Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 9 - Chương 02

Giác điệm 角簟 được sách Thông-giám chú: Vót tre làm thành cọng nhỏ mà đan lại, thành đệm, làm mất đốt tre, cạo vỏ tre, trơn bóng dễ thương.

Người Nam-man có khi dùng dây mây trắng làm đệm.

Thiên Cố-mệnh trong kinh Thư có câu: Phu trùng miệt tịch 敷重蔑席 (Trải hai lớp đệm) tức là thứ đệm ấy.

Lại có câu: “Sổ trùng tuẩn tịch” 數重荀席 (Trải mấy lớp chiếu bằng măng tre).

Nhà sư Tán-Ninh nói: “Dùng vỏ măng tre tước ra mà dệt đệm. Lúc măng thành tre, vỏ dài mà cứng có thể tước ra mà dệt chiếu. Nếu dùng tre non tước ra làm cọng mà dệt thì đồng với chiếu miệt tịch (đệm) nói trên.

Lại nói: “Nếu dùng măng đốt dài mới thành tre cũng thông-dụng để dệt đệm, nhưng nó yếu và dòn” .

Sách Uyên giám loại hàm chép về Lục-thao: Đời vua Kiệt và Trụ đàn bà mặc cẩm tú (gấm thêu) văn ỷ[1268] ngồi trên chiếu có bọc [6b] lăng[1269] (2) hoàn[1270] thường đến ba trăm người.

Đời thượng-cổ đã có những thứ quý báu đẹp-đẽ như thế.

Trương-Tử nói: “Người xưa không có ghế dựa và bàn, không phải vì trí không đến trình-độ sáng-chế được. Nhưng ngồi trệt ở đất thì thân-thể cung kính có thể vái mọp xuống được. Nay ngồi ở ghế bàn từ lúc ngồi xuống đến lúc đứng lên không hề động đậy. Chủ-nhân bắt đầu tự tay rót rượu mời thì đã gọi là bữa rượu phi thường rồi, bởi vì người đời sau nhất thiết đều lấy sự thuận-tiện yên-ổn mà thôi.

Ghế của rợ Hồ[1271] xếp mở được vì có chân tréo nhau xỏ dây căng ra để ngồi, xếp mở rất nhanh, nặng không đầy mấy cân, gọi là tiêu-diêu tọa.

Sách Thanh dị lục[1272] cho rằng tương truyền vua Đường Minh-hoàng thường đi chơi, các quan đi theo hầu đợi chiếu chỉ dừng ở ngoài đồng, hay hộ vệ xa giá lên núi bèn sáng-chế ra thứ ghế xếp ấy, tức là ghế tiểu giao ỷ.

Nhưng sách Sưu thần ký[1273] chép: Ghế của rợ Hồ là khí cụ của người Nhung Địch (rợ Nhung rợ Địch).

Sách Phong tục thông[1274] chép: Vua Hán Linh [7a] đế thích quần áo của rợ Hồ, Cảnh-sư mới làm ra cái ghế xếp (Hồ-sàng). Như vậy thì loại ghế xếp nầy không phải bắt đầu có từ đời Đường.

Trình-Đại-Xương[1275] nói: “Ghế xếp có chân tréo ngày nay sáng chế từ người rợ, bắt đầu gọi là Hồ-sàng (ghế của rợ Hồ).

Nhà Tùy, vì trong lời sấm có chữ Hồ mới sửa làm giao-sàng (ghế xếp có chân tréo).

Vua Đường Mục-tông ở điện Tử-thần ngự trên cái ghế căng bằng dây to để tiếp-kiến các bề tôi. Cái ghế ấy gọi là thằng sàng (thằng, sợi dây).

Hồ-Tam-Tỉnh[1276] chú sách Tư trị thông giám nói: “Ghế xếp chân tréo, ngày nay nhà người ta đều có, nhưng có hai thứ: Một thứ ghế chân tréo thì lấy gỗ tréo nhau làm chân, phía trước phía sau đều có đóng gỗ ngang, làm bằng ở đáy khiến khi đặt xuống đất thì yên vững đầu phía trên chân ghế.

