Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 7 - Chương 04

Sách Âm-phù rất vi-diệu tinh-túy.

Chu-Tử nói: “Không phải là người biết đạo thì không thể làm nổi. Cái học của Tô-Tần và Trương-Nghi [8b] chỉ là mò mẫm, chớ không phải ở sách nầy” .

Liệt-Tử[840] đương thời vua Uy-liệt-vương (425-403 trước Tây-lịch) văn thể đã hơi biến. Sách ấy thường đưa ra những lệ ngữ[841] như những câu:

- Bất thí bất huệ nhi vật tự túc 不施不惠而物自足. Nghĩa là: Không cho không ban ân và vật tự đủ dùng.

- Bất tụ bất liễm nhi kỷ vô khiên 不聚不斂而己無愆. Nghĩa là: Không chất chứa không thu vét mà mình không tội-lỗi.

- Nhật nhật tiến cẩm y 日日進錦衣. Nghĩa là: Ngày ngày dâng áo gấm.

- Tảo tảo tiến ngọc thực 早早進玉食. Nghĩa là: Sáng sáng dâng hột ngọc, tức cơm trắng.

- Tâm doanh thế sự 心營世事. Nghĩa là: Lòng lo việc đời.

- Lự chung gia nghiệp 慮鍾家業. Nghĩa là: Lo tu nghiệp nhà.

- Đông cầu hạ cát 東夏葛裘. Nghĩa là: Mùa đông thì mặc áo da, mùa hạ thì mặc áo gai.

- Thủy chu lục xa 水舟陸車. Nghĩa là: Dưới nước thì đi thuyền, trên bộ thì đi xe.

- Thinh chấn lâm mộc 聲振林木. Nghĩa là: Thinh âm chấn động cây rừng.

- Hưởng át hành vân 響遏行雲. Nghĩa là: Tiếng dội chận mây bay.

- Y đoản hạt[842] hữu hồ hạc[843] chi ôn 衣短褐有狐貉之温. Nghĩa là: Tuy mặc áo vải ngắn mà có sự ấm-áp của áo da chồn da cáo.

- Tiến nhung-thúc hữu đạo lương chi vị 進戎菽有稻粱之味. Nghĩa là: Tuy ăn đậu thô mà có mùi vị của gạo nếp gạo kê.

- Quân thần giai an 君臣皆安. Nghĩa là: Vua và kẻ bề-tôi đều yên.

- Vật ngã giai lợi 物我皆利. Nghĩa là: Vật và ta đều lợi.

Văn-thể ấy khác hẳn với sách Tả-truyện và sách Quốc-ngữ.

Trong Tả-truyện chỉ có một câu đối ngẫu như thế:

- Sào vẫn chư Phàn 巢隕諸樊. Nghĩa là: Cái ổ rơi ở đất Phàn.

- Hôn tường tại Ngô 閽戕在吳. Nghĩa là: Người giữ cửa bị sát hại tại nước Ngô.

Liệt-Tử và Trang-Tử là những người lánh đời ở ẩn, ăn nói phóng-túng, nhưng tóm lại, Liệt-Tử có thần vận, Trang-Tử [9a] có khí cách.

Trang-Tử nói: “Nầy, tâm-tình con người ta, mắt muốn trông được sắc thật đẹp, tai muốn nghe tiếng thật hay, miệng muốn ăn vị thật ngon, mũi muốn ngửi mùi thật thơm, lòng muốn thật thong-thả. Năm điều cực sướng thích ấy, tâm tình con người ta không thể khỏi được.

Nuôi dưỡng năm điều cực sướng thích ấy thì phải có tài-năng. Không có tài-năng thì không thể được năm điều cực sướng thích ấy.

Cho nên bậc vua sáng tất nhiên trước hết phải trị yên nước mình, rồi về sau trăm điều vui thú sẽ được” .

Ôi! Nếu tin theo lời nầy, thì từ xưa trị nước lại là công-cụ để cầu dật-lạc thỏa tình dục hay sao?

