Tan Biến: Hồi Ký Về Thảm Hoạ Everest - Chương 19: ĐÈO NAM

7:30 SÁNG, NGÀY 11 THÁNG 5 NĂM 1996

7.925 MÉT

Lượn vòng và lượn vòng ngày càng rộng

Con chim ưng không thể nghe tiếng người chủ;

Mọi thứ rã rời; không giữ nổi tâm vòng lượn;

Thế giới chỉ còn là sự hỗn loạn,

Cơn thủy triều nhuốm máu dâng lên, và nơi nơi

Nghi lễ của sự ngây thơ cũng bị nhận chìm.

William Butler Yeats

“Chuyển đi lần thứ hai”

Khi tôi đi loạng choạng về Trại Bốn vào khoảng 7 giờ 30 sáng Thứ bảy, ngày 11 tháng 5, thực tế những gì đã xảy ra vẫn còn đang diễn ra bắt đầu “thấm” với một sức mạnh gây tê liệt. Tôi đã suy nhược cả về thể chất lẫn tinh thần sau khi trải qua một giờ lùng sục khu Đèo Nam để tìm kiếm Andy Harris; cuộc tìm kiếm này khiến tôi tin rằng anh ấy đã thiệt mạng. Qua những cuộc gọi từ Đỉnh Nam của Rob Hall mà người đồng đội Stuart Hutchison của tôi vẫn theo dõi, rõ ràng là người trưởng đoàn của chúng tôi đang trong tình trạng tuyệt vọng, còn Doug thì đã thiệt mạng. Những thành viên thuộc đoàn của Scott Fischer bị lạc cả đêm hôm trước trên Đèo Nam cho biết rằng Yasuko Namba và Beck Wealthers cũng đã chết. Còn Scott Fischer và Makalu Gau được tin chắc là đã chết hoặc cũng gần chết, 366 mét phía trên khu lều.

Đối mặt với chuyện này, tâm trí tôi chùn lại và rơi vào trạng thái thờ ơ kỳ lạ và gần như vô cảm. Về mặt cảm xúc, tôi cảm thấy như bị mất hết cảm giác nhưng lại rất tỉnh táo; như thể tôi đã trốn vào một boong–ke sâu trong bộ óc của mình và đang nhìn ra đống đổ nát ở xung quanh tôi qua một kẽ hở hẹp bọc thép. Khi tôi lặng người nhìn chằm chằm lên trời, dưòng như nó đã chuyển thành một sắc xanh nhợt nhạt lạ thường, tẩy trắng mọi thứ chỉ để lại những tàn tích mờ nhạt nhất của sắc màu. Đường chân trời lởm chởm được tô điểm bằng một ánh sáng giống như vầng hào quang lung linh và dao động trước mắt tôi. Tôi tự hỏi có phải mình đã bắt đầu rơi vào một tình trạng mất trí khủng khiếp ngày càng trầm trọng hơn?

Sau một đêm ở độ cao 7.925m mà không có dưỡng khí bổ sung, bây giờ tôi thậm chí còn yếu ớt và mệt mỏi hơn đêm hôm trước sau khi mới trở xuống từ đỉnh núi. Trừ phi chúng tôi có được thêm oxy hay trở xuống trại thấp hơn, nếu không tôi biết rằng tôi và các bạn mình sẽ nhanh chóng suy yếu thêm.

Quy trình thích nghi nhanh đã được Hall và những người leo núi Everest hiện đại tuân theo là hết sức hiệu quả: nó cho phép những người leo núi bắt đầu chinh phục đỉnh sau khi đã trải qua một khoảng thời gian tương đối ngắn là bốn tuần ở phía trên độ cao 5.182m – bao gồm chỉ một chuyến tập huấn thích nghi ngủ lại đêm lên độ cao 7.315m.55 Nhưng chiến thuật này dựa vào giả thiết tất mọi người được cung cấp dưỡng khí liên tục ở phía trên độ cao 5.182m. Khi oxy không còn nữa như trong trường hợp này, mọi tính toán đều trở nên sai lầm.

Đi tìm những người còn lại trong nhóm, tôi thấy Frank Fischbeck và Lou Kasischke đang nằm ở chiếc lều bên cạnh. Lou đang mê sảng và bị mù tuyết, hoàn toàn không nhìn thấy gì, không thể tự mình làm gì và đang lẩm bẩm đứt quãng. Frank trông như thể đang trong tình trạng hoảng hốt dữ dội, tuy nhiên anh ấy đang làm hết sức mình để chăm sóc Lou. John Taske ở trong một chiếc lều khác cùng với Mike Groom; cả hai dường như đang ngủ hay ngất đi. Mặc dù cảm thấy đuối sức và vếu ớt, nhưng rõ ràng tôi cũng đỡ hơn tình trạng của tất cả những người khác, ngoại trừ Stuart Hutchison.

