Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 9 - Chương 03

[16b] Sách Uyên-giám loại hàm chép: Vua Cao Hoàng-đế nhà Minh vời các ông Từ-Đạt, Lý-Văn-Trung, Phùng-Thắng yến tiệc và thi bắn, có ban cho 50 cây cung Giao-chỉ, 100 cây đồng cung[1343].

Sách Bác vật chí chép: Người Sơn-man ở Giao-châu gọi là lý tử. Cây cung của họ dài mấy thước, cây tên của họ dài hơn một thước, lấy đồng làm đầu tên, lấy thuốc độc bôi ở mũi tên, người nào bị bắn trúng thì chết.

Ngày nay người Sơn-man cũng còn dùng như thế. Cọp beo thấy họ đều phải tránh xa.

Quản-Tử nói: “Ông Bá-Cao tâu với vua Hoàng-đế[1344] rằng:

- Ở trên có đan sa (cát đỏ) thì ở dưới có hoàng kim (vàng). Ở trên có từ thạch (đá nam châm) thì ở dưới đất có loài kim. Ở trên có lăng thạch (đá có góc cạnh) thì ở dưới đất có chì, thiếc và đồng đỏ. Ở trên có đất đỏ thì ở dưới có sắt.

Núi được quý là thế.

Quản-Tử nói với Tề Hoàn-công [17a] rằng: “Ở trên có chì thì ở dưới đất có bạc sống. Ở trên có đan-sa (cát đỏ) thì ở dưới đất có vàng sống.

Núi được quý là thế. Phải rào kín cẩn-thận mà cấm ngặt. Đó là những chỗ có các thứ tài lợi của trời đất” .

Tôi khảo-cứu sách Cựu học ký thấy chép: Cứ 500 năm những danh sơn (núi nổi tiếng) trong thiên-hạ mở ra một lần. Lúc núi mở ra, những tinh chất của loài kim và loài đá phun vọt ra.

Vận khí của trời đất quan hệ với nhau không phải là nhỏ. Xưa qua nay lại, việc mở đóng không nhất định.

-Sách Động thiên thanh lục chép: Đồ bằng đồng chôn trong đất được ngàn năm thì biến thành toàn màu xanh như lông chim trả. Sắc xanh nầy sau giờ tý thì hơi lợt, sau giờ ngọ thì có âm khí, màu xanh ẩm-ướt muốn nhểu giọt. Nếu có chỗ đất ăn khoét, hoặc có chỗ bị lủng bị bóc ra và như có dấu chữ triện tự nhiên hoặc có dấu búa đục thì là đồ giả.

Đồ đồng [17b] thì toàn màu lục mà trơn bóng như ngọc (khi chôn được ngàn năm), còn chôn chưa được ngàn năm thì chỉ có màu lục mà không trơn bóng, những chỗ bị ăn khoét cũng như trước.

Chất đồng xưa lưu truyền nhiều đời chưa từng bị ngâm nước chỉ để ở cõi nhân-gian thì có màu tía vàng sạm đen không trơn bóng mà có đốm như chu-sa, chỗ nào nhiều thì dấu đốm nổi lên cao như chất thần-sa (chu-sa) thứ thượng đẳng.

Nếu cho vào nồi đun sôi nó khá lâu thì những đốm ấy càng hiện rõ.

Còn thứ giả là thứ mà người ra lấy dầu sơn hòa với chu-sa mà làm, dễ phân-biệt.

Ba thứ đồng xưa đều không có mùi tanh, nếu là thứ giả, chà xát vào lòng bàn tay cho nóng thì mùi tanh của đồng hất vào mũi ngay.

Còn chữ khắc lên đồ đồng xưa, nhà Hạ dùng chữ triện lối dấu chân chim, nhà Thương dùng chữ triện lối côn-trùng và cá, nhà Chu dùng chữ Đại-triện[1345] lối côn-trùng và cá, nhà Tần dùng chữ đại-triện và tiểu-triện[1346], nhà Hán dùng chữ tiểu-triện và chữ lệ[1347], nhà Tấn nhà Tống trở về sau dùng chữ khải[1348], nhà Đường dùng chữ khải và chữ lệ, thời Tam đại dùng chữ khắc chìm (âm chí) gọi là chữ yển nang, chữ loại nầy lõm [18a] vào trong, từ đời nhà Hán trở về sau có khi người ra dùng loại chữ nổi, chữ loại nầy lồi lên cao. Chữ lõm thì dùng dao mà khắc như khắc bia vậy, bởi vì chữ chìm thì khó đúc nhưng chữ chìm dễ làm. Hễ có chữ nổi thì quả quyết không phải đồ xưa.