Đáp lời Ai-công, Khổng phu-tử nói: “Chính-trị của Văn-vương của Vũ-vương còn bày ở sách sử. Người còn thì chính-trị thi-hành, người mất thì chính trị dứt bỏ” .

Tuân-Tử nói: “Pháp-chế không thể đứng một mình, việc không thể tự thi-hành, được [9b] người giỏi thì pháp-chế còn, mất người giỏi thì pháp-chế mất” .

Nói như thế cũng là một ý ấy.

Nhưng lời nói của thánh-nhân thì tự nhiên phẳng ngay.

Tuân-Tử nói: “Hữu trị nhân, vô trị pháp ” 有治人無治法. Nghĩa là: Chỉ có người làm nên cuộc an trị, chớ không có pháp-chế làm nên cuộc an trị.

Lời nầy càng thấy cảm phát mạnh-mẽ.

Hàn-Phi-Tử nói:

“Nước Dĩnh có người viết thơ cho quan Tể-tướng nước Yên, viết thơ ban đêm mà tối lửa. Người cầm nến bảo: “Cử chúc” (đốt nến). Người viết thơ bèn viết lộn chữ cử chúc (đốt nến) vào trong thơ. Việc cử chúc (đốt nến) không phải là ý của bức thơ ấy. - Quan Tể-tướng nước Yên nhận bức thơ, vui mừng bảo: “Cử chúc là đốt nến là chuộng sáng. Chuộng sáng là tiến-cử bậc hiền-tài mà dùng” .

Quan Tể-tướng bèn trình lên vua. Vua cả mừng, cho tiến-cử người hiền-tài mà nước được trị. Nước được trị vì tiến-cử người hiền-tài không phải ý của bức thơ.

Do đó có thể biết quan Tể-tướng nước Yên là người hiền-tài, lòng chân-thành ưa việc thiện, cho nên hễ mắt trông đến đều là chân cơ chí lý.

Sách Lữ-thị Xuân-thu[844] nói về việc trị nước còn có chỗ đúng, lời lẽ tinh-thông sáng-sủa, ý nghĩa gọn-gàng tóm-tắt [10a] hơn hẳn sách Hoài-Nam-Tử.

Sách Án-Tử Xuân-thu[845] có câu: Thánh nhân thiên lự tất hữu nhất thất. Ngu giả thiên lự tất hữu nhất đắc. 聖人千慮必有一失. 愚者千慮必有一得. Nghĩa là: Người sáng nghĩ một ngàn điều ắt có một điều hỏng, Người ngu tối nghĩ một ngàn điều ắt có một điều nên.

Lý-Tả-Xa[846] dẫn câu nầy.

Sách Lữ-thị Xuân-thu có chép bài ca nhạc của thời Cát-thiên-thị[847], tám người lực-sĩ bắt bò, người thì giẫm chân, người thì ghì đuôi, người thì nắm sừng, làm náo-loạn mà hát bài Bát-chung, cung gọi là bài Tải-dân.

Cao-Dụ[848] chú-thích:

- Đầu túc 投足 cũng như lạc túc 樂足 là động chân.

- Tải dân 載民 là nói bản nhạc tổng gộp muôn vật, là tên của tám thiên nhạc.

Đầu túc theo ý của tôi tức là loại hát giậm chân của đời sau nầy.

Sách Tố-thư[849] nói về đạo tu thân tiếp vật (sửa mình và tiếp-xúc với mọi vật ở ngoài).

Sách Âm-phù[850] nói về sự huyền-bí của trời, đất, người và vật.

Sách Tam-lược[851] nói về thuật trị [10b] nước dùng binh.

Về nghĩa lý thâm-trầm của sách xưa thì không sách nào hơn ba bộ nầy.

Lưu-hầu (Trương-Lương)[852] học những sách này cho nên làm bậc thầy của vua mà thân-thế thanh-danh đều được thông đạt.

