Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 7 - Chương 09

Sách Tân Đường-thư chép: Sử đời Ngũ-đại không chép chiếu lịnh. Phần ghi chép công việc thì nhiều giản-lược khiến người đọc không thể không có điều bất mãn. Nhờ có sách Sách phủ nguyên quy còn có thể khảo xét được. Nếu không thì các việc xưa trải qua các đời đều mất cả không còn lưu-truyền.

Trong sách Sách phủ nguyên quy có thiên Xá-hựu (Tha-thứ) chép 14 đạo chiếu thư của vua Đường Cao-tổ và Đường Thái-tông. Những chiếu thư ấy đều là thể-thống và đại quy mô để bình-định thiên-hạ và giữ-gìn thiên-hạ.

Văn-thể những chiếu thư ấy cũng không phải biền-ngẫu (có từng cặp đối nhau). Âu-Dương-Tu đã xén bỏ cả.

[25a] Sách Tả-truyện mỗi khi chép việc các nước đều nói: “Lễ dã ” .

Chữ Lễ ở đây là gồm cả pháp-luật chế-độ mà nói.

Vậy mà các nho sinh đời sau làm sách Lễ-nghi chú chỉ lấy năm điều cát, hung, quân, tân, gia[969] để phân chia sách Lễ-nghi chú ra từng tiết-mục mà làm lễ, lấy thực, hóa, binh, hình, quan-chế, tuyển-cử phân-biệt ra làm sách Lễ-nghi chí, mà cái ý của người xưa không còn nữa.

Sách Huỳnh tuyết tùng thuyết chép: Người đời trước chia sách ra từng tiết mục, và dùng phần đầu phần cuối mà bao gồm. Tiết thứ nhất chép việc khẩn-yếu. Tiết thứ hai chép những câu hay. Tiết thứ ba chép những sự thực xưa.

Như sách Tư trị thông giám của Tư-mã Ôn-công (Tư-mã-Quang) thì có thể xem và có thể bắt chước theo.

Sách Thượng-thư (kinh Thư) chép riêng từng việc.

Sách Xuân-thu biên niên thông kỷ là tổ của môn sử-học.

Sách Hán-sử bắt chước theo sách Thượng-thư.

Sách Thông-giám bắt chước theo sách Xuân-thu.

Mỗi sách đều lập thành một phái riêng, nhưng mình theo cả hai cũng không hại gì.

Chu-Tử (Chu-Hy) nói: “Sách Thông-giám khó [25b] xem hơn sách Hán-sử. Ở sách Hán-sử, mọi việc được chép thông suốt từ đầu đến cuối.

Sách Thông-giám là loại biên-niên, cứ việc theo từng năm mà chép qua.

Vả lại cũng nên xem sơ qua Chính-sử một lần rồi hãy xem đến sách Thông-giám.

Người đời sau thích xem sách biên-niên mà bỏ phế sách kỷ truyện có được không?

Nhưng Ôn-công (Tư-mã-Quang) có nói: “Tôi làm sách Tư-trị thông-giám, chỉ thấy có Vương-Thắng-Chi đòi xem qua một lần, còn người khác, đọc được mấy tờ đã xếp quyển lo ngủ. Sách này (Tư-trị thông-giám) đã giản-lược mà còn thế, huống chi chính-sử.

Sách Cương-mục của ông Khảo-Đình (Chu-Hy) thật là loại sách Xuân-thu. Nhưng Chu-Tử chỉ mới thảo ra phần Phàm-lệ và phần Đề-yếu. Phần mục thì giao cho Nột-trai Triệu-Sư-Uyên trích nhặt biên ra, thật khác nhau rất xa, bèn gởi được hai ba quyển để Chu-Tử hiệu-chính. Xem những thư-từ gởi qua gởi lại thì có thể thấy rõ việc ấy.

Cho nên Chu-Tử có nói: “Phần Cương thì muốn cẩn-thận nghiêm-chỉnh mà [26a] không sơ sót, phần Mục thì muốn rõ-ràng đầy-đủ mà không lộn-xộn tạp-nhạp.

Nhưng tuổi già nhiều bịnh, chưa kịp đính-chính từng điều, cho nên quy-mô về việc trị nước trải qua các đời và lời nghị-luận còn có nhiều chỗ phải gọt sửa mà đến nay vẫn chưa làm được” .

Người đời sau đều cho sách ấy là do bậc đại hiền viết ra mà không dám bàn-nghị phê-phán, như thế cũng là chưa khảo xét kỹ vậy.