Khi đi từ lều này qua lều khác tôi cố gắng tìm một vài bình dưõng khí, nhưng tất cả những bình tôi thấy đều đã cạn sạch. Chứng giảm oxy huyết đang diễn ra, kết hợp với sự mệt mỏi dữ dội làm cho cảm giác hỗn loạn và tuyệt vọng của tôi trầm trọng hơn. Do tiếng nylon bay phần phật không ngừng trong gió, chúng tôi không thể nói chuyện từ lều này sang lều khác. Pin trong chiếc bộ đàm duy nhất còn lại của chúng tôi cũng gần hết. Một không khí hỗn loạn tột cùng tràn ngập khu trại, càng trầm trọng hơn bởi trong sáu tuần vừa qua, nhóm chúng tôi luôn được khuyến khích dựa hoàn toàn vào những người hướng dẫn, bỗng bây giờ đột ngột mất người chỉ huy. Rob và Andy không còn nữa; mặc dù vẫn còn Groom, nhưng nỗ lực tối qua đã khiến anh ấy suy kiệt khủng khiếp. Bị bỏng lạnh rất nặng, nằm không biết gì trong lều của mình, ít nhất vào lúc này Groom không thể nói được.

Vì tất cả những người hướng dẫn của chúng tôi đều đã gục ngã, Hutchison xung phong thế vào vị trí lãnh đạo còn trống. Là một thanh niên rất sung sức và nghiêm nghị, xuất thân từ tầng lớp thượng lưu của cộng động nói tiếng Anh tại Montreal, anh ta là một nhà nghiên cứu y khoa xuất sắc; cứ mỗi hai hay ba năm anh ta lại tham gia vào một đoàn thám hiểm leo núi lớn, thời gian còn lại anh ít leo núi. Khi cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng hơn tại Trại Bốn, anh ấy đã làm hết sức mình để giải quyết tình hình.

Trong khi tôi đang cố gắng phục hồi sau chuyến tìm kiếm Harris không có kết quả, Hutchison đã tổ chức một đội bốn người Sherpa đi tìm kiếm thi thể của Weathers và Namba, những người bị bỏ lại tại rìa xa của Đèo Nam, nơi Anatoli Boukreev đã mang Charlotte Fox, Sandy Pittman và Tim Madsen về. Đội tìm kiếm người Sherpa, do Lhakpa Chhiri chỉ huy, khởi hành đi trước Hutchison. Anh này quá kiệt sức và mụ mẫm đến nỗi quên không mang giày leo núi vào và định rời trại trong đôi giày lót nhẹ, đế bằng. Chỉ khi Lhakpa chỉ ra sai lầm ngớ ngẩn này, Hutchison mới quay về mang giày vào. Theo những chỉ dẫn của Boukreev, những người Sherpa nhanh chóng tìm ra hai thi thể trên một dốc tuyết xám đầy những tảng đá mòn, gần mép của Mặt Kangshung. Những người Sherpa vốn cực kỳ mê tín nên đoàn cứu hộ này dừng lại cách đó chừng hai mươi mét và đợi Hutchison.

Hutchison nhớ lại: “Cả hai xác chết này đã bị chôn vùi một phần. Ba lô nằm cách đó khoảng ba mươi mét, ở phía trên họ. Mặt và thân mình của họ bị tuyết bao phủ; chỉ có chân và tay hãy còn nhô lên phía trên. Gió vẫn đang thét gào khắp Đèo Nam. Thi thể thứ nhất mà anh ta bắt gặp hóa ra là của Namba, nhưng Hutchison không thể nhận ra đó là ai mãi cho đến khi anh ta quỳ xuống trong cơn gió bão và đập vở lớp băng cứng dày hơn bảy xăngtimét ra khỏi mặt bà ta. Sững sờ, anh ấy phát hiện ra rằng bà ấy vẫn còn thở. Cả hai chiếc găng tay đã bị mất, và đôi bàn tav trần của bà ấy dường như đã đông cứng lại. Mắt bà ta đã bị giãn đồng tử. Da mặt trắng bệch như sứ. Hutchison hồi tưởng lại: “Thật kinh khủng. Tôi cực kỳ sợ hãi. Bà ấy chỉ còn thoi thóp. Tôi không biết phải làm gì”.