Có người nói Trương Tử-Phòng chiêm-nghiệm thì cũng nông cạn lắm.

Sách Hán-thư nói Trần-Bình[853] ham đọc sách, chuyên về cái thuật của Hoàng-đế và Lão-Tử, chỉ có ba mươi mẫu ruộng, và nói Trương-Lương chỉ có binh-pháp mà thôi.

Đầu đời nhà Hán, nói về kinh Thi kinh Thư thì chỉ có Lục-Giả[854] mà thôi.

Sách Tân-ngữ[855] của Lục-Giả rất là thuần-chính, có phải là môn-phái của Thất-thiên[856] chăng?

Mỗi lần một thiên được tâu lên, Cao-tổ liền khen ngợi, cuối cùng đã mở đầu việc trau-giồi kinh Thi kinh Thư đời nhà Hán.

Lục-Giả là người có tài giúp vua.

Trần-Thắng[857] lúc mới khởi binh đã biết tìm dòng-dõi của thánh-nhân, đón Khổng-Phụ[858] tôn lên làm Thái-sư bác-sĩ. Tuy đại sự không thành nhưng Trần-Thắng cũng đáng gọi là có kiến-thức cao-siêu.

Tiếc rằng việc nầy không được sử sách đề cao [11a], nay chỉ thấy ở trong sách Khổng-Tùng-Tử[859].

Sách Thuyết uyển tân tự trích chọn những lời hay nết đẹp của đời Thượng-cổ trước thời-kỳ nhà Tần đốt sách với lời khuyên răn sáng tỏ đầy-đủ và lời nghị-luận thuần nhã không rườm-rà không tạp-nhạp, như của thiên-tử ở dưới nhà lớn trên nệm êm[860] có thể khảo-xét được.

Sách Hàn thi ngoại truyện[861] trưng-dẫn cũng nhiều danh-ngôn[862] cách-luận[863], nhưng có hơi phiền tạp không được thuần-túy như sách nầy (Thuyết-uyển).

Dương Tử-Vân (tức Dương-Hùng) sưu tập những lời nói lạ của nước khác làm sách Phương-ngôn có 15 quyển, được Lưu-Hâm khen rằng: “Nếu không có tài điềm-đạm, nếu không có ý thâm-trầm thì không thể có tinh-nhuệ lâu năm để hoàn-thành sách nầy được” .

Trọng-Trường-Thống[864] và Tuân-Duyệt[865] đều là thuần nho đời Hán, sách Xương-ngôn (của Trọng-Trường-Thống soạn) và sách Thân-giám (của Tuân-Duyệt soạn) đều kể rõ sự tình, trương bày tiếng-tăm về đạo-đức và thực công về trị nước yên dân không trái với đạo-đức nhân nghĩa. Do đó có thể biết được Trọng-Thường-Thống và Tuân-Duyệt đều có tài học về kinh bang tế thế.

[11b] Sách Hoài-Nam-Tử nói: “Sức của vua Kiệt có thể bẻ nổi sừng hươu, duỗi ngay nổi cái móc, kéo nổi sắt làm dây, hút nổi vàng” .

Người viết sách Ngoại-kỷ chép sai ra: Năng thân câu sách 能伸鉤索. Nghĩa là: Có thể kéo ngay nổi dây xích sắt.

Nhà nho đời Hán xuyên-tạc, lại lấy đoạn năng thân thiết câu 能伸鉄鉤 (nghĩa là: Có thể kéo ngay cái móc) làm một câu, đem chữ sách 索 cho thuộc về đoạn văn ở dưới thành câu Sách phạt Hữu-Thi thị 索伐有施氏 (Nghĩa là: Tìm kiếm tội-lỗi của họ Hữu-Thi mà đánh để trừng-trị).

Giải nghĩa cưỡng ép đến như thế.

