Tan Biến: Hồi Ký Về Thảm Hoạ Everest - Chương 17: ĐỈNH NÚI

3:40 CHIỀU, NGÀY 10 THÁNG 5 NĂM 1996

8.848 MÉT

Sự suy sụp của chúng tôi tất nhiên là do thời tiết khắc nghiệt đột ngột tràn về, chúng tôi không thể lý giải nổi sự thất thường đó. Tôi nghĩ chưa từng có con người nào trải qua một tháng [gian khổ] như chúng tôi vừa trải qua. Đáng lẽ chúng tôi đã vượt qua được bất chấp thời tiết xấu nếu người đồng đội của chúng tôi, Đại úy Oates, không bị bệnh; nếu nhiên liệu ở kho dự trữ không hết sạch – tôi vẫn không thể giải thích được chuyện này; và cuối cùng là nếu cơn bão không ập xuống chúng tôi khi mà chúng tôi chỉ còn cách kho dự trữ cuối cùng có 17,6km nữa thôi. Hẳn là không có tai họa nào đen đủi nào hơn sự cố trên…. Chúng tôi đã mạo hiểm, chúng tôi biết việc mình làm; mọi thứ không được như chúng tôi mong muốn, và do đó chúng tôi không có lý do gì để phàn nàn cả ngoài việc chấp nhận ý muốn của Thượng đế và quyết tâm cố hết sức mình đến phút chót.

Nếu tôi sống sót, tôi sẽ kể về những vất vả, lòng nhẫn nại và sự can đảm của các đồng đội tôi và các câu chuyện đó sẽ làm xao động trái tim của mỗi người Anh. Những ghi chép mộc mạc này và thi thể của chúng tôi sẽ kể lại câu chuyện này.

Robert Palcon Scott trong “Lời nhắn gửi cho công chúng” được viết ngay trước khi ông thiệt mạng tại Nam cực vào ngày 29 tháng 3 năm 1992, trích từ Chuyến thám hiểm cuối cùng của Scott.

Scott Fischer leo lên đến đỉnh lúc khoảng 3 giờ 40 chiều ngày 10 tháng 5 và thấy người bạn hết mình và cũng là người thủ lĩnh Sherpa tận tụy của anh ta, Lopsang Jangbu, đang đợi mình. Người Sherpa này lôi chiếc bộ đàm ra từ trong chiếc áo khoác ngoài, liên lạc với Ingrid Hunt tại Trạm Căn cứ, sau đó đưa chiếc bộ đàm cho Fischer. Fischer nói với Hunt, ở phía dưới cách đó 3.475m: “Tất cả chúng tôi đã lên được đỉnh. Chúa ơi, tôi mệt quá”. Một vài phút sau Makalu Gau lên đến nơi cùng hai người Sherpa. Rob cũng ở đó, đang sốt ruột đợi Doug Hansen lên tới khi một đám mây kéo đến phủ lên triền đỉnh báo hiệu điềm xấu.

Theo Lopsang, trong khoảng thời gian mười lăm, hai mươi phút Fischer ở trên đỉnh núi, anh ta liên tục than phiền rằng mình không được khỏe – người hướng dẫn có sức chịu đựng bẩm sinh này hầu như chưa bao giờ than như vậy. Lopsang nhớ lại: “Scott nói cho tôi ông ấy quá mệt mỏi, ông ấy bệnh và cần thuốc cho cái dạ dày. Tôi đưa trà, nhưng ông ấy chỉ uống một ít, chỉ nửa tách. Do đó tôi nói cho ông ấy: ‘Scott, làm ơn đi, chúng ta trở xuống nhanh nào’. Và rồi chúng tôi leo xuống”.

Fischer bắt đầu leo xuống trước, khoảng 3 giờ 55. Lopsang thuật lại rằng mặc dù Scott đã sử dụng khí oxy bổ sung trong toàn bộ thời gian leo lên và bình oxy thứ ba của anh ấy vẫn còn ba phần tư khi ông ta rời đỉnh núi, nhưng vì một lý do nào đó, Scott đã tháo mặt nạ ra và không sử dụng nữa.

Không bao lâu sau khi Fischer rời khỏi đỉnh núi, Gau và những người Sherpa của anh ta cũng trở xuống, và cuối cùng là Lopsang – để lại Hall một mình trên đỉnh chờ Hansen. Một lúc sau khi Lopsang bắt đầu leo xuống, khoảng 4 giờ, Hansen rốt cuộc cũng hiện ra, đang ráng hết sức, di chuyển chậm chạp một cách đau đớn qua khỏi chỗ dốc cuối cùng trên triền núi. Ngay khi trông thấy Hansen, Hall nhanh chóng đi xuống đón anh ta.