Anh ta chú ý tới Beck đang nằm cách đó khoảng sáu mét. Đầu của Beck cũng bị bao phủ bởi một lớp sương giá dày. Những cục tuyết cỡ trái nho phủ đầy trên tóc và mí mắt anh ấy. Sau khi phủi sạch lớp tuyết khỏi mặt Beck, Hutchison nhận ra rằng anh chàng người Texas này cũng vẫn còn sống: “Tôi nghĩ Beck đang lẩm bẩm điều gì đó, nhưng tôi không thể nghe thấy được anh ta đang cố gắng nói gì. Chiếc găng tay phải đã bị mất và anh ấy bị bỏng lạnh nghiêm trọng. Tôi cố gắng giúp anh ta ngồi dậy nhưng anh ta không thể. Anh ta đã cận kề cái chết nhưng vẫn còn thở”.

Run bần bật, Hutchison đến những người Sherpa để xin lời khuyên của Lhakpa. Là một người dày dạn kinh nghiệm trên ngọn Everest và được những người Sherpa cũng như người phương Tây kính trọng, Lhakpa thuyết phục Hutchison để Beck và Yasuko ở lại nguyên đó. Thậm chí nếu như họ còn sống sót đến khi được kéo trở xuống Trại Bốn, họ cũng chắc chắn sẽ chết trước khi xuống đến Trạm Căn cứ và việc cố gắng thực hiện một cuộc cứu hộ như vậy sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của những người leo núi còn lại trên Đèo Nam một cách vô ích; hầu hết những người này cũng sẽ gặp đủ rắc rối để có thể tự trở xuống an toàn.

Hutchison cho rằng Lhakpa nói đúng – dù khó khăn thế nào đi nữa cũng chỉ có một lựa chọn duy nhất: để cho tự nhiên làm những điều tất yếu sẽ phải xảy đến với Beck và Namba, và giữ lại sức lực của cả nhóm để giúp đỡ những người thật sự còn có thể giúp đỡ được. Đây chính là cách hành động theo thứ tự nguy cấp điển hình. Khi Hutchison trở lại trại, anh ấy suýt nữa đã khóc và trông như một con ma. Theo sự thuyết phục của anh ấy, chúng tôi đánh thức Taske và Groom dậy và rồi tụ tập qua lều của họ để thảo luận về việc nên làm gì với Beck và Yasuko. Cuộc nói chuyện xảy ra sau đó thật đau khổ và ngập ngừng. Chúng tôi tránh nhìn vào mắt nhau. Tuy nhiên, sau năm phút, tất cả bốn người chúng tôi thống nhất: quyết định bỏ lại Beck và Yasuko ở nguyên nơi họ nằm của Hutchison chính là cách hành động thích hợp.

Chúng tôi cùng tranh luận về việc có trở xuống Trại Hai vào chiều hôm đó hay không, nhưng Taske khăng khăng rằng chúng tôi sẽ không rời Đèo Nam trong khi Hall đang bị bỏ lại Đỉnh Nam. Anh ta tuyên bố: “Tôi thậm chí còn không nghĩ đến việc bỏ đi mà không có anh ấy”. Dù sao đi nữa, đó cũng là một điều có lý: Kasischke và Groom đã đuối sức đến nỗi vào lúc này không thể nghĩ đến việc đi bất kỳ đâu.

Hutchison nói: “Lúc đó tôi rất lo lắng là chúng tôi sẽ lặp lại nhũng gì đã xảy ra trên đỉnh K2 vào năm 1986”. Vào ngày 4 tháng 7 năm đó, bảv người leo núi dày dạn kinh nghiệm – gồm cả nhà leo núi huyền thoại người Áo Kurt Diemberger – khởi hành chinh phục đỉnh núi cao thứ hai trên thế giới này. Sáu trong số bảy người này đã lên được đến đỉnh, nhưng trong khi trở xuống thì một con bão dữ dội đã ập đến những sườn núi trên cao của đỉnh K2, giữ chân các nhà leo núi tại trại của họ ở độ cao hơn 8.000m. Trong năm ngày trận bão tuyết tiếp diễn không ngừng, họ trở nên ngày càng yếu hơn. Cuối cùng khi bão tan, chỉ có Diemberger và một người nữa sống sót trở xuống được.

* * *

Sáng hôm Thứ bảy, khi chúng tôi thảo luận sẽ làm gì với Namba và Weathers và có nên trở xuống hay không, Neal Beidleman đang tập hợp đoàn của Fischer từ lều của họ và hò hét mọi người khởi hành rời Đèo Nam. Anh ta nói: “Tất cả mọi người đều đã đuối sức từ tối hôm trước đến nỗi thật sự khó khăn để có thể dựng nhóm chúng tôi dậy và bắt họ ra khỏi lều – thực tế tôi đã phải thoi một số người để bắt họ mang giày vào. Nhưng tôi kiên quyết rằng chúng tôi phải trở xuống ngay lập tức. Theo quan điểm của tôi, ở lại tại độ cao 7.925m lâu hơn cần thiết chỉ mang đến thêm khó khăn mà thòi. Tôi có thế thấy rằng những người khác đang nỗ lực cứu Scott và Rob, do đó tôi tập trung vào việc giúp các khách hàng trở xuống khỏi Đèo Nam và xuống trại thấp hơn”.