Hoài-Nam-Tử nói: “Bá-Nha cổ cầm nhi tứ mã ngưỡng mạt ” 伯牙鼓琴而駟馬仰秣. Nghĩa là: Bá-Nha đánh đàn rất hay khiến con ngựa đang ăn phải phun lúa ra ngẩng đầu lên cười[866].

Chú:

Ngưỡng tức ngẩng đầu, nói con ngựa cười.

Hoài-Nam-Tử nói: “Hồ-Ba cổ sắt nhi du ngư xuất thính ” 瓠巴鼓瑟而遊魚出聽. Nghĩa là: Hồ-Ba đánh đàn sắt thì con cá đang lội phóng lên nghe.

Chú:

Ba, người nước Sở vốn đánh đàn sắt rất hay, có con cá lặn dưới nước dài hơn trượng phóng lên mặt nước mà nghe.

Liệt-Tử nói: “Hồ-Ba cổ [12a] sắt nhi điểu vũ ngư dược ” 瓠巴鼓瑟而鳥舞魚躍. Nghĩa là: Hồ-Ba đánh đàn sắt thì chim múa cá nhảy.

Tôn-Khanh-Tử nói: “Hồ-Ba cổ sắt, du ngư xuất thính ” 瓠巴鼓瑟遊魚出聽. Nghĩa là: Hồ-Ba đánh đàn sắt thì con cá lội phóng lên nghe,

Hoài-Nam-Tử nói: “Sở quốc vong kỳ viên nhi lâm cầu vị chi tàn ” 楚國亡其猨而林求爲之殘. Nghĩa là: Nước Sở mất con vượn mà rừng cây phải tàn rụi vì cuộc tìm kiếm.

Chú:

Làm rừng cây tàn rụi vì tìm kiếm con vượn.

Bách gia thư chép: Tống thành môn thất hỏa, nhân cấp trì thủy dĩ quán ốc chi, trì chung không kiệt ngư tất lộ 宋城門失火因汲池水以灌沃之池中空竭魚悉露. Nghĩa là: Cửa thành nước Tống bị lửa cháy, vì người ta múc nước hào tưới lửa, trong hào cạn nước, cá đều lộ ra cả.

Đỗ-Bật nước Ngụy làm bài hịch kể tội nước Lương, lời lẽ gốc ở đây.

Nhan-Chi-Thôi nói: “Sách Thái sử công ký có câu: Ninh vi kê khẩu, vô vi ngư hậu 寜爲鷄口無爲牛後. Nghĩa là: Thà làm mỏ gà, chớ không thèm làm đít bò[867]. Đó là dùng câu trong sách Chiến-quốc sách[868].

Sách Chiến-quốc sách âm nghĩa của Diên-Đốc chép: Thi, kê trung chi chủ, tùng, ngưu tử 尸鷄中之主, 從, 牛子. Nghĩa là: Thi là phần chủ-yếu trong con gà, tùng là con bò con.

Như thế thì chữ khẩu 口 đổi ra chữ thi 尸, chữ hậu 後 đổi ra chữ tùng 從.

Đó là thói tục viết sai.

[12b] Khoái-Triệt tâu với Hán Cao-tổ rằng: Chích chi cẩu phệ Nghiêu, Nghiêu phi bất nhân, cẩu cố phệ phi kỳ chủ 跖之狗吠堯, 堯非不仁, 狗固吠非其主. Nghĩa là: Con chó của thằng ăn trộm Chích sủa vua Nghiêu. Vua Nghiêu không phải là bất nhân mà chó sủa. Chó sủa vua Nghiêu, vì vua Nghiêu không phải là chủ của nó.

Đó toàn là dùng Chiến-quốc sách, chỗ Điêu-Bột nói với Điền-Đan.

Sách Luận-Ngữ[869] chép việc Công-Dã-Tràng bị giam trong ngục mà không phải là ông có tội.

Sách Quảng-bác vật-chí chép: Công-Dã-Tràng nghe được tiếng chim, nhà nghèo, ở không, không lấy gì mà nuôi sống. Có con chim bay đến nhà ông kêu lên rằng: “Ở núi Nam có con cọp tha con dê đến đấy, hãy mau đến đấy mà lấy” .

