Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 7 - Chương 08

Đến khi Tiết-Du mất, nhà vua lại vời quan Tham-quân lục-sự ở châu Đông-Ngu là Lưu-Hiếu-Tôn vào Văn-quán, rồi sai Khố-trực Diêm-Lập-Bổn vẽ hình tượng, lại để tên họ, tự hiệu, tước vị, quê-quán, và xuống sắc-lịnh cho quan Văn-học là Chử-Lượng làm bài tán về bức vẽ đóng thành một quyển gọi là Thập bát học sĩ (18 vị học-sĩ), vẽ chân [22a] dung đem cất ở thư-phủ.

Các bậc học-sĩ đều được cấp-dưỡng bằng những món trận hào và được chia làm ba phiên luân lưu túc-trực ở trong các. Mỗi khi có việc quân quốc các vị học-sĩ đều được tham-yết vua.

Các vị học-sĩ thảo-luận về sách-vở, thương-lượng xác-đáng những lời xưa, khảo xét việc nên hư có khi đến nửa đêm mới ngủ.

Nhà vua ngự đến với dung sắc ôn-tồn với lê-nghi trọng hậu.

Do đó thiên-hạ đều theo về triều-đình.

Kẻ-sĩ kỳ tuấn đều lo bắt chước theo. Người thời bấy giờ ngưỡng-mộ việc ấy cho việc vào Văn-quán như lên cõi Doanh-châu (cõi tiên).

Sách Sách phủ nguyên quy chép như sau:

Đường Thái-tông bảo Huyền-Linh[956] và Như-Hối: “Các khanh làm chức Bộc-xạ phải mở rộng tai mắt hỏi thăm tìm kiếm bậc hiền-triết, những người có vũ nghệ mưu lược có tài trị quân thì cho gánh vác việc biên phòng, những người thông kinh sử trau dồi đạo-đức thông hiểu tính lý thì dùng làm thị-thần (quan hầu cận vua), những người trong-sạch hiền lành có tài-cán và [22b] xử sự công bằng thì cho gánh vác những việc khó-khăn, những người có học-thức hiểu cổ kim, thông đạt việc chính thuật thì cho gánh vác việc trị người. Đó là công việc lớn-lao và tăng ích cho ta[957].

Gần đây nghe thấy các khanh lo việc từ-tụng xử án ngày ngày không được rảnh-rang thì làm sao giúp Trẫm tìm kiếm bậc hiền tài” .

Nhân đó, nhà vua xuống sắc-lịnh cho Thượng-thư dạy: Các vụ nhỏ-nhặt thì giao cho quan Tả-thừa và Hữu-thừa. Chỉ những việc đại sự oan uổng cần phải tâu lên thì mới giao cho quan Bộc-xạ.

Những điều đó được ghi chép rất minh bạch.

Sách Thiếu vi thông giám chép: Vua Đường Thái-tông cố sức làm việc nhân nghĩa, thương xót nhân-dân mà không thấy có chính lịnh thực-tế. Sách Cương-mục cũng không có chép.

Sách Sách phủ nguyên quy chép: Mới lên ngôi vua Đường Thái-tông xuống chiếu tha những tù-nhân bị giam, thả về những kẻ bị lưu-đày, sáu châu ở Quan-nội được miễn hai năm thuế-má, toàn thể trong nước[958] được miễn làm xâu[959] một năm, ban cấp gạo vải lụa cho người già cả 80 tuổi trở lên, thương xót giúp đỡ người không vợ, không chồng, mồ-côi, không con cái, ban cờ biển đề cao những nhà có hiếu nghĩa.

Năm thứ 2, nhà vua lại [23a] xuống chiếu đại xá. Bài chiếu ấy có câu: Di tai Trẫm thân 移灾朕身. Nghĩa là: Đổ hết tai họa của thiên-hạ vào bản thân của Trẫm.

Năm thứ 3, nhà vua lại xuống chiếu cấp cho những nhà có hiếu nghĩa và những người già cả tuổi cao thóc và lụa có cấp bậc khác nhau.

Về phụ-nữ thì từ tháng giêng trở về sau hễ sinh con trai thì được ban cấp cho một thạch[960] thóc.