Đời xưa dùng lá tiêu-ngải[1349] đốt để thông đạt lên thần minh mà không có đốt hương, cho nên không có lò hương. Vật mà ngày nay người ta gọi là lò hương đều là lấy đồ vật để cúng tế trong tông miếu của người xưa mà làm.

Tước lô là cái lò hương giống hình cái chén rượu đời xưa.

Nghê lô (cái lò có hình con sư-tử) là cái vũ đậu[1350] đời xưa.

Hương cầu là cái lồng ấp đời xưa.

Những thứ nầy có nhiều hạng khác nhau.

Loại đồng xưa phần nhiều có thể trừ tà ma, cho nên người ta nên chứa cất trong nhà.

Sách Quang-ký chú của Trịnh-Giải đời Tống chép: Cái tước (chén uống rượu) đựng được một thăng. Cái [1351] đựng được hai thăng. Cái giác[1352] [18b] đựng được bốn thăng. Cái di[1353] đựng được ba đấu. Cái anh[1354] đựng được sáu đấu. Cái kiên[1355] là đồ gốm đựng được năm đấu. Cái lôi[1356] đựng được mười đấu là một thạch. Cái hồ[1357] cũng thế. Cái kim-lôi[1358] đựng được một hộc. Cái phủ[1359] là cái bồn nhỏ bằng đất hầm. Cái chung[1360] bằng hai cái phủ. Cái bình[1361] giống cái chung mà cổ dài. Cái thược[1362] là đồ dùng múc rượu đựng được một thăng.

Sách Tam tài đồ hội chép: Cái bình là đồ dùng để đựng rượu, hình dáng của nó giống như cái bình hoa ngày nay. Cái phủ là đồ đựng muối đựng tương, hình dáng của nó giống như cái ủng (cái vò) bằng đất hầm ngày nay.

Cái lam (cái rổ) là vật-dụng bằng tre, thứ không có cột dây gọi là cái khuông (cái giỏ tre), thứ có cột dây gọi là cái lam, to như cái đấu, lại gọi là cái linh-sao[1363].

Vật dùng để hái dâu đựng trái cây dễ cầm xách cũng gọi là cái lung (cái lồng).

[19a] Sách Ngũ tạp trở[1364] chép: Cái hầm xưa chỗ có nước gọi là đảm thủy, chỗ không có nước gọi là đảm thổ. Hầm đảm thủy (có nước) có thể dùng ngâm đồng. Hầm đảm thổ (không có nước) có thể dùng nấu đồng.

Theo sách Tống sử chí, Hàn-Cầu đúc tiền mới, lấy hầm đảm thủy (có nước) chứa và ngâm một số đồng làm ngạch số. Có chú phép ngâm đồng như sau:

Lấy sắt sống rèn thành miếng mỏng xếp để trong máng ở hầm đảm thủy, ngâm nước vài ngày. Những miếng sắt ấy bị đảm thủy ăn mỏng, sinh ra thứ than đỏ ở trên mặt. Cạo lấy thứ than đỏ ấy cho vào lò nấu ba lần thì thành đồng, đại để dùng sắt hai cân một lượng thì được một cân đồng.

Ở Nhiêu-châu có Hưng-lợi trường, ở Tín-châu có Diên-sơn trường, đều có ngạch thuế. Đó gọi là đảm đồng.

Sách Hành trù tập lại chép: Trui[1365] sắt với đảm phàn thì biến sắt thành đồng

[19b] Sách Bác vật chí[1366] chép: Núi có cát thì sinh ra vàng, có thóc thì sinh ra ngọc.

Thi-tử nói: “Chỗ nước xoáy tròn thì có hột châu, chỗ nước xoáy vuông thì có ngọc” .

Sách Biệt bảo kinh chép: Hễ đá có chứa ngọc, mình đem đá ấy soi lên đèn mà xem thì thấy ở trong có ánh sáng hồng như lúc mặc trời mới mọc, thì biết là có ngọc.