Người nhà Nguyên viết sử nhà Tống, bậc nhà Nho thấy xa hiểu rộng cho là rườm-rà.

Nhưng nhà Tống (960-1276) đã trải qua hơn 300 năm, văn-vật, chế độ, chiếu-lịnh, tấu nghị quá nhiều làm sao mà đếm cho xiết, thế mà những ký, chí, truyện ghi chép còn chưa được phân nửa.

Vua Hiến-tông (1465-1486) nhà Minh sai các bề-tôi nho học soạn sách Thông-giám cương-mục nhà Tống và nhà Nguyên, đại-khái nói rõ-ràng dấu vết việc trị, loạn, hưng, suy, còn việc binh-mưu quốc-kế, lại-trị, dân-chính thì sơ-lược và bỏ sót khá nhiều, khiến người đọc thật không vừa [26b] ý.

Tiết-Ứng-Dụ nhà Minh soạn sách Thông-giám cương-mục nhà Tống và nhà Nguyên, bắt chước theo Ôn quốc-công (Tư-mã-Quang), tuy chưa rõ-ràng bằng sách Tư-trị thông-giám, nhưng cương điều rất chu-tất.

Hợp ba sách ấy mà đọc thì có thể được đầy-đủ hoàn-toàn.

Chu-Tử biên tập sách Tống danh thần ngôn hạnh có hai tập, Tiền-tập và Hậu-tập. Phần Bổn-truyện, Biệt-lục, Gia-ký, Tạp-biên trích chọn đã tường tận, cân nhắc cũng khéo, sự tích chép rõ-ràng khiến người đọc rất dễ mở-mang. Còn Chính-sử thì phần nhiều không thu-thập biên chép, thật quá sơ-sót.

Một câu hay nửa lời của bậc tiền-bối có thể để cho mình thực-hành trọn đời, lại có thể chép biên sót lược được hay sao?

Nhà nguyên soạn ba bộ sử: Tống-sử, Liêu-sử, và Kim-sử ngang hàng nhau, nhưng thật đã lầm ở việc không phân biệt chính-triều và nhuận-triều (ngụy-triều).

Nhưng nước Liêu nước Kim lập quốc hàng trăm năm, điển-chương và văn-vật không kém gì của triều Hậu-Ngụy. Nếu y theo lệ sách Tấn-thư, lấy nhà Tống làm [27a] chính-kỷ, lấy nước Liêu nước Kim làm tái-kỷ thì đều mai-một thất truyền.

Nay về ba nước Tống, Liêu, Kim đều làm sử riêng khiến chế-độ của một đời được chép rõ-ràng trong sử sách, việc đó thật đáng khen.

Nhưng trong Kim-sử những việc khen vua nhà Tống, việc đánh nhà Tống thật không đúng chính-lý.

Còn Tống-sử thì không chép việc Đoan Bính cũng đáng bàn-nghị, bởi vì quan chép sử chưa kịp điểm duyệt hay có điều kiêng kỵ tránh né vậy.

Bài biểu của Lý-Quang-Tán đời Tống có câu: Khỉ nhược hồi loan phục đô đồn binh Thượng-đảng 豈若囘鑾復都屯兵上黨. Nghĩa là: Há bằng quay xa giá về kinh-đô và đồn-binh ở Thượng-đảng?

Chữ hồi 囘 (là trở về, quay về) và chữ phục 復 (là trở lại) trong câu trên là điệp ý.

Xét ở sách Danh thần tấu nghị thấy chép bài biểu ấy, chữ Tuấn-đô là nói Biện-kinh.

Thiên Khải-phong thuộc phần Bội-phong trong kinh Thi có câu: Tại Tuấn chi hạ 在浚之下. Nghĩa là: ở dưới ấp Tuấn nước Vệ.

Vậy Tuấn-đô tức Biện-kinh.

Sách Tống-sử chép lầm chữ Tuấn-đô ra Phục-đô.

Sách Bút-lục của Vương-Tăng chép như sau:

Vua Thái-tổ nhà Tống đi chơi ở Tây-đô. Trương-Tề-Hiền[970] mặc áo vải hiến dâng phương sách. Vua Thái- [27b] tổ vời Trương-Tề-Hiền đến, cho ngồi mà trần bày việc ấy trước mặt vua.

Văn-Định (Trương-Tề-Hiền) lấy tay vạch đất điều-trần mười phương sách:

1) Hạ Tinh Phần (hạ châu Tinh châu Phần).

