Trường Hạo Ca - Chương 04

 

“Lọc cọc, lọc cọc”

   Chiếc xe ngựa mang gia huy của Nguyệt gia thong thả đi trên đường, trong buồng xe, Lục Trúc đang cẩn thận dũa lại móng tay của Nguyệt Trường Ca.

-         Lục Trúc, em không cần làm vậy đâu. – Nguyệt Trường Ca thở dài, rút tay về.

-         Sao thế được! – Lục Trúc lập tức bắt lại tay nàng. – Móng tay gảy đàn phải dài vừa phải, không quá nhọn cũng không quá bằng. Tiểu thư, người bắt đầu học cổ cầm thì phải biết điều này chứ ạ?

   Móng tay nàng nhỏ nhắn, hồng nhạt, khuôn móng thon, vuông vắn, phần trắng ở đầu móng được Lục Trúc khéo léo dũa thành hình trăng non vừa phải. Lục Trúc dùng một chiếc khăn ấm cẩn thận lau bàn tay nàng, lại dùng cao dưỡng bôi lên.

-         Ta không có nhớ là phải chăm sóc tay tỉ mỉ như thế đấy.

-         Tiểu thư không nhớ thì nô tỳ nhớ.

-         Lục Trúc, nói dối không tốt.

   Lục Trúc lè lưỡi nghịch ngợm khiến Nguyệt Trường Ca bật cười. Xe ngựa đi hết con phố, lại qua một ngã tư đường rồi dừng trước một cổng viện. Đeo mạng che mặt vào, Nguyệt Trường Ca ôm đàn bước xuống xe; cổng viện chạm khắc tinh xảo, trên treo tấm biển gỗ, theo lối cuồng thảo mà viết: “Trường Khiếu cầm xã”, cửa cổng mở, có thể nhìn thấy một con đường đá xanh được bao phủ bởi những rặng trúc dẫn đến vào bên trong. Hai gia nhân mặc áo xanh đứng ở cửa viện, thấy Nguyệt Trường Ca bước xuống xe, tay ôm đàn bước tới liền niềm nở chào hỏi.

-         Tiểu cô nương, cô nương đây là muốn vào?

-         Đúng vậy, ta có thiệp mời. – Nàng nói, rút tấm thiệp ra.

   Hai người cầm tấm thiệp lên kiểm tra một hồi rồi trả lại nàng.

-         Nguyệt cô nương, mời vào.

    Con đường ngoắt nghéo, xuyên qua rừng trúc xanh, dẫn đến một sân nhỏ; trong sân ngoài hai bộ bàn đá thì không có gì, đối diện là một thùy hoa môn chạm liên trì đồ (tranh ao sen). Hai gia nhân áo lục đứng hai bên cửa, làm nhiệm vụ mở cửa, hướng dẫn đường cho khách nhân.

-         Cho hỏi, luận yến diễn ra ở đâu?

-         Khách nhân, cô đi qua thùy hoa môn, thẳng phía trước là Uyển Thiên lâu, là nơi đàm luận cầm pháp, luận yến diễn ra ở đó.

   Chủ nhân của cầm xã Trường Khiếu luôn dấu mặt, ngoại trừ hiệu danh Đông Phương tiên sinh, không ai biết hắn bao nhiêu tuổi, trông như thế nào, là người ở đâu, chỉ biết Trường Khiếu cầm xã là nơi mà hắn đã dồn rất nhiều tâm huyết. Đi đến Uyển Thiên lâu cần băng qua một hoa viên, tuy đã là đầu đông nhưng các loài hoa mùa thu như dã quỳ, thạch thảo, bách nhật, lan hoàng dương vẫn nở rộ, sắc hoa tươi thắm. Lục Trúc trầm trồ kể.

-         Nô tỳ nghe nói, chủ nhân Trường Khiếu cầm xã đã cho xây hẳn một nhà kính chuyên trồng hoa trái mùa, lại thuê người chăm sóc có kinh nghiệm đến, canh gác suốt mười hai canh giờ mới có thể cho ra những chậu hoa nở trái mùa đẹp như vậy.

   Nguyệt Trường Ca gật đầu. Chảy qua hoa viên là một dòng suối nhỏ, những con cá khổng tước vĩ xinh đẹp bơi theo dòng nước, cá hắc long đen tuyền, cá vàng hạc đỉnh hồng thân nhỏ, đầu đỏ chót thu hút ánh nhìn. Đi qua hoa viên là đến Uyển Thiên lâu, tòa lâu cao hai tầng, các đầu trụ nhô ra chạm hình phượng hoàng phi thăng, diềm hành lang chạm hoa dây cách điệu, treo những chiếc đèn kéo quân trang trí tinh xảo. Nguyệt Trường Ca bước vào, đi đến bàn tiếp khách.

