí Men’s Journal một vài ngày trước thông qua một thông dịch viên người Nga. Boukreev nói với tôi là anh ta đã đọc bản ghi và xác nhận độ chính xác của nó. Đọc nó tại chỗ, tôi nhanh chóng xem một loạt câu hỏi về chuyến leo xuống, anh ta đã trả lời như sau:

Tôi đã ở trên đỉnh khoảng một giờ… Rất lạnh, đương nhiên, nó sẽ khiến sức lực của bạn giảm sút… Tình thế của tôi lúc đó là tôi sẽ không ổn nếu đứng trên đó, lạnh cóng và chờ đợi. Sẽ hữu ích hơn nếu như tôi trở xuống Trại Bốn để mang thêm bình oxy lên cho những người đang leo xuống hoặc có thể leo lên giúp đỡ nếu ai đó yếu đi trong khi leo xuống… Nếu bạn đứng yên ở độ cao đó, bạn sẽ mất sức vì lạnh và sau đó bạn không thể làm được gì khác.

Boukreev dễ bị cái lạnh trên đỉnh núi tấn công hơn chắc chắn là do anh đã không sử dụng bình oxy dự trữ; vì thiếu oxy anh ta không thể dừng lại trên đỉnh núi đợi những người khách chậm chạp mà không bị tổn thương do bỏng lạnh hay giảm thân nhiệt. Cho dù vì lý do gì đi nữa, anh ta đã đua xuống trước những người còn lại trong nhóm – điều này thật ra đã là một thói quen của anh ta trong suốt chuyến thám hiểm, như những bức thư và những cú điện thoại cuối cùng của Fischer từ Trạm Căn cứ về Seattle đã nói rõ.

Khi tôi hỏi anh ta liệu việc để các khách hàng của mình ở lại trên triền đỉnh có phải là một điều khôn ngoan hay không, anh ta khẳng định rằng đó là vì lợi ích của nhóm: “Sẽ tốt hơn nhiều nếu tôi làm ấm mình tại Đèo Nam, và sẵn sàng mang oxy lên nếu khách dùng hết”. Thật ra, ngay sau khi trời tối, sau khi nhóm của Beidleman không thể trở lại và cơn bão đã trở thành một trận cuồng phong, Boukreev nhận ra rằng chắc chắn họ đang gặp khó khăn và đã cản đảm mang oxy lên cho họ. Nhưng kế hoạch của anh ta đã có một sai lầm nghiêm trọng: bởi vì cả anh ta và Beidleman đều không có bộ đàm, Anatoli không thể nào biết được tình trạng thật sự của những người khách hàng đó, và họ có thể ở đâu trên khoảng đất mênh mông của phần núi phía trên đó.

Khoảng 7 giờ 30 tối, bất chấp việc đó, Boukreev rời Trại Bốn để tìm kiếm nhóm người này. Sau này, anh ta nhớ lại:

Tầm nhìn chỉ khoảng một mét. Mọi thứ đều tối mịt. Tôi có một cây đèn pin, và tôi bắt đầu sử dụng oxy để leo nhanh hơn. Tôi mang theo ba bình oxy đầy. Tôi cố gắng di chuyển nhanh hơn, nhưng tôi không thể nhìn thấy… Giống như thể bị mù vậy, không thể nhìn thấy gì. Điều đó rất nguy hiểm, vì tôi có thể bị ngã xuống một khe vực, tôi có thể bị ngã xuống mạn nam của Mặt Lhotse dốc đứng cao 3.000m. Tôi cố gắng leo lên, trời tối, tôi không thể tìm thấy tuyến dây cố định.

Khoảng một trăm tám mươi ba mét phía trên Đèo Nam, Boukreev nhận thấy nỗ lực của mình là vô ích và quay trở lại lều, nhưng anh ta thừa nhận rằng chính mình cũng suýt bị lạc. Bất luận thế nào, Boukreev cũng đã từ bỏ nỗ lực cứu hộ này, bởi vì vào lúc đó các đồng đội của anh ta đã không còn ở trên đỉnh phía trên nữa, nơi mà Boukreev đang hướng lên – khi anh ta từ bỏ cuộc tìm kiếm của mình, nhóm của Beidleman thực ra đang đi quanh quẩn trên Đèo Nam dưới anh ta một trăm tám mươi ba mét.

