Tan Biến: Hồi Ký Về Thảm Hoạ Everest - Chương 20: MŨI GENEVA

9:45 SÁNG, NGÀY 12 THÁNG 5 NĂM 1996

7.894 MÉT

Một trong những thuận lợi của việc thiếu kinh nghiệm đối với những người sắp sửa trở thành vận động viên leo núi chính là anh ta không bị sa vào truyền thống và tiền lệ. Đối với anh ta, mọi thứ đều có vẻ đơn giản, và anh ta chọn cách giải quyết trực tiếp nhất cho những vấn đề mình gặp phải. Tất nhiên, thông thường, việc này khiến cho anh ta không thể đạt được sự thành công mà mình đang theo đuổi, và thỉnh thoảng nó dần đến những hậu quả bi thảm, nhưng chính anh ấy cùng không biết điều này khi bắt đầu chuyến phiêu lưu của mình. Maurice Wilson, Earl Denman, Klavs Becker-Larsen – không ai trong số họ biết gì nhiều về leo núi, nếu không họ đã không bắt đầu những sứ mệnh vô vọng của mình. Tuy nhiên, khi không bị kỹ thuật ràng buộc, chính lòng quyết tâm đã đưa họ đi xa…

Walt Unsworth

Everest

Mười lăm phút sau khi rời Đèo Nam vào sáng Chủ nhật, ngày 12 tháng 5, tôi bắt kịp các đồng đội của mình khi họ đang trèo xuống khỏi Mũi Geneva. Đó là một cảnh thảm hại: tất cả chúng tôi đuối sức đến nỗi cả nhóm phài mất một khoảng thời gian lâu đến khó tin chỉ để trèo chưa đến một trăm mét xuống một sườn tuyết ngay phía dưới. Tuy nhiên, điều đau đớn hơn cả chính là số người trong đoàn của chúng tôi: ba ngàv trước, khi chúng tôi leo lên nơi này, chúng tôi có mười một người, giờ đây chỉ còn lại sáu.

Stuart Hutchison đi đoạn hậu, vẫn còn ở trên đỉnh Mũi Geneva khi tôi đến chỗ anh ấy, đang chuẩn bị trèo xuống dãy dây cố định. Tôi nhận thấy anh ta không hề đeo kính bảo hộ. Mặc dù hôm đó là một ngày nhiều mây, nhưng bức xạ từ ngoại dữ dội ở độ cao này có thể nhanh chóng khiến anh ta bị mù tuyết. Tôi la lên trong gió, chỉ vào mắt mình: “Stuart! Kính bảo hộ của anh!”

Anh ta đáp lại bằng giọng rất mệt: “Ồ, cảm ơn đã nhắc nhở. Nè, chừng nào anh còn ở đây, làm ơn kiểm tra chiếc đai của tôi? Tôi mệt đến nỗi không thể suy nghĩ rành mạch được nữa. Tôi sẽ rất cám ơn nếu anh để mắt đến tôi”. Kiểm tra dây đai củaa anh ta, tôi lập tức nhận thấy chiếc khóa chỉ được cài hờ. Nếu anh ấy móc chiếc đai an toàn của mình vào dây cố định, nó sẽ bật ra vì sức nặng và khiến anh ấy ngã nhào xuống Mặt Lhotse. Khi tôi nói cho anh biết điều này, anh ấy nói: “À, đó cũng là những gì tôi nghĩ, nhưng tay tôi lạnh đến nỗi tôi không thể cài chặt nó lại được”. Kéo đôi găng tay ra trong cơn gió rét buốt, tôi nhanh chóng nịt lại chiếc đai quanh eo của anh ấy và giúp anh ta xuống Mũi Geneva sau những người khác.

Khi móc chiếc đai an toàn vào sợi dây cố định, anh ta buông chiếc rìu phá băng của mình xuống, sau đó để nó nằm trên những tảng đá khi bắt đầu leo xuống. Tôi la lên: “Stuart! Chiếc rìu của anh”.

Anh ta hét lên đáp lại: “Tôi mệt quá không mang theo nó được. Cứ để nó ở đó đi”. Tôi cũng đuối sức đến nỗi không tranh luận vói anh ta nữa. Tôi để chiếc rìu ở nguyên đó, móc người vào sợi dây thừng và theo Stuart trượt xuống sườn núi dốc đứng của Mũi Geneva.