Một thứ thì ở trước ở sau cũng đóng gỗ ngang mà làm bằng ở trên, ở cây gỗ ngang có khoét hàng lỗ để xỏ dây vào và căng ra khiến có thể ngồi lên chỗ chân ghế tréo nhau.

Ghế dây (thằng sàng) thì lấy ván mà làm để ngồi lên, bề rộng ở phía trước có thể đặt đầu gối, ở phía sau có chỗ dựa [7b] lưng, hai bên tả hữu có chỗ để bàn tay và gác cánh tay, bốn chân ở dưới đặt trên mặt đất.

Theo sách Thông-giám của Ôn-công (Tư-mã Quang), vua Hậu-chủ nước Trần, khi có việc chính lớn-lao thường ngồi trên cái ẩn nang.

Chú-thích rằng: Ẩn nang là cái túi dồn vật nhỏ-nhặt mềm mại đặt ở một bên chỗ ngồi. Hễ ngồi mỏi mệt thì nghiêng mình co cánh tay mà dựa vào, tức nay là cái ghế dựa.

Sách Thích tạng chỉ quy chép: Con hươu to gọi là con chủ 麈, cả bầy hươu đều đi theo con hươu chủ nầy, đều xem con hươu chủ đi hướng nào tùy theo cái đuôi của nó chuyển về hướng ấy làm quy chuẩn.

Nay nhà sư giảng kinh có cầm cây phất trần bằng đuôi con hươu chủ, bởi lẽ bắt chước con hươu chủ dùng cái đuôi để chỉ-huy.

Sách Tam tài đồ hội dẫn sách Thực-lục nói rằng: Họ Hách-Tư làm ra cây lược thưa (sơ 梳), lấy gỗ mà làm, có 24 [8a] răng, lấy nghĩa: chải gở đầu tóc cho xuôi thông.

Sách Thuyết-văn chép: Danh-từ trất sơ 櫛梳, là tiếng gọi chung các thứ lược. Theo lễ thì con trai con gái không dùng chung khăn lược.

Lược dày[1277] là theo thể-thức lược thưa mà chế ra. Ngày nay làm lược dày là theo thể-chế nhà Chu.

Nhà tu-dưỡng gọi cây lược là mộc xỉ đan 木齒丹 (mộc xỉ, răng bằng gỗ; đan, thuốc), nói: Hễ thường dùng lược chải đầu thì có thể hạ khí độc đuổi gió tà (hạ khí khu phong).

Đào-Cốc[1278] gọi lược bị là giới Image (cây trâm để cài đầu tóc).

Sư-tư Tượng cho rằng: Đàn ông thì chải tóc cho ngay ngắn, đàn bà thì vẽ lông mày, họ đều không bỏ được.

Người phương bắc (người Tàu) thường lấy cây hoàng-dương[1279] làm lược.

Truyện Cao Lực-sĩ[1280] chép: Trong cung lăng tẩm vua Thái-tông, Cao Lực-sĩ thấy hộp nhỏ đựng lược một cái, lược bằng gỗ cây tạc một cái, lược bị bằng sừng đen một cái, bàn chải bằng rễ cỏ một cái, mới than rằng: “Đấng tiên-đế đầu tiên dựng lên nghĩa kỳ[1281], mới chính ngôi vua mà vật dụng tùy thân chỉ lưu lại mấy món nầy, ý [8b] muốn truyền bảo con cháu hãy giữ mãi tính tiết-kiệm.

Bèn đem những món ấy tâu lên.

Vua Huyền-tông quỳ xuống mà bưng lấy, cung kính những món ấy như ngọc châu dạ-quang[1282], như ngọc bích Thùy cức[1283].

Người đời sau xa-xỉ vô độ, lòng người chưa từng được thanh-khiết như thế.