Sách Quảng bác vật chí chép: Núi mà ở dưới có bạc thì ở trên phải mọc cây hành, ở dưới có vàng thì ở trên phải mọc cây hẹ, ở dưới có đồng có thiếc thì ở trên có mọc cây phương-thảo, hễ thấy cọng vàng đẹp-đẽ thì biết ở dưới chứa đồng.

Núi có chứa bạc thì ở trên có nhiều móc trắng.

Sách nầy lại chép: Đồ bảo vật (vật quý báu) ở dưới thành quách gò tường thì cây cối ở đấy biến đổi. Thấy bên cành to có nhánh nhỏ gãy, đó là điều để chiêm-nghiệm: Thấy cành nhỏ gãy hướng về đâu thì bảo vật ở về phía ấy.

Hễ có đồ vàng quý báu thì nó thường biến thành con rắn, thấy nó thì cởi giầy hay dép ném [20a] nó hay đái nước tiểu lên nó thì bắt được.

Thuyết nầy thật là quái đãng.

Sách nầy lại chép: Vàng trừ được ma quỷ. Đá kim-cương trừ được chất độc dữ.

Phải biết điều này.

Sách Địa kính đồ chép: Của-cải giấu ở dưới gò đống thì cây cối ở đấy biến đổi. Cây-cối bị gãy khô thì bên cạnh có của-cải ở hướng chỗ gãy. Của-cải ở phía nam thì cách cây ấy 8 thước. Của-cải ở phía đông thì cách cây ấy 6 thước.

Khí của chất bạc trong đêm trắng toát tản mác trên mặt đất, lấy tay đùa thì khí bạc ấy theo tay hợp lại.

Hễ thấy cỏ xanh cọng đỏ thì biết ở dưới đất có nhiều chì.

Sách nầy lại chép: Muốn biết bảo vật ở đâu thì trong ban đêm lấy cái kính to mà soi, hễ thấy ảnh như ánh sáng trong kính, thì biết bảo vật ở dưới đấy.

Sách nầy lại chép: Khí vàng màu đỏ, ban đêm thấy có ánh lửa và con chuột trắng.

[20b] Sách Bổn-thảo chép: Ngọc thường sản-xuất ở trong sông Lư-dung thuộc đất Nhật-nam.

Đất Nhật-nam nay là trấn Nghệ-an. Lư-dung không rõ là chỗ nào.

Sách Vân tiên tạp ký chép: Trong núi có ngọc thì cành ở bên cạnh rủ xuống.

Sách Ngọc kinh đồ chép: Tháng hai, thấy cây cỏ trên núi mọc lên nhọn mà rủ xuống thì biết là có ngọc.

Thất bảo (bảy món quý báu) trong kinh Phật là nói: lưu-ly, xa-cừ, mã-não, pha-lê, trân-châu[1367].

Sách Di mưu lục chép: Trong niên-hiệu Trường-phù (1008- 1016), vua Chân-tông nhà Tống nói: “Trong niên-hiệu Hàm-bình (998- 1003) giá bạc một lượng là 800, giá vàng một lượng là 5.000. Giá sao tăng vọt như thế? ”

Không biết lúc bấy giờ giá vàng giá bạc là bao nhiêu.

Sách Tống hội yếu[1368]chép: Quan Bí-thư thừa là Chu-Chính-thần nói: “Lúc trước làm thông-phán ở Quảng-châu thấy khách thương ở phiên trấn [21a] thường sang Giao-châu buôn bán đem thứ tiền chữ Lê 黎 và tiền sa-lạp đến Quảng-châu, làm rối loạn phép tiền-tệ của Trung-quốc” .

Đấy tức là tiền mà nhà Tiền-Lê nước ta đã đúc ra, bề mặt đồng tiền ấy có chữ Thiên phúc trấn bảo 天福鎮寶, bề lưng có chữ Lê 黎.

Đồng tiền nầy nay vẫn còn, nhưng ít thấy.

Sách Quy điền lục của Âu-dương-Tu chép: Phép dùng tiền từ đời Ngũ-đại trở về sau, cứ 77 đồng làm một mạch[1369] gọi là tỉnh mạch (tỉnh, bớt).

Nay việc giao-dịch (đổi chác) trong chợ-búa lại rút đi năm đồng nữa gọi là y trừ.