Trong khi Boukreev vẫn còn ở lại phía sau tại Trại Bốn để đợi Fischer, Beidleman dẫn nhóm của mình từ từ leo xuống khỏi Đèo Nam. Ở độ cao 7.620m, anh ta dừng lại và tiêm cho Pittman một mũi Dexamethasone nữa, và sau đó tất cả mọi người dừng lại một lúc lâu tại Trại Ba để nghỉ ngơi và bổ sung nước. David Breashears, vốn đang ở Trại Ba khi nhóm của Beidleman đến, cho hay: “Khi tôi trông thấy những người đó, tôi hoàn toàn ngạc nhiên. Trông họ giống như mới trải qua một trận chiến kéo dài năm tháng trời. Sandy bắt đầu quị xuống – cô ấy khóc: ‘Thật là kinh khủng. Tôi bỏ cuộc. Tôi muốn được nằm xuống và chết!’ Tất cả bọn họ dường như đang ở trong tình trạng hoảng hốt dữ dội”.

Ngay trước khi trời tối, những người cuối cùng trong nhóm của Beidleman đang leo xuống phần băng dốc đứng của phần dưói Mặt Lhotse, thì cách đầu dưới cùng của những sợi dây cố định khoảng 150 mét, họ gặp một vài người Sherpa thuộc một đoàn thu dọn Nepal đang leo lên để trợ giúp họ. Khi tiếp tục trở xuống, một loạt những tảng đá bằng trái bưởi bay vèo vèo từ phía trên ngọn núi xuống và một trong những tảng đá này rơi trúng gáy một người Sherpa. Quan sát sự việc này từ phía trên đó một khoảng ngắn, Beidleman cho biết: “Tảng đá đã hạ gục anh ta”.

Klev Schoening nhớ lại: “Thật là kinh khủng. Cứ như thể anh ta đã bị một chiếc gậy bóng chày đánh trúng”. Sức mạnh của cú đòn đã khiến đầu anh ta lõm vào một lỗ to bằng đồng đô la bạc, làm anh ta bất tỉnh, và khiến cho tim và phổi anh ấy ngừng hoạt động. Khi anh ta rơi xuống và bắt đầu trượt xuống sợi dây thừng, Schoening nhảy ra phía trước anh ta và đã xoay xở cản được cú rơi này. Nhưng một lát sau đó, khi Schoening ẵm anh ta trên tay, một tảng đá thứ hai rơi xuống trúng người Sherpa này; một lần nữa anh ta lại bị trúng ngay gáy.

Bất chấp cú đập thứ hai, sau một vài phút anh chàng bị thương nàv há hốc miệng một cách hốt hoảng và bắt đầu thở lại. Beidleman đã hạ được anh ta xuống đáy Mặt Lhotse, nơi mười hai đồng đội của anh chàng Sherpa này gặp họ và đưa anh ta xuống Trại Hai. Lúc đó, Beidleman nói: “Klev và tôi chỉ nhìn nhau với thái độ khó tin. Nó giống như là: ‘Cái gì đang xảy ra vậy? Chúng ta đã làm gì khiến ngọn núi này trở nên giận dữ như vậy?’”

* * *

Trong suốt tháng 4 và đầu tháng 5, Rob Hall đã tỏ ra lo lắng một vài nhóm không đủ năng lực có thể sẽ lâm vào tình cảnh khó khăn, buộc nhóm chúng tôi phải cứu họ, và do đó khiến cho cuộc chinh phục đỉnh núi thất bại. Giờ đây, thật trớ trêu, chính nhóm của Hall đang gặp phải rắc rối nghiêm trọng, và những nhóm khác lại là những người phái đến trợ giúp. Không còn hiềm khích, ba nhóm như vậy – đoàn thám hiếm Alpine Ascents International của Todd Burleson, đoàn IMAX cua David Breashears và đoàn thương mại của Mal Duff – ngay lập tức hoàn kế hoạch chinh phục đỉnh núi của họ lại để giúp đỡ những người leo núi bị thương nặng.