Nhà vua ra lịnh cho các châu huyện về cứu chẩn hạng cùng dân và những nhà mới trốn tránh trở về.

Đó là những việc thực-tế khi thi-hành chính-sách vương-đạo.

Phần Nho-học truyện trong sách Đường-thư chép: lúc Đường Cao-tổ mới nhận mệnh trời, trường Quốc-tử-giám mới lập, sinh-viên có 72 người, vua xuống chiếu chọn lấy con em và cháu của các quan từ tam phẩm trở lên cho vào học. Trường Thái-học có 140 sinh-viên, chọn lấy con em của các quan từ ngũ phẩm trở lên cho sung vào học. Trường Tứ môn có 130 học-sinh chọn lấy con em của các quan từ thất phẩm lên cho vào học.

Cái tên Tứ môn quán bắt đầu đặt ra từ đời Hậu Ngụy. Người ta cho Tứ-môn quán tức là Tứ-môn của trường Thái-học là không phải.

Bài tán về Mười tám vị học-sĩ trong Doanh-châu[961] do Chử-Lượng làm nay không thể khảo-cứu ra được.

Xem ở sách Tam tài đồ hội có một bài tán. Bài tán ấy của Tô-Húc như sau:

業敏游藝

躬勤帯經

書傳竹帛

畫美丹青

Nghiệp mẫu du nghệ,

Cung cần đái kinh,

Thư truyền trúc bạch

Họa mỹ đan thanh.

Dịch nghĩa

1) Đã trót thông minh vui thích với lục nghệ,

2) Tấm thân siêng cần mang theo kinh sử,

3) Tên họ được chép trên trúc trên lụa để truyền lại đời sau.

4) Chân-dung được tô vẽ đẹp-đẽ thành nét đỏ xanh.

Dịch thơ

Về lục-nghệ trot thông-minh,

Siêng cần mang lấy sử kinh bên người,

Tên đề trúc bạch truyền đời,

Chân dung tô vẽ đẹp tươi sắc màu.

Thấy ở trong sách Thuyết-phu phần Đại-Đường tân ngữ lại có một bài tán. Bài tán ấy của Lục Đức Minh[962] như sau:

經術爲貴

玄風可師

勵學非遠

通儒在斯

Kinh thuật[963] vi quý.

Huyền phong[964] khả sư.

Lệ học phi viễn.

Thông nho[965] tại tư.

Dịch nghĩa

Việc nghiên-cứu kinh truyện là quý.

Đức giáo của thiên-tử đáng bắt chước theo.

Gắng học, không xa nữa.

Bậc thông nho ở đây rồi.

Dịch thơ

Nghiên cứu truyện kinh là quý thật,

Đức giáo của vua rất đáng noi.

Gắng công học, chẳng xa-xôi,

Thông nho những vị ở nơi đây mà.

Vua Đường Thái-tông có làm bài lục, gọi là bài Kim-kính (bài lục Gương vàng). Những lời thiết-yếu trong ấy như sau:

- Chi trị vì thường nhiệm bất tiếu. Chi loạn vị thường nhiệm hiền. Nhiệm hiền hưởng thiên-hạ chi phúc. Nhiệm bất tiếu ly thiên-hạ chi họa. 至治未嘗任不肖. 至亂未嘗任賢. 任賢享天下之福. 任不肖罹天下之禍. Đời thịnh-trị chưa bao giờ dùng người hư-hỏng. Đời quá loạn chưa bao giờ dùng người hiền tài. Dùng người hiền tài thì hưởng được cái phúc của thiên-hạ. Dùng người hư-hỏng thì mắc vào cái họa của thiên-hạ.

Về sau vua Tuyên-tông (847-859) đọc đi đọc lại câu ấy ba lần mới thôi.

Bài lục nầy thấy chép ở sách Cổ văn uyên giám.

Sách Sơ-học ký[966] chép: Vua Đường Thái-tông có ban cho Tiêu-Vũ bài thơ như sau:

疾風知勁草

昏日識誠臣

勇夫安識義

智者必懷仁

Tật phong chi kính thảo.

Hôn nhật thức thánh thần.

