Tan Biến: Hồi Ký Về Thảm Hoạ Everest - Chương 18: TRIỀN ĐÔNG BẮC

NGÀY 10 THÁNG 5 NĂM 1996

8.702 MÉT

Everest chính là hiện thân của sức mạnh tự nhiên. Để chống lại nó, một người phải vận dụng hết tất cả nghị lực của mình. Anh ta có thể nhìn thấy sự hân hoan trên khuôn mặt những đồng đội nếu như anh ta thành công. Anh ta có thể tưởng tượng ra sự rúng động trong giới leo núi do thành công của mình tạo ra; danh tiếng mà nó mang lại cho nước Anh; danh tiếng mà nó mang lại cho chính anh ta; sự thỏa mãn dài lâu cho chính bản thân anh ta, rằng mình đã làm cho cuộc sống của mình trở nên đáng sống hơn… Có lẽ anh ta chưa bao giờ thật sự hình dung được hết, nhưng trong đầu anh ta chắc chắn đã tồn tại ý tưởng “được ăn cả ngã về không”. Trong hai sự lựa chọn này – quay lại lần thứ ba, hay bỏ mạng – dối với Mallory, lựa chọn thứ hai dường như dễ dàng hơn. Sự đau đớn của lựa chọn đầu tiên sẽ ngoài sức chịu đựng của anh ta với tư cách là một con người, một nhà leo núi, và một nghệ sĩ.

Ngài Prancis Younghusband

Thiên sử thi núi Everest

1926

Vào 4 giờ chiều ngày 10 tháng 5, vào khoảng thời gian Doug Hansen với cơ thể rệu rã đến được đỉnh núi nhờ Rob Hall khoác tay anh ta qua vai để dìu lên, thì ba nhà leo núi quê tỉnh Ladakh ở miền bắc Ấn Độ gọi bộ đàm xuống cho người chỉ huy đoàn thám hiểm của họ, thông báo rằng họ cũng đang ở trên đỉnh Everest. Là thành viên của một đoàn thám hiểm ba mươi chín người do Lực lượng Cảnh sát biên giới Ấn Độ – Tây Tạng lập nên, Tsewang Smanla, Tsewang Paljor và Dorje Morup đã leo lên từ mạn Tây Tạng của ngọn núi theo Triền Đông Bắc – tuyến đường đã trở nên nổi tiếng sau sự mất tích của George Leigh Mallory và Andrew Irvine vào năm 1924.

Rời khỏi khu thượng trại của mình ở độ cao 8.300m theo một nhóm sáu người, những người Ladakh này đã không thể đi xa khỏi khu lều của họ cho mãi đến 5 giờ 45 sáng54. Đến giữa chiều, vẫn còn cách đỉnh núi 305 mét đứng, họ bị nhận chìm trong cùng cơn bão mà chúng tôi gặp phải ở mạn kia của ngọn núi. Ba thành viên trong đoàn này đầu hàng và trở xuống vào khoảng 2 giờ chiều, nhưng Smanla, Paljor và Morup tiếp tục tiến lên bất chấp thời tiết đang xấu đi. “Họ bị cơn sốt chinh phục đỉnh núi điều khiển”, Harbhajan Singh – một trong ba người quay trở lại, đã giải thích.

Ba người còn lại đến được nơi mà họ tin là đỉnh núi vào lúc 4 giờ chiều, lúc đó những đám mây đã dày đến nỗi tầm nhìn bị giảm xuống còn chưa tới 30m. Họ gọi xuống cho Trạm Căn cứ của họ trên Sông băng Rongbuk để báo rằng họ đã ở trên đỉnh núi, và rồi người trưởng đoàn thám hiểm Mihindor Singh thực hiện một cú điện thoại vệ tinh về New Dehli và tự hào thông báo thắng lợi này cho Thủ tướng Narashima Rao. Ăn mừng thành công của mình, nhóm chinh phục đỉnh núi để lại những lá cờ cầu nguyện, khăn cầu nguyện (kata) và những chiếc móc leo núi (piton) lên nơi mà họ cho là điểm cao nhất, và rồi trở xuống trong bão tuyết đang mạnh lên nhanh chóng.

Thực ra, những người Ladakh này mới ở độ cao 8.702m khi họ quay lại, ở phía dưới đỉnh núi khoảng hai giờ đồng hồ, nơi mà vào thời điểm đó vẫn còn nhô cao lên khỏi những đám mây cao nhất. Việc họ dừng lại phía dưới mục tiêu của mình khoảng 152 mét mà không biết giải thích tại sao họ không trông thấy Hansen, Hall hoặc là Lopsang ở trên đỉnh, và ngược lại.

Sau đó, ngay sau khi trời tối, những người leo núi ở thấp hơn trên Triền Đông Bắc thông báo nhìn thấy hai ánh đèn pin ở vùng lân cận cao 8.626m, ngay bên trên vách đá khét tiếng khó khăn có tên là Bậc Hai, nhưng không ai trong số ba người Ladakh trở về lều của họ trong đêm hôm đó hoặc là gọi bộ đàm về nữa.