Thời điểm quay lại bắt buộc của Hall đã trôi qua đúng hai tiếng đồng hồ. Dựa vào bản tính bảo thủ và cực kỳ nguvên tắc của Hall, nhiều người trong nhóm của anh cảm thấy khó hiểu vì quyết định kỳ lạ này của anh ấy. Họ thắc mắc rằng tại sao Hall không bắt Hansen quay lại ở dưới thấp hơn nhiều ngay khi đã rõ là tay leo núi người Mỹ này bị trễ?

Đúng một năm trước đây, Hall đã yêu cầu Hansen quay lại tại Đỉnh Nam lúc 2 giờ 30 chiều, và việc bị từ chối khi đã đến rất gần đỉnh núi chính là điều thất vọng cùng cực đối với Hansen. Anh ta đã nhiều lần nói với tôi rằng anh ấy trở lại Everest năm 1996 phần lớn là do sự ủng hộ tích cực của Hall – anh ta nói Rob đã gợi cho anh ấy từ New Zealand cả “hơn chục lần” khuyên anh ta thử thêm một lần nữa – và lần này Doug tuyệt đối quyết tâm chinh phục được đỉnh núi. Anh ta nói với tôi ba ngày trước tại Trại Hai: “Tôi muốn hoàn thành việc này và tống khứ nó ra khỏi cuộc đời tôi. Tôi không muốn phải quay trở lại đây nữa. Tôi đang trở nên quá già cho chuyện chết tiệt này”.

Do đó có lẽ cũng không quá khi cho rằng: vì Hall đã thuyết phục Hansen quay lại ngọn Everest này, sẽ vô cùng khó khăn cho anh ấy khi phải từ chối không cho Hansen leo lên tới đỉnh lần thứ hai. Guy Cotter, một hướng dẫn viên người New Zealand vốn đã chinh phục ngọn Everest cùng với Hall vào năm 1992, và là người hướng dẫn lên đỉnh của Hall vào năm 1995 khi Hansen thực hiện chuyến leo đầu tiên của mình, cảnh báo: “Thật khó để yêu cầu ai đó quay lại khi họ đang ở cao trên ngọn núi. Nếu một khách hàng thấy rằng đỉnh núi đã rất gần, và họ đã nhất quyết lên được đó, họ sẽ cười vào mặt bạn và tiếp tục leo lên”. Nhà leo núi kỳ cựu người Mỹ Peter Lev đã nói trên tạp chí Climbing sau những sự việc thảm khốc xảy ra trên ngọn Everest rằng: “Chúng tôi nghĩ rằng người ta trả tiền để chúng tôi đưa ra những quyết định đúng đắn, nhưng thật ra họ trả tiền là để được đưa lên đến đỉnh”.

Dù sao đi nữa, Hall đã không buộc Hansen quay lại vào lúc 2 giờ chiều – hay là lần tiếp theo, lúc 4 giờ, khi anh ấy gặp vị khách của mình ngay phía dưới đỉnh núi. Theo Lopsang, thay vào đó Hall đã vòng tay Hansen qua cổ mình và giúp vị khách mệt lử này leo tiếp khoảng mười lăm mét cuối cùng để lên tới đỉnh. Họ ở lại đỉnh chỉ một hoặc hai phút rồi quay lại bắt đầu chuyến leo xuống rất dài.

Khi Lopsang trông thấy Hansen vấp ngã, anh ta đã dừng lại đủ lâu để chắc chắn rằng Doug [Hansen] và Rob [Hall] đã qua được khu vực gờ nguy hiểm ngay phía dưới đỉnh núi một cách an toàn. Sau đó, hăm hở đuổi theo Fischer vốn lúc này đã đi trước anh ta được hơn ba mươi phút, Lopsang tiếp tục leo xuống sườn núi, để Hansen và Hall lại tại đỉnh của Bậc Hillary.

Chỉ ngay sau khi Lopsang mất hút bên dưới Bậc đá, Hansen hình như cạn sạch oxy và quị xuống. Anh ta đã dùng cạn chút sức lực cuối cùng để lên được đỉnh núi – và giờ đây chẳng còn lại gì cho chuyến leo xuống. “Rất giống những gì đã xảy ra với Doug vào năm 1995”, Ed Viesturs, cũng giống như Cotter, năm đó làm người hướng dẫn lên đỉnh cho đoàn Fischer, nói: “Anh ta ổn trong suốt chuyến leo lên, nhưng ngay khi bắt đầu leo xuống anh ấy suy kiệt cả về thể chất cũng như tinh thần; anh ta biến thành một người sống dở chết dở, như thể anh ta đã sử dụng hết toàn bộ sức lực”.

Lúc 4 giờ 30 chiều và sau đó là 4 giờ 41, Hall gọi xuống bằng bộ đàm và nói rằng anh ấy và Hansen đang gặp khó khăn phía trên triền đỉnh và rất cần oxy. Vẫn còn hai bình dưỡng khí đầy cho họ tại Đèo Nam; nếu Hall biết việc này hẳn anh ta đã có thể tìm thấy những bình khí khá nhanh và sau đó leo lên lại để đưa cho Hansen một bình mới. Nhưng Andy Harris, vẫn còn ở chỗ chứa oxy, đang trong cơn mất trí vì giảm oxy huyết, đã nghe được cuộc điện đàm và chen vào nói với Hall – một cách thiếu chính xác như đã nói với tôi và Mike Groom – rằng tất cả nhũng bình khí ở Đỉnh Nam đã cạn.