-         Xin lỗi, ta muốn tìm Phiến Quyên tiên sinh?

-         Khách nhân, cô đến muộn rồi. Phiến Quyên tiên sinh vừa về được một lúc xong.

   Nguyệt Trường Ca thất vọng thở dài, Lục Trúc kéo tay áo nàng.

-         Thôi thì tiểu thư với em ra xem hoa được, dù sao cả một hoa viên đẹp như thế này cũng khó có thể thấy lần tiếp.

-         Ừ, đi thôi.

   Uyển Thiên lâu được bao bọc trong hoa viên, bốn phía đều là hoa cỏ; Nguyệt Trường Ca và Lục Trúc men theo con đường lát đá xám, đi dạo hoa viên. Khu vực phía Đông Uyển Thiên lâu trồng nhiều nhất là mẫu đơn, Ngụy Tử màu đỏ tím xinh đẹp, từng tầng cánh hoa lớp lớp xếp lên nhau; Triệu Phấn màu hồng phớt, hương nồng đậm mà thanh nhã động lòng người; Diêu Hoàng màu vàng kim rực rỡ, khí chất chói lọi, hương lại thanh mát; Lục Đậu có màu xanh lục như hạt đậu nành non quý hiếm, khí chất thanh cao thoát tục tựa như tiên tử. Đi dạo trong hoa viên tràn đầy màu sắc như vậy, tâm tình có chút buồn bực của Nguyệt Trường Ca cũng dần tốt lên.

-         Này! Ngươi là ai? Sao trước đây ta chưa thấy ngươi ở đây? – Hai chủ tớ bất thình lình bị chặn đường.

-         Ta tên Nguyệt Trường Ca, là lần đầu đến đây – Nguyệt Trường Ca vừa đáp vừa đánh giá người phía  trước. Là một cô nương tầm mười bốn mười lăm tuổi, mặc váy dài vàng nhạt thêu hoa hải đường, ngoài choàng một tấm áo lông dày, cổ áo viền lông trắng muốt ôm lấy hai bầu má; nàng không mang mạng che mặt, để lộ gương mặt nàng hình trứng, một đôi mắt nâu hổ phách hơi xếch, đuôi mắt trái còn có một nốt ruồi duyên, cái mũi khéo léo, môi anh đào nhỏ nhắn, gò má cao; nhìn qua thì là một giai nhân hiếm có.

   Cô nương kia đồng dạng đánh giá nàng từ trên xuống dưới. Nguyệt Trường Ca năm nay đã mười tuổi nhưng do bị bạc đãi, bình thường rất ít được ăn no nên cơ thể nàng lại khá gầy, nhìn qua chỉ như mới tám tuổi. Y phục màu băng lam trang nhã, khoác áo choàng trắng, một tấm sa che kín hầu hết gương mặt, chỉ lộ một đôi mắt hạnh to tròn.

-         Nguyệt Trường Ca? Chẳng lẽ ngươi là cô Tứ tiểu thư phủ Nguyệt Đại học sĩ? – Cô nương kia ngạc nhiên nhìn nàng. Không thể a! Chẳng phải Tứ tiểu thư phủ Nguyệt Đại học sĩ thân thể yếu đuối, bệnh tật, từ hai năm trước đã không thể ra ngoài sao?

-         Đúng là ta. – Nguyệt Trường Ca gật đầu.

-         Không thể nào! Ta nghe nói ngươi đã mười tuổi rồi cơ mà! Sao trông như tám tuổi vậy?

   Nguyệt Trường Ca khẽ cúi đầu, cau mày. Tuy nàng không thích Nguyệt gia nhưng dù sao đó cũng là nơi nàng sống hiện giờ, tốt nhất không nên vạch áo cho người xem lưng.

-         Bình thường ta hay bị bệnh. – Nàng chỉ trả lời đơn giản như vậy, vị cô nương kia hiểu, à lên một tiếng.

-         Nhưng sao ngươi lại đến đây làm gì? Lại còn trong thời tiết này nữa. Chẳng phải ngươi nên ở nhà sao? – Cô nương kia hỏi chưa hết, tuôn liền ba câu.