Ngày hôm trước – hôm Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 – trong khi chúng tôi, những người thuộc đoàn của Hall và Fischer, đang leo từ Trại Bốn lên đỉnh núi, thì đoàn Alpine Ascents International do Burleson và Pete Athans dẫn đầu đang đến Trại Ba. Đến sáng Thứ bảy, ngav khi biết về thảm họa đang xảy ra ở phía bên trên, Burleson và Athans để các khách hàng của mình ở độ cao 7.315m lại cho người hướng dẫn thứ ba của họ là Jim Williams phụ trách và vội vã lên Đèo Nam để giúp đỡ.

Breashears, Ed Viesturs và những người còn lại thuộc đoàn IMAX cũng tình cờ ở tại Trại Hai vào lúc đó; Breashears ngay lập tức hoãn lại việc quay phim nhằm tập trung toàn bộ sức lực của đoàn vào nỗ lực cứu hộ. Đầu tiên anh ta nhắn tôi rằng vẫn còn pin dự trữ được cất ở một trong những lều của IMAX trên Đèo Nam; đến giữa buổi chiều tôi đã tìm được chúng, nhờ đó đoàn của Hall có thể thiết lập lại việc liên lạc qua bộ đàm với các trại ở thấp hơn. Sau đó, Breashears cung cấp số dưỡng khí dự trữ của đoàn mình – năm mươi bình trước đó đã được khó nhọc mang lên độ cao 7.925m – cho những người leo núi bị thương và những người cứu hộ chuẩn bị lên trên Đèo Nam. Mặc dù điều này có thể sẽ khiến cho dự án làm phim trị giá 5,5 triệu đô la của Breashears tiêu tan, nhưng anh ấy vẫn cung cấp lượng khí oxy hết sức cần thiết này mà không hề do dự.

Athans và Burleson đến được Trại Bốn vào giữa buổi sáng, ngav lập tức phân phát những bình dưỡng khí của IMAX cho những ai trong chúng tôi đang khổ sở vì thiếu oxy, sau đó chờ đợi tin tức về nỗ lực cứu hộ Hall, Fischer và Gau của những người Sherpa. Đến 4 giờ 35 chiều, Burleson đang đứng bên ngoài những chiếc lều thì anh ta chú ý thấy có một người nào đó đang đi chầm chậm đến khu trại với một dáng đi kỳ lạ như bị cứng đầu gối. Anh ta nói với Athans: “Nè Pete, xem kìa! Ai đó đang đi lại trại”. Bàn tay phải của người này, trơ trụi trong gió lạnh, chĩa ra như một kiểu chào đông cứng lạ lùng. Dù người đó có là ai đi nữa cũng khiến cho Anthans nhớ đến những xác ướp trong các bộ phim kinh dị rẻ tiền. Khi cái xác ướp này đi lào đảo vào trong trại, Burleson nhận ra đó không phải là ai khác mà chính là Beck Weathers, người trở về từ cõi chết.

Đêm hôm trước, ngồi tụm lại cùng với Groom, Beidleman, Namba và những thành viên khác trong đoàn, Weathers đã cảm thấy mình “ngày càng lạnh hơn. Tôi đã đánh mất chiếc găng tay phải. Mặt tôi đang đông cứng lại. Tay tôi cũng đang đông cứng lại. Tôi cảm thấy mình ngày càng thật sự tê cóng và rồi thật khó để có thể tập trung, và cuối cùng tôi đã không còn nhớ gì nữa”.

Suốt đêm hôm đó và gần như cả ngày hôm sau, Beck nằm đó trên băng, phơi mình trong những cơn gió tàn nhẫn, không nhúc nhích và chỉ còn thoi thóp sống. Anh ta không nhớ gì về việc Boukreev đến cứu Pittman, Fox và Madsen. Anh ta cũng không nhớ gì về việc Hutchison tìm thấy mình lúc buổi sáng và đã đập vỡ lớp băng trên mặt mình. Anh ấy vẫn tiếp tục hôn mê trong hơn mười hai giờ đồng hồ nữa. Sau đó, đến cuối buổi chiều ngày Thứ bảy, vì một lý do không ai biết được, một ánh sáng lóe lên trong trung tâm bộ não vô tri vô giác và anh ấy tỉnh táo trở lại.

Weathers nhớ lại: “Lúc đầu tôi nghĩ mình đang mơ. Khi mới tỉnh lại, tôi nghĩ mình đang nằm trên giường. Tôi không cảm thấy lạnh hoặc khó chịu. Tôi trở mình qua một bên, mở mắt ra, và tôi nhìn thấy cánh tay phải của mình. Sau đó tôi nhận thấy nó bị đông cứng đến thế nào, và điều đó đã giúp tôi tỉnh lại. Cuối cùng tôi nhổm dậy đủ để nhận thấy mình đang ở trong đống băng dày chết tiệt và chẳng có ai đến cứu tôi cả. Thế nên tốt nhất tôi nên tự mình làm điều gì đó”.