Groom nghe thấy cuộc nói chuyện giữa Harris và Hall qua bộ đàm của mình khi anh ta đang leo xuống Triền Đông Nam cùng với Yasuko, ngay phía trên Ban công. Anh ta cố gắng gọi cho Hall để đính chính lại thông tin sai lầm đó và báo cho ông ấy biết rằng thật ra vẫn còn những bình khí oxy đầy tại Đỉnh Nam, nhưng Groom giải thích: “bộ đàm của tôi bị trục trặc. Tôi có thể nhận hầu hết các cuộc gọi đến, nhưng các cuộc gọi đi hầu như không thực hiện được. Một vài lần khi Rob nghe cuộc gọi của tôi, và tôi cố gắng chỉ cho ông ấy chỗ để những chiếc bình khí đầy, ngay lập tức tôi lại bị Andy chen ngang, cướp sóng để nói rằng không còn oxy tại Đỉnh Nam”.

Không biết chắc rằng có còn bình oxy ở đó không, Hall quyết định rằng cách hành động tốt nhất chính là tiếp tục ở lại với Hansen và cố gắng đưa người khách gần như không thể tự di chuyển này xuống mà không có dưỡng khí bổ sung. Nhưng khi họ xuống tới đỉnh của Bậc Hillary, Hall đã không thể đưa Hansen xuống vách đá dựng đứng cao hơn 12m, và họ buộc phải dừng lại. Rob thông báo qua bộ đàm, nghe rõ tiếng hớp không khí: “Một mình tôi có thể tự leo xuống được. Nhưng tôi không biết làm thế quái nào để đưa anh ta xuống nếu không có dưỡng khí bổ sung”.

Ngay trước 5 giờ, Groom đã có thể liên lạc với Hall và nói rằng thật sự vẫn còn dưõng khí ớ Đỉnh Nam. Mười lăm phút sau, Lopsang đến được Đỉnh Nam trên đường trở xuống và bắt gặp Harris50. Vào lúc đó, theo Lopsang, rốt cuộc Harris chắn hẳn đã biết rằng ít nhất hai trong số những bình dưỡng khí được giấu ở đó vẫn còn đầy, bởi vì anh ta đã nhờ Lopsang giúp mình mang những bình khí cứu mạng này lên cho Hall và Hansen tại Bậc Hillary. Lopsang nhớ lại: “Andy nói sẽ trả tôi năm trăm đô la để mang những bình khí đó cho Rob và Doug. Tuy nhiên tôi có trách nhiệm lo cho đoàn của tôi. Tôi phải lo cho Scott. Do đó tôi nói cho Andy, không, tôi đi nhanh xuống”.

Đến 5 giờ 30, khi Lopsang rời Đỉnh Nam để tiếp tục trở xuống, anh ta trông thấy Harris – người chắc hẳn đã cực kỳ đuối sức, nếu đúng như những dấu hiệu mà tôi đã thấy khi gặp anh ta hai giờ trước đó tại Đỉnh Nam – đang lê bước nặng nhọc lên triền đỉnh để giúp Hall và Hansen. Đó là một hành động anh hùng đã khiến Harris trả giá bằng chính mạng sống của mình.

* * *

Vài trăm mét phía dưới, Scott Fischer đang vật lộn để leo xuống Triền Đông Nam, và ngày càng trở nên đuối sức. Ngay khi xuống được đỉnh của những bậc đá ở độ cao 8.656m, anh ta phải đối mặt với những vách đá ngắn nhưng đầy khó khăn nghiêng dọc theo triền núi. Vì quá kiệt sức không thể thực hiện các thao tác leo xuống bằng dây nên Fischer trượt thẳng xuống một dốc tuyết kế bên bằng mông mình. Cách này dễ dàng hơn so với việc leo xuống theo những tuyến dây cố định, nhưng một khi anh ấy xuống thấp hơn những bậc đá, Fischer sẽ phải khó nhọc leo lên một con đường dốc gần 100 mét, băng qua tuyết dày tới đầu gối để có thể trở lại đường đi.

Tim Madsen, đang leo xuống cùng với nhóm của Beidleman, đã tình cờ thấy Fischer từ Ban công vào khoảng 5 giờ 20 khi ông bắt đầu leo lên. Madsen nhớ lại: “Anh ấy trông thật mệt mỏi. Anh ta bước được chừng chục bước, rồi ngồi xuống nghỉ, bước tiếp vài bước nữa, rồi lại nghỉ. Anh ấy di chuyển thật sự rất chậm chập. Nhưng tôi trông thấy Lopsang ở phía trên Scott, đang từ triền núi leo xuống, và tôi biết rằng có anh ta ở đó trông nom, Scott sẽ ổn thôi”.