Dũng [24a] phu an thức nghĩa?

Trí giả tất hoài nhân.

Dịch nghĩa

1) Khi gió mạnh mới biết cây cỏ cứng.

2) Ngày biến loạn tối-tăm mới biết tôi trung.

3) Kẻ vũ-phu làm sao biết được điều nghĩa?

4) Người trí tất nhiên phải nhớ điều nhân.

Dịch thơ

Gió dữ, biết cỏ nào cứng-cỏi

Rõ tôi trung, ngày rối âm-u.

Biết chi điều nghĩa vũ phu?

Còn người trí phải lo tu nhân nghì.

Đường Văn-hoàng (Đường Thái-tông) bảo Ngụy-Trưng[967] rằng: “Điềm lành chưa đến ư? ”

Chính sử không thấy chép việc nầy.

Sách Sách phủ nguyên quy chép như sau:

- Đầu niên-hiệu Trinh-quán (627) móc ngọt (cam lộ) giáng xuống ở Trường-An.

- Ở Định-châu người ta nói sao Cảnh-tinh[968] xuất hiện.

- Ở Cử-châu chim phụng-hoàng xuất hiện.

- Năm Trinh-quán thứ 2 (628) ở Trường-an người ta dâng lên vua lúa hột to (gia hòa).

- Năm Trinh-quán thứ 4 (630) chim sẻ đỏ xuất hiện ở huyện Vạn-niên.

- Năm Trinh-quán thứ 5 (631) mây lành (khánh vân) xuất hiện ở Tuấn-châu, suối nước ngọt tuôn chảy ở phía tây điện Đan-tiêu.

Vua sai các quan từ bậc công khanh trở lên đi xem, và nhân đó vua ban cho bầy tôi rượu và lụa có khác nhau theo phẩm trật.

Sách Đỗ thị thông điển chép như sau:

Bài minh của Vũ-hậu khắc trên cái đỉnh ở Dự-châu:

羲農首出

軒昊應期

唐虞繼踵

湯武乘辰

天下光宅

域内雍熙

上玄降監

方建隆基

Hy Nông thủ xuất

Hiên Hạo ứng kỳ

Đường Ngu kế chủng

Thang Vũ thừa thì

Thiên-hạ quang trạch

Vực nội ung hi

Thượng huyền giáng giám

Phương kiến long ky ()

Dịch nghĩa

1) Vua Phục-Hy vua Thần-Nông ra đầu tiên.

2) Vua Hiên-Viên vua Thiếu-Hạo đúng kỳ sinh ra.

3) Vua Đường-Nghiêu vua Ngu-Thuấn nối gót theo.

4) Vua Thành-Thang, vua Vũ-vương thừa thời thế lên ngôi.

5) Thiên-hạ được đầy-đủ dồi-dào.

6) Trong nước thuận hòa sáng sủa.

7) Trời cao soi xét.

8) Mới dựng nên nền tảng lớn-lao.

Dịch thơ

Phục-Hy Thần-Nông ra trước cả.

Hiên-Viên Thiếu-Hạo đã nối theo.

Đường-Nghiêu Ngu-Thuấn tiếp sau

Vua Thang vua Vũ cùng nhau ứng thời.

Thiên-hạ đã khắp nơi giàu có.

Trong nước thì sang tỏ thuận hòa.

Trời cao soi xét cho ta.

Lớn-lao nền tảng dựng ra vững-vàng.

Sách Hầu chinh lục chép: Vua Đường Tuyên-tông (847-859) nói với quan Tể-tướng rằng:

青山不厭千杯酒

白日維消一局棋

Thanh sơn bất yếm thiên bôi tửu.

Bạch nhật duy tiêu nhất cuộc kỳ.

Dịch nghĩa

Thưởng thức núi xanh thì uống ngàn chén rượu cũng không chán.

Trọn một ngày chỉ đủ tiêu một ván cờ mà thôi.

Dịch đối

Núi xanh nào chán ngàn chung rượu,

Ngày trọn chỉ tiêu một ván cờ.

Làm vua mà ưa thích rượu cờ, lêu-lổng như thế thì làm sao trị dân được?