Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 6 - Chương 3

Sách Thanh sương tạp ký[652] chép: Phong-tục người ở vùng Lĩnh-nam không lấy thứ-tự mà gọi nhau, chỉ lấy tên của đứa con trai con gái mà gọi cha mẹ.

Trong niên-hiệu Nguyên-phong (đời vua Tống Thần-tông, 1078-1085) Ngô-Xử-Hậu làm quan Đại-lý[653] xử tấu án ở Tân-châu, có người dân tên là Vi-Ngao, đứa con trai của y tên Mãn. Người ta gọi Vi-Ngao là “Cha Mãn ” (tức cha thằng Mãn).

Cha tên Vi-Toàn, đứa con gái của y tên Đào-Nương. Người ta gọi Vi-Toàn là “Cha Đào ” (tức cha con Đào).

Cha tên Vi-Độ, đứa con gái của y tên Thuỵ-Nương. Người ta gọi Vi-Độ là “Cha Thuỵ ” (tức cha con Thuỵ), gọi vợ của Vi-Độ là “Thím Thuỵ ” (tức Thím mẹ con Thuỵ)[654].

Xét theo đó, ấy là phong-tục thông-thường vũng Lĩnh-ngoại, đại ý đối với những người lớn tuổi người ta không gọi tên, mới lấy tên con trai con gái của họ gọi họ vậy.

[14b] Sách Cựu Đường-thư chép: Người Thổ-phồn[655] lén đem đàn bà gả cho người môn-tử ở Duy-châu. Môn-tử là người giữ cửa thành, nay gọi chung là gia-đồng (tớ bé trong nhà).

Sách Thông-giám chép: Điển-Vi là quan Tư-mã của Tào-Tháo nói với đẳng-nhân.

Chú: Đẳng-nhân là lập đẳng-cấp để mộ người. Người trong đẳng-cấp gọi là đẳng nhân[656].

Người đứng đầu trúng tuyển trong kỳ thi Hương thi Hội tục gọi là Thủ khoa cũng có căn cội.

Sách Đường đông quan tấu ký chép: Dưới thời Đường Tuyên-tông (847-859), Trịnh-Hạo, con nhà tướng đỗ thủ-khoa, tiếng tăm lừng lẫy.

Sách Hán ngoại thích truyện chép: Tổ-sư của Định-Duy-Dị ở Định-đào là cháu huyền tôn của Định-Khoan tướng-quân.

Người [14b] đời sau nói tổ-sư bắt đầu từ đấy.

Vua Phù-Sai nước Ngô đóng đô ở Cô-tô, mở cửa Xà-môn (cửa rắn) để trấn-áp người nước Việt.

Người nước Việt làm cửa Lôi-môn (cửa sấm) để trừ các hoạ ấy, đánh trống to ở dưới cửa Lôi-môn thì con rắn nghe.

Phần Vương tôn truyện trong sách Hậu Hán thư có câu:

敢持布鼓過雷門

Cảm trì bố cổ quá Lôi-môn

Nghĩa là:

Dám đâu cầm trống vãi qua cửa sấm. Tỷ-dụ: Kẻ có văn tài nông cạn không đạt đến cửa của bậc thánh-nhân.

Câu tục-ngữ Đánh trống qua cửa nhà sấm nguồn gốc ở đây.

Sách Dậu dương tạp trở[657] chép: Mai-Bá-Thành giỏi đoán mộng.

Lý-Bá-Lịnh sai em đi lấy gạo 100 hộc ở Kinh-hà, đã quá kỳ mà chưa thấy về đến. Lý-Bá-Lịnh nằm mộng thấy tẩy bạch mã (nghĩa là: Tắm con ngựa trắng), đến hỏi Lý-Bá-Thành đoán cho.

Lý-Bá-Thành nói: “Người ta hay nói lái. Tẩy bạch mã 洗白馬 nói lái ra Tả bạch mể 瀉白米. Nghĩa là: Gạo trắng chảy đổ xuống. Hoặc giả có việc lo ngại về sóng gió chăng? ”

Vài ngày sau người em về đến [15a] quả nhiên nói thuyền gạo lật úp ở sông Vị.

Lại sách Tập dị ký chép: Trương-Dật chiêm-bao thấy người ta bảo: Nhiêm-Điều bái tướng 任調拜相. Nghĩa là: Ông Nhiêm-Điều được trao chức tể-tướng.

Ông suy nghĩ bên nội bên ngoại từ xưa không có ai tên ấy cả.