Theo Lopsang, anh ta bắt kịp Fischer vào khoảng 6 giờ chiều, ngay phía trên Ban công: “Lúc đó Scott không sử dụng oxy nên tôi đeo mặt nạ vào cho ông ấy. Ông ấy nói rằng: Tôi yếu quá rồi, yếu đến mức không thể đi xuống được nữa. Bây giờ tôi sẽ nhảy xuống’. Ổng ấy đã nói rất nhiều lần, hành động như một người điên, do vậy tôi cột ông ấy vào sợi dây, nhanh chóng, nếu không ông ấy sẽ nhảy xuống Tây Tạng mất”.

Giữ chắc Fischer với sợi dây dài khoảng 23 mét, Lopsang thuyết phục người bạn mình đừng nhảy và giúp ông ta di chuyển từ từ xuống Đèo Nam. Lopsang nhớ lại: “Cơn bão rất tồi tệ. Bùm! Bùm! Hai lần nghe như tiếng súng vậy, có sấm lớn. Hai lần sét đánh xuống rất gần chỗ tôi và Scott, rất lớn, rất đáng sợ”.

Hơn chín mươi mét bên dưới Ban công, rãnh tuyết thoai thoải mà họ đang thận trọng leo xuống nhường chỗ cho những vùng đá phiến sét dốc và xốp, và Fischer đã không thể xử lý được địa hình đầy thứ thách này trong tình trạng suy yếu của mình. Lopsang nói: “Scott không thể leo xuống, tôi gặp khó khăn lớn. Tôi cố gắng khiêng, nhưng tôi cũng đã rất mệt. Scott thân to, tôi rất nhỏ; tôi không thể khiêng ông ta. Ông ấy nói cho tôi: ‘Lopsang, anh xuống đi. Xuống đi.’ Tôi trả lời ông ấy: ‘Không, tôi cùng ở đây với ông.’”

Đến khoảng 8 giờ tối, Lopsang đang ngồi chụm lại với Fischer trên một rìa đá phủ đầy tuyết thì Makalu Gau và hai người Sherpa của anh ta xuất hiện từ trong trận bão tuyết đang rít lên. Gau, gần như kiệt sức giống như Fischer, cũng không thể leo xuống những dải đá phiến sét khó khăn này, do đó những người Sherpa của anh ta đặt người leo núi Đài Loan này bên cạnh Lopsang và Fischer và sau đó tiếp tục leo xuống mà không có anh ta.

Lopsang nói: “Tôi ở với Scott và Makalu trong một giờ, có lẽ là lâu hơn. Tôi rất lạnh và rất mệt mỏi. Scott nói với tôi: ‘Anh trở xuống dưới và kêu Anatoli lên đây’. Do vậy tôi nói: ‘Được rồi, tôi trở xuống, tôi nhanh kêu người Sherpa và Anatoli lên’. Sau đó tôi tìm một chỗ tốt cho Scott và trở xuống”.

Lopsang để Fischer và Gau lại trên một rìa đá ở phía trên Đèo Nam 366m và vất vả trở xuống trong cơn bão. Không nhìn thấy đường đi, anh ta đi chệch xa khỏi con đường về phía tây và rốt cuộc xuống thấp dưới mặt của Đèo Nam trước khi nhận ra sai lầm của mình và buộc phải leo trở lên rìa bắc của Mặt Lhotse51 để xác định vị trí của Trại Bốn. Tuy nhiên, khoảng nửa đêm, anh ta đã về đến trại an toàn. Lopsang thuật lại: “Tôi đến lều của Anatoli. Tôi nói với anh ta: ‘Làm ơn, anh hãy leo lên trên đó, Scott đang rất yếu, ông ấy không thể đi được’. Sau đó tôi về lều của mình, lăn ra ngủ, ngủ như chết”.

* * *

Guy Cotter, một người bạn lâu năm của cả Hall và Harris, tình cờ ở cách Trạm Căn cứ Everest vài dặm vào buổi chiều ngày 10 tháng 5, nơi anh ta đang hướng dẫn một đoàn thám hiểm trên ngọn Pumori, và đã theo dõi các cuộc bộ đàm của Hall trong suốt ngày hôm đó. Đến 2 giờ 15 chiều, anh ta nói chuyện với Hall ở trên đỉnh và mọi chuyện có vẻ vẫn tốt. Tuy nhiên, lúc 4 giờ 30 Hall gọi xuống và nói Doug đã cạn dưỡng khí và không thể di chuyển được. Hall khẩn cầu mọi người đang ở trên núi và đang nghe máy bằng một giọng hổn hển và tuyệt vọng: “Tôi cần một bình dưỡng khí! Có ai đó không, làm ơn! Tôi cầu xin các bạn!”