Cây móc nhỏ bằng thau gọi là sảo tức tử 稍息子.

Cây tăm tre dùng để xỉa răng gọi là loát nha trượng 刷牙杖.

Người Tàu ưa lấy lông đuôi voi để xỉa răng, nói là để khử trùng và làm chắc răng.

Sách Ủy hạng tùng đàm đời Tống chép: Người ở Hàng-châu chẻ gỗ cây tùng làm thành miếng nhỏ mỏng như giấy, nấu lưu-hoàng cho chảy phết lên chỗ đầu nhọn, gọi là phát chúc 發燭, cũng gọi là suất nhi 率兒, để bật lửa dùng thay đèn đuốc.

Sách Thanh dị lục chép: Ban đêm có việc gấp, khổ nỗi đốt đèn chậm trễ, người ta vót gỗ cây sam[1284] tẩm chất lưu-hoàng trữ sẵn để dùng, hễ gặp [9a] lửa nó phát cháy ngay, gọi là dẫn quang nô 引光奴.

Về sau có người buôn bán vật nầy, đổi tên nói, gọi là hỏa thốn.

Nay người nước ta dùng miếng tre mỏng phơi khô tẩm chất lưu-hoàng, cũng giống cách chế-tạo nầy.

Theo Nguyên-sử, vua nhà Trần nước Giao-chỉ đem cống lễ vật. Vua nhà Nguyên lấy phân nửa dâng cho Bất-Hốt-Truật, chỉ nhận hòn giả sơn (núi giả) bằng gỗ trầm hương, vật đè giấy bằng ngà voi, cái giá gác bút bằng thủy tinh.

Sách Động thiên thanh lục[1285] chép: Thể-chế làm bút sàng[1286]: bề dài 6 hay 7 tấc, bề cao 12 phân, bề rộng hơn 2 tấc như một cái giá, nhưng trên dưới có thể đặt nằm bốn cây bút, dùng gỗ tử đàn hay gỗ tô mộc mà làm thì đẹp.

Khổng-Dĩnh-Đạt[1287] nói: Giản 簡 là thẻ trát 札 để viết chữ. Sách 策 là thẻ giản 簡. Thể-chế của vật nầy: thứ dài thì 2 thước, thứ ngắn thì phân nửa (1 thước). Cầm một thẻ trát gọi là giản, kết liền nhiều thẻ giản gọi là sách. Thẻ giản chỉ chứa được một hàng [9b] chữ.

Thẻ độc 牘 là thẻ bản 版 vuông. Thẻ bản rộng hơn thẻ giản có thể chứa được mấy hàng chữ. Đời xưa việc lớn thì chép vào thẻ sách, việc nhỏ thì chép vào thẻ giản.

Sách Thiên tự văn[1288] luận về giấy. Theo sách Loại-tụ[1289] chép: Thái-Luân[1290] đời Hán làm Trung thường thị có tài khí và tư-tưởng.

Đời xưa thư khế phần nhiều kết thẻ tre lại mà viết, lại dùng lụa trắng mà viết chữ cũng gọi là chỉ 紙. Lụa trắng thì đắt tiền, thẻ tre thì nặng-nề, người ta dùng rất bất tiện.

Thái-Luân bèn nảy ý dùng vỏ cây (thụ bì), những khúc dây gai (ma đầu) làm giấy, gọi giấy là ma chỉ 麻紙 (giấy bằng dây gai). Lại lấy vải rách, lưới đánh cá rách làm giấy, gọi là võng chỉ (giấy bằng lưới). Lại lấy vỏ cây chử 楮 (cây gió) làm giấy, gọi là cốc chỉ[1291].

Nhưng thời Tiền-Hán[1292] phần Ngoại thích truyện trong sách Hán-thư đã chép thứ giấy Hích-đề[1293]. Như vậy thì giấy không phải bắt đầu có từ ông Thái-Luân.