Một giờ đồng hồ sau đó chúng tôi tới được đỉnh của Dáải Vàng, và tình trạng tắc nghẽn diễn ra sau đó khi từng người một thận trọng leo xuống vách đá vôi thẳng đứng. Khi tôi đứng đợi ở cuối hàng, vài người Sherpa thuộc nhóm của Pischer bắt kịp chúng tôi. Lopsang Jangbu, gần như điên dại vì đau buồn và mệt nhọc, cũng ở trong nhóm này. Đặt tay lên vai anh ta, tôi nói vói anh ấy rằng mình rất tiếc về Scott. Anh ấy đấm ngực và nghẹn ngào trong nước mắt: “Tôi thật xui xẻo, rất xui xẻo. Scott đã chết; đó là lỗi của tôi. Tôi thật xui xẻo. Đó là lỗi của tôi. Tôi thật xui xẻo”.

* * *

Tôi lê thân mình phờ phạc vào Trại Hai khoảng 1 giờ 30 chiều. Mặc dù tính ra tôi vẫn còn ở cao hơn mực nước biển 6.492m, nhưng nơi này rõ ràng có cảm giác khác hẳn so với Đèo Nam. Con gió khủng khiếp đã hoàn toàn dịu đi. Thay vì run rẩy và lo lắng sẽ bị bỏng lạnh, giờ đây tôi đang toát mồ hôi dưới cái nắng cháy da. Tôi không còn cái cảm giác rằng dường như mình đang cố bám víu sự sống bằng một sợi chỉ đã sờn.

Tôi trông thấy chiếc lều bừa bộn của chúng tôi đã biến thành một bệnh viện dã chiến, với các nhân viên chính là Henrik Jessen Hansen, một bác sĩ người Đan Mạch thuộc đoàn của Mal Duff và Ken Kamler, một khách hàng và là một bác sĩ thuộc đoàn của Todd Burleson. Đến 3 giờ chiều, khi tôi đang uống trà, sáu người Sherpa hối hả đưa anh chàng Gau trông như đang bị hôn mê vào trong lều và các bác sĩ lao vào điều trị.

Họ ngay lập tức đặt anh ta nằm xuống, cởi đồ anh ấy ra, và tiêm một ống VI vào tay anh ta. Kiểm tra đôi tay và chân lạnh cứng, trắng nhờ như màu chiếc bồn tắm bẩn của anh ta, Kamler nhận xét dứt khoát: “Đây là trường hợp bỏng lạnh nghiêm trọng nhất mà tôi từng thấy”. Khi anh ấy hỏi Gau liệu mình có thể chụp hình lại tứ chi của anh ta để làm tư liệu không, anh chàng leo núi người Đài Loan đồng ý với một nụ cười tươi; giống như một người lính đang cho khoe những vết thương trong chiến đấu, anh ấy trông như rất tự hào về những vết thương kinh khủng của mình.

Chín mươi phút sau đó, các bác sĩ vẫn còn đang chữa trị cho Makalu thì giọng của David Breashears vang lên qua bộ đàm: “Chúng tôi đang trên đường trở xuống cùng với Beck. Chúng tôi sẽ đưa anh ta xuống Trại Hai trước khi trời tối”.

Một hồi lâu tôi mới nhận ra rằng Breashears đã không nói về việc mang một xác chết xuống núi; anh ta và các đồng đội của mình đang đưa Beck còn sống trở xuống. Tôi không thể tin được chuyện đó. Khi tôi rời Đèo Nam cách đây bảy giờ đồng hồ, tôi sợ rằng anh ấy sẽ không thể qua khỏi buổi sáng đó.

Bị bỏ rơi lại cho chết một lần nữa, Beck đã đơn giản không chịu đầu hàng số phận. Sau này Pete Athans cho tôi biết rằng ngay sau khi anh ấy tiêm dexamethasone cho Beck, anh ta đã hồi phục lại một cách đáng ngạc nhiên. “Khoảng mười giờ rưỡi chúng tôi mặc đồ vào cho anh ấy, đeo dây đai của anh ta vào, và nhận ra rằng anh ấy có thể tự đứng và đi được. Tất cả chúng tôi đều khá ngạc nhiên”.

Họ bắt đầu xuống khỏi Đèo Nam với Athans đi ngay phía trước Beck, nói cho anh ta biết phải đặt chân ở đâu. Beck quàng một cánh tay lên vai Athans, Burleson nắm chặt chiếc đai leo núi của anh chàng người Texas này từ phía sau, và họ lê bước chầm chậm xuống ngọn núi. Athans nói: “Đôi khi chúng tôi phải giúp đỡ anh ấy khá nhiều, nhưng thực sự anh ấy đã di chuyển rất tốt”.