Mặc dù Beck đă bị mù mắt phải và chỉ có thể tập trung nhìn bằng măt trái trong vòng bán kính khoảng một mét, nhưng anh ta bắt đầu đi ngược gió, suy luận chính xác khu trại nằm ở hướng đó. Nếu như anh ta sai lầm, anh ấy sẽ ngay lập tức rơi xuống Mặt Kangshung, mép của nó chỉ cách đó gần mười mét theo hướng ngược lại. Khoảng chín mươi phút sau, anh ta gặp phải “một vài tảng đá trông xanh xanh và tròn nhẵn một cách kỳ lạ”, mà hóa ra chính là những chiếc lều của Trại Bốn.

Hutchison và tôi đang ở trong lều của mình theo dõi một cuộc bộ đàm từ Rob Hall trên Đỉnh Nam thì Burleson lao vào: “Bác sĩ! Chúng tôi cần sự giúp đỡ của ông!”, anh ta la lên gọi Stuart từ ngay ngoài cửa. “Hãy lấy dụng cụ y tế. Beck mới bước vào trại, và anh ta đang trong tình trạng nguy kịch”. Lặng đi trước sự hồi sinh phi thường của Beck, anh chàng Hutchison đã đuối sức bò ra ngoài để trả lời Burleson.

Burleson, Athans và Hutchison đặt Beck vào một chiếc lều trống, bọc anh ta vào hai lớp túi ngủ với vài chai nước nóng, và đeo mặt nạ oxy vào mặt anh ấy. Hutchison thú thật: “Vào lúc đó, không ai trong chúng tôi nghĩ là Beck sẽ sống sót được qua đêm đó. Tôi hầu như không thể phát hiện ra nhịp đập nơi động mạch anh ta. Nó yếu như mạch đập của người gần chết vậy. Và thậm chí nếu anh ấy thực sự sống sót đến ngày mai, tôi cũng không thể tưởng tượng được làm thế nào để đưa anh ta trở xuống”.

Đến lúc này ba người Sherpa leo lên để cứu Scott Fischer và Makalu Gau đã trở lại trại sau khi đưa Gau xuống; họ bỏ lại Fischer trên một rìa đá ở độ cao 8.291 m sau khi kết luận rằng không thể cứu anh ấy được nữa. Tuy nhiên, vừa mới trông thấy Beck bước vào lều sau khi bị bỏ lại vì cho là không thể qua khỏi, Anatoli Boukreev không đồng ý từ bỏ Fischer. Đến 5 giở chiều, khi cơn bão mạnh lên thêm, anh chàng người Nga này một mình leo lên nhằm nỗ lực cứu anh ấy.

Boukreev nói: “Tôi tìm thấy Fischer lúc bảy giờ, có thể lúc đó là bảy giờ rưỡi hay tám giờ. Lúc đó trời đã tối. Bão rất mạnh. Chiếc mặt nạ oxy của anh ấy vẫn còn trên mặt nhưng chiếc bình dưỡng khí đã hết sạch. Anh ấy không đeo găng tay; hai tay hoàn toàn trơ trụi. Bộ áo liền quần mở phéc-mơ-tuya, để hở vai anh ấy, một cánh tay ở bên ngoài bộ quần áo. Tôi không thể làm được gì. Scott đã chết”. Lòng nặng trĩu, Boukreev kéo chiếc ba lô của anh ấy che qua mặt như một tấm vải liệm và để anh ta nằm lại trên rìa đá. Sau đó anh ta thu gom camera, rìu phá băng và chiếc dao nhíp ưa thích của Scott – những thứ mà sau này Bcidlcman đưa cho cậu con trai chín tuổi của Scott tại Scattle – và trở xuống trong cơn dông băo.

Trận gió bão vào tối hôm Thứ bảy thậm chí còn mạnh hơn trận bão ập vào Đèo Nam tối hôm trưóc. Khi Boukreev xuống tới Trại Bốn, tầm nhìn giảm xuống còn vài mét, và anh ta gần như không thể tìm thấy khu lều.

Lần đầu tiên đưọc thở khí oxy nén (nhờ có đoàn IMAX) sau ba mươi giờ đồng hồ, tôi chìm vào một giấc ngủ nặng nhọc, chập chờn bất chấp tiếng ồn do chiếc lều bay phần phật dữ dội gây nên. Ngay sau nửa đêm, tôi gặp một cơn ác mộng về Andy. Tôi đang mơ thấy anh ấy bị rơi xuống Mặt Lhotsc kéo theo một sợi dây thừng, và hỏi gặng tại sao tôi không giữ lấy đầu dây còn lại thì Hutchison lay tôi dậy. Anh ấy phải hét lên trong sự gầm thét của cơn bão: “Jon, tôi đang lo lắng về chiếc lều. Anh nghĩ là nó sẽ ổn chứ?”