Trong niên-hiệu Khang-hy (1663- 1723), sách Thiên lộc chí dư của Cao-Sĩ-Kỳ[1370] có nói: Nay ở kinh-đô người ta lấy 32 đồng làm một mạch (1 tiền). Gần đây lại giảm nữa, lấy 30 đồng làm một mạch (1 tiền). Trong chợ, người mang tiền thông-dụng không cho đấy là lạ. Thế thì lúc bấy giờ, cái tệ thông-dụng tiền càng quá lắm hơn đời trước nữa,

Nhưng nay ở Trung-châu [21b] đã không có cái tệ ấy, người ta lấy một trăm đồng làm một mạch (1 tiền).

Ở nước Nam ta, 36 đồng gọi là một sử tiền, 60 đồng làm một mạch, gọi là cổ tiền.

10 tiền sử tiền lại là 6 tiền cổ tiền là một quan sử tiền.

10 tiền cổ tiền lại là một quan sử tiền.

6 tiền 24 đồng cũng gọi là một quan cổ tiền.

Lúc bấy giờ công tư đều thông-dụng. Ban thưởng cấp phát thì lấy sử tiền mà tính. Còn trưng thu nộp thuế thì lấy cổ tiền mà tính.

Đời gần đây thì dùng toàn cổ tiền.

Còn sử tiền thì việc mua bán trong dân gian còn dùng.

Sách Quảng-đông tân ngữ của người nhà Minh chép: Ở Giao-châu người ta còn dùng tiền nhà Tống, lấy 50 đồng làm 1 mạch (1 tiền).

Nay ở Trung-quốc tiền giấy và giấy bạc mỗi nơi đều không đồng nhau. Ở Nam-ninh người ta dùng toàn hồng tiền Khang-hy, những [22a] loại tiền khác đều không dùng.

Bạc một lượng giá 1.000 đồng.

Ở Tầm-châu và Ngô-châu, các loại tiền đều được dùng.

Tiền cổ bằng thục đồng 100 đồng ăn 120 đồng tạp tiền.

Ở Quế-lâm các thứ tiền đều được dùng. Tiền Càn-long, tiền Ung-chính, tiền Khang-hy thứ lớn 100 đồng ăn 150 đồng tạp tiền.

Ở nước Nam ta, tiền gián thứ nhỏ và các thứ tạp tiền đồng nhau.

Bạc một lượng giá 860 đồng tiền lớn.

Ở Toàn-châu tạp tiền không dùng, quý trọng nhất là tiền Khang-hy đều có chữ quế 桂, 100 đồng tiền Khang-hy ăn 200 đồng tiền lớn.

Bạc một lượng giá 400 đồng quế tiền.

Ở Hồ-nam đến Nam-kinh các loại tạp tiền đều không dùng, người ta chỉ dùng tiền lớn và tiền Tiểu hoàng Khang-hy. Tiền lớn 80 đồng ăn 100 đồng tiền Tiểu-hoàng.

Bạc một lượng giá 800 đồng tiền lớn.

Ở Dương-châu đến Hoài-an người ta thích nhất tiền gián thứ nhỏ. Mỗi một đồng tiền gián nhỏ đổi được 3 đồng tiền lớn.

Ở Sơn-đông người ta dùng tiền như ở Nam-kinh, nhưng 100 đồng tiền lớn ăn 200 đồng tiền nhỏ. Người ta lại gọi tiền lớn là lão tiền.

Bạc một lượng giá không đầy 800 đồng tiền nhỏ.

Ở Trực-lệ người ta dùng tiền như ở Sơn-đông, gọi tiền lớn là Hoàng-tiền, lại gọi là chế-tiền, lại gọi là Lão-quan bản văn.

Bạc một lượng giá không đầy 800 đồng quan tiền. Thông-dụng là Mao-ngân ăn 750 đồng.

Ở xứ nầy người ta xâu tiền một trăm đồng làm một quan, trong mỗi quan thiếu một hay hai đồng.

Từ-châu ở Hà-nam đồ gốm nhiều nhất, cho nên tục gọi đồ gốm là đồ sành.

Sách Ngũ tạp trở chép: Trấn Cảnh-đức ở Nhiêu-châu đồ gốm đem bán khắp thiên-hạ.

Trong thời nhà Minh mỗi năm [23a] Nội-phủ ban một kiểu mẫu để làm đồ sành, có ghi niên-hiệu ở dưới trôn, nhưng đồ sành chế-tạo trong niên-hiệu Tuyên-đức (1426- 1435) là tinh khéo nhất chẳng kém gì đồ sành đời Tống.

