Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 7 - Chương 03

Vua Tuyên-đế nhà Hán lập ra kinh Xuân-thu do Cốc-lương thị truyện và kinh Thượng-thư (kinh Thư) do Hạ hầu Thắng truyện (làm sáng tỏ ý nghĩa trong kinh).

Về việc này, Lưu Hâm[785] bảo: “Lỗi mà phế bỏ, thà lỗi mà lập ra”

Âm-nhạc của Sư-Khoáng[786], dụng-cụ của Công-Thu[787], tài bắn cung của Do-Cơ[788], tài đánh xe của Vương-Lương[789], họ nổi tiếng ở đời với một nghề, xưa nay không ai sánh kịp vì họ rất tinh-luyện.

Đọc kinh Thi kinh Thư mà không thể biết người, coi giữ âm-nhạc mà [4a] không nói được ý nghĩa thì có khác gì người chưa học?

Trương-Hành[790] đời Hán nhận thấy sau thời Trung-hưng các nhà nho tranh nhau làm sách Đồ-vĩ[791] bèn tâu lên vua rằng: “Hai cha con Lưu-Hướng (Lưu-Hướng và Lưu-Hâm) xét định cửu lưu[792], cũng không thấy môn sấm lục[793], thì biết rằng lời đồ sấm[794] có từ đời Hán Ai-đế (6-1 trước Tây-lịch) và Hán Bình-đế (1-5 sau Tây-lịch) là của bọn người lừa dối bịp đời để lấy lợi” .

Xét rằng: Lục kinh vĩHiếu kinh vĩThất vĩ (6 + 1=7) cộng chung được 35 thiên.

Từ Tần Phù-Kiên nghiêm cấm, về sau sấm tự mới dứt.

Đời Đường đời Tống không còn ai biết đến sấm nữa.

Đến nay sách ấy đã mất.

Trong sách Thuyết-phu soạn-giả chỉ thu-thập được mấy mươi thiên nhưng mà chương điều trùng điệp nhau, những điều thấy chép ở chú sớ thì sách này (Thuyết phu) đều không có.

Tôi trộm nghĩ rằng vĩ thư[795] tuy không do tay thánh-hiền làm ra, cũng do tay các đại nho học rộng trích chọn những ký truyện của đời thượng-cổ để làm thành, không phải bọn Hạ-Lương có thề sánh kịp được. Trong cửu lưu của Lưu-Hướng [4b] không có môn ấy.

Hoặc là sách chưa dâng vào Bí phủ[796].

Vương-Mãng[797] xảo trá làm ra phù-mệnh[798] không liên can gì đến vĩ-thư cả.

Điều mà đời Đông Hán gọi là xích phục phù[799]hội xương phù đều liên-hệ đến những sách khác chớ không liên-hệ đến Thất-vĩ.

Các nhà nho lại thích trích trong sách một lời hay nửa câu phù-hợp với tên vua tên quốc-hiệu, nhưng khi so sánh với văn lý thì thấy không thông.

Khảo xét bài biểu khuyên vua Chiêu-liệt tiến binh ở phần Thục-chí trong sách Tam-quốc thì có thể thấy lời lẽ rã-rời phụ hội không phải ý chỉ của vĩ-thư.

Nay xem sách Kiền khôn tạc độ[800] luận đến cửu cung bát quái có nhiều lời tinh-diệu sâu-xa, như nói: Dịch biến dịch dã 易變易也. Nghĩa là: Kinh Dịch là biến dịch, Trình-Tử và Chu-Tử đều cho là phải.

Sách Thông quái nghiệm[801] chép: Chính kỳ bổn nhi vạn vật lý 正其本而萬物理. Nghĩa là: Gốc cội đúng thì vạn vật yên định.

Sách Lễ-ký dẫn lời ấy mà nói: Còn những phép khác như nạp giáp[802], quái khí[803], thế ứng[804] thì họ Quách họ Kinh dùng để xem bói, đến nay linh-ứng không sai.

Sách Hà đồ quát địa tượng chép [5a]: Sự huyền-bí của trời đất là Ngũ-hành[805], Ngũ-nhạc[806], Bát-phong[807], Cửu-châu[808], Cửu-đạo[809], Tứ-duy[810], Tứ-độc[811] cùng với phía tây-bắc là Thiên-môn (cửa trời), phía đông-nam là Địa-hộ (cửa đất) mà các nhà nho bàn luận phần nhiều viện lẽ căn-cứ vào đấy.

Sách Xuân-thu vĩ nói: Tinh tượng rất rõ-ràng.

Sách ấy chép: Trời như cái trứng gà. Trời thì to, đất thì nhỏ. Trong ngoài đều có nước. Trời xoay chuyển như cái đùm bánh xe.

Đó là thuyết Hồn-thiên.

Nhà vua coi trời như cha, cúng tế trời ở Viên khâu (gò tròn), xem đất như mẹ, cúng tế đất ở Phương-trạch[812].

Đó là thuyết Nhị-giao.

Sách Thượng thư vĩ chép: Đất có tứ du[813], đông tây thăng giáng không vượt quá ba vạn dặm (30.000).

