Trường Hạo Ca - Chương 03

   Giữa thời tiết se se lạnh đầu đông lại may mắn có chút nắng nhẹ, Nguyệt Trường Ca khoác một chiếc áo choàng đã sờn cũ, ngồi ở bậc hiên ngoài phòng, đọc một quyển kinh thi cũ nát.

-         Đào chi yêu yêu,

         Chước chước kỳ hoa.

         Chi tử vu quy,

         Nghi kỳ thất gia.  

   Lục Trúc ngồi ở bậc thang dưới, dùng cành cây làm bút, nền đất làm giấy, theo lời đọc của Nguyệt Trường Ca mà viết lại bài thơ.

-         Lục Trúc, chữ “chi” em thiếu một nét gạch phía trên. – Nàng gập quyển kinh thi lại, cầm cành cây thêm một nét gạch phía trên hai chữ “chi”.

-         Tiểu thư, sao người phải dạy cho nô tỳ? Dù sao nô tỳ cũng biết đọc biết viết rồi mà?

   Nguyệt Trường Ca mỉm cười, dùng đầu cành cây xóa cả bài thơ Lục Trúc vừa viết đi.

-         Cũng chỉ là biết đọc biết viết thông thường, em dù sao cũng là nô tỳ của ta, ta muốn em đặc biệt hơn chút thì có sao? Hơn nữa, học kinh thi cũng là để tu tâm dưỡng tính, ta chưa dạy em “Nữ giới” là may đấy!

   Lục Trúc lè lưỡi nghịch ngợm với nàng. Nguyệt Trường Ca lại cầm quyển kinh thi lên đọc tiếp.

-         Tử sinh khiết thoát,

Dữ tử thành thuyết.

Chấp tử chi thủ,

Dữ tử giai lão.

   Thấy Lục Trúc có vẻ ngập ngừng, nàng buông quyển kinh thi xuống.

-         Thế nào? Em chưa thuộc?

-         Tiểu thư! Người bắt em học thuộc ba bài trong một ngày đấy! Làm sao em nhớ hết được!

   Nguyệt Trường Ca phì cười, búng vào trán Lục Trúc một cái, khẽ trách.

-         Em ấy! Suốt ngày chỉ biết oán trách thôi! Bao nhiêu thời gian rảnh sao không chú tâm vào học?

   Lục Trúc lè lưỡi nghịch ngợm. Một cơn gió lạnh thổi qua khiến nàng ta rùng mình.

-         Trời bắt đầu có gió rồi, vào phòng thôi.

   Hai người đứng dậy, Lục Trúc đưa tay dìu Nguyệt Trường Ca vào phòng. Chợt, cổng viện mở, một quản sự trong phủ hớt hải chạy vào.

-         Tứ… tứ tiểu thư! Người… người mau… mau… - Viên quản sự vì chạy vội mà thở hồng hộc, mặt mũi đỏ ửng. Sau khi chống gối, hít thở một hồi, ông ta mới nói bình  thường trở lại. – Tứ tiểu thư, lão gia bảo người mau thay y phục tử tế rồi đến Hiên Viên đường ạ!

   Nguyệt Trường Ca cau mày. Hiên Viên đường là nơi chuyên dùng để tiếp khách quý, bây giờ người phụ thân kia lại bắt nàng ăn mặc chỉnh tề đến đó, rốt cục là có ý gì? Lục Trúc lấy từ đáy rương ra một bộ y phục màu băng lam còn mới, bộ y phục này là bộ đẹp nhất của nàng; hồi đầu năm nàng được đại ca đang đi lịch lãm gửi tặng nàng ba bộ trang phục mới, nàng tính định mặc mấy ngày đầu năm, chỉ là không ngờ, vào sáng ngày hôm sau, hai bộ đã không cánh mà bay, chỉ còn một bộ màu băng lam do chất vải dày, mặc không hợp vào mùa xuân nên nàng đã cất nó dưới đáy rương. Vào ngày mùng một, thấy nàng mặc một thân áo vải trắng đã cũ, phụ thân nàng liền sa sầm mặt, Tiêu di nương cùng Nhị tiểu thư Nguyệt Phục Phi nhân cơ hội đá xéo nàng vài câu, đuổi khéo nàng về. Bây giờ nàng chỉ còn một bộ trang phục này, không thể kén chọn, Lục Trúc liền hầu hạ nàng thay đồ. Bộ y phục lấy hai màu trắng xanh làm chủ đạo, tơ Tùng Châu trắng mềm, sờ vào trơn mượt dùng làm áo đơn mặc trong, gấm Cẩm Vân hoa văn sóng nước làm áo khoác ngắn, thắt lưng là một dải lụa màu lam nhạt thêu hoa trắng nhỏ, váy mã diện màu thanh thiên, viền gấu váy là hoa văn chim tước cách điệu. Lục Trúc không giỏi búi tóc, nàng ta chỉ tạo được những kiểu tóc đơn giản, trước kia công việc này thường được giao cho Thanh Thủy, kể từ khi biến cố xảy ra, Nguyệt Trường Ca cũng không búi tóc lên nữa mà chỉ dùng một sợi dây vải buộc gọn tóc ra sau lưng. Tay phải cầm chiếc lược gỗ, tay trái khó khăn vặn búi tóc, kết thúc, Lục Trúc lấy một cây trâm bạc đơn giản cài vào.