Khi anh ta trở về đến Trại Bốn vào khoảng 9 giờ tối, Boukreev đã rất lo lắng về mười chín người đang mất tích, nhưng vì không biết được họ có thể đang ở đâu, anh ta không thể làm gì ngoài việc chờ đợi. Sau đó, vào lức 12 giờ 45, Beidleman, Groom, Schoening, và Gammelgaard đi tập tễnh vào trại. Boukreev nhớ lại: “Klev và Neal đã hoàn toàn kiệt sức và gần như không thể nói. Họ nói với tôi rằng Charlotte, Sandy và Tim cần được giúp đỡ. Sandy đã gần chết rồi. Sau đó họ chỉ sơ cho tôi biết phải tìm họ ở đâu”.

Khi nghe thấy hai người leo núi này về tới, Stuart Hutchison chạy ra giúp đỡ Groom. Anh ta nhớ lại: “Tôi giúp Mike vào lều của anh ấy và thấy rằng anh đã thật sự, thật sự kiệt sức. Anh đã phải nỗ lực rất đau đớn để có thể nói một cách rõ ràng, giống như những lời trăn trối của một người sắp chết. Anh ấy nói với tôi: ‘Hãy cho người đi giúp Beck và Yasuko’. Sau đó anh chỉ về phía khu vực Kangshung của Đèo Nam”.

Tuy nhiên, những nỗ lực tổ chức một đội cứu hộ của Hutchison đã thất bại. Chuldum và Arita – những người Sherpa thuộc đội của Hall không tham gia nhóm leo lên đỉnh núi và đang đợi tại Trại Bốn, sẵn sàng cho một tình huống khẩn cấp như vậy – đã bị trúng độc khí CO do nấu nướng trong chiếc lều không được thông gió tốt; Chuldum thậm chí đã nôn ra máu. Còn bốn người Sherpa khác thuộc đoàn chúng tôi đã rất lạnh và đuối sức vì vừa mới trở về từ đỉnh núi.

Sau chuyến thám hiểm, tôi hỏi Hutchison tại sao khi anh đã tương đối biết vị trí của những khách hàng đang bị lạc, anh không cố gắng đánh thức Frank Fischbeck, Lou Kasischke hoặc John Taske – hay thậm chí thử đánh thức tôi thêm một lần nữa – để nhờ chúng tôi giúp việc cứu hộ. “Rõ ràng tất cả các anh đã hoàn toàn kiệt sức nên tôi thậm chí không có ý định hỏi các anh. Các anh đã vượt quá xa giới hạn chịu đựng mệt mỏi bình thường nên tôi nghĩ nếu các anh cố gắng giúp đỡ việc cứu hộ, các anh sẽ chỉ làm cho tình hình tồi tệ hơn mà thôi – chính các anh cũng sẽ bị lạc và rồi chúng tôi lại phải cứu các anh”. Kết quả là Stuart đi một mình ra ngoài trong cơn bão, nhưng một lần nữa anh ta phải quay lại tại rìa của khu trại khi anh ta cảm thấy lo lắng rằng mình sẽ không thể tìm được đường quay về nếu đi xa hơn nữa.

Trong lúc đó, Boukreev cũng đang cố gắng tổ chức một đội cứu hộ, nhưng anh ấy đã không liên hệ với Hutchison hoặc đến lều của tôi, do vậy những nỗ lực của Hutchison và Boukreev không hề phối hợp với nhau, và tôi đã không biết gì về hai kế hoạch cứu hộ này. Cuối cùng Boukreev – cũng giống như Hutchison – nhận ra rằng tất cả mọi người mà anh ta đánh thức dậy được đều quá mệt hoặc kiệt sức hoặc không dám giúp đỡ. Do đó anh ta quyết định tự mình mang những người còn lại về. Dũng cảm lao vào giữa cơn cuồng phong, Boukreev lùng sục khu Đèo Nam trong gần một giờ đồng hồ nhưng không tìm thấy bất kỳ ai.