Sách Chính-mông của Trương-Tử cũng cho đó là phải.

Vòng trời có 365 độ và một phần tư độ (một độ là 1931 dặm).

Họ Thái (tức Thái-Trầm) trong sách Thư truyện cũng cho là phải.

Những thuyết ấy đều đủ để giúp vào việc khảo-cứu và mở rộng điều nghe thấy và không thể cho là giả dối [5b] mà tước bỏ được.

Sau trận lửa hồng của nhà Tần đốt sách, sách cổ tản-mác đã lâu rồi. Cũng may là còn mấy thứ có thể khảo cứu.

Há nên cho rằng nhất thiết chỉ có Lục-kinh là chính đáng mà không tin những sách khác hay sao?

Theo sách Hiếu kinh vĩ, Khổng phu-tử giao sách Xuân-thu cho ông Thương[814], giao sách Hiếu-kinh cho ông Sâm[815] (để học-tập và truyền bá trong đời).

Cái học của Kinh-Phòng[816] bắt nguồn ở Vĩ-thư.

Bát quái tự dùng số riêng của mình. Trong Bát-thuần quái, từ hào sơ biến làm mỗ nhất thế cho đến hào ngũ. Hào thượng bất biến lại biến hào tứ làm du-hồn[817].

Trở xuống dưới nội quái[818] biến hào tam làm quy hồn[819].

Đó là một quẻ biến ra tám quẻ khác hẳn với thứ-tự trong kinh Dịch.

Lại dùng Lục-thần, Lục-giáp phối-hợp vào Thập nhị chi (tý, sửu, dần, mão...) và Thập-can (giáp, ất, bính, đinh...).

Xem một quyển Dịch-lược của Kinh-Phòng thì thấy việc khảo-cứu về biến chiêm thật tinh tường, xưa nay tương truyền ứng-nghiệm rất nhiều không thể là dối trá được.

Kinh-Phòng ở vào đời Hán Nguyên-đế (48-33 trước Tây-lịch) [6a] theo học ông Tiêu-Diên-Thọ[820].

Ông Diên-Thọ lại ở vào thời vua Tuyên-đế (73-49 trước Tây-lịch).

Đấy là Vĩ-thư lưu-truyền đã lâu rồi mà bảo bắt đầu từ đời vua Ai-đế (6-1 trước Tây-lịch) vua Bình-đế (1-5 sau Tây-lịch) thì có thể được không?

Dịch học của Kinh-Phòng lấy hào sơ (hào đầu tiên từ dưới lên trên) cai quản 10 ngày thượng tuần, lấy hào nhị (hào thứ 2 từ dưới lên trên) cai quản 10 ngày trung tuần, lấy hào tam (hào thứ 3 từ dưới lên trên) cai quản 10 ngày hạ tuần.

Quản-tử[821] thật có tài giúp vua, sách của ông uyên-thâm vi-diệu, tinh-trí, sáng-sủa, đứng-đắn, có điều-lý, có thực-dụng về kinh-tế rõ-ràng bày ra trước mắt.

Những thiên luận về trị đều có nguồn gốc.

Thiên Nội-nghiệp luận về chính-trị có nói tâm phải lặng lại trùng hợp với sách Đại-học.

Đọc cho chín mấy thiên sách Quản-tử liền cảm thấy lòng mình thông suốt hòa hợp với việc đời, hoàn-toàn khác hẳn với lúc chưa đọc.

Tô-Đông-pha nói: “Cái thuật của Quản-Tử giống như của Thương-Ưởng[822], lời nói của Quản-Tử giống như của Hàn-Phi[823]” .

Tô-Đông-pha chê Quản-Tử [6b] như thế là quá lắm.

Quản-Tử, ở trên thì nói về kỷ-cương của trời và đất, ở dưới thì xét về tâm-tình của người và vật, làm sáng tỏ đạo-đức, hoài bão nhân nghĩa, gồm cả danh lẫn thực mà không lỗi về kỳ quái, làm tỏ-tường hình pháp mà cuối cùng trở về trung hậu.

Xét về ý chỉ của Quản-Tử thì thấy nào khác gì với của vương đạo[824].

Những thuyết của Hàn-Phi và của Trương-Ưởng lại thiên trọng về hình-pháp và hư danh không bao-quát há lại chỉ cách xa với Quản-Tử mà thôi hay sao?

Quản-Tử học-vấn thuần-chính, kể việc đơn-giản tóm-tắt vì là người có tài cao, kiến-thức siêu-việt, trong lòng thốt ra không điều gì là không chí-lý.

Văn-khí của Hàn-Phi-Tử không phải là không hùng vĩ khôi-kỳ, nhưng mà đầu tiên thì nói đạo-đức rồi cuối cùng quay về hà-khắc, lời nói thốt ra rồi thì không còn mùi vị gì vương theo nữa, thật là không giống nhau với của Quản-Tử.