Cotter trở nên hoảng hốt. Đến 4 giờ 53 anh ta gọi lên bằng bộ đàm và thúc giục Hall leo xuống Đỉnh Nam. Cotter nói: “Cuộc gọi đó chủ yếu là để thuyết phục ông ấy trở xuống và lấy thêm oxy, bởi vì chúng tôi biết rằng ông ấy sẽ không thể làm bất kỳ điều gì cho Doug mà không có oxy. Rob nói rằng ông ấy có thể tự mình trở xuống được, nhưng với Doug thì không”.

Nhưng bốn mươi phút sau, Hall vẫn còn ở với Hansen trên đỉnh của Bậc Hillary, không đi đâu cả. Suốt những cuộc gọi của Hall lúc 5 giờ 36 và sau đó là 5 giờ 57, Cotter van nài người bạn của mình để Hansen ở lại và trở xuống một mình. Cotter thừa nhận: “Tôi biết mình có vẻ tàn nhẫn khi kêu Rob bỏ lại khách hàng của mình, nhưng lúc đó rõ ràng bỏ lại Doug chính là lựa chọn duy nhất của anh ấy”. Tuy vậy Hall không hề nghĩ đến chuyện trở xuống mà không có Hansen.

Không có bất kỳ tin tức nào của Hall cho đến mãi giữa đêm hôm đó. Đến 2 giờ 46 sáng, Cotter thức dậy trong lều của mình dưới đỉnh Pumori khi nghe thấy những tín hiệu dài và đứt quãng, có thế là không có chủ ý: Hall đeo theo một chiếc micrô di động gắn vào chiếc quai vai trên chiếc ba lô của mình, chiếc micrô này đôi khi vô tình bị bật lên. Trong trường họp này, theo Cotter: “Tôi nghĩ rằng Rob thậm chí cũng không biết mình đang gọi. Tôi có thể nghe ai đó la lên – có thể đó là Rob, nhưng tôi không thể chắc chắn bởi vì gió thổi quá lớn ở trên đó. Nhưng anh ấy nói gì đó giống như: ‘Tiếp tục di chuyển nào! Tiếp tục đi nào!’ có lẽ là với Doug, thúc giục anh ta tiếp tục”.

Nếu thực sự đúng vậy, điều này có nghĩa là đến sáng sớm hôm đó Hall và Hansen – có lẽ là được hộ tống bởi Harris – vẫn còn đang cố gắng leo từ Bậc Hillary xuống Đỉnh Nam trong cơn giông bão. Và nếu đúng như vậy thì có nghĩa là họ phải mất hơn mười giờ đồng hồ để leo xuống một đoạn triền núi mà thông thường những người leo xuống chỉ cần chưa tới nửa giờ.

Tất nhiên, đây là việc có tính suy diễn rất cao. Tất cả những gì có thể chắc chắn chính là việc Hall đã gọi xuống lúc 5 giờ 57 chiều. Vào lúc đó, anh ấy và Hansen vẫn còn ở trên Bậc Hillary; và đến 4 giờ 43 sáng ngày 11 tháng 5, khi gọi xuống Trạm Căn cứ lần nữa, anh ấy đã leo xuống tới Đỉnh Nam. Và lúc đó cả Hansen và Harris đều không ở cạnh anh ấy.

Trong một loạt các cuộc gọi trong hơn hai giờ sau đó, Rob có vẻ lẫn lộn và không còn tỉnh táo, nghe rất đáng lo. Trong cuộc gọi lúc 4 giờ 43 sáng, anh ấy nói với Caroline Mackenzie, bác sĩ Trạm Căn cứ của chúng tôi, rằng hai chân của mình không còn đi được nữa, và rằng mình đã “quá lóng ngóng đến nỗi không di chuyển được”. Bằng một giọng chỉ vừa đủ nghe và rời rạc, Rob thốt lên: “Harold đã ở với tôi tối hôm qua, nhưng hình như anh ấy không còn ở với tôi lúc này. Anh ấy đã rất yếu”. Sau đó, rõ ràng đã bị mụ người đi, anh ấy hỏi: “Harold có ở với tôi tối qua không? Cô có thể nói cho tôi biết được không?”52

Lúc này Hall có hai bình oxy đầy, nhưng những chiếc van trên mặt nạ đã bị băng đóng nghẹt nên ông ấy không thể mở dưỡng khí. Tuy nhiên ông ấy nói mình đang cố gắng làm tan băng ở thiết bị oxy; theo Cotter, “điều này làm cho chúng tôi bớt căng thẳng hơn. Đó chính là điều lạc quan đầu tiên mà chúng tôi nghe được”.