Sách Đường-thư chép: Ở Bí-thư-sảnh có tám người thợ thục chỉ[1294]trang hoàng. Chữ hoàng 潢 là nhuộm giấy. Chữ trang 裝 là sửa- [10a] sang. Nhuộm giấy là tẩm giấy với nước cây Hoàng-bách để trừ mọt.

Sách Lục điển sự chú rằng: Hoàng là sửa-sang giấy xong mà lấy sáp đem nhuộm.

Sách Tam tài đồ hội chép: Đao bút (là cây dao để gọt và cây bút để viết). Cây dao thì hình chế hoàn-toàn như cây dao mà ở chỗ cán có cột dây để mang theo bên mình. Đao bút là khí cụ để viết chữ mang theo bên mình.

Đời xưa dùng thẻ tre để viết chữ, cho nên người ta mang theo cây dao (để gọt bỏ những chữ viết sai) và cây bút (để viết chữ).

Sách Hạ hoàng tư ký chép: Vua Huy-tông (1101- 1125) thường lấy dầu cây tô-hợp hương[1295] đốt lấy khói làm mực. Vua Chương-tông nước Kim mua một lượng mực giá một tiền vàng.

Sách Nguyên-thi chú rằng: Mẹ của vua Chương-tông nước Kim là con gái của vua Tống Huy-tông, cho nên trong một thời ấy hễ viết hay vẽ đều bắt chước theo thể-thức trong niên-hiệu Tuyên-hòa (1119- 1125) đời vua Tống Huy-tông.

[10b] Sách Họa-sử[1296] chép: Lấy gỗ cây tô-mộc làm trục bức tranh, lấy nước vôi làm cho biến màu, càng lâu năm càng tốt, lại có tính-chất nhẹ-nhàng.

Cây trục bằng sừng thì có sâu lại phần nhiều có mùi ẩm thấp. Lây đàn-hương hay sừng tê để chung trong hộp thì phát ra mùi hương xưa.

Sách Họa-luận chép: Phép vẽ tranh, tranh đạo-thích là hạng quý nhất, kế đến là tranh nhân-vật, kế đến là tranh sơn-thủy, kế đến là tranh hoa cỏ, kế đến là tranh vẽ ngựa.

Phép xem tranh, trước hết xem khí-vận, kế đến là xem bút-ý, xem cốt-pháp[1297], xem vị-trí, xem truyền-nhiễm[1298], rồi sau mới xem hình-thể có giống không.

Đó là phép lớn lao để xem tranh.

Sách Họa-sử chép: Đàn-hương trừ được khí ẩm-thấp. Bức họa phải dùng cây trục bằng gỗ đàn, khi mở hộp thì có mùi hương thơm mà không có mùi hồ (để dán) lại trừ được mọt.

Sách Thanh dị lục chép: Cuối đời Đường, các vương hầu đua nhau làm cái túi phương-tiện, làm bằng hai lớp gấm, hình thể như [11a] cái chiếu đại[1299] ngày nay. Mỗi khi xuất hành người ta đặt vào đó các thứ áo, lược, khăn, gương, hương liệu, thuốc men sách vở thật là giản-tiện.

Bài Bút-ký của Từ-Khắc-Do đời Minh chép: Triều nhà Minh sáng-chế nhiều đồ dùng mà đời trước không có, như: nho cân[1300], lan sam[1301], chiếp phiến[1302], vi bình phong[1303], lãnh tửu bàn[1304], tứ phương đầu cân[1305], võng cân[1306].

Xét ra lan sam (áo tiến-sĩ) và chiếp-phiến (quạt xếp) thì đời xưa đã có, không được nói là mới sáng-chế.

Người xưa chỉ có quạt bằng lá cây bồ quỳ, quạt bằng lông chim, cắt xén mà hợp lại làm thành, không thể xếp mở được.

Thơ của Ban tiếp-dư[1307]có câu:

新製齊紈素

裁爲合歡扇

Tân chế Tề hoàn[1308] tố

Tài vi hợp hoan phiến[1309]

Dịch nghĩa

Mới chế thứ lụa mịn trắng ở đất Tề,

Cắt ra làm cái quạt hợp hoan.