Ở độ cao 7.620m, khi đến phía trèn những vách đá vôi của Dải Vàng, họ gặp Ed Viesturs và Robert Schauer, và những người này đã đưa Beck xuống khỏi vách đá dốc đứng một cách hiệu quả. Tại Trại Ba họ nhận được sự giúp đỡ của Breashcars, Jim Williams, Veikka Gustafsson và Araceli Segarra; thật ra tám người leo núi khỏe mạnh nàv đã đưa anh chàng Beck tàn tật nghiêm trọng này xuống Mặt Lhotse nhanh hơn đáng kể so với khoảng thời gian mà tôi và các đồng đội của mình đã leo xuống hồi sáng sớm hôm đó.

Khi tôi nghe thấy Beck đang trên đường trở xuống, tôi trở về lều của mình, mệt nhọc mang đôi giày leo núi vào và bắt đầu di chuyển chậm chạp lên đến gặp nhóm cứu hộ, hy vọng sẽ gặp họ trên những đoạn thấp của Mặt Lhotse. Tuy nhiên, chỉ hai mươi phút phía trên Trại Hai, tôi ngạc nhiên khi gặp toàn bộ nhóm. Mặc dù đang được các đồng đội kéo đi, nhưng Beck vẫn tự mình di chuyển được. Breashears và những người khác đưa anh ta xuống con sông băng với tốc độ nhanh đến nỗi trong trạng thái tồi tệ của mình, tôi khó theo kịp họ.

Beck được đặt xuống bên cạnh Gau trong chiếc lều bệnh xá, và các bác sĩ bắt đầu cởi quần áo của anh ấy ra. Bác sĩ Kamler thốt lên khi trông thấy bàn tav phải của Beck: “Anh ta bị bỏng lạnh còn nghiêm trọng hơn Makalu”. Ba giờ đồng hồ sau đó, khi tôi bò vào túi ngủ của mình, các bác sĩ vẫn còn đang cẩn thận làm ấm tứ chi của Beck trong một chậu nước ấm, làm việc trong ánh sáng phát ra từ những chiếc đèn pin đeo đầu của họ.

Sáng hôm sau – Thứ hai ngày 13 tháng 5 – tôi rời khu lều ngay khi trời bắt đầu sáng, và đi 4km vượt khe nứt sâu của Thung lũng Tây đến mép của Thác băng. Tại đó, theo chỉ dẫn qua bộ đàm của Guy Cotter từ Trạm Căn cứ, tôi tìm kiếm một khu vực băng phẳng mà máy bay trực thăng có thể đáp xuống được.

Suốt những ngày hôm trước, Cotter đã cố gắng liên lạc qua vệ tinh để thu xếp một chuyến di tản bằng máy bay trực thăng từ mạn thấp của Thung lũng, để tránh cho Beck khỏi phải leo xuống những chiếc thang và những sợi dây thừng nguy hiểm nơi Thác băng vốn sẽ rất khó khăn và nguy hiểm với đôi tay bị thương nghiêm trọng như của anh ta. Trước đây trực thăng đã từng hạ cánh ở Thung lũng Tây vào năm 1973, khi một đoàn thám hiểm người Ý sử dụng hai chiếc để vận chuyển đồ đạc từ Trạm Căn cứ lên. Tuy nhiên, người ta vẫn xem hoạt động của trực thăng ở đây là cực kỳ nguy hiểm vì đã chạm đến giới hạn tầm bay. Một trong hai chiếc máy bay của người Ý đã đâm sầm xuống con sông băng. Hai mươi ba năm kể từ khi đó, không có ai thử đáp trực thăng xuống phía trên Thác băng một lần nữa.

Tuy nhiên Cotter rất kiên trì và nhờ những nỗ lực của anh ta mà Đại sứ quán Mỹ đã thuyết phục được quân đội Nepal tổ chức một cuộc cứu hộ bằng trực thăng tại Thung lũng Tây. Khoảng 8 giờ sáng Thứ hai, khi tôi đang tìm kiếm một bãi đáp trực thăng có thể chấp nhận được giữa những tàng serac ngổn ngang tại mép của Thác băng mà không có kết quả gì, thì giọng Cotter vang lên qua chiếc bộ đàm: “Jon, trực thăng đang đến đó. Nó sẽ đến đó vào bất cứ lúc nào. Tốt nhất anh hãy nhanh chóng tìm cho nó một chỗ đáp”. Hy vọng tìm đưọc một địa hình bằng phẳng ở phía cao hơn của con sông băng, chẳng bao lâu tôi gặp Beck đang được Athans, Burleson, Gustafsson, Breashears, Viesturs và những người còn lại của đoàn IMAX dắt xuống Thung lũng bằng dây cột ngang eo.