Đến 1 giờ 45 sáng hôm sau, ngày 11 tháng 5 – khoảng cùng lúc Anatoli Boukreev đang lùng sục điên cuồng khu Đèo Nam để tìm Sandy Pittman, Charlotte Fox và Tim Madsen – thì hai nhà leo núi Nhật Bản, được ba người Sherpa hộ tống, khởi hành lên đỉnh núi từ cùng thượng trại trên Triền Đông Bắc mà những người Ladakh đã sử dụng, bất chấp những cơn gió rất mạnh đang vùi dập đỉnh núi. Đến 6 giờ sáng, khi họ đi dọc theo mép một mũi đá dốc được gọi là Bậc Một, Eisuke Shigekawa 21 tuổi và Hiroshi Hanada 36 tuổi giật mình lùi lại khi trông thấy một trong những nhà leo núi Ladakh, có thể là Paljor, đang nằm trên tuyết, bị bỏng lạnh kinh khủng nhưng vẫn còn sống sau một đêm không có chỗ trú và dưỡng khí, đang rên rỉ lơ mơ. Không muốn bị ảnh hưởng đến chuyến leo lên của mình, đoàn Nhật Bản tiếp tục leo lên đỉnh.

7 giờ 15 sáng, họ đến chân của Bậc Hai, một mũi đá phiến dựng đứng vốn thường được leo lên bằng một chiếc thang nhôm do một nhóm Trung Quốc buộc vào vách đá năm 1975. Nhưng thật không may cho những người leo núi người Nhật này, chiếc thang này đã bị long ra và một phần đã rời ra khỏi vách đá, do đó bọn họ phải mất đến chín mươi phút để leo một cách vất vả lên vách đá cao khoảng hơn 6 mét này.

Ngay phía trên đỉnh của Bậc Hai họ bắt gặp hai người Ladakh khác, Smanla và Morup. Theo một bài báo trên tờ Fanancial Times của nhà báo người Anh Richard Cowper, người đã phỏng vấn Hanada và Shigekawa ở độ cao 6.400m ngay sau chuyến leo lên đỉnh của họ, một người Ladakh “rõ ràng đã sắp chết, người còn lại đang co mình trong tuyết. Không ai nói lời nào. Họ không giúp nước, thực phẩm hay dưỡng khí. Đoàn Nhật Bản tiếp tục leo lên và sau đó khoảng 50 mét họ nghỉ ngơi và thay các bình oxy”.

Hanada kể lại với Cowper: “Chúng tôi không biết họ. Không, chúng tôi đã không đưa cho họ tí nước nào. Chúng tôi không nói gì với họ. Họ đã bị mắc bệnh độ cao rất nặng. Trông có vẻ như họ rất nguy hiểm”.

Shigekawa giải thích: “Chúng tôi đã quá mệt nên không thể giúp đỡ họ. Độ cao hơn 8.000m không phải là nơi có thể nói về đạo lý”.

Quay lưng lại với Smanla và Morup, đoàn Nhật Bản tiếp tục leo lên, vượt qua những lá cờ cầu nguyện và những chiếc móc leo núi do những người Ladakh để lại ở độ cao 8.702m và – với một sự gan lỳ phi thường – đến được đỉnh núi lúc 11 giờ 45 sáng trong một trận gió bão đang gào thét. Rob Hall lúc đó đang co ro trên Đỉnh Nam, chiến đấu để sống sót, ở bên dưới những người Nhật nửa giờ leo dọc theo Triền Đông Nam.

Suốt chuyến trở xuống theo Triền Đông Bắc đến thượng trại của họ, đoàn Nhật Bản một lần nữa lại thấy Smanla và Morup ở bên trên Bậc Hai. Lúc này, Morup dường như đã chết; Smanla, dù vẫn còn sống, cũng đang bị vướng vào một sợi dây cố định một cách vô vọng. Pasang Kami, một người Sherpa thuộc đội Nhật Bản – tháo Smanla ra khỏi sợi dây và tiếp tục leo xuống sườn núi. Khi họ trở xuống qua Bậc Một – nơi mà khi leo lên họ đã đi qua Paljor bị suy sụp và đang mê sảng trong tuyết – đoàn Nhật Bản không thấy dấu hiệu nào của người Ladakh thứ ba này.

Bảy ngày sau, đoàn thám hiểm Cảnh sát biên giới Ấn Độ –Tây Tạng thực hiện một cuộc chinh phục đỉnh núi nữa. Rời khỏi thượng trại của mình lúc 1 giờ 15 sáng ngày 17 tháng 5, hai người Ladakh và ba người Sherpa nhanh chóng bắt gặp thi thể đã đóng băng của những đồng đội của mình. Họ thuật lại rằng một trong số những người này, trong cơn đau quằn quại trước khi chết, đã xé nát hầu hết quần áo của mình trước khi đầu hàng cái chết. Smanla, Morup và Paljor bị bỏ lại ngọn núi nơi họ đã rơi xuống, và năm nhà leo núi này tiếp tục leo lên đỉnh Everest, và họ đã đến nơi vào lúc 7 giờ 40 sáng.