Y theo lời chim, Công-Dã-Tràng đi đến trong núi, quả nhiên lấy được con dê.

Đến khi người mất dê dò theo dấu tìm thấy sừng dê, cho là Công-Dã-Tràng ăn trộm dê, thưa lên quan.

Vua nước Lỗ bắt Công-Dã-Tràng giam vào ngục. Đức thánh Khổng phu-tử của ta có biện-bạch cho Công-Dã-Tràng mà cũng không gỡ cho khỏi tội.

Chưa bao lâu, chim sẻ lại kêu ở nhà ngục rằng: “Người nước Tề xâm-lăng biên-cương hãy mau chống ngăn chúng” . Viên giữ ngục bẩm lên vua Lỗ. Vua Lỗ không tin, chỉ theo lời mà dò xem thì được [13a] biết quân Tề quả đã tiến đến, bèn sai Công-Dã-Tràng phát binh chống giặc được thắng trận.

Do đó vua Lỗ tha cho Công-Dã-Tràng, ban tước và cho làm quan Đại-phu.

Ông không nhận những ban thưởng ấy vì thẹn mình được tước lộc nhờ loài cầm-thú.

Về sau ông bỏ cái học nghe tiếng chim.

Việc nầy giống như chuyện của người nhà quê ở miền đông nước Tề, e rằng không phải là chuyện thật.

Thiên Cảo-chí trong sách Đại Đái lễ[870] chép: Khổng-Tử nói với vua Ai-công rằng: “Lịch đời nhà Ngu, nhà Hạ, tháng giêng chuôi sao Bắc-đẩu chỉ cung Mạnh-dần, lúc ấy nước đá mới tan, côn-trùng mới tỉnh dậy, các loài cây cỏ mới bắt đầu mọc mầm đâm tượt[871], thụy trĩ[872] kêu không trái thời-tiết, vạn vật cùng với sao Tuế[873] đều sinh ở phương đông để thuận bốn mùa, rồi dứt ở đông phận. Lúc ấy gà gáy ba lần và cuối cùng trời sáng với thinh âm và màu sắc, tuần tự 12 tháng thời-tiết dứt vào tháng sửu, tức tháng chạp[874]. Ngày tháng đầy đủ thành một năm.

Trải qua năm năm thì nhuận một lần để thuận đạo trời.

Đó gọi là Ngu kế nguyệt.

Thiên (trời) nói là Tác minh nhật dữ, duy thiên thị đái (nghĩa là: Làm ra ánh sáng ngày ngày, chỉ đội trời lên đầu).

Địa (đất) nói là Tác xương nhật dữ duy [13b] địa thị sự (nghĩa là: Làm cho vạn vật thịnh-vượng dồi dào ngày ngày chỉ lo làm việc cho cuộc đất).

Nhân (người) nói là Tác lạc nhật dữ, duy nhân thị hi (nghĩa là: Làm vui thích ngày ngày, chỉ có người là vui chơi).

Đấy gọi là trong ngoài hợp nhau với mọi vật sinh ra và cái đạo phồn-thịnh dồi dào như thế.

Trời làm ra người, đất làm cho giàu có, người làm ra thịnh-trị, vui cuộc thịnh-trị mãi mà không chán mỏi, của-cải thuế-má hợp thời-tiết.

Nay chọn lấy phần Ngoại-kỷ, xén gọt quá nhiều khiến cho văn-chương không thấu-triệt được.

Sách Sơn-hải-kinh nói: Trên núi ở Hấp-châu có con chim năm màu ngẫng lên trời, gọi là minh-điểu, cho nên mới có phong tục Bách nhạc ca tiên.

Phần Ngoại-kỷ nói vua Chúc-Dung nghe tiếng chim minh-điểu để làm nhạc ca, là trích lấy đoạn văn nầy.