Khi tôi lảo đảo cố gắng vùng dậy khỏi những con mơ màng đầy bất an giống như một người chết đuối mới ngoi lên mặt biển, phải mất một phút tôi mới nhận ra tại sao Stuart lại lo lắng đến vậy: gió đã quật ngã nửa chiếc lều của chúng tôi, nó đang rung lên dữ dội trước những cơn gió mạnh liên tiếp. Vài chiếc cọc lều đã cong đi tệ hại, và ánh đèn pin của tôi cho thấy rằng hai trong số những đường may chính của lều đang có nguv cơ bị xé toạc ra. Các hạt tuyết nhỏ tràn đầy trong căn lều, bao phủ mọi thứ với sương giá. Gió thổi mạnh hơn bất kỹ những gì tôi đã từng trải qua ở bất kỳ đâu, thậm chí là trên Chóp băng Patagonia, một nơi nổi tiếng là nhiều gió nhất trên hành tinh. Nếu chiếc lều bị xé nát trước lúc bình minh thì chúng tôi sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng.

Stuart và tôi gom những đôi giày và tất cà quần áo lại và sau đó chui về hướng chịu gió của chiếc lều. Chống lưng và vai của chúng tôi vào những cây cọc đã bị hư hại, trong ba giờ sau đó, bất chấp sự mệt mỏi rã rời của mình, chúng tôi chống lại gió bão, giữ cho vòm lều bằng nylon xiêu vẹo đứng thẳng cứ như thể mạng sống của mình phụ thuộc vào nó. Tôi không thể xua đi ý nghĩ Rob đang ở trên Đỉnh Nam ờ độ cao 8.748m, bình oxy đã cạn sạch, phơi mình ra hứng chịu tất cả sự tàn bạo của cơn bão mà không hề có bất kỳ chỗ trú nào – điều này thật khó chịu đến nổi tôi cố gắng không nghĩ về nó nữa.

Ngay trước bình minh ngày Chủ nhật, 12 tháng 5, bình dưỡng khí của Stuart đã cạn. Anh nói: “Không có oxy tôi có thể cảm thấy cơ thể trở nên lạnh và giảm thân nhiệt. Tôi bắt đầu mất cảm giác ở bàn tay và bàn chân. Tôi lo rằng mình đang sa chân xuống vực, và có thể không xuống được khỏi Đèo Nam. Và tôi sợ rằng nếu không xuống được vào buổi sáng hôm đó, có thể tôi sẽ không bao giờ xuống được”. Đưa bình oxy của mình cho Stuart, tôi tìm kiếm xung quanh cho đến khi tìm được một bình khác còn được ít khí, và sau đó cả hai chúng tôi chuẩn bị thu dọn mọi thứ để trở xuống.

Khi tôi liều bước ra ngoài, tôi thấy ít nhất một chiếc lều trống đã bị thổi bav hoàn toàn khỏi Đèo Nam. Sau đó, tôi chú ý thấy Ang Dorje đang đứng một mình trong cơn gió khủng khiếp, khóc nức nở không nguôi vì đã mất Rob. Sau chuyến thám hiếm, khi tôi kể cho người bạn Canada của Ang Dorje là Marion Boyd về sự đau buồn của anh ấy, Marion giải thích: “Ang Dorje coi việc giữ cho những người khác an toàn là vai trò của mình trên trái đất – anh ấy và tôi đã nói về điều này nhiều lần. Nó rất quan trọng vói anh ấy về phương diện tôn giáo và việc chuẩn bị cho sự luân hồi . Mặc dù Rob là người chỉ huy của đoàn thám hiểm, nhưng Ang Dorje vẫn coi việc bảo đảm an toàn cho anh ta, Doug Hansen và những người khác là trách nhiệm của mình. Do vậy khi họ chết đi, anh ta không thể không tự trách chính mình”.

Hutchison sợ rằng Ang Dorje quẫn trí đến nỗi không chịu trở xuống nên đã nài nỉ anh ấy rời khỏi Đèo Nam ngay lập tức. Sau đó, lúc 8 giở 30 sáng, tin rằng lúc này tất cả Rob, Andy, Doug, Scott, Yasuko và Beck chắc chắn đã chết, Mike Groom dù bị bỏng lạnh nghiêm trọng vẫn tự ép mình ra khỏi lều, liều lĩnh tập hợp Hutchison, Taske, Fischbeck và Kasischke lại và bắt đầu dẫn bọn họ trở xuống núi.