Đứa cháu của ông tên Lý-Thông giải rằng: “Nhiêm-Điều nói lái ra Nhiêu-Điềm 饒甜 nghĩa là ngọt nhiều. Ngọt nhiều thì không gì hơn cam-thảo. Cam-thảo là trân dược 珍藥 (nghĩa là thuốc quý). Trân dược nói lái ra Trương-Dật tức là tên của người cậu.

Ông rất mừng.

Được ít lâu người ta báo vua xuống chế phong Trương-Dật làm tể-tướng.

Cho nên người đời Đường thích nói lái.

Sách Tục hô tiểu lục của người nhà Minh chép:

- Chấp tay vái chào gọi là xướng nặc[658] 唱喏.

- Ở quận ấp đánh trống khởi đầu canh gác gọi là Tàng lôi 藏雷.

Ở nước ta lúc triều hội đánh trống lên gọi là phát lôi 發雷[659] tức là đấy.

Câu tục-ngữ: Dụng như hổ, bất dụng như thử 用如虎, 不用如鼠. Nghĩa là: Dùng thì như cọp, không dùng thì như chuột.

Sách Hán-thư, phần Đông-Phương-Sóc nan khách có câu: Dụng chi tắc vi hổ, bất dụng tắc vi thử (Nghĩa là: Dùng nó thì nó làm cọp, không dùng nó thì nó làm chuột).

[15b] Dương-Tử nói: Chấn phong[660] lăng vũ[661] nhi hậu tri hạ ốc chi vi bình mộng 震風凌雨而後知夏屋之帡幪. Nghĩa là: Gió gấp mưa rào rồi sau mới biết đến sự che chở của nhà cửa.

Thế tục nói “ơn che chở ” gốc ở đấy.

Sách Bắc Chu thư chép: Trưởng tôn Trừng nói với vua Thái-tổ rằng: Tự đính chí túc giai thị minh công ân tạo 自頂至足皆是明公恩造. Nghĩa là: Từ đầu đến chân đều là ơn của Minh-công tạo lập cho.

Người đời sau nhân đó mới có câu: Đính chủng giai ân 頂踵皆恩. Nghĩa là: từ đầu đến chân đều là ơn huệ của người.

Trong sách Văn-giám, thơ của Nguỵ-Dã có câu:

有名閑富貴

無事小神仙

Hữu danh nhàn[662] phú quý,

Vô sự tiểu thần tiên.

Nghĩa là:

Có danh tiếng là người giàu sang lớn-lao,

Vô sự (không có việc gì làm mình phiền lòng) là bậc thần tiên nhỏ ở cõi đời.

Thơ của Đỗ-Phủ có câu:

Dĩ tố trưng cầu bần đáo cốt

已訴徴求貧到骨

Nghĩa là:

Đã kêu cầu việc nghèo thấu xương.

Thế tục thường đọc câu thơ nầy.

Sách Nhan thị gia huấn ở Bắc-Tề chép: Ngạn-ngữ có câu:

積錢千萬不如薄藝隨身

Tích tiền thiên vạn bất như bạc nghệ tuỳ thân.

Nghĩa là:

Chứa tiền hàng ngàn vạn không bằng nghề mọn theo mình.

Sách Tuẩn-ký của Tăng-Tán-Ninh chép câu ngạn-ngữ:

Cung kính bất như tùng mệnh. Tụng huấn bất như tùng [16a] thuận 恭敬不如從命誦訓不如從順. Nghĩa là: Cung kính không bằng vâng lịnh. Đọc lời dạy bảo không bằng thuận chiều theo.

Tục ngày nay người ta thường đọc câu nầy.

Bài Tân-tự của Lưu-Hướng chép: Điền-Nhiêu đáp Ai-công rằng: “Thực kỳ thực bất huỷ kỳ khí. Ấm kỳ thụ giả bất chiết kỳ chi 食其食不毀其器蔭其樹不折其枝. Nghĩa là: Ăn cơm thì không đập bát. Núp dưới bóng cây thì không bẻ cành[663].

Đó là đường lối ăn ở trung hậu của người xưa.

Tục-ngữ nói: Thực kỳ quả giả phiên kỳ thụ 食其菓者蕃其樹. Nghĩa là: Ăn trái cây nào thì rào gốc cây ấy[664].

Ý nghĩa cũng giống như thế.

Sách Thuyết-uyển có câu: Thụ đào lý giả hạ đắc hưu tức, thu đắc kỳ thực yên 樹桃李者夏得休息秋得其食焉. Nghĩa là: Người trồng cây đào cây lý thì mùa hạ được nghỉ-ngơi dưới bóng mát, mùa thu thì được ăn trái.