Đến 5 giờ sáng, Trạm Căn cứ thực hiện một cuộc gọi điện thoại qua vệ tinh cho Jan Arnold, vợ của Hall, tại Christchurch, New Zealand. Cô đã leo đến đỉnh Everest cùng với Hall vào nãm 1993, và cô ấy không hề ảo tưởng về tình trạng nghiêm trọng của chồng mình. Jan hồi tưởng lại:

“Tim tôi nhói lại khi nghe thấy giọng anh ấy. Anh ấy rõ ràng đang nói lắp bắp. Giọng anh ấy nghe như Thiếu tá Tom53 hay đại loại như vậy, nghe như anh ấy đang dần trôi đi xa. Tôi đã từng ở trên đó; tôi biết ở trong thời tiết xấu có thể sẽ như thế nào. Rob và tôi đã nói về việc không ai có thể cứu được mình trên triền đỉnh. Như chính anh ấy đã nói: “Giống như bạn đang ở trên mặt trăng vậy”“.

Đến 5 giờ 31, Hall uống 4mg dexamethasone và cho biết mình vẫn đang cố gắng làm cho chiếc mặt nạ sạch băng. Nói chuyện với Trạm Căn cứ, anh ấy liên tục hỏi về tình trạng của Makalu Gau, Fischer, Beck Wealthers, Yasuko Namba, và những khách hàng khác của mình. Anh ấy dường như quan tâm nhất tới Andy Harris và liên tục hỏi xem anh ta đang ở đâu. Cotter nói họ cố gắng lái cuộc nói chuyện ra khỏi vấn đề về Harris, người gần như chắc chắn đã thiệt mạng, “bởi vì chúng tôi không muốn Rob có bất kỳ lý do gì để ở lại trên đó nữa. Có lần Ed Viesturs đã gọi lên từ Trại Hai và nói dối rằng: “Không phải lo lắng về Andy; anh ta đang ở đây với chúng tôi”.”

Một lát sau đó, Mackenzie hỏi Rob xem Hansen thế nào rồi. Hall trả lời: “Doug đã đi rồi”. Đó là tất cả những gì ông ấy nói, và cùng là những lời cuối cùng anh ấy đã nói về Hansen.

Ngày 23 tháng 5, khi David Breashears và Ed Viesturs lên được đến đỉnh, họ đã không tìm thấy dấu hiệu gì về thi thể của Hansen; tuy nhiên họ đã tìm thấy một chiếc rìu phá băng cắm ở phía trên cách Đỉnh Nam khoảng hơn mười lăm mét đứng, dọc theo một khu vực nhô ra của sườn núi nơi mà những sợi dây cố định kết thúc. Rất có thể là Hall hay Harris hoặc cả hai người đã xoay sở đưa Hansen xuống theo những sợi dây thừng đến điểm này, và đã để anh ta mất thăng bằng và ngã 2.134m xuống Mặt Tây Nam dốc đứng, bỏ lại chiếc rìu phá băng cắm vào sườn núi khi anh ta trượt xuống. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là sự phỏng đoán.

Điều gì có thể đã xảy ra với Harris thậm chí còn không rõ ràng hơn nữa. Dựa vào lời nói của Lopsang, những cuộc gọi qua bộ đàm của Hall và việc một chiếc rìu phá băng khác vốn được tìm thấy trên Đỉnh Nam đã được xác định chắc chắn là của Andy, chúng tôi có lý do để chắc chắn rằng Andy đã ở tại Đỉnh Nam cùng với Hall vào tối ngày 10 tháng 5. Tuy nhiên, ngoài điều đó ra, hầu như không ai biết gì nữa về việc người hướng dẫn trẻ tuổi này đã kết thúc cuộc đời mình như thế nào.

Đến 6 giờ sáng, Cotter hỏi Hall rằng mặt trời đã chiếu tới anh ấy chưa. “Gần như là tới rồi” – điều này thật tốt, bởi vì trước đó một lúc anh ta đã nói rằng mình đang run lên cầm cập vì cái lạnh khủng khiếp. Cùng với việc trước đó Hall nói rằng chân mình không cử động được, thì tin này khiến những người đang theo dõi phía dưới rất lo lắng. Tuy nhiên, thật kỳ diệu là Hall vẫn còn sống sau khi trải qua một đêm không có chỗ trú ẩn và dưỡng khí, ở độ cao 8.748m trong những cơn gió có sức tàn phá của một trận cuồng phong và cái lạnh -70°C.

Cũng trong cuộc gọi này, Hall lại hỏi thăm về Harris: “Ngoài tôi ra tối qua có ai trông thấy Harold không?”. Khoảng ba tiếng sau đó Rob vẫn còn bị ám ảnh với ý nghĩ Andy ở đâu đó gần đó. Đến 8 giờ 43 sáng, anh ấy trầm ngâm trong bộ đàm: “Một vài dụng cụ của Andy vẫn còn ở đây. Tôi nghĩ chắc hẳn anh ấy đã đi tiếp trong đêm. Nghe nè, có ai giải thích giùm điều gì về anh ta không?”. Wilton cố gắng tránh câu hỏi này, nhưng Rob khăng khăng tiếp tục: “Được rồi. Ý tôi là chiếc rìu, áo khoác và những thứ khác của anh ta vẫn còn ở đây”.