-         Nô tỳ… chỉ làm được vậy thôi. – Lục Trúc ngượng nghịu buông chiếc lược xuống. Tấm gương đồng đã mờ đục khó có thể phản chiếu rõ ràng nhưng cũng có thể lờ mờ thấy được hình dáng của búi tóc.

-         Vậy là được rồi. - Nguyệt Trường Ca mỉm cười. Lục Trúc lấy một chiếc áo khoác dày, khoác lên người nàng rồi cùng nàng bước ra ngoài.

   Hiên Viên đường nằm ở ngay trung tâm phủ Đại học sĩ, trước chính sảnh là một khoảng sân rộng, trồng bốn cây tùng La Hán cổ thụ, lối đi lát đá xanh vuông vắn, mỗi mặt đá là một bức chạm hoa lá, không viên nào giống viên nào; hai bên bậc tam cấp là hai bồn hoa kim ngân trắng, bồn hoa bằng sứ dày, tráng men xanh, theo lối thủy mặc mà họa lên hình ảnh sông núi trùng điệp, hạc trắng bay bay. Nguyệt Trường Ca dừng trước bậc tam cấp, một gia đinh lớn tuổi, bước vào phòng, thông báo xong mới lui ra, khom lưng mời nàng vào. Trong sảnh, Đại học sĩ đương triều Nguyệt Lương Luân ngồi ở ghế chủ vị, phía sau là một tấm bình phong gỗ chạm chữ “Lộc” theo lối cổ lệ, ngăn với gian trong là thư phòng; ngồi đầu hàng ghế bên tay trái là một nam tử ngoại ngũ tuần, mặc bạch y thanh tục, gương mặt tuy đã mang dấu vết thời gian nhưng vẫn mang một vẻ tuấn dật, nho nhã. Gương mặt ông dần dần hiện lên trong trí nhớ Nguyệt Trường Ca, tuy lần cuối nàng gặp ông cũng đã rất lâu nhưng nàng tuyệt đối sẽ không quên người cữu phụ (cậu ngoại) hiền hòa, thông thái này.

-         Nữ nhi gặp qua phụ thân, gặp qua cữu phụ. – Nàng đặt tay bên đùi, nhún gối hành lễ.

-         Không cần đa lễ, ngồi đi. – Người phụ thân quý hóa kia của nàng hôm nay lại phá lệ ân cần như vậy. Nguyệt Trường Ca khẽ nhếch mép cười, ngồi xuống một chiếc ghế ở hàng bên phải.

-         Trường Ca, ta nhớ lần cuối gặp con cũng đã là sáu năm trước, sáu năm không gặp, không ngờ đã lớn vậy rồi. Chỉ là, sao con trông gầy vậy? – Lan Viễn Tường ôn hòa hỏi, nhưng ánh mắt lại nhìn về phía Nguyệt Lương Luân.

-         Ai dà! Con bé này thường ngày cũng hay kén ăn nên mới gầy như vậy đấy. Ngoại huynh (anh vợ), huynh nói xem.

