Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 7 - Chương 06

Bài thơ nầy có phong cách thời Tiên-Tần (Thời kỳ trước lúc Tần Thủy-hoàng đốt sách).

Sách Binh chí nhà Hán không có, không phải Ban Mạnh-Kiên (Ban-Cố) vì sót mà bỏ qua không chép.

Việc binh chuộng thần-bí và cẩn-mật. Phép tắc [16b] khôn khéo đều không lộ ra để người ta nghe thấy.

Cho nên Công-tôn-Hoằng[900] chú thích sách Át-kỳ kinh[901] có nói: “Từ đời cận cổ đến nay, bản văn về binh-thư không đầy một thước, phần nhiều là truyền miệng dạy bảo nhau” .

Huống chi chức Xa kỵ tướng quân[902] và chức tài quan[903] do nhà Hán đặt ra đều không mất cái ý tứ đời xưa truyền lại là Ngụ binh ư nông (nghĩa là = Gởi quân vào việc làm ruộng), hàng năm đều có thi về vũ-bị và lấy binh-pháp xử lý, khi hữu sự thì trưng-tập điều-động, xuống hổ-phù[904] mà tham-nghiệm xem-xét.

Đại-khái là như thế, không phải tùy theo thời mà cải biến như đời Đường đời Tống trở về sau, cho nên nhà chép sử không chép.

Khí đồng tắc tùng, thinh tý tắc ứng 氣同則從, 聲比則應. Nghĩa là: Hễ cùng một khí với nhau thì theo nhau, cùng một tiếng với nhau thì ứng đáp nhau.

Đó là lời mà Công-tôn-Hoằng dẫn ở sách Lữ-lãm (tức Lữ-thị Xuân-thu).

Sách Át kỳ kinh của Phong-Hậu từ đời xưa truyền lại có 380 chữ, được Công-tôn-Hoằng chú giải, giảng cứu binh pháp rất rõ-ràng.

Đương lúc Hán Vũ-đế đánh Hung-Nô, đúng là lúc [17a] người ta đem tài-nghệ sở trường ra dùng, lại không nghe ai đem binh pháp ra thương-lượng với Vệ-Thanh[905] và Hoắc-Khứ-Bịnh[906] cả.

Há là khoe-khoang tài-năng mà khinh bạc tự kiêu hay sao?

Phần Giao tự chí đời Hán chép: Hán Vũ-đế sai Loan-Đại thí-nghiệm phép mọn về đánh cờ. Con cờ tự xúc chạm nhau.

Sách Vũ đế cố sự lại chép: Quan Thái-thường[907] rung phất mấy mươi cây cờ tinh[908] ở trước điện. Cờ đại lịnh tinh tự phất lá cờ vào nhau, lá cờ lại tụt xuống[909] ở giữa sân cách mặt đất hơn mười trượng. Những người xem đều kinh hãi.

Phiền lộ 蘩露 xuất xứ từ thiên Vương-hội ở sách Dật Chu thư[910], có lời chú-giải rằng: Là những viên ngọc kết thòng xuống ở phía trước và phía sau mũ của vua giống như giọt sương thòng xuống, hình như xâu chuỗi liền nhau.

Trong kinh Xuân-thu, có những lời liên-thuộc nhau, những việc liên-quan nhau, cho nên sách của Đổng-Trọng-Thư gọi là Xuân-thu phiền lộ, là vì lấy ý ở đấy.

[17b] Sách Văn-tuyển lục thần chú có chép bài tụng Bích-kê[911] của Vương-Bao[912] như sau:

持節使者

敬移金精神馬

縹渺碧鷄之神

歸來歸來

漢德無彊

澤配三皇

廣乎唐虞

黄龍見兮

白虎仁

歸來歸來

可以爲倫

歸來翔兮

何事南荒

Tri tiết sứ giả,

Kính di Kim tinh thần mã

Phiêu diễu[913] Bích-kê chi thần:

Quy lai quy lai.

Hán đức vô cương,

Trạch phối Tam-hoàng,

Quảng hồ Đường Ngu.

Hoàng long hiện hề,

Bạch hổ nhân.

Quy lai, quy lai,

Khả dĩ vi luân.

Quy lai tường hề,

Hà sự Nam hoang[914]?

Dịch nghĩa

1) Sứ giả cầm cờ tiết,

2) Cung kính mời rước Kim-tinh Thần mã.

3) Và thần Bích-kê ở chốn cao xa:

4) Hãy trở về triều, hãy trở về triều.

5) Đức nhà Hán vô biên,

6) Ân trạch của nhà Hán sánh với Tam-hoàng,

7) Rộng hơn của vua Đường Nghiêu và Ngu Thuấn.

8) Rồng vàng hiện lên,

9) Cọp trắng nhân từ.

10) Hãy trở về triều, hãy trở về triều,

11) Có thể làm đạo lý.

12) Hãy trở về triều, bay liệng mà đi,

13) Còn có việc gì ở cõi phương Nam xa-xôi?

Dịch thơ

Cầm cờ tiết ra đi sứ-giả,

Tìm Kim-tinh Thần mã khẩn cầu,

Thần Bích-kê chốn núi cao,

Hãy về cho gấp, về mau triều-đường.

Của nhà Hán vô cương công đức,

Ân trạch thì sánh bực Tam-hoàng.

Hơn Đường Ngu vẻ thênh-thang.