Viesturs trả lời từ Trại Hai: “Rob! Nếu anh có thể mặc áo khoác vào thì hãy mặc đi. Tiếp tục trở xuống và lo cho mình anh thôi. Mọi người còn lại sẽ lo cho những người khác. Hãy trở xuống đây đã”.

Sau khi cố gắng làm tan băng chiếc mặt nạ trong bốn giở đồng hồ, Hall cuối cùng cũng làm cho nó hoạt động được, và đến 9 giờ sáng anh thở khí oxy bổ sung lần đầu tiên; lúc này Rob đã trải qua hơn mười sáu tiếng trên độ cao 8.748m mà không có oxy. Gần một ngàn mét phía dưới, những người bạn của anh càng cố gắng thuyết phục anh ấy trở xuống. Wilton nài nỉ, nghe như cô ấy đang ngập trong nước mắt: “Rob, Helen ở Trạm Căn cứ đây. Anh hãy nghĩ về con của anh. Anh sẽ trông thấy mặt nó trong vài tháng nữa, vậy hãy tiếp tục xuống đi”.

Đã nhiều lần Hall tuyên bố rằng mình chuẩn bị trở xuống, và có lúc chúng tôi chác chắn rằng anh ta rốt cuộc đã rời khỏi Đỉnh Nam. Tại Trại Bốn, Lhakpa Chhiri và tôi run bần bật vì gió bên ngoài khu lều, nhìn chằm chằm lên một đốm nhỏ đang di chuyển chậm chạp xuống Triền Đông Nam ở trên cao. Tin rằng đó chính là Rob, cuối cùng cũng trở xuống, Lhakpa và tôi vỗ vào lưng nhau và khích lệ anh ấy. Nhưng một tiếng sau đó sự lạc quan của tôi đột nhiên biến mất khi tôi nhận ra rằng đốm nhỏ đó vẫn ở yên một chỗ: thực ra nó chỉ là một hòn đá – chỉ là một ảo giác khác do độ cao. Thật ra, Rob thậm chí chưa bao giờ rời khỏi Đỉnh Nam.

* * *

Khoảng 9 giờ 30 sáng, Ang Dorje và Lhakpa Chhiri rời Trại Bốn và bắt đầu leo lên Đỉnh Nam với một phích trà nóng và thêm hai bình oxy để dự tính cứu Hall. Họ đối mặt với một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Việc Boukreev cứu Sandy Pittman và Charlotte Fox trong đêm trước rất kinh hoàng và dũng cảm, nhưng nó vẫn không bằng những gì hai người Sherpa này đang dự định thực hiện: Pittman và Fox chỉ ở cách khu trại hai mươi phút đi bộ và trên một khu vực tương đối bằng phẳng; còn Hall cách Trại Bốn hơn 914m đứng – một chuyến leo mệt nhọc tám hoặc chín giờ đồng hồ trong điều kiện tốt nhất.

Và đây rõ ràng không phải là điều kiện tốt nhất. Gió đang thổi với vận tốc trên 74km/h. Cả Ang Dorje và Lhakpa đều đã lạnh cóng và mệt mỏi sau khi leo lên đỉnh và trở xuống chỉ mới trong ngày hôm trước. Hơn nữa, nếu bằng cách nào đó họ có thể đến được chỗ Hall, cũng đã là cuối buổi chiều khi họ đến được đó, chỉ còn một hay hai giờ đồng hồ là còn ánh sáng mặt trời để bắt đầu một thử thách còn khó khăn hơn nữa, đó là đưa Hall xuống. Nhưng lòng trung thành của họ đối với Hall lớn đến nỗi họ không quan tâm đến những điều này và bắt đầu hướng lên Đỉnh Nam càng nhanh càng tốt.

Không lâu sau đó, hai người Sherpa thuộc đoàn Mountain Madness –Tashi Tshering và Ngawang Sva Kya (một người nhỏ con và thanh mảnh, tóc đã bạc hết, bố của Lopsang) – và một người Sherpa thuộc đoàn Đài Loan cũng leo lên để đưa Scott Fischer và Makalu Gau xuống. Gần 650m phía trên Đèo Nam, ba người Sherpa này đã tìm thấy những người leo núi đã mất hết sức lực tại khu gờ đá mà Lopsang đã để họ lại. Mặc dù họ cho Fischer thở oxy, nhưng ông ta vẫn không có phản ứng gì. Scott vẫn còn thở, yếu ớt, nhưng mắt của anh ta đã nhắm nghiền, và răng của anh ấy nghiến chặt. Cho rằng anh ấy đã hết hy vọng, họ để anh ta lại gờ đá và bắt đầu trở xuống với Gau, người mà, sau khi được cho uống trà nóng, thở oxy và nhận được sự giúp đỡ đáng kể từ ba người Sherpa này, đã có thể tự mình di chuyển khi được cột dây kéo xuống khu lều.