-         Đại ca ta mới tặng về cho ta một cây cổ cầm, vừa hay bằng hữu của cữu phụ ta đến Kinh thành tham gia luận yến, ta muốn học cổ cầm nên đến đây thỉnh giáo ngài ấy, chỉ là…

-         Ngài ấy đi rồi sao?

-         Ừ.

-         Thế nên ngươi mới bỏ ra ngoài, đi dạo hoa viên?

-         Dù sao ta cũng không hiểu về cổ cầm, ở trong đó cũng chẳng thể làm được gì.

-         Vậy thì nghe thôi, cũng đâu có sao. Ta cũng đâu có hiểu lắm về cổ cầm, mẫu thân ta bắt ta tới đây đấy thôi, từ suốt tới giờ ta toàn ngồi nghe đó chứ. Xong rồi ta thấy ngươi trông khá lạ nên mới chuồn ra ngoài đi theo. À mà ta tên Giang Nhược Lam, ở phủ Đại tướng quân.

   Nghe đến cái tên Giang Nhược Lam, trong đầu Nguyệt Trường Ca liền hiện lên hình ảnh một nữ tử đứng trên tường thành, hồng y như lửa bay phấp phới, tay giương cung, một tên bắn chết con ác điểu đang sà xuống tấn công người đi đường. Đó là chuyện của hai năm trước, nhi tử của Tương vương đến Kinh thành, mang theo một con hắc điểu lớn, hung dữ; gia nhân canh gác không cẩn thận, để sổng hắc điểu. Con hắc điểu hung dữ sổng ra, tấn công dân lành, Giang Nhược Lam khi đó mới mười hai tuổi, đang đi cùng cha nàng trên tường thành, nhìn thấy cảnh đó, không chút do dự lấy cung rút tên bắn chết ác điểu. Khi đó Nguyệt Trường Ca đang ngồi trong xe ngựa, vén rèm nhìn ra ngoài, hình ảnh Giang Nhược Lam khí thế hùng dũng như vậy, nàng tuyệt đối không thể quên.

-         Nghe nói đại ca ngươi đi lịch lãm từ hai năm trước rồi? Kì a! Sao đại ca ngươi đi lịch lãm ngươi liền bị bệnh vậy? – Giang Nhược Lam tuổi đã mười bốn mà vẫn còn có chút ngây ngô như vậy khiến Nguyệt Trường Ca không khỏi bật cười. Phụ mẫu nàng ta phu thê tình thâm, Đại tướng quân chỉ có một mình phu nhân, không nạp thiếp thất, Giang Nhược Lam là nữ nhi duy nhất trong một nhà có đến ba nhi tử, lại còn là nhỏ nhất, từ khi còn nhỏ đã được phụ mẫu yêu thương bảo hộ, làm sao biết được tình cảnh của những nhà tam thê tứ thiếp, đích thứ đấu đá lẫn nhau.

   Nguyệt Trường Ca mỉm cười không trả lời. Suốt cả quãng đường, Giang Nhược Lam nói rất nhiều, từ chuyện ở nhà nàng ta có nuôi một con chó săn rất khôn, sang chuyện hàng bán điểm tâm của Trương thẩm ở cuối phố rất ngon. Nguyệt Trường Ca cả kiếp này lẫn kiếp trước đều không phải người nói nhiều, nàng chỉ có thể ứng phó đối đáp vài câu, thế nhưng Giang Nhược Lam vẫn rất nhiệt tình nói chuyện, số từ nàng ta nói còn nhiều hơn số từ Nguyệt Trường Ca nói một ngày. Đi tới dòng suối nhỏ, cả ba người dừng lại trên cầu, nhìn xuống đàn cá sặc sỡ đang bơi.

-         Tần Phỉ Phỉ phủ Lễ bộ thượng thư từng kể rằng huynh trưởng nàng ta đi lịch lãm trở về, mang theo một giống cá gọi là cá ngũ sắc; gọi là ngũ sắc nhưng thực chất trên người toàn vảy bạc, nhưng khi có ánh nắng chiếu vào liền chiết xạ ra năm màu rất đẹp! Ta cũng từng muốn tới phủ nàng ta xem nhưng chưa kịp tới xem thì cá đã chết sạch rồi! Ngươi có nghĩ nàng ta nói điêu để gạt ta không?

-         Ta cũng không biết. Huynh trưởng nàng ta đi lịch lãm, chu du bốn bể, cũng có khả năng gặp được loại cá đó đấy chứ.

-         Ừ, ngươi nói cũng đúng. A! Mà cây đàn ngươi đang cầm trông như thế nào đấy? Cho ta xem với!

