Tan Biến: Hồi Ký Về Thảm Hoạ Everest - Chương 16: ĐÈO NAM

6:00 SÁNG, NGÀY 11 THÁNG 5 NĂM 1996

7.925 MÉT

Tôi không tin vào những bản tóm tắt, bất kỳ sự tóm lược thời gian nào, và cả những khẳng định quá mạnh mẽ nào rằng một người có thể kiểm soát được những gì anh ta thuật lại; tôi nghĩ rằng những người tuyên bố mình hiểu nhưng vẫn hoàn toàn bình tĩnh, những người tuyên bố rằng sẽ viết bằng những xúc cảm được hồi tưởng lại trong sự thanh bình, chính là những kẻ ngu ngốc và nói dối. Hiểu có nghĩa là run sợ. Hồi tưởng có nghĩa là trở vào chuyện đó một lần nữa và bị giằng xé… Tôi khâm phục những người dám dũng cảm quỳ gối trước sự kiện.

Harold Brodkey

Thao túng

Stuart Hutchison cuối cùng cũng có thể lay tôi dậy vào lúc 6 giờ sáng ngày 11 tháng 5. Stuart nói với tôi với vẻ mặt buồn rười rượi: “Andy không có trong lều của anh ấy, và dường như cũng không ở trong các lều khác. Tôi không nghĩ anh ấy đã trở về được”.

Tôi hỏi lại: “Harold bị lạc ư? Không thể nào. Chính mắt tôi đã trông thấy anh ta đi đến rìa của khu trại”. Choáng váng và hoang mang, tôi mang giày vào và chạy ra ngoài tìm kiếm Harris. Cơn gió vẫn còn rất hung dữ – đến mức quật ngã tôi nhiều lần – nhưng bình minh hôm đó trời quang đãng, sáng sủa và tầm nhìn rất tốt. Tôi tìm kiếm toàn bộ khu tây của Đèo Nam trong hơn một giờ đồng hồ, nhìn kỹ phía sau những tảng đá và bới tung những chiếc lều nát đã bị bỏ lại từ lâu, nhưng vẫn không tìm thấy dấu vết gì của Harris. Tôi bị kích động mạnh. Nước mắt tôi tuôn ra, ngay lập tức đông lại trên hai mí mắt nhắm nghiền của tôi. Làm sao Andy có thể chết được? Không thể như thế được.

Tôi đến nơi mà Harris đã trượt xuống khỏi mặt băng ngay phía trên Đèo Nam, và rồi cẩn thận lần theo con đường mà anh ta đã đi về hướng trại, đó là một rãnh băng rộng và gần như bằng phẳng. Tại nơi tôi trông thấy anh ta lần cuối cùng khi mây kéo xuống, có một chỗ rẽ đột ngột về bên trái lên một con dốc đá dài khoảng mười lăm mét dẫn tới khu lều.

Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng nếu anh ấy không rẽ trái mà thay vào đó tiếp tục đi thẳng xuống rãnh băng – điều này rất có thể đã xảy ra trong một cơn bão tuyết dữ dội, ngay cả khi anh ta không bị kiệt sức và mụ mẫm vì căn bệnh độ cao – anh ta sẽ nhanh chóng đi đến mép cực tây của đèo. Phía dưới, khối băng xám xịt và dốc của Mặt Lhotse tạo nên một vách dựng đứng cao 1.220m xuống đáy của Thung lũng Tây. Đứng đó, sợ hãi không dám tiến tới gần mép hơn, tôi nhận ra nhiều dấu đinh mờ mờ đi ngang qua tôi, hướng đến vách của cái vực sâu đó. Tôi lo sợ rằng những dấu đinh đó là của Andy Harris.

Sau khi về đến trại buổi tối hốm trước, tôi đã nói với Hutchison rằng mình đã nhìn thấy Harris đến được khu lều an toàn. Hutchison đã gọi báo tin này về Trạm Căn cứ và từ đây nó được truyền qua một cuộc điện thoại vệ tinh tới người bạn gái sống chung với Harris tại New Zealand, cô Fiona McPherson. Cô ấy đã hết sức nhẹ nhõm khi biết được rằng Harris đã an toàn tại Trại Bốn. Tuy nhiên, giờ đây vợ của Hall ở Christchurch là Jan Arnold sẽ phải làm một việc không thể hình dung nổi: gọi điện lại cho McPherson và thông báo rằng đã có một sai lầm khủng khiếp, rằng thực ra Andy vẫn còn mất tích và được cho rằng đã thiệt mạng. Nghĩ đến cuộc nói chuyện điện thoại này và sai lầm của mình trong việc gây ra nó, tôi quị gối xuống thở hổn hển, ói mửa liên hồi khi cơn gió lạnh giá thổi vào lưng mình.