Dịch thơ

Lụa Tề mới chế mịn-màng,

Cắt ra làm quạt hợp hoan để dùng.

Tưởng cũng không phải là lạ.

Những điều sưu-tập của sách Sơ học ký và sách Bắc đường thư sao nói về quạt đều là thể-chế ấy cả. Về sau mới có quạt xếp, cũng [11b] gọi là tụ đầu phiến (quạt có những cây nan giụm đầu), bởi vì từ thời Bắc Tống mới có thứ quạt nầy.

Người Nhật-Bổn cũng chế-tạo thứ quạt xếp nầy, mặt có phết vàng, nan bằng tre đen, để đem nộp cống.

Người xưa cho là quạt của người Đông-di, thì quả như vậy.

Nước Nam ta hiện thời có những kiểu quạt như ban trúc phiến (quạt mà nan bằng tre bông), lão mai phiến (quạt mà nan bằng gỗ mai già), tông phiến (quạt bằng lá cây kè), bạch đàn phiến (quạt mà nan bằng gỗ bạch đàn), đại mội phiến (quạt mà nan bằng đồi-mồi), ngưu giác phiến (quạt mà nan bằng sừng bò).

Nan quạt có hai thứ, thứ cong và thứ ngay, lớn nhỏ đều có 22 nan, giấy thì dán hai mặt.

Quạt nước Triều-tiên phất bằng giấy dầu, chỉ có một mặt.

Sách Tam dư chuế bút của nhà nho đời Minh chép: Thói đời dùng vàng bạc làm chiếc nhẫn cho đàn bà đeo ở ngón tay, gọi là giới chỉ.

Sách Ngũ-kinh yếu nghĩa cũng chép: Đời xưa, các phi thiếp hầu ở chỗ vua ngự, lấy chiếc nhẫn bạc đem dâng, tục nầy gốc ở chế-độ đời Tam-đại. Nay gọi chiếc nhẫn ấy là giới chỉ, nước ta gọi nhẫn vàng nhẫn bạc là đấy [12a].

Kiểu đương thời người ta lại thích lấy kim-cương (hột xoàn) và ngọc mắt mèo nhận vào mặt nhẫn, xem rất là quý trọng.

Có một mặt nhẫn giá đắt hơn mười hốt bạc (nén bạc).

Theo sách Cổ Lâm-ấp ký vào thời Lục-triều chép: Vua nước ấy là Minh-Đạt dâng chiếc nhẫn kim-cương. Vậy thì thể-chế của chiếc nhẫn vốn có đã lâu rồi.

Người Tàu gọi là giới chỉ, người Nam ta gọi là nhẫn, ý nghĩa cũng là một.

Ngày nay người ta thường buôn những loại đá quý (bảo thạch) để khảm vào chiếc nhẫn.

Theo sách Bổn-thảo, bảo thạch sản-xuất ở Hồi-hột, Tây-phiên, Vân-nam. Liêu-đông cũng có bảo thạch.

Bảo thạch có mấy thứ: thứ màu hồng, thứ màu lục, thứ màu biếc, thứ màu tía. Lại có mấy thứ ngọc nha-cốt, ngọc miêu-tinh (ngọc mắt mèo) để nhận vào các món đồ dùng để cài đầu, thứ to như đầu ngón tay, thứ nhỏ như hột đậu, những thứ nầy đều mài thành hình hột ngọc châu.

[12b] Nước Hoa-lang (Hollande) có một ngọn núi kéo dài độ 50 dặm, sản-xuất ngọc kim-cương rất cứng, những vật tầm thường không thể nào làm cho nó vỡ nát được.

Lại ở chỗ khác có một ngọn núi sản-xuất một thứ sắt rất cứng bén. Người trong nước lấy sắt ấy rèn thành dao búa, rồi tùy theo sớ đá bửa vỡ lòng đá ra, may được một hòn kim-cương, lại tùy liệu gọt đẽo thành mặt nhẫn để khảm vào chiếc nhẫn.