   Nguyệt Trường Ca cũng không từ chối, nàng ôm đàn đi tới bàn đá, cận thận đặt xuống, tháo vải bọc ra.

-         Oa! Đẹp nha! Tuyệt đối đẹp hơn đàn của ta nhiều đấy! – Giang Nhược Lam xuýt xoa.

-         Chỉ tiếc ta không biết đàn. – Nguyệt Trường Ca cười yếu ớt.

-         Lo gì! Học là được. A! Hay là để ta dạy ngươi cho! Dù sao ta cũng biết một chút mà!

-         Ừm… Được thôi.

   Nguyệt Trường Ca tháo tấm sa che mặt xuống, ngồi bên bàn đá, Giang Nhược Lam ngồi bên cạnh nàng, bàn tay trắng noãn đưa lên, đặt trên dây đàn, ngón tay thon dài gẩy nhẹ, tiếng đàn trầm mà réo rắt. Nguyệt Trường Ca ngơ ngác ngồi nghe, kể cả kiếp trước, nàng đều không có hứng thú với âm nhạc cổ, lại không ngờ là nó có thể tuyệt diệu đến như vậy. Giang Nhược Lam mải miết đánh đàn, mười ngón tay như biến hóa liên tục trên những dây đàn; rung, vuốt, gảy, tùy vị trí và lực đạo mà tạo ra âm thanh khác nhau. Khúc nhạc kết thúc, nàng ta đặt tay xuống, mỉm cười quay sang Nguyệt Trường Ca ngồi nghe đến thất thần.

-         Đó là phần “Tam biến” trong khúc “Mai hoa tam lộng”. Giờ ta cũng chỉ thạo mỗi phần đó thôi. Thế nào?

-         Hay lắm! – Nguyệt Trường Ca nhìn nàng ta bằng ánh mắt ngưỡng mộ. – Đây quả thực là lần đầu tiên ta được nghe cổ cầm đấy!

-         Hả? Vậy chẳng nhẽ phủ Nguyệt Đại học sĩ ngươi không thích cổ cầm hay sao? – Giang Nhược Lam ngạc nhiên.

   Nguyệt Trường Ca nhận ra mình đã lỡ lời. Phủ Nguyệt Đại học sĩ có thích cổ cầm hay không, nàng không biết. Nàng vốn mắc chứng sợ đám đông, hơn nữa thanh danh nàng cũng rất xấu. Năm nàng năm tuổi, ở trên yến tiệc sinh thần phụ thân đã rất lúng túng, đến một câu chúc cũng phải lắp ba lắp bắp mãi mới nói được, còn bị đám di nương thứ nữ nói nàng rủa phụ thân đoản mệnh, nàng hoảng hốt phủ nhận thì càng luống cuống, nói sai linh tinh, khách nhân xung quanh đều ném cho nàng ánh nhìn thương hại, châm chọc, lén che miệng cười, đại ca nàng phải tiếp khách nhân ở bên ngoài, nàng không có ai bảo hộ, bất lực khóc ngay giữa đại sảnh, phụ thân chán ghét, không nói một lời, phất tay cho nhũ mẫu bế nàng về. Kể từ đấy, nàng không tham gia yến tiệc nào nữa.

-         Ta hơi mắc chứng sợ đám đông nên cũng ít tham gia yến tiệc. – Nguyệt Trường Ca hít một hơi, cố tỏ ra bình tĩnh đáp. May thay, Giang Nhược Lam vẫn mải mê vuốt ve chiếc đàn, không chú ý tới thần sắc của nàng.

-         Nhưng ta nói này, ngươi cũng phải sửa tật đó đi, không tốt đâu! Ngươi bây giờ còn nhỏ không nói nhưng đến tầm tuổi ta sẽ phải tham gia các yến tiệc xã giao, đâu thể cứ trốn được, hoặc là có thì đến lúc gả đi rồi, ngươi cũng sẽ phải ứng đối với họ hàng bên đó nữa! Hay là thế này đi, bốn ngày nữa, Minh Tiểu Hà phủ Ngự sử đại phu sẽ tổ chức tiệc thưởng hoa ở Lạc Hoa viên, ta sẽ dẫn ngươi đến đó, được không? Cô cô Tiểu Hà là Dung phi nương nương chủ trì nên sẽ có rất nhiều người đến đấy!

-         Nhưng mà…

-         Không nhưng nhị gì hết! Bốn ngày nữa ta sẽ đến phủ Đại học sĩ đón ngươi!