Sau một giờ tìm kiếm Andy trong vô vọng, tôi quay về lều vừa kịp lúc nghe thấy cuộc nói chuyện qua bộ đàm giữa Trạm Căn cứ và Rob Hall; Rob đang ở trên triền đỉnh, gọi xuống để nhờ giúp đỡ. Lúc đó Hutchison thông báo rằng Beck và Yasuko đã thiệt mạng còn Scott Fischer đang mất tích ở đâu đó trên đỉnh núi phía trên. Ngay sau đó, máy bộ đàm của chúng tôi hết pin, khiến chúng tôi không thể liên lạc với những người còn lại trên ngọn núi. Sợ rằng họ sẽ mất liên lạc với chúng tôi, các thành viên của đoàn IMAX tại Trại Hai gọi cho đoàn Nam Phi, lều của những người này trên Đèo Nam chỉ cách lều của chúng tôi vài mét. David Breashears – người dẫn đầu đoàn IMAX và là một vận động viên leo núi mà tôi đã biết hai mươi năm nay – thuật lại: “Chúng tôi biết đoàn Nam Phi có một chiếc bộ đàm mạnh và nó vẫn còn hoạt động được, do đó chúng tôi nhờ một thành viên của họ tại Trại Hai gọi cho Woodall trên Đèo Nam và nói rằng: ‘Đây là một trường hợp khẩn cấp. Nhiều người đang chết trên đó. Chúng tôi muốn liên lạc với những người còn sống sót trong đoàn của Hall để phối hợp tổ chức một cuộc cứu hộ. Làm ơn hãy đưa cho Jon Krakauer mượn bộ đàm của ông’. Và Woodall đã từ chối. Rõ ràng đây là một trường họp nguy cấp, vậy mà họ vẫn không chịu cho mượn chiếc bộ đàm của mình”.

* * *

Ngay sau chuyến thám hiểm, khi tôi đang soạn bài báo của mình cho tạp chí Outside, tôi phỏng vấn càng nhiều càng tốt các thành viên trong các nhóm lên đỉnh trong đoàn của Hall và Fischer; tôi nói chuyện nhiều lần với họ. Nhưng Martin Adams, vốn không tin tưởng những phóng viên, không nói gì nhiều về hậu quả của thảm kịch đó và lảng tránh những lần tôi cố gắng phỏng vấn anh ấy mãi cho đến sau khi bài báo tôi viết cho tạp chí Outside được đăng.

Khi rốt cuộc tôi cũng gọi được cho Adams qua điện thoại vào tháng 7 và anh ta đồng ý nói chuyện, tôi bắt đầu bằng cách đề nghị Adams kể lại mọi chi tiết mà anh nhớ được về cuộc chinh phục đỉnh núi. Là một trong những khách leo núi khỏe mạnh nhất ngày hôm đó, anh ta luôn ở gần phía đầu của đoàn người và trước hay sau tôi một chút trong gần suốt chuyến leo lên đỉnh. Do anh ta có một trí nhớ tốt lạ thường, tôi đặc biệt quan tâm đến việc đối chiếu những lời kể của anh ta và trí nhớ của tôi.

Adams kể rằng rất muộn chiều hôm đó, khi từ Ban công ở độ cao 8.412m leo xuống, anh ấy vẫn còn nhìn thấy tôi, có lẽ đi trước anh ta mười lăm phút, nhưng do tôi leo xuống nhanh hơn nên không lâu sau đó đã khuất khỏi tầm mắt anh ta. Adams nói: “Và lần kế tiếp tôi nhìn thấy anh, trời hầu như đã tối và anh đang băng qua những vùng bằng phẳng của Đèo Nam, cách lều khoảng ba mươi mét. Tôi nhận ra rằng đó chính là anh vì bộ áo liền quần màu đỏ tươi của anh”.

Ngay sau đó, Adams leo xuống khu vực bằng phẳng ngay phía trên con dốc băng rất dốc vốn đã gây cho tôi không ít khó khăn, và ngã xuống một khe băng nhỏ. Nhưng sau đó anh ta đã thoát ra được. Rồi Adams lại rơi vào một khe băng khác sâu hơn. Anh ấy trầm ngâm: “Nằm trong khe băng đó, tôi nghĩ: ‘Chắc tiêu rồi’. Phải mất một lúc, nhưng cuối cùng tôi cũng có thể thoát ra khỏi nơi đó. Khi thoát ra được, mặt tôi phủ đầy tuyết. Sau đó tôi nhìn thấy có ai đó đang ngồi trên băng ở về phía tay trái, đeo một chiếc đèn pin trên đầu, do vậy tôi đi về hướng đó. Trời vẫn chưa tối đen như mực, nhưng cũng đủ để khiến tôi không thể nhìn thấy khu lều nữa”.