Vì không còn hướng dẫn viên nào khác, tôi xung phong đảm nhận vai trò đó và đi chốt đuôi của đoàn người. Khi nhóm người thất vọng não nề di chuyển thành hàng một một cách chậm chạp từ Trại Bốn hướng xuống Mũi Geneva, tôi gắng hết sức mình ghé qua thăm Beck lần cuối: tôi cho rằng Beck đã chết vào tối qua. Tôi tìm thấy chiếc lều của anh ấy, đã bị cơn cuồng phong thổi sụp, và trông thấy cả hai cửa lều đều mở toang. Tuv nhiên, khi nhìn vào trong, tôi hoảng hốt thấy Beck vẫn còn sống.

Anh ta đang nằm ngửa dọc trên nền của chiếc lều đã bị sụp đổ, run rẩy dữ dội. Mặt anh ấy sưng phồng lên một cách gớm ghiếc, những vết bỏng lạnh sâu và đen như mực phủ kín mũi và hai má anh ta. Cơn bảo đã thổi bay hai chiếc túi ngủ khỏi người anh ta, khiến anh ấy trơ trụi trước cơn gió giá lạnh dưới không độ, và với đôi tay lạnh cóng của mình anh ta hoàn toàn không có khả năng giữ những chiếc túi lại hoặc là đóng cửa. “Chúa ơi!” anh ấy rên lên khi trông thấy tôi, nét mặt của anh ta quằn quại há hốc miệng thể hiện sự đau đớn và tuyệt vọng. “Tôi phải làm gì để được giúp đây?” Anh ta đã gào thét để nhờ giúp đỡ trong hai ba tiếng nay, nhưng cơn bão đã thổi bay những tiếng kêu gào của anh ấy.

Beck đã thức dậy vào lúc nửa đêm và nhận ra rằng “con bão đã làm sập chiếc lều và đang xé nó ra thành từng mảnh. Cơn gió thổi đổ vách lều vào mặt tôi mạnh đến nỗi tôi không thở được. Nó cứ giảm đi được một chút rồi lại đè trở lại xuống mặt và ngực, giúp tôi tránh được cơn gió. Tệ nhất là cánh tay phải của tôi đang sưng lên, mà tôi lại đang đeo chiếc đồng hồ ngu xuẩn này. Tay tôi càng sưng lên, chiếc đồng hồ càng siết chặt hơn cho đến khi nó hầu như ngăn không cho máu lưu thông đến bàn tay tôi. Nhưng với hai bàn tay cực kỳ lóng ngóng, tôi không thể nào tháo cái thứ chết tiệt này ra được. Tôi la lên nhờ người giúp đỡ, nhưng không ai đến cả. Đó là một đêm dài dưới địa ngục. Ôi! Tôi rất vui khi nhìn thấy mặt anh khi anh thò đầu vào bên trong cửa”.

Ngay khi nhìn thấv Beck trong chiếc lều, tôi rất hoảng hốt vì tình trạng khủng khiếp của anh ấy; vô cùng hối hận vì chúng tôi đã làm cho anh ta thất vọng thêm một lần nữa, tôi suýt bật khóc. Cố nén tiếng nức nở của mình khi kéo hai chiếc túi ngủ lại che cho anh ta, đóng chặt cửa lều và cố gắng dựng lại chiếc lều đã bị tàn phá, tôi nói dối: “Đừng lo, anh bạn. Bây giờ mọi việc đã được kiểm soát rồi”.

Ngay sau khi làm cho Beck được thoải mái nhất, tôi gọi cho bác sì Mackenzie tại Trạm Căn cứ. Tôi van nài bằng giọng cuồng loạn: “Caroline! Tỏi phải làm gì với Beck đây? Anh ấy vẫn còn sống, nhưng tôi nghĩ anh ấy không thể sống sót được lâu hơn nữa. Anh ấy thật sự đang rất yếu!”

Cô ấy trả lời: “Cố bình tĩnh nào, Jon. Anh cần phải trở xuống cùng với Mike và những người còn lại trong nhóm. Pete và Todd đâu? Anh hãy bảo họ chăm sóc cho Beck. Còn anh hãy khởi hành xuống núi”. Điên dại, tôi đánh thức Athans và Bulerson dậy. Hai người ngay lập tức chạy qua lều của Beck mang theo một bi đông trà nóng. Khi tôi hối hả ra khỏi lều để bắt kịp các đồng đội của mình, Athans đang chuẩn bị tiêm vào bắp đùi anh chàng Texas đang hấp hối này 4 miligram dexamethasone. Đó là những hành động đáng khen, nhưng không thể tưỏng tưọng nổi chúng sẽ giúp anh ta nhiều đến vậy.