   Nhìn vẻ kiên quyết của Giang Nhược Lam, Nguyệt Trường Ca cũng đành thở dài bất lực. Nếu vậy thì không biết người phụ thân kia của nàng có đồng ý không đây?

-         Giang Nhược Lam…

-         Ta hơi ngươi bốn tuổi, ngươi phải gọi ta là Lam Nhi tỷ tỷ a!

-         Lam… Lam Nhi tỷ tỷ. – Nguyệt Trường Ca ngượng nghịu gọi, Giang Nhược Lam phấn khích nhìn nàng.

-         Ta luôn muốn có một muội muội a! Hồi trước ta cũng bắt Phỉ Phỉ, Tiểu Hà, My Nhi các nàng gọi thế nhưng chỉ được vài hôm là lại thôi rồi! Ca Nhi, ngươi nhất định phải gọi ta là tỷ tỷ đấy nha!

   Nguyệt Trường Ca khó xử, lúng túng nói.

-         Tỷ… tỷ tỷ?

-         Ừm?

-         Lam Nhi tỷ tỷ, sao tỷ lại muốn giúp ta? – Nàng thu dũng khí, ngẩng đầu lên nhìn thẳng Giang Nhược Lam.

-         Còn sao nữa? Ta muốn kết bạn với muội, muội cũng cần có bạn. Không phải càng có nhiều bằng hữu, sống càng vui vẻ sao?

-         Ơ… câu này cũng có à?

-         Ừ, ta nghĩ ra đó! Thế nào, hay chứ?

   Nguyệt Trường Ca cười yếu ớt, mắt liếc xuống bên phải. Trước kia, nàng chỉ có một người bạn là Cẩm Lam Tư, nàng thật tâm coi cô ta là bạn thân đến đâu thì cái cảm giác khi bị phản bội đau đến đấy. Khi tới thế giới này, ngoại trừ Lục Trúc, cữu cữu và đại ca, nàng quả thật chẳng muốn tin thêm một ai nữa. Người ta nói: một lần bị rắn cắn, mười năm sợ dây thừng. Nàng sợ, rất sợ. Nàng sợ cái cảm giác đau đớn khi bị phản bội. Cảm giác như thể cả thế giới sụp đổ xuống trước mặt vậy. Nó đau đến nhói lòng nhưng đồng thời cũng thật lạnh lẽo… và cô độc. Vì vậy nàng rất sợ phải tin tưởng. Sợ rằng một ngày nào đó niềm tin của mình sẽ lại đổ vỡ, nỗi đau đó sẽ lại kéo đến. Và rồi… nàng lại cô độc…

-         Ca Nhi, muội muốn nghe chuyện không? – Giang Nhược Lam hỏi.

-         Có.

-         Người ta kể rằng: từ xa xưa, con kiến vì là loài vật nhỏ bé nên luôn bị các con vật lớn hơn bắt nạt; đến một ngày, các con kiến quyết định tập hợp lại với nhau để sống, chúng cùng xây tổ, kiếm đồ ăn, tấn công kẻ xâm phạm, và rồi chúng đã sống. Ngươi thấy không? Đó chính là sức mạnh của số đông đấy! Cũng như là bằng hữu vậy, thay vì sống một mình trong cô độc, có người ở bên giúp đỡ, bảo vệ ta chẳng phải là tốt hơn bao nhiêu sao?

-         Đúng vậy. – Nguyệt Trường Ca mỉm cười yếu ớt.

-         Vậy nên sao ta không kết bạn cơ chứ? Ta á! Nếu một ngày không có đám Tiểu Hà các nàng ở bên, ta sẽ buồn đến chết mất! Muội thử nghĩ xem, cả ngày không có ai để nói chuyện, muội chịu được không?

   Nguyệt Trường Ca cúi đầu, che đi nét bi thương trong ánh mắt. Đó là nàng trước kia, ngày ngày chỉ biết lầm lì, khóa mình trong một góc nhỏ, không dám chủ động bắt chuyện với người khác, ngày qua ngày chỉ như một người vô hình, có cũng được mà không có cũng chẳng sao.

-         Thế nên, Ca Nhi, muội nhất định phải đi đấy! Muội mà không đi, ta liền vào thẳng phủ Đại học sĩ xách ngươi ra ngoài!

    Ánh nắng mùa đông luôn khiến người ta cảm thấy ấm áp hơn không khí mùa xuân. Từ vị trí của Giang Nhược Lam, nắng chiếu ngược lại khiến nàng như có thêm một vầng hào quang quanh người. Nguyệt Trường Ca mỉm cười.

-         Ừ, ta sẽ đến.