Ban ngày đã bắt đầu có nhiều nắng và quang đãng, nhưng gió vẫn rất dữ dội, và đến cuối buổi sáng phần phía trên ngọn núi bị những đám mây dày bao phủ. Ở dưới Trại Hai, đoàn IMAX thông báo rằng gió trên đỉnh núi nghe một phi đội Boeing 747, dù rằng họ ở cách đỉnh núi tới 2.134m. Trong lúc này, ở cao trên Triền Đông Nam, Ang Dorje và Lhakpa Chhiri kiên quyết leo lên chỗ Hall trong cơn bão ngày càng mạnh hơn. Tuy nhiên, đến 3 giờ chiều, khi vẫn còn cách Đỉnh Nam khoảng 213m, gió và cái lạnh dưới không độ đã quá sức đối với họ, và những người Sherpa này không thể leo cao thêm nữa. Đó là một cố gắng can đảm, nhưng nó đã thất bại – và khi họ quay lại để trở xuống, cơ hội sống sót của Hall đã hoàn toàn tan biến.

Trong suốt ngày 11 tháng 5, bạn bè và đồng đội của Hall đã không ngừng nài nỉ anh ấy cố gắng tự mình trở xuống. Đã vài lần Hall tuyên bố rằng mình đang chuẩn bị trở xuống, nhưng rồi lại thay đổi ý định và vẫn không nhúc nhích tại Đỉnh Nam. Đến 3 giờ 20 chiều, Cotter lúc đó đang ở Trạm Căn cứ Everest sau khi từ khu trại của mình bên dưới đỉnh Pumori đi lên – đã hét lên qua bộ đàm: “Rob, xuống khỏi triền núi ngay đi”.

Hall đáp trả lại, giọng có vẻ bực bội: “Nè, nếu tôi nghĩ mình có thể trèo xuống những sợi dây cố định với đôi tay bị bỏng lạnh thì tôi đã trở xuống từ sáu giờ trước rồi, anh bạn à. Hãy cho vài người lên đây với một phích lớn chứa thứ gì đó nóng đi – và tôi sẽ ổn thôi”.

“Chuyện là vầy anh bạn, những người leo lên đó ngày hôm nay đã gặp phải những cơn gió mạnh và phải quay lại, do đó chúng tôi nghĩ cơ hội tốt nhất cho anh là hãy leo xuống thấp hơn”. Cotter trả lời, cố gắng truyền đạt một cách thật tế nhị rằng cuộc cứu hộ đã bị hủy bỏ.

Rob nói: “Tôi có thể chịu được một đêm nữa nếu các anh cử lên đây vài người với một ít trà của người Sherpa. Hãy làm ngay trong sáng mai, không trễ hơn chín giờ ba mươi hoặc mười giờ”.

Cotter run rẩy: “Anh là một người mạnh mẽ, anh bạn. Chúng tôi sẽ cử lên cho anh vài người vào buổi sáng”.

Đến 6 giờ 20 tối, Cotter gọi cho Hall nói rằng Jan Arnold đang gọi tới qua điện thoại vệ tinh và đang chờ nối máy với ông ấy. Rob nói: “Đợi tôi một chút. Miệng tôi khô khốc. Tôi muốn ăn một ít tuyết trước khi nói chuyện với cô ấy”. Một lát sau anh ta nối máy lại và the thé bằng một giọng chậm chạp và méo mó kinh khủng: “Em yêu. Anh hy vọng em đang cuộn tròn trên một chiếc giường ấm áp tuyệt vời. Em thế nào?”.

Arnold đáp lại: “Anh không biết em nhớ anh thế nào đâu. Nghe giọng anh có vẻ khỏe hơn là em tưởng… Anh có ấm không, anh yêu?”.

Hall trả lời, cố gắng không để vợ mình nghi ngờ: “Trong bối cảnh và độ cao này, anh khá là thoải mái”.

“Chân anh thế nào?”

“Anh chưa tháo giày ra để kiểm tra nhưng anh nghĩ có lẽ bị bỏng lạnh một chút…”.

“Em đang chờ để phục hồi sức khỏe cho anh khi anh về nhà. Em biết mọi người sẽ cứu được anh. Đừng nghĩ rằng anh chỉ có một mình. Em đang gửi tất cả những điều tốt đẹp lên cho anh!”

Trước khi cúp máy, Hall nói với vợ mình: “Anh yêu em. Ngủ ngon nhé em yêu. Đừng lo lắng quá”.

Đây chính là những lời cuối cùng của anh ấy. Những nỗ lực liên lạc bằng bộ đàm với Hall sau đó trong đêm và trong ngày hôm sau đều không nhận được trả lời. Mười hai ngày sau đó, khi Breashears và Viesturs leo lên Đỉnh Nam trên đường lên đỉnh, họ tìm thấy Hall nằm nghiêng qua phải trong một hốc băng nông, phần phía trên cơ thể anh bị chôn vùi dưới một đống tuyết.