-         Con bé này quả thực giống hệt Quân Nhi trước kia. Ta vẫn nhớ hồi Quân Nhi còn nhỏ, khẩu vị đặc biệt kén chọn, chỉ thích ăn đồ ngọt, không thích ăn đồ mặn. Phụ mẫu liền mời hẳn đầu bếp riêng về chuyên chế biến đồ món mặn cho nó, chỉ vài tháng sau đã chữa được cái tính kén ăn. Khâm đệ (em rể), Ca Nhi thân là đích xuất tiểu thư phủ Đại học sĩ, đi ra gặp người ngoài là phải cho bọn họ thấy được phong thái của phủ Đại học sĩ,. Gầy gò ốm yếu như vậy thì đâu khác nào nói quý phủ bạc đãi đích xuất tiểu thư, không khéo có kẻ tâm tư bất thiện, còn muốn châm ngòi li gián quan hệ thông gia của Nguyệt gia Lan gia ta.

   Cữu phụ nàng, Lan Viễn Tường- gia chủ Lan gia Yên Sở, Nguyên (cựu) Hàn lâm viện Chưởng viện học sĩ, hiệu Ngạo Vân tiên sinh, văn nhã bác học, là người có tiếng trong giới sĩ giả. Môn đồ tại Bạch Nguyệt quán của ông, nhiều người sau này ra triều làm quan, rất được trọng dụng, tiền đồ vô lượng. Nguyệt Lương Luân tuy là chính nhị phẩm Văn Uyên điện đại học sĩ, là mệnh quan triều đình nhưng nhân khí, danh tiếng hay thế lực gia tộc đều không bằng Lan Viễn Tường, đối với người anh vợ luôn có phần kính sợ, cũng vì thế mà lần này mới phá lệ đối tốt với Nguyệt Trường Ca.

-         Ca Nhi, ta nghe nói đại ca con mấy tháng trước có gửi tặng con một cây cổ cầm, liệu ta có thể xem?

   Nguyệt Trường Ca khó hiểu nhìn ông. Từ trước tới giờ, ngoại trừ ba bộ y phục hồi đầu năm, nàng chưa từng nhận được quà hay thư từ gì từ đại ca cả. Lan Viễn Tường nhận ra thần sắc của nàng, ném cho Nguyệt Lương Luân đang tái mặt một cái nhìn sắc bén.

-         Cũng chỉ là một cây cổ cầm, đâu đáng để ngoại huynh để tâm. – Nguyệt Lương Luân cười gượng gạo nói.

-         Ít lâu trước, ta có gặp Nguyên Nhi trong một cầm xã ở Hải Hạ. Bạch Lăng tiên sinh lúc đó có khoe khoang cây đàn Yên Hoa mới tìm được, nói nó chính là tuyệt thế cổ cầm. Nguyên Nhi nghe vậy liền phản bác, nói đàn Khi Sương của Huyền Na nữ sĩ thời tiền triều mới là tuyệt thế cổ cầm, cách đấy không lâu, hắn đã tìm được. Cả cầm xã nhao nhao, đòi hắn cho xem thì hắn nói đã gửi đàn về cho muội muội. Người khác không tin nhưng ta tin, Nguyên Nhi hắn khi đã nhắc đến Ca Nhi thì tuyệt đối không phải nói dối. – Nói đến đây, ông liếc nhìn Nguyệt Lương Luân đang lén quệt mồ hôi bên thái dương. – Ca Nhi, con coi như nể tình kẻ cuồng cầm này là cữu phụ, cho ta xem đàn Khi Sương được không?

   Nguyệt Trường Ca chưa kịp mở miệng, Nguyệt Lương Luân đã vội nói trước.

-         Ngoại huynh cùng Ca Nhi dù sao cũng là cậu cháu lâu ngày không gặp mặt, đàn Khi Sương để ta đến lấy là được.

-         Khâm đệ, sao lại thế được, cũng chỉ là một cây đàn thôi mà, sai bọn hạ nhân đến lấy là được, đâu đáng để đệ để tâm. – Lan Viễn Tường lặp lại câu Nguyệt Lương Luân đã nói khiến sắc mặt y không khỏi tối sầm.

-         Đàn Khi Sương dù sao cũng là danh cầm quý báu, làm sao có thể để bọn hạ nhân tay chân không sạch sẽ động vào chứ?- Nói rồi y đứng dậy cáo lỗi với Lan Viên Tường rồi đi thẳng.

   Nguyệt Trường Ca bật cười.

-         Cữu cữu không cần phải làm vậy đâu.