Những bảo thạch tìm được ở mấy chỗ ấy đều nhỏ bé, chỉ có quốc-vương nước ấy có một viên bảo thạch lưu truyền đời đời to như trái táo, mỗi buổi chầu treo ngọc ấy ở của Viên-môn, ánh sáng lấp lành lập lòe.

Lại có một dãy trường sơn quanh co như hình con rắn bò, người trong nước cũng bổ đá lấy ngọc. Ngọc ấy hình nhọn mà dài mà màu hồng lợt gọi là xà mục ngọc (ngọc mắt rắn), đem bán ở xứ khác, gạt người bảo là mắt rắn thật có ngọc.

Chuyện nầy được nghe ở một người bổn quốc ở xã Liêu-xuyên huyện Đường-hào đã từng theo khách đi tàu sang nước ấy mà thấy [13a] được việc kể trên, ý định rằng thứ sắt cứng bén ấy tức là sách đã gọi kiếm Côn-ngô đẽo ngọc đá như bùn.

Nhưng sách Lĩnh-nam tạp ký có nói đến thứ hấp độc thạch (ngọc hút độc) lại là thứ ngọc trong óc con rắn độc ở đảo Tây-dương, to như hột biển đậu[1310] có thể hút tất cả các thứ nọc độc làm sưng da thịt và các thứ nọc rít nọc rắn nọc bò-cạp, hễ đặt ngọc ấy lên chỗ đau, thì nó dính vào đấy không động đậy, khi nào hút hết nọc độc thì nó tự nhiên rớt ra.

Thứ ngọc nầy phải lấy sữa người mà ngâm nó, hễ thấy sữa biến thành màu lục thì mau lấy ra bỏ. Nếu mình không ngâm vào sữa người thì ngọc ấy nứt vỡ.

Đấy lại là một vật khác.

Quách-Phác[1311] chú-thích sách Sơn-hải kinh có nói: Nay ở cõi ngoài biên-giới sản-xuất đá kim-cương, nó thuộc loài đá mà giống như vàng, có tia sáng long lanh màu sắc, có thể dùng để khắc gạch lên ngọc. Người ngoại quốc đeo nó, nói là để trừ khí độc.

Du-Tử-Lục nói: “Những nhà độ số nối tiếng của các nước Tây-dương (Âu-châu) chế-tạo ra cái kính viễn-vọng (kính để trông ra xa) lấy da [13b] làm ống, dài độ hơn một thước, có bốn năm ống lớn nhỏ chồng vào nhau. Để ống kính đầu nhỏ ở phía trong hướng vào vật gì mà xem thì thấy vật to thành vật nhỏ. Để ống kính đầu lớn ở ngoài hướng vào vật gì mà xem thì thấy vật nhỏ thành vật to.

Cách xa độ một trăm dặm mà không có mây khói ngăn che thì thấy cả râu tóc của người và thấy người vui cười.

Trong khoảng niên-hiệu Vạn-lịch (1573- 1619), thứ khí-cụ nầy được đưa vào nước Trung-hoa” .

Du-Chiếu nói: Ống kính xem trời (télescope) đặc biệt làm bằng pha-lê, cuốn giấy làm ống, đặt kính ở hai đầu. Kính thì ở ngoài phẳng, ở trong lõm, trong ngoài thấu suốt, vì lẽ dùng mặt phẳng ở ngoài để thu hình các vật, dùng mặt lõm ở trong để phóng đại hình ảnh các vật ra.

Cái ống có mấy khúc chồng vào nhau có thể kéo ra dài và dồn ngắn lại, để trông xa cũng như trông gần, để trông ra to và xem thành nhỏ.