Sách Lữ-thị Xuân-thu chép: Ninh-Thích[875] muốn cầu gặp vua Hoàn-công nước Tề, vì khốn cùng không lấy gì để tiến đạt mình, mới làm khách thương [14a] đi kéo xe cho người đến nước Tề, chiều tối ngụ ở ngoài cửa thành.

Tề Hoàn-công ra đón khách ở ngoài xa, ban đêm mở cửa thành, đuổi kẻ kéo xe thuê, đèn đuốc sáng choang, kẻ theo hầu rất đông-đảo.

Ninh-Thích đang cho bò ăn ở dưới xe, xa trông thấy Tề Hoàn-công bèn buồn-bã gõ sừng bò mà vội hát.

Sách Văn-tuyển chú:

Thương là khúc ca.

Bài hát ấy của Ninh-Thích như sau:

月出東方兮礪石班

上有松栢兮青且蘭

麤布衣兮縷縕

辰不遇兮堯舜

牛兮努力食細草

大臣在爾側

且當與爾適楚國

Nguyệt xuất đông phương hề, lệ thạch ban.

Thượng hữu tùng bách hề, thanh thả lan.

Thô bố y hề, lũ uẩn,

Thời bất ngộ hề, Nghiêu Thuấn.

Ngưu hề, nỗ lực thực tế thảo.

Đại thần tại nhĩ trắc,

Thả dương dữ nhĩ thích Sở quốc.

Dịch nghĩa

1) Mặt trăng mọc ở phương đông, đá mài lấp lánh.

2) Ở trên cây tùng cây bách xanh tốt lại thơm tho.

3) Mặc áo vải thô bằng chỉ gai,

4) Không gặp thời, không gặp được vua Nghiêu vua Thuấn.

5) Bò ơi, rán sức ăn cỏ mọn.

6) Vị đại-thần đang ở một bên ngươi.

7) Sẽ phải cùng ngươi đi qua nước Sở.

Dịch thơ

Trăng lên đông, đá mài lấp-loáng,

Tùng bách đều tươi-tắn thơm xanh.

Chỉ gai áo vải một manh,

Thuấn Nghiêu chẳng gặp, thời đành dở-dang.

Mớ cỏ mọn, rán ăn bò hỡi!

Vị đại-thần hiện tại bên ngươi

Kíp sang nước Sở cho rồi.

Bởi vì: Ninh-Thích là người nước Vệ.

Thương là tiếng kim, trong-trẻo cho nên lấy thương làm ca khúc.

Ứng-Thiệu[876] lại nói: “Tề Hoàn-công đang đêm ra đón khách, Ninh-Thích gõ sừng bò cao tiếng hát:

南山嵯峨白石爛

生不逢堯與舜禪

短布單衣適至骭

從昏飯牛薄夜半

長夜冥冥何辰旦

Nam-sơn tha-nga, bạch thạch lạn,[877]

Sinh bất phùng Nghiêu dữ Thuấn thiện.

Đoản bố đan y thích chí cán[878]

Tùng hôn phạm ngưu bạc dạ bán

Trường dạ [14b] minh minh hà thì đán?

Dịch nghĩa

1) Núi Nam cao vòi-vọi, đá trắng tươi sáng.

2) Sống không gặp thời vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn.

3) Vải ngắn áo đơn đến ống chân.

4) Từ tối đến nửa đêm cho bò ăn.

5) Đêm dài tăm-tối bao giờ trời sáng?

Dịch thơ

Đá trắng phao núi Nam hiểm tuấn,

Không gặp thời Nghiêu Thuấn truyền ngôi.

Áo đơn vải ngắn phủ đùi,

Cho bò ăn cỏ, tối trời đến đêm.

Bao giờ sáng trong đêm đằng-đẵng?

Bài hát nầy khác với bài hát trước.

Trâu-vương dâng thư lên vua nước Lương rằng: “Thân-Đồ-Địch xuống sông trầm mình” .