Nay lò hương có chữ Tuyên-đức 宣德 (1426- 1435) thật là tinh thuần trơn đẹp, màu sắc không có chút cặn thô gì, tục thường quý chuộng.

Có cái bình đựng thuốc hút có chữ Kiến viêm 建炎 (1127- 1130) là đồ đời Tống chế-tạo, nhà thế gia cho là đồ cổ lạ kỳ, giá đắt đến ba bốn mươi quan tiền. Người đánh bạc đem đổi lấy tiền để gỡ gạc, nay không biết lạc ở đâu.

Số tiếng chuông đánh buổi sáng buổi chiều (ở các chùa) trong thiên-hạ là 108. Đó là số của một năm, bởi vì một năm có 12 tháng, 24 khí và 72 hậu là đúng con số ấy (12 + 24 + 72 = 108). Đó là thuyết mà sách Kiên hồ tập[1371] đã nói.

Sách Giao châu ký của Lưu-Hân-Kỳ chép: Núi Phù-nham ở Cửu-chân sản-xuất khánh đá.

Sách Quảng dư ký chép: Núi An-hoạch ở huyện Đông-sơn nước Giao-chỉ sản-xuất thứ đá rất đẹp.

Quan Thái-thú ở Dự-chương đời Tấn là Phạm-Ninh đã từng sai sứ đến đấy lấy đá làm khánh.

Núi nầy nay ở thôn Nhuệ và thôn Quảng-nạp. Người bổn thổ đục lấy đá làm cối giã cối xay cột cầu, không có nghỉ ngày nào, núi ấy cơ hồ sạch nhẵn.

Quan Thượng-thư Lê-Hữu-Kiều, trong những ngày trấn nhiệm ở Thanh-hóa có sai người lấy đá đẽo làm khánh hình con cá, có khắc bài minh như sau:

獲山鳴石,色碧而細潤,叩之清越,迥然有出塵之韻.諒知地産之美今古畧同.

Hoạch sơn minh thạch, sắc bích nhi tế nhuận, khấu chi thanh việt[1372], huýnh nhiên hữu xuất trần[1373]chi vận. Lượng tri địa sản chi mỹ kim cổ lược đồng.

Dịch nghĩa

Thứ đá đánh rất kêu ở núi Hoạch-sơn, màu xanh biếc, mịn-màng và trơn bóng (làm khánh) đánh lên thì phát ra tiếng trong-trẻo nghe ra xa, tuyệt vời có thinh vận thoát tục. Suy độ mà biết rằng những vật đẹp quý sinh-sản ở đất đại lược đồng nhau từ xưa đến nay.

Ông đã từng vâng lịnh đi sứ sang Tàu mua được hai cái khánh. Một cái ông mua được ở bến sông Tứ, vốn có khắc chữ Ngọc khánh 玉磬, hình tròn dài, lưng lõm vào trong, có đục cái lỗ vuông để [24a] treo, đá màu xanh biếc, không có một tý lằn sớ. Một phiến trong sáng trơn bóng như ngọc, phát ra tiếng trong-trẻo rõ-ràng (khi đánh lên) lại mang theo phong vận lặng lẽ trọng hậu đầy tai. Tiếng vang thì ngân ra xa.

Một cái nữa mua ở phố Thiên-tân. Đó là món vật ở hải-ngoại, hình con cá chép, xoi lỗ ở bụng mà treo, màu trắng, có hình vảy cá rõ-ràng, tiếng kêu cũng trong trẻo nghe ra xa.

Sách Lĩnh biểu lục dị[1374] chép: Người Giao-chỉ thường lấy trái bầu không cuống, cắt ra làm cái sênh, ở trên gắn 13 ống sáo để thổi, âm vang trong-trẻo tao-nhã hợp luật lữ.

Trong những ngày đi xứ sang Tàu, tôi thấy bi kệ[1375] xưa rất nhiều. Người Tàu chọn đá tinh nhất, màu sắc không có gân sớ, nhưng không dày lắm, độ hai ba tấc.

Chân bia khắc thành hình con rùa cách mặt đất cũng không cao lắm, chữ trên bia viết to và [24b] khắc sâu.

Ở trên và ba mặt đều có lợp xây gạch ngói, ở ngoài phết vôi dày sạch-sẽ. Người bổn thổ tu bổ luôn cho nên có thể lưu truyền được lâu đời.