Sách Thuyết-linh[1312] chép: Gương đeo mắt (nhãn kính hay mục kính) gọi là ái đãi sản-xuất ở nước Mãn-thích-gia xứ Tây-vực, hình chất mỏng mà thấu [14a] quang, như thủy-tinh pha-lê, lấy vàng bọc vòng tròn mặt kính, rồi kéo ra làm gọng-kính, hợp lại thì làm một, kéo ra thì làm hai.

Cũng có thứ kính gọng thẳng không xếp lại được.

Người già dùng mắt kính để yên ở đầu sống mũi thì có thể xem được chữ nhỏ, tinh-thần gia tăng gấp bội.

Vua Tuyên-tông nhà Minh lấy nhãn kính ban cho Hồ-Tông-Bá.

Lại có quan Tham-chính Tôn-Cảnh-Chương đem con ngựa hay đổi với người lái buôn ở Tây-vực lấy một kính đeo mắt.

Thời nhà Minh còn quý trọng kính đeo mắt như thế. Đến nay chỉ vài phân bạc là có thể mua được một kính đeo mắt rồi.

Sách Tục Thuyết phu dẫn sách Phương châu tạp lục của Minh nho đại để nói: Kính đeo mắt (ái đãi) là vật ít thấy trên đời, cũng như thứ vải hỏa hoãn bố (thứ vải vào lửa không cháy).

Sách Thuyết-linh cho rằng: Chép những việc ấy hoàn toàn là dẫn lời mà thôi.

Bão-Phác-Tử[1313] nói: Người châu Giao châu Quảng thường làm cái bồn bằng thủy-tinh thứ giả.

[14b] Độc thực[1314] (dọn cả bàn mâm cỗ mà ăn) bắt đầu từ đời vua Hán Văn-đế. Vua Hán Văn-đế sai quan Thái-giám ban cho Thái-tử (Khải) một bàn mâm cỗ để dùng mỗi bữa ăn.

Trong thời Ngũ-đại, nhà giàu khi ra chơi xa có đem theo mâm cỗ để ăn, đều dùng cái bàn sơn đỏ (hưu độc) để mâm cỗ, đậy lên bằng cái lồng bàn hai lớp màu tía biếc, có hai người khiêng đi. Những bàn đặt mâm cỗ nầy được khiêng đi đông-đảo thành hàng giống như hàng chim nhạn. Người ngoài đứng xem gọi là nhạn độc (bàn đặt mâm cỗ khiêng đông-đảo lũ-lượt như hàng chim nhạn).

Xem sách Thanh dị lục thì có thể thấy phong-tục xa-hoa lúc bấy giờ.

Đời xưa có cái quỹ bằng vàng (kim quỹ), hình-dáng chế như cái đẳng hàm (?) ngày nay.

Sách Kinh Sở tuế thời ký[1315] chép: Đánh đu (thu thiên) là trò chơi của người Sơn Nhung ở phương bắc để tập nhảy cho nhẹ-nhàng.

Kéo dây là trò chơi lấy sợi xe thành dây, rồi đánh trống, hai bên cùng kéo.

Phần Kiên-chí trong sách Tống-sử chép: Phốc mãn (ống để tiền dành-dụm) lấy tre khoét lỗ làm vật để chứa tiền, có lỗ bỏ tiền vào mà không có [15a] lỗ lấy tiền ra, hễ ống đã đầy tiền thì đập ống mà lấy tiền (cho nên gọi là phốc mãn, phốc là đánh; mãn là đầy).

Sách Loại-tụ chép: Cái ống khóa dùng để khóa cửa thì phải làm hình con cá, lấy ý: (con cá) không nhắm mắt để trông giữ ban đêm.

Sách nầy lại chép: Biển Đông có loài cá, cái đuôi của nó giống như đuôi chim ó, hễ nó phun sóng thì trời mưa. Từ đời nhà Đường trở về sau người ta bèn làm hình con cá ấy đặt ở sống nóc nhà để trấn át hỏa tai.

Sách Kê lặc biên[1316] chép: Sợi dây câu có cột một cọng cỏ lau, gọi là phù tử (miếng nổi), hễ thấy miếng nổi nầy chìm thì biết cá đã mắc rồi.