Breashears, vốn đã làm việc với nhiều máy bay trực thăng trong suốt sự nghiệp làm phim xuất sắc và lâu năm của mình, ngay lập tức tìm được một bãi đáp nằm giữa hai khe vực rộng ở độ cao 6.053m. Tôi cột một chiếc khăn kata lụa vào một chiếc gậy tre như một thiết bị báo hướng gió, trong khi đó Breashears – sử dụng một chai Kool-Aid đỏ như thuốc nhuộm – vẽ một dấu X khổng lồ trên tuyết ngay giữa bãi đáp. Vài phút sau đó, Makalu Gau xuất hiện, được sáu người Sherpa cáng xuống con sông băng trên một miếng nhựa. Một lát sau chúng tôi nghe thấy tiếng kêu tạch-tạch-tạch của cánh quạt trực thăng đang quay dữ dội trong không khí lõang.

Trung tá quân đội Nepal, Madan Khatri Chhetri điều khiển chiếc trực thăng B2 Squirrel màu lục sẫm – đã được bỏ bớt nhiên liệu và những thiết bị không cần thiết – thực hiện hai cú đáp, nhưng cả hai lần đều phải dừng lại vào phút cuối. Tuy nhiên khi cố lần thứ ba, Madan cũng hạ được chiếc Squirrel một cách không vững chãi trên con sông băng với chiếc đuôi thò ra một khe vực sâu không đáy. Giữ cho cánh quạt quay hết tốc lực, và không khí nào rời mắt khỏi bảng điều khiển, Madan giơ một ngón tay lên, ra hiệu rằng ông ấy chỉ có thể chở theo một hành khách; ở độ cao này thêm bất kỳ ai cũng có thể khiến anh ta đâm sầm xuống trong khi cất cánh.

Đôi chân bị bỏng lạnh của Gau mới được làm ấm tại Trại Hai, nên anh ta không còn có thể đi hay thậm chí là đứng được nữa. Do đó Breashears, Athans và tôi nhất trí rằng tay leo núi người Đài Loan sẽ là người đi trước. Tôi hét lên với Beck trong tiếng gầm của động cơ trực thăng: “Rất tiếc, có lẽ anh ấy sẽ có thể thực hiện chuyến bay thứ hai”. Beck gật đầu bình thản.

Chúng tôi kéo Gau vào phía đuôi của chiếc trực thăng, và cỗ máy cất cánh ngập ngừng lên không trung. Ngay khi càng trực thăng nhấc lên khỏi con sông băng, Madan hướng mũi máy bay về phía trước, hẫng một cái như viên đá rơi khỏi mép của Thác băng, và bay đi khuất bóng. Một sự im lặng giờ đây bao trùm lấy thung lũng.

Ba mươi phút sau đó chúng tôi đang đứng quanh bãi đáp, thảo luận làm thế nào để đưa Beck xuống thì nghe thấy một tiếng tạch-tạch-tạch yếu ớt vang lên từ thung lũng phía dưới. Từ từ tiếng động này ngày càng lớn hơn, và sau đó một chiếc trực thăng nhỏ màu xanh xuất hiện. Madan bay một quãng ngắn lên Thung lũng trước khi vòng chiếc máy bay trở lại, để cho mũi chiếc máy bay hướng xuống phía dưới Thung lũng. Rồi thì, không chút chần chừ, ông ta cho chiếc Squirrel đáp xuống một lần nữa tại chỗ đánh dấu chữ X màu đỏ bằng Kool Aid. Breashears và Athans vội vã đưa Beck lên máy bay. Vài giây sau, chiếc trực thăng cất cánh, bay vút về hướng tây của đỉnh Everest như một con chuồn chuồn bằng sắt lạ kỳ. Một giờ sau đó, Beck và Makalu Gau được đưa đến điều trị tại một bệnh viện ở Kathmandu.

Khi chuyến giải cứu đã kết thúc, tôi ngồi lại một mình khá lâu trên tuyết, nhìn xuống đôi giày ống của mình, cố gắng suy nghĩ và giải thích lại chuyện gì đã xảy ra bảy mươi hai tiếng đồng hồ trước đó. Làm sao mà mọi thứ lại trở nên mất kiểm soát đến như thế? Làm sao mà Andy, Rob, Scott, Doug và Yasuko lại bỏ mạng như vậy được? Nhưng mặc dù đã cố gắng, tôi không thể tìm đưọc câu trả lời. Sự thảm khốc của tai họa này lớn hơn tất cả những gì mà tôi có thể hình dung, vì thế trí óc của tôi dường như mụ đi và không nghĩ gì được nữa. Tôi quyết định từ bỏ hy vọng tìm hiểu những gì đã xảy ra, và đeo ba lô lên vai, leo xuống sự mê hoặc lạnh giá của con Sông Băng, cẩn thận như một con mèo trong chuyến đi cuối cùng qua mê cung những tảng serac có thể đổ sụp bất cứ lúc nào.