-         Ta không làm vậy thì để con bị chèn ép tới bao giờ đây hả? Nguyên Nhi than với ta rằng suốt hai năm trời con không thư gì tới cho nó, ta đã biết ngay là có chuyện. Ca Nhi, con dù sao cũng mang dòng máu Lan gia, tính ra cũng là con cháu Lan gia ta, thân gia chủ là ta làm sao có thể để con cháu Lan gia bị ức hiếp được. Chưa kể đó còn là con của muội muội duy nhất. Quân Nhi mệnh khổ, con bé này bên ngoài thì tỏ ra cương liệt, cứng rắn nhưng bên trong lại dễ mềm lòng, không giỏi tâm kế. Nếu không thì đám người kia còn được an nhàn sao?

   Nguyệt Trường Ca cảm động. Mẫu thân nàng là độc nhất tiểu thư của dòng chính Lan gia Yên Sở, khuê danh Lan Chiêu Quân (đặt tên theo Vương Chiêu Quân- một trong tứ đại mĩ nhân)- người cũng như tên, là một tuyệt đại giai nhân diễm mỹ tuyệt tục, tú ngoại tuệ trung; là tài nữ nổi danh một thời, ba tuổi biết đọc, năm tuổi đã xuất khẩu thành thơ, mười tuổi được Văn Thành tiên sinh thu làm đồ đệ, mười sáu tuổi vào cung làm nữ tiên sinh dạy học. Ít lâu sau, nàng gả cho trưởng tử Nguyệt gia ở Kinh thành, người ngoài nhìn vào tưởng một đôi phu thê tương kính lẫn nhau, cử án tề mi, ai biết rằng Nguyệt Lương Luân mới lấy thê tử được hai tháng đã tự tiện nạp hai thiếp thất, không quan tâm tới hậu trạch, mặc kệ cho hai nữ tử kia chèn ép khinh đoạt mẫu thân nàng. Một tuyệt thế giai nhân như vậy mà lại bạc mệnh, chưa đến ba mươi tuổi đã qua đời, thực khiến người ta phải thương tiếc!

-         Ca Nhi, con biết vì sao Nguyên Nhi lại gửi đàn Khi Sương về cho con không?

-         Không ạ.

-         Đàn Khi Sương có đi kèm theo một câu chuyện. Năm xưa, nữ sĩ Huyền Na nhập cung làm cầm sư, lại vô tình bị Tuyên Phùng đế nhìn trúng, muốn nạp nàng ta làm phi. Nhưng khi đó Huyền Na đã có phu quân cùng nhi tử, Tuyên Phùng đế lại là một hôn quân tàn bạo, làm sao có thể chấp nhận bị từ chối được. Tuyên Phùng đế giận dữ, sai giam nàng ta xuống địa lao, không cho ăn cho uống suốt ba ngày. Nhưng Huyền Na tính tình quật cường, dù sắp chết cũng không chịu chấp nhận. Tuyên Phùng đế thấy vậy liền đem phu quân và nhi tử của Huyền Na ra đe dọa, nếu nàng không đồng ý thì sẽ giết chết cả nhà họ. Huyền Na dù cứng rắn đến đâu cũng không thể làm ngơ trước tính mạng phu quân và nhi tử được, đành phải đồng ý. Nàng ta ra hạn với Tuyên Phùng đế, cho nàng ta bảy ngày để tự hoàn thành một bộ y phục, chứng tỏ lòng thành, hắn đồng ý. Trong bảy ngày đó, Huyền Na gom góp tất cả tài sản quý giá, nhờ người quen chuyển ra cho phu quân và nhi tử, dặn họ trốn đi thật xa. Đợi đến chiều tà ngày thứ bảy, khi đó mọi việc đã an bài xong, Huyền Na một thân bạch y, trốn khỏi cung, leo lên tường thành, gảy một khúc “Trường tương tư” cuối cùng rồi để lại đàn, gieo mình xuống dòng Khinh Thủy bao quanh tường thành. Tuyên Phùng đế biết chuyện nổi giận lôi đình, sai người đi tìm xác Huyền Na và tung tích phu quân nhi tử nàng ta nhưng kết quả lại chẳng tìm thấy gì, Huyền Na nhảy xuống dòng Khinh Thủy rồi như phi thăng, biến mất, không để lại dấu vết.