2) Phú dân (làm cho dân giàu có).

3) Phong kiến[971].

4) Đôn hiếu đễ (trau chuộng hiếu đễ).

5) Cử hiền (tiến-cử người hiền tài).

6) Thái-học (mở trường Thái-học).

7) Tịch điền (ruộng dành cho vua tự ra cày lúc đầu mùa).

8) Tuyển lương lại (tuyển chọn quan lại tốt).

9) Trừng gian (trừng-trị kẻ gian).

10) Tuất hình (thận-trọng việc hình phạt).

Nay sách Cương-mục không thấy chép mười phương sách nầy.

Vua Thái-tông nhà Tống sai các bề-tôi nho học soạn những bộ sách: Sách phủ nguyên quy, Thái bình ngự lãm, Văn uyển anh hoa, mỗi bộ một ngàn quyển, đều là sách đại văn tự (loại sách lớn-lao).

Sách Tống danh thần ngôn hạnh lục chép sử và truyện các bề-tôi nổi tiếng:

Khấu-công bị biếm (bị giáng chức quan), chết ở Lôi-châu. Vua xuống chiếu đưa linh-cữu về chôn ở Lạc-dương. Khi linh-cữu đi ngang qua đất Công-an, dân chúng đều ra đón rước cúng tế, đốn tre cắm xuống đất, treo giấy tiền mà đốt.

Những ngọn tre ấy lại mọc và lên măng thành tre. Người ở kinh-đô cho là thần, gọi tre ấy là Tướng-công-trúc, nhân đó mới [28a] lập miếu ở một bên mà cúng tế.

Sách Bút-lục lại chép như sau:

Khấu-công bị giáng chức đi ra Lôi-châu, trên đường ra đất Công-an, đốn tre cắm trước miếu thân và khấn chúc rằng: “Nếu lòng nầy mà phụ triều-đình thì tre nầy không sống. Nếu lòng nầy không phụ triều-đình thì tre nầy phải sống mọc lên lại” .

Tre ấy quả nhiên mọc lên lại

Hai thuyết không giống nhau.

Chu-Tử nói: “Thuyết trước là đúng” .

Sách Thông-giám chép: Vương-khuê[972] ở trai cung[973] làm thơ được vua Thần-tông trao chức Tham-tri.

Theo sách Loại-tụ thì hai kỳ tế Đại-xã vua phần nhiều sai quan cận thần ra tế.

Vương-Khuê làm quan 20 năm, trong khoảng niên-hiệu Hy-ninh (1067 - 1078) làm Hàn-lâm học-sĩ, lại bị vua sai đi, bèn đề thơ ở Trai-cung. Bài thơ ấy như sau:

鄰雞未唱曉驂催

又向靈壇飮酒杯

自笑治聾知不足

明年强健更重來

Lân kê vị xướng hiểu, sam[974] thôi.

Hựu hướng Linh-đàn ẩm tửu bôi

Tự tiếu trị lung tri bất túc

Minh niên cường kiện cánh trùng lai.

Dịch nghĩa

1) Gà láng-giềng chưa gáy sáng, xe ba ngựa đã thúc-giục lên đường để đi xa.

2) Lại đến linh-đàn uống chén rượu.

3) Tự cười mình trị bịnh điếc mà biết rằng trị chưa đủ.

4) Sang năm mạnh khỏe sẽ trở lại đây.

Dịch thơ

Xe ngựa giục, gà chưa gáy sáng,

Đến linh đàn uống cạn rượu ngay,.

Cười mình trị điếc chưa đầy.

Sang năm mạnh khỏe về đây hẹn rồi.

[28b] Bởi vì từ xưa tục truyền: Uống rượu tế thu xã thì trị được bịnh điếc.

Sách Lữ-thị đồng mông huấn chép như sau:

Y-xuyên tiên-sinh[975] nói: “Đời người có ba điều bất hạnh (chẳng may):

1) Trẻ tuổi mà thi đỗ cao.

2) Nhờ thế-lực của phụ-huynh mà làm quan.

3) Có tài cao và giỏi văn-chương.

Chu-Tử bảo: “Những việc trái đời ấy nếu mắc phải mà không hiểu thì sẽ chậm trễ[976] cả một đời, lại không rảnh-rang để suy xét nghĩa-lý, chỉ từ bề ngoài xem được lớp da, đã vội bảo rằng mình đã hiểu được, đã không rảnh-rang để giảng-cứu tinh-vi, lại bị người ta xem mình là tiên-sinh trưởng-giả thì đã tự cao không chịu đi hỏi kẻ dưới” .