Thoái-Chi[1317] làm thơ Điếu ngư thi có câu:

羽沉知食駛

Vũ trầm tri thực sử

Nghĩa là

Cái lông (làm phao) chìm thì biết cái mồi bị cá cắn chạy đi.

Do đó mà biết đời nhà Đường, miếng nổi (cái phao) làm bằng lông (ngày nay người ta dùng lông ngỗng làm miếng nổi gọi là phao).

Đỗ thi có câu:

翡翠鳴衣桁

Phỉ thúy minh y hãng[1318]

Nghĩa là

Chim phỉ thúy kêu trên giá phơi áo.

Lý-Gia-Hựu[1319] có câu thơ:

柳色侵衣桁

Liễu sắc xâm y hãng

Nghĩa là

Sắc liễu xanh xâm vào giá phơi áo.

Sách Cúc pha tùng [15b] ngữ chép: Thói tục có cây sào phơi áo là cây tre dùng để phơi áo.

Sách Tục bác vật chí chép: Chiếc diều bằng giấy ngày nay, kéo sợi tơ bay lên khiến con trẻ giương mắt trông theo để bài tiết khí nhiệt trong mình là do người xưa làm ra, tuy là vật nhỏ mọn để chơi đùa mà cũng có thâm ý.

Phần Vật-nguyên trong sách Tiềm xác thư chép: Hàn-Tín[1320] làm chiếc diều giấy.

Sách Quảng-đông tân ngữ[1321] chép: Việc thả diều giấy, vùng Lĩnh-bắc chơi vào tháng 9, vùng Lĩnh-nam chơi vào tháng 2 tháng 3.

Sách Thế-bổn chép: Thiếu-Khang đầu tiên chế ra cái ky[1322] cái chổi.

Chú: Thiếu-Khang tức Đỗ-Khang (người có tài làm rượu).

Sách Tạp-ngũ hành thư chép: Thường thường lấy ngày mùng 3 tháng giêng mua ky bốn cái treo trên vách nhà chính đường, khiến người ta buôn bán được lời, làm ruộng trồng dâu thì tiền vạn bội cứ đưa vào.

[16a] Thiên Nguyên-vật trong sách Lữ-lãm (tức sách Lữ thị Xuân-thu)[1323] chép: Hồ-Tào[1324] chế ra áo, Hậu-Nghệ[1325] chế ra cung, Chúc-Dung[1326] chế ra chợ, Nghi-Địch[1327] chế ra rượu, Cao-nguyên[1328] chế ra nhà, Ngu-Hú[1329] chế ra thuyền, Bá-Ích[1330] chế ra giếng, Xích-Ký[1331] chế ra cối, Thừa-Nha chế ra xe ngựa, Hàn-Ai[1332] chế ra phép đánh ngựa kéo xe, Vương-Băng[1333] chế ra cách thắng xe bò, Sử-Hoàng[1334] chế ra họa đồ, Vu-Bành[1335] chế ra phép trị bịnh, Vu-Hàm[1336] chế ra phép bói.

Sách Thế-bổn chép: Ông Dư chế ra áo giáp[1337].

Tống-Biểu chú-thích rằng: “Ông Dư là Thiếu-Khang” .

Quản-Tử nói: “Xi-Vưu[1338] lấy sắt làm gươm và áo giáp sắt”[1339].

Liệt-Tử nói:” Hoàng-đế và Viêm-đế đánh nhau, làm cờ xí có hình chim điêu (chim diều), chim hạt[1340], chim ưng (chim cắt), chim diên (diều hâu).

Sách Động-minh ký[1341] chép: Hoàng-đế lấy sắt ở núi Thú-sơn rèn đúc dao.

Sách Thế-bổn chép: Ông Huy làm cung, ông Di-Mâu[1342] làm ra tên.

Chú-thích: Hai ông nầy đều là bề tôi của vua Hoàng-đế.