Bia ở nước Nam, chữ viết nhỏ và khắc cạn, chân bia làm hình con rùa quá cao, hoàn-toàn không có cái gì để ngăn che mưa gió xâm phạm, rong rêu mọc khắp, trải qua lâu ngày thì không thể phân biệt mà đọc được.

Thợ đá bên Tàu rất khéo, tiền công rất rẻ, một tấm bia chỉ phí vài lượng bạc, không phải như ở nước ta, một tấm bia phải phí hơn trăm quan tiền.

Than ôi! Người ta ghi tên vào kim thạch[1376] mà kim thạch không phải là vật không mục nát.

Bi kệ đời nhà Hán nhà Đường đến nay quả còn đâu?

Đó là điều mà vua Văn-đế nhà Tùy đã nói: “Bia chỉ để người ta làm đá để trấn lấp mà thôi” .

Đỗ-Nguyên-Khải gìm bia xuống Hán đàm và nói: “Biết đâu chỗ nầy ngày sau chẳng là đất bằng? ”

Lời nói cũng là háo kỳ.

[25a] Hoài-Nam-Tử nói: “Thuyền rồng có vẽ hình chim ích[1377] ở mũi” .

Cao-Dụ chú-thích rằng: “Ích là loài chim to, cho nên người ta vẽ hình chim ích ở mũi thuyền” .

Sách Ngô-chí chép: Quan Thái-phó Gia-cát-Khác[1378] chế làm thuyền đầu vịt.

Thiên Hề-nang trong sách Thuyết-phu chép: Ngô-Tôn-Quyền đóng thuyền, nằm mộng thấy một ông già đến bảo: “Cái lưỡi chèo phải vạt bớt sống cho mỏng. Cái bánh lái phải vạt bớt bằng cái bảng cho mỏng thì một ngày thuyền có thể đi ngàn dặm” .

Ngô-Quyền cho làm y theo phép ấy, quả nhiên thuyền đi rất nhanh.

Nay lái và chèo trên thuyền không bao giờ không làm như thế.

Sách Vũ bị chí chép: Nước ta đóng thuyền không giống như nước Tàu: Dùng cây to lấy ván vuông mà ghép kết lại, không dùng đinh sắt mà đóng, chỉ dùng những miếng sắt kết liền, không dùng xơ gai nhúng dầu đồng mà xảm, chỉ dùng cỏ [25b] xảm chỗ kẽ hở mà thôi, phí sức rất nhiều và phí của rất lớn.

Lá buồm vải thì treo ngang chính giữa không giống như Tàu treo lệch một bên.

Cái máy cuốn thường lỏng-lẻo không giống như của người Tàu thường vững chắc.

Nay thuyền đi biển cũng giống như thế.

Năm Khang-hy thứ 25 (1686) Trung-quốc sai quan Lễ bộ Lang-trung Chu-Xán[1379] sang nước Nam điếu tế Tiên quốc-vương.

Triều-đình nước Nam có sai đem năm chiếc binh thuyền đón rước qua sông.

Chu-Xán có thơ tức sự rằng:

曈嚨日炤富良江

青雀黄龍列畫艭

金甲健兒齊鼓棹

虹牵錦纜渡高矼

Đồng long[1380] nhật chiếu Phú-lương giang.

Thanh tước hoàng long liệt họa sang[1381].

Kim giáp kiện nhi tề cổ trạo

Hồng khiên cẩm lãm[1382] độ cao giang[1383].

Dịch nghĩa

1) Lúc gần sáng, mặt trời chiếu xuống sông Phú-lương,

2) Những chiếc thuyền có vẽ hình chim sẻ xanh và rồng vàng sắp bày ra;

3) Những trai tráng mặc áo giáp vàng cùng khua chèo tề chỉnh,

4) Cầu vồng (cái mống) như sợi dây gấm kéo thuyền lướt qua cầu đá cao.

Dịch thơ

Hừng đông nắng chiếu Phú-lương giang,

Thanh tước hoàng long sắp sẵn-sàng;

Trai tráng giáp vàng chèo nhịp điệu,

Cầu cao dây mống kéo sang ngang.

Ông tự chú-thích rằng: Thuyền nước An-nam như cánh hoa sen, chế tạo rất tinh khéo chắc chắn, tay chèo nai-nịt hùng-vĩ, cử-chỉ có tiết-độ.