Sách Quản-Tử[825] đáng nghi-ngờ là người đời sau có bắt chước chép thêm vào, không phải toàn sách là của Quản-Tử soạn ra, như chép:

- Vua nước Sở thích cái eo thon của phụ-nữ (lưng ong) mà người đẹp trong nước [7a] bớt ăn bớt uống (cho eo lưng được thon).

- Vua nước Ngô thích kiếm khách mà kẻ-sĩ trong nước xem nhẹ cái chết.

Thời thế đều không ứng hợp.

Quản-Tử làm tướng nước Tề, căn-bản sự-nghiệp của ông chỉ ở một thiên Nội-nghiệp. Trong một thiên ấy chẳng qua là bốn chữ nội tĩnh ngoại kính 内静外敬. Nghĩa là: ở trong thì điềm tĩnh, ở ngoài thì cung kính.

Tăng-Củng[826] nói văn của Lão-Tử[827] thì giản-cổ, văn của Liệt-Tử[828] thì hòa-hoãn, văn của Trang-Tử[829] thì kích-liệt.

Lời bình-phẩm này rất thích-đáng.

Trang-Tử có nhiều lời buồn đời giận thế, còn những điều hoang-đường sai-lạc thì mượn đấy để phát-biểu lời nghị-luận của mình.

Chu-Tử khi viết sách, khi truyền lời dạy bảo chưa từng không cho Lão-Tử là dị-đoan.

Dương-Quy-Sơn nói: “Sách Luận-ngữ gọi Lão-Bành là Lão-Tử” .

Sách Lão-Tử có năm ngàn lời là những lời tự-nhiên nói ra, có thể nói Lão-Tử không có làm (chỉ thuật lại lời của người mà thôi).

[7b] Chu -Tử nói: “Chỉ lấy đoạn nói về lễ số trong thiên Tăng tử vấn chứng-minh việc đó thì việc Lão-Tử chỉ thuật lại chớ không có làm và chỉ tin theo cùng thích theo xưa đều có thể thấy được.

Lão-Đam làm sử-quan nhà Chu coi giữ sử sách của quốc-gia và sách của Tam-hoàng[830] Ngũ-đế[831].

Như sách Lão-Tử có năm ngàn lời hoặc cũng có câu nói ấy và do Lão-Tử truyền lại cũng chưa có thể biết được, bởi vì Liệt-Tử dẫn sách của Tam-hoàng Ngũ-đế, tức là chương Cốc thần bất tử[832] trong sách Lão-Tử[833].

Sách Đạo-đức kinh có năm ngàn lời là sách sửa nước trị đời.

Tử-Do nói: “Đạo của Lão-Tử trong sách Đạo-đức kinh lấy thanh tĩnh vô vi làm tôn-chỉ, lấy hư vô ứng vật làm công dụng, lấy từ ái cần kiệm không cạnh-tranh làm hạnh-kiểm” .

Đấy là chỉ kể ra phần đại-lược chớ không thể nói hết ý chỉ của quan Trụ-hạ-sử[834] Lão-Đam được.

Trong Đạo-đức kinh, Lão-Tử có những câu:

- Tuyệt thánh khí trí dân lợi bách bội 绝聖棄智民利百倍. Nghĩa là: Dứt óc sáng-suốt bỏ trí thông-minh thì dân được lợi gấp trăm lần.

- Tuyệt nhân khí nghĩa dân phục hiếu từ 绝仁棄義民復孝慈. Nghĩa là: Dứt điều nhân bỏ điều nghĩa thì dân sẽ hiếu thảo nhân từ trở lại.

- Tuyệt lợi khí xảo [8a], đạo tặc vô hữu 绝利棄巧, 盜賊無有. Nghĩa là: Dứt cái lợi ích, bỏ cái khéo-léo thì trộm-cướp không có.

Đó là lời mà Lão-Tử cảm phát thốt ra.

Ba câu trên đều quy về một câu sau đây: Đại phác ký tán, xảo lợi dũ đa, sở dĩ dũ sinh đạo tặc dã 大樸旣散, 巧利愈多,所以愈生盜賊也. Nghĩa là: Tính chất-phác đã tiêu-tan hết thì cái khéo-léo cái lợi ích càng nhiều cho nên càng sinh ra trộm cướp.

Mạnh-Tử đã nói một cách đau-đớn về lợi ích, mà Chu-Tử cũng có bài Chuyết-phú (bài phú về tính-chất vụng-về), đều cùng một ý với những câu trên.

Mềm yếu là kẻ sống còn, cứng mạnh là kẻ chết mất, lấy việc quốc-gia làm tỷ-dụ:

- Vua Câu-Tiển[835] nước Việt, Thát-Bạt[836] nước Ngụy đã ẩn nấp không tranh đua, khi dấy lên thình-lình thì dũng-mãnh.

- Vua Phù-Sai mất nước trước nước Tề nước Tấn.

- Nước Thục Hán mất trước nước Ngô.

- Doanh-Tần[837], Phù Kiên, Tùy Dượng-Đế[838] mới được hai đời thì mất.

- Sài-Chu[839] mất trước nhà Nam-Đường.

- Nhà Kim mất nước trước nhà Tống.

Đại khái là như thế có thể nghiệm thấy được.