Boukreev không bỏ cuộc. Anh ta quay lại trại, hỏi Beidleman và Schoening những chỉ dẫn cụ thể hơn và lại ra ngoài một lần nữa trong cơn bão. Lần này anh ta thấy được ánh sáng yếu ớt từ chiếc đèn pin đeo trên đầu của Madsen, nhờ đó có thể xác định vị trí của những người leo núi mất tích. Boukreev nói: “Họ đang nằm trên băng tuyết, không nhúc nhích gì cả. Họ không thể nói. Madsen vẫn còn tỉnh và có thể tự lo cho mình, nhưng Pittman, Fox, và Wealthers thì hoàn toàn không thể cử động được, còn Namba dường như đã chết”.

Sau khi Beidleman và những người khác đã đi về khu trại để tìm người giúp đỡ, Madsen đã tập họp những người leo núi còn lại này và kêu gọi mọi người tiếp tục cử động đế giữ ấm. Madsen nhớ lại: “Tôi để Yasuko ngồi vào lòng Beck nhưng lúc đó anh ta gần như không phản ứng và Yasuko cùng không cử động gì cả. Một lát sau tôi thấy cô ấy nằm bẹp ngửa xuống và tuyết thổi vào nón của cô ta. Không biết vì sao nhưng Yasuko đã đánh mất một chiếc găng tay – bàn tay phải của cô ta trống không, và các ngón tay nắm chặt lại đến nỗi tôi không thể duỗi chúng thắng lại được, trông chúng giống như đã bị đông cứng tới xương luôn rồi”.

Madsen tiếp tục: “Tôi cho rằng cô ta đã chết, nhưng sau đó một lát, cô ta đột nhiên cử động và làm tôi phát hoảng: cô ấy ngước nhẹ cổ lên, giống như đang cố ngồi dậy, cánh tay phải cô ta giơ lên cao. Sau đó mọi chuyện chấm hết. Yasuko nằm xuống trở lại và không bao giờ cử động nữa”.

Ngay khi Boukreev tìm thấy nhóm người đang mắc kẹt này, anh nhận ra rằng chỉ có thể mang từng người một đến trại. Boukreev có mang theo một bình oxy, anh ấy và Madsen đã gắn nó vào mặt nạ của Pittman. Sau đó Boukreev ra hiệu cho Madsen rằng anh sẽ quay lại ngay khi có thể, rồi bắt đầu giúp đưa Fox xuống khu lều. Madsen nói: “Sau khi họ đi, Beck co quắp lại, không cử động nhiều, và Sandy cũng cuộn tròn vào lòng tôi, cũng không cử động được nhiều. Tôi kêu thét lên với cô ấy: ‘Nè, tiếp tục lắc lư tay đi! Cho tôi xem tay cô nào! Và khi cô ấy ngồi dậy và chìa tay ra, tôi thấy cô ấy không hề đeo găng tay – chúng đang lủng lăng nơi cổ tay cô ta.

Do đó tôi cố gắng xỏ tay cô ấy vào lại đôi găng tay thì bất ngờ Beck lẩm bẩm: ‘Tôi đã nghĩ ra rồi. Sau đó anh ta lăn ra xa một chút, tựa lên một tảng đá lớn và đứng dậy quay về hướng cơn bão với đôi tay giang rộng về hai bên. Một giây sau đó, một cơn gió mạnh nổi lên và thổi anh ta ngược trở lại vào trong bóng đêm, xa khỏi chùm sáng từ đèn pin của tôi. Và đó là lần cuối cùng tôi thấy anh ta”.

“Sau đó một lúc, Toli trở lại và túm lấy Sandy, do vậy tôi thu dọn đồ đạc của mình và bắt đầu ì ạch theo sau họ, cố gắng đi theo ánh đèn pin của Toli và Sandy. Lúc này tôi cho rằng Yasuko đã chết và Beck đã mất tích”. Khi họ đến được trại đã là 4 giờ 30 sáng và bầu trời đã bắt đầu sáng lên ở phía chân trời đông. Ngay khi nghe thấy Madsen nói rằng Yasuko đã không qua được, Beidleman đã gục xuống trong lều của mình và khóc trong bốn mươi lăm phút.