-         Nếu vậy thì cũng có thể là Huyền Na chưa chết, nàng ta ngụy tạo đó thành một vụ tự tử còn mình thì lén chạy trốn khỏi Hoàng cung, đoàn tụ với gia đình, không phải sao? – Nguyệt Trường Ca khẽ cau mày suy đoán.

-         Chuyện đó thế nhân chúng ta không bao giờ biết. Nhưng dân gian luôn lưu truyền lại câu nói: “nhảy xuống dòng Khinh Thủy” nhằm nói đến sự cương liệt, bất khuất. Ca Nhi, mẫu thân con cái gì cũng có, nhưng cũng quá cương liệt, ngay thẳng, không muốn dùng mưu mô tâm kế. Nguyệt gia tình hình rối loạn, thật giả bất phân, cũng chỉ vì hai chữ đó mà mẫu thân con mới rơi tới tình cảnh vạn kiếp bất phục. Ca Nhi, Nguyên Nhi là ca ca ruột thịt của con, đừng để nó phải chịu nỗi đau như ta. – Lan Viễn Tường nói đến đây thì cúi đầu, trong mắt lộ rõ vẻ bi thương. Nguyệt Trường Ca không khỏi quặn lòng, nàng bất giác lại nhớ đến người mẹ ở kiếp trước, bà thương yêu nàng vô cùng, thời điểm tại trường bắn, bà đã gào khóc lên một cách tuyệt vọng, ánh nhìn của bà khiến cho tim nàng như vỡ tan thành từng mảnh.

-         Cữu cữu đừng quá lo lắng, con sẽ không để bi kịch của mẫu thân tái diễn đâu.

   Lan Viễn Tường mỉm cười thê lương. Đúng lúc này, Nguyệt Lương Luân lại trở về, trên tay y là một cây cổ cầm, làm theo kiểu Trọng Ni thức, thân gỗ sậm màu qua lâu năm hiện lên những đường xà vân, đầu cầm và đuôi cầm nạm bạch ngọc trắng thuần, tại vị trí đuôi dây là một khối bạch ngọc bán nguyệt to bằng bàn tay, chạm nổi song loan phi vũ, dọc theo thân đàn chạm hai chữ “Khi Sương” theo lối lệ thư, đầu cầm buộc một kết đồng tâm màu trắng xâu huyết ngọc tinh xảo, đuôi kết dùng chỉ vàng buộc lại, đánh tua rua.

-         A, không phải đàn Khi Sương đây sao? – Lan Viễn Tường vui vẻ đứng dậy, đón lấy cây đàn từ tay Nguyệt Lương Luân. – Nghe nói năm xưa, Huyền Na nữ sĩ khi còn học nghệ đã thi triển thiên phú hiếm có. Sư phụ nàng vào ngày nàng xuất môn đã tặng nàng một cây cổ cầm, thân cầm dùng một cây gỗ trầm trăm năm đục thành, khi gẩy tiếng đàn trầm bồng, quyến luyến lòng người. Được chứng kiến tận mắt, cầm tận tay thế này, quả thực không uổng công ta đến đây.

-         Phụ thân! – Tiếng hét ở ngoài sảnh khiến cho không khí trong phòng thay đổi. Có tiếng gia nhân ngăn cản nhưng rồi cửa phòng vẫn bị đẩy mở, một bóng người lao vào. – Phụ thân sao lại lấy đàn của con? Người đã bảo là cho con rồi cơ mà!

“Chát”

   Một cái tát mạnh khiến cho cô nương kia bị nghiêng sang một bên. Nguyệt Lương Luân giận dữ.

-         Của ngươi? Rõ ràng là đồ đại ca ngươi gửi về cho Ca Nhi mà ngươi còn dám lấy rồi bảo là của người? Nghiệt nữ này!

   Cô nương kia ngây người ra chốc lát mới nhận ra trong phòng còn có Lan Viễn Trường và Nguyệt Trường Ca.

-         Phụ thân, sao nó lại ở đây? – Nàng ta ném cho Nguyệt Trường Ca một cái nhìn ghét bỏ.

-         Nàng là người của Nguyệt gia, vì sao lại không thể ở đây? – Nguyệt Lương Luân nghiêm giọng, y quay sang Lan Viễn Tường vẫn đang đứng một bên xem trò vui. – Ngoại huynh, đây là Tam nữ nhi của đệ, Nguyệt Vinh Diệu. Còn không mau chào cữu cữu ngươi.