Sử chép: Lý-Định nói: “Tô-Thức làm thơ chế nhạo, chỉ trích lấy một câu để chứng-thực việc ấy” .

Trong sách Quảng thâu ký [29a], Trương-Ô-Đài thi án chép rất rõ-ràng, như bài:

QUAN TRIỀU THI

觀潮詩

(Thơ về việc xem thủy-triều)

吳兒生長狎濤淵

冒利忘身不自憐

東海若知明主意

應知斥卤變桑田

Ngô nhi sinh trưởng hiệp đào uyên

Mạo lợi vong thân bất tự liên

Đông-hải nhược tri minh chúa ý.

Ưng tri xích-lỗ[977] biến tang điền.

Dịch nghĩa

1) Trai-tráng nước Ngô sinh trưởng (ở miền biển) đã quen với biển cả ba đào.

2) Mạo hiểm vì lợi mà quên mình không tự xót thương mình.

3) Biển Đông nếu hiểu ý của nhà vua sáng suốt,

4) Thì phải biết biến đất mặn thành ruộng dâu.

Dịch thơ

Trai Ngô quen biến cả ba đào.

Ham lợi quên mình chẳng xót đau.

Đông-hải nếu am lòng thánh chúa.

Biết đem đất mặn biến nương dâu.

VỊNH CỐI[978] THI

咏檜詩

(Thơ vịnh cây cối)

凜然相對敢相欺

直幹凌雲未足奇

根到九泉無曲處

些間惟有蟄龍知

Lẫm nhiên tương đối cảm tương khí.

Trực cán lăng vân vị túc kỳ.

Căn đáo Cửu tuyền vô khúc xứ

Ta gian duy hữu trập long tri

Dịch nghĩa

1) Đáng kính sợ đối lẫn nhau, dám đâu khinh nhục nhau?

2) Thân cây cao thẳng vượt từng mây chưa đủ là lạ kỳ.

3) Rễ ăn đến cõi Chín suối mà không có chỗ cong-co.

4) Ở mấy chỗ ấy chỉ có con rồng ẩn nấp hiểu biết.

Dịch thơ

Đáng kính sợ dám đâu khinh nhục?

Đủ lạ chi, cao vút mây chồng.

Rễ ăn Chín suối chẳng cong.

Biết rành chỗ ấy chỉ rồng ẩn thân.

TẠP THI

(Thơ lặt-vặt)

杖藜裹飯去匆匆

過眼青錢轉手空

贏得兒童音語好

一年强半在城中

Trượng lê quả phạn khứ thông thông,

Quả nhãn thanh tiền[979] chuyên thủ không.

Doanh đắc nhi đồng âm ngữ hảo,

Nhất niên cường bán tại thành trung.

Dịch nghĩa

1) Chống cây gậy bằng gỗ lê, đùm cơm mà đi gấp.

2) Đồng tiền qua mắt mình thì hết sạch chỉ còn tay không.

3) Được đứa trẻ có tiếng nói đẹp-đẽ.

4) Một năm quá nửa ở trong thành.

Dịch thơ

Gậy lê, cơm bọc, bước nhanh,

Đồng tiền qua mắt chuyển thành tay không.

Trẻ thơ tiếng nói đẹp lòng,

Một năm quá nửa ở trong vòng thành.

oOo

老年八十自腰鐮 (bát thập chứ không phải bất thập)

慚愧春山笋蕨甘

豈是聞韶解忘味

邇來三月食無鹽

Lão niên bất thập tự yêu liêm,

Tàm quỷ xuân sơn tuẩn[980] quyết[981] cam.

Khỉ thị văn Thiều giải vong vị?

Nhĩ lai tam nguyệt thực vô diêm.

Dịch nghĩa

1) Già đã tám mươi tuổi mà lưng phải đeo dao lưỡi liềm.

2) Thẹn-thùng cho mình phải vào núi trong mùa xuân tìm măng tre và rau quyết ngọt để ăn.

3) Há là vì nghe khúc nhạc Thiều[982] mà quên mùi thịt[983]?

4) Ba tháng gần đây đã ăn không có muối (ăn lạt).

Dịch thơ

Lưỡi liềm tám chục lưng mang,

Núi xuân tìm kiếm quyết măng thẹn người.

Nghe Thiều, ăn há quên mùi?

Đã ăn không muối một thời ba trăng.