“Do đó tôi tiến đến người này và hỏi: ‘Nè, khu lều ở đâu vậy?’ và gã này, chẳng biết là ai nữa, đã chỉ đường cho tôi. Thế nên tôi nói: ‘Ồ, đúng như tôi nghĩ. Rồi người này nói gì đó đại khái là: ‘Cẩn thận đấy. Mặt băng ở đây dốc hơn anh tưởng nhiều đó. Có lẽ chúng ta nên xuống dưới và lấy một sợi dây cùng với vài chiếc đinh ốc để đóng vào băng’. Tôi nghĩ: ‘Quên đi. Tôi sẽ ra khỏi đây’. Do đó tôi bước đi hai hoặc ba bước, bị vấp ngã và trượt sấp xuống tảng băng, chúi đầu xuống. Khi tôi đang bị trượt xuống, không biết làm sao mà đầu chiếc rìu phá băng của tôi lại móc được vào một thứ gì đó và làm tôi quay ngoặt lại, rồi tôi dừng lại ở dưới đáy. Tôi đứng dậy, đi loạng choạng về lều và đầu đuôi câu chuyện chính là như thế”.

Khi Adams tả lại việc anh ta gặp một người leo núi không rõ tên, và sau đó trượt xuống tảng băng, miệng tôi khô đi và tóc gáy tôi dựng lên. Khi anh ta nói xong, tôi hỏi: “Martin này, anh có nghĩ người anh gặp ở đó chính là tôi không?”.

Anh ta cười: “Không đâu! Tôi không biết đó là ai, nhưng rõ ràng đó không phải là anh”. Nhưng khi tôi kể cho anh ta nghe về việc tôi đã gặp Andy Harris và một loạt những việc hết sức trùng hợp: tôi gặp Harris khoảng cùng thời gian Adams gặp người lạ mặt đó, và cũng khoảng cùng chỗ đó. Phần lớn cuộc đối thoại diễn ra giữa Harris và tôi giống một cách kỳ lạ với cuộc nói chuyện giữa Adams và người lạ mặt. Và sau đó Adams đã trượt chúi đầu xuống tảng băng rất giống với kiểu tôi đã nhìn thấy Harris trượt xuống.

Sau khi nói chuyện thêm vài phút nữa, Adams bắt đầu tin rằng: “Vậy người mà tôi đã nói chuyện trên tảng băng ngoài đó chính là anh”. Anh ta khẳng định, tỏ ra kinh ngạc, thừa nhận là chắc hẳn anh ta đã nhầm lẫn khi anh ta nhìn thấy tôi băng qua những vùng bằng phẳng của Đèo Nam ngay trước khi trời tối. “Và anh đã nói chuyện với tôi. Điều này có nghĩa là đó không phải là Andy Harris. Ồ, anh bạn, tôi nghĩ anh sẽ có nhiều điều phải giải thích đây”.

Tôi cảm thấy sửng sờ. Trong hai tháng trời tôi đã kể cho mọi người rằng Harris đã bước trượt chân khỏi mép Đèo Nam và thiệt mạng trong khi anh ta không bị vậy. Sai lầm của tôi đã gây ra nỗi đau lớn lao và vô nghĩa cho Fiona McPherson; bố mẹ của Andy, Ron và Mary Harris; anh trai của anh ta, David Harris; và nhiều người bạn của anh ấy.

Andy là một người to lớn, cao hơn 1,83m, nặng hơn 90kg và có giọng nói the thé du dương của người New Zealand; Martin thấp hơn ít nhất 20cm, nặng khoảng 60kg. Làm sao tôi có thể phạm một sai lầm ngớ ngẩn như thế? Có phải tôi thật sự đã quá đuối sức đến nỗi tôi đã nhìn chằm chằm vào mặt một người gần như không quen biết và nhầm lẫn anh ta với một người bạn mà tôi đã ở chung trong vòng sáu tuần trước đó? Và nếu như Andy đã không về đến được Trại Bốn sau khi chinh phục được đỉnh núi, điều gì đã xảy ra với anh ta?