   Nguyệt Vinh Diệu ngây người mất một lúc mới nhận ra người cữu cữu kia là ai, vội vàng hành lễ.

-         Vinh Diệu gặp qua cữu cữu, khi nãy vô lễ, mong mong cữu cữu thứ tội.

-         Tam tiểu thư đừng lo. Tam tiểu thư đến đồ vật của đích muội còn dám cướp, không nhận ra một người cữu cữu nhỏ nhoi như ta cũng là chuyện thường tình.

   Nguyệt Lương Luân đen mặt, lại quay sang mắng Nguyệt Vinh Diệu.

-         Bình thường ta dạy ngươi như thế nào? Đến đồ của muội muội cũng dám lấy, còn nói là của mình, lại còn vô lễ trước cữu cữu như vậy. Ngươi thực đúng là vứt hết bộ mặt Nguyệt gia ta đi rồi!

   Nguyệt Vinh Diệu đâu dám tranh cãi, nàng ta nhẫn nhục đứng, nhìn Nguyệt Trường Ca bằng ánh mắt oán độc.

-         Ca Nhi, con chưa biết đàn đúng không? Hai ngày nữa một người bạn của ta sẽ đến cầm xã Trường Khiếu, con có thể đến đó xin ông ấy chỉ dẫn. Khi đến cứ hỏi tìm Phiến Quyên tiên sinh. – Lan Viễn Tường ôn hòa dặn nàng.

-         Vâng ạ.

-         Khâm đệ, mẫu thân Ca Nhi trước kia cũng là một tài nữ tinh thông cầm kì thi họa. Ta nghĩ Ca Nhi chắc cũng thừa hưởng năng khiếu của mẫu thân, Phiến Quyên tiên sinh bạn ta là một cầm sư nổi danh đất Chiêu Dương, có thể chỉ dạy con bé thành một tuyệt thế cầm sư như Huyền Na cũng nên.

-         Đúng vậy, ngoại huynh nói phải, mấy ngày nữa đệ chắc chắn sẽ đưa Ca Nhi tới đó. – Nguyệt Lương Luân luống cuống nói theo. Nguyệt Vinh Diệu ấm ức, nương thân nàng ta- Mai di nương xuất thân là một nhạc sư phủ Nguyệt nhị gia, tinh thông đến năm loại nhạc cụ. Khi Nguyệt Anh Nguyên gửi đàn Khi Sương về, nàng ta cũng đang muốn luyện tập cổ cầm, liền điềm nhiên chiếm đoạt. Bây giờ thì đàn đã mất, đã thế còn mất vào tay Nguyệt Trường Ca- kẻ mà nàng ta chán ghét, làm sao mà không ấm ức cho được?

   Lan Viễn Tường lấy ra một tấm thiệp màu trắng xanh trang trí hoa mai.

-         Ca Nhi, đây là thiệp mời tới luận yến của cầm xã Trường Khiếu, trên đó đã ghi sẵn tên con rồi, nhớ phải đến đấy.

-         Vâng ạ. – Nguyệt Trường Ca nhận lấy tấm thiệp, tấm thiệp dùng kĩ thuật in nổi, tạo những đường vân hình hoa mai trên bề mặt thiệp, chính giữa thiệp, hai chữ “Trường Khiếu” viết theo thể khải, uyển chuyển mà nhã nhặn.

-         Tới một cái cầm xã hỗn loạn đủ loại người, có thể thống gì cờ chứ! – Nguyệt Vinh Diệu cay nghiệt nói.

-         Ồ. Vậy Tam tiểu thư không biết rồi. Khách nhân tới Trường Khiếu cầm xã đều là các tao nhân mặc khách, cư nhân sĩ giả, nếu có vấn đề thì sẽ không được vào. Thế nên cũng không phải lo sẽ xuất hiện một số kẻ không có tiết tháo. – Lan Viễn Tường nói đến đây, nhìn Nguyệt Vinh Diệu bằng một ánh mắt khinh thường. – Khâm đệ, ta có chuyện phải đi trước, Ca Nhi đành nhờ đệ chăm sóc vậy.

   Lan Viên Tường nói như thể Nguyệt Trường Ca không phải người Nguyệt gia mà là người Lan gia đưa tới nhờ vả. Nguyệt Lương Luân nén một bụng ấm ách xuống.

-         Ngoại huynh đi bảo trọng.

-         Cữu cữu đi bảo trọng.