Cho nên đã thấy rồng vàng hiện ra.

Lại vô cùng nhân hòa cọp trắng.

Hãy mau mau về thẳng triều-đình.

Để làm đạo lý sinh linh.

Liệng bay mà trở về nhanh cho rồi.

Việc gì nữa ở nơi Nam-phục?

Theo sách Hán-thư, Dương-Hùng quái lạ về Khuất-Nguyên không được vua khoan-dung mới làm bài Ly-tao rồi tự trầm mình xuống sông mà chết.

Đọc bài văn Ly-tao mà thương cảm, Dương-Hùng cho là người Quân-tử gặp thời thì làm lớn, không gặp thời thì làm như con rồng con rắn ẩn lánh cho yên thân. Gặp thời hay không gặp thời đó là số mệnh, sao lại trầm mình như vậy?

Dương-Hùng bèn làm những thiên Phản-taoQuảng-tao để đáp lại.

Họ Vương ở Điều-khê phê-bình Trần-Phiền[915] chính đã dẫn những lời nầy.

[18a] Phép khảo hạch các lại-viên của Kinh-Phòng và 72 điều của Lưu-Thiệu, sử không chép.

Theo sách Thông-khảo, Kinh-Phòng tâu về Khảo công khóa lại pháp (phép khảo hạch công khóa các lại-viên) như sau:

Mỗi huyện có một viên lịnh, một viên thừa và một viên ủy coi sóc.

Nếu dân trọng giáo-hóa không phạm pháp thì các viên chức ấy được thiên chuyển.

Có trộm cướp mãn ba ngày mà không hay biết, đó là việc của viên úy.

Nếu viên lịnh hay biết thì viên lịnh được tự ý trao chức cho hai viên úy.

Mọi việc cuối cùng đều suy theo phép ấy.

Lưu-Thiệu làm ra phép Đô quan khảo khóa có 72 điều để khảo hạch các quan, đại lược như sau:

Muốn cho các châu quận khảo sĩ thì phải do bốn khoa, bốn khoa nầy đều bắt chước giống nhau, rồi sau mới xem xét mà tiến-cử lên, hoặc đưa vào công-phủ, mỗi khi xem xét người, thì viên trưởng lại lấy công mà thiên chuyển, kế đến cho bổ quận thú, hoặc theo trậc mà ban tước.

Đến các chức công khanh và nội chức đại-thần cũng đều noi theo đó mà khảo-hạch.

[18b] Hồ-Tri-Đường nói: “Người mà nhiều nhàn-hạ thì hơn người ta không xa mấy” .

Lời nầy xuất phát từ Tuân-tử.

Theo sách Thục-chí, Bàng-Thống[916] làm công tào ở quận, mỗi khi khen ai thì khen quá cái tài của người ấy. Người ta lấy làm lạ hỏi ông. Ông đáp: “Nay đạo thuần nhã đã đồi phế, người lành thì ít, người dữ thì nhiều. Nay cất nhắc mười người thì được năm người giỏi thì còn có thể tôn-sùng khuyến lệ thế giáo. Quá khen như thế là để cho người có chí tự cố gắng” .

Lời nói của vua Thái-tông nhà Tống gốc ở lời nầy.

Sách Thiếu vi thông giám bản in có chỗ sai.

Ở phần Tấn-kỷ, Ôn-Còng dẫn câu nói của Tuân-Tử: “Kiêm tính dụ năng dã, kiên ngưng chi nan diên[917] 兼幷易能也堅凝之難焉. Nghĩa là: Gồm thâu thì dễ, còn định yên giữ vững thì khó.

Ở phần Đường kỷ, nhà chép sử luận về Tùy Dượng-đế có nói: “Đại phương[918] triệu loạn, toại đăng trừ vị ” 大方肇亂遂登儲位. Nghĩa là: Đất mở cơn biến-loạn, cho nên ta mới lên ngôi Thái-tử.

Mỗi lần đọc đến đấy tôi đã trộm nghi-ngờ. Khi đọc sách Tuân-tử, thấy viết chữ kiêng ngưng 堅凝, và đọc Chính-sử thấy viết chữ Thiên-phương 天方 (Câu Thiên-phương triệu loạn, toại đăng trừ vị 天方肇亂遂登儲位. Nghĩa là: Trời vừa mở cuộc biến loạn, cho nên ta mới lên ngôi Thái-tử), bấy giờ tôi mới thấu hiểu.

[19a] Phần Phù thụy chí trong sách Tống-thư chép như sau:

Thuật sĩ đời Hán nói: “Hình cờ vàng và lọng tía hiện ra ở khoảng sao Ngưu sao Đẩu, thì có khí-tượng thiên-tử ở Giang-đông” .

Cho nên Điêu-Huyền lấy việc đó nói với Tôn-Hạo[919].

Bài văn của Từ-Lăng[920] cũng chép như sau:

Hoàng kỳ tử cái Kim-lăng chi vương khí trường cửu 黄旗紫蓋金陵之王氣長久. Nghĩa là: Hình cờ vàng lọng tía hiện ra thì khí-tượng đế-vương ở Kim-lăng được lâu dài.

Sách Uyên giám loại hàm chép: Lúc du-học ở Thái-học, Thôi-Ân[921] có dâng lên bốn bài Tứ tuần tụng (bài tụng về việc vua đi tuần thú bốn phương), tiếc rằng không thấy được toàn văn.