Đời truyền rằng Địch-Nhân-Kiệt[665] có câu: Đào lý giai tại công môn 樹桃皆在公門. Nghĩa là: Cây đào cây lý đều ở cửa công, chính là dùng điển này. Ý nói Địch-Nhân-Kiệt tiến-cử được nhiều trung-thần cũng như đã trồng nhiều cây đào cây lý.

Sách Tam-quốc chí chép: Viên-Thượng sai Lý-Phu trong canh một (cổ nhất trung) phải đến Nghiệp-huyện. Vậy cổ nhất trung cũng là tục-ngữ.

[16b] Sách Trà-kinh[666] của Lục-Vũ[667] chép: Phàm rót vào chén khiến cho đều mạt bọt. Mạt bọt là hoa nước sôi. Hoa mỏng gọi mạt. Hoa dầy gọi bột (là bọt).

Sách Chú-thư tự và sách Bổn-thảo[668] đều ghi Bột (bồ + hốt phiên-thiết ra bột).

Tục ngày nay gọi là bọt.

Sách Trà-kinh chép: Chữ 籯 đọc lam, đọc lung, đọc cử là đồ đựng làm bằng tre đan chứa được 5 thăng.

Chú: Theo sách Hán-thư, chữ 籯 đọc doanh là đồ đựng bằng tre.

Nay tục nước ta đọc chữ 籯 là canh ( + thành phiên-thiết ra canh).

Sách Trung-quỹ lục chép: Bạch khúc[669] 1 cân, muối 3 tiền, đổ nước vào, trộn đều làm bánh nắn thành cục nhỏ, giã với đậu xanh làm bột. Tiếng bột cũng giống với tiếng Việt.

Về thành-ngữ Tuý như nê 醉如泥 (say nhừ như bùn), sách Năng cải trai lục của Chu-trạch đời Hán chép: Nước Nam có loài rắn không có xương gọi là [17a], ở trong nước thì sống, rời khỏi nước thì say như một cục bùn.

Sách Hải-quảng phương-ngôn gọi gió biển là cụ 颶. Cụ là sàng (sàng gạo bỏ cám).

Lại có thuyết nói cụ 颶 là cụ tứ phương chi phong 具四方之風. Nghĩa là: Gió đủ bốn phương thổi lại. Chữ cụ 颶 có chữ 四 cụ (là đủ) hợp với chữ 風 phong (là gió), chỉ sự: Gió đủ bốn phương thổi lại.

Phần Việt thuật ký trong sách Thuyết-linh chép tin cụ-phong (gió con trốt) có ngày tháng mỗi năm.

Người ta lại chú: Tục gọi cụ phong (gió con trốt) là bão.

Chữ 圣 trong tự-điển âm quật, nghĩa là ra sức làm việc cho cuộc đất. Chữ 圣 quật có chữ 又 hựu (là cái tay để làm việc) hợp với chữ 土 thổ (là đất), chỉ sự: Tay làm việc (như cày cuốc đào xới gieo trồng..) cho cuộc đất.

Chữ 圣 quật với chữ 聖 thánh, âm và nghĩa khác nhau xa, vậy mà thói tục mượn chữ 圣 quật làm chữ 聖 thánh là sai.

Tào-Bân đời Tống vâng sắc của vua sai đi Giang-nam xử-lý (cấu đương: xử-lý) việc công.

Tục đọc chữ 句當 cấu đương (xử-lý) theo bình thinh ra câu đương là sai.

Theo sách Thông-giám, từ đời Đường về sau, phần nhiều nói: cấu-đương quân quốc trọng sự (nghĩa là: xử-lý việc quan trọng của quân-đội và quốc gia).

Chú:

Cấu: cổ + hậu phiên-thiết = cấu.

Đương: đinh + nương phiên-thiết = đương.

Tự-điển ghi:

句 âm cấu

đương bình thinh.

[17b] Sách Văn-tuyển chép: Bài hịch văn của Tào-công gởi cho các tướng hiệu hạ-bộ của nước Ngô có ghi niên (năm), nguyệt (tháng) nhật (ngày), (giờ).

Chú:

là giờ phát tờ hịch.

Thế thì nhật tý là ngày giờ, chớ không phải ngày nào đó.

Sách Thúc viên tạp ký[670] chép: Những chữ nhất 壹, nhị 貳, tam 參, tứ 肆, ngũ 伍, lục 陸, thất 柒, bát 捌, cửu 玖, thập 拾, thiên 阡, bách 陌, (là 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 1.000, 100 viết theo loại chữ nhiều nét) tương-truyền là bắt đầu từ đời nhà Minh, do quan Hình-bộ Thượng-thư là Khai-Tế định ra.

Nhưng sách Biên-thực Côn-sơn chí đời Tống đã có những chữ ấy rồi, bởi vì con số về tiền về thóc phải đổi dùng loại chữ nhiều nét để ngăn phòng các lại-dịch gian-xảo sửa đổi chữ nầy ra chữ khác.

Nhan-Chi-Thôi nói: Xuân thu thuyết lấy 人十四心 nhân thập tứ tâm làm chữ 德 đức[671].

Thi-thuyết lấy chữ 二 nhị viết ở dưới chữ 天 thiên là chữ 酉 dậu[672].

Sách Hán-thư lấy chữ 泉 tuyền hoá làm Bạch thuỷ chân nhân 白水真人[673].

Sách Tân-ngữ[674] lấy chữ 金 kim hợp với chữ 艮 cấn làm chữ 銀 ngân.

Sách Quốc-chí lấy chữ 天 thiên ở trên có chữ 口 khẩu làm chữ 吳 ngô[675].

Sách Tấn-thư lấy câu 黄頭小人 Hoàng đầu tiểu nhân (Nghĩa là: người nhỏ bé đầu tóc đã trổ vàng) làm chữ 恭 cung là cung kính. Image (hình) là phần trên đầu chữ 黄 hoàng (màu vàng), 小 tiểu (nhỏ), 人 nhân (người).

Người nhà Tống lấy chữ 召 triệu [18a] ghép với chữ 刀 đao thành chữ 卲 thiệu.

Sách Tham đồng khế[676] lấy chữ 人 nhân (là người) đội chữ 告 cáo làm chữ 造 tạo.

Những điều như loại nầy là những lời sai lầm của các nhà thuật-số đã giả tá (mượn chữ nầy làm chữ kia), phụ hội xen vào để làm trò cười, như chuyển chữ 貢 cống làm chữ 項 hạng, lấy chữ 叱 sất làm chữ 七 thất, thì làm sao có thể dùng âm của loại chữ ấy mà đọc được?

Tôi cho rằng lời bình-luận nầy rất chính-đáng.

Người đời bảo sách Mai hoa Dịch số là của Thiệu -tử làm ra, lấy nét chữ đoán việc họa phúc của người, phụ hội với những điều bỉ-lậu thiển-cận, mười điều trúng được một hai thì không đáng tin.

Trần-Hậu-Sơn, người ở Kim-lăng thích giải tự (phân-tích chữ nho ra từng phần từng bộ) lấy:

- chữ 同 đồng (chung) và chữ 田 điền (ruộng) làm chữ 富 phú (là giàu. - Chung gộp ruộng lại thì giàu).

- chữ 分 phân (chia) và chữ 貝 bối (tiền) làm chữ 貧 bần (là nghèo. - của-cải bị phân-tán thì nghèo).

Sách Phật Hoa nghiêm biểu nghĩa chép: Chữ 卐 vạn vốn không phải là chính-tự. Trong niên-hiệu Trường-thọ thứ 2 (693) nhà Chu tạm chế ra chữ ấy. Đó là chữ vạn của nước Tây-vực (Ấn-độ) viết ở trước ngực của Phật, đó là tướng cát tường[677].

Nay ở các vật-dụng người ta thường khắc chữ ấy [18b] là ý nương-tựa vào điều tốt lành.

Sách Tây khê tối ngữ chép: Từ nhà Hậu-Ngụy cho đến khoảng nhà Tề nhà Lương, mỗi lần gặp đốt hương, trước hết người ta hơ tay vào khói thơm hoặc lấy phấn thơm rải ở lối đi, gọi đó là hành hương.

Đầu đời Đường cũng noi theo đó.

Sách của đạo Lão lấy một quyển làm một cuộc.

Sách Thuyết-phu[678] của Đào-Cửu-Thành[679] cũng dùng như sách Phật, lấy một điều làm một tắc.

Sách Dung trai tùy bút[680] của Hồng Cảnh-lư[681] cũng dùng theo đó.

Sách Tống-Kỳ[682] bút ký chép: Làm nhà theo thế quanh co gọi là Image. Tuấn bô là nhà lố-nhố không bằng-phẳng.

Chữ dũng đạo 甬道, sách Thông-giám chú rằng: Dũng đạo như loại đường đi giáp thành dưới đời nhà Đường, là đường đi có xây tường ở bên như lối ngõ.

Sách Nhĩ-nhã chép: Ngả năm (chỗ tẽ ra năm ngả) gọi khang, ngả sáu (chỗ tẽ ra sáu ngả) gọi trang.

[19a] Sách Giám giới lục chép: Sử đời trước nói dây đai lưng dài mười vi. Chữ vi, bề dài hai ngón tay cái hợp lại là một vi, tức nay là một nách 搦.

Sách Quy điền lục[683] chép: Tờ tấu của người nhà Đường không phải là tờ biểu hay tờ trạng thì gọi là bảng tử, người đời Tống gọi là tráp tử.

Sách Thuyết linh ngôn chinh chép: Cái 觚 là thanh gỗ để học viết chữ, hoặc để ghi chép sự việc, chuốc gỗ mà làm, có 6 mặt hay 8 mặt đều có thể viết được cả, vì thanh gỗ ấy có góc cạnh nên gọi là (chữ nghĩa là loại chén có 8 cạnh dùng để uống rượu).

Sách Văn-tuyển có câu: Thao cô tiến độc 操觚進牘 (nghĩa là: Cầm thanh gỗ cô để biên chép và tiến dâng thư trát).

Vua Chân-tông (998-1022) nhà Tống thường sai người chép những văn tập của Bạch-Lạc-thiên (Bạch-Cư-Dị), bao lại bằng trúc trật. Trật như tấm rèm tre [19b], ở trong có xếp nhiều lớp lụa mỏng cho chắc-chắn và kín-đáo.

Vì thế ngày nay người ta gọi một quyển sách là nhất trật.

Ngô-Hựu truyện đời Hậu-Hán chép: Lấy lửa hơ thẻ tre cho đổ mồ-hôi, viết chữ lên lớp xanh trên vỏ tre ấy vì dễ viết và mọt không đục, gọi là hãn giản[684].

Đời xưa lấy thẻ tre dài 3 thước (thước xưa) chép pháp-luật lên trên, gọi đó là Hình-thư, cho nên cũng gọi là Tam xích chi pháp (Pháp-luật chép trên thẻ tre dài ba thước).

Sách Uyên giám loại hàm chép: Con rùa có đức linh, lặn dưới nước bùn rất giỏi và không để ý đến việc ăn uống nuôi dưỡng lấy thân (không cần ăn uống) cho nên đời xưa cái phủ [685] cái quỷ [686] đều có vẽ hình con rùa ở trên.

Các quan đại-thần mắc tội không thanh-liêm bị phế chức thì không gọi là bất liêm (không thanh liêm) mà nói là phủ quỷ bất sức 簠簋不飭 (nghĩa là: cái phủ cái quỷ không chỉnh-đốn).

Thúc tôn truyện có câu: Thiết cửu tân[687] lô truyền[688] 設九賓矑傳 (nghĩa là: Đặt cách truyền lô khi có chín bậc tân khách đến chầu).

Chú:

, nhiều người.

Lô truyền, nhiều người lần-lượt truyền bảo cho nhau.

Đời xưa dùng hai chữ 洗馬 tẩy mã đặt tên quan.

Sách Văn hiến chép: Tẩy 洗 tức là tiên 先 (là trước)[689].

Chức quan ấy cỡi ngựa đi trước dẫn đường cho Thái-tử đi ra.

[20a] Hoài-Nam-Tử nói: “Về cây cỏ, chỗ to là cái gốc, chỗ nhỏ là cái ngọn. Về cầm-thú, phần to là cái đầu mà phần nhỏ là cái đuôi” .

Về câu “Tạc viên nhi nhuế phương ” 鑿圓而枘方 (nghĩa là: Lỗ tròn mà mộng vuông). Sách Sử-ký có câu: Cầm cái mộng vuông tra vào cái lỗ tròn thì có thể tra vào được không?

Chú:

Người thợ đẽo gỗ làm cái mộng vuông mà tra vào cái lỗ tròn thì không thể tra vào được.

Hoài-Nam-Tử nói: “Muôn dân mỗi người đều muốn làm điều mưu trí trá ngụy để cầu việc nhuế tạc[690], việc không phù-hợp ở đời” .

Lời chú nói rằng: Tạc là cái lỗ đục. Nhuế là cái mộng.

Người thợ đẽo gỗ làm cái mộng tra vào lỗ đục thì được ngay.

Hai thuyết không giống nhau.

Câu “Chúng khẩu thước kim ” 衆口爍金 (nghĩa là: Nhiều miệng làm chảy vàng) xuất-phát từ ông Quỷ-Cốc[691].

Sách Phong-tục thông chép: Thói tục nói: Có thứ vàng tốt mà mọi người đều chê là không nguyên chất. Khách buôn muốn bán được vàng bèn lấy lửa đốt vàng để mọi người trông thấy là thứ vàng thiệt.

[20b] “Chúng khẩu thước kim ”, nhiều miệng